Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
              



lãnh tụ Phan Đìng Phùng (1847 – 1896)

NGƯỜI CHỊ CỦA
LÃNH TỤ CẦN VƯƠNG PHAN ĐÌNH PHÙNG




B à chị nhà” là ai?

Trong bức thư của Hoàng Cao Khải (HCK) gửi Phan Đình Phùng (PĐP) đề tháng 4 năm Giáp Ngọ (1894), ở đoạn kết HCK có viết: “Nay tôi đã thương thuyết với các quí quan: trước hãy tha bà chị nhà để đến báo tin cho túc hạ và kèm cả bức thư này đường đột gửi đến túc hạ. Kính xin bậc cao minh xét cho” (Thư của HCK gửi PĐP theo Bãi ngoại liệt truyện được dẫn lại trong Tổng tập Văn học Việt Nam – TTVHVN – Tập 19).

Vì sao trong bức thư của HCK gửi PĐP lại nhắc đến “bà chị nhà”; bà là ai, phạm tội gì và vì sao lại được tha? Theo gia phả họ Phan làng Đông Thái (nay là xã Châu Phong, Đức Thọ, Hà Tĩnh), cụ Phan Đình Tuyển, thân sinh của PĐP, sinh được 8 người con – 7 trai, 1 gái. Bà vợ cả sinh được 6 người con – 5 trai, 1 gái. Một gái đầu là bà Phan Thị Đại, 5 người con trai tiếp theo là: Phan Đình Thông (tu tài), Phan Đình Thuật (cử nhân), Phan Đình Tuân (mất sớm), PĐP (đình nguyên tiến sĩ), Phan Đình Vận (phó bảng). Bà vợ hai của Phan Đình Tuyển sinh được hai con trai (không thành đạt gì).

Bà Đại lấy chồng là ông cử nhân Lê Văn Thống, người làng Trung Lê, xã Cổ Ngu, tổng Văn Lâm (nay là xã Đức Trung, Đức Thọ, Hà Tĩnh, cách Đông Thái 7 km). Khi giặc tấn công vào đại đồn Đông Thái, PĐP vượt vòng vây, kéo quân lên vùng núi rừng Hương Sơn – Hương Khê lập căn cứ kháng chiến. Ở quê nhà, bà Đại bị giặc bắt và bị khép vào tội “ám thông với giặc, chống lại triều đình”, bị kết án tử hình. Sau một thời gian bị giam ở nhà lao Hà Tĩnh, bà bị giải vào Huế để chịu tội. Khi đi đến địa phận tỉnh Quảng Bình thì nhận được lệnh từ Huế gửi ra, cho giảm mức án, vì: “em làm giặc, không liên quan đến chị gái đã xuất giá. Muốn bắt tội cũng không thể khép án tử hình”. Bà lại được giải trở lại nhà lao Hà Tĩnh. Vì sao bà được hưởng đặc ân như thế? Không lẽ thực dân Pháp và bọn tay sai của chúng đã thấu nỗi oan vô tội của bà chăng? Thực ra thì chúng giảm án cho bà để lợi dụng bà, dùng bà làm người đưa thư dụ dỗ mua chuộc của chúng “Các quý quan” mà HCK nhắc tới trong thư chính là tên toàn quyền De Lanessan – kẻ đạo diễn ra vở kịch này.

Lợi dụng mưu đồ của giặc Pháp

Bà Phan Thị Đại biết được mưu đồ mua chuộc của chúng. Nhưng đây là cơ hội duy nhất để được gặp em trai, bà không thể bỏ qua. Bởi vì từ khi giặc tấn công vào đại đồn Đông Thái (11-1885), PĐP chuyển lên lập căn cứ ở núi rừng Hương Sơn, bà bị giặc bắt giam, đến nay đã 9 năm hai chị em không được gặp nhau. Vì vậy, dù biết được mưu đồ của chúng, bà vẫn vui vẻ nhận lời. Bọn cầm quyền cũng hy vọng qua bức thư của HCK và qua sự khuyên giải của bà có thể lay chuyển được ý chí của PĐP chăng? Vào một ngày đẹp trời tháng 4 năm Giáp Ngọ (1894), bà ra đi từ tỉnh thành Hà Tĩnh, mang theo bức thư của HCK, có phu khiêng cáng, có một tiểu đội lính tráng cầm cờ quạt chiêng trống đi mở đường. Đến địa giới huyện Hương Khê, địa đầu của vùng nghĩa quân kiểm soát, quân lính của PĐP được báo trước cũng đem cờ, quạt, võng lọng ra đón rước rất trọng thể. Tới đây, bọn lính tráng của triều đình quay lại. Bà lại lên cáng của nghĩa quân, về đại bản doanh của PĐP đặt ở Ngàn Trươi.

Tại quân doanh, chị em gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Sau khi hàn huyên mọi chuyện về gia đình, quê hương, PĐP hỏi:

-  Chị đã lên đây thì ở lại đây với em chứ? Người chị trả lời:

-  Không, chị gặp được cậu là tốt rồi. Chị phải về vì còn gia đình hai bên nội ngoại, cần phải phụng dưỡng. Bọn giặc chẳng làm gì được chị đâu.

PĐP lại hỏi:

-  Chị có điều gì khuyên em không?

Trái với mong ước của bọn cầm quyền, bà Đại trả lời:

-  Việc của cậu là việc quốc gia đại sự. Một quyết định của cậu có ảnh hưởng đến số phận của muôn ngàn người. Chị là phận đàn bà, chẳng thể khuyên được điều gì. Chỉ mong cậu muôn phần bảo trọng…

Vạch trần sự bịp bợm của Hoàng Cao Khải

Tối hôm đó, tại quân doanh, PĐP đọc thư HCK. Bức thư vừa dọa dẫm, vừa lừa mị, lại khuyên PĐP ra đầu thú thì y sẽ mở đường cho. Y tỏ ra “đau xót” vì nhân dân đang “lầm than” và đổ lỗi cho PĐP gây nên hoàn cảnh đó: “Những việc túc hạ đã làm bấy lâu nay, bảo là trung thì trung thật đấy. Nhưng riêng nhân dân hạt ta thì phỏng có tội gì mà lâm vào cảnh lầm than ấy? Đây là lỗi của ai? Nếu cứ theo cái đà này thì tôi sợ rằng cả cái vùng Hồng Lam nay sẽ thành ao cá hết, chứ có phải riêng cái làng Đông Thái chúng ta phải lo thôi đâu”. HCK dẫn chứng những người đã ra đầu thú mà y đã bảo lãnh cho được an toàn: “Tức như trước đây, quan bố Trần, quan thị Phan, người thì bị án mạng, người thì bị an trí, tôi đều vì tình trong làng, trong tỉnh, bảo toàn cho cả, may đều được yên ổn”. Rồi y khuyên PĐP: “Nếu túc hạ không cho lời tôi nói là viển vông quá, xin hoàn toàn đừng lo ngại sự gì. Quyết không để cho cố nhân mang tiếng là bất tri đâu” (trích thư HCK gửi PĐP – TTVHVN – Tập 19). PĐP không lạ gì tim đen của HCK, ý tứ phúc đáp thế nào, ông đã có chủ định. Tuy nhiên, nếu bây giờ ông khẳng định lập trường dứt khoát của mình, đập lại những luận điệu lừa bịp của HCK thì sợ rằng bọn giặc sẽ “giận cá chém thớt” mà giết mất bà chị. Vì vậy ông cầm bút ghi mấy dòng sơ lược như sau:

“Kính gửi ông cử nhân họ Hoàng, người cùng làng:

Kính đọc thư cố nhân, tình lý chu đáo, lời lẽ dồi dào, vì còn bận việc, phải suy nghĩ mươi ngày rồi mới trả lời được. Trong quân vội vàng, xin phúc đáp cố nhân biết sơ ý kiến còn các lẽ cố nhân khuyên bảo thì xin thong thả, suy nghĩ kỹ sẽ phúc đáp lại sau”.

Bà Đại ở lại một hôm rồi về. Vì ở điểm hẹn, bọn lính tráng đang chờ bà và nhất là chờ thư phúc đáp của PĐP gửi HCK, mục đích cơ bản trong chuyến tháp tùng của chúng. Đến điểm hẹn hôm trước, bà lại được bọn lính tráng đưa đón trọng thể như lúc đi. HCK nhận được thư của PĐP thì chưng hửng. Tuy nhiên, y vẫn chờ và hy vọng ở thư phúc đáp chính thức của PĐP. Bức thư đó không phải sau “mươi ngày” như lời hẹn mà mãi 7 tháng sau (11-1894), PĐP mới viết trả lời. Trong thư, ông nêu rõ lập trường quan điểm của mình và vạch trần luận điệu “thương dân” bịp bợm của HCK. Ông viết: “Vả chăng, hạt ta đến nỗi điêu đứng lầm than quá, không phải riêng vì tai họa binh đao làm nên nông nỗi thế đâu. Phải biết quân Pháp đi tới đâu, có lũ tiểu nhân người mình hùa theo bày kế lập công, những người không có tội gì chúng cũng cho là có tội, rồi thì bữa nay trách thế này, ngày mai phạt thế kia, phàm có cách gì đục khoét được của dân, chúng nó cũng dùng hết không từ (PĐP nhấn mạnh). Bởi thế mà thói hư, mối tệ tuôn ra cả trăm, cả ngàn, quân Pháp làm sao biết thấu? Như thế mà bảo làng xóm không phải tan lìa, trôi dạt đi thì có thể được ư?” (TTVHVN – Tập 19). Ở đây, “lũ tiểu nhân người mình hùa theo bày kế lập công” mà PĐP nhắc tới chính là bè lũ tay sai bán nước mà HCK là kẻ đại diện. PĐP đã đánh vào điểm yếu nhất của HCK khiến y rất tức giận.

Mua chuộc, dụ dỗ không lay chuyển được ý chí của PĐP, bọn giặc chỉ còn cách ngày càng siết chặt gọng kìm, bao vây nghĩa quân ngày một gắt gao hơn, hòng dập tắt cuộc khởi nghĩa.

Bọn giặc đã không lợi dụng được bà chị gái để lung lạc ý chí của PĐP, mà trái lại, bà đã lợi dụng chúng để đi thăm người em thân thiết của mình ở trong rừng sâu, sau nhiều năm chưa được gặp mặt. Đấy là cơ hội quý báu cuối cùng để hai chị em được gặp nhau. Hơn một năm sau, PĐP mất tại quân doanh, hôm ấy là ngày 12-11 ất Mùi (28-12-1895). Nghĩa quân khâm liệm, mặc áo, đội mũ tiến sĩ vào cho ông, sau đó chặt một cây vàng tâm lớn, khoét rỗng lòng, đặt thi hài ông vào, gắn lại, rồi đem chôn dưới chân núi Rú Quạt (Hương Khê, Hà Tĩnh). Mười ngày sau, bọn giặc dò biết được, quật mồ ông, thiêu xác thành tro, trộn vào thuốc súng, bắn xuống dòng sông La(1).

Còn bà Phan Thị Đại sau đó được trả tự do. Bà là mẹ của Giải Huân, tức Lê Văn Huân, một chí sĩ yêu nước, hoạt động trong phong trào Đông Du.

(1)Mộ Phan Đình Phùng được gạt bằng, không đắp thành nấm để giữ bí mật. Tuy nhiên, có một nghĩa quân bị giặc bắt được tra khảo. Người nghĩa quân này không chịu đựng được, đã cung khai.
* Trong NHÌN LẠI LỊCH SỬ, nhà xuất bản Văn hóa-Thông tin, Hà Nội 2003, Tác giả:  KS. PHAN DUY KHA – TS. LÃ DUY LAN – TS. ĐINH CÔNG VĨ.




VVM.23.01.2024.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .