S i Vưu là hình tượng nổi tiếng trong truyền thuyết phương Đông. Tùy theo cách nhìn, có khi là nhân vật tích cực, khi lại là nhân vật tiêu cực. Là hình tượng truyền thuyết hay nhân vật lịch sử cũng chưa được minh định. Do vậy đến nay chưa có cách nhìn chuẩn xác về nhân vật này. Bài viết sau đây là cách giải mã bí ẩn của truyền thuyết để góp phần khám phá lịch sử phương Đông. 1.
1. Tóm lược truyền thuyết.
Thư tịch từ thời Xuân Thu đã ghi chép khá phong phú về truyền thuyết Si Vưu. Theo đó, Si Vưu là lãnh tụ bộ lạc Cửu Lê. Trong một tình tiết thần thoại, sau khi Si Vưu tuyên bố rằng mình không thể bị chế ngự, Nữ Oa đã ném một phiến đá từ Thái Sơn vào ông. Tuy không thể nghiền nát phiến đá, song Si Vưu vẫn thoát ra đươc. Từ đó về sau, các khối đá có hình năm ngón tay, được khắc chữ “Thái Sơn thạch cảm đương” (phiến đá Thái Sơn) trở thành một vũ khí tinh thần của người Hán trong việc xua đuổi cái ác và tai họa.
Trong rất nhiều cổ thư có nói việc Si Vưu đánh nhau với Hoàng Đế, thủ lĩnh một liên minh bộ lạc. Có ba thuyết quanh việc này. Thứ nhất thấy trong Sử ký-Ngũ Đế bản kỉ viết rằng “sau khi Hoàng Đế chiến thắng Viêm Đế ở trận Phản Tuyền, Si Vưu làm loạn, bị Hoàng Đế đánh bại trong trận Trác Lộc.”
Thuyết thứ hai ghi trong Dật Chu thư – Thường mạch thiên. Theo đó, bị Si Vưu đánh đuổi, Viêm Đế xin Hoàng Đế trợ giúp. Hoàng Đế liên kết với Viêm Đế giết chết Si Vưu ở Trung Kí.
Thuyết thứ ba được ghi trong Sơn Hải Kinh-Đại Hoang Bắc Kinh, cho rằng Si Vưu tiến đánh Hoàng Đế, Hoàng Đế lệnh cho Ứng Long nghênh chiến, hai bên đại chiến trên cánh đồng ở Kí châu, Si Vưu bại trận và bị giết. Quá trình chiến tranh cũng phức tạp, và mang nhiều màu sắc thần thoại. Si Vưu thiện chiến, “chế tạo năm loại binh khí, làm ra sương mù dày đặc, trọn ba ngày.” Hoàng Đế “chín lần chiến thì chín lần không thắng, ba năm không hạ được thành”. Chép rằng Hoàng Đế không địch nổi Si Vưu, “bèn ngước lên trời mà than thở. Ông trời sai Huyền Nữ xuống ban cho Hoàng Đế binh lính được thần thánh phù trợ”. Nhờ có lực lượng của Huyền Nữ mà Hoàng Đế cuối cùng đã chiến thắng. Một thuyết lại cho rằng Si Vưu dùng yêu thuật tạo ra sương mù dày đặc làm quân của Hoàng Đế mất phương hướng. Hoàng Đế liền dùng xe chỉ nam dẫn đường đuổi giết Si Vưu.
Theo ghi chú của họa gia La Sính thời Thanh: “Hoàng Đế đã hạ lệnh cho quân lính chặt đầu Si Vưu… thấy rằng đầu của Si Vưu đã bị tách khỏi phần thân, sau đó Hoàng Đế đã cho khắc hình tượng của Si Vưu lên các chén thiêng nhằm cảnh báo những người có lòng thèm muốn quyền lực và giàu sang.”
Hoàng Đế chiến đấu với Si Vưu là một sự kiện cực kỳ quan trọng trong truyền thuyết Trung Quốc. Sau khi Hoàng Đế giành được thắng lợi đã thống nhất khu vực Trung Nguyên, trở thành thủy tổ của tộc Hoa Hạ. Cũng do đó, các sử tịch Hán văn, đặc biệt là điển tịch Nho giáo – vốn chiếm thế chủ lưu trong một thời gian dài, xem Si Vưu là một nhân vật xấu xa. Về sau, Si Vưu dần bị thần hóa, trở thành nhân vật có hình tượng “đầu đồng trán sắt”, “tám tay tám chân”, “thân người móng trâu, bốn mắt sáu đầu” và “ăn cát sỏi”.
Sau khi Si Vưu bại trận, người trong bộ tộc Cửu Lê lưu tán, một bộ phận quy phục Hoàng Đế, một bộ phận di cư đến nơi khác. Si Vưu và Viêm Đế có quan hệ phức tạp, các thuyết có sự khác biệt. Có một loại quan điểm nhận định Si Vưu có khả năng từng thần thuộc Viêm Đế hoặc từng gia nhập vào liên minh bộ lạc mà Viêm Đế làm thủ lĩnh nhưng sau đó giữa Si Vưu và Viêm Đế đã phát sinh xung đột gay gắt, và kết quả là Viêm Đế đại bại.
Một số nhà sử học mà đại diện là Hạ Tằng Hựu, Đinh Sơn, Lã Tư Miễn thì cho rằng Si Vưu là Viêm Đế. Họ chủ yếu căn cứ theo ghi chép về Trác Thủy trong Thủy Kinh Chú đưa ra nhận định rằng nơi giao chiến giữa Si Vưu và Hoàng Đế (ở Trác Lộc) và nơi giao chiến giữa Viêm Đế và Hoàng Đế (ở Phản Tuyền) thực ra là một nơi, hai trận chiến thực ra chỉ là một, biểu hiện của Si Vưu và Viêm Đế cũng tương đồng. Thêm vào đó, Si Vưu và Viêm Đế đều lấy ngưu làm vật tổ.
Cũng có quan điểm rằng Si Vưu xuất hiện sau Viêm Đế. Hai người này cùng thuộc một bộ tộc, đều là tước hiệu thủ lĩnh hoặc là thủ lĩnh của bộ tộc đó. Sau khi Hoàng Đế đánh bại bộ tộc Viêm Đế, bộ tộc Si Vưu hoạt động với tư cách là hậu thế, vì muốn báo thù nên đã giao chiến với Hoàng Đế trong đại chiến Trác Lộc, sau khi chiến bại, thủ lĩnh bị bắt giết, một bộ phận tộc nhân quy thuận Hoàng Đế.
a. Si Vưu với Hoàng Đế.
Trong thời gian dài, tư tưởng Nho giáo là chủ lưu ở xã hội Trung Quốc nên việc Hoàng Đế chiến thắng Si Vưu dần được mô tả là chiến tranh giữa chính nghĩa và tà ác, chẳng hạn như trong Sử ký-Ngũ Đế bản kỉ. Trong các tư liệu văn hiến phi Nho giáo như Dật Chu thư, Sơn Hải kinh, sự kiện Si Vưu giao chiến với Hoàng Đế được miêu tả tương đối khách quan. Trong kinh điển Trang tử của Đạo giáo, mượn lời của Đạo Chích mà bày tỏ đồng tình với Si Vưu và khiển trách Hoàng Đế. Thêm vào đó, Si Vưu và Hoàng Đế ngoài quan hệ đối địch ra, còn có thể đã có quan hệ thần thuộc. Hoàng Đế từng sai khiến Si Vưu làm chủ quản việc luyện kim, phụ tá Thiếu Hạo. Thời Xuân Thu, danh tướng nước Tề là Quản Trọng thì cho rằng Si Vưu là người đứng đầu trong “lục tướng” của Hoàng Đế, địa vị rất cao. Thời Chiến Quốc, Hàn Phi cũng có các ghi chép tương tự, song mang nhiều sắc thái thần thoại.
b .Si Vưu với Cửu Lê và Tam Miêu.
Si Vưu là thủ lĩnh của Cửu Lê, việc này có rất nhiều ghi chép và thậm chí còn có tranh luận. Si Vưu là đại diện cho Cửu Lê và có quan hệ với một tập đoàn bộ lạc khác là Tam Miêu. Căn cứ theo Thượng thư và Quốc ngữ cùng nhiều thư tịch cổ, Tam Miêu bắt nguồn từ Cửu Lê, và là hậu thế của Cửu Lê. Cửu Lê chiến bại, tộc nhân lưu tán, phát triển thành Tam Miêu. Tuy nhiên, có nhiều học giả bất đồng về điều này và nhận định rằng Cửu Lê và Tam Miêu không có nguồn gốc với nhau. Một cách giải thích khác là Si Vưu là tên hiệu cộng đồng của thủ lĩnh quân sự liên minh bộ lạc, do vậy là hậu duệ của Viêm Đế, cũng là thủ lĩnh tập đoàn Lưỡng Hạo (Thái Hạo, Thiếu Hạo), cũng là quân chủ Cửu Lê, sau đó tập đoàn Tam Miêu noi theo sử dụng tước hiệu này.
c. Si Vưu và Đông Di.
Người ngày nay thường nói Si Vưu là thủ lĩnh Đông Di. Kỳ thực, Đông Di là cách xưng hô sau khi hình thành mô hình “Hoa Di ngũ phương” thời Thương, Chu, cách xa thời đại của Si Vưu, hoặc nói Đông Di là hậu duệ của Si Vưu, điều này có vẻ thích hợp hơn.
d. Quan hệ tộc người.
Căn cứ theo một số sử thi, ca dao, truyền thuyết của người Miêu, Si Vưu là đại thần tổ của tộc người này, có địa vị hết sức cao quý. Một số học giả, đặc biệt là học giả người Miêu đề xuất rằng, tổ tiên của người Miêu vào thời thượng cổ ban đầu cư trú tại lưu vực Hoàng Hà, do bị tộc Hoa Hạ đánh bại, bị buộc phải thiên di đến khu vực Quý Châu, tây bộ tỉnh Hồ Nam và tây nam bộ tỉnh Hồ Bắc ngày nay.
Sau khi Si Vưu bại trận, một bộ phận tộc nhân dung hợp vào tập đoàn Viêm Hoàng, do đó trở thành một bộ phận của tộc Hoa Hạ, cũng là tổ tiên của người Hán ngày nay. Một số họ của người Hán có khả năng có liên hệ với Si Vưu, như Trâu, Đồ, Lê, Xi.
Căn cứ theo Hậu Hán thư-Tây Khương truyện, một bộ phận tộc nhân Tam Miêu đã di chuyển về hướng tây. Do vậy nếu thừa nhận Si Vưu và Tam Miêu có quan hệ thì Si Vưu có khả năng là tổ tiên của người Khương.
Phân chi Đông Bắc Di của Đông Di có thể có khả năng có quan hệ với Phù Dư và có thể là cả Cao Câu Ly. Năm 1979, tại Hàn Quốc xuất hiện một quyển sách lịch sử gây tranh cãi là Hoàn Đàn cổ kí, trong đó Si Vưu được xem là Từ Ô Chi Hoàn Hùng, đại quân chủ thứ 14 của Bột Đạt Quốc trên bán đảo Triều Tiên.
e Việc sùng bái Si Vưu.
. Khu vực người Hán. Mặc dù Si Vưu là nhân vật phản diện trong các điển tịch Nho giáo, song trong dân gian vẫn duy trì truyền thống thờ phụng Si Vưu, khu vực các tỉnh Hà Bắc và Sơn Tây ở Hoa Bắc có hoạt động thờ phụng tương quan. Như Nhâm Phưởng thời Nam triều có ghi trong Thuật dị chí rằng Kí châu (nay là Hà Bắc) có nhạc danh (Si Vưu hí), người dân đầu đội sừng trâu và giữ thăng bằng. Tại một thôn ở Thái Nguyên có tế thần Si Vưu. Tần Thủy Hoàng tự mình tế Si Vưu, xem là một trong tám chiến thần. Các bậc đế vương và võ tướng sau này trước khi xuất chinh thường tế bái Si Vưu để cầu xin sự phù hộ.
Theo truyền thuyết, sau khi chiến bại, Si Vưu bị chặt đầu, ngoài ra còn có nhiều mộ được cho là của Si Vưu, tức “Si Vưu trủng”, có người dân cúng tế. Ở huyện Cự Dã thuộc tỉnh Sơn Đông có “mộ Si Vưu” và “quảng trường Si Vưu”.
. Với người Miêu. Trong khi người Hán tự nhận là con cháu của Viêm Hoàng, người Miêu tiếp tục xem Si Vưu là tổ tiên của mình. Ở các vùng người Miêu tại đất Kiềm, Đông Nam tỉnh Quý Châu và huyện Dung Thủy thuộc Quảng Tây, cứ mỗi sáu năm hoặc mười năm lại cử hành một lần nghi thức tế tổ Chiguzang (吃鼓藏, Cật Cổ Tang) với quy mô lớn, đầu tiên là tế thủy tổ “Khương Vưu” (姜尤). Ở Kiềm Nam thuộc tỉnh Quý Châu có sử thi “Bảng Si Vưu” (榜蚩尤), kể về truyện cũ của vị tổ tiên đệ nhất Hương Vưu (香尤).
Người Miêu ở Mã Quan, Vũ Định có phong tục “khiêu nguyệt” hoặc “thải hoa sơn”, truyền thuyết của phong tục này và Si Vưu có quan hệ mật thiết. Đương thời, Si Vưu lãnh đạo dân Miêu chống lại việc Hoàng Đế đông tiến, sau khi thất bại thì rút vào núi sâu. Nhằm triệu tập người Miêu ở tứ phương, Si Vưu dựng cây gậy gỗ trên núi, cho treo dải lên, lệnh cho nam nữ ca múa xung quanh cây gậy hoa, thổi lô sanh (芦笙, một loài khèn của người Miêu). Khung cảnh náo nhiệt đã thu hút nhiều người Miêu tụ hội, tập hợp lại và nhập quân chiến đấu. Về sau, nó đã trở thành một hội hát múa lớn, thành lễ tiết truyền thống của người Miêu. (Dẫn từ https://zh.wikipedia.org/wiki/%E8%9A%A9%E5%B0%A4 )
2 . Giải mã hình tượng Si Vưu.
Trình bày ở trên cho thấy Si Vưu là nhân vật đa diện, phức tạp và mâu thuẫn. Không chỉ về nguồn gốc xuất thân mà còn ở hành trạng. Vì vậy mà hơn 2000 năm qua, ông vẫn là nhân vật huyền thoại luôn bí ẩn. Ngày nay, từ tri thức lịch sử mới, ta có điều kiện để bạch hóa nhân vật kỳ lạ này.
. Nguồn gốc của Si Vưu.
Điều chung nhất từ các tư liệu trên là sự khẳng định: Si Vưu thuộc về tất cả các tộc người có mặt trên đất Trung Hoa. Không chỉ Cửu Lê, Miêu, Dao mà ngay người Hán cũng thờ ông. Một sự khẳng định như vậy từ truyền thuyết và cổ thư gián tiếp xác nhận: các tộc người trên đất Trung Hoa có chung một gốc. Điều này đúng với khám phá của nhân học hiện đại: dân cư trên đất Trung Hoa là người Lạc Việt. Các tộc người Lê, Miêu, Dao… là những chi khác nhau của chủng Lạc Việt, chủ nhân đầu tiên của Trung Hoa. Si Vưu là một trong những tộc trưởng, lãnh tụ tài năng nhất, can trường, có uy tín và ảnh hưởng nhất trong dân cư phương Đông. Không chỉ người Việt mà cả dân Hàn Quốc cũng nhận ông là tổ. Từ đó, có thể khẳng định Si Vưu là một trong những lãnh tụ người Lạc Việt thời cổ. Một câu hỏi: là lãnh tụ Lạc Việt nhưng Si Vưu là ai? Muốn trả lời câu hỏi này, trước hết phải xác định được thời điểm xuất hiện của ông. Là nhân vật chính trong cuộc chiến tranh với Hoàng Đế tại Trác Lộc năm 2698 TCN, nên có thể khẳng định, Si Vưu sống vào khoảng thời gian đó. Mốc thời gian này rất có ý nghĩa vì nó cho thấy, Thần Nông (3220 – 3080 TCN), Si Vưu sống sau đó 500 năm nên không thể là Thần Nông mà là miêu duệ của Thần Nông. Điều này cũng khẳng định, không có chuyện Si Vưu bị Nữ Oa ném đá. Càng không hề có chuyện Si Vưu chống lại Thần Nông. Do là hai kẻ thù sống mái nên cũng cũng không có chuyện Si Vưu hợp tác với Hoàng Đế. Việc Tần Thủy Hoàng đích thân tế Si Vưu có khả năng xảy ra. Không chỉ là tế vị thần chiến tranh để xin phù hộ mà còn là việc tế vị tổ của tộc Việt. Đây cũng là bằng chứng cho thấy bộ tộc Tần là người Lạc Việt.
Tới đây ta phải trả lời câu hỏi khác: ở thời điểm này, tình hình của người Lạc Việt ra sao? Theo truyền thuyết Hồng Bàng thị, năm 2879 TCN, Đế Nghi phong cho Kinh Dương Vương trị vì Nam Dương Tử. Kinh Dương Vương thành lập nước Xích Quỷ rồi trao quyền cho Lạc Long Quân. Đế Nghi phong cho Đế Lai trị vì lưu vực Hoàng Hà.
Thời gian này, người Mông Cổ du mục liên tục quấy nhiễu, cướp phá đất của Đế Lai và bị chống trả quyết liệt. Trong cuộc kháng chiến này, chắc chắn có sự trợ lực của Kinh Dương Vương rồi Lạc Long Quân từ phương Nam.
Khoảng năm 2698 TCN khi trận Trác Lộc xảy ra, đã cách thời Đế Lai lập nước 182 năm. Lĩnh Nam chích quái nói Đế Du Võng và Si Vưu đánh nhau với Hoàng Đế. Điều này có nghĩa Đế Du Võng và Si Vưu là hậu duệ của Đế lai.
Một trận chiến lớn xảy ra ở Phản Tuyền. Sử sách không cho biết Phản Tuyền ở đâu. Nhưng nếu như Phản Tuyền và Trác Lộc là một thì đó không thể là trận chiến trong nội địa, xẩy ra trong cùng một bộ lạc mà chỉ có thể là cuộc chiến chống lại sự xâm nhập của đội quân vượt sông từ phía bắc xuống. Trận này Đế Du Võng thắng. Ta nhớ lại truyền thuyết: “Hoàng Đế đánh chín trận thì chín lần không thắng.” Đế Du Võng cai trị vùng đất rộng lớn phì nhiêu, giàu nhân tài vật lực. Bên ông có Si Vưu là chỉ huy tài ba, là chiến tướng dũng mãnh. Một sức mạnh khác của thủ lĩnh là thần quyền trong tay khiến ông thành vị lãnh tụ bán thần. Sau chiến thắng Phản Tuyền, uy tín của ông càng cao.
Thất bại ở Phản Tuyền không chấm dứt mưu đồ xâm lăng của Hiên Viên cùng phe đảng mà chỉ tăng thêm quyết tâm xâm lược. Trước khó khăn kinh tế như khô hạn, giá lạnh… Trước sức ép của những bộ lạc thù địch phía Bắc, việc chiếm vùng đất phía Nam giầu có là yêu cầu sinh tử. Hiên Viên cùng tập đoàn của mình chuẩn bị cuộc chiến tranh mới. Về phần Đế Du Võng và Sư Vưu, tất nhiên cũng ráo riết chuẩn bị cho trận đánh không tránh khỏi. Trong cuộc chiến này chắc là có hậu thuẫn của vương quốc Văn Lang hùng mạnh phía nam. Vì là anh em ruột thịt nên tấm gương của Si Vưu được khuếch trương trong cư dân Văn Lang. Vị thần chiến tranh mang hình tượng Si Vưu được thợ ngọc sáng tạo trong hình tượng « thao thiết » như một huy chương biểu dương lòng can đảm.
Điều không tránh được đã đến. Có lẽ vào mùa Đông năm 2698, Hiên Viên tập trung toàn bộ sức mạnh tấn công vào Trác Lộc. Trận chiến sống mái diễn ra. Không chống cự nổi những đoàn ngựa chiến, liên quân của Hùng Vương và Đế Du Võng thất bại. Đế Du Võng và Si Vưu tử trận. Hiên Viên dẫn quân Mông Cổ chiếm một phần đồng bằng Trong Nguồn. Dù thất bại nhưng người Việt vẫn tiếp tục chiến đấu. Những huy hiệu hình Si Vưu được đưa ra như biểu trưng của thần lực và lòng can đảm. Cuộc chiến du kích của người Việt tiêu hao không ít lực lượng Mông Cổ. Thêm nữa, do lũ lụt của sông Hoàng Hà đe dọa nên Hiên Viên hành quân về phía Tây, tới cao nguyên Hoàng Thổ, lập vương triều, xưng là Hoàng Đế với nghĩa ông vua của vùng Hoàng Thổ.
Tại Phản Sơn huyện Trác Lộc tỉnh Hà Bắc có ngôi mộ đất với tấm bia đá đơn giản khắc dòng chữ “Nam Si Vưu Mộ.” Nhiều năm trước, một nhóm nhà khảo cổ học có ý định khai quật ngôi mộ. Nhưng dân trong làng ra cản lại. Họ nói: “Quý vị biết đây là mộ ai không?” Từ bao đời nay làng chúng tôi được lập ra là để chăm sóc ngôi mộ này. Nếu quý vị đào thì chúng tôi không còn lý do để sống ở đây nữa.” Điều này phản ánh sự thật: Si Vưu bị giết và được chôn cất tại đây.
Dù Si Vưu đã chết nhưng triều đình Hoàng Đế luôn đối mặt với cuộc chiến mà biểu tượng là ông, như một lãnh tụ dũng mãnh lại như một thần chiến tranh tàn bạo. Điều này trở nên nỗi ám ảnh gây cho Hoàng Đế tâm lý tức giận. Do vậy, đặt cho ông một cái tên rất xấu Si Vưu với nghĩa kẻ ngu ngốc, tối tăm, ương gàn. Từ đó, Si Vưu trở nên phổ biến trên toàn đất Trung Hoa.
Đế Du Võng và Si Vưu hy sinh, một phần đất ở phương Bắc bị mất vào năm 2698 TCN. Nhưng trên đại cuộc, lực lượng của người Việt vẫn mạnh. Trên lãnh thổ của tộc Việt gồm hơn nửa Hoa lục, hình tượng của Si Vưu luôn được nhà nước và người dân đề cao. Chính vì vậy, hình tượng Si Vưu mới ảnh hưởng sâu rộng đến thế trong dân gian. Không chỉ tại địa bàn của người Việt mà ngay trên đất người Mông Cổ chiếm dóng, một kẻ thù của Hoàng Đế vẫn được thờ kính như là thần thánh. Tục thờ Si Vưu được phổ biến tới tất cả cộng đồng Việt tộc tên đất Trung Hoa. Người Hàn Quốc là người U Việt từ bờ biển Trung Quốc di tản tới Hàn Quốc và Nhật Bản vào thời Chiến Quốc nên việc thờ tổ Si Vưu nơi họ là có cơ sở. Có một điều gây cho ta thắc mắc, là vì sao, trong khi hầu hết dân Lạc Việt tôn thờ Si Vưu thì người Việt Nam không thờ vị thần này? Phải chăng do người Việt Nam xác định rõ tổ của mình là Kinh Dương Vương nên chỉ thờ duy nhất vị tổ Kinh Dương Vương?
3. Kết luận
Từ xa xưa con người vẫn mang quan niệm rằng truyền thuyết là những điều hoang đường, kiểu “ma trâu thần rắn” theo cách nói của vua Tự Đức. Nhưng thực tế cho thấy, trong mỗi truyền thuyết đều có một hạt nhân sự thực. Từ truyền thuyết, cổ thư và những phát hiện lịch sử mới, cho thấy Si Vưu là người anh hùng giữ nước đầu tiên của tộc Việt trong kháng chiến chống trả cuộc xâm lăng của Hoàng Đế. Là bên thắng cuộc, Hoàng Đế làm nhiều cách phủ định và bêu xấu đối thủ. Sau này, các nhà nho Trung Quốc, theo quan điểm chính thống đã mô tả Si Vưu là nhân vật phản diện, bất chính. Tuy nhiên, là lãnh tụ của nhân dân nên nhân dân luôn tưởng nhớ, suy tôn và thờ phụng. Từ hai luồng quan niệm đối chọi về nhân vật Si Vưu, nay ta gạt bỏ nhửng lầm lẫn, xuyên tạc để minh định vai trò Si Vưu trong lịch sử. Đó chính là người anh hung giữ nước đầu tiên của tộc Việt. Có điều khiến chúng ta băn khoăn, đó là danh xưng Si Vưu. Trong tiếng Hán, Si Vưu (蚩尤) có nghĩa là gàn dở, ngu ngốc. Theo lẽ thường, không cha mẹ nào đăt tên con như vậy. Hơn nữa, đây không phải người bình thường mà là người đứng đầu của dòng tộc sẽ không thể mang tên xấu xa đó. Rất có thể là, vì thù hận Si Vưu, Hoàng Đế đã đặt cho kẻ thù không đội trời chung của mình cái tên xấu xí đó. Cái tên đó được ghi lại trong sách. Rồi cùng với thời gian, tên thực của nhân vật bị lãng quên, chỉ còn lại cái tên xấu lưu truyền. Do vậy hôm nay chúng ta đành chấp nhận.