Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

BỘ LỊCH CỦA





C ác dân tộc trên thế giới thường tổ chức lễ đón mừng năm mới theo bộ lịch của từng dân tộc.

Người Mường có nhiều loại lịch khác nhau để tính ngày tháng, mùa vụ, thời tiết tốt xấu như: lịch Đá rò (lịch Rùa), lịch cơm mới, lịch Khao roi (hay còn gọi là lịch Sao roi), lịch Con rác (lịch Con nước) [1].

Lịch Khao Roi (lịch Đoi) của người Mường dựa trên quy luật vận động của mặt trăng và sao Roi (sao Tua Rua – Pleiades) để làm căn cứ tính ra ngày, tháng, năm [1]. Một số nền văn minh cổ đại như Lưỡng Hà cũng sử dụng sao Roi (sao Tua Rua) để tính lịch pháp [2].

Âm lịch hay Âm Dương lịch hiện nay được người Việt sử dụng chủ yếu lấy chuyển động của mặt trăng và mặt trời làm cơ sở để tính toán.

Lịch Đoi chậm 2 tháng so với Âm lịch. Tháng Một theo Âm lịch là tháng 11 của lịch Đoi; tháng Hai trong Âm lịch là tháng 12 của lịch Đoi. Năm mới của người Mường bắt đầu từ tháng 11 của lịch Đoi được gọi là Tết lúa mới. Ngày trong lịch Đoi chậm hơn một ngày so với Âm lịch: Âm lịch ngày 8 thì lịch Đoi là ngày 7. Như vậy Tết hiện nay của người Mường cũng trùng với Tết Âm lịch nhưng chậm hơn 1 ngày.

Theo nghiên cứu phục dựng của Chu Văn Khánh, lịch Đoi có những đặc điểm sau [4]:

Là loại lịch âm dương, tính theo vận động thực của Mặt Trắng và năm thời tiết.

. Ngày bắt đầu từ thời điểm trước bình minh và được chia làm 16 giờ tính theo các hiện tượng tự nhiên.

. Tháng tính theo tuần Trăng thực, lấy ngày Trăng non làm đầu tháng, cuối tháng là ngày Giao hội. Trật tự tháng thiếu, đủ trong năm không tính trước được, mà xác định cụ thể ở tùng tháng.

. Tháng được chia làm 3 tuần: Cây, Lôồng và Cối phản ánh chu kỳ chợ phiên cổ truyền.

. Phép đặt tháng nhuận dựa vào chu kỳ Giao hội với sao Đoi của Mặt Trăng.

. Năm thường có 12 tháng và năm nhuận có 13 tháng.

. Người Mường có thể lưu giữ các cách tính lịch của người Việt cổ. Người Hán cũng từng lần ghi nhận người Việt cổ có bộ lịch riêng.

Thái Bình ngự lãm thời Tống viết:

任昉《述異記》曰:陶唐之世,越裳國獻千歲神龜,方三尺餘。背上有文,皆科斗書,記開辟已來命錄之龜歷。伏滔《述帝貢月銘》曰:胡書龜歷之文 [3]。

“Thuật dị kí” của Nhậm Phưởng (thời Nam Bắc triều) viết: Thời Đào Đường, nước Việt Thường dâng rùa thần nghìn tuổi, rộng hơn ba thước. Trên lưng có hoa văn, đều là chữ khoa đẩu, ghi lịch rùa từ thủa mới mở mang đến nay. “Thuật Đế cống nguyệt minh” của Phục Thao viết: Văn lịch rùa là chữ của người Hồ Man”.

Sách Thông Chí của Trịnh Tiêu thời Tống viết [5,6]:

又按陶唐之世,越裳國獻神龜,蓋千歲,方三尺餘,背有科斗文記開闢以來,堯命錄之,謂之龜歴。

Lại xét đời Đào Đường, nước Việt Thường dâng con rùa thần, phải đến hơn nghìn năm tuổi, mình nó hơn ba thước, trên lưng có văn khoa đẩu ghi việc từ khi trời đất mới mở mang trở về sau. Vua Nghiêu sai chép lấy, gọi là Quy Lịch tức Lịch rùa [6].

Như vậy, người Việt cổ rất có thể có bộ lịch riêng. Tết đón năm mới là truyền thống có từ lâu đời của người Việt. Việc nghiên cứu bộ lịch của người Mường cũng như thiên văn và lịch pháp thời cổ đại là việc cần thiết để nghiên cứu truyền thống văn hóa của người Việt.

[1] Lịch Mường. http://lacson.hoabinh.gov.vn/index.php/t-lia-u/2874-la-ch-m-a-ng
[2] Verderame, L. (2016). PLEIADES IN ANCIENT MESOPOTAMIA. Mediterranean Archaeology & Archaeometry, 16(4).
[3] Lý Phưởng (thời Tống). Thái Bình Ngự Lãm. https://ctext.org/text.pl?node=409512&filter=612947&searchmode=showall&if=gb#result
[4] Chu Văn Khánh (2001). “Lịch tre của người Mường” trong Các công trình nghiên cứu của bảo tàng dân tộc học Việt Nam Tập 2 .(2005). Nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội. p.248 - https://drive.google.com/file/d/1VzvXa7tcdNmVw9LkjWjl-VTJv0JvIrvI/view?fbclid=IwAR0tI5fQuJAYPoKXbxkr0-7hzyxs389bsQuPxXssyrzpEG6SJmJ2lUYnoHk
[5] Phan Anh Dũng. Lại bàn về nguồn gốc người Việt. http://fanzung.com/?p=2141
[6] Trịnh Tiêu (thời Tống). Thông Chí. https://ctext.org/wiki.pl?if=gb&chapter=229778&remap=gb#p42




VVM.24.01.2024 - minh họa: Mai Ngô

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .