Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




VĂN HỌC NAM HÀ
文 學 南 河






             III


Tính Chất Chung Của Văn Học Nam Hà.


V ăn học Nam Hà đặc biệt về phương diện tư tưởng cũng như hình thức.

Tư tưởng gắn liền với thời thế và tạo một ý thức mới cho người Đàng Trong. Gắn liền bằng những sáng tác phẩm phản ảnh sự qua phân, phe nhóm, nhắc đến nỗi khổ của dân chúng trong thời đại loạn lạc, ca tụng những người lãnh đạo cùng phía với mình, ngợi khen đất nước, phong cảnh mà họ đang sống, đang phục vụ. Ý thức ở chỗ kêu gọi bảo vệ và mở mang bờ cõi cũng như chống lại bất cứ mọi hình thức bàng quan nào kể cả hành vi có tánh cách thiêng liêng nhất: tu niệm.

Hình thức mới được thể hiện trong thể văn, thể tuồng, thể vè, thể vãn, trong chữ dùng đặc biệt của những người sống từ vùng Thuận Hóa trở vào Nam.

A. Văn học Nam Hà phản ảnh tình trạng phân cách của đất nước.

Sau những bức thơ trao đổi giữa Trịnh Tráng và Nguyễn Phúc Nguyên, hai họ Trịnh-  Nguyễn ra mặt kình chống nhau thật sự. Địa giới hai miền cũng từ đây phân cách rõ rệt, những người ở bên nầy sông Gianh bị đồng hóa của Chúa Nguyễn, kẻ ở bên kia thành người của Chúa Trịnh. Văn sĩ cũng ở trong trường hợp đó. Người bên nầy không cần biết thực chất của người bên kia, coi những kẻ không cùng cương vực với mình như bọn dã man, tàn ác, đầy dẫy những thói hư tật xấu và coi người bên mình, đặc biệt là hạng lãnh đạo, tượng trưng cho những đức tính cao cả, tốt lành, thánh thiện, hoàn hảo.

Thơ văn vì vậy phản ảnh tình trạng thù nghịch đó, một mặt ca tụng những người cùng phía, chửi rủa, dè bỉu những người khác phe phái, một mặt đề cao đất nước mình đang cai trị, phục vụ.

1. Đề cao người lãnh đạo của mình.

a. Ngoài Bắc, Trịnh Căn coi sự kiện mình ở ngôi Chúa như kết quả những phúc hậu của ông cha, Căn ca tụng tổ tiên bằng những lời kiêu căng, bất kính đối với trời đất trong “Ngự đề thiên hòa doanh bách vịnh”:

“Nhớ phúc trùng trùng so địa hậu.

Tưởng ơn dằng dặc sánh thiên trường1”.

Lời lẽ đó, lúc này (thời phân tranh) có thể được giải thích như một phương cách thần thánh hóa Trịnh Kiểm, người khai sáng nghiệp Chúa, nhưng cũng cho ta thấy Trịnh Căn muốn tỏ rằng đất Bắc Hà, giờ đây nhân dân đang sống cảnh đời vui sướng, thanh bình, được cai trị do một người sanh ra từ dòng dõi cao sang, quí trọng, tài đức ...

Những câu trên không phải chỉ là lời con cháu ca tụng tổ tiên, hơn thế nữa, đó còn là những lời đề cao đầy dụng ý chính trị, siêu việt hóa dòng họ mình để gián tiếp tự ca tụng hầu tạo nên một bình phong thần thánh cho chế độ vốn dĩ đã mất chính nghĩa.

Những câu tương tự như vậy đầy dẫy trong “Ngự đề thiên hòa doanh bách vịnh”:

“Đức cả gội nhuần, nhuần vạn tượng.

Ơn nhiều dường khắp, khắp quần sinh.”

Ngụ ý rằng ông nối tiếp người xưa dội ơn đức xuống khắp chốn, từ dân chúng (quần sinh) đến cảnh vật (vạn tượng) nhờ đó nhân dân no ấm, nước nhà thái bình.

Ông cũng vàng son hóa triều đại mình như thời đại nối tiếp những thịnh trị đi trước nhờ vậy uy danh sáng chói khắp mọi nơi:

“Uy hiển nhơn nhơn trên thánh tọa.

Lễ nghiêm chềm chễm trước kim đường.

Dõi truyền tông xã muôn đời thịnh

Sáng để huân danh bốn bể vang.”

Không chỉ một mình Trịnh Căn, người ngồi trên cao sang thời đó, ca tụng dòng dõi cha ông mình, những người phục vụ chúa Trịnh cũng có dụng ý tương tự, họ hết sức thổi phồng chế độ, đem lên tận mây xanh bằng những vần thơ tán tụng quá đáng.

Trong “Thiên Nam ngữ lục 天南語綠” tác giả, một bầy tôi của Chúa và có họ với Chúa đã so sánh họ Trịnh với những vị khai quốc công thần xưa của vua Thuấn, Vua Nghiêu:

“Ấy là thánh quân hiền thần.

Ấy đời Nghiêu Thuấn, ấy dân Ngu Đường

Ấy là chế độ kỷ cương.

Ấy người Tắc, Khiết, ấy làng Lỗ Châu.

Ấy mới binh khỏe nước giàu.

Hán, Đường khó sánh, Thương, Châu ví tày ...

Giữ giàng lấy đức lấy uy.

Dân xử ấy thì, binh đãi lấy khoan”.

Hay không tiếc lời tán dương công nghiệp của Trịnh Kiểm:

“Trời sinh ra đức Minh Khanh,

Dấy từ Biện Thượng, mở đường Lam Sơn

Trung hưng ra sức tôn phù

Lê Triều đem lại cựu đô Long Thành”.

Hoặc khoe khoang triều đình họ Trịnh đầy đủ nhân tài văn, võ, phong phú những kẻ lỗi lạc.

“Dưới ta những đấng anh hùng,

Trai ưng giúp mạnh, minh hồng dâng khôn.

Vũ, những đấng cắp non nhảy bể,

Công giúp đời sáng để đài mây.

Ghe phen được giặc ở tay

Dễ như cắt cỏ, mau tài nhổ lông”.

Tuy nhiên họ Trịnh không chính nghĩa nên một số văn thần không tâm phục. Nhiều người bộc lộ sự bất đắc dĩ phải tôn thờ họ Trịnh và hướng về miền Nam coi chúa Nguyễn chẳng khác thánh nhân như Phạm Thụy người thời Trịnh Sâm đã bộc lộ trong bài vịnh Cơ Tử:

Nguyên văn:

西

Phiên âm:

“Nhân giả dương cuồng vi bất nhân

Nhất ca thiên cổ thượng bi tân

Đương niên mạc tá Trần Hồng Phạm

Tây thổ thù nhân thị thánh nhân”.

Dịch nghĩa:

Người có nhân (Cơ Tử) đã phải giả vờ làm kẻ bất nhân2

Lời ca thiên cổ đượm vẻ bi thương, khổ sở.

Trong năm có trao Thiên Trần Hồng Phạm.

Thì kẻ thù ở phía Tây tức là thánh nhân vậy.

b. Trong khi đó người cầm bút Nam Hà cũng không khác gì hơn vì họ ngoài tư cách nhà văn còn là bầy tôi của Chúa, họ ca tụng vị lãnh đạo của mình không tiếc lời.

Đào Duy Từ đề cao đức độ của Chúa và sức mạnh của quân đội phe mình:

“Tử Vi rạng tỏ trước rèm

Trong mừng thánh chúa rủ xiêm trị lành”

(Tư Dung Vãn)

hay:

“Đường Ngu lấy đức trị dân

Súng trời buông lửa, sóng thần nép oai.”

(Tư Dung Vãn)

hoặc:

“Chúa hay dùng đặng tôi tài

Mừng xem bốn bể dưới trời đều yên”.

(Ngọa Long Cương Ngâm)

Hoàng Quang, tác giả “Hoài Nam Khúc” cũng trong chiều hướng đó tưởng nhớ đến người sáng nghiệp, mở nước của xứ Đàng Trong:

“Ngùi ngùi nhớ đức Tiên Vương

Công phu chỉ ngõ mở đường vào đây

Phân cương từ chốn lũy Thầy

Bắc Nam tương giới nào lay ngọn cờ

Đề phòng chẳng chút vi sơ

Đã hâm ao nóng lại hơ thành vàng”.

(Hoài Nam Khúc)

Ông ca tụng sự lỗi lạc của các Chúa Nguyễn và cho rằng nhờ yếu tố nầy người tài giỏi thần phục, góp sức với Chúa trong việc săn sóc nhân dân:

“Thượng vì trên Chúa Đào Đường

Dưới tôi lại có những trang Cao, Quỳ

Thang non bè biển đều về

Có nhân trời đất cũng vì nữa ai”.

(Hoài Nam Khúc)

Đất nước Đàng Trong dưới mắt Hoàng Quang đẹp đẽ, sang trọng, nhân dân sung sướng, ấm no:

“Một trường lễ nhạc sum vầy

Tranh treo thế giới, gấm xây cung thành

Đâu đâu hòa chẳng đua tranh

Cửa quyền tía đỏ, lều tranh ỷ - là

Ngậm cơm vỗ bụng đều ca

Nhìn xem Nam Việt, ngỡ là Đường Ngu.”

(Hoài Nam Khúc)

Nguyễn Cư Trinh ca tụng ít hơn, trong truyện “Sãi Vãi 仕娓” ông dành lời để trình bày ý thức hệ của nho sĩ Đàng Trong, nhưng cũng không quên nói đến hình ảnh thanh bình, an lạc của đất nước:

“Già chống gậy đến xem thuận trị

Trẻ ngậm cơm mừng được thái bình.

Nước sông vàng lẻo lẻo dòng xanh

Dân con đỏ hây hây ngời rạng

Chợ không ra giá bán,

Đường chẳng mất của rơi.”

(Sãi Vãi)

Đào Duy Từ, qua hình ảnh Khổng Minh, nhắc đến việc phò chính thống:

“Khăng khăng một tiết thảo ngay,

Rắp tùng chính thống sáng tày nhật tinh”

(Ngọa Long Cương ngâm)

c. Thời Tây Sơn, nhà văn đề cao những người nổi dậy vì sự khổ sở của dân chúng cũng không phải là không có. Ngọc Hân công Chúa ca tụng Quang Trung như:

* Một ngôi sao sáng, một người hùng sanh ra để sửa đời, tạo kỳ vọng cho biết bao người.

“Chín từng ngọc sáng bóng Trung Tinh, ngoài muôn dặm vừa cùng trông vẻ thụy”.

(Văn tế Vua Quang Trung)

“Mà nay áo vải cờ đào, Giúp dân dựng nước, biết bao công trình”.

(Ai Tư Vãn)

* Một người tài giỏi:

“Thành Xuân theo ngọn long kỳ, đạo tề trị gần nghe tiếng ngọc”. (Văn Tế)

* Chăm lo việc nước:

“Đền Vị Ương bóng đuốc bừng bừng, lòng cần mẫn vừa khi dóng dả.” (Văn tế)

* Có nhân đức và tôn thờ chính thống:

“Ơn sâu nhuần gội cỏ cây, chốn lăng tẩm chẳng phạm chồi du tử,

Lộc nặng thơm tho hương khói, nơi miếu đường nào khuyết lễ chưng thường”. (Văn tế)

* Tánh tình đôn hậu rộng lượng:

“Lượng che chở, vụng lầm nào kể.

Phận đinh ninh cặn kẽ mọi lời”.

...

“ Mà nay lượng cả ân sâu,

Móc mưa rưới khắp chín châu đượm nhuần”.

* Một niềm hy vọng của mọi người, nên lúc mất, nỗi thất vọng lan tràn khắp mọi nơi:

“Trong sáu viện, ố đào, ủ liễu

Xác xe gầy, lỏng lẻo xiêm ghê

Long đong xa cách hương quê

..................................................

Dưới bệ ngọc hàng uyên vò võ

Cất chân tay thương khó xiết chi

Hang sâu nghe tiếng thương bi”.

Nguyễn Huy Lượng coi nhà Tây Sơn như cứu tinh của nhân dân, sự xuất hiện như cơn mưa tưới xuống cỏ cây sau một thời đại hạn:

“Tới Mậu Thân3 từ rỡ vẻ tường vân, sông núi khắp nhờ công đãng định.

Qua Canh Tuất 4 lại tưới cơn thời vũ, cỏ cây đều gội đức triêm nhu”.

B. Văn Học Nam Hà ca tụng đất nước, vùng mình chiếm giữ.

Núi sông, bờ biển phong cảnh, chùa chiền tượng trưng cho quyền lực của người cai trị. Đất nước càng hiểm yếu, chánh quyền còn có vẻ vững bền, phong cảnh càng thanh tú, nước nhà càng mang bộ mặt thái bình. Vì vậy, trong thời gian đầu, khi chỉ lo đối phó với họ Trịnh ở phương Bắc, các Chúa Nguyễn đã ca tụng đất nứơc, phong cảnh vùng mình cai trị, cũng như trong những năm cuối cùng của thời Tây Sơn, Nguyễn Huy Lượng đã ngợi khen mảnh đất còn lại do Tây Sơn chiếm giữ.

Ca tụng đất đai cũng là cách thế để đề cao mình.

a. Nguyễn Phúc Trăn (1687 - 1691) đã ca tụng cửa Tư Hiền:

Nguyên Văn:

Phiên Âm:

Lâu thuyền kích cổ đáo Ô Long5

Bách nhị sơn hà thử yếu xung,

Liệt chướng huyền nhai thanh xúc xúc

Mạn thiên phách lãng bích trùng trùng

Tiên triều sự nghiệp truyền di tích

Nam quốc dư đồ chí cựu phong

Nạp cấu tàng ô hà hải lượng

Cử gian vô xứ bất triều tôn.

Dịch thơ:

Lầu thuyền đến cửa Ô Luông,

Nhìn xem thiên hiểm non sông khác thường.

Núi cao xanh, giăng sườn đồ sộ,

Biển chập chồng sóng vỗ dậy trời.

Tiên triều công nghiệp còn đời,

Dư đồ Nam Quốc vẽ vời đã lâu.

Lượng hải hà tàng thâu ô cấu

Cả tứ bề bức tấu về đây.

(Nguyễn Tạo dịch).

Nối tiếp Nguyễn Phúc Trăn, Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) cũng hãnh diện vì vùng mình cai trị hiểm trở. Niềm hãnh diện nầy có lý do ở giai đoạn của ông vì sự hiểm trở đồng nghĩa với công lao khai phá và sự bền vững của công cuộc cai trị ...

Bài thơ “Vịnh Núi Hải Vân” của ông thể hiện lòng tự hào đó:

Nguyên văn:

Phiên âm:

Việt Nam hiểm yếu thử sơn điên

Hình thế hồn như Thục đạo thiên.

Đãn kiến vân hoành tam tuấn lãnh

Bất tri nhân tại kỷ trùng thiên.

Dịch thơ:

Núi nầy quan ải nước Nam

Khác nào đường Thục sàm nham gập ghềnh

Mây che ba ngọn núi quanh

Biết đâu người ở trời xanh mây từng.

(Thái Văn Văn Kiểm dịch)

Ca tụng sự hiểm yếu của thiên nhiên, núi rừng còn có nghĩa yêu mến non sông, thân thuộc với vùng đất mình cát cứ. Văn nhân Nam Hà ca tụng phong cảnh đẹp của miền Nam gần như thông thường.

Đào Duy Từ tự hào về non sông gấm vóc của xứ Đàng Trong:

“Cõi Nam từ định phong cương,

Thành đồng chống vững âu vàng đặt an.

Trải xem mấy chốn hồ san,

Hoa tươi cỏ tốt đòi ngàn gấm phong.

Khéo ưa thay cảnh Tư Dung,

Cửa thâu bốn bể, nước thông trăm ngòi.

Trên thời tinh tú phân ngôi,

Đêm treo thỏ bạc, ngày soi ác vàng.

Dưới thời sơn thủy khác thường,

Động Đình ấy nước, Thái Hàng kìa non”.

(Tư Dung Vãn)

b. Những người theo Tây Sơn cũng ý thức được việc quan trọng của sự kiện ca tụng đất nước, Nguyễn Huy Lượng trong bài “Tụng Tây Hồ phú 西湖賦” đã nhiệt liệt tán dương cảnh Tây Hồ, phần đất quan trọng cuối cùng nhà Tây Sơn còn giữ được lúc đó:

“Sắc rờn rờn nhuộm thức lam xanh, ngỡ động bích nổi lên dòng lẻo lẻo.

Hình lượn lượn uốn vòng câu bạc, tưởng vầng ngân rơi xuống mảnh nhò nhò6

Ông miêu tả tỷ mỷ phong cảnh chung quanh hồ Tây với những sinh hoạt ở đó, sự sinh hoạt còn tiếp tục chứng tỏ nền an ninh còn tồn tại và tình hình kinh tế ở tình trạng khả quan:

“Đền Mục Lang hương lửa chẳng rời, tay lưới phép còn ghi công bắt hổ.

Quán Trấn Vũ nắng mưa nào chuyển, lưỡi gươm thiêng còn để tích giam rùa.”

Ông cũng không quên vẽ lại cảnh thái bình lúc đó, một nền thái bình có được nhờ ân đức của nhà Tây Sơn:

“Vũng trì chiều nước dần dần lặng; nơi đình đài hoa phơi phới đua.

Chốn bảy cây còn mấy gốc lăng vân; chẳng tùng bách cũng khoe hình thương lão.

Nơi một bến đã đông đoàn hí thủy, tới uyên ương đều thỏa tính trầm phù.

Bãi cỏ non trâu thả ngựa buông, nội Chu đã lắm người ca ngợi,

Làn nước phẳng kình chìm ngạc lặn, ao Hán vào mấy trẻ reo hò.”

B. Phản ảnh sự thù nghịch.

Nều văn học chúng ta đang khảo sát phát sinh từ một hoàn cảnh chiến tranh. Cai trị Bắc Hà ngoài họ Trịnh còn họ Mạc ở Cao Bằng, họ Vũ ở Tuyên Quang, đất Đàng Trong sau nầy ngoài họ Nguyễn còn có Tây Sơn, nên văn chương gần như được cả các phe lợi dụng vào mục tiêu chánh trị và đã trở thành một khí cụ để mỗi bên bày tỏ sự thù nghịch, khinh thị của mình với những phe khác.

a. Ở Bắc Hà tác giả “Thiên Nam Ngữ Lục” dùng những lời đanh đá, chua ngoan đối với họ Mạc, họ Vũ;

“Chút còn một đất Hóa Châu,

Nhà giàu mãi việc ruộng dư chẳng nhìn

..................................................................

Gẫm xem họ Mạc sang giàu

Chẳng bằng một chút Lê triều bỏ rơi.

Hùm báo còn chẳng ăn ai.

Lọ là cáo thỏ đua hơi cùng rồng.

Cha con họ Mạc thành Long.

Như rùa đổ ổ, như ong tụ cành.

..................................................................

Thập thò như chuột trong hang.

Cao Bằng, Mạc nghiệt, Tuyên Quang, Vũ cừ.”

Dùng giọng “cầu cao”, “đạo đức giả” đối với Chúa Nguyễn ở phương Nam:

“Đoái thương chút nghĩa Chúa Bà

Nó là bọt đãi hơn là ngoại tông.

..................................................................

Lấy công phép nước mà dồn

Giết thời lại sợ đau hồn chiêu huân.

Khoan dung một chút đốt ruồi.

Lấy lời giáo hóa cho người dạy răn.”

b. Nhóm Chúa Nguyễn ở Nam Hà trong quá trình tranh sống có lúc phải đối địch với hai phe nên sự thù nghịch phản ánh rõ ràng trong tư tưởng nhà văn thời đó:

* Họ Trịnh bị coi như:

- Không hết lòng phò tá nhà Lê, lợi dụng hoàn cảnh:

“Làm tôi vua Thái Tổ, ở thờ vua Thái Tổ, tận trung vua Thái Tổ, tướng quân lòng nào, min lòng nào?”

(Thư Nguyễn Phúc Nguyên gửi Trịnh Tráng)

- Gây cuộc binh lửa tương tàn:

“Vì ai huấn khích, Lưu Hạng nên trăm trận chiến trường.

Hai chốn Bắc - Nam mới cứ, sáu năm Thanh Nghệ lại sang.” (Hoài Nam Khúc)

* Nhóm Tây Sơn bị coi như:

- Bọn giặc chòm, chỉ tạo thêm sự rối ren cho quốc gia:

“Ong bèn dậy Tây Sơn, thế đã khiến ba phân chân vạc.”(Hoài Nam Khúc)

- Bọn phân tán, hư hỏng, không đủ tài đức, trước sau gì cũng bị tiêu diệt:

“Liệu chừng thế nó: tướng phẩn binh tàn, hạ lăng, thượng phế dù chẳng đánh cũng hư.

Huống chi: em phản anh, tôi phản chúa, lại thêm ngoại viện táng sư7, trường thành thất hiểm, tai phần sào cũng quyết từ nay.”

(Đạo dụ của Nguyễn Ánh).

- Trong lúc đó, Nguyễn Ánh tự coi mình thuộc dòng chính thống, kẻ ra công chống tham tàn, bạo nghịch:

“Phù vạc Hán thuở ngôi trời chếch lệch, chém gai đuổi lũ hung tàn8“.

- Kẻ vì nước vì dân, vì tổ tiên dòng họ:

“Hội trung hưng phải quyết mới xong, muôn nghìn dặm thu công, bao nỡ để sinh linh đồ thán.

Ta nay:

Gặp hội trung vi, dựng nền tái tạo. Tám chín Phủ giang sơn đồ sộ, đặng chỗ này lo chỗ khác, thù tổ tông đâu dám nguôi lòng ...”

(Đạo dụ của Nguyễn Ánh)

c. Một số nhà văn hoặc hữu ý, hoặc vô tình đã viết nên những tác phẩm có lợi cho nhà Tây Sơn trong đó:

* Kể tội họ Trịnh:

Họ Trịnh bị nhà văn thuộc nhóm Tây Sơn hài tội trong “Hịch Tây Sơn”9.

- Áp bức vua Lê, lộng hành, muốn soán ngôi:

“Hiệu Đoan Vương10 càng tỏ dạ vô quân. Mưu thoán đoạt lại gây lòng bội nghĩa ...lộng quyền họ Trịnh khó nghe”.

- Vu oan để có cớ tàn hại vua Lê:

“Ngôi Hoàng Đế đặt không, việc nước những nhung nhăng lấy trịch.

Tội trừ quân chẳng có, mang lòng riêng thêu diệt vào hình”.

- Giết hại công thần:

“Để những kẻ tôi ngay người thẳng, tiếng kêu oan đã động đến trời”.

- Tranh ngôi vị:

“Trưởng cung vốn xưa nay là đích, quyền cha trao bội bạc sao đành?

Điện Đô11 tuy thơ trẻ nhưng anh, mệnh cha lập tranh thi sao phải?”

- Giả trá, phá hoại:

“Ngoài mượn lời cứu viện làm danh, dân kinh loạn ngờ quân điếu phạt.

Trong mang chữ thừa nguy để dạ, chốn Thừa Bình đến nỗi lưu ly.

Cung đài thành quách phá lâng lâng, súng ống thuyền bè thu thảy thảy”.

* Kể tội họ Nguyễn

Văn chương thời nầy đã gắn liền với chánh trị và những người làm chánh trị lúc đó lợi dụng, trường hợp Ngọc Huyên công chúa gởi vào nam tác phẩm “Hoài Nam Khúc” của Hoàng Quang là một thí vụ điển hình. Nhưng văn chương luôn luôn được nhìn dưới nhiều mặt khác, sự phản tác dụng có thể xảy ra. Hoàng Quang viết để chưởi Tây Sơn và đề cao Nguyễn Ánh nhưng vô tình đã cho thấy tội lỗi của phe họ Nguyễn12.

Chẳng hạn như sự hà khắc, nhũng lạm, lý tài của Trương Phúc Loan:

“Trách vì Quốc Phó họ Trương

Chánh quân khéo khéo chẳng nhường Y, Châu.

Của dân muốn một mình thâu

Như sành còn hãy rán dầu cho khô

Muôn chung ăn tưởng chưa no

Cùng loài hãy muốn lên gò cho cao.”

(Hoài Nam Khúc)

* Chỉ lo hưởng thụ bỏ mặc dân chúng khổ sở:

“Ngọc vàng con hát lấm bùn thằng dân

Ăn chơi cho sướng cái thân

Béo mình những tưởng, ốm dân chi sờn.”

(Hoài Nam Khúc)

Hoàng Quang qui tội về Trương Phúc Loan “che lấp thánh minh”, “quấy rối triều nghi”, làm cho chúa “mê tâm”, nhưng chính Hoàng Quang đã vạch cho ta thấy Chúa Nguyễn - mặc dầu lúc nầy còn nhỏ tuổi - đã bất lực không đủ sáng suốt, thiếu khả năng lãnh đạo:

“Khiến cho che lấp thánh minh,

Ấu sung nào biết bất bình lẽ chi

Đua nhau quấy rối triều nghi

Kiếm đồ ngoạn vật dị kỳ dâng lên

Mê tâm không tưởng nước nên sự nghèo”.

C. Văn học Nam Hà phản ảnh thời đại loạn lạc, chiến tranh

Văn học Nam Hà còn phản ảnh tình trạng qua phân ở điểm chiến tranh đã được đưa vào tác phẩm một cách rõ ràng với tất cả ý thức của nhà văn về những bi đát, thảm hại do chiến tranh mang đến.

Nếu ở Bắc Hà, Đặng Trần Côn chỉ xa gần kết án chiến tranh bằng những câu trách trời ở phần vào đầu của tác phẩm “Chinh phụ ngâm”, thì ở Nam Hà, nhà văn đã cương quyết hơn nhiều với sự mô tả những hậu quả tàn hại do cuộc tương tàn gây ra.

a. Chiến tranh gây đau thương đổ vỡ cho nhân dân và đất nước.

Tác giả “Hoài Nam Khúc” thực tế nhất, ông đã mô tả người dân trong cảnh “lưỡng đầu thọ địch”, hai bên đánh nhau, người dân bị tàn hại như ngọc đá núi Côn Cương bị cháy:

“Tới đâu ngọc thạch câu phần

Than rằng Thăng, Điện, ấy dân tội gì”.

(Hoài Nam Khúc)

- Quân sĩ chết trận không biết cơ man nào kể:

“Tranh nhau mấy trận vào ra.

Xương phơi trắng núi, máu hòa đỏ sông”.

(Hoài Nam Khúc)

- Tất cả đều thay đổi thành cảnh tượng bi đát:

“Lạnh lùng tám cảnh năm lầu.

Phòng hương đóng thảm, rèm châu rủ hờn

... Khôn chiều gió tối mưa mai

Phủ tàn ngói lở lâu đài giá tan

Trêu ngươi khiến cảnh đeo hờn

Đào phai má thắm, liễu hờn mày xanh”.

(Hoài Nam Khúc)

Ngay cả phủ chúa, miếu thờ cũng tan hoang, đổ vỡ:

“Ai làm đá nát vàng phai

Ủ ê nào thấy lâu đài như xưa

Miếu đường đòi chốn lơ thơ

Vò hương chếch mác, bàn thờ ngả nghiêng”.

(Hoài Nam Khúc)

b. Chiến tranh tạo nên cảnh sung sướng riêng bọn quyền quí.

Chiến tranh nói chung và những kẻ có khả năng gây chiến tranh nói riêng đều bị nhà văn Nam Hà ghét cay ghét đắng bởi vì đó là nguồn gốc của những sự nghèo khổ, đau đớn cho nhân dân.

Một Trương Phúc Loan gần Chúa nhưng không phải gần để tấu trình lên những điều lợi nước ích dân, trái lại để làm giàu cho bản thân vì vậy gây nên bao thảm hờn cho dân chúng:

“Quấy đem trách bấy tôi yêu

Mở đường mọt nước xuôi chiều sâu dân.

Lợi đo từ tấc nhẫn phân

Tầm xa dễ vạy, thước gần ít ngay

Chín trùng nào Chúa có hay

Lệnh ra thì ít, lạc ra thì nhiều

Ngàn chung rước những sự nghèo

Phủ xây oán hận thềm rào hạo tai”.

(Hoài Nam Khúc)

Bọn nầy thối nát, hư hỏng, chỉ biết tiền bạc không kể phải trái, nhân nghĩa:

“Mãn triều châu tử vẻ vang

Đều những đọc tiền nào thấy đọc thơ

........... ........... ........... ........... ...........

Thi tiền thì đỗ, thi tài thì bay

........... ........... ........... ........... ...........

Có tai bưng bít chẳng nghe

Đã chăng sao để trâu dê gầy mòn

Nỡ tàn cỗi nước chẳng vun”.

(Hoài Nam Khúc)

c. Hoài vọng của con người trong cảnh chiến tranh.

Sống trong hoàn cảnh mà diễn trường là những cuộc tương tàn, đổ vỡ, trong một thời đại đầy rẫy trái tai gai mắt, con người đương nhiên khát vọng hòa bình, hòa bình để mọi người sống yên ổn, hòa bình cũng là lúc thay đổi lại những “trật tự vô trật tự hiện tại”, Hoàng Quang vì vậy mơ cảnh chiến tranh chấm dứt:

“Ngõ nhờ thiên vận sớm nên

Phấn giồi đời trị, phỉ nguyền bình sanh

Trên mừng đặng Chúa thánh minh

Chầu về bốn biển, tăm kình bặt không

Thái bình mở tiệc ca hồng

Thịt no đức hóa rượu nồng giáo văn

Nơi nơi đủ mặc no ăn

Khúc ca đôi áo, ba quần xênh xang”.

(Hoài Nam Khúc)

Tâm trạng chán ghét chiến tranh, coi sự kịên nầy như trường hợp bất đắc dĩ còn thấy ở thái độ thích cảnh nhàn của Đào Duy Từ, thái độ của ông Trạng Song Tinh đánh giặc bằng văn chương (trong tác phẩm “Song Tinh Bất Dạ”)

D. Văn Học Nam Hà phản ảnh ý thức hệ của người dân vùng đất mới.

1. Nói đến việc mở mang bờ cõi:

Đề cao người cai trị, ca tụng cảnh thiên nhiên hiểm trở nơi mình phục vụ, chỉ là những khía cạnh do nhà văn đưa ra để tạo cái cớ, để có lý do chống nhau với họ Trịnh ở phương Bắc. Tuy nhiên những lý do đó không đủ để nước nhà trường tồn vì dù sao lãnh thổ Nam Hà cũng quá hẹp, cần phải bành trướng mới đủ sức chống lại áp lực của Chúa Trịnh.

Nhà văn Nam Hà vì vậy, luôn luôn nhắc đến việc mở đường về phương Nam, đó là tâm trạng căn bản của người sống ở vùng đất mới, luôn luôn cảm thấy cần thoát ra khỏi trạng thái nhỏ nhoi, cằn cỗi của vùng đất mình đang sống.

Nguyễn Cư Trinh nói rõ ràng việc bành trướng đó:

“Tây Phương không đường tới.

Bắc phương khó nẻo qua.

Có một phương chẳng gần chẳng xa ...”

(Sãi Vãi)

Muốn mở rộng đất nước phải tiêu diệt lực lượng cản trở, ở thời Nguyễn Cư Trinh lực lượng nầy là giống người thiểu số Đá Vách - “Nhưng mà ngặt nhiều mọi Đá Vách” - luôn luôn quấy phá vùng đất nằm ven Trường Sơn. Trách vụ bình định thuộc về người cai trị

“Trong kinh trung có chữ: Nhung địch thị ưng ...”

(Sãi Vãi)

Bọn người bình tâm trước vấn đề quan trọng nhất của thời đại theo Nguyễn Cư Trinh là bọn người trốn thực tế trong việc tu hành. Vì vậy qua tác phẩm Sãi Vãi, Nguyễn Cư Trinh cố tìm cách hạ thấp họ xuống: về phương diện tư cách, về lối tu, lối quan niệm cụôc đời. Mạnh hơn nữa tác giả nầy còn cho nhân vật của mình phải đổi lại cách thế ở đời, nghĩa là từ thái độ xa lìa thực tế sang hành vi gắn liền thực tế nhất, chống giặc và mở mang bước đường Nam Tiến.

Trước đó, Đào Duy Từ đã theo ý thức hệ này. Ông luôn luôn ôm hoài bão phụng sự tích cực miền Nam, trong khi lánh đời tu hành vì hoàn cảnh người lánh đời cũng không thể quên mình còn có bổn phận đối với dân tộc, do đó phải ôm hoài bão nào có ích lợi:

“Thiên Thai người khéo lang đang

Dạ lăm cắp núi, chí toan vá trời”.

(Tư Dung Vãn)

Và ông hi vọng gặp được vị vua biết tài mình để có dịp thi thố sở vọng:

“Chốn nầy thiên hạ đời dùng.

Ắt là cũng có Ngọa Long ra đời

Chúa hay dùng đặng tôi tài

Mừng xem bốn bể dưới trời đều yên”.

(Tư Dung Vãn)

b. Ca tụng sự trỗi dậy.

Nhân dân chịu đựng sự đè nén, gánh chịu nỗi đớn đau, tức nhiên mong mỏi được người tài đứng lên cởi những ách đó. Họ hy vọng có người trỗi dậy, tác giả Ai Tư Vãn mô tả người hùng đủ điều kiện nầy. Bà nhắc đến đức độ của vị anh hùng đất Tây Sơn:

“Mà nay áo vải cờ đào

Giúp dân dựng nước, xiết bao công trình .............................................................

Xem rành rành trước vua Nghiêu Thuấn

Công nghiệp nhiều, tuổi thọ càng cao”

......................................................

Công dường ấy, mà nhân dường ấy”.

(Ai Tư Vãn)

Tác giả bài “Hịch Tây Sơn” nói rõ ràng hơn:

“Mở bình trị lòng người hẳn muốn ... sửa mối giềng tài cả phải ra.

..................................................................

Sang sông Mạnh phất cờ Chu Vũ, ra tay sửa chính dẹp tà.

Vào đất Quan thét ngựa Hán Hoàng, quyết chí lấy nhân đổi bạo.

..................................................................

Chước vạn toàn đà tạc đá Hoành Sơn,

Binh tức khắc lại giong buồm Bắc Hải ...”

***

Ngoài đề tài riêng biệt, văn học Nam Hà đáng cho chúng ta chú ý về phương diện hình thức. Chữ dùng có tính cách địa phương của thổ ngơi Đàng Trong. Nhờ đó nhà ngôn ngữ học có thể thấy được phần nào ngôn ngữ Việt Nam ở các thể kỷ XVII và XVIII cũng như nhìn được sự biến thái của ngôn từ Việt Nam.

a. Chữ dùng của thời nầy ở Đàng Trong mà ngày nay ta không dùng nữa:

No nao (=chừng nào):

No nao Ô thước bắc cầu Ngân Giang.

No nao sánh được ả Hằng

(Song Tinh Bất Dạ).

Ngõ (=ngõ hầu, mong rằng):

Ngõ còn nhớ nghĩa thủy chung.

Nguyền trăm năm ngõ được vầy vui.

(Song Tinh Bất Dạ)

Ghẽ (=rẽ):

Bụng ai hoài vội ghẽ gì đâu.

(Ai Tư Vãn)

Min (=ta):

Tướng quân mặt ấy, min mặt ấy.

(Bức thơ của Nguyễn Phúc Nguyên gửi Trịnh Tráng)

Bơ xờ (=bơ thờ):

Nhà tranh lều cỏ tánh quen bơ xờ.

(Ngọa Long Cương)

Dàng dạng (=thấp thoáng):

Buồm ai dàng dạng chân trời,

Phất phơ cờ gió chẳng vời chèo trăng.

(Ngọa Long Cương Ngâm)

Hòa (=cùng):

Xuân đưa muôn hộc, đàm thâm hòa ngàn.

Ca chùn đờn suối hảo hòa đôi.

(Tư Dung vãn).

Đâu đâu hòa chẳng đua tranh.

Đời không Tứ Hiệu, ai hòa gỡ xong.

Hòa triều đều trụt lưỡi trung.

Trong triều hòa những con em.

(Hoài Nam Khúc)

Bả bô (=xềnh xoàng):

Đã rằng dưa muối bả bô.

(Tư Dung vãn)

Thài (=hát):

Tay xoang khoan nhặt, miệng thài ngêu ngao.

(Tư Dung vãn)

Mựa (=chẳng phải, chẳng cứ):

Mựa nơi trải gió tắm mưa.

(Tư Dung vãn)

Lang đang (=lang thang):

Thiên thai người khéo lang đang.

(Tư Dung vãn)

Nồng nã (=nôn nóng):

Nghĩ đòi phen nồng nã đòi phen.

(Tư Dung vãn)

Chường (=nói, thưa với người trên):

Nghe thôi, sanh mới cúi chường.

Rằng trong danh giáo ngũ thường giám thưa...

Nhân khi trong lúc thừa nhàn.

Ngươi sinh lén tới bên màng chường qua.

(Song Tinh Bất Dạ)

Cượng (=cưỡng):

Thấy chàng cượng ý chẳng ưa,

Song bà nhân ấy, lòng bi bàn - hoàn.

(Song Tinh Bất Dạ)

Nài bao (=quản bao):

Nài bao tạo hóa khéo tây,

Phu quân sớm đã non mây vội vời.

(Song Tinh Bất Dạ)

Chầy (=lâu):

Chầy ngày, chút muốn quên tên.

(Song Tinh Bất Dạ)

Quến (=quyện, cuộn lại, tụ lại):

Ý Xuân giục khách, bạn thơ quến người...

Bãi lan sóng dợn lâm châm,

Một vùng mộng uyển, nghìn tầm quến phơi.

(Song Tinh Bất Dạ)

Nương long (= lòng, dạ):

Nương long làu biết thế gian,

(Ngọa Long Cương Ngâm)

Nữa (= hơn , có sách lại chú là “bằng, tựa”):

Cuộc thiên hiểm nữa Kiếm Môn

(Tư Dung Vãn)

Chiêu đăm (= bên trái bên phải):

Vững bền chủ khách chiêu đăm

(Ngọa Long Cương Ngâm)

Ngoan ngùy (=mưu mẹo, xảo quyệt):

Chước nào chước chẳng ngoan ngùy.

(Ngọa Long Cương Ngâm)

Phen (= so, bì):

Bái tướng phong hầu ai dễ dám phen.

(Ngọa Long Cương Ngâm)

b. Nhiều chữ nay ta khó biết tường nghĩa:

Thóc thóc:

Ca thôi thóc thóc cả cười.

(Ngọa Long Cương Ngâm)

Đỉnh đang:

Kinh ngâm thảnh thót chuông chiền đỉnh đang.

(Tư Dung Vãn)

Diềm dà:

Cây che tán gấm ngàn thu diềm dà.

(Ngọa Long Cương Ngâm)

Lăng tằng:

Trân cầm chiu chít, kỳ hoa lăng tằng.

(Ngọa Long Cương Ngâm)

Chùn:

Réo rắt ca chùn thuở bóng tà.

(Ngọa Long Cương Ngâm)

Đảnh đa:

Gà rừng eo óc, dế tường đảnh đa.

(Tư Dung Vãn)

c. Nhiều chữ biến đổi cách dùng.

Ban (=lúc):

Những khi bóng ác ban tà.

(Tư Dung Vãn)

(Bây giờ dùng đi theo tiếng chỉ thời gian, như ban mai, ban chiều, ban trưa, ban tối).

Xuê (=nhiều):

Ghe nơi cảnh lạ thú càng vui xuê.

(Tư Dung Vãn)

(Ngày nay dùng trong tính từ kép: xum xuê)

Nhơn nhơn (=rõ ràng):

Tưởng linh sảng nhơn nhơn còn sáng.

(Ai Tư vãn)

(Bây giờ còn dùng trong thành ngữ nhơn nhơn tự đắc).

Cợt (=ngạo, chế):

Nàng rằng: “Mi chớ cợt tao, Nghiệm trong tánh nước khác nào tánh gương”.

(Song Tinh Bất Dạ)

(Ngày nay dùng trong chữ kép: giễu cợt, đùa cợt, cười cợt, cợt nhả…).

Văn học Nam Hà còn có điểm đặc biệt ở văn thể. Ngoài việc áp dụng thể lục bát trường thiên một thể thơ dễ dàng bình dị trơn tru như lòng người sống trong cảnh chung lưng đâu cật để sanh tồn, nhà văn Đàng Trong còn dùng những thể văn có tính cách gần gũi với nhóm dân chúng ít học nhưng dễ bộc lộ tình ý như vè, vãn, khúc hát, thể văn hợp với chiến tranh như hịch, thể văn dễ tạo nên những xúc động nhất thời như văn tế.

- Nguyễn Hữu Hào: “Song Tinh Bất Dạ”, (lục bát trường thiên)

- Hoàng Quang: “Hoài Nam Khúc”, (lục bát trường thiên )

- Nguyễn Cư Trinh: “Sải Vãi” (Vè)

- Đào Duy Từ: “Tư Dung vãn” (Vãn)

- Nguyễn Phúc Đán: “Huê tình” (Khúc hát)

- Ngọc Hân Công Chúa: “Ai Tư vãn” (Vãn)

- Văn thần của Tây Sơn: (Hịch) “Tây Sơn đánh Trịnh”

- Đặng Đức Siêu: (Văn tế) “Võ Tánh và Ngô Tùng Châu”, “Văn tế Bá Đa Lộc”.

Từ những nhận xét chi tiết trên ta đi đến kết luận: Văn Học Nam Hà đặc biệt ở tư tưởng - tư tưởng của một thời có qua phân, có chiến tranh - riêng tư ở hình thức - một hình thức mới, gần với dân chúng - nên có con đường đi riêng, không giống bất cứ giai đoạn văn học nào của lịch sử văn học Việt Nam, vì vậy xứng đáng để được một sự khảo cứu tường tận.

1 Ơn phước tổ tiên trập trùng như đất sâu, đằng dặc như trời đất bao la.
2 Cơ Tử ngăn Trụ Vương không được nên giả điên. Sau Vũ Vương (ở phía Tây) hỏi việc, ông trao cho thiên Trần Hồng Phạm.
3 Tức 1788, nước nhà nhờ công dẹp yên giặc của vua Quang Trung.
4 Tức 1790, vua Quang Trung ban hành những cải cách mới: phân chia rụông đất, qui định luật lệ thương mãi, xúc tiến chánh sách văn hóa mới, người dân như cây cỏ gặp cơn mưa, sung sướng.
5 Cửa Tư Hiền, còn gọi là Tư Khách, Tư Dung, Ô Long.
6 Vì sự đòi hỏi của vần nên “nho nhỏ” biến thành “nhò nhò”.
7 Cầu viện ở ngoài và tôn họ lên làm thầy. Lời nói quá, trong quân đội Tây Sơn có 02 tướng Tàu (Lý Tài và Tập Đình) đã thắng quân Nguyễn Ánh nhiều trận Nguyễn Nhạc có hứa sau khi thành công sẽ cử một người Trung Hoa làm vua tỉnh Quảng Nam (tài liệu của giáo sĩ Lorenzo Péréz bản Việt văn của Trương Bá Phát - tập san Sử Địa số 21, 1971, trang 34) nhưng thật ra Nguyễn Nhạc chỉ dùng mồi nhử để mượn sức bọn nầy thôi.
8 Chỉ Tây Sơn.
9 Về tác phẩm nầy “Hoàng Lê Nhất Thống Chí 皇黎一統 誌” cho là của Nguyễn Hữu Chỉnh dùng lúc ở Nghệ An trong việc mộ quân đánh Trịnh Bồng (1785), “Lê Quý Dật Sử 黎季逸史” cho là Nguyễn Nhạc dùng đọc khi lên ngôi Hoàng Đế (1778) Đây có lẽ của một văn thần nào đó đời Tây Sơn viết hộ chủ tướng khi Tây Sơn đánh Trịnh Khải (1778).
10 Đoan Nam Vương Trịnh Khải (1783 - 1786)
11 Điện Đô Vương Trịnh Cán.
12 Thực tế Hoàng Quang về phe Chúa Nguyễn, nhưng văn của ông cho thấy sự thối nát của họ Nguyễn, vô tình làm lợi cho Tây Sơn nên chúng tôi xếp ông vào nhóm những người viết văn có lợi cho Tây Sơn.

... còn tiếp ...




VVM.19.10.2023-NVA

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .