Việt Văn Mới
Việt Văn Mới


TRIẾT GIA VÀ BƯỚM



             

T riết gia và bướm -The Philosopher and the Butterfly- qua tựa đề nầy cho ta một cái gì mơ hồ, một hình ảnh vô vi, một cái gì giữa ảo và thực hay chỉ là ’huyền sử ca’ của một người nằm mơ mình là bướm và bướm là mình.

Không rõ chuyện có thực không hay là truyền thuyết, dựng lên hiện tượng cho cái thời Đạo Lão đang thịnh và bành trướng gần như giáo điều của Lão giáo. Ở đây Đạo (Taoism) được xếp vào bộ môn nghệ thuật của người Trung Hoa. Taoism được phát âm Daoism xuất xứ của từ ’tao’ có nghĩa là con-đường và từ đó ’con đường’ là Đạo mở lối cho một triết thuyết; chủ xướng là Lão Tử (Laozi/Lao tzu). Nói đến Lão tử cho ta một hình tượng học về Đạo Đức Kinh. Đạo của Lão Tử có tính cách huyền nhiệm. Lão Tử đi tìm nguồn gốc của sự vật chớ không phải là nguồn gốc vật chất. Vậy Đạo là gì ? Đạo là bản thể của vũ trụ, chỉ là hình thức trừu tượng vượt không gian và thời gian là cơ bản của vũ trụ quan, mối tương quan giữa Đạo và Người. Lão Tử cũng lý luận giữa Có và Không như nhà Phật, giữa hai triết thuyết gặp nhau của Thường-hằng và Không-Thường-hằng, cũng gần gũi giữa sinh và vô sinh, diệt và bất diệt. Do đó Lão giáo là Đạo huyền nhiệm và kỳ diệu, một ẩn giấu của vô hình mà hữu hình, hữu hình mà vô hình có khác gì giữa sắc sắc và không không ( Bát Nhã Kinh).

Trong Đạo Đức Kinh có ghi: ’Đạo pháp tự nhiên, y dưỡng vạn vật nhi vi bất vi chủ’ (Đạo bắt chước tự nhiên, nuôi dưỡng muôn loài mà không làm chủ). Cho nên Đạo là con đường, tu dưỡng thân tâm để đạt đến Tâm thì gọi là Đức. Tâm-Hư là tâm-hồn-nhiên không vướng đục để tâm trong sạch. Nhờ vậy nhân sinh đi tới hợp nhất với như nhiên , hòa hợp giữa vật và người. Đạo Lão có cái thế của HƯ-VÔ và cái dụng của VÔ-VI. Tịnh làm chủ cái Động. Không là chủ cái Có (Hữu sinh ư vô) Vô-Vi có nghĩa là không động tức ’không làm’mà rồi cái gì cũng làm được. Đạo Đức Kinh lý giải: ” Đạo thường vô vi, nhi vô bất vi” (Đạo dường như bất động, không làm mà thật sự không việc gì là không làm)..

Vậy thì cái đề tài: Trang Tử nằm mơ ’Zhuangzi Dreaming’ là hiện tượng của ’mơ về’ giữa cõi sống và cõi mộng, một trạng thái của hư vô, là một cái gì thuộc về hoán chuyển ’interchangeability’ là vấn đề của tư tưởng, tư tưởng đó là trọng tâm của Đạo. Ấy là sự khai ngộ giữa Đạo và Đời (tức Người).

Nói đến đây lại nhớ danh họa Paul Klee (1879-1940) cho rằng; khi Đạo nhập vào căn cơ bản thể tức kiểm soát được chính mình, là đạt được chân tâm. Ông nói: ’Điều gì thật sự cần thiết, thật sự có lợi ích; ấy là ĐẠO và sau hết nó trở nên hiện hữu tối thượng’

What is really essential, really productive is the WAY- after all, becoming is superior to being.

Tuy nhận xét của P. Klee không động tới cõi vô-vi của Lão nhưng nói đến cái Đạo xử thế giữa Đời và Đạo là một ấn tượng sâu đậm đối với Lão giáo. Nhưng đọc lại bài viết của thi sĩ Bùi Giáng (1926-1998) trong Nam Hoa Kinh của Trang Tử. Đọc lên nghe như mơ hồ có pha một chút nghịch ngợm, nhưng đọc vài lần lại thấy cái ‘chân-không-vô-vi’ của Bùi tiên sinh : ‘Đêm tối trần gian đau đớn vô cùng và vẫn bảo trần gian lộng lẫy; ấy là Đạo vậy’ Tưởng đùa cợt nhưng gần quan niệm của Lão Trang. Đạo Đức Kinh viết: Đạo thường vô danh. Phác tuy tiểu, thiên hạ mạc năng thần dã.( Đạo thường hằng không tên. Tuy nhỏ trong cái mộc mạc, không có gì trong thiên hạ hơn nó được).

Hai tư tưởng trên chả ăn nhập gì với Lão giáo cả! Có; nó bao hàm một triết lý vô vi trong đó. Chạm phải cái vô-thường-hằng của Đạo Lão, mà đôi khi không hay! Chính cái hư-vô ấy là trọng tâm mà Lão Tử muốn nói từ bấy lâu nay…

Trở lại với Giấc Mơ của Trang Tử (Zhuangzi/Chuang Tzu), giữa cái nhận biết khác biệt đó, nói; một người và một bướm hoặc giữa cái khung cảnh ảo giác (panoramic-scroll) và một cái gì mơ màng dịu êm (modest-size) của đám lá vàng bay lơ lững từng chiếc một trong một không gian thần tiên, một cảnh vật mơ hồ cuộn theo khói mây mà tạo nên câu chuyện mông lung, huyền bí đó – Vì vậy mà thể tài này đem ra bình luận để rồi trở thành huyền thoại của thi ca hay trong cách nói khác! Đó là vai trò chủ thể của Trang Tử, một triết gia, một hiền triết, một quân tử Trung Hoa mà ông được tôn kính và được coi như một trong những người sáng lập ra Đạo(Taoism). Trong đó người mở đầu triết thuyết vô vi là Lão Tử. Không rõ triết thuyết nầy còn hay không còn hiện hữu với trần gian. Trang Tử (Zhuangzi) là một nhân vật lịch sử. Trang tin vào thuyết vô vi là cõi hư vô, ông sống và hành đạo vào thế kỷ thứ Tư trước Thiên chúa. Thời kỳ Chiến quốc (Warring States). Tất cả hành trạng của Trang Tử được ghi vào lịch sử (shi ji) kể cả bộ sử vĩ đại của Tư-Mã-Thiên (Sima Qian (145?-89? B.C.)(*)

Để biết thêm về triết gia mơ mộng nầy : Trang tử tên thường gọi là Chu (Zhou) ông người gốc bản điạ vùng núi thuộc sắc tộc Mường (Meng) tỉnh Hà Nam (Henan) Ông phục vụ như một viên chức trong cơ sở sơn mài (lacques).Trang Tử thời đó tạm thời được xem là người thông thái về Khổng Giáo (Confucian) và cả Mạnh Tử (Mencius) Trang Tử có viết một loạt sách về những chuyện ngụ ngôn, thần thoại thiên nhiên. Sách của Trang Tử được qui vào loại văn chương cổ xưa nhưng lại được giới thiệu như một thể thức mới thuộc đời Tây Hán (Western Han) trong thế kỷ thứ Hai trước Thiên chúa. Gồm có 7 chương, chương ‘Nội cung’(Inner Chapters) là cốt tủy sáng sủa nhất, một tập truyền đầy đủ tư duy lý luận của nhà hiền triết như ông. Ở Trung hoa có nhiều họa phẩm vẽ Trang Tử, mô tả qua giấc ngủ của ông; trong những bức minh họa đó đều nói lên câu chuyện nổi danh và thích thú về giấc chiêm bao của Trang Tử, mà giấc chiêm bao đó vẫn còn truyền tụng và đem ra bàn cải để làm sao tìm cho ra một nghĩa lý chính đáng.

Có một lần Trang Chu (Zhuang Zhou) mơ mình hóa bướm, thoát hồn bay như bướm…và nghe vi vu tiếng tiêu vấn vít quanh đây. Trang Chu vui sướng và thỏa thê về cái giấc mơ của mình. Người không còn biết mình là Trang Chu. Bừng thức giấc thì nhận ra mình là Trang Chu. Nếu như Trang Chu không mơ mình hóa bướm hoặc bướm mơ bướm là Trang Chu; thì câu chuyện đó không có chi để nói. Nhưng giữa thực và ảo của giấc mơ vẫn là sự cớ huyền nhiệm để xây dựng thêm cho triết thuyết Lão giáo. Một hình ảnh hư vô của Đạo mà Lão Tử đề xướng để đưa con người vào con đường vô vi, đi tới cõi thường hằng. Cho nên chi giữa Trang Chu và bướm ắt phải có một sự phân biệt rõ rệt! Cái lý sự nầy người ta gọi là biến thể từ dạng nầy sang dạng khác ‘transformation of Things’ như ngày nay ta thấy thực hiện trên màn ảnh (movie/cinéma).

Trong số những hoạ phẩm vẽ về giấc ngủ trầm kha của Trang Chu. Họa nhân Lỗ Chi (Lu Zhi) (1496-1576) thuộc đời nhà Minh (Ming) với bức ‘thủy thái hoạ’ của Lỗ là lột tả toàn bộ hồn và xác của Trang Chu. Dưới ngọn bút tài ba, chấm phá bằng ‘cây cọ’ bút lông với mực xạ, điều độ một cách trong sáng, uyển chuyển một cách tài tình, đối chiếu tinh vi tế nhị, chất lỏng của mực tạo nên những đường nét thần kỳ tuyệt hảo làm cho bức tranh trở nên sống động. Nét chấm phá hiện ra trong cảnh mờ nhạt và chìm vào một không gian mờ ảo thơ mộng với rặng đồi thoai thoải bờ đá phủ vây, gây cho khi ngắm thấy được cả một vùng thăm thẳm xa xôi .

Đường bút của Lỗ thanh tao đạm bạc, thoáng, trong bóng. Ở trường hợp nầy Lỗ Chi chỉ dùng mực xạ để tương phản màu nhuộm (sepia-colored) vàng nâu của vải lụa, đồng thời biến đổi ‘âm sắc’ thay vì thêm màu nâu sậm và xanh lục, kỷ thuật đó Lỗ rút kinh nghiệm ở trường vẽ, một đường nét khéo léo, kĩ xảo với cái bỏ sót duyên dáng, đường cọ uốn mình dịu dàng, phớt, chấm nhẹ trên mực, vuốt đều để tạo được nét tự nhiên và sống động, có những lúc màu cho đậm hay nhạt như nhấn mạnh vào hình ảnh, có một vài nơi trong tranh -tảng đá- được đậm nét hơn. Ông đặt tất cả màu sậm ở tiền cảnh trong cái dạng nhấp nhô gợn sóng như vỗ vào đó một cái thế liên hoàn để phù hợp với lối trừu tượng nhưng đầy vẻ thẩm mỹ nhờ màu sáng, đậm, nhạt nhiều hơn là để lộ ra những ‘cọng’ bút gượng ép. Chấm phá của mực xạ vuốt mạnh, nhưng nhẹ lướt là coi như đạt ý của một người sành điệu về đường nét của thủy thái họa. Trước và sau cảnh, vẽ lên được một cái nhìn trống vắng của không gian, thoáng nhanh thì không thấy đồi núi choáng mắt mà tất cả như biến mất, chỉ để lại vóc dáng của người đang mơ. Làm sáng tỏ sự hiện hữu của Trang Tử. ‘Zhuangzi’s lightness of being’- khung cảnh trơ trụi của những cành nhánh, bụi rậm, quằng mình xuống như liễu rủ đem lại một cảnh tĩnh lặng, trống vắng của thiên nhiên đúng quan niệm, ý thức phép ‘Đạo’ của Lão giáo. Trang Chu duy trì cảnh bướm khi ông đang mơ về và sống trong giấc mơ; ông thở phào nhẹ nhõm với một tinh thần sản khoái.

Đường cong, uốn lượng là cái nôi ru người ngủ, người ta không nhận ra tảng đá cứng đơ mà Trang Chu gối đầu lên đó và đầu thì ôm vào trong đôi tay với sự yếu đuối, mệt mỏi phản lên cái cung cách ‘bắt mắt’ làm lu mờ hình ảnh của núi đồi. Dường như những cột bóng cây che khuất cái giường đá ông đang nằm. Trang Chu là con người phóng ngoại, ăn ngủ không ngại khó, một nếp sống dể dàng, lạc quan, hay đó là tư chất của một người nghệ sĩ ? Trang Chu được đời gán cho là con người thoát tục. Ông là người nhạy cảm , thích ngao du sơn thủy, sống hồn nhiên như cây cỏ, vui thú với những khám phá mới lạ nhưng không phản ứng trước sự việc, luôn giữ tâm hồn vô vi như cuộc đời vốn đã có, hoà hợp vào thiên nhiên, vào cõi vô cùng của vũ trụ. Đúng như đã nói; Trang Chu là con người thơ mộng và lý tưởng hóa cuộc đời. Nhớ lại câu nói nầy của một nhà thơ khác; W. B. Yeats : ‘ Làm thế nào chúng ta biết được giấc mơ của người mơ ?’

(How can we know the dreamer from the dream?)


Đi vào cõi mộng của Trang Tử; cho ta một cái nhìn về tâm hồn. Đó là vũ trụ tâm hồn, một khám phá của ngoại giới xâm lấn vào nội giới. Hai trạng thái nầy bắt gặp trong cùng một thể của tiềm thức (subconscience). Một siêu thức của tâm lý học, của triết học. Theo tâm lý học cái đó thuộc về nội giới là phạm trù chủ thể, nội giới biết mình trước khi ý thức về sự vật ngoại giới. Đó là hoàn cảnh của Trang Chu. Trong thực tế, nhận thức chủ thể không phải dễ dàng vì chủ thể của Trang Chu hòa tan vào một môi trường của cảnh sống. Chủ thể chỉ biết về mình khi sự vật ngoại giới xâm nhập vào tâm hồn, tiềm thức dấy động để gợi lại hiện hữu của mình, và cái giấc mộng trầm kha giúp con người thức tỉnh trong cõi mộng và thực mỗi khi tri giác (act intuitive) soi sáng nội tâm; đó là tri giác vũ trụ ngoại giới. Dựa câu nói nầy của A. Bosquet : ‘Trong thăm thẳm của mỗi chữ, tôi chứng kiến sự sinh sôi trong tôi’ (Au fond de chaque mot, j’assiste à ma naissance) Điều đó có sự tương quan của ý thức trong cùng một hành động, do đó Trang Chu thấy được tâm hồn mình. Cho nên liên trình của vũ trụ ngoại giới và vũ trụ tâm hồn phải đi qua một tác động giữa tri giác và tiềm thức. Đó là cái nhìn mơ-về của người nghệ sĩ cho ta thấy được một vũ trụ tâm hồn qua vũ trụ ngoại giới, hình ảnh của mộng là nhân chứng cho một tâm thức đang khám phá một vũ trụ khát vọng để thoát ly toàn thể vũ trụ quan để đi vào hư-vô. Do đó vũ trụ của tâm hồn đến sau, được nhận biết sau hoạt cảnh của giấc mộng. Chuyển biến đó cho chúng ta thấy rằng, Trang Chu muốn biến cuộc đời là mộng để được vào cõi như-nhiên; không rối ren, không bon chen để tâm hồn quyện vào cõi vô-vi. Chủ thuyết của Lão Trang là thế. Đạo không hiển hiện nhưng huyền nhiệm.

Dữ kiện đó là lý luận theo triết học, chớ nói cho ngay; không có một đối tượng nào của vũ trụ cả, mà chỉ có cái trừu tượng của tâm thức, một yếu tố vật lý khơi dậy và dàn trải bằng một tâm trạng mơ về cõi mộng và tâm trạng đó vụt hiện ra bằng hình ảnh qua sự thức tỉnh trực tiếp của tâm trạng nhiều hơn qua đối tượng. Nhưng phải hiểu rằng đối tượng của chủ thể lúc nầy là tập trung vào sự tương quan người (Trang Tử) và vật (bướm) từ cái nhìn ấy làm sáng tỏ tâm trạng của vũ trụ tâm hồn, một gắn bó tế nhị và sâu sắc để hình thành một giấc mơ của cả hai đối tượng; đối tượng chủ thể Trang Chu và đối tượng tha thể của bướm mà cả hai đi vào một nhất-thể : mình là bướm hay bướm là mình ? Con người mơ về vũ trụ và vũ trụ mơ về quá gần nhau vì đồng thể và đồng trạng. Trạng ở đây là trạng huống giữa mơ và tỉnh, gần gũi với cái nhìn của Descartes: ‘Tôi nghĩ tức tôi hiện hữu’ Trang Tử cũng nhìn nhận mình hiện hữu với vật thể đó là thực hữu của tâm trạng người mơ. Với một nhà triết học như Trang Tử, giấc mơ đó có thể nghĩ rằng cõi không gian (trong đó) là một thể trung gian tượng hình giữa con người và vũ trụ. Hai vũ trụ giới đến cùng một lúc. Một cái nhìn trực tiếp của bản ngã và vô ngã, nghĩa là ta không chiếm cứ một vũ trụ không gian mà chiếm cứ sự vật ngoại giới như kẻ xa lạ chiếm cứ cái bất ngờ đó rồi hòa mình vào sự vật không gian. Cái nhìn của Đông phương khác cái nhìn chiếm cứ của Tây phương. Người Đông phương nhìn cái nhìn trung hòa, ung dung, tương thức giữa thiên nhiên và con người, hai cái nhìn gần như hợp lẽ với nhau, xâm nhập như cùng một tạng thể để phát tiết vào vũ trụ quan, một vũ trụ tâm hồn nói chung :

Trăng thanh gió mát là tương thức
Nước biếc non xanh ấy cố tri

(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Đó là mối gặp gỡ giữa người và vật. Đẩy Trang Chu vào vị trí của khát vọng mỗi khi bắt gặp sự thỏa mãn của khát vọng. Trang Chu bừng dậy với một tinh thần sản khoái (pure spirit) như kẻ đã đến đích. Đó là cái đẹp tiếp thu tạo nên mối liên hệ tương giao giữa người và vật thì đó là cái nhìn khát vọng của Trang Tử. Một cảnh đời trong mộng và cảnh đời có thực đã giao cấu vào nhau tạo nên một vũ trụ tâm hồn, vũ trụ dự ước và vũ trụ khát vọng.

Vậy giấc mộng của Trang Chu là giấc mộng lớn hay nhỏ, mơ thực hay giả có cần băng khoăn? Với Trang Chu có cái nhìn trung thực, hài hoà giữa mình và bướm; ai cũng có những giấc mơ: đẹp hoặc xấu. Nhưng với Trang Tử mộng thành thực, có lẽ; ‘dream come true’ dành cho người nghệ sĩ như Trang Chu mà thôi! .-./.

(Forest Lawn. ca.ab 3/2012)
* Không rõ ngày sinh tử của Lão Tử, chỉ biết Lão Tử cùng thời hoặc trước sau với Khổng, Mạnh và Mặc Tử ở đầu thế kỷ thứ 5 trước Tây lịch; đều có sử ghi (shi ji) trong bộ sử Tư Mã Thiên. Bốn triết gia kể trên có một vài tư tưởng tương đồng và tương phản theo mỗi triết thuyết riêng tư.

(x) Ảnh trong bài; ‘Giấc Mơ hóa Bướm của Trang Tử’. Danh họa Lỗ Chi (Lu Zhi) vẽ bằng mực đen; giữa thế kỷ thứ 16 đời nhà Minh. Ảnh sưu tập vcl.




VVM.26.4.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .