C ái chết bi tráng
-Ông bắn hộ tôi một phát vào giữa ngực để tôi khỏi
nhìn thấy thực dân dày xéo lên lá cờ cách mạng!
Đó là câu nói cuối cùng của Lương Ngọc Quyến trưa hôm
mồng 5-9-1917, lúc Thái Nguyên đang thập phần nguy cấp vì
thiếu quân tiếp viện. Quang Phục quân được lệch rút
lui sau 7 ngày giành được độc lập cho Thái Nguyên. Đội
Cấn đã sắp sẵn cáng võng để đưa ông đi theo, nhưng
ông cương quyết từ chối, không muốn để anh em nghĩa
quân phải chậm trễ trên đường rút lui mà mỗi bước
phải quay lại chống trả với địch. Ông quyết định
chết ở Thái Nguyên, lấy hồn tiễn đưa nghĩa quân. Bắt
đắc dĩ, Đội Cấn phải làm theo ý nguyện ấy, sau khi
sụp xuống lạy vị thủ lãnh 32 tuổi đời, gương mặt
thản nhiên, đang chờ đón một cái chết bi tráng.
Đoàng!!! Một tiếng nổ khô khan, lạnh lẽo đến độ làm
tê lặng cả những trái tim! Nghĩa quân Quang Phục do Đội
Cấn chỉ huy xếp hàng nghiêm chỉnh chào di thể vị anh
hùng, lòng bùi ngùi đau xót, xong đào hố chôn lấp cẩn
thận, san bằng mặt đất rồi mới bỏ đi.
Tuổi trẻ miệt mài
Lương Ngọc Quyến (1885-1917), hiệu là Lập Nham, sinh năm 1885 tại Hà Nội trong một gia đình khoa cử khá giả. Tổ quán là làng Nhị Khê, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông (quê hương Nguyễn Trãi) nay thuộc ngoại thành Hà Nội. Cha là cụ Cử Ôn Như Lương Văn Can, anh cả là ông Lương Trúc Đàm, những người sáng lập và điều hành Đông Kinh Nghĩa Thục (1907). Thưở nhỏ Ngọc Quyến cũng dùi mài kinh sử, miệt mài với chồng sách cũ, dũa vần gọt chữ để mong có ngày tranh khôi đoạt giáp cùng các bạn. Khóa thi Hương năm Canh Tý (1900) vừa tròn 15 tuổi anh hăm hở lều chõng lên đường. Nhưng bị hỏng vì bài phú, anh liền tỉnh ngộ, nhận ra lối học khoa cử từ chương là hủ bại. Chính nó đã làm cho dân mình hèn, nước mình mất. Rồi anh tìm đọc sách tân học của Trung Quốc, rất tâm đắc với tư tưởng duy tân cách mạng của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, anh sớm nhận ra thanh niên Việt Nam phải mau học tập binh cơ võ bị tân thời mới mong đánh đuổi được kẻ thù, giành lại quyền tự do độc lập cho đất nước.
Tìm đường cứu nước
Năm 1905, vừa tròn 20 tuổi, Lập Nham quả quyết từ bỏ
cuộc sống sang giàu chốn Hà thành, bái biệt cha mẹ, làm
giấy cho phép vợ hiền cải giá, rời bỏ đứa con gái
nhỏ mà đi.
Phan Bội Châu,trong Ngục trung thư có viết về người thiếu
niên quả cảm họ Lương như sau:
"Tháng 10 năm Ất Tỵ (1905), tôi đến Hoàng Tân, về
nhà trọ cũ đã thấy nói có một thanh niên học sinh ta
đã đến ở đó trước, có ý chờ đợi hỏi thăm về
tôi… Thì ra là Lương quân Lập Nham, con Cụ Cử Ôn Như.
Tôi xem ra người có khí phách hăng hái, đôi mắt sáng quắc,
đầu tóc còn để bờm xờm. Một thanh niên chứa sẵn kỳ
khí, có hoài bão cao xa, chỉ nghe nói tôi mới sang Đông
mà đã mạnh bạo bỏ nhà ra đi một thân một mình, không
kể gì gian nan nguy hiểm. Chao ôi! Nếu thanh niên nước nhà
mà được nhiều người có ý chí kiên cường mạo hiểm
như Lương quân thì con đường phục quốc của ta sẽ rút
ngắn được biết bao nhiêu!".
Thời gian đầu ở Đông Kinh, Lập Nham một mặt học Nhật
ngữ để sửa soạn vào trường võ bị Chấn Võ, một mặt
viết thơ về động viên các đồng chí gửi người sang
du học. Trong vòng hai năm đã có trăm học sinh ta được
gửi sang học các trường ở Nhật do các nhà hảo tâm trong
nước tài trợ. Nhưng rồi một hiệp định được ký giữa
Nhật và Pháp yêu cầu Nhật phải trục xuất những người
Việt ra khỏi đất Nhật trong vòng 48 tiếng. Dĩ nhiên hai
ông đầu đàn Phan Bội Châu và Cường Để phải đi trước.
Như rắn mất đầu, anh em Đông Du chới với. Riêng Lập
Nham và em trai là Nghị Khanh nhờ lộn sòng quốc tịch mà
được ở lại.
Sau 5 năm theo học trường Chấn Võ (1906-1911) Lập Nham thi
tốt nghiệp đậu thủ khoa, được Ban Giám khảo khen ngợi
(Ngôi trường này từng đào tạo Tưởng Giới Thạch và
nhiều tướng lãnh khác).
Thực hành binh học
Sẵn có quốc tịch và quân tịch Trung Hoa, Lập Nham liền
rời Nhật đi Quảng Đông để thực hành võ nghiệp. Với
thư giới thiệu của một yếu nhân Trung Quốc từng quen
biết ở Nhật, Lập Nham vào yết kiến Đô đốc Quảng
Đông Hồ Hán Dân. Hồ niềm nở tiếp đãi, hỏi han sở
học, xem bằng cấp, giấy khen rồi tức khắc bổ Lập Nham
làm chức Đại úy chỉ huy một cánh quân hơn nghìn người
đi diệt bọn thổ phỉ đang nổi loạn phá phách khắp nơi.
Ngót một năm xông pha hiểm trở, trải lắm trận kích chiến
nguy cơ đến tính mạng, lập nhiều chiến công, Lập Nham
được thăng chức Thiếu tá coi cả một Lữ đoàn Lục
quân. Anh lại được dịp thực hành sở học ở mức độ
cao hơn, mượn trận địa nước người để thao luyện
đến chỗ thuần thục hòng sau này về phục quốc.
Giữa năm 1914, lợi dụng tình thế rối ren ở Pháp do cuộc
chiến Âu châu đang sôi nổi. Lập Nham bí mật về nước
mong cùng các đồng chí nắm lấy thời cơ chuẩn bị hành
động. trong một cuộc họp mặt kéo dài 4-5 đêm ở Long
Xuyên, nơi Dương Bá Trạc đang an trí, các nhà cách mạng
lão thành đã nhất loạt đề cử Lập Nham lãnh trọng trách
"Khẩn điền, luyện quân" tại Xiêm, công trình
mà trước đây Phan Bội Châu đang làm dở. Nay Lập Nham
sẽ mở mang thêm, chiêu tập kiều bào và bản dân để
lập thành chiến khu, mua vũ khí của nước ngoài do nguồn
tài trợ của các thương gia yêu nước, rèn luyện binh sĩ
chờ thời cơ khởi nghĩa.
Trên đường đi Xiêm, Lập Nham lén ghé thăm cha già, Cụ
Lương Văn Can đang an trí tại Nam Vang, và em trai Nghị Khanh
vừa học ở Nhật lẻn về. Tại đây Lập Nham mới được
tin nhà cho biết anh đang bị kết án tử hình vắng mặt
và truy tầm ráo riết. Thì ra hành tung của anh đã bị bại
lộ do mấy tên bạn phản trắc đã bán đứng Lập Nham
cho giặc để mưu cầu phú quý vinh hoa! Anh đành bỏ dở
kế hoạch được giao, tức tốc về Sài Gòn rồi xuống
tàu trốn sang Hương Cảng. Nhưng số mệnh thật khắt khe,
tại đây anh bị mật thám Anh bắt rồi giao trả cho thực
dân Pháp. Chúng giam anh tại nhà pha Hỏa Lò - Hà Nội, rồi
giải lên Cao Bằng, ra tòa án binh, rồi xuống đề lao Sơn
Tây, ngục Phú Thọ, cho nếm mùi cực hình. Chúng vừa dụ
dỗ vừa tra khảo nhưng vô hiệu, anh nhất quyết không khai
ra các đồng chí và hoạt động của Đảng. Không tìm được
bằng chứng cụ thể chúng hành hạ để anh chết dần chết
mòn, ngày đêm bị cùm xích ác nghiệt, bàn chân anh bị
dùi thủng để xuyên sợi xích qua thay vì xích cổ chân.
Chúng lại giải anh về Hỏa Lò - Hà Nội cho tù cầm cố.
Trước khi phát vãng lên đề lao Thái nguyên để chịu cực
hình khổ sai, chúng cho thân mẫu anh vào thăm, hòng lợi
dụng tình mẫu tử làm đòn chính trị, nhưng vô hiệu.
Ở đề lao Thái Nguyên tuy thể xác bị hành hạ tàn nhẫn,
chân đã què liệt mà ngày đêm vẫn bị cùm xích đớn
đau, nhưng ý chí anh vẫn vươn cao. Nhớ lời mẹ dặn "còn
nước còn tát", anh liên hệ được với Đội Cấn,
một Đội lính khố xanh có ý chí và hoài bão phục thù
cho đất nước, từng nghe danh Lương Ngọc Quyến và hết
lòng kính phục. Hai bên bí mật trao đổi nhờ cô vợ bé
của Đội Cấn là người thầu cơm tù được ra vào đề
lao hàng ngày. Nhờ thế, trong ngục tù đen tối, Lập Nham
đã tìm được một chùm tia sáng soi lại giấc mơ của
anh khi còn ở nhà pha Hỏa Lò - Hà Nội.
Thế rồi giấc mơ của Ngọc Quyến đã thành thực! Chỉ
có điều hơi khác là không phải giữa thành Thăng Long mà
là giữa thành Thái Nguyên. Tuy chỉ có 7 ngày độc lập,
nhưng đã gây một ấn tượng lịch sử đẹp đẽ cho người
đời sau và một niềm an ủi lớn lao cho anh hồn Lương
Ngọc Quyến.
Anh đã ngã xuống dưới viên đạn bất đắc dĩ của Đội
Cấn để rồi hiên ngang đứng mãi trong lịch sử, nêu gương
sáng cho thanh niên của những thế hệ ngàn sau.
Bài thơ trên đây trích từ bài thơ của Lương Ngọc Quyến gửi cho phu nhân Nguyễn Hồng Đính,
người bạn đời đồng thời cũng là đổng chí trên đường bôn ba cứu nước.