Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





EDGAR ALLAN POE

(1809-1849)



Kiến Thức Văn Học

TÀI HOA MỆNH BẠC I  

KỲ THỨ II

(6/1830 – 2/1831)             

  Tháng 6/1830, Poe chính thức được nhận vào trường Võ Bị West Point khi 21 tuổi. Dù tỏ ra là một sinh viên tốt nhưng nhà văn sớm nghe mệt mỏi vì cái kỷ luật sắt của nhà binh.              

 [Một người bạn cùng khóa với Poe tại trường Võ Bị, A.B. Magruder viết rằng:  “Poe là người rất giỏi về Pháp ngữ và có khả năng phi thường về Toán học, đọc sách rất nhiều, nhưng khuyết điểm lớn của anh là tỏ ra khinh rẻ những bổn phận quân sự. Cá chất bất thường và ngoan cố ấy khiến anh bị mang tiếng là kẻ hay quên và thờ ơ với những nhiệm vụ trong khóa học.”]            

   Phải nhận, nguyên nhân của tất cả những xao lãng này nơi Poe được bắt rễ đã lâu và từ một phía khác ngoài con người ông. Ngày 31/1/1831, từ West Point, Poe viết về cho ông Allan một lá thư dài kể rõ mọi hoàn cảnh cay đắng mà từ khi còn ngồi ở đại học Virginia, Poe phải gánh chịu, kéo dài cho đến tận lúc ấy:            

   “... Phải nói rõ rằng tánh hà tiện bủn xỉn của ông đã là nguyên nhân cho tất cả mọi nỗi khó khăn tôi từng bị vướng mắc khi còn ở Charlottesville. Số chi tiêu thấp nhất trong đại học là 350 đô la một năm; ông chỉ gửi cho tôi 110 đồng. Trong số 110 đồng nhận được ấy, tôi phải trả ngay lập tức 50 đồng tiền ăn, 60 đồng cho hai lớp dạy của hai vị giáo sư (mà ông cũng không bỏ lỡ cơ hội để mắng nhiếc tôi rằng tại sao lại không trả cho ba vị!) Rồi 15 đồng ứng trước chung với 110 đồng vừa kể: trong đó 12 đồng đóng cho những bàn ghế tủ bơi dùng đến trong phòng, 12 đồng khác cho một giường ngủ. Vì không đủ tiền trả cho những vật dụng xài chung, trái với quy luật của viện đại học, nên tôi phải bị nhục nhã và tức khắc bị nhìn như một tên hành khất!             

  Chắc ông còn nhớ, tuần lễ sau khi vào đại học, tôi đã viết về một lá thư xin ông thêm ít tiền mua sách. Ông hồi âm ngay với những điều kiện hết sức hà khắc. Và chỉ vì tôi không thể cứ tiếp tục trả món nợ 150 đồng với chỉ 110 đồng đang có trong tay mà ông đã không tiếc lời mắng nhiếc tôi giống như đối với một tên khốn nạn tồi tệ nhất trên đời.              

 Theo nghiêm lệnh của ông, tôi phải gửi kèm trong thư cho ông một bản liệt kê tất cả mọi món phí tổn trong tổng số 149 đồng. Số tiền 39 đô la tôi còn thiếu tại đại học, được ông gửi bù cho thành 40 đồng, dôi ra trong túi tôi chỉ đúng một đồng! Thời gian kế đó, tôi nhận một số sách, trong có hai quyển Toán. Nhưng sách thì phải mua bằng cách trả góp nếu như tôi có ý định lưu lại lâu trong trường. Ngoài ra, cũng bởi vì những món tiền bắt buộc phải chi cho người bồi phòng, củi đốt, giặt ủi và một ngàn lẻ một thứ cần thiết khác mà những món nợ cứ tăng dần lên, và theo số vay mượn của các người Do Thái trong tỉnh, tôi đành chấp nhận số tiền lời rất lớn. Do lẽ đó, tôi phải trở nên một kẻ vô hạnh. Nhưng còn biết làm sao? Tôi không giao thiệp được với người bạn nào, ngoại trừ những kẻ cùng chung hoàn cảnh nhưng nguyên do khác biệt: họ, từ sự say sưa hoặc tiêu xài hoang phí; còn tôi, bị đày đọa vì chẳng có ai trên đời lưu ý cần thiết hay chân thành yêu thương tôi.               

Xin Thượng Đế chứng minh rằng tôi không bao giờ ưa thích sự chơi bời phóng đãng. Những người biết tôi đều phải nhận rằng những mục đích theo đuổi hay các thói quen của tôi thì rất xa với các loại tiêu khiển ấy. Ngay cả đến tình cảm những người bạn cùng hoàn cảnh tỏ lộ cho, tôi cũng chỉ dám nhận rất e dè và giữ một khoảng cách giữa tôi và họ.               

Gần cuối niên học, ông gửi thêm cho tôi 100 đô la, nhưng đã quá muộn để kéo tôi ra ngoài những nỗi khó khăn ấy. Tôi giữ số tiền đó lại với ý nghĩ rằng, nếu kiếm thêm được nhiều hơn, tôi sẽ có thể phục hồi lại con người mình. Do lẽ đó, tôi tìm đến ông James Galt, nhưng ông này, bằng những duyên cớ rất khéo, đã từ chối không cho tôi mượn xu nào. Đâm ra tuyệt vọng, tôi bắt đầu lao vào các trò chơi cờ bạc cho đến cuối cùng bị vướng mắc đến độ không thể sửa hối. Nếu ở địa vị tôi, xin hãy cho biết, ông có làm khác được vậy không? Khi tôi bị buộc rời khỏi trường đại học, bạn bè tôi chẳng ai hiểu rõ hoàn cảnh của tôi, mà chỉ nghĩ rằng tôi đã tiêu xài hoang phí. Tôi không hy vọng được trở lại Charlottesville nên trông đợi ít nhất là ông sẽ ban cho tôi một việc làm gì đó trong công ty của ông. Nhưng rồi từng ngày trôi qua chỉ là vô vọng…. Tôi bèn bỏ nhà ra đi.             

  Sau hai năm đứng ở địa vị một người lính tầm thường trong quân đội với không một lầm lỗi nào có thể bị bắt bẻ, tôi được cấp giấy nghỉ phép. Điều này ông có thể kiểm tra bất cứ lúc nào tại đơn vị cũ của tôi. Tôi nghĩ đến điều mạo hiểm van nài ông giúp đỡ cho ít vật dụng quần áo, nên trở về nhà –ông nhớ lại đi!—đúng vào ngay sau cái đêm đã chôn cất mẹ nuôi tôi. Nếu bà không chết trong khi tôi bỏ đi xa, chắc tôi không có gì ân hận. Tình cảm của ông, tôi chẳng bao giờ định rõ được. Nhưng còn bà thì tôi tin rằng bà cũng đã thật lòng thương tôi như thương đứa con ruột của bà. Lần trở về ấy, ông hứa tha thứ tất cả cho tôi, nhưng rồi ông sớm bội lời hứa. Ông gửi tôi đến West Point như một tên ăn mày và hoàn cảnh ở đây cũng khó khăn nghiệt ngã cho tôi y hệt như trước kia ở Charlotteville. Tôi đành đến phải từ bỏ thôi. (...)”.             

  Quả nhiên, sau nhiều lần cố ý vắng mặt trong những buổi tập họp duyệt binh, trong các công tác thực tập và luôn cả các buổi lễ cầu nguyện, Poe bị đưa ra tòa án quân sự và bị đuổi khỏi trường Võ Bị West Point vào tháng 2/1831.              

 Sự bị đuổi này của Poe và sự tái hôn mau lẹ của ông Allan sau khi vợ chết đã là hai nguyên nhân quan trọng cắt đứt hẳn mọi liên hệ vốn đã mong manh giữa ông cha nuôi và cậu con nghệ sĩ. Kể từ giờ phút ấy trở đi, Poe phải tự mưu sinh và chống chỏi với cuộc đời thực tế khó khăn mà chẳng còn trông mong vào sự giúp đỡ của bất cứ ai trên đời. Nhà văn bèn bỏ đi đến New York và tìm được ở đó một người chịu đứng ra xuất bản tập thơ  “Poems by Edgar A. Poe, Second Edition”  cho ông.   


VI 

(Mùa hè 1831 – 1/1837)               

Mùa hè 1831, Poe trở về Baltimore, liên lạc lại với gia đình bà cô Clemm. Người anh lớn, William Henry, qua đời không bao lâu sau khi Poe gặp lại.             

  Năm 1832, Poe khởi sự viết văn xuôi và cho xuất hiện liên tiếp năm truyện ngắn, được tờ Philadelphia Saturday Courier nhận xuất bản.          

     Đầu năm 1833, sống chung trong ngôi nhà nhỏ với bà cô Clemm và cô em họ Virginia, hoàn cảnh cả ba túng hụt đến độ Poe đành cởi bỏ hết kiêu hãnh mà cầu cứu đến ông Allan qua một lá thư ngắn như sau:             

  “Baltimore, ngày 12/4/1833             

  Đã hơn hai năm kể từ ngày ông còn giúp đỡ tôi và ba năm rồi từ khi ông còn trò chuyện với tôi, tôi biết là có rất ít hy vọng được ông hồi âm lá thư này, nhưng vẫn dằn lòng làm một cố gắng để mong ông lưu tâm đến. Nếu chỉ xét trên hoàn cảnh hiện tại mà tôi đang gánh chịu, chắc chắn ông sẽ thương hại tôi, một kẻ không bạn bè, tiền bạc. Tôi chưa từng làm biếng, lại chẳng ghiền bất cứ thói xấu nào, cũng không phạm tội chống lại xã hội để đến nỗi đáng bị hoàn trả một số phận quá cay nghiệt như thế. Xin ông hãy vì Chúa mà thương hại cứu vớt tôi khỏi những tàn phá.           

    Edgar A. Poe.”              

 Lá thư kêu nài thống thiết ấy chẳng bao giờ được hồi âm. Dầu vậy, giữa bao khó khăn trong cuộc sống, Poe vẫn không ngừng sáng tác.


           

   Tháng 10/1833, trong cuộc thi truyện ngắn của tờ tạp chí Baltimore Saturday Visiter, “Ms Found in a Bottle” của Poe chiếm giải nhất với số tiền thưởng là 50 dollars. Sự xuất hiện vào ngày 19/10/1833 của tác phẩm này đã đưa Poe lên hàng một trong những người viết trruyện ngắn hay nhất thế kỷ 19.            

   Ngày 27/3/1834, Poe nhận tin cha nuôi chết. Di chúc của ông Allan quy định là phân phát tài sản để lại cho từng đứa con chính thức cũng như không chính thức của ông ta, nhưng lại chẳng để chút nào cho cậu con nuôi. Poe bị loại trừ và biết rằng mình phải tự mưu sinh dù cách gì chăng nữa. Lúc này, nhà văn đang trở thành một tay viết chuyên nghiệp và điều cần thiết là phải tìm môi trường sinh sống cho các tác phẩm đã sáng tác.               

Tháng 8/1835, cũng nhờ tiếng vang gây nên từ truyện ngắn “Ms Found in a Bottle”  mà Poe được tờ Southern Literary Messenger ở Richmond nhận vào chức vụ phụ tá chủ bút. Ông bèn rời căn nhà nhỏ bé của bà cô Clemm ở Baltimore để đi Richmond.              

 Tài năng của Poe được cấp trên tán thưởng trên nhiều khía cạnh dị biệt:  đọc và sửa bản in thử, viết những tiểu luận, viết những bài phê bình văn học, điểm sách, làm thơ, viết truyện ngắn...  Nhưng mặt khác, những cơn say, những cuộc cãi cọ của ông đã làm cho các đồng nghiệp phải luôn luôn bực dọc.             

  Và rồi một cách tình cờ, nghe được tin Neilson Poe, người chồng của bà chị cùng cha khác mẹ với Virginia muốn đem Virginia về nhà nuôi cho ăn học, Poe đã cảm nghe đau khổ dữ dội. Nhà văn bèn viết một lá thư cho bà cô Clemm để phản đối việc trên, đồng thời cũng để tỏ tình yêu của mình với Virginia:              

 “Cô yêu dấu,              

 Xin hãy thương con! Hãy thương xót con! Trên đời này, ngoài cô và em Virginia ra, con không còn ai để tìm về. Con đang sống giữa một đám người xa lạ và sự bất hạnh sẽ còn vượt cao hơn sức chịu đựng của con nữa. Thật là vô ích nếu chờ đợi một lời khuyên nơi con. Con còn biết nói gì bây giờ? Con có được quyền nói trong danh dự và sự thật là ‘Virginia, đừng đi đến nơi ấy’, hay không? Nếu em Virginia thương con thật tình, hẳn em sẽ từ chối lời đề nghị đầy khinh miệt như thế. Ôi! Xin Chúa xót thương! Nếu em Virginia đi đến nhà Neilson Poe thì cô sẽ sống ra sao? (...) Con đã kiếm được một căn nhà nhỏ dễ thương vừa mới dựng xong với một khoảnh vườn và tất cả mọi tiện nghi, trong khu hưu trí trên ngọn đồi Churchill, mỗi tháng chỉ trả 5 dollars. Từng ngày từng đêm con đã mơ trong hoan hỉ rằng được làm cho cả cô lẫn Virginia thoải mái sung sướng, cũng như con sẽ được gọi em là vợ. Nhưng giấc mơ nay đã hết! (...) Ôi Chúa ơi, xin thương xót con! Con còn ý nghĩa gì để mà sống giữa một đám người xa lạ chẳng có chút lòng chân thật cho con?”            

   (Thư đề ngày 29/8/1835).                        

   Trong một tháng sống đơn độc ở Richmond, Poe lại tìm quên nỗi buồn và những điều bất như ý liên tiếp xảy ra trong đời bằng men rượu đắng. Tuy nhiên, càng uống, càng say khướt thì nhà văn lại càng thêm tuyệt vọng. Khi ấy, cái ý nghĩ tự tử cứ chờn vờn đầu óc ông.             

  Để tự cứu, giữa tháng 9/1835, Poe quay lại thành phố Baltimore, tìm đến trú ẩn trong tình thương và sự ấm áp của gia đình bà cô Clemm.            

   Ngày 22/9/1835, Poe làm giấy hôn thú với cô em họ Virginia, khi ấy chỉ mới 13 tuổi một tháng. (Virginia sinh ngày 15/8/1822). Sau đó, hai mẹ con bà Clemm theo Poe về Richmond và cùng sống chung trong một căn nhà trọ trên số tiền lương ít ỏi của chàng phụ tá chủ bút trẻ tuổi là 15 dollars mỗi tuần.            

   Mùa xuân năm sau, vào ngày 26/5/1836, Poe và Virginia làm lễ thành hôn.              

 [Sự liên hệ giữa Poe và cô vợ trẻ con đã là đầu đề cho nhiều cuộc tranh luận trong văn giới về sau. Trong cuộc hôn nhân này, qua những lá thư Poe viết, không ai có thể nghi ngờ rằng ông không yêu vợ. Nhưng tình yêu của ông chỉ giống như của người anh trai, bởi vì luôn luôn nhà văn nói đến Virginia như một  “người em gái”  nhỏ bé.              

 Nếu phân tích, có lẽ phải viết rằng, Poe là người suốt đời vẫn đi tìm hình ảnh người mẹ hiền và sự an ổn trong một mái gia đình ấm áp. Thời gian ông lưu lại trong nhà bà cô ở Baltimore, Virginia còn rất nhỏ. Poe được Virginia nhìn bằng đôi mắt say mê kính trọng. Và những thắt buộc tình cảm giữa Poe và bà cô lại rất chặt chẽ. Bà lo lắng săn sóc cho Poe y hệt như cho đứa con trai độc nhất. Bà đau khổ theo những thất vọng trong đời Poe. Từ những ngày sống ngắn ngủi ấy, nhà văn dường như tìm ra gần đúng những gì ông luôn luôn tìm kiếm. Vẻ đẹp dịu dàng cùng tài năng ca hát của Virginia, sự lo lắng hy sinh của bà Clemm, đã là những sự kiện đúc kết và biểu tượng cho cả hai điều suốt đời Poe vẫn hình dung ra nơi người mẹ đã chết: “Cái Đẹp và Tình Thương bao la.”]   

VII  

(1/1837 – 4/1841)              

 Tháng 1/1837, do những xung đột không thể tránh, bắt nguồn từ cá chất bất thường kiêu hãnh của Poe mà Poe cắt đứt mối liên hệ với tờ Southern Literary Messenger.             

  Tháng 2/1837, nhà văn đem cả gia đình qua New York, cư ngụ tại góc đường Sixth Avenue và Waverly Place, rồi lại chuyển đến số 113 đường Carmine. Sau đó, ông tiếp tục tìm người nhận đứng ra xuất bản tác phẩm “The Narrative of Arthur Gordon Pym” của mình. Mãi đến tháng 7 năm sau (1838), tác phẩm này mới được chào đời và số phận nó cũng chẳng may mắn chút nào y như tất cả mọi tác phẩm được in ra trong buổi sinh thời của nhà văn.             

  Mùa hè 1838, con người lang thang không nghỉ ấy lại đưa gia đình dời về Philadelphia. Tại đây, Poe kiếm sống qua ngày cho cả nhà bằng nghề viết mướn theo những đề tài đưa ra của các chủ báo hoặc các nhà xuất bản.              

 Sau một năm sống bấp bênh, 1839, Poe tìm được công việc phụ tá chủ bút trên tờ tạp chí Gentleman’s Magazine, chủ nhiệm là một người mang tên Burton. Tác phẩm  “The Fall of the House of Usher”  và “William Wilson”  được in ra trong giai đoạn này.            

   Năm 1840, Poe cũng thu xếp với nhà xuất bản Lea & Blanchard ở Philadelphia để phát hành bộ hai quyển  “Tales of the Grotesque and Arabesque”.  Trong cuộc thương lượng, những người đại diện Lea & Blanchard đã nói với Poe:  “Chúng tôi đánh nước liều cho in 1750 ấn bản nhỏ của Tales of the Grotesque and Arabesque. Tổng số tiền thu vào sẽ thuộc cả về chúng tôi. Bản quyền vẫn là của ông. Phần lợi tức ông nhận được chỉ là hai mươi (20) quyển để tặng cho bạn bè.”        

       Poe bằng lòng những điều kiện ấy.   

VIII  

(4/1841 – 1/1842)          

     Tuy không ngừng sáng tác, nhưng tự đáy lòng, nỗi ao ước lớn nhất của Poe vẫn là được điều hành riêng một tờ báo.             

  Tháng 4/1841, nhà văn rút lui khỏi tờ Gentleman’s Magazine và bắt tay vào việc thực hiện ước muốn. Ông lo liệu đủ mọi mặt, tung ra những quảng cáo để giới thiệu trước, nhưng rồi chẳng thể nào kiếm nổi tiền hình thành tờ báo.             

  Ngày 13/8/1841, Poe gửi cho nhà xuất bản Lea & Blanchard lá thư nhỏ như sau:             

  “Philadelphia, 13/8/1841              

 Thưa quý ông, tôi ao ước được cho ra đời một bộ những sáng tác mới gồm các đề tựa như sau: “The Prose Tales of Edgard A. Poe”, trong đó gồm các truyện “The Murders in the Rue Morgue”, “Descend into Maelstrom”, và tất cả những sáng tác được viết về sau, luôn cả một ấn bản lần thứ nhì của bộ “Tales of the Grotesque and Arabesque”. Những sáng tác lúc sau này gồm có 8 truyện, kết thành toàn bộ ba mươi quyển, chia thành  hai tập dầy.             

  Tôi ao ước rằng quý ông vẫn sẽ là người xuất bản sách của tôi, và nếu sách được in ra, tôi rất vui lòng mà nhận những điều kiện các ông đã đề nghị lần trước –nghĩa là tổng số tiền thu vào sẽ thuộc phần các ông, phần tôi chỉ là 20 ấn bản để tặng cho thân hữu. Xin quý ông vui lòng hồi âm sớm thư này và xin hãy tin tôi.             

  Edgard A. Poe.”            

   Ba ngày tiếp đó, sau khi đã bàn luận, những người chủ trương nhà xuất bản Lea & Blanchard từ chối lời đề nghị của Poe, lấy cớ rằng số ấn bản in lần đầu chưa bán được hết.(*)       

       

         

   Đã quen với những chối bỏ lơ là của độc giả và giới cầm bút trước tài năng của mình, Poe không buồn thất vọng. Nhà văn lại tiếp tục kiếm tìm một nhà xuất bản khác để đưa in tác phẩm đã viết dù rằng đổi lại, ông chỉ gặt hái thua thiệt thay vì tiền bạc.              

 Chẳng bao lâu sau, Poe được nhận vào chân chủ bút cho tờ Graham’s Magazine và được chính ngay tờ này xuất bản tác phẩm  “The Murders in the Rue Morgue.”  Sự xuất hiện của nó đã đánh dấu bước khởi đầu của lối viết truyện trinh thám trong nền văn chương Mỹ; và nhân vật chính của truyện –Monsieur C. Auguste Dupin —lại là người dẫn đường cho hàng loạt những nhà thám tử nổi tiếng trong loại tiểu thuyết này.            

   Tiếp theo đó, cũng dưới sự xuất bản của Gramham’s Magazine, các tác phẩm  “A Descend into the Maelstrom”, “The Mask of the Red Death”  lần lượt chào đời cùng với hàng loạt các bài phê bình văn học quan trọng đầy xúc tích mà Poe đã viết. Có thể nói, thời kỳ từ tháng 4/1841 đến cuối năm 1841 là hạnh phúc nhất kể từ khi lập thân của Poe. Đặc biệt với số lương chủ bút được trả, trong suốt cuộc đời Poe, không lúc nào đạt được bằng.   

IX  

(1/1842 – 4/1844)            

   Vào tháng 1/1842, cái hạnh phúc mà Poe và gia đình đang được hưởng, bất thần chấm dứt. Trong một buổi đang cất cao giọng hát, Virginia đã bị đứt mạch máu.             

  [Sau này, trong lá thư đề ngày 4 tháng 1/1846 gửi cho một người bạn, Poe đã viết về căn bệnh kéo dài trong nhiều năm của vợ như sau:  “Sáu năm trước(*), người vợ mà tôi rất yêu quý bất thần bị đứt mạch máu trong khi đang hát. Không hy vọng cứu chữa gì được. Tôi sắp phải xa lìa nàng mãi mãi và phải chịu tất cả mọi đau đớn theo cái chết dần dần của nàng. Nàng phục hồi từng chặp và từng chặp tôi lại hy vọng. Đến cuối năm ấy, mạch máu lại vỡ lần nữa. Tôi lại phải trải qua đúng những gì đã trải. Rồi lần nữa. Lần nữa. Lại lần nữa, mạch máu vỡ. Cứ mỗi lần như thế là tôi cảm nhận được tất cả nỗi thống khổ trong sự chết lần chết mòn của nàng. Và cứ mỗi lần cơn bệnh tăng, tôi càng thêm yêu nàng tha thiết, khắng khít với nàng nhiều hơn trong một tâm trạng bướng bỉnh pha lẫn tuyệt vọng. Tôi bị khủng hoảng trầm trọng và trở nên gần như mất trí, nhiều lúc đâm thành ngây dại cùng cực. Trong những cơn như thế, tôi đã uống rượu. Chỉ có Chúa mới biết là tôi uống nhiều và thường xuyên cỡ nào. Hẳn nhiên, những kẻ thù của tôi phải kết luận rằng tôi điên cuồng vì uống rượu, mà không phải rằng tôi uống rượu vì đã mất trí, điên cuồng. Nhưng thật thì tôi buông trôi mọi hy vọng cứu chữa khi chợt khám phá trong vợ tôi một sự ‘đang dần chết’. Điều ấy thật kinh khủng, luôn luôn nó làm tôi dao động giữa hy vọng và tuyệt vọng đến không chịu nổi nếu như không hoàn toàn dùng đến rượu. Ôi Chúa ơi! Đời sống này bi thảm làm sao!”]                

Nhưng dù với những đau khổ, Poe vẫn làm việc. Những tác phẩm hàng đầu ra đời trong thời kỳ đảo điên ấy:  “The Mystery of Marie Roget”, “The Pit and The Pendulum”, “The Tell-Tale Heart”, “The Gold-Burg”, “The Black Cat”.             

  Tháng 5/1842, Poe từ bỏ tạp chí Graham’s Magazine nhưng vẫn nuôi ý định làm chủ một tờ báo.              

 Năm 1843, Poe thuyết phục được một nhà xuất bản ở Philadelphia phát hành tập  “The Prose Romances of Edgar A. Poe”. Tập sách nhỏ này, giá nguyên thủy là 12 xu rưỡi, trở nên là tác phẩm hiếm hoi nhất trong toàn bộ sự nghiệp của Poe. Điều đó có lẽ phát sinh từ sự kiện nó không được bán ra, và như thường lệ, tác giả của nó cũng không nhận được đồng nào trên việc xuất bản.   

X  

(4/1844 – 3/1846) 

(New York)              

 Với hy vọng sẽ tìm được người sẽ bỏ tiền ra cho ông thành lập một tờ báo, và cũng để cải thiện đời sống vật chất, tháng 4/1844, Poe đem gia đình sang New York. Khi đến nơi, nhà văn bán ngay bản quyền tác phẩm “Sun” cho một nhà xuất bản với số thù lao ít ỏi. Sách in ra, bán rất chạy, nhưng người cha đẻ của nó thì lại chẳng nhận được lấy một quyển nào.           

    Ít lâu sau, Poe dời gia đình đến cư ngụ trong một ngôi nhà di động (mobile home), tọa lạc trên đường Bloomingdale (bây giờ gần khu Broadway và đường 84 St.). Ngôi nhà đã bị phá hủy từ lâu, nhưng nếu còn, nó hẳn trở nên là nơi chốn di tích đáng kể, bởi vì tại đó, tập thơ nổi tiếng nhất của Poe (“Raven”) đã được chào đời.              

 Và rồi cũng lại lần nữa, Poe không giữ lâu được chỗ làm của mình. Nhà văn chấm dứt sự hợp tác với tờ Evening Mirror vào tháng 2/1845.            

   Ngày 8/3/1845, Poe được nhận là một trong những chủ bút nồng cốt của tờ Broadway Journal vừa mới thành lập tại New York. Lần này, Poe hy vọng sẽ là một cơ hội tốt cho mình thi thố tài năng. Nhưng chẳng bao lâu, tờ báo bị rơi vào sự khó khăn kiệt quệ vì lợi tức không thu nhập được.            

   Mùa hè 1845, các bạn đồng nghiệp rút đi hết, để lại cái xác hấp hối của tờ Broadway Journal cho Poe tự mình quản lý. Đó là lần duy nhất trong đời, ước vọng làm chủ một tạp chí của Poe thành tựu. Nhưng nhà văn phải cầm cự một cách tuyệt vọng để cho nó đừng chết hẳn. Cuối cùng, ước vọng đạt được ngắn ngủi và chẳng vẻ vang gì ấy đã chấm dứt. Ngày 3 tháng 1/1846, Poe đành thua và cho tờ báo đình bản hẳn.            

    Tuy vậy, thời gian điều hành tờ Broadway Journal cũng là lúc sáng tác đặc biệt của đời Poe.           

  Tháng 7/1845, nhà văn cho xuất bản tập truyện ngắn  “Tales by Edgar A. Poe”,  và vào tháng 11/1845, tác phẩm  “The Raven and Other Poems”  chào đời. Các tác phẩm này đã tạo cho Poe chút ít tên tuổi và khiến ông chứng tỏ được –ít ra với chính mình—sự việc có thể tự tay điều hành một tờ báo mà chẳng cần có sự trợ lực của người nào.

(*)  Charles Baudelaire, thi sĩ người Pháp (Paris 1821 – 1867).

...CÒN TIẾP



VVM.10.11.2023-NVA406.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .