Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

 

NGÀN NĂM THĂNG LONG




                     

Ai về cõi Bắc cho ta gởi,
Tất cả lòng thương giống Lạc Hồng.
Từ thuở mang gươm đi mở cõi,
Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long.


(Khuyết Danh)

Thăng Long, như tên gọi từ ngàn xưa, là cái tên có tính cách văn chương nhất, gợi cảm nhất trong số các tên của Hà Nội. Thăng Long là trái tim của đất nước, là cái nôi văn hóa của một dân tộc có hơn bốn nghìn năm văn hiến.

Căn cứ vào lịch sử, vùng đất mà sau nầy mang tên Thăng Long rồi mang tên Hà Nội đã từng tọa lạc một tòa hoàng thành hoa lệ trải suốt các triều đại Lý – Trần – Lê. Vào mùa thu năm Canh Tuất 1010, cách nay đúng 1000 năm (1010-2010), vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về thành Đại La, theo truyền thuyết, khi ngự thuyền đang neo ở dưới thành thì nhà vua bỗng thấy một con rồng vàng từ trong thành bay lên mây nên ngài đổi tên thành Đại La ra tên Thăng Long (Rồng Bay Lên). Qua 8 thế kỷ của các triều Lý – Trần - Lê, Thăng Long đã trở thành đất địa linh nhân kiệt, trung tâm chính trị, văn hóa và là một đô thị phồn thịnh nhất của Đại Việt. Nhưng vào cuối triều Lý, hòang cung Thăng Long bị đốt cháy cho tới triều đại nhà Trần thành Thăng Long được xây dựng lại. Sau đó, Thăng Long bị giặc Nguyên và quân Mông Cổ xâm lăng dày xéo, tàn phá cho đến khi vua Lê Thái Tổ đánh đuổi được giặc Minh ra khỏi bờ cõi nhà vua mới cho xây dựng lại thành Thăng Long. Vì vậy qua bao cuộc tàn phá của quân xâm lăng và bao thăng trầm của lịch sử, tòa thành cổ kinh mang tên Thăng Long gần như mất hết dấu vết chỉ còn tồn tại trong tiềm thức, trong hoài niệm của bao thế hệ người Thăng Long - Hà Nội và bài thơ “Thăng Long Thành Hoài Cổ” của Bà Huyên Thanh Quan tiêu biểu cho hoài niệm đó:

Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn bền gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy người đây luống đoạn trường!

Rồi cổ thành Thăng Long được nhà Nguyễn xây dựng lại từ năm 1803 theo lối kiến trúc Âu Châu nhưng có tầm vóc nhỏ hơn thành của các vương triều ngày trước. Đến năm Minh Mạng thứ 12 (1831), vị vua nầy đã tiến hành một cuộc cải cách hành chánh rộng lớn và đặt tên Hà Nội thay tên Thăng Long cho đến ngày nay.

Thăng Long không những giàu có về núi non, sông hồ hùng vĩ, danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, về đình, đền, chùa, miếu, về kiến trúc, điêu khắc, cổ vật... mà còn là một kho tàng văn hóa phong phú của dân tộc ta với hàng ngàn câu ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ, điệu hát, câu hò, truyện cổ tích, truyền thuyết, huyền thoại cũng như những thuần phong mỹ tục thanh lịch mang sắc thái riêng biệt của Thăng Long - Hà Nội. Bởi vậy, khi nói đến Thăng Long - Hà Nội ta nhớ đến câu thành ngữ quen thuộc “Hà Nội Ngàn Năm Văn Vật”:

Thăng Long – Hà Nội đô thành,
Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ.
Cố đô rồi lại tân đô,
Nghìn năm văn vật bây giờ vẫn đây.

Từ ngàn xưa, Thăng Long – Hà Nội là vùng đất sản sinh những anh hùng, liệt nữ, những văn nhân, tài tử lừng danh:

Sông Tô mấy khúc uốn vào,
Ấy là có lắm anh hào ở trong.
Sông Tô một dãi lượn vòng,
Ấy nơi liệt nữ, anh hùng giáng sinh.
Sông Hồng một khúc uốn quanh,
Văn nhân, tài tử lừng danh trong ngoài.

Về sông nước, ta có sông Hồng, tức sông Nhị Hà là trục giao thông quan trọng của Hà Nội:

Ai về Hà Nội ngược nước Hồng Hà,
Buồm giong ba ngọn, vui đà nên vui.

Và:

Hồng Hà nước đỏ như son,
Chết đi thì chớ, sống còn yêu anh.

Còn sông Tô Lịch chảy quanh co giữa kinh đô tạo phong cảnh hữu tình cho đất ngàn năm văn vật:

Sông Tô nước chảy quanh co,
Cầu Đông sương sớm, quán Giò trăng khuya.

Hay cảnh hữu tình trên sông Tô:

Nước sông Tô vừa trong vừa mát,
Em ghé thuyền đỗ sát thuyền anh,
Dừng chèo muốn tỏ tâm tinh
Sông bao nhiêu nước thương minh bấy nhiêu.

Hai bên bờ sông Tô còn được trang điểm bởi lũy tre xanh, vườn tược, xóm làng:

Làng tôi có lũy tre xanh,
Có sông Tô Lịch uốn quanh xóm làng.
Bên bờ vải, nhãn hai hàng,
Dưới sông cá lội từng đàn tung tăng.

Ngoài sông nước hữu tình, Thăng Long - Hà Nội còn có núi non hùng vĩ góp phần tạo nên một giang sơn gấm vóc mà ông cha chúng ta đã tốn nhiều xương máu gầy dựng và gìn giữ:

Đồng xanh sông Nhị chạy dài,
Mây quang non Tản chiếu ngời Thăng Long.

Nhất cao là núi Ba Vi,
Nhất lịch, nhất sắc kinh kỳ Thăng Long.

Trời cao biển rộng, sông dài,
Núi Nùng, sông Nhị chốn nầy làm ghi.

Bao giờ đổ núi Tản Viên,
Cạn sông Tô Lịch mới quên nghĩa chàng.

Ngoài sông núi hữu tình, hùng vĩ, Thăng Long - Hà Nội còn có hồ, không phải một hai hồ mà nhiều hồ tạo nên những danh lam thắng cảnh nổi tiếng:

Kìa ai khéo họa dư đồ,
Trước sông Nhị Thủy, sau hồ Hoàn Gươm

Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ,
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn.
Đài Nghiên, Tháp Bút chưa mòn,
Hỏi ai gây dựng nên non nước nầy.

Gươm vàng rớt xuống Hồ Tây,
Công cha cũng trọng, nghĩa thầy cũng sâu.

Gương kia lỡ để bụi nhòa,
Sông có Nhị Hà, Núi có Tản Viên
Thề kia nỡ để lỡ duyên,
Trăng còn soi mãi vùng sen Tây Hồ

Hỡi cô thắt lưng bao xanh,
Có về Kẻ Bưởi với anh thì về.
Làng anh có ruộng tứ bề,
Có hồ tắm mát, có nghề quay tơ.

Về kiến trúc, di tích lịch sử, Thăng Long - Hà Nội cũng có nhiều đền, đình, chùa, miếu. Còn về văn hóa thì có các lễ hội tưng bừng hằng năm vui thật là vui:

Hồ Gươm in bóng Tháp Rùa,
Ánh đèn soi tỏ mái chùa Ngọc Sơn.

Nhác trông lên chốn kinh đô,
Kìa đền Quan Thánh, nọ hồ Hoàn Gươm

Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương.
Mịt mù khói tỏa màn sương.
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.

Ai về Đào Xá vui thay,
Xóm Bắc có chợ, xóm Tây có chùa.
Xóm Đông có miếu thờ vua,
Xóm Nam có bến đò đưa dập dìu.

Còn về lễ hội thì:

Thứ nhất Hội Gióng, Hội Dâu
Thứ nhì Hội Bưởi, chẳng đâu vui bằng.
Ai ơi mồng chín tháng tư,
Không đi Hội Gióng cũng hư một đời.

Tháng giêng giỗ Thánh Sóc Sơn,
Tháng ba giỗ Tổ Hùng Vương nhớ về.

Mỗi năm vào dịp xuân sang,
Em về Triều Khúc xem làng hội xuân.

Và đặc biệt nhất là “Hà Nội Ba Mươi Sáu Phố Phường”:

Rủ nhau chơi khắp Long Thành,
Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai.
Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai,
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay.
Mã Vỉ, Hàng Điếu, Hàng Giầy,
Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn.
Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Than,
Hàng Mã, Hàng Mắm, Hàng Ngang, Hàng Đồng.
Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông,
Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè,
Hàng Thùng, Hàng Bát, Hàng Tre,
Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, Hàng Gà.
Quanh đi đến phố Hàng Da,
Trải xem phường phố thật là cũng xinh.
Phồn hoa thứ nhất Long Thành,
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.
Người về nhớ cảnh ngẩn ngơ,
Bút hoa xin chép vần thơ lưu truyền.

Và khi nhắc đến Thăng Long – Hà Nội mà không nói về người Thăng Long, người Hà Nội là một điều thiếu sót. Từ lâu, người Thăng Long, người Hà Nội được tiếng là “trai thanh, gái lich”, là “hào hoa, phong nhã”, là “văn nhân, tài tư”, phụ nữ thì vừa đẹp vừa duyên dáng, thùy mị, lịch thiệp. Những câu mến yêu đó nhằm nói về những nét đẹp văn hóa trong cử chỉ, qua lời ăn tiếng nói và hành động của người Thăng Long, người Hà Nội. Người Hà Nội hào hoa mà không kênh kiệu; phong nhã mà không ích kỷ; lịch thiệp mà không xấc xược, không huênh hoang, không ba hoa; duyên dáng mà không suồng sã, lẳng lơ; thùy mị mà không kiêu sa:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài,
Dẫu chưa thanh lịch cũng người Tràng An.

Chẳng thơm cũng thể hoa mai,
Chẳng lịch cũng thể con người Thượng Kinh.

2010 Richmond – Virginia




VVM.19.10.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .