Đạo Phật được Đức Thích Ca khai mở từ cách đây đã gần 3.000 năm. Trong suốt thời gian đó có biết bao nhiêu lớp Pháp Sư đã giảng dạy. Người sau muốn tu học như chúng ta làm sao biết được Thừa nào hay Tông Phái nào đúng Chánh Pháp, vì các Vị giảng pháp xem ra cũng tu hành nhiều năm, đạo mạo, trang nghiêm, trong lớp áo Tu Sĩ nhà Phật ?
Ngoài ĐẠI THỪA, TIỂU THỪA còn có rất nhiều Tông, Phái. TIỂU THỪA bên Ấn Độ có đến 20 Bộ Phái, ĐẠI THỪA bên Trung Quốc cũng có đến 13 Tông, Phái, sau gom lại còn 10. Việt Nam mình Ngoài ĐẠI THỪA, TIỂU THỪA cũng có rất nhiều Giáo Phái, nào Mật Tông, Hiển Tông, Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Tông Khất Sĩ , Phật Giáo Hòa Hảo .. Bên nào cũng dùng hình ảnh Phật và một số Giáo Pháp của Ngài để giảng dạy. Ai cũng nói rằng mình đang “Hoằng Dương Chánh Pháp”. Chưa hết, còn ĐỐN GIÁO và TIỆM GIÁO. Nghe qua thôi thì cũng đã rối mù. Có phải tất cả đều phổ biến đúng Chánh Pháp của Phật Thích Ca ? Nếu muốn tu học thì nên chọn pháp môn nào ?
Chắc chắn là nước càng xa nguồn thì càng mang theo nhiều tạp chất. Những nhà nghiên cứu tôn giáo đã nhận định rằng đôi khi vì muốn thu hút tín đồ, nên khi đến địa phương nào, các nhà truyền giáo thường thêm vào một số tín ngưỡng của địa phương để họ dễ dàng chấp nhận hơn.
Thuở sinh thời, Đức Thích Ca biết rằng không phải người nào đi tu cũng vì thật lòng muốn Thoát Khổ, và khi người chưa tu sửa Thân, Tâm thì việc muốn làm Thầy để có danh uy là điều không tránh khỏi, nên Ngài đã lập ra việc Truyền Y Bát để mọi người hiểu rằng : chỉ người Thấy Tánh, Chứng Đắc mới được quyền nối truyền Giáo Pháp của Ngài, và dặn dò việc đó được tiếp nối để Chánh pháp được trường tồn. Đức Thích Ca đã tiên đoán không sai. Nhiều người, dù đã nói rằng bỏ đời để tìm Đạo, nhưng cái Danh, cái Uy của đường tu thì chưa bỏ được ! Họ muốn làm lãnh đạo, nên mới mở ra những Tông, Phái, tách khỏi trật tự được Phật thiết lập từ trước. Nhất là sau khi Y Bát được dấu đi không còn Truyền nữa, thì mạnh ai nấy giảng. Tu lâu, tu mau, học ít, học nhiều đều tranh nhau ra giảng Pháp, không còn nhớ lời Phật dặn dò là gì nữa.
Do Y Bát không còn Truyền, mạnh ai nấy giảng, nên cho đến nay qua lớp người hiểu sai rồi truyền lại, thì Phật đã trở thành Thần Linh, nên đa phần Chùa chiền đều vận động bá tánh cất Chùa thật to, dựng tượng ngày càng lớn để THỜ PHẬT. Tu sĩ Xuất gia, đi tu là để “phụng sự cho Phật”. Họ không đào tạo được những người tu hành Chứng đắc, mà chỉ hướng dẫn cho tín đồ CẦU XIN. Sống thì Cầu An, chết thì CẦU SIÊU, cho rằng nếu người chết được các Sư Tụng kinh Vãng Sanh thì chư Phật và Thánh chúng sẽ đến rước vong linh người đó về thẳng Tây Phương Cực Lạc !
Vì vậy, theo tôi, muốn tìm lại Giáo Pháp chính thống của Đức Thích Ca thì cách tốt nhất là chúng ta bắt đầu tìm hiểu ngay chính những bước chân mà Ngài đã đi, từ lúc bắt đầu rời hoàng cung, cho đến tất cả những bước hành trì của Ngài để kiểm chứng.
Ai cũng biết, xuất phát từ lần đầu tiên đi dạo ở ngoại Thành, trông thấy con người phải chịu đau khổ bởi các diễn tiến SINH, LÃO, BỆNH, TỬ, làm Thái Tử Sĩ Đạt Ta xúc động mạnh. Khi hỏi viên quan tùy tùng là bản thân Ngài có phải chịu những cảnh như vậy không ? Câu trả lời là tất cả mọi người, dù là bậc vua chúa hay tiện dân cũng không tránh khỏi. Do đó, Thái Tử Sĩ Đạt Ta khởi ý muốn tìm cách nào để không phải chịu những cảnh đó.
Thấy rằng nếu cứ ở trong cung, cả ngày bận bịu việc triều chính, vợ con ràng buộc, lại nhìn thấy các du Tăng có vẻ ung dung, tự tại, nên Thái Tử nghĩ rằng có lẽ một cuộc sống không vướng bận thì mới có thể dành hết thì giờ tìm tòi, khám phá điều làm ngài trăn trở.
Thế là trong một đêm, Ngài đã cùng người giữ ngựa lẻn ra khỏi thành. Khi đã cách kinh thành một khoảng xa, Thái Tử ra lệnh cho người giữ ngựa quay về, để một mình Ngài bắt đầu chuyến phiêu lưu tìm lời giải đáp.
Sáu năm học với Sáu vị Thầy nổi tiếng nhất lúc đó. Ngài học được các môn Thần Thông, phép mầu, “nách bên tả phun lửa, bên hữu phun khói” cũng như hành các Hạnh phổ biến lúc bấy giờ : Khổ Hạnh, Lõa thể, mỗi ngày chỉ ăn một hột mè, đến nỗi thân thể suy kiệt, suýt chết, nhưng cũng không tìm ra được câu trả lời. Cuối cùng Thái Tử chợt nghĩ : “Tinh thần không thể minh mẫn trong một thể xác yếu đuối” , và nhớ lại môn Thiền Định đã được học. Ngài bắt đầu nhận bát cháo sữa của cô gái chăn bò rồi trải tòa cỏ, ngồi dưới cội cây Bồ Đề với lời phát nguyện : “Sẽ không rời chỗ ngồi cho tới khi tìm được câu trả lời”. Rạng sáng đêm thứ 49, Ngài đã tìm ra, nên Xã Thiền, đứng dậy tuyên bố : “Ta phiêu lưu trong vòng Luân Hồi, qua bao nhiêu kiếp, tìm mãi mà không gặp KẺ LÀM NHÀ. Hỡi KẺ LÀM NHÀ. Từ đây ta đã gặp được ngươi rồi. Ngươi không được làm nhà nữa. Bao nhiêu cột kèo của ngươi đã gảy vụn cả rồi. Rui mè của ngươi đã tan nát cả rồi. Trí ta đã đạt Vô Thượng Niết Bàn, ta đã hoàn toàn Giải Thoát”.
Đó là tóm tắt lý do mà Đức Thích Ca đã phát Tâm. Cách thức Ngài đã tìm được Thủ Phạm đã gây ra NHỮNG NỖI KHỔ SINH, LÃO, BỆNH, TỬ và phá nát vật liệu của hắn. Thủ Phạm đó chính là cái VỌNG TÂM của mỗi người. Do đó, muốn Thoát Sinh Tử thì phải Tu, Sửa ở đó, nên Tu Phật là phải TU TÂM.
Sau khi Đắc Đạo, Đức Thích Ca quay lại Vườn Lộc Uyển, nơi trước kia Ngài cùng 5 người bạn đã cùng tu KHỔ HẠNH , và bắt đầu thuyết thời PHÁP đầu tiên cho họ. Thời Pháp này là TỨ DIỆU ĐẾ.
Tại sao Thời PHÁP ĐẦU TIÊN cho 5 người đó không phải Pháp nào khác mà là TỨ DIỆU ĐẾ ?
Bởi vì nhiều người cũng đi tu, nhưng mỗi người đều có mục đích riêng. 5 Vị này có lẽ không có mục đích gì hết, còn đang loay hoay Hành đủ thứ cách mà không biết sẽ về đâu ? Trong khi đó, Đức Thích Ca đã có mục đích, nên Ngài biết rằng việc Khổ Hạnh đó cũng không mang lại cho ngài câu trả lời. Vì thế, Ngài rời bỏ nhóm để dùng THIỀN ĐỊNH, tập trung cả Thân và Tâm chiêm nghiệm điều cần tìm. Cuối cùng thì Ngài đã thành công. Mặt khác, 5 người kia, dù cũng đi tu, nhưng không có cùng mục đích như Đức Thích Ca, không phải đi tìm cách để Giải Thoát khỏi những nỗi khổ của kiếp sống. Nên Ngài giảng cho họ TỨ DIỆU ĐẾ, là BỐN NỖI KHỔ CỦA KIẾP SỐNG. để họ thấy cuộc đời là KHỔ thì mới có nhu cầu được Giải Thoát.
TỨ DIỆU ĐẾ gồm : KHỔ ĐẾ, TẬP ĐẾ, DIỆT ĐẾ và ĐẠO ĐẾ.
KHỔ ĐẾ là những nỗi KHỔ CỦA KIẾP SỐNG MÀ CON NGƯỜI PHẢI ĐỐI MẶT. Đó là Sinh, Lão, Bệnh đi theo cái Thân từ lúc nó vừa chào đời. Oán ghét cứ phải gặp. Thương yêu mà phải chia lìa. Cầu mong, ước muốn mà không được vừa lòng. Cuối cùng là Cái CHẾT là điều đáng sợ nhất, vì phải bỏ cái Thân, là ngôi nhà, là chỗ trú ẩn quen thuộc. Phải bỏ lại tất cả những người mình yêu thương, những của cải mà mình đã tích góp để ra đi trong hoang mang, sợ hãi, vì không biết sẽ về đâu !
TẬP ĐẾ là những thói quen cứ lập đi lập lại. Người tạo ra Nghiệp, Nghiệp lại tạo ra người, do đó vòng Luân Hồi cứ quay không ngừng. Hết Sinh lại Tử, Tử rồi lại Sinh. Rồi chính vì không biết Nhân Quả nên kiếp sống cứ tạo Nghiệp để rồi kiếp sau phải đọa vào những Đường dữ.
DIỆT ĐẾ : Là cách thức để TRỪ hết những nỗi Khổ.
ĐẠO ĐẾ : Là con đường để Giải Thoát khỏi những nỗi Khổ, là BÁT THÁNH ĐẠO hay BÁT CHÁNH ĐẠO.
ĐẠO PHẬT có nghĩa là CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT. Con đường này mang lại kết quả THOÁT KHỔ cho những người THẤY CUỘC ĐỜI LÀ KHỔ. Người muốn Thoát Khổ thì phải nương Giáo Pháp của Đạo Phật để tự mình hành trì, gọi là TỰ ĐỘ. Phật không có quyền cứu độ cho ai.
Nói về TỨ DIỆU ĐẾ, Đức Thích Ca giải thích : “Nếu con người không hiểu rõ TỨ DIỆU ĐẾ thì không có cách nào tránh được con đường Sinh Tử Luân Hồi. Không rõ TỨ DIỆU ĐẾ thì không thể nào tìm được con đường thoát ly khổ đau, trầm luân từ kiếp này sang kiếp khác”.
Người có Thấy Khổ mới sợ Khổ, mới muốn Thoát Khổ. Do đó, người không Thấy “đời là bể Khổ” thì đâu có đi tìm con đường tu Phật làm chi ? hoặc Phát tâm đi tu vì những lý do khác thì làm sao gặp được Đạo Phật Chân chính, vì mục đích của Đạo Phật là để đưa đến Con Đường Thoát Khổ ? Cái Phát Tâm tu Phật để tìm cách Thoát Khổ mới là cái Phát Tâm chân chính, vì phù hợp với mục đích mà Đức Thích Ca đã đề ra.
Sau khi có cái PHÁT TÂM CHÂN CHÍNH rồi thì người muốn tu Phật phải tìm cách để hoàn thành cái Phát Tâm đó bằng cách chọn Pháp Môn hay một Vị Chân Thiện Tri Thức để hướng dẫn.
Tất nhiên đã sống ờ cõi trần thì mọi việc cũng không ra ngoài quy luật của trần gian. Có Chánh thì có Tà, có Đúng thì có Sai. Có những bậc Chân tu mà cũng không ít những người lợi dụng Chùa chiền để được nhàn thân, lại được ăn trên, ngồi trước. Họ nhân danh Đệ Tử Phật mà được tôn trọng, được bá tánh cung phụng cho mọi thứ !. Ngay kỳ Kết Tập Thứ 2 mà Tăng Đoàn ở Ấn Độ đã phải loại bỏ cả 60.000 tu sĩ giả hiệu, huống chi là hành trình gần 3.000 năm qua thì trong đó có biết bao nhiêu lớp người giả danh tu hành ? Rồi lớp trước truyền cho lớp sau, làm sao phân biệt chân, giả, vì ai cũng đạo mạo, trang nghiêm, cũng đầu tròn, áo vuông, núp sau cửa Chùa, trong màu áo Cà Sa của Đệ Tử Nhà Phật ? Ai cũng giảng pháp thao thao, biết ai Có CHÁNH PHÁP, ai không ?
May quá, trước lúc Nhập diệt, Phật đã Truyền Y bát lại cho Ngài Ca Diếp. Đường Truyền này kéo dài đến đời Tổ thứ 33 là Lục Tổ Huệ Năng mới ngưng. Chư Tổ đã để lại 12 Bộ Kinh, chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng, theo đó tìm hiểu rồi thực hành, vì đó là những lời giảng dạy của Vị đã Thấy Tánh, Chứng Đắc, được Đức Thích Ca giao trách nhiệm giữ gìn và phổ biến Giáo Pháp của Ngài.
Rõ hơn nữa, trước lúc nhập diệt vài tháng, Phật đã cho Đệ Tử thông báo với Đại Chúng là ai còn có gì thắc mắc thì đến gặp, Ngài sẽ giải đáp, thì có một ngoại đạo tên Subhadda, đến tìm Phật và đặt ra câu hỏi : “Tôn giả Gotama, có những Sa Môn, Bà La Môn, là những vị hội chủ, Giáo Trưởng, Sư Trưởng Giáo Hội, có tiếng tốt, có danh vọng, khai tổ Giáo Phái, được quần chúng tôn sùng như các Ngài Purana, Kassapa, Makkhali….v.v… Tất cả những vị này có phải là đã giác ngộ như các vị đã tự cho là như vậy, hay tất cả chưa giác ngộ, hay một số đã giác ngộ và một sổ chưa giác ngộ ?”
Phật đã trả lời : “Này Subhadda, trong pháp luật nào không có Bát Tánh Đạo, thời ở đấy không có Đệ nhất Sa Môn, ở đấy cũng không có Đệ Nhị Sa Môn, cũng không có Đệ Tam Sa Môn, cũng không có Đệ Tứ Sa Môn. Này Subhadda, chính trong Pháp Luật này có Tám Thánh Đạo, thời này Subhadda, ở đây có Đệ nhứt Sa Môn, cũng có Đệ Nhị Sa môn, cũng có Đệ Tam Sa Môn, cũng có Đệ Tứ Sa Môn. Những hệ thống ngoại đạo khác đều không có những Sa Môn. Này Subhadda. Nếu những vị Tỳ Kheo này sống chân chánh thời đời này không vắng những Vị A La Hán”.
Nhưng nếu chỉ hành theo Tám Con đường Chân Chánh là BÁT CHÁNH ĐẠO thì chưa đủ. Giáo Pháp căn bản của Đạo Phật gồm có VĂN TƯ TU, GIỚI ĐỊNH HUỆ. Nếu thiếu những yếu tố căn bản này thì không thể nào gọi là tu hành theo ĐẠO PHẬT chân chính được. Rồi Muốn Thành Phật thì phải Độ Tận Chúng Sinh. Nếu người tu chưa biết Chúng Sinh là gì ? Ở đâu ? Độ cách nào ? thì chắc chắn không thể có kết quả là Giải Thoát được.
Lấy căn bản này ta có thể kiểm chứng trong tất cả các Giáo Phái đã và đang thịnh hành, để đánh giá là họ có Chánh Pháp của Phật hay không ? Thí dụ như bên Thiền Tông, qua vài Bộ Sách hiếm hoi nói về Bộ Môn THIỀN, ta chỉ thấy người Thầy dùng những phương pháp mà họ cho là “ĐỐN”, cho rằng “Không dùng văn tự”, chỉ thẳng, là con đường tắt, nhanh nhất”.
Ngài Suzuki, một Thiền Sư nổi tiếng của Nhật, cũng như Ngài Nguyệt Khê là một Thiền sư danh tiếng của Đài Loan, đều cho rằng “Phương pháp của Thiền Tông là chẳng nhờ tất cả kinh nghiệm lý luận để đạt đến mà chỉ là phương pháp trực tiếp chứng nhập gọi là “ Đốn Ngộ Thành Phật”. Ngài Nguyệt Khê đã cất công sưu tập về cách truyền Đạo gọi là “ĐỐN GIÁO” của một số vị Thiền Sư khá nổi tiếng thời trước. Họ cho việc Ngài Ca Diếp Cười mà được Truyền Y Bát, Lục Tổ đánh Thần Hội 3 gậy là Đốn Giáo, rồi mỗi vị sáng tác ra một cách “chỉ thẳng” như sau :
- Mã Tổ Bách Trượng dùng “Hét”.
- Mã Tổ “Dựng phất trần, quăng phất trần”,
- Bí Ma “giơ chỉa”.
- Hòa Sơn “Đánh trống”.
- Thạch Củng “Giương cung”
- Tuyết Phong “Đá Cầu”
- La Hán “Vẽ chử”
- Đại Tùy “Hầm Khoai”.
- Đức Sơn “Vào cửa liền đập”.
- Lâm Tế “Hét, là cái gì ?”
- Bá Trượng : “Chớ vọng tưởng”
- Vô Nghiệp, Triệu Châu “Uống trà”
- Vân Môn “Ăn Bánh”.
Cũng phải nhận là người Trung Quốc rất nhạy bén. Chắc chắn họ cũng đã được nghe kể hành trình tu tập của Đức Thích Ca để thấy : Sáu năm tu đủ thứ kiểu mà không thể chứng đắc, nhưng chỉ cần có 49 ngày đêm THIỀN ĐỊNH là Đắc Đạo. Vì thế, họ tập trung vào THIỀN ĐỊNH, mục đích là làm sao để Đắc Đạo càng nhanh càng tốt. Do không biết Đức Thích Ca đã Đắc Đạo như thế nào, nên họ nghĩ rằng chỉ cần Khai một CÔNG ÁN nào đó, thí dụ Thấy được Cái KHÔNG là Đắc Đạo !
Họ bỏ ăn, bỏ ngủ để NGỒI THIỀN. Chẳng biết Giác Ngộ là gì mà cũng hy vọng “hoát nhiên đại ngộ” ! Họ không hề biết rằng sở dĩ Đức Thích Ca bỏ hoàng cung là để đi tìm NGUYÊN NHÂN CỦA SINH LÃO BỆNH TỬ và cách thức để GIẢI THOÁT khỏi sự ràng buộc với nó. Mục đích NGỒI THIỀN của Đức Thích Ca là tập trung cả Thân, Tâm để tư duy tìm CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT KHỎI CẢNH KHỔ ĐÈ NẶNG LÊN CÁI THÂN CON NGƯỜI, nên khi Ngài GẶP được Con Đường hay Cách Thức thì cho là ĐƯỢC ĐẠO hay ĐẮC Đạo. Các Thiền sinh bên Thiền Tông không biết tìm gì trong lúc NGỒI THIỀN. Không biết tìm gì mà chỉ muốn Chứng Đắc. Do đó, hoàn toàn không giống chút gì tới THIỀN ĐỊNH có mục đích là để tìm Con Đường Giải Thoát của Đức Thích Ca. Vì thế, Thiền Tông tự cho là “Đốn Giáo”, là “Phổ biến Chánh Pháp của Đạo Phật” thì quả là oan cho Đạo Phật ! Đã vậy họ còn cho rằng cái Chứng Đắc của họ còn “cao hơn cả Phật” thì quả là lộng ngôn !
Ở Đài Loan nhiều năm trước còn có Thiền Sư Tông Cảo mở ra dạy ĐẢ THIỀN, ĐẢ THẤT ở Chùa CAO MÂN. Người chấp nhận vào tu học được cho Nhập Thất Tu Thiền. Thời gian Nhập Thất phải tuân theo quy củ rất khắc nghiệt, phải ngồi ở Bồ đoàn, ngay cả muốn đi vệ sinh cũng không được phép, thậm chí, bệnh, chết cũng phải ở ngay tại chổ, chờ giải Thất.
Thiền Sư Nguyệt Khê trích một số bài Pháp của Thiền Sư Tông Cảo cho các Thiền Sinh trong thời gian Đả Thất như sau :
“Quy củ Đả Thất rất nghiêm khắc, khác với lúc bình thường. Vậy khác ở chỗ nào ? Ấy là ngày nay các ông xin phép sanh tử ở các vị Tổ quá khứ và cũng xin phép sanh tử với ta. Ta hứa cho phép sanh tử, vậy sanh tử các ông nằm trong tay ta, ta muốn cho các ông sống thì sống, muốn cho chết thì chết. Đúng ngay chỗ này chết” !
“Các ông xin phép sanh tử, không phải xin Ban Thủ Na, mà phải xin ta. Các vị kia dám thay ta cho phép ư ? Vậy khi nào có bệnh thì làm cách nào ? Chẳng cách nào hết. Sống cũng Đả Thất, chết cũng Đả Thất, mạnh cũng Đả Thất, đau cũng Đả Thất, chung quy là Đả Thất !
“Các ông bệnh cũng được, sống cũng được, chết cũng được, đợi sau khi Giải Thất rồi thì mới đưa đi chôn, dù năm người hay ba người cũng quẳng xuống đáy quảng đơn. Đây là cách giải quyết kẻ có bệnh. Lại nữa, trong thời kỳ Đả Thất, đi hương, ngồi hương, quả đường cho đến đại tiểu tiện mà quay đầu một cái, hoặc cười đùa, như thế thì ta bảo cho các ông biết, các ông phải mất mạng đó. Thế là sao ? Một khi các ông đã đến Thiền Đường thì hương bảng của các vị Ban Thủ Duy Na đều quay về các ông mà đập xuống. Một hai chục hương bảng chẳng kể đầu, mặt, tai.. cứ đánh hết, đánh rồi mà không chết thì vẫn phải đả Thất. Nếu như đánh rồi các ông bị thương thì làm cách nào ? Thì cũng phải liệng các ông xuống đáy quảng đơn. Sau khi giải thất rồi thì đem chôn một lượt”.
“Những năm qua trong thời kỳ đả thất cũng có mấy người bị đánh chết, đấy là việc bình thường, chẳng có gì là lạ” !
Phật dạy “Nhân thân nan đắc”, người tu Phật cần phải giữ gìn nó để nhờ sự hỗ trợ của nó mà tu hành thì ông ta xem tính mạng con người còn thua ruồi muỗi, cho rằng “những năm qua trong thời kỳ đả thất cũng có mấy người bị đánh chết, đấy là việc bình thường, chẳng có gì lạ” ! Người tu Phật phải giữ Giới Bất sát, ngay cả con vật còn không được giết, mà lão này ở đâu ra mà xưng là Thiền Sư trong khi chẳng coi Giới của Đạo Phật ra gì ? Khi giảng pháp thì giảng sư lời nói còn phải CHÁNH NGỮ, ÁI NGỮ. Người vào tu chưa hiểu gì thì bổn phận người Thầy là phải giải thích cho họ hiểu, gọi là KHAI. Sau đó hướng dẫn cho họ Tư Duy, để tự họ THỊ, rồi NGỘ, sau đó Hành theo những gì đã NGỘ cho tới NHẬP. Gọi là 4 giai đoạn tu hành KHAI, THỊ, NGỘ, NHẬP. Đâu phải với người chưa hiểu gì mà cứ vác cây đập thì cái Tánh sẽ bật ra ?
Ngôn ngữ trịch thượng, mang đầy tính đe dọa. Không giảng dạy được cho Thiền Sinh điều gì, chỉ biết lấy hương bảng để đập bất kể đầu, mặt, tai. Chứng tỏ đây chỉ là Thiền Sư giả hiệu, không biết gì về Đạo Phật, không biết gì về Thiền Định mà dám mở ra để lừa bịp người muốn tu học. Tội cho những người vì quá mến mộ Đạo Phật, tưởng đó là phương pháp Đốn như lời đồn nên đến đó, mặc cho ông ta chửi mắng, đánh đập vì tin là sau kỳ Đả Thất sẽ Chứng đắc !
Người học đã không biết gì. Người thầy thì cũng không hiểu Đạo nên dạy lếu láo. Kết quả là cả 10 Thất không thấy có được một ai Thấy Tánh ! Vậy mà khi Giải Thất, ông ta đã không chút xấu hổ mà chỉ “lấy làm tiếc” !
Điều đáng buồn là chính Thiền Sư Nguyệt Khê ghi lại trong Cội Nguồn Truyền Thừa của ông, và Thiền Tông Việt Nam ta cũng in ra để phổ biến cho những ai muốn tu THIỀN !
Về Ngũ Phái Thiền thì Thiền Sư Nguyệt Khê trích lời của Pháp Diễn Thiền Sư : “PHÁP NHÃN TÔNG truyền sang Cao Ly. VÂN MÔN TÔNG đã thất truyền từ lâu. Nay chỉ còn ba Tông : QUI NGƯỠNG, TÀO ĐỘNG và LÂM TẾ, nhưng con cháu chỉ lấy cội nguồn gia phổ để truyền thừa với nhau, ghi trên Pháp Quyển là Thiền Sư đời thứ mấy mà thôi, nếu hỏi về Gia Phong Tông Chỉ thì ngơ ngác chẳng thể trả lời” !.
Đạo Phật ra đời vì thấy CẢNH KHỔ của con người. Giáo Pháp của Đạo Phật bao gồm lý lẽ để giải thích về những cái KHỔ. (KHỔ ĐỂ). Nguyên do Cái Khổ cứ tiếp tục (TÂP ĐẾ). Con đường để Thoát Khổ (DIỆT ĐẾ, ĐẠO ĐẾ). Sau đó hướng dẫn những cách thức để thực hành. Vậy mà người đến tìm Thầy để Tham học mong Thầy chỉ cho cách thức để tu hành, để Chứng Đắc, thì chỉ thấy chỉ Thầy “đá cầu, hầm khoai, giơ lên giơ xuống hoặc quăng cây Phất Trần” ..thì làm sao mà người học biết Tánh là cái gì để có thể Thấy Tánh, Chứng đắc ?
Cũng may mà những pháp môn đó lần hồi tự đi vào diệt vong, nếu không, không biết họ còn tiếp tục hại những người mê muội tới đâu !
Mục đích tu hành của Đức Thích Ca chỉ là TÌM CHO RA KẺ ĐÃ XÂY NGÔI NHÀ SINH TỬ. Điều mà ngài cho là Chứng Đắc chỉ là Tìm được thủ phạm đã XÂY NGÔI NHÀ SINH TỬ cũng như cách thức để khống chế hắn, phá vật liệu của hắn, để hắn không thể tiếp tục xây nhà được nữa. Không phải thành Phật là trở thành Thần Linh, có Thần thông hay phép mầu, có quyền năng để cứu độ cho mọi người ! “Tam Thiên Đại Thiên” mà Phật “Cứu độ”, là Chúng Sinh trong Ba Cõi Tham, Sân, Si của chính Ngài mà thôi. Đạo Phật được gọi là Đạo Tự Độ. Có nghĩa là mỗi người phải tự học hỏi rồi thực hành để tự cứu cho chính mình mà thôi. Phật không có Độ được cho người khác. Nếu Độ được cho người khác thì gọi là ĐỘ THA, không còn là Tự Độ nữa.
Trong khi Đạo Phật chân chính dạy NHÂN QUẢ, tức là mỗi người phải tự gây Nhân Thiện để được hưởng Quả Lành, thì trong Kinh CHUẨN ĐỀ ĐÀ LA NI, của bên MẬT TÔNG toàn dạy Lập Đàn và dùng Thần Chú để cầu đủ thứ. Nào là cầu trừ được bệnh, cầu hơn thua trong lý luận, cầu được thắng trong cuộc đấu tranh, cầu giàu có, nhiều của báu ! Họ không biết rằng Phật không phải là Thần Linh thì có quyền năng đâu mà đáp ứng cho họ những gì họ cầu xin ? Chưa kể là có một số câu Thần chú, cuối câu còn thì đọc “Cấp cấp như luật lịnh” thì đó là ra lệnh cho Thần thánh, đâu phải là cầu xin ?
Phép Bắt ẤN của MẶT TÔNG là dùng hai bàn tay. Mỗi ngón tay được tượng trưng cho 1 phương tiện. Bàn tay Trái, 5 ngón mang 5 tên : Trí, Lực, Nguyện, Tiện, Huệ. Năm ngón của bàn tay phải là Đàn, Giới, Nhẫn, Tấn, Thiền. Đó là 10 việc mà người tu Phật bên Hiển Giáo phải thực hiện, thì người Bắt Ấn sẽ dùng hai bàn tay, đan những ngón tay vào với nhau. Tùy cách sắp xếp các ngón để đặt ra tên những loại ẤN có tên : Tam Bộ Ma Da Ấn, Liên Hoa Bộ Tam Muội Da Ấn, Kim Cang Bộ Tam Muội Da Ấn, Kiết Địa Giới Ấn, Hư Không Tạng Ấn, Thân Cúng Dường Ấn. Mỗi Ấn mang ý nghĩa là : diệt tội, trừ các nạn, tội chướng tiêu diệt, chứng Bồ Đề Tâm, mau được giải thoát !
Họ cho là “Hiển Giáo Viên Tông cần yếu trước ngộ Tỳ Lô Pháp giới, sau y ngộ tu mãn Phổ Hiền hạnh hải, được lìa sanh tử, chứng thành mười thân vô ngại Phật quả. Như người bệnh được phương thuốc hay, cần yếu phải tự biết phân lượng, phép tắc bào chế hiệp thành mới uống, được trừ bệnh thân an. Nay Thần Chú này là Mật Giáo Viên Tông, tất cả chúng sanh và Bồ Tát, tuy không hiểu được, chỉ tri tụng liền đầy đủ Tỳ Lô Pháp Giới, Phổ Hiền hạnh hải, tự nhiên lìa được sanh tử, thành tựu mười thân, vô ngại Phật Quả” .
Chỉ dùng mười ngón tay kết thành Ấn, và Tụng Chú mà không cần hiểu, chỉ tụng đầy đủ thì đầy đủ Tỳ Lô Pháp Giới, Phổ Hiền Hạnh Quả, lìa được sanh tử, thành tựu mười thân, vô ngại Phật Quả mà không cần VĂN TƯ TU, GIỚI, ĐỊNH, HUỆ, BÁT CHÁNH ĐẠO thì rõ ràng người lập ra Tông này do chưa hiểu hết về Đạo Phật, vì cuối đường tu Phật là để KHÔNG CÒN MÌNH (VÔ NGÃ) thì lấy ai để Chứng Đắc, thành tựu Mười Thân, Vô ngại Phật Quả ?
TỊNH ĐỘ TÔNG thì thấy Kinh viết về TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC của Phật A DI ĐÀ.
“ Kinh viết : “Xá Lợi Phất : Cõi đó vì sao tên là Cực Lạc ?
Vì Chúng sanh trong cõi đó không có bị những sự thống khổ, chỉ hưởng những điều vui, nên nước đó tên là Cực Lac.
Xá Lợi Phất ! Lại trong cõi Cực Lạc có Bảy từng bao lơn, bảy từng mành lưới, bảy từng hàng câu đều bằng Bốn Chấu Báu bao bọc giáp vòng, vì thế nên nước đó tên là Cực Lạc.
Xá lợi Phất ! Lại trong cõi Cực Lạc có ao bằng Bảy chất báu, trong ao đầy dẫy nước đủ tám công đức, đáy ao thuần dùng cát vàng trải làm đất.
Vàng, bạc, lưu ly, pha lê hiệp thành những thềm, đường bốn bên ao, trên thềm đường có lầu gác cũng đều nghiêm sức bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xa cừ, xích châu, mã não..”
Do thấy Tây Phương Cực Lạc của Phật A Di Đà chứa đầy các món châu báu là thứ mà người đời ham thích, chém giết nhau để tranh giành, nên họ lập ra TỊNH ĐỘ TÔNG, dạy mọi người chuyên tâm NIỆM PHẬT để cầu mong Phật A Di Đà sẽ rước họ về đó sau khi qua đời.
Đạo Phật dạy khi đọc Kinh thì phải “Y NGHĨA bất Y NGỮ” thì họ đã Y NGỮ mà tin, mà hành trì. Do họ đọc Kinh mà không Tư Duy, nên không hiểu rằng đó là phương tiện để Chư Vị Giác Ngộ dẫn dụ những người muốn về đó thì phải tuân thủ một số điều kiện, tức là phải tu hành, phải XẢ những tính Xấu đã ôm giữ từ bao nhiêu đời, phải lập Công Đức, Phước Đức.
BẢY MÓN CHÂU BÁU để trang hoàng cho Nước Phật đó là nói về việc XẢ BẢY NGHIỆP của THÂN. Thân có Ba Nghiệp : SÁT,ĐẠO, DÂM và KHẨU có BỐN NGHIỆP : Nói láo, Nói lưỡi đôi chiều. Nói để khen mình, chê người. Cứ XẢ món nào là đem món đó trang hoàng nơi TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC. Nên ở đó đầy dẫy BẢY MÓN CHÂU BÁU ! DÂY VÀNG tượng trưng cho GIỚI, ngăn người tu không lạc ra Ác Đạo. Ao NƯỚC ĐỦ TÁM CÔNG ĐỨC chính là BÁT CHÁNH ĐẠO.
TÂY PHƯƠNG CỰC LẠC là giả Cảnh mà Chư Vị giác ngộ đặt ra, mục đích để khuyến tu, để người vì ham thích, muốn đến đó thì không những phải bớt hành những nghiệp Xấu, phải XẢ những thói quen đã ôm giữ bao đời, mà còn phải Hành những Thiện Nghiệp. Nhưng những người Y KINH GIẢI NGHĨA đã cho đó là thật, dạy cho tín đồ chuyên tâm NIỆM danh hiệu PHẬT A DI ĐÀ để cầu mong được về đó ! Nếu chỉ cần Niệm danh hiệu của Phật nào mà được về Quốc Độ của Phật đó, thì Nhân Quả bỏ đi đâu ?
Về lý do có ĐỐN GIÁO và TIỆM GIÁO thì như sau : Đa phần Chùa chiền sau này không có những Vị nối truyền từ người Có Chánh Pháp, nên họ không nắm rõ đường lối tu hành của Đạo Phật. Vì thế, họ cứ theo hình tướng mà làm. Xây dựng Chùa, Dựng Tượng Phật để thờ, Ăn chay, Tụng Kinh, học Pháp, Ngồi Thiền... cho là bao giờ đầy đủ Công Đức sẽ Thấy Tánh. Những việc làm như thế gọi là TIỆM TU, vì cứ từng bước mà làm, không biết bao giờ sẽ đạt mục đích.
Họ cũng không hiểu Công Đức chính là những việc làm gọi là “Đúc, tạc tượng Phật”, tức là bắt chước theo những Hạnh mà Phật đã làm để có kết quả là được Giải Thoát.
ĐỐN GIÁO là cách hướng dẫn tu hành của những người đã Chứng Đắc, đã nắm vững Con Đường tu Phật. Họ không dắt người học đi vòng quanh, mà chỉ rõ mục đích của Đạo Phật cũng như phương tiện để giúp người tu không phí đi thời gian vốn hữu hạn. Đã biết mục đích tu Phật là để được Giải Thoát thì cũng biết luôn Ràng buộc là ở đâu ? để tháo gỡ ở đó. Người tu học sẽ được hướng dẫn cho khai mở Trí Huệ để sau đó họ sẽ tự biết những gì phải làm rồi kiên trì thực hành cho đến khi đạt kết quả.
Như đã trình bày ở phần đầu, do cách xa thời Phật mở Đạo đã gần 3.000 năm, nên Đạo Phật qua bao nhiêu thời đã bị các tà sư vì danh, uy, lợi dưỡng mà pha trộn vô đó quá nhiều pháp của ngoại đạo. Họ cũng đọc Kinh, rồi Y theo văn tự, cho đó là thật. Họ gán cho Phật đủ thứ quyền năng, phép mầu cao siêu, thần thông quảng đại, cứu độ cả Tam Thiên Đại Thiên Thế Giới, nên Đạo Phật không còn là CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT mà tất cả mọi người không phân biệt giới tính, tuổi tác, giai cấp, nghề nghiệp, trí, ngu… nếu hành trì đúng đều sẽ được THOÁT KHỔ nữa.
Đọc Phẩm Anh Nhi Hạnh trong Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN ta thấy nói rõ về phương tiện cứu Khổ cho Chúng Sinh của Đạo Phật như sau :
“Lại như Anh Nhi lúc kêu khóc, cha mẹ bèn lấy là dương vàng mà bảo rằng : Nín đi đừng khóc, vàng đây ta cho con. Anh Nhi thấy lá dương vàng tưởng là vàng thật bèn thôi không khóc nữa. Nhưng đây là lá dương, chẳng phải vàng thật. Trâu gỗ, ngựa gỗ, người gỗ, Anh Nhi cũng tưởng là trâu, ngựa, người thật, liền chẳng khóc nữa. Do vì chẳng phải thật trâu, ngựa v.v.. mà tưởng là thật trâu, ngựa v.v.. nên gọi là Anh Nhi.
Đức Như Lai cũng vậy. Nếu có chúng sanh muốn tạo tội ác, Đức Như Lai vì họ mà nói trời Đao Lợi Thiên là cõi tốt đẹp an vui tự tại. Chúng sanh nghe cõi vui đẹp như vậy sanh lòng ưa thích bèn thôi chẳng tạo tội ác, mà siêng thực hành những nghiệp lành. Nhưng thật ra cõi trời Đao Lợi là sanh tử, chẳng phải là an vui tự tại”.
Đạo Phật chân chính không dạy Thờ Phật, mà chỉ hướng dẫn cách thức tu hành để Thành Phật. Phương tiện tu hành thì có GIỚI, ĐỊNH HUỆ, VĂN TƯ TU và BÁT CHÁNH ĐẠO. Về GIỚI thì Kinh ĐẠI PHƯƠNG TIỆN PHẬT BÁO ÂN viết : “Giả sử có 100 hay 1.000 vị A La Hán được vào Niết Bàn thì từ vị A La hán đầu tiên cho đến vị A La Hán cuối cùng đều do công đức Trì Giới mà được thành tựu đạo quả”. Như thế, chắc chắn không có Giáo Pháp nào không dạy người tu Giữ Giới, hành theo Bát Chánh Đạo, tìm Tâm rồi Tu sửa ở đó gọi là Tu Tâm mà có thể tu hành thành công được. Vì Chứng Đắc trong Đạo Phật là “Đắc cái Tâm” hay “Thấy Tánh”, hoặc “Thấy Bổn Thể Tâm”. Đó là căn bản để chúng ta có thể kết luận Thừa hay Tông, Phái nào có Chánh Pháp hay không vậy.
Tháng 11/2023