V ào tháng 2 âm lịch có Hội chùa Hương (1), Hội mở vào trung tuần tháng giêng tới hết trung tuần tháng 2 âm lịch. Chùa Hương Tích là một danh lam thắng cảnh miền Bắc VIỆT NAM thuộc làng Yên Vỹ, phủ Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông.
Chùa Hương Tích thực ra là một quần thể gồm nhiều chùa, hang, động trong một khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, núi rừng trùng điệp. Dù đi đường thủy hay đi đường bộ, cuối cùng đến Bến Đục, địa đầu của chùa Hương, khách cũng phải đi đò suối sau khi đi bộ một khoảng 500 m(2). Khách trẩy hội rất đông, kẻ mới tới để vào lễ, người lễ rồi ra về,nườm nượp, nhộn nhịp khiến các con đò đều chật ních người. Trên mặt suối, đầy những con đò chở khách ra vào lưu chuyển san sát như thoi đưa. Tiếng niệm kinh, tiếng chào nhau “Nam mô a di đà Phật” giữa khách hành hương mỗi khi 2 thuyền ra vào gặp nhau hay một thuyền vượt thuyền khác, vang lên trên không, dội vào vách đá hàng cây, lan tỏa trên mặt nước, trong một bầu không khí mênh mông trong vắt, thơm tho. Con suối uốn mình chạy giữa cánh đồng chiêm với hai bờ suối, những ruộng mạ con gáixanh mơn mởn như tơ nõn tới tận chân trời hoặc tận chân núi. Sau cánh đồng chiêm, con suối lại lọt giữa hai bên vách đá dựng đứng, xanh rì. Từ thuyền nhìn lên, khách hành hương thấy những ngọn núi cái đậm, cái nhạt, đủ mọi hình thù. Cảnh đi đò suối vừa nên thơ lại vừa đậm màu thoát tục khiến lòng người trở nên rộng mở vị tha, cơ hồ gột bỏ được hết bụi trần, tạm quên hết mọi muộn phiền, hệ lụy của cuộc đời, vứt lại sau lưng những tư tưởng hẹp hòi tranh đua, phân biệt. Trên con đường đi vào đất Phật, mọi người sang hèn giàu nghèo đều thân thiết, giúp đỡ nhau. Lúc này người ta đang ngụp lặn trong tứ vô lượng tâm: “từ, bi, hỉ, xả”. Ai đã từng trẩy hội chùa Hương Tích, viếng Nam Thiên đệ nhất động không thể nào quên được những phút giây này!...
Khách trẩy hội rất đông và gồm đủ nam, nữ, già, trẻ đôi khi có đem theo một vài em tráng nhi. Đường đi trẩy hội xa xôi, vất vả, khó khăn đối với các em nhỏ nên các em chỉ còn cách đợi ở nhà chờ bà, mẹ hoặc ông, bố, anh, chị đi lễ đem lộc, đem quà về.
Các em tráng nhi được đi theo, ngồi trên con đò suối, nghe tiếng niệm Phật rì rào, nhìn các cụ, các bà lần tràng hạt cũng ngượng nghĩu bắt chước người lớn “Nam mô a di đà Phật” chào hỏi khách hành hương khi gặp đò ra vào ngược chiều hoặc vượt đò, lại bị ảnh hưởng bởi cảnh trí bao la hùng tráng, cũng cảm thấy tâm hồn lâng lâng hướng thiện, cảm thấy mình lớn hẳn lên và tốt lành hơn, và cũng mơ hồ cảm thấy phần nào sự nhiệm mầu của “lẽ đạo” trên con đường đi vào đất Phật.
Các cô lái đò duyên dáng, mau mắn trong sự giúp đỡ mọi khách hành hương vận chuyển và sắp xếp đồ đạc, lễ vật..., nay lại vừa chèo đò vừa nói chuyện với khách, chỉ dẫn cho khách biết đâu là núi Gà, núi Oản, núi Mâm Sôi với bao nhiêu là khỉ, núi Tượng (voi phục hình giống hệt con voi có đủ đầu đuôi), núi Trống, núi Chiêng; ở đâu là Động Tuyết Quỳnh, chùa Trình, chùa Ngoài (chùa Thiên Trù), chùa Trong, chùa Thiết...
Cô cũng lại giải thích tại sao lại gọi là chùa Trình, tại sao gọi là hang Phật Tích, tại sao có suối Giải Oan, núi Mẹ bồng con, tại sao có chùa Cửa Võng, chùa Tiên, đường lên trời thế nào, lối xuống địa ngục ra sao?
Cùng với người lớn các em thích thú được ngắm các cảnh đẹp, biết thêm bao nhiêu là sự tích cùng các địa danh lạ, mà lại có được cảm giác lâng lâng nhẹ nhàng như được ngụp lặn trong không khí siêu thoát của cõi Phật.
Tới chùa Trình, khách vào lễ Phật để trình diện trước khi vào cảnh Phật. Trước khi ra về Phật tử cũng ghé đây để từ giả đất Phật. Cũng có một số không ghé chùa Trình. Rồi tới chùa Trong ở lưng chừng núi, mọi người cùng xuống đò tại bến rồi đi các bậc thang lên. Đây thường là một cảnh trí u nhã, tịch mịch nếu không phải là ngày hội. Chùa rộng rãi khang trang, có sân gạch rộng bao la, cây xanh lá biếc vây quanh trùng điệp. Thêm vào đó, đàn cá lững lờ dưới suối nghe kinh, tiếng suối chảy róc rách, tiếng chim gõ mõ trong ngàn cây, tiếng tụng kinh vang âm, tiếng chuông chùa đổ từng hồi lan trong cảnh núi rừng bao la hùng vĩ khiến mọi người cơ hồ quên hết mùi trần tục, như đang lâng lâng nhẹ gót tới cõi niết bàn để quỳ dưới chân Phật với tâm nhẹ nhàng, thấu đáo hai chữ sắc không.
Cảnh các cô lái đò và khách hành hương cùng vui vẻ giúp nhau mang lễ vật và đồ đạc từ đò vào chùa cho thấy rõ ảnh hưởng của khung cảnh nhà Phật đã khiên mọi người lòng vị tha rộng mở, quý người hơn quý mình, lấy sự niềm nở giúp đỡ lẫn nhau làm trọng yếu. Điều này cũng ảnh hưởng đến tâm hồn các em tráng nhi đi theo.
Vào chùa dâng lễ Phật cầu an, cầu phước không chỉ cho riêng mình và gia đình mà còn “quốc thái dân an, gia đình thịnh vượng, Thế giới hòa bình, nhân sanh an lạc, mưa thuận gió hòa, mùa màng hưng thịnh, bội thu”. Các em đi theo cũng được người lớn dạy cho phải phát tâm từ bi mà cầu như thế sau khi cầu cho gia đình tai qua nạn khỏi, mạnh giỏi, an vui, phát đạt, các em học hành tấn tới. Mọi người tụng theo khóa kinh, nghe thuyết giảng Phật pháp rồi ghé thăm và dâng lễ tại các cảnh chùa khác cùng ghé thăm các hang động. Thường muốn thăm hết các cảnh chùa, hang, động, khách hành hương phải ngủ lại chùa Ngoài một đêm trước khi vào chùa Trong và lúc ra về rẽ phải lên núi để thăm đường lên trời, lối xuống âm phủ.(3)
Sau khi viếng cảnh chùa Hương, tâm hồn người lớn cũng như các em tráng nhi đi theo đều như được đổi mới và trong sáng hơn, tốt lành hơn, thấm nhuần được “lẽ đạo” hơn: hiểu rõ hai chữ vô thường, bớt ích kỷ, thêm vị tha... Riêng các em thiếu nhi thì cảm thấy nhớn nhao hơn, “đã đi một ngày đàng, nột sàng khôn học được”, biết được thêm bao cảnh đẹp quê hương, biết được cảnh đẹp tưng bừng một lần trẩy hội chùa khiến các em thích thú cảm nhận phần nào được Phật pháp nhiệm mầu để chuẩn bị cho sự nảy nở những tính hạnh tốt lành của một con người vị tha, có trách nhiệm, có tình yêu thương đối với gia đình, xã hội và nhân quần...
Đi chùa Hương về lại có quà, có lộc: những khúc lão mai, những bó rau sắng, chai nước suối giải oan để làm thuốc, những túi quả mơ, rồi oản khảo, bánh kẹo trái cây là lộc thỉnh từ chùa, lại có cả các bức tượng Phật, các cỗ tràng hạt có gắn hình Đức Phật Di Lặc, Đức Quan Thế Âm, những món quà quý nhất cho người già và trẻ em đeo, lại có những chiếc vòng cho bé gái cùng gương, lược; lại có trò chơi là những cỗ truyện, con quay, quả bóng, các cỗ giải ranh bằng sỏi nhẵn bóng... là niềm vui thích hân hoan của những người ở nhà và các em (kể cả các em ở nhà và các em đi trẩy hội).
Có đồ chơi các em tha hồ vui chơi và khoe cùng chúng
bạn, còn các em đi chẩy hội thì lại có những câu chuyện để
mà hãnh diện kể lại cùng mọi người.-./.
(1) Xem thêm “Bó Hoa Bắc Việt” (Toan Ánh) - Cô lái đò suối trang 24 – 34
(2) Ngày nay từ thế kỷ 21, tại đây có hệ thống cáp treo, khách có thể rút ngắn đoạn đường đến chùa Hương, không đi đò suối, nhưng như thế là mất đi một hành trình thú vị và không được ngắm nhìn một số cảnh đẹp như khi đi đò.
(3) Kể từ những năm gần đây có xảy ra tai nạn chết người, nên “đường lên trời” và“đường xuống âm phủ” bị xây chặn lại không cho khách hành
hương viếng thăm “để tránh” nguy hiểm.
* theo nguyên bản do bà Tường Uyển, ái nữ cố tác giả, chuyển từ Gò Vấp SàiGon