C ùng với chim Phượng Hoàng, Rồng là một trong những biểu tượng quan trọng nhất của nền văn hóa Á Đông, là biểu trưng cho quyền lực của hoàng gia, chúng có một lịch sử rất lâu dài phát triển trong văn hóa cổ Á Đông, với nguồn gốc có thể truy sâu hơn tới tận thời kỳ đá mới, sau khi văn hóa Đông Á cổ tan rã, bắt đầu hình thành các nền văn hoá và các dân tộc thuộc các hệ ngữ, thì hình tượng Rồng tiếp tục được các nền văn hóa kế thừa, trong đó chủ yếu là hai nền văn hóa lớn: văn hóa tộc Việt và văn hóa Hoa Hạ.
Chúng tôi sẽ khảo sát qua quá trình hình thành và phát triển của hình tượng Rồng trong văn hóa cổ Á Đông, sự kế thừa của nó trong văn hóa tộc Việt trong vùng Dương Tử cuối thời đá mới, và văn hóa Đông Sơn trong thời kỳ đồ đồng. Sự nghiên cứu này không có ý nghĩa khẳng định Rồng thuộc sở hữu riêng của dân tộc nào, mà chỉ đơn thuần tìm nguồn gốc của con Rồng trong các nền văn hóa cổ, người Việt và người Hoa Hạ đều là hậu duệ của văn hóa Đông Á cổ, chính vì vậy họ đều kế thừa các hình tượng Rồng trong các giai đoạn hậu Đông Á cổ. Bên cạnh đó chúng tôi cũng sẽ tìm hiểu qua về vai trò của Rồng trong nền văn hóa tộc Việt và văn hóa Hoa Hạ, để từ đó thấy được vai trò thực sự của Rồng trong từng nền văn hóa.
I. Tiến trình hình thành và phát triển của hình tượng Rồng trong văn hóa Đông Á cổ:
Rồng vốn là một loài vật thần thoại không có thực, tuy nhiên chúng được hình thành từ các loài vật thực tế, vì vậy cũng đã có nhiều giả thuyết đưa ra để giải thích nguồn gốc của Rồng, tiêu biểu là các giả thuyết [1]:
– Rồng có nguồn gốc từ khủng long: thuyết khủng long lần đầu tiên được đề ra bởi tác giả người Đức là W. Bolsche [2], ông cho rằng khủng long đã tuyệt chủng cách thời điểm con người bắt đầu hình thành rất xa, nhưng con người có thể tìm thấy những bộ xương khủng long, từ đó tưởng tượng ra một loài vật thần thoại có quyền năng trong tâm thức của họ.
– Rồng có nguồn gốc từ thiên văn: có nhiều tác giả đã giả thuyết về nguồn gốc của Rồng là dựa trên những quan sát thiên văn của người xưa, như tác giả người Đức Frobenius [3], chúng được triển khai chứng minh thêm bởi một số tác giả Trung Quốc khác. [1]
– Rồng có nguồn gốc từ các loài động vật bò sát: giả thuyết này được nhiều tác giả đề xuất [1], mặc dù Rồng có nhiều hình dáng khác nhau nhưng tựu chung đều thường có dáng vẻ của loài động vật bò sát. Các loài động vật bò sát có hình dáng gần gũi nhất với Rồng là cá sấu, rắn, thằn lằn.
Với các giả thuyết này, chúng tôi thiên về giá thuyết Rồng có nguồn gốc về thiên văn, sau đó đã được người cổ Đông Á hình tượng hóa bằng các loài vật có thật như cá sấu, rắn, thằn lằn, chính vì vậy đã tạo ra sự đa dạng trong hình tượng Rồng tại các vùng khác nhau. Rồng trong văn hóa Đông Á có sự khác biệt trong từng vùng, mỗi vùng lại dựa trên một loài vật để hình tượng hóa.
1. Nguồn gốc sớm nhất:
Rồng được tìm thấy sớm nhất trong các văn hóa Đông Á cổ là tại văn hóa tiền Hồng Sơn trong vùng sông Liêu ở Đông Bắc Trung Quốc, với hình tượng Rồng được sắp xếp bằng đá, có niên đại vào khoảng 8000 năm trước.
Rồng tại văn hóa Hồng Sơn. [Nguồn: dẫn]
Hình tượng Rồng có niên đại sớm tiếp theo được tìm thấy là ở Ngưỡng Thiều, với hình tượng Rồng hình dáng giống với cá sấu được sắp đặt bằng vỏ sò tại di chỉ Tây Thủy Pha (Xishuipo), thuộc nền văn hóa Ngưỡng Thiều có niên đại vào khoảng 6400 năm trước.
Rồng với hình dáng cá sấu tại văn hóa Ngưỡng Thiều. [4]
Hình ảnh thực tế Rồng trong mộ Bộc Dương. [Nguồn: dẫn]
Trong vùng trung lưu Dương Tử, các nhà khảo cổ Trung Quốc cũng đã tìm thấy một hình tượng Rồng được sắp xếp bằng đá cuội tại di chỉ Tiêu Điêu (Jiaodun) tại tỉnh Hồ Bắc, thuộc vùng trung lưu Dương Tử, có niên đại vào khoảng 6000 năm trước. Vùng Dương Tử là địa bàn chính của cộng đồng tộc Việt, và vùng trung lưu Dương Tử với các vùng Hồ Bắc, Hồ Nam là cội nguồn của người Việt nhóm Nam Á, với hậu duệ là người Việt và các dân tộc thuộc hệ ngữ Nam Á trong vùng Đông Nam Á ngày nay.
Hình Rồng được xếp bằng đá cuội ở tỉnh Hồ Bắc, vùng trung lưu Dương Tử. [1]
Cận cảnh hơn hình Rồng khổng lồ trong vùng trung lưu Dương Tử. [Nguồn: dẫn]
Hình tượng Rồng trong các văn hóa Ngưỡng Thiều và di chỉ tại vùng Hồ Bắc có hình dáng gần nhất với loài cá sấu. Cá sấu sông Dương Tử nổi tiếng từng tồn tại rất nhiều trong vùng sông Dương Tử, đây chính là một trong những nguồn cảm hứng chính hình thành nên hình tượng Rồng trong văn hóa Đông Á cổ đại, đặc biệt là văn hóa của tộc Việt.
Cá sấu sông Dương Tử. [Nguồn: National Geographic, dẫn]
2. Nguồn gốc trong sự phát triển thịnh đạt của văn hóa Đông Á cổ:
Tới giai đoạn khoảng 5000 năm trước, là giai đoạn bắt đầu hưng thịnh của văn hóa Đông Á cổ, thì tại di chỉ Sanxingthala, thuộc văn hóa Hồng Sơn đã tìm thấy những miếng ngọc Rồng hình tròn sớm nhất Đông Á, có niên đại vào khoảng 5000 năm trước.
Ngọc Rồng văn hóa Hồng Sơn. [Nguồn: Kaogu.cn, dẫn]
Bên cạnh loại hình Rồng như trên, thì Rồng lợn cũng là một loại hình được khắc họa khá phổ biến trên các miếng ngọc của văn hóa Hồng Sơn.
Ngọc Rồng lợn văn hóa Hồng Sơn. [1]
Tại văn hóa Triệu Bảo Câu (Zhaobaogou) trong vùng Nội Mông, có niên đại vào khoảng 6200 năm trước thể hiện rõ ràng hơn hình tượng Rồng rắn và lợn trên bức tượng bằng gốm.
Rồng rắn và lợn tại văn hóa Triệu Bảo Câu. [1]
Tại vùng trung lưu Dương Tử, với văn hóa Lăng Gia Than (Lingjiatan), với niên đại vào khoảng 5500-5300 năm trước, cũng đã tìm thấy loại hình Rồng với hình dáng lai giữa Rồng cá sấu của các văn hóa trong vùng Hà Nam và Hồ Bắc, và Rồng lợn của văn hóa Hồng Sơn.
Rồng ngọc tại di chỉ Lăng Gia Than (Lingjiatan) vùng trung lưu Dương Tử. [1]
3. Sự xuất hiện và kế thừa trong văn hóa tộc Việt:
Tại văn hóa Lương Chử, văn hóa đánh dấu sự hình thành cộng đồng tộc Việt cũng như văn hóa tiền thân của nó là Tống Khê đã tìm thấy khá nhiều ngọc Rồng, đây là những viên ngọc Rồng sớm nhất trong vùng Dương Tử, với niên đại khoảng hơn 5500 năm trước.
Ngọc Rồng của văn hóa Lương Chử. [Nguồn: Ủy ban di sản quốc gia Bắc Kinh, Trung Quốc, dẫn]
Các cổ vật ngọc Rồng trong văn hóa Tống Khê (Songze) và văn hóa Lương Chử (Liangzhu). [Nguồn: Tân Hoa Xã, dẫn]
Tới thời kỳ văn hóa Thạch Gia Hà, là văn hóa tiếp theo của cộng đồng tộc Việt, cũng đã tìm thấy những viên ngọc Rồng và ngọc Phượng Hoàng có niên đại sớm nhất Đông Á. Đây là những biểu trưng quan trọng trong nền văn hóa lưỡng hợp Tiên – Rồng của người Việt.
Ngọc chim Tiên (Phượng Hoàng) và Rồng thời văn hóa Thạch Gia Hà. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, dẫn]
Chính vì vậy, Rồng và chim Tiên có vai trò quan trọng, có thể nói là cốt lõi trong nền văn hóa tộc Việt. Văn hóa của người Việt trong thời kỳ đồ đồng có hai nền tảng chính là văn hóa thờ Trời và văn hóa thờ vật Tổ, người Việt cũng khắc họa lên rất nhiều các trống đồng và đồ đồng hình tượng Rồng và chim Tiên sánh đôi cùng với nhau, bên cạnh đó, người Việt cũng đội mũ lông chim và xăm mình hình Rồng, đây cũng chính là một hình thức thực hành tín ngưỡng thờ vật Tổ của người Việt trong thời kỳ Hùng Vương. Ở phần sau đây, chúng tôi sẽ khảo sát sâu hơn về các loại hình Rồng trong văn hóa Đông Sơn, để thấy được sự hiện diện rất thường xuyên của Rồng trong văn hóa tộc Việt thời kỳ này.
II. Rồng trong văn hóa Đông Sơn:
Văn hóa Đông Sơn và tiền thân của nó là văn hóa Phùng Nguyên có nguồn gốc từ các văn hóa trong vùng Dương Tử theo các nghiên cứu di truyền [5][6]. Thời kỳ này, văn hóa Đông Sơn cũng đã kế thừa các hình tượng Rồng của văn hóa Đông Á cổ, với hình dáng giống với cá sấu và Rồng có mào, bên cạnh đó cũng có sự xuất hiện một dạng Rồng có sự khác biệt nhất định với các dạng Rồng trong văn hóa Đông Á cổ đại.
Trong các hoa văn văn hóa Đông Sơn, chúng ta nhận thấy sự xuất hiện nhiều nhất là của các loại hình Rồng cá sấu, bên cạnh đó cũng có sự xuất hiện của loại hình Rồng khá gần với Rồng các giai đoạn sau, có sự kết nối với loại hình Rồng của văn hóa Hồng Sơn.
Bên cạnh những cổ vật khắc họa mình hình tượng Rồng, thì trong văn hóa Đông Sơn, cũng có nhiều cổ vật được khắc họa hình tượng chim Tiên và Rồng sánh đôi, cả hai loài đều được khắc họa theo cặp, đây là một hình tượng rất đặc biệt và có ý nghĩa quan trọng đối với văn hóa tộc Việt.
1. Rồng cá sấu:
Rồng cá sấu là loại hình Rồng được tìm thấy nhiều nhất trong văn hóa Đông Sơn, chúng thường xuất hiện trên những chiếc rìu đồng, hộ tâm phiến và thạp đồng.
Các loại hình Rồng cá sấu trên các đồ đồng Đông Sơn. [7]
Hình tượng Rồng cá sấu trên qua đồng Núi Voi của văn hóa Đông Sơn.
Rìu đồng phong cách Đông Sơn tìm thấy tại tỉnh Chiết Giang có khắc họa hình Rồng cá sấu đôi. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Chiết Giang, dẫn]
2. Rồng có mào và sừng:
Bên cạnh loại hình Rồng cá sấu, thì thời kỳ Đông Sơn còn tồn tại các loại hình Rồng khác, trong đó tiêu biểu nhất là Rồng với chân và mào tương tự như Rồng thời kỳ sau này, nó cũng có sự tương đồng với loại hình Rồng của văn hóa Hồng Sơn.
Hình tượng Rồng và chim Tiên được thể hiện trên trống đồng Phú Xuyên. [8]
Quan sát kỹ hơn trên trống đồng Phú Xuyên, chúng ta thấy được dường như chiếc mào của Rồng chính là những chiếc sừng, được tách ra với nhau chứ không nối liền như hoa văn trên đồ đồng ở phía dưới. Sự biến đổi này cũng tương đồng trong văn hóa Hoa Hạ, với hình tượng các dạng mào và sừng cũng giống như trên đồ đồng Đông Sơn.
Rồng đôi với chiếc mào đặc trưng trên đồ đồng Đông Sơn. [7]
Rồng đôi được khắc họa trên lao đồng Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng lịch sử Việt Nam, chụp bởi Thierry Ollivier, dẫn]
Trống Kính Hoa được khắc họa cả hình tượng Rồng đơn và Rồng kép, với hai dạng Rồng khác nhau là Rồng cá sấu và Rồng có mào. [Nguồn: dẫn]
3. Một loại hình rồng khác:
Bên cạnh hai loại hình chính, thì thời kỳ văn hóa Đông Sơn còn xuất hiện loại hình rồng có dáng giống Rắn, và có thân, đầu giống chồn/sóc.
Bức tượng Rồng của văn hóa Đông Sơn. [9]
Hình tượng Rồng trên trống đồng Hòa Bình. [8]
III. Vai trò của Rồng trong văn hóa Hoa Hạ:
Trong văn hóa Hoa Hạ, thì Rồng dường như có vai trò không thực sự quan trọng đối với họ, dựa trên những ghi chép sưu tầm được trong sách Tả Khâu Minh, Xuân thu Tả Truyện, trong đoạn trích lời của Tấn Thái Sử là Sái Mặc nói về Rồng:
“Mùa thu, ở ngoài đất Giáng, Quốc đô nước Tấn, có rồng hiện ra. Ngụy Hiến Tử hỏi Tấn Thái Sử là Sái Mặc rằng: Tôi nghe nói về loài vật thì rồng là có trí hơn cả, không bắt sống được. Bảo là có trí có thể tin được không. Đáp: Người ta thực không thể biết được. Rồng thực ra không phải là trí. Thời xưa, có nuôi rồng, cho nên trong nước có họ Hoạn long, Ngự long. Hiến Tử nói. hai họ đó, tôi thường có nghe nói, mà không được biết nguyên do. Đáp: Xưa, có vua Thúc An nước Liêu, đời cháu chắt tên là Đảng Phù, rất thích rồng, biết tính nết, cho ăn uống, cho nên nhiều rồng tới. Mới nuôi rồng để phục vụ vua Thuấn.
Vua ban cho họ Đổng, họ Hoạn Long, phong cho ở đất Tống Xuyên. Họ Tống Di là một ngành con cháu sau. Cho nên thời Đế Thuấn, có nói việc nuôi rồng.
Đến nhà Hạ, vua Khổng Giáp. Vốn xưa có họ Thừa Long. Trên sông Hà, trên sòng Hán, mỗi nơi một họ. Khổng Giáp không biết dùng mà lại chưa tìm được họ Hoạn Long.
Khi Đào Đường đã suy, về sau có họ Lưu Lũy học nghề nuôi rồng ở họ Hoạn Long, biết cho rồng ăn uống, rồi để phục vụ Khổng Giáp. Vua rất khen, mới ban cho họ Ngự Long thay vào trước kia, là họ Thỉ Vì. Một con rồng cái chết, lấy đem ngâm tương giấm để dâng vua (thế thì rồng đâu có gọi là vật có trí). Vua ăn rối quen. Họ Ngự Long sợ không tìm được rồng nữa mới tránh đến ở huyện Lỗ (nay là Lỗ Dương). Họ Phạm chính là dòng dõi họ Ngự Long này.
Hiến Tử nói, nay sao lại không có rồng. Đáp: Phàm vật có người coi. Coi có phương pháp. Sớm tối nghĩ tới, lơ đễnh là có tội. Mất chức là không được lương lộc nữa. Ở chức, đủ sinh sống, yên thân, thì vật phải tới. Nếu thôi nuôi, bỏ chức nuôi, thì vật phải hết.
Cho nên có chức quan coi về ngũ hành, cùng gọi là ngũ quan, được ban họ phong làm Thượng Công, được thờ với Quý Thần ở nền Xã tắc.
Chưởng về hành Mộc thì gọi là Câu Mang.
Chưởng về hành Hỏa thi gọi là Chúc Dung.
Chưởng về hành Kim thì gọi là Nhục Thu.
Chưởng về hành Thủy thì gọi là Huyền Minh.
Chưởng về hành Thổ thì gọi là Hậu Thổ.
Rồng, là vật thuộc về hành Thủy. Chức Thủy quan đã bỏ, cho nên không bắt được rồng nữa. Nếu không, sao Kinh Dịch lại nói đến. Quẻ Càn viết: “Rồng còn ẩn chưa không dùng được”, “Rồng ờ ruộng”. “Rồng bay lên trời”, “Rồng lên cao quá, có hối hận”, “Thấy đàn rồng không đầu, tốt”. Quẻ Khôn có câu” “Rồng chiến ở ngoài đồng”. Nếu không sớm tối trông thấy thì sao lại gọi tên?” [10]
Rồng được ghi chép ở đây là cá sấu, đây là loài vật xuất hiện nhiều nhất trong vùng sông Dương Tử, đây cũng là hình tượng chủ yếu hình thành nên loài Rồng trong văn hóa Đông Á cổ, được người Việt kế thừa sau đó trong thời văn hóa Đông Sơn. Hình tượng Rồng được khắc họa trên các đồ đồng Hoa Hạ cũng thể hiện sự tương đồng với hình tượng Rồng của người Việt.
Rồng trên các đồ đồng thời nhà Chu và thời Xuân Thu. [Nguồn: Bảo tàng Trung Quốc, dẫn; Bảo tàng cung điện Bắc Kinh, dẫn]
Trên các cổ vật nhà Thương, chúng ta cũng thấy được sự tương đồng trong hình tượng Rồng được khắc họa trên đồ đồng nhà Thương với hình tượng Rồng trên trống đồng và đồ đồng Đông Sơn, với những đặc trưng rất cơ bản của Rồng trong giai đoạn đồ đồng.
Rồng được khắc họa trên đĩa đồng nhà Thương. [Nguồn: kaogu.net.cn, dẫn]
Ngọc Rồng thời nhà Thương, nó có hình dáng tương đồng với Rồng Việt, tuy nhiên đã thể hiện nét hung ác hơn so với Rồng của người Việt. [1]
Từ đây chúng ta thấy được Rồng tuy được người Hoa Hạ khắc họa rất nhiều trên các đồ đồng, đồ ngọc của mình, nhưng có vẻ như Rồng đối với văn hóa của họ không thực sự chiếm một vai trò quan trọng, khác biệt đối với nền văn hóa của tộc Việt, khi Rồng đóng một vai trò cốt lõi trong nền văn hóa lưỡng hợp Tiên – Rồng, được người Việt xem như vật Tổ. Khi người Việt thất bại trong cuộc chiến chống xâm lược của người Hoa Hạ, dẫn tới kết quả về ảnh hưởng của văn hóa tới văn hóa tộc Việt, ý nghĩa và hình dáng Rồng của họ bắt đầu ảnh hưởng tới người Việt, khiến cho hình tượng Rồng mất đi ý nghĩa nguyên thủy của nó trong văn hóa của tộc Việt cổ.
IV. Kết luận:
Chúng ta đã cùng tìm hiểu về nguồn gốc và quá trình phát triển của hình tượng Rồng trong văn hóa cổ Đông Á và các văn hóa hậu duệ của chúng là văn hóa tộc Việt và văn hóa Hoa Hạ. Văn hóa Đông Á cổ có nhiều loại hình Rồng khác nhau, với Rồng có các hình dạng: cá sấu, lợn, rắn. Văn hóa tộc Việt với văn hóa lớn cuối cùng là văn hóa Đông Sơn đã kế thừa đa dạng các loại hình Rồng trong văn hóa Đông Á cổ, các hình tượng Rồng đôi từng được xem là giao long thực tế chính là Rồng.
Rồng có vai trò rất quan trọng đối với người Việt trong nền văn hóa lưỡng hợp Tiên – Rồng, đây chính là những vật Tổ của người Việt, được người Việt thể hiện trên rất nhiều đồ đồng của văn hóa Đông Sơn, cũng như những hoạt động đội mũ lông chim, xăm mình hình Rồng chính là biểu trưng cho nền văn hóa đó. Đây là một trong những nét văn hóa cốt lõi của văn hóa tộc Việt, chúng ta cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, nhằm đưa những nét văn hóa cổ của dân tộc trở lại với đời sống của người Việt ngày nay, đó sẽ là nền tảng rất quan trọng cho sự phát triển của dân tộc trong giai đoạn sau này, trong đó bao gồm yếu tố văn hóa lưỡng hợp Tiên – Rồng, một trong hai yếu tố văn hóa cốt lõi của tộc Việt trong thời kỳ tiền Bắc thuộc.
Xin cảm ơn tư liệu phần III của trang Việt Nam cổ phục và tác giả Hoàng Nguyễn.
Lang Linh
PHỤ LỤC: NGUỒN GỐC CỦA RỒNG VÀ TỨ TƯỢNG
Với tư liệu chúng tôi mới tìm được, thì có nhiều khả năng Rồng và tứ linh trong văn hóa Á Đông có nguồn gốc từ thiên văn. Tác giả Feng Shi thông qua việc khảo cứu các tài liệu khảo cổ trong tác phẩm “中国古代天文考古学 – Thiên văn và khảo cổ Trung Quốc cổ đại” đã chứng minh Rồng và tứ linh có nguồn gốc từ thiên văn[11], có tổng cộng 28 chòm sao trên bầu trời, được gọi là Nhị Thập Bát Tú trong cổ thiên văn Trung Hoa. Qua sự quan sát trên bầu trời, thì cư dân cổ Đông Á đã gắn chúng với các hình tượng Rồng, Hổ, Phượng, Rùa tương ứng với 4 phía Đông, Tây, Nam, Bắc của Nhị Thập Bát Tú.
Từ bằng chứng chữ viết trên xương và trên đồ đồng thời nhà Thương có khắc chữ Rồng cũng cho chúng ta cơ sở của khảo cứu này.
So sánh các chữ khắc trên xương của nhà Thương (1-7) Chữ khắc bằng đồng (8-9) “Rồng” và chòm sao Thương Long (10-12).
Đây cũng chính là chòm sao nguồn gốc của Tứ Linh trong văn hóa cổ Á Đông, bao gồm các hình tượng: Rồng, chim Tiên, Hổ và Rùa. Đây không phải là quan sát và sáng tạo của riêng người Trung Hoa, mà có nguồn gốc từ văn hóa Đông Á cổ, người Trung Hoa là một trong các dân tộc kế thừa. Trong văn hóa tộc Việt và văn hóa trong vùng Dương Tử, chúng ta cũng tìm thấy đầy đủ các hình tượng Rồng, Phượng, Rùa và Hổ.
Ngọc chim Tiên, Rồng, Hổ của văn hóa Thạch Gia Hà và ngọc Rùa của văn hóa Lăng Gia Than. [Nguồn: 1,2: Bảo tàng tỉnh Hồ Bắc, dẫn; 3. Đội khảo cổ Thạch Gia Hà, dẫn lại trên China Daily, dẫn; 4. The Complete Collection Of Jades Unearthed In China, Tập 6: Anhui]
Vì vậy, chúng ta có đủ cơ sở để cho rằng Rồng, chim Tiên hay rộng hơn là tứ linh
trong văn hóa Đông Á cổ có nguồn gốc từ thiên văn, thông qua sự quan sát thiên văn lâu dài, cư dân Đông Á cổ đã hình thành nên 4 loài vật
linh thiêng dựa trên Nhị Thập Bát Tú, được cư dân tộc Việt kế thừa và thể hiện trên các đồ ngọc.
Tài liệu tham khảo:
[1] Zhang Chaohua 张超华, Khám phá sự hình thành rồng Trung Quốc trong thời kỳ tiền sử 史前时期我国龙造形的发现情况
http://www.chnmus.net/sitesources/hnsbwy/page_pc/dzjp/mzyp/fhmyl/list1.html
[2] Bolsche W. Drachenen Sage und Naturwissenschaft. Stuttgart, năm 1921.
[3] Frobenius L. Das Zeitalterdes Sonnengottes. Berlin, 1904.
[4] Li Liu, Xingcan Chen (2012). The archaeology of China: from the late Paleolithic to the early Bronze Age: Cambridge University Press.
[5] Liu D, Duong NT, Ton ND, Van Phong N, Pakendorf B, Van Hai N, Stoneking M (2020). Extensive ethnolinguistic diversity in Vietnam reflects multiple sources of genetic diversity. Molecular Biology and Evolution.
https://doi.org/10.1093/molbev/msaa099
[6] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92.
https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88
[7] Lê Văn Hảo, Hành trình về thời đại Hùng Vương dựng nước, Nhà xuất bản Thanh niên, 2000.
[8] Nguyễn Văn Huyên, Vinh Hoàng (1975). Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam. Hà Nội.
[9] James R. Brown, Anh Hoang Brown, Bronzes of the Dong Son Culture of Vietnam, Asia Art Magazine.
[10] Khổng Tử, Tả Khâu Minh, Công Dương Cao, Cốc Lương Xích. Hoàng Khôi dịch. Xuân Thu Tam Truyện. NXB TP Hồ Chí Minh. 2002.
[11] 李宝宗 Li Baozong, 飞龙在天——仰韶文化庙底沟类型“鸟龙”纹彩陶盆的天文考古学解读, Rồng bay trên bầu trời: Diễn giải thiên văn và khảo cổ học về lưu vực gốm vẽ “Chim và Rồng” ở Đền Digou thuộc Văn hóa Ngưỡng Thiều.
https://hunan.voc.com.cn/article/202101/202101040943528487.html