Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

THÁNG CỦ MẬT & TẾT NGUYÊN ĐÁN





THÁNG CỦ MẬT


Đ ã thành lệ truyền đời từ bao giờ chẳng biết, chỉ biết rằng cứ đến tháng gần Tết (tức tháng Chạp), là người ta lại bảo nhau: “Tháng này là ‘tháng củ mật’ đấy, phải cẩn thận!”. Bởi theo kinh nghiệm dân gian, vào tháng giáp Tết, rất hay xảy ra trộm cắp, nên lúc nào cũng cần phải xem xét, giữ gìn đồ đạc vật dụng cho cẩn thận.

Từ “củ mật” trong “tháng củ mật” có nghĩa là gì vậy? Thoạt nhìn, chắc ai cũng nghĩ từ ngày chắc chắn là từ thuần Việt. Đó là hoàn toàn chỉ là theo cảm tính, vì nếu thử đố một ai đó giải thích xem tại sao lại gọi là “củ mật” thì chắc là cũng “bí”.

Từ “củ mật” thực ra là được rút gọn từ “củ soát nghiêm mật”, đây cũng lại là cách nói được tạo ra từ những từ gốc Hán. Trong tiếng Hán, “củ” có nghĩa là “đốc sát” (xem xét, kiểm tra), còn “soát”, theo đúng âm tiếng Hán là “sát”, có nghĩa là “xem xét, điều tra”. “Củ sát” theo tiếng Hán có nghĩa là “người lo giữ trật tự trong một đám đông”. Từ “củ sát” được du nhập vào tiếng Việt từ lâu với âm đọc “củ soát”. Hiện giờ trong tiếng Việt, “củ soát” thuộc về lớp từ cổ, từ cũ, không còn được dùng nữa. Trước đây, ngoài nghĩa “xem xét, kiểm tra xem có điều gì bất thường hay không” ra, nó còn có nghĩa là “xem xét cẩn thận để xem có đúng hay không”, như “củ soát bản đánh máy” (để xem có lỗi hay không).

Cách nói rút gọn “củ soát nghiêm mật” thành “củ mật” cũng tương tự như các kiểu rút gọn “chỉnh đốn huấn luyện” thành “chỉnh huấn”, “giao thông liên lạc” thành “giao liên”,…


TẾT NGUYÊN ĐÁN


T heo tiếng Việt, tết đầu năm âm lịch còn được gọi là “Tết Nguyên Đán”, và từ “nguyên đán” cũng chỉ xuất hiện duy nhất trong tổ hợp này. Vì sao lại gọi là “Tết Nguyên Đán”?

“Nguyên đán” là một từ gốc Hán, nó được du nhập vào tiếng Việt có lẽ đã từ khá lâu, bởi trong các bộ từ điển từ đầu thế kỉ 20 đã thấy có từ này. “Nguyên đán” theo tiếng Hán hiện đại có nghĩa là “ngày đầu tiên của năm mới”. “Nguyên” có nghĩa là “khởi thuỷ”, là “thứ nhất”, là “đầu tiên”. “Nguyên nguyệt” chỉ tháng đầu tiên của một năm, tức tháng Giêng. “Nguyên niên” vốn được dùng để chỉ năm lên ngôi của các đế vương và quân chủ Trung Quốc xưa, trong “Công Dương truyện. Ẩn Công nguyên niên” có câu: “Nguyên niên giả hà? Quân chi thủy niên dã” (Tạm dịch: “Nguyên niên” có nghĩa là gì vậy? Là năm đầu tiên của vua vậy). Về sau, năm vua đổi niên hiệu đầu tiên cũng được gọi là “nguyên niên”. Như niên hiệu năm thứ nhất của Hán Vũ Đế Lưu Triệt là Kiến Nguyên, 7 năm sau Kiến Nguyên lại đổi niên hiệu thành Nguyên Quang, năm đổi niên hiệu này chính là “nguyên niên” của Nguyên Quang. Còn “đán” có nghĩa là “ngày”, đặc biệt là chỉ ngày đầu tiên theo lịch đời Hạ. “Nam Tề thư. Lễ chí thượng” có câu: “Tần nhân dĩ thập nguyệt đán thị tuế thủ” (Tạm dịch: “Người nhà Tần lấy ngày mùng một tháng 10 dùng làm ngày mở đầu cho năm). Như vậy, “nguyên đán” có nghĩa là “ngày đầu tiên của năm”. Một trong những lần xuất hiện đầu tiên của từ “nguyên đán” trong tiếng Hán là ở bài “Chính nguyệt” trong “Mộng Lương lục” quyển 1 của Ngô Tự Mục đời Tống: “Chính nguyệt sóc nhật, vị chi Nguyên đán, tục hô vi tân niên” (Ngày mùng một tháng Giêng được gọi là Nguyên đán, thường gọi là năm mới). Trong tiếng Hán xưa, cùng nghĩa với tiếng Hán còn có từ “nguyên nhật”, “nguyên nhật” có nghĩa là ngày đầu tiên của tháng Giêng”.

Không biết trong tiếng Hán có nói “Tết Nguyên Đán” (Nguyên Đán tiết) như trong tiếng Việt hay không, bởi trong các bộ Từ điển tiếng Hán không thấy có xuất hiện cách nói này.




VVM.24.01.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .