Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
              


Giáo sư TS Phan Đăng Nhật trước bàn thờ tổ tiên

TẾT VIỆT TRƯỜNG TỒN




T ết” là biến âm của “Tiết”. Nghĩa gốc của tiết là: đốt tre, mắt cây, khớp xương. Các đốt,  khớp đó có hai ý nghĩa và công dụng đối với sự vật. Một là phân chia các vật ra làm từng khúc đoạn, hai là giữ cho các vật được cứng cáp. Ví như, cây miá, tre , trúc mà không có mắt thì không đứng vững được . Vì vậy, tiết có nghĩa chuyển đổi là khí tiết (“Trúc dẫu cháy tiết ngay vẫn để” – Văn tế trận vong tướng sỹ).

Trong năm, người Việt (Kinh) có nhiều ngày Tết. Trong số đó Tết nguyên đán l là Tết lớn , Tết chính, vì vậy còn được gọi là Tết Cả (cũng như sông cả, vợ cả, sóng cả, “tiếng cả nhà không”, ….) Tên gọi Nguyên đán/Nguyên nhật, chỉ thời gian của Tết, ngày đầu của năm.

Trên thế giới nhiều quốc gia dân tộc tổ chức tết (lễ tiết) vào ngày đầu năm, theo lịch của từng nước. Ở nước ta, nhiều dân tộc/ tộc người tổ chức tết mừng năm mới như: người Hà Nhì (gọi là Hồ Sự Chà), người Sán Chay (gọi là Kin Lèn, Tai Lin), người SiLa (gọi là Ố Xị Già), người H’mông (gọi là Nào Pê Tràu), người Dao (gọi là Tết nhảy)…


  Tết Cả - Lễ Khải Hoàn Của Một Năm


Tết nguyên đán trước hết liên quan đến nghĩa thứ nhất: phân định các bộ phận. Có thể hình dung dòng thời gian cơ sở là một năm. Trong năm có nhiều tết/tiết: nguyên tiêu, đoan ngọ, trung thu, ...Các tết/tiết  chia thời gian ra  các phân đoạn, mà mỗi tết là bước chuyển tiếp thời gian từ phân đoạn này sang phân đoạn khác; trong đó Têt Nguyên đán/Tết Cả có vị thế quan trọng nhất.

Tết Cả đánh dấu bước chuyển tiếp của thời gian một năm. Đây không phải là thời điểm thông thường mà theo tâm linh, đó là thời điểm thiêng: “Năm vốn là một vòng tròn khép kín: nó có một khởi đầu và một kết thúc, nhưng cũng có thể “tái sinh” dưới hình thức một Năm Mới.  Cứ mỗi Năm Mới, là một Thòi gian Mới, tinh khiết và thánh thiện (vì chưa hao mòn), lại đi tới chỗ tồn tại.”[1]

Để duy trì sự tinh khiết, thánh thiện, đầu năm mới, mọi người phải thực hiện những kiêng kỵ (tabou ) như: kiêng đón những vị khách không đại diện cho sự tốt đẹp đặc biệt là những người “có bụi”; kiêng quét nhà, mặt tích cực của tục này là giữ nhà thật sạch, không gây rác bẩn, trong ngày Tết. Kiêng không chửi bới, mắng mỏ, nói những điều xấu. Đây không chỉ là yêu cầu đạo lý của con người, mà còn để giữ sự tinh khiết cho thời gian thiêng.

Quan niệm năm mới có tính thiêng, sự tái sinh, tinh khiết và thánh thiện là có tính nhân loại. Nhưng mỗi dân tộc, tuỳ thực tiễn, chọn một một thời gian năm mới /Tết thích hợp. Người Việt hiện chọn ngày 1 tháng Giêng  Lịch Trăng mở đầu Tết Cả, mà thời điểm chuyển giao cũ-mới thiêng liêng là Giao thừa.

Theo nền nông nghiệp truyền thống, trồng lúa hai vụ, chiêm mùa, tháng Giêng, là thời kỳ nông nhàn dài, thời tiết ấm áp. Sau những ngày đông hàn, cây cối, muôn vật và con người bước vào độ rạo rực sinh trưởng.

Chọn thời điểm lý tưởng đó, người Việt tập trung mọi giá trị văn hoá truyền thống có được, cho Tết, coi như là lễ  khải hoàn của một năm.

Trước hết  là văn hóa tâm linh. Ngừơi Việt thờ tổ tiên, vui buồn, hoạn nạn đều phải có gia tiên. Ngày Tết mọi nhà nhất thiết mời ông bà cha mẹ, tiền nhân về ngự trên bàn thờ để vui vầy cùng con cháu. Người sống ,  cha mẹ, con cái, ngày thường có thể tụ tập bất kỳ nơi đâu. Nhưng lễ Tết, để nương nhờ   bóng hồng phúc tiên tổ thì chỉ có tổ chức ở gia đình, nơi đặt bàn thờ gia tiên. Cho nên, nhu cầu quây quần đoàn tụ ngaỳ Tết vừa có ý nghĩa tình cảm gia đình mà hơn nữa, còn có mối liên hệ tâm linh, vì vậy đây là một nhu cầu thiêng liêng đối với người Việt .

Để đảm bảo nhu cầu này có một số phong tục kèm theo: ngày tất niên phải lau chùi, bao sái bàn thờ, đồ tế tự để đón gia tiên. Khác với ngày thường, ngày Tết phải dâng cúng  đều đặn trong 1 hoặc 3 ngày,  hương đăng trà tửu phải túc trực, với quan niệm rằng các ngày đó “gia tiên như tại”.

Thứ đến là văn hoá ẩm thực, văn hoá nghệ thuật, vui chơi ca hát. Những giá trị tiêu biểu của các loại văn hoá này được tích hợp vào đây để nâng cao và tô điểm cho ngày Tết. Trong số này, những giá trị đọng lại lâu dài là bánh chưng, bánh tét, chèo, tuồng, đánh đu,...

Môi trường điển hình cho Tết là làng quê Việt Nam. Làng quê Việt xưa, có gia đình, họ hàng, ngõ xóm, tối lửa tắt đèn có nhau; có cảnh sắc quen thân : luỹ tre, ngôi đình, mái chùa, khói lam chiều, dòng sông khi thì xanh biếc, khi thì “đỏ nặng phù sa”, hoặc “nằm nghiêng nghiêng” trong tâm tưởng...; có những ngày hội nhộn nhịp tưng bừng, những buổi chiều trâu bò thanh bình, “gừ mừ” đi về thôn.


Nguyên Tắc Ổn Định và Biến Đổi của Những Nhân Tố Trên


Tết là một giá trị văn hoá tổng thể, là sự tích hợp các phương diện văn hoá của dân tộc như văn hoá  nghệ thuật,  văn hoá ẩm thực, văn hoá trang phục, trên nền tảng văn hoá tâm linh - tín ngưỡng thờ tổ tiên của người Việt; được diễn tiến trong môi trường điển hình là làng quê Việt Nam. Về nguyên tắc, không thể tách ra một vài bộ phận trong tổng thể đó; ví  như, chỉ tập hợp gia đình ăn uống múa nhảy, dầu linh đình mấy cũng không thành Tết.

Tuy nhiên, Tết có thể có một số biến thiên.

Có nhà khoa học đã chứng minh là thời gian Tết từ xa xưa vốn là vào mùa thu, vào dịp cúng cơm mới vụ Mười.

Môi trường làng quê Việt đã, đang và sẽ thay đổi. Trong công nghiệp hoá, tốc độ đổi thay càng nhanh và khó lường. Rừng cây, gò đồi sẽ bị đào bằng, sông hồ sẽ bị san lấp nhường chỗ cho nhà cao tầng, ... Nhiều người và gia đình tự thay đổi môi trường bằng cách chuyển ra thành phố, kể cả đi nước ngoài. Nhưng trong lòng họ, Tết vẫn không phai mờ, đôi khi còn da diết. Văn hoá cổ xưa đồng hành với hoài niệm là như vậy.

Một số lễ tục Tết có thể bổ sung, cũng có thể mất đi.

Có thời, ba biểu trưng của Tết được lập nên thành ngữ: “cây nêu. tràng pháo, bánh chưng xanh”, trong đó  quan trọng là pháo. Ngày Tết, nhất là giao thừa và sáng mồng một mà pháo không nổ dòn, đừng nói không có pháo, đã là đáng buồn. Thế nhưng , mấy năm lại đây, vì lợi ích của nhân dân, chính quyền cấm pháo nổ. Tết vắng tiếng pháo, lúc đầu chưa quen cũng thấy thiếu hụt, rồi dần quen đi. Nhưng, phải chăng, thúi quen pháo Tết đang được níu kéo lại.

Trước đây, thức canh nồi bánh chưng đã đem lại một ấn tượng sâu sắc cho cả gia đình, người lớn cũng như trẻ em.   Để có nồi bánh riêng, phải bao nhiêu bận rộn: củi, lá, nếp, đỗ, thịt, ...Trẻ con thì háo hức, thức chờ chiếc bánh con con của riêng mình. Ngày nay nếu ở nông thôn nồi bánh chưng gia đình vẫn có vai trò,  ở thành thị người ta đi mua bánh Tết.


     Quan Niệm Đúng Về Sự Biến Đổi Văn Hóa


Tết là một giá trị văn hoá có tính tổng thể, cách nhìn nhận và thái độ ứng xử đối với nó lệ thuộc vào quan niệm về sự tồn tại của văn hoá nói chung. Quan niệm này có nhiều, có thể nêu lên hai thái độ thuộc hai cực đối lập.

Các hiện tượng văn hoá truyền thống tồn tại mãi và phải giữ gìn  như suối nguồn tinh khôi, không ai được thò bàn tay nhơ bẩn vào đấy.

Trong thế giới công nghiệp, văn hóa truyền thống sẽ tiêu tan,  lễ hội mà làm chi, chẳng qua là những trò chơi, trò thể thao khô khan, vụng về.

Hai quan niệm trên là hai thái cực, tuyệt đối hoá, do đó phi thực tế và bất khả thi.

Văn hóa dân gian là một thực thể sống, luôn luôn biến đổi theo xu hướng vừa phát triển, vừa rơi rụng, trên cơ sở một cốt lõi bền vững, mà người tạo nên và thúc đẩy cuộc sống năng động đó là cộng đồng  dân chúng qua các thời đại.

Trong thế giới hoà nhập ngày nay, loài người đã cảnh tỉnh: đừng để cho văn hoá bị hoà tan. Do đó, các dân tộc, một mặt tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới, mặt khác vẫn giữ gìn bản sắc văn hoá của mình.

Hai mặt vừa nêu trên, là quy luật lâu dài và thực tiễn trước mắt của văn hoá, chỳng cũng chi phối sự ổn định và biến đổi của Tết Việt. Ngừơi Việt đã tạo thành Tết, bảo vệ nó, điều chỉnh qua mọi thời kỳ cho đến hiện đại, và sẽ diễn ra như vậy trong tương lai; nên Tết Việt vẫn trường tồn với người Việt.

Những người có quyền uy về dư luận và điều hành cần tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện chủ quyền chân chính của mình trong công việc trên./.

[1] Mircia Eliade: Cái thiêng và cái phàm, Đỗ Lai Tuý giới thiệu, huyền Giang dịch từ nguyên bản tiếng Pháp, Tạp chi Văn học  nước ngoài  , số 2-2005, tr.202.




VVM.23.01.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .