CHUYỆN LẠ VỀ NHÀ SƯ TỪ ĐẠO HẠNH
T ừ Đạo Hạnh (Từ Lộ) là nhà sư sống vào thời vua Lí Nhân Tông, tu đạo Phật tại núi Thạch Thất (tức núi Thầy hay Sài Sơn, huyện Quốc Oai tỉnh Sơn Tây).
Tương truyền ông đã tu đắc đạo, có thể hô phong hoán vũ và chủ được việc chuyển kiếp luân hồi của mình.
Lúc bấy giờ vua Lí Nhân Tông đã có tuổi mà chưa có con trai nối dõi, bèn xuống chiếu cho tôn thất họ Lí chọn một người cháu vua xứng đáng nhất để lập làm hoàng thái tử.
Em vua là Sùng Hiền Hầu cũng không có con trai, lấy làm buồn rầu. Một hôm nhà sư Từ Đạo Hạnh từ núi Thạch Thất đến chơi nhà, Sùng Hiền Hầu ngỏ ý hỏi Đạo Hạnh về việc cầu tự mà Phật pháp có nói đến.
Đạo Hạnh vốn có đại trí huệ, biết được việc vị lai, đáp rằng:
– Bao giờ phu nhân sắp đến ngày sinh thì hãy báo cho tôi biết.
Rồi Từ Đạo Hạnh trở lại núi Thạch Thất tham thiền nhập định trong nhiều ngày và cầu Phật ban con trai cho vợ chồng Sùng Hiền Hầu. Quả nhiên hai năm sau bà phu nhân có mang. Đến năm 1116, bà trở dạ mãi mà vẫn không đẻ được. Nhớ lời nhà sư Từ Đạo Hạnh dặn khi trước, Sùng Hiền Hầu vội sai người chạy ngựa đi tìm nhà sư báo tin.
Từ Đạo Hạnh trước đó đã khám phá ra một cái hang, trong hang có một vết chân người in lõm vào đá. Ông ướm bàn chân mình vào thấy vừa khít, biết rằng có tiền duyên. Nay nhận được tin bà phu nhân đang trở dạ đẻ, ông quyết định cuộc “chuyển kiếp luân hồi” của mình, bèn thay áo, tắm rửa sạch sẽ rồi lặng lẽ vào hang tham thiền nhập định để thoát xác.
Lúc Đạo Hạnh sắp tịch, các môn đệ của ông vì quá thương tiếc thầy nên khóc lóc thảm thiết. Đạo Hạnh bèn bảo họ:
– Ta vẫn chưa hết tục duyên, còn phải xuống thế gian lần nữa. Nay ta cùng các đệ tử hãy tạm biệt để ta hoá làm kiếp quốc vương. Khi hết tuổi thọ, ta còn phải làm vị thiên tử ở thế giới thứ 33. Bao giờ chân thân tán diệt thì ta mới thật nhập Niết Bàn, không còn ở trong vòng sinh diệt. Việc ta qua đời chỉ là đổi từ kiếp này qua kiếp khác, không có gì đáng thương xót cả. Ai thương xót ta, người ấy thật không hiểu ta.
Rồi nhà sư cười mà đọc bài thơ :
Thu lai, bất báo nhạn lai quy,
Lãnh tiếu nhân gian lạm phát bi.
Vị báo môn nhân lưu luyến chước,
Cổ sư kỉ độ tác kim sư.
(Thu về chẳng báo nhạn theo bay,
Cười nhạt người đời uổng xót vay.
Thôi hỡi môn đồ đừng luống tiếc,
Thầy xưa mấy độ hoá thầy nay).
Ngô Tất Tố dịch
Ngay sau đó, Từ Đạo Hạnh siêu thoát.
Cũng lúc đó ở nhà Sùng Hiền Hầu, bà phu nhân sinh con trai, đặt tên là Dương Hoán.
Người làng thấy sự việc quá ư huyền diệu, bèn mang xác Từ Đạo Hạnh đặt vào trong một chiếc khám để thờ trong chùa Thầy (còn gọi là chùa Phật Tích). Lạ lùng thay, xác nhà sư vẫn ở nguyên tư thế ngồi “kiết già” và không hề bị huỷ hoại, rữa nát, chỉ khô cứng lại như một pho tượng. Đó là pho tượng bằng xác người thật từ xưa ít thấy.
Xác ấy tồn tại đến năm Vĩnh Lạc đời Minh. Khi quân Minh sang xâm lược nước ta, chúng thấy bức tượng quái lạ, cho đó là đấng thần phật bảo trợ nòi giống An Nam, bèn phóng lửa đốt. Thế nhưng pho tượng vẫn không bị huỷ hoại vì lửa, chỉ cháy sém ít nhiều bên ngoài. Ngay sau khi quân Minh rút đi, dân làng lại dùng sơn, keo bồi đắp lại bức tượng y như cũ.
Năm 1117, vua Lí Nhân Tông xuống chiếu cho con trai của các hầu trong tôn thất (là Sùng Hiền, Thành Khánh, Thành Quảng, Thành Chiêu, Thành Hưng) được vào cung để vua nuôi nấng và chọn làm thái tử.
Con của Sùng Hiền Hầu là Dương Hoán mới lên hai tuổi (tương truyền là hậu thân của Từ Đạo Hạnh khi luân hồi) thông minh lanh lợi hơn mọi đứa con trai khác, nên được vua đặc biệt yêu quý, bèn lập làm hoàng thái tử.
Năm 1127, sau 56 năm ở ngôi, vua Lí Nhân Tông mắc trọng bệnh. Ngài bèn trối trăng rằng:
– Thái tử Dương Hoán tuổi đã tròn một kỉ (tức 12 năm) có nhiều đại độ, thông minh thành thật, trang nghiêm kính cẩn, có thể theo phép cũ của trẫm mà lên ngôi hoàng đế.
Sau đó vua băng, thái tử lên ngôi trước linh cữu. Đó là vua Lí Thần Tông.
Trong thời gian Lí Thần Tông ở ngôi (11 năm từ 1128 đến 1138), nhà vua tỏ ra một người mộ đạo Phật khác thường. Ngài cho rằng đất nước được thái bình, sinh dân được tươi tốt đều do Trời Phật độ. Khi Nhập nội thái phó Lí Công Bình đi chinh phạt Chân Lạp thắng lợi gửi thư báo tiệp về kinh sư, vua bèn ngự đến hai cung Thái Thanh, Cảnh Linh và các chùa trong thành để tạ ơn Phật và Đạo (Lão) đã giúp ngầm quan quân triều đình thắng giặc.
Hai mươi năm trước, khi Từ Đạo Hạnh sắp thoát xác, ông đã đem một thứ thuốc đã được niệm thần chú, giao cho học trò là Nguyễn Chí Thành (tức Nguyễn Minh Không) và dặn rằng 20 năm sau nếu thấy quốc vương bị bệnh lạ thì mang thuốc ấy đến chữa ngay.
Sau 20 năm, đến khi Lí Thần Tông mắc bệnh nặng chữa chạy không khỏi, nhà sư Nguyễn Minh Không (Không Lộ)1 đã mang thuốc ấy đến chữa cho vua khỏi bệnh. Việc ấy xảy ra vào năm 1136.
Những sự việc đượm màu sắc huyền bí xung quanh nhà sư Từ Đạo Hạnh2 cũng như Trạng Trình hoặc Thích Quảng Đức sau này, đã là đề tài hấp dẫn để người đời sau không ngừng suy ngẫm về sự có tồn tại hay không một thế giới tâm linh ở ngoài tầm nhận thức của những con người bình thường. Phải chăng đất nước ta là một cái nôi mà ở đó khoa học tâm linh đã sớm phát triển tới đỉnh cao?
1 Nguyễn Minh Không (Không Lộ thiền sư) trụ trì chùa Phả Lại (Bắc Ninh), từng sang Trung Hoa xin vua Tống được cả một kho đồng rồi dùng Phật pháp chở về nước đúc thành An Nam tứ đại khí (bốn đồ vật to nhất nước Nam): tháp Báo Thiên, tượng Phật chùa Quỳnh Lâm, đỉnh Phổ Minh, chuông Phả Lại. Ông được tôn là tổ nghề đúc đồng nước ta.
2 Từ Đạo Hạnh là một trong Tứ bất tử của dân tộc ta (theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi).