Việt Văn Mới
Việt Văn Mới


Tranh của nữ hoạ sĩ Ngọc Mai (SàiGòn)

ĐIỂN TÍCH TRUYỆN KIỀU
và VỤ ÁN GIEO THOI

             

T rong Truyện Kiều, Nguyễn Du dùng hàng trăm điển tích khi một câu, hai câu, khi ba bốn câu nhưng có lẽ công phu nhất là điển tích về Thôi Oanh Oanh - Trương Quân Thụy.

Sau khi đàn cho Kim trọng nghe lần thứ nhất thấy chàng “Xem trong âu yếm có chiều lả lơi”, Thúy Kiều đã phải nói một mạch tới 22 câu (0501-0522) để ngăn chặn việc quá trớn của chàng. Trong 22 câu này, tác giả dùng tới 9 điển tích (Mật độ điển tích thật dày đặc). Chính ở đây ta đọc được:

0511. “...Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay,

Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi-Trương.

0513. Mây mưa đánh đổ đá vàng,

Quá chiều nên đã chán chường yến oanh.

0515. Trong khi chắp cánh liền cành,

Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.

Mái Tây để lạnh hương nguyền,

Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng.

0517. Gieo thoi trước chẳng giữ giàng,

Để sau nên thẹn cùng chàng bởi ai?...”

Thế là để trình bày một điển tích Thôi - Trương, tác giả đã phải dùng tới mười câu thơ và bốn điển tích khác: Mây mưa - Chắp cánh - Liền cành - Gieo thoi mới nêu được tình ý đầy tính thuyết phục của mạch văn cùng ý vị sâu xa của điển tích. Nhất là sau đó Thúy Kiều lại hứa hẹn thật là tình cảm:

“... Vội chi liễu ép hoa nài,

Còn thân, còn một đền bồi có khi!

Thế là:

Thấy lời đoan chính dễ nghe,

Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân.

Và chúng ta lại càng thấy rằng việc dụng điển của Nguyễn Du thực là tuyệt diệu! Cũng chính từ điển tích này mà có vụ án “Gieo thoi” sau đây. Để thấy được cái tinh vi, uẩn áo của việc dùng và hiểu điển tích, chúng tôi xin trích ra sau đây câu chuyện tranh luận giữa giáo sư Đoàn Phú Tứ và thi sĩ Vũ Hoàng Chương( 1 ) có liên quan đến một điển tích: Gieo thoi.

Ngày 9/4/1949 tại trường Trung học kháng chiến và sau đó vào dịp kỷ niệm Nguyễn Du năm 1951, tại giảng đường Văn khoa Đại học Hà Nội, giáo sư Đoàn Phú Tứ có thuyết trình một bài giảng thuyết nhan đề: “Đi tìm chủ từ trong vài đoạn văn Đoạn Trường Tân Thanh” (2) . Sau khi phân tích và đánh giá vấn đề chủ từ trong Truyện Kiều, giáo sư đề cập đến “những vụ hiểu lầm” trong bốn khổ thơ Kiều, trong đó có Vụ án Gieo thoi liên quan đến vấn đề hiểu một điển tích như thế nào. Chúng tôi xin được trích phần có liên hệ sau đây:

Vụ án Gieo thoi.

Ta hãy đọc thong thả, cẩn thận cả đoạn văn dài, để có thể xét cái vụ án này một cách minh bạch, đủ chứng cứ:

Sóng tình dường đã xiêu xiêu,

Xem trong âu yếm có chiều lả lơi.

Thưa rằng: “Đừng lấy làm chơi,

“Rẽ cho thưa hết một lời đã nao.

“Vẻ chi một đóa yêu đào,

“Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh.

“Đã cho vào bậc bố kinh,

“Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu.

“Ra tuồng trên Bộc trong dâu,

“Thì con người ấy ai cầu làm chi.

“Phải điều ăn xổi ở thì,

“Tiết trăm năm nỡ bỏ đi một ngày.

“Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay,

“Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi-Trương.

“Mây mưa đánh đổ đá vàng,

“Quá chiều nên đã chán chường yến oanh.

“Trong khi chắp cánh liền cành,

“Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.

“Mái tây để lạnh hương nguyền,

“Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng.

“Gieo thoi trước chẳng giữ giàng,

“Để sau nên thẹn cùng chàng bởi ai?

“Vội chi liễu ép hoa nài,

“Còn thân còn một đền bồi có khi”.

Thấy lời đoan chính dễ nghe,

Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân.

( Đoạn Trường Tân Thanh , câu 500 - câu 524)

- Hiểu lầm thế nào? Hai chữ “Gieo thoi”, các bản in đều chú thích giống nhau. Tản Đà chú rằng: “Gieo thoi là ý nói chống cự. Lấy tích người xưa có người Tạ Côn ghẹo gái ở láng giềng, người con gái đang ngồi dệt cửi, cầm cái thoi ném Côn gãy răng. Đây chỉ là ý nói chống cự”. Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Vĩnh cũng chú giải như thế.

Đồng ý rằng: “Đây chỉ là ý nói chống cự”. Song ai chống cự ai mới được chứ? Ai là chủ từ cho những động từ gieo, giữ giàngthẹn? “Ồ Thúy Kiều chứ còn ai nữa? Thúy Kiều nói về mình chứ còn ai? Câu đó nghĩa là: “Nếu thiếp chẳng biết Gieo thoi giữ giàng trước, để sau này thiếp phải hổ thẹn cùng chàng, thì đó chỉ là lỗi tại thiếp”. Người ta sẽ trả lời như thế, và yên trí rằng không có thể nào khác được. Và người ta đọc tiếp.

Nhưng, hãy khoan, hãy dừng lại đây một phút nữa, hãy cùng tôi xét lại câu văn này một lần nữa.

Rõ thực là rắc rối, cầu kỳ! Câu văn rõ nghĩa như thế, còn phải tìm gì lôi thôi nữa? Ai cũng đều hiểu như thế cả. Thử giở bản dịch của ông Nguyễn Văn Vĩnh mà xem. Vâng, ta hãy giở bản dịch của ông Nguyễn Văn Vĩnh:

Si par un geste brutal, nous ne savions pas nous défendre aujourd’hui.

Plus tard, j’aurais à rougir devant vous. Et à qui serait alors la faute?

À, thế ra là không phải ai cũng hiểu giống nhau cả đâu. Mọi người đều hiểu rằng: “Gieo thoi” là nói về Thúy Kiều, nhưng ông Nguyễn Văn Vĩnh lại dịch là nous, nghĩa là chúng mình, nghĩa là cả thiếp lẫn chàng. Cả Thúy Kiều lẫn Kim Trọng! Thế ra ở cái chỗ này, cũng có hai ý kiến tương phản, ít ra là hai, vì biết đâu lại không có một ý kiến thứ ba nữa?

Ngày còn đi học, nghe thầy giáo giảng về câu này, tôi đã lấy làm ngờ, vì nếu hiểu rằng Thúy Kiều nói cái chuyện Gieo thoi là nói về mình, thì cái câu nói ấy kém vẻ dịu dàng trang nhã vì có chứa đựng rõ ràng một ý đe dọa khá thô bạo, phũ phàng và cũng hơi tàn nhẫn nữa.

Nói: “Nếu thiếp chẳng Gieo thoi giữ giàng từ trước...” thì có khác gì nói: “Thiếp phải Gieo thoi giữ giàng kẻo sau này, vv...”. Đành rằng đây chỉ là nói điển tích nhưng cái điển tích thô bạo như vậy mà đem dẫn để nói việc mình chống cự, thì sao cho tiện, sao cho khỏi khiếm nhã, sao cho khỏi làm thương tổn đến lòng âu yếm dịu dàng của người yêu.

Tôi tự đặt mình vào địa vị Kim Trọng, và vẫn tự nhủ rằng: “Đừng vội phật ý, và chưa chắc là cô Thúy Kiều dẫn điển Gieo thoi để tỏ cái ý kiên quyết chống cự của mình đâu. Đừng vội tin cái lối hiểu của mọi người và đừng giận Thúy Kiều vội. Hãy bình tâm mà xét lại câu nói của cô ta đi”.

Và tôi đã bình tâm, lật đi lật lại câu văn kia để tìm xem có nghĩa nào khác, ổn hơn không. Lâu lắm, tôi chịu không tìm ra. Nhưng vẫn không chịu là cô Thúy Kiều của tôi ăn nói phũ phàng đến thế.

Có lẽ ông Nguyễn Văn Vĩnh cũng có cảm thấy như tôi cái phũ phàng bất nhã của câu nói ấy nếu hiểu là Gieo thoi chỉ về Thúy Kiều, nên ông ta đã ngần ngại không dịch là: “Si par un geste brutal, je ne savais pas me défendre aujourd’hui”, mà dịch là: “nous”. Có lẽ thế; khi ông viết đến chữ “brutal”, thì chắc là ông cũng cảm thấy cái “brutal” của câu nói, nên đã không nỡ bắt Thúy Kiều chuốc lấy cái cử chỉ đó cho riêng mình, bèn gán cho cả hai người: nous.

Kể thì hiểu và cảm một lời văn như ông Nguyễn Văn Vĩnh, cũng đã là tế nhị. Nhưng dịch là “nous” cũng còn chưa được ổn, vì có chống cự chăng, là chỉ người con gái mà thôi, chứ cái phận sự phòng thủ này không phải là phận sự của người con trai, không phải là phận sự chung, mà lôi kéo được cả người con trai vào một chữ “nous”.

Các ngài và các bạn hãy thử đọc lại câu văn kia, sẽ thấy nỗi băn khoăn của tôi là chính đáng, và sự e ngại của ông Nguyễn Văn Vĩnh là có lý, và sẽ thấy cần phải tìm hiểu lại câu văn.

Hiểu đúng thế nào ? Sau bao nhiêu năm tìm nghĩa câu văn kia mà không ra manh mối, tôi đã vì một sự tình cờ mà thấy được cái nghĩa thực ổn của nó. Cách đây tám chín năm, nhân nói chuyện về Tây Sương ký với một ông bạn già nho học, tôi được ông đọc cho nghe bức thư của Thôi Oanh Oanh gửi Trương Quân Thụy sau khi bị chàng phụ bạc. Bức thư này không có trong vở kịch Tây Sương, nhưng có trong truyện Hội Chân ký của Nguyên Chẩn đời Đường 1 . Trong thư của Thôi Oanh Oanh có những lời than thân trách phận, mình lại oán hận mình, và có một câu đại ý như thế này (Tôi xin lỗi vì không thuộc lòng lời văn và cũng không có sách để dẫn cho đúng từng chữ):

“Ngày trước khi chàng cầu thân, thiếp đã chẳng biết Gieo thoi cự lại 2 , để đến nỗi sau này bị chàng phụ bạc, đến nỗi phải hổ thẹn cùng chàng, ấy là lỗi tự thiếp, còn dám trách ai”.

Cái ý câu văn đúng như hai câu thơ trong Đoạn Trường Tân Thanh, song hai trường hợp khác nhau. Ta không thấy câu văn của nàng Thôi là tàn nhẫn, thô bạo, khiếm nhã, vì đấy là nói về một việc đã qua, cái chuyện Gieo thoi chưa hề làm mà tiếc rằng đã không làm, để đến nỗi bây giờ hổ thẹn. Nếu so sánh cái hành vi của nàng Thôi quá yêu chiều chàng Trương ngày nọ, với cái hành vi cự tuyệt tàn nhẫn của cô gái dệt cửi ngày xưa, và cái kết quả trái ngược của hai cái hành vi ấy (sau cô gái dệt cửi lấy được Tạ Côn mà Thôi Oanh Oanh thì bị Trương Quân Thụy ruồng rẫy) thì ta đồng ý với Oanh Oanh rằng cái tàn nhẫn thô bạo kia còn hơn cái yêu chiều quá mực này, và cho phép Oanh Oanh dẫn cái điển Gieo thoi để hận rằng đã không bằng người con gái dệt cửi.

Thúy Kiều không ở cái hoàn cảnh của Thôi Oanh Oanh, chuyện phụ bạc và hổ thẹn chưa xảy ra, chuyện giữ giàng đương còn ở hiện tại, nên dẫn cái điển Gieo thoi không tiện. Nàng Thôi dẫn đến cái điển Gieo thoi để tự trách mình đã không biết theo cái gương ấy, nghe thực nên thương, nhưng Thúy Kiều dẫn cái điển Gieo thoi để đe dọa sẽ theo cái gương ấy, nghe lại đáng ghét, vì cái tình cảnh hai người khác nhau.

Ta hãy đọc lại cả đoạn văn Thúy Kiều dẫn chuyện Oanh Oanh, thì ta thấy rằng hai câu này: “Gieo thoi trước chẳng giữ giàng, Để sau nên thẹn cùng chàng bởi ai” là vẫn còn nói về chuyện nàng Thôi với chàng Trương. Câu chuyện Thôi-Trương chưa kết luận, thì đây là ba câu kết cho nó. Mà Thúy Kiều cũng không phải đi đâu xa, mượn ngay câu văn của Oanh Oanh để mà kết luận câu chuyện của Oanh Oanh. Không phải Thúy Kiều dẫn điển Gieo thoi đâu, chính là Thôi dẫn điển ấy, không phải Thúy Kiều đe sẽ giữ giàng đâu, chính nàng Thôi đi tiếc không biết giữ giàng từ trước, không phải Thúy Kiều có ý sợ sẽ bị chàng Kim phụ bạc mà sẽ bị hổ thẹn cùng chàng đâu, chính là nàng Thôi đã than rằng bị phụ bạc và thực đã bị hổ thẹn cùng chàng Trương, không phải là Thúy Kiều phỏng đoán và lý luận về chuyện tương lai đâu, chính là Thôi Oanh Oanh than tiếc chuyện đã qua đấy.

Thì ra, chủ từ của động từ “Gieo thoi” và “giữ giàng” đây là nàng Thôi, cái sự thẹn thùng cùng chàng đây là chuyện có thực đã xẩy ra, mà chàng đây là Trương Quân Thụy, và bởi ai đấy là vẫn nói về Oanh Oanh để mà kết luận.

Thật là ổn thỏa. Câu văn thật là ý nhị. Bút pháp của Nguyễn Du thật là tuyệt diệu. Thúy Kiều mượn ngay lời của Thôi Oanh Oanh để kết luận về chuyện Oanh Oanh, mà khỏi phải nói về mình nữa, vì các gương đã rõ lắm rồi, đã đủ hùng hồn để vạch cho cả hai người cái đường sáng sủa nên theo, không cần phải nói: “thiếp sẽ hết sức cự tuyệt...” mà thực là cự tuyệt một cách chắc chắn và khôn khéo. Ta hãy một lần nữa đọc lại cả đoạn văn. Thì thấy trong suốt ngần ấy câu Thúy Kiều không hề trực tiếp cự tuyệt Kim Trọng, chỉ dẫn điển tích cũ, nêu cái đạo phải theo, nói về lẽ chung cho mọi người, chứ không hề tỏ cái ý chí riêng của mình, không tích cực chống cự mà trái lại còn vuốt ve hứa hẹn Kim Trọng những điều thực là dễ thương:

Vẻ chi một đóa yêu đào,

Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh.

Vẻ chi...” và “chi dám...”, Thúy Kiều có dám tích cực cự tuyệt đâu?

Vội chi liễu ép hoa nài,

Còn thân còn một đền bồi có khi.

Thật là một lời hứa hẹn chan chứa tình âu yếm dịu dàng, đầy rẫy sự vuốt ve an ủi, thực là vẫn “đoan chính” mà cũng vẫn “dễ nghe” như chính chàng Kim cũng phải công nhận:

Thấy lời đoan chính dễ nghe,

Chàng càng thêm nể thêm vì mười phân.

Vậy, kết luận, chủ từ của Gieo thoi là Thôi Oanh Oanh, thẹn cùng chàng là Oanh Oanh thẹn cùng chàng Trương, và bởi ai vẫn là chỉ Oanh Oanh.

Tất nhiên, Thúy Kiều có ý muốn trông cái gương của Oanh Oanh mà tránh, nhưng không hề có dám sỗ sàng rằng muốn theo cái gương dữ tợn của cô gái dệt cửi.

Thêm nữa, Thúy Kiều nói rằng: “Không giữ giàng trước, tất sẽ thẹn thùng cùng chàng sau này”, thì sự tin trước quả quyết như vậy sẽ có cái nghĩa là cho Kim Trọng cũng chỉ là phường bội bạc như Trương Quân Thụy mà thôi, sao cho Kim Trọng khỏi lấy làm phật ý. Nguyễn Du không hề bắt Thúy Kiều phải sỗ sàng và tàn nhẫn đến thế.

Đọc lại đoạn văn, hiểu lại câu “Gieo thoi...” như thế, ta thấy là đã làm được một việc lý thú, là hồi phục cho Thúy Kiều cái vẻ trang nhã, mà một sự hiểu lầm đã có thể làm cho ta ngờ vực bấy lâu.

- Nguyên do sự hiểu lầm. Xét lại cái nguyên do đã làm cho rất nhiều người hiểu lầm về chủ từ của Gieo thoi thì ta thấy thủ phạm vụ án chính là chữ “chàng” ở câu sau. Người ta thấy chữ “chàng” trong một lời người con gái nói với người con trai, là người ta yên trí ngay rằng chữ “chàng” vẫn thường dùng để chỉ ngôi thứ ba (troisième personne): chàngnàng.

Kể thì cũng rất dễ cho người ta hiểu lầm như thế. trong chữ “chàng”, có thể vừa là ngôi thứ hai, vừa là ngôi thứ ba, thì theo như ông Hoài Thanh đã nói: “Người này và người nọ rất dễ dàng hòa lẫn với nhau”...

Sau bài diễn thuyết của giáo sư Đoàn Phú Tứ, thi sĩ Vũ Hoàng Chương đăng đàn cũng tại giảng đường trường Đại học Hà Nội. Bài diễn thuyết với nhan đề “Góp phần hiểu biết” được đăng trong hai số Tạp chí Phổ thông với đoạn mở đầu như sau:

Hôm thứ hai vừa rồi, nhân ngày kỷ niệm Tiên Điền Nguyễn Tiên sinh, ông Đoàn Phú Tứ đã giở mấy trang Kiều tại giảng đường trường Đại học Hà Nội. Diễn giả đã hùng biện mọt cách có duyên biết bao! Nhưng cũng không kém phần khiêm tốn. Thực vậy, ông chỉ nêu lên một điểm nhỏ thuộc phạm vi ngữ pháp: Vấn đề chủ từ...

(Tạp chí Phổ thông số 1-2 tháng 9-1951)

Sau đó nhà thơ Vũ Hoàng Chương bàn về câu thứ nhất:

Chập chờn cơn tỉnh cơn mê,

Rốn ngồi chẳng tiện dứt về chẳng khôn.

Đến Tạp chí Phổ thông số 3 - 4 tháng 11 - 1951, bài báo viết tiếp:

“... Kỳ trước kẻ viết bài này đã bàn về câu thứ nhất trong bốn câu Kiều do ông Đoàn Phú Tứ nêu ra để chứng tỏ những ý kiến của ông về vấn đề chủ từ trong Việt ngữ.

Bây giờ xin lần lượt bàn tới những câu sau:

Câu thứ hai:

Gieo thoi trước chẳng giữ giàng

Để sau nên thẹn cùng chàng bởi ai?

Câu này trích trong đoạn Thúy Kiều nói với Kim Trọng giữa khi:

Hoa đèn càng tỏ thức hồng,

Đầu mày cuối mắt càng nồng tấm yêu.

Theo ý ông Đoàn, động từ “Gieo” không có chủ từ khiến cho người đọc có thể hiểu lầm đấy là câu Thúy Kiều nói thẳng với Kim Trọng. Thực ra chữ “chàng” chỉ là một phổ thông danh tự, không hề có ý dùng để chỉ Kim Trọng, cũng như trong câu này phải là Thôi Oanh Oanh mới đúng. Ông viện ra hai lý do:

- Một là động tác Gieo thoi vừa bất nhã vừa tàn bạo. Không lẽ gì Thúy Kiều lại đi nói với Kim Trọng rằng: “Nếu chàng lả lơi quá thiếp sẽ học lối người thiếu phụ thời xưa ném thoi vào mặt chàng để cự tuyệt khiến cho chàng cũng bị gẫy hai cái răng như Tạ Côn”. Nếu quả thực Thúy Kiều nói như thế với người yêu thì lời nàng tuy có “đoan chính” đến đâu chăng nữa cũng không thể bảo là “dễ nghe” được. Vậy Thúy Kiều không thể là chủ từ (hiểu ngầm) trong câu thơ “Gieo thoi”.

- Hai là điển Gieo thoi từ trước đã được dùng trong bức thư của Thôi Oanh Oanh viết cho Trương Quân Thụy (Hội Chân ký).

Vậy mà chính câu chuyện tình giữa hai người này, Thúy Kiều lại đã nêu ra làm tỷ dụ để giác ngộ chàng Kim:

Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay,

Lứa đôi ai có đẹp tày Thôi-Trương.

Mây mưa đánh đổ đá vàng,

Quá chiều nên đã chán chường yến oanh.

Trong khi chắp cánh liền cành,

Mà lòng rẻ rúng đã dành một bên.

Mái tây để lạnh hương nguyền,

Cho duyên đằm thắm ra duyên bẽ bàng.

Gieo thoi ...

Như thế, ta phải hiểu rằng chính Thôi Oanh Oanh mới là chủ động Gieo thoi vậy.

Trên đây là ý kiến của ông Đoàn. Tôi rất tiếc rằng không thể cùng chung ý kiến với ông được.

Trước hết tôi không đồng ý về sự tin vào tính cách bất nhã và tàn bạo của động tác “Gieo thoi” để kết luận.

Theo ý tôi, điển cố nghĩa là một việc cũ, dùng điển cố mục đích gợi lên một hình ảnh quen thuộc để cụ thể hóa một ý trừu tượng nào đó muốn giãi bày. Do đấy sự dùng điển cố có lợi ở chỗ chỉ dùng có một vài chữ cũng phô diễn được rất nhiều ý tứ một cách tế nhị, linh động, đầy đủ rõ ràng.

Nhưng khi một điển cố đã được dùng nhiều lần và đã trở nên thông thường thì xuất xứ của nó có thể coi như không liên quan đến câu văn nữa. Người ta chỉ cần lưu ý đến tính chất tiêu biểu của nó thôi.

Ở đây Tiên Điền Nguyễn Tiên sinh chỉ dùng điển “tấu thoa triết sỉ” để tượng trưng cho sức kháng cự của người đàn bà trước thái độ lả lơi của người đàn ông. Có thế thôi, như vậy độc giả cũng như tác giả chỉ cần nhớ tới tính chất tiêu biểu của việc Gieo thoi chứ không cần phải băn khoăn về sự Tạ Côn bị gãy một hay hai cái răng hoặc về cử chỉ của người thiếu phụ kia bất nhã hay chẳng bất nhã.

Để chứng tỏ rõ ràng thêm quan điểm dùng điển và hiểu điển như trên, ta hãy lấy một câu Kiều nào đó làm ví dụ: “Một nền Đồng Tước khóa xuân hai Kiều” chẳng hạn 1 .

Ai cũng biết đây là một điển rút trong Tam Quốc Chí... hai Kiều tức là Đại Kiều và Tiểu Kiều ở Giang Đông vợ của Tôn Bá Phù và của Chu Công Cẩn. Đền Đồng Tước là đền do Tào Mạnh Đức dựng lên để thị uy với thiên hạ. Gia Cát Khổng Minh muốn khích Đông Ngô chống Tào nên bịa ra chuyện Mạnh đ ức sở dĩ hại Giang Đông là cốt bắt hai nàng Kiều tuyệt sắc kia giam vào đền Đồng Tước để hầu hạ mình lúc tuổi già.

Điển “Đồng Tước” và “hai Kiều” là như vậy. Nhưng do sự dùng quen người ta đã không cần nhớ đến xuất xứ của nó nữa.

“Hai Kiều” ở câu thơ trên chỉ có nghĩa là hai “người đẹp” và đền “Đồng Tước” là chỗ ở sang trọng, thâm nghiêm. Thế thôi. Nếu cứ truy nguyên một cách câu nệ chẳng hóa ra Tiên Điền Nguyễn Tiên sinh đã lẩm cẩm đem ví Thúy Kiều, Thúy Vân với hai người đàn bà có chồng bị bắt giam để làm trò chơi cho một ông thừa tướng gian hùng hay sao?

Vả lại khi đọc Đoạn Trường Tân Thanh cũng như khi đọc các áng thơ cổ, chúng ta có bao giờ câu nệ về điển cố đến nỗi cứ khăng khăng cho “cuộc bể dâu” là phải chu tuần ba mươi năm hoặc “Đào Nguyên” phải là chỗ dân Tần tránh loạn vào lập nghiệp đâu? Nếu vậy hỏi còn có nghĩa những câu như:

Cơ trời dâu bể đa đoan,

(Lời Thúy Vân nói với chị)

Hoặc:

Đào Nguyên lạc lối đâu mà đến đây?

(Lời Kiều nói với Đạm Tiên trong giấc mộng thứ nhất)

Tóm lại tính chất tàn bạo của điển “Gieo thoi” không thể là khởi điểm đích đáng để đi tới một kết luận nào cả.

Về lý do thứ hai tôi cũng nghĩ khác ông Đoàn. Theo lý không phải vì lẽ điển “Gieo thoi” đã được dùng từ trước trong Hội Chân Ký mà động từ “gieo” trong câu Kiều phải có chủ từ là Thôi Oanh Oanh. Còn như muốn chứng tỏ câu ấy có liên lạc mật thiết với mối giao duyên kỳ ngộ Thôi-Trương, ta cần phải khảo sát cách hành văn trong toàn thể đoạn này hơn là chỉ dựa vào điển cố.

Vậy ta hãy phân tích rành rẽ những lời Thúy Kiều nói với Kim Trọng bắt đầu từ: “... Đừng lấy làm chơi”, cho đến: “Còn thân ắt hẳn đền bồi có khi”.

Những lời nói ấy sở dĩ “đoan chính dễ nghe” và lung lạc được chàng Kim chính là bởi Thúy Kiều đã dàn xếp rất công phu, đón trước rào sau rất khéo léo.

Thực thế:

Vẻ chi một đóa yêu đào,

Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh.

chỉ là câu đoán trước.

Cũng như:

Vội chi liễu ép hoa nài,

Còn thân ắt hẳn đền bồi có khi.

chỉ là câu rào sau. Nàng phải rào đón như vậy mới khiến cho Kim Trọng không mích lòng và mới dẹp được cơn sóng tình kia một cách êm ái. Dụng ý của nàng là ở 10 câu lục bát (đoạn giữa) trong đó ta nhận thấy nàng đã nêu lên một quy tắc ( đ ã cho vào bậc bố kinh...) rồi dẫn chứng bằng một mối duyên đáng lẽ đằm thắm mà lại hóa ra bẽ bàng: “Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay...”. Như thế ta phải hiểu rằng câu lục bát “Gieo thoi” chỉ dùng để kết thúc những lời dẫn chứng và gợi lên cái thái độ chung của những người đàn bà muốn cho: “Mái tây chẳng lạnh hương nguyền” vậy.

Do đó câu thơ “Gieo thoi” không thể có một “cá nhân” nào làm chủ động, và chủ từ của nó cũng không phải là Thúy Kiều hay Thôi Oanh Oanh. Vả chăng nếu chuyển sang tản văn câu đó ắt sẽ thành: “Trước chẳng Gieo thoi giữ giàng để sau thẹn cùng người yêu lỗi ấy ở ai”. Tính cách phiếm chỉ của động từ “gieo” như thế đã rõ rệt. Và nếu ta đứng trên lập trường văn phạm Tây Phương mà xét thì câu văn này đã đặt dưới hình thức nghi vấn (Forme interrogative) sau chữ “ai” phải có một dấu hỏi(?). Vậy động từ “gieo” phải ở mode infinitif và như thế không thể có một chủ từ nào được cả.

Kết luận, câu thơ lục bát do ông Đoàn nêu ra không có chủ từ là vì theo cách giải ý và đặt câu, nó không thể có một chủ từ được. Chứ không phải chủ từ của nó là Thôi Oanh Oanh và vì Tiên Điền Nguyễn Tiên sinh đã hành văn không đủ khúc chiết khiến cho độc giả hiểu lầm...”

Qua những đoạn trích trong cuộc tranh luận trên đây, chúng ta lại càng thấy rằng có nhiều cách hiểu một điển tích và công việc quả là tế nhị cũng thực là phức tạp. Nhất là trong các câu thơ khi mà điển tích được trình bày cực kỳ gọn gàng và đầy ẩn ý, nó đòi hỏi người đọc phải nghiên cứu sâu xa và nhiều khi thực công phu mới hiểu thấu được tình ý của tác giả.

Theo Tìm hiểu điển tích Truyện Kiều - NXB Văn học 2000 .

(1) Năm 1951 - 1954, Giáo sư Đoàn Phú Tứ và nhà thơ Vũ Hoàng Chương cùng dạy văn chương tại Hà Nội.
(2) Trích theo Nguyễn Du - Về tác giả và tác phẩm - Nhà xuất bản Giáo dục - 1998.
1 Xin xem bức thư này ở điển tích số 23.
2 Nguyên văn: “Thiếp vô đầu thoa chi cự” (Nguyên Chẩn-Hội Chân Ký).
1 Câu này phỏng dịch Đường Thi: “Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều”




VVM.03.5.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .