Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


NHỮNG Ý NGHĨA SÂU XA CỦA
BI KỊCH “MỊ CHÂU – TRỌNG THUỶ”





T ại Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội), nơi có  đền thờ An Dương Vương và miếu Mị Châu, hiện vẫn còn lưu giữ bài thơ tuyệt tác bằng chữ Hán của Chu Mạnh Trinh như sau:

         Lang quân tình trọng, phụ  ân thâm,
         Bất bạch kì  oan trực đáo câm.
         Trường trảo vô  linh, quy diệc khứ,
         Minh châu hữu lệ, bạng do trầm.
         Hoang bi cổ  mộc thiên niên quốc,
         Bích hải dao thiên nhất phiến tâm.
         Tịch mịch tiền triều cung ngoại miếu,
         Đỗ quyên đề đoạn, nguyệt âm âm.

Vì  một niềm cảm xúc sâu sắc, tôi đã mang hết khả  năng dịch ra thơ Việt và đã gửi tặng di tích Cổ Loa. Bài dịch như sau:

         Tình chồng thì  nặng, ơn cha sâu,
         Biết giãi niềm oan tận kiếp nào?
         Nỏ  móng hết thiêng, rùa biến mất,
         Ngọc châu hoen lệ, trai chìm  đâu?
         Bia hoang cây cỗi, nghìn thu trước,
         Biển biếc trời xa, một tấm  đau.
         Triều cũ  vắng tanh, bên miếu lạnh,
         Quyên kêu  đứt tiếng dưới trăng sầu. 

Mị  Châu không chút ngờ vực lấy nỏ thần cho chồng là Trọng Thuỷ xem, dẫn đến hậu quả là nhà Thục bị tiêu diệt và bản thân nàng bị cha chém đầu (bởi thần Kim Quy tố giác nàng là giặc). Một hành động, bất kể vô tình hay hữu ý mà gây ra hậu quả nghiêm trọng cho quốc gia, cho cộng đồng, đều phải bị trừng phạt nghiêm khắc: đó là định luật của xã hội. Thần Kim Quy đã xử nàng trên tinh thần của định luật ấy. Nhưng vậy thì tại sao Chu Mạnh Trinh và hầu hết người Việt Nam đều nhận thấy Mị Châu bị oan, và họ đã dựng miếu để thờ cúng tưởng nhớ nàng suốt 2212 năm qua, trong miếu có bức tượng đá Mị Châu cụt đầu lớn gấp mấy lần người thật, trông rất thương cảm và ấn tượng? Có điều gì bất ổn trong bản án dành cho nàng?

Trước hết chúng ta hãy xét kĩ đạo đức, suy nghĩ, tình cảm và hành động của Mị Châu xem nàng tốt xấu, đúng sai ra sao? Đạo đức cổ truyền Phương Đông đòi hỏi tất cả phụ nữ phải có những đức nết căn bản: hiếu, trung, tiết, nghĩa. Mị Châu là người con chí hiếu: nàng vâng lời cha lấy Trọng Thuỷ, con vua Triệu Đà. Với bố chồng, nàng cũng không có lí do gì để không hiếu thảo, kính trọng và tin cậy. Xét ở khía cạnh khác, việc xuất giá của nàng mang tính cách như một sự cống hiến cho gia đình và đất nước: nàng thuận lòng giúp vua cha thực hiện một mục tiêu chính trị lớn lao và quang minh chính đại: biến thù thành bạn, làm một hành động đầy thiện chí để chấm dứt đối đầu, mở ra một giai đoạn hoà hiếu giữa hai quốc gia Âu Lạc – Nam Việt. Vậy nàng là một bề tôi trung. Đối với chồng là Trọng Thuỷ, nàng đã yêu, đã tin, và cho đến phút chót vẫn giữ tròn tình yêu và chữ “tiết”. Chính vì hoàn toàn tin yêu chồng mà nàng đã lấy nỏ thần của cha cho Trọng Thuỷ xem (để chiều ý thích tò mò của chồng) chứ không phải nàng a tòng với hành động xấu của chồng, đánh cắp nỏ, phản bội cha, phản bội tổ quốc. Hành động vụng lén chỉ vì chiều chồng ấy, thiết tưởng có thể châm chước được đối với một người vợ yêu chồng. Huống hồ Trọng Thuỷ không phải người ngoài mà chính là người nhà, đang ở rể trong gia đình nàng.

Là  con hiền dâu thảo, là người vợ có đủ  “hiếu, trung, tiết, nghĩa”, tâm hồn vô cùng trong sáng, lại sống giữa cảnh hoà hiếu giữa hai bên thông gia, việc đòi hỏi nàng phải “cảnh giác đề phòng” chính chồng mình là một điều hết sức phi lí ở ngoài phạm vi lí trí và tình cảm của nàng. Trong hoàn cảnh cuộc sống của nàng mà chính hai gia đình thông gia đã an bài cho nàng, hà cớ gì nàng không có quyền được tin, được yêu, được an tâm và được hạnh phúc? Rõ ràng từ đức hạnh, suy nghĩ, tình cảm đến hành động của nàng, không hề sai quấy ở một điểm nào! Việc sau này xảy ra một đại hoạ cho đất nước là do sự phản trắc của bố chồng (vượt ra ngoài tầm hiểu và phạm vi sống của nàng) thì đó hoàn toàn là lỗi của khách quan, của chính kẻ phản trắc Triệu Đà, sau nữa là lỗi của An Dương Vương, một con người vì ấu trĩ, chủ quan, thiếu sáng suốt nên đã làm hành động dại dột “nuôi ong tay áo”, chứ sao lại đổ tất cả tội lỗi lên đầu nàng được?

Xét  đến cùng, Mị Châu chỉ là một người chân thiện bị lừa gạt, không chỉ bởi chồng và bố chồng mà còn bởi cả cái thời đại bất lương và man rợ đương thời! Văn hào Pháp Balzac từng viết một câu nghe đau xót và thấm thía vô cùng: “Mọi sai lầm của đàn bà đều do lòng tin mà ra: tin ở chữ CHÂN chữ THIỆN”. Mị Châu đã tin ở tất cả mọi người thân yêu của mình, hơn nữa nàng không hề nhận được một lời cảnh báo nào từ bất cứ ai, cho nên nàng mới vô tình mắc phải một sai lầm mà nàng không thể ý thức được.

Vì  thấu hiểu được nỗi oan khiên đó của nàng nên, khác với thần Kim Quy nghiêm khắc nhưng không thấu tình đạt lí, người Việt cổ chỉ kết tội cái hoàn cảnh trớ trêu  mà Mị Châu phải rơi vào chứ không kết tội bản thân nàng. Họ yêu quý, trân trọng nàng, một con người có đức hạnh thiên chân vô cùng tốt đẹp. Một con người quá ư hoàn hảo như nàng làm sao lắp vừa khuôn khổ của cái xã hội “người với người là là lang sói” thời bấy giờ? Nhưng chắc chắn nàng sẽ là người con gái tốt đẹp điển hình của một xã hội tiến bộ và có đạo lí. Người Việt cổ cũng biết rằng một xã hội có đạo lí chưa thể hiện diện được trong thời buổi ấy, cho nên thông qua câu chuyện oan khuất bi thương của nàng, họ muốn truyền đạt đến cộng đồng một thông điệp, một bài học: “Cuộc đời này hiện chưa có chỗ cho sự tin yêu vô điều kiện, bởi vậy muốn cuộc sống của mình an toàn và tốt đẹp, con người không thể chỉ có tình cảm và đạo đức, mà nhất thiết còn phải có một lí trí sáng suốt và tỉnh táo”. Bài học ấy thật là vĩ đại, thật là hữu ích!

Bi kịch Mị Châu – Trọng Thuỷ đã nêu lên một câu hỏi hóc búa: “Vì sao một con người quá ư tốt đẹp như Mị Châu lại không thể tồn tại được?”. Và đây là câu trả lời: Bởi vì cái ác (Triệu Đà là biểu trưng) vẫn luôn luôn tồn tại trong cuộc đời ấy như một tất yếu khách quan. Nó sẵn sàng phản bội và đập phá tan tành tất cả những gì là thiện lương, nó là kẻ chuyên đi xâm lược đất nước của người khác, và vì tham vọng xấu xa nó dám “dãi thây trăm họ” để “làm công một người”! Nó ngăn cản sự tiến bộ của xã hội và huỷ diệt hạnh phúc của con người. Bài học về sự tồn tại hiển nhiên của cái ác thật vô cùng trọng đại, bất cứ ai khinh suất không thấu hiểu điều đó đều có thể lãnh thảm hoạ.

Nhưng không phải chỉ có thế. Tấn bi kịch Mị Châu-Trọng Thuỷ còn chứng minh hùng hồn cho một quy luật lớn trong cõi nhân sinh: “ác giả ác báo”. Triệu Đà tuy đã “đắt mưu gian”, cướp được nước người, nhưng y đã lập tức phải lãnh đòn “gậy ông đập lưng ông”: Trọng Thuỷ, đứa con trai duy nhất của y đã nhảy xuống giếng tự tử, mà lại chết vì quá thương yêu… những kẻ thù của y! Cái chết tức tưởi của hoàng tử Trọng Thuỷ đã bôi đen lên tất cả những “thắng lợi” và “vinh quang” của Triệu Đà: tuy thắng về mặt quyền lực và vật chất nhưng y lại bị thảm bại về mặt tinh thần, tình cảm và hạnh phúc. Bài học mà luật trời đất dạy y mới nghiêm khắc và khủng khiếp làm sao!

Và  sau cùng, bi kịch tình yêu Mị Châu – Trọng Thuỷ đã nêu lên một vấn đề nhân văn đặc sắc: Trên thế gian này, chân giá trị nhân văn và thẩm mĩ thuộc về ai trong cuộc đối đầu lịch sử giữa một bên là tình yêu và một bên là cái ác? Và vấn đề ấy đã được trí tuệ Việt Nam giải quyết. Cho dù đôi trai gái đã bị kẻ đại ác Triệu Đà lừa gạt, lợi dụng, lôi kéo vào một âm mưu chính trị đen tối khiến họ phải rơi vào thảm kịch, nhưng bất chấp tất cả những mưu ma chước quỷ và những đau thương ấy, giữa đôi trai gái vẫn hiển nhiên tồn tại một tình yêu tuyệt đẹp có thể coi là một diễm tình thời cổ. Chỉ cần chứng kiến cảnh hai vợ chồng lo lắng bàn với nhau làm cách nào tìm được nhau trong cơn loạn lạc (Mị Châu hiến kế dùng áo lông ngỗng), rồi chứng kiến cái chết bi thảm của họ (Mị Châu chết vì trót chiều chồng, Trọng Thuỷ tự vẫn vì vô hạn thương xót vợ) chúng ta đủ thấy tình yêu ấy chân thực và son sắt đến mức nào! Tình yêu ấy như một hạt minh châu toả sáng trên cái cuộc đời man dã thời ấy với những kẻ “chí ngu giả bất cập tình” như Triệu Đà, trong lòng chỉ chứa toàn những dục vọng xấu xa độc ác và sự phản trắc đối với tất cả những gì mình đã cam kết.

Người Việt từ thời cổ đến nay, trong khi tỏ thái độ “gớm mặt” Triệu Đà thì trái lại, họ đã dành cho tình yêu ấy sự ngợi ca cao nhất qua một hình hình tượng nghệ thuật có một không hai: khi ngọc Mị Châu (do loài trai ở đáy bể ăn máu của nàng lúc bị cha chém mà tạo thành) được đem rửa trong nước giếng Trọng Thuỷ ở thành Cổ Loa thì ngọc ấy bỗng sáng đẹp hơn lên. “Cái đẹp cứu rỗi thế giới”: phải chăng câu nói ấy của văn hào Nga Dostojevsky đã ứng vào tình yêu này?

Suốt nhiều thế kỉ, giai thoại “Ngọc Mị Châu – nước giếng Trọng Thuỷ” ấy đã vang vọng sang tận Trung Hoa: thiên triều Bắc quốc biết sự kì diệu ấy đã đòi triều đình An Nam hàng năm phải tiến cống những viên ngọc Mị Châu kèm với một bình nước giếng Trọng Thuỷ!

Lịch sử hơn 2200 năm qua đã chứng minh một sự thật: Nước Âu Lạc mất, An Dương Vương phải nhảy xuống biển tự vẫn, nước Nam Việt của nhà Triệu cũng chỉ tồn tại được 96 năm rồi cũng mất về tay nhà Hán. Tất cả những sự kiện ấy đến nay đã bị thời gian phủ lên một lớp bụi dày. Duy câu chuyện bi kịch tình yêu Mị Châu-Trọng Thuỷ, lạ lùng thay, đã vượt qua cái ác, qua bao nhiêu vương triều, bao nhiêu tang thương để đi vào bất tử, và đến tận hôm nay vẫn còn làm cho trái tim của tất cả chúng ta phải cảm thương và đau xót.

(Bài  đã đăng báo Giáo Dục và Thời Đại số  95 . Trong bản này, tác giả có sửa đổi và bổ sung ít nhiều)




VVM.19.10.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .