Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


CHINH PHỤ NGÂM

KIỆT TÁC THƠ NÔM MANG TÍNH NHÂN BẢN ĐẶC SẮC*




R a đời vào nửa đầu thế kỉ XVIII, tác phẩm thơ nôm trường thiên Chinh Phụ Ngâm (được diễn nôm từ nguyên tác Hán văn của Đặng Trần Côn) là kiệt tác hàng đầu của văn học cổ điển Việt Nam, bên cạnh Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, Truyện Kiều của Nguyễn Du, Thơ nôm của Hồ Xuân Hương.

Trải qua hơn hai thế kỉ rưỡi đến nay, Chinh Phụ ngâm luôn giữ nguyên giá trị của một viên ngọc thi ca sáng ngời, một thi phẩm làm vẻ vang cho xứ sở vốn “nổi tiếng thi thư” (lời của Nguyễn Trãi).

Từ trước đến nay, nhiều bậc thức giả đã bình phẩm, đánh giá Chinh phụ ngâm , nhưng đến nay vẫn có những khám phá mới về nội dung vô cùng sâu sắc cũng như về nghệ thuật của kiệt tác này. Trong luận văn này, chúng tôi đặc biệt đi sâu phân tích, tìm hiểu tính nhân bản hết sức đậm đặc của tác phẩm.

Cũng như hầu hết các kiệt tác văn chương khác, Chinh phụ ngâm là sản phẩm tinh thần của một thời đại nhất định. Đó là thời đại nội chiến tàn khốc giữa các tập đoàn phong kiến cát cứ Lê - Trịnh – Mạc – Nguyễn, và giữa các triều đình này với các phong trào khởi nghĩa của giai cấp nông dân đã bị dồn tới bước đường cùng.
___________________________________
* Theo giáo sư Hoàng Xuân Hãn (công bố năm 1953 tại Paris) thì bản dịch nôm hiện hành là của Phan Huy Ích. Chúng tôi đã được xem toàn văn bản dịch của bà Đoàn Thị Điểm và nhận thấy: bà là người đầu tiên dịch nôm tác phẩm này với thể thơ song thất lục bát, văn chương rất điêu luyện. Bản dịch của Phan Huy Ích ra đời muộn hơn đến 45 năm, cũng dùng chính thể thơ đó và chịu ảnh hưởng rất nhiều ở bản dịch trước. Có thể nói Phan Huy Ích đã nhuận sắc lại bản dịch trước kia của Đoàn Thị Điểm, vì vậy mà bản dịch của ông hoàn hảo hơn.
___________________________________

Cuộc chiến tranh giữa tập đoàn Lê - Trịnh với nhà Mạc kéo dài cả nửa thế kỉ. Cuộc Trịnh – Nguyễn phân tranh cũng diễn ra liên miên suốt 45 năm với 7 lần đụng độ, gây nên cảnh “thành xương sông máu” làm kiệt quệ nhân tài vật lực của đất nước và khiến trăm họ phải lầm than điêu đứng. Đất nước ta đã phải chịu một thảm hoạ lớn: Bắc – Nam bị chia cắt suốt 160 năm trời.

Trong thế kỉ XVIII xảy ra rất nhiều cuộc xung đột giữa quan quân triều đình (tiêu biểu là nhà Trịnh) với các cuộc khởi nghĩa của nông dân. Họ Trịnh phải dốc toàn lực để “dẹp loạn”. Trai tráng bị bắt sung vào lính nhiều vô kể. Hàng ngàn vạn gia đình phải tan tác chia li, gây nên những số phận bi thảm của biết bao chinh phu và chinh phụ.

Cả một dân tộc bị chấn thương do nội chiến kéo dài hằng thế kỉ, từ đó kết nên một mối oán hận thấu trời, như lời thơ của Chinh phụ ngâm :

Xanh kia thăm thẳm từng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?

Theo lẽ tự nhiên, mọi nỗi oán hận đều đòi hỏi phải được giải toả. Đặng Trần Côn, một thi nhân lỗi lạc, đã cảm nhận sâu sắc nỗi oán hận ấy của dân tộc ông. Với thiên chức của nhà thơ, ông đã mang hết tâm huyết mô tả và vạch ra thực chất của tấn bi kịch lịch sử thời đại ông bằng một áng văn chương bác học (Hán văn) rất mực điêu luyện, tài hoa. Nhiều nho sĩ Trung Hoa đương thời đã thán phục tác phẩm này của ông. Sau đó tác phẩm được một bậc danh sĩ dịch thành một áng văn chương nôm tuyệt tác. Ngay lập tức, Chinh phụ ngâm bằng thơ nôm đã đi vào lòng quần chúng nhân dân đương thời. Ngoài giá trị thẩm mĩ, Chinh phụ ngâm còn mang ý nghĩa như là sự cứu rỗi cho một thời đại đầy đau thương, tang tóc, chia li.

Vì sao Chinh phụ ngâm có thể đảm được một vai trò trọng đại như thế trước lịch sử? Vì các tác giả của nó đã nắm bắt được chân tướng của thời đại, và vì họ đã vượt qua được rào cản của những giáo điều chính thống đương thời để tìm được đến chân lí tối cao về nhân bản .

Cả tác giả và dịch giả của Chinh phụ ngâm đều là những trí thức phong kiến, đầu óc vốn được trang bị bằng những “chuẩn mực đạo đức” phong kiến như tam cương (vua – tôi, cha – con, vợ – chồng) hoặc lòng trung quân tuyệt đối… Nhưng may thay, dân tộc của họ, một dân tộc đã sáng tạo nên nền văn minh lúa nước, thuộc nằm lòng những qui luật của tự nhiên (như luật âm dương , luật hài hoà của thời tiết bốn mùa, qui trình sinh trưởng của cây lúa…), có bản tính thuần phác, có nếp nghĩ nếp sống hồn nhiên, đầy nhân bản. Dân tộc ấy không dễ gì bị lừa bịp bởi những tư tưởng trái tự nhiên, “thậm vô lí” của bọn người chuyên đè đầu cưỡi cổ thiên hạ. Họ tuyên bố “phép vua thua lệ làng”, “quan có cần nhưng dân chưa vội, quan có vội quan lội quan sang!”. Đó chính là thái độ của quần chúng nhân dân chống lại sự chuyên chế và bảo vệ nhân quyền của mình.

Hãy xem thái độ và tâm trạng thật của một người lính thú thời xưa khi “tuân phép nước lên đường làm nhiệm vụ” được mô tả trong một bài ca dao:

… Một tay thì cắp hoả mai,
Một tay cắp giáo quan sai xuống thuyền.
Thùng thùng trống đánh ngũ liên,
Bước chân xuống thuyền nước mắt như mưa…
Ba năm trấn thủ lưu đồn,
Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan.
Chém tre đẵn gỗ trên ngàn,
Hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai?
Miệng ăn măng trúc măng mai,
Những dang cùng nứa lấy ai bạn cùng?…

Thân phận một người lính của nhà vua được cử đi trấn giữ biên cương trong bài ca dao này thật có khác gì thân phận của một tên tù khổ sai? Sao cái bi kịch của người lính này lại giống với bi kịch của chinh phu, lại đồng điệu với những suy tư, dằn vặt và phản ứng của chinh phụ trong Chinh phụ ngâm đến thế? Phải chăng những trí thức phong kiến, tác giả của Chinh phụ ngâm , đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi chính những tình cảm nhân bản tri thức nhân dân (folklore) rất mực hồn nhiên, rất gần chân lí đó, để cuối cùng họ đã rời bỏ lập trường chính thống, đứng hẳn về phía nhân dân mà trước tác nên một tác phẩm làm rung động tâm hồn toàn thể dân tộc họ? Chinh phụ ngâm thành công rực rỡ trước hết là do các tác giả của nó đã sáng suốt và dũng cảm bứt phá để thoát ra khỏi ngục tù của chủ nghĩa giáo điều phong kiến. Hành động ấy của họ có gì rất giống với hành động của các nhà văn thời Phục Hưng thế kỉ XV – XVI như Rabelais, Shakespeare, Cervantes…, các nhà văn thời đại Khai sáng thế kỉ XVIII như Diderot, Voltaire, Rousseau…, những nhà văn đã dũng cảm đứng về phía con người, chống lại những giáo điều và thể chế vô nhân đạo của Nhà Thờ thời Trung cổ.

Vấn đề trung tâm mà Chinh phụ ngâm đề cập là vấn đề chiến tranh và hoà bình, thể hiện ngay ở câu thơ đầu tiên:

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi.

Giáo điều phong kiến dạy rằng: vua chúa là “thiên tử” (con trời), mọi hành động của thiên tử như dẹp loạn để bảo vệ ngai vàng, chinh phạt các nước khác để mở mang bờ cõi… đều là những hành động “thế thiên hành đạo” cả. Tất cả thần dân trong nước phải nhất nhất vâng lệnh và xả thân phụng sự thiên tử. Ai làm được như thế sẽ được coi là một kẻ “trung quân”, là một con người có phẩm hạnh cao, nhược bằng chống lại lệnh vua thì đó là kẻ “bất trung”, “khi quân”, sẽ bị trị tội.

Người chinh phu trong tác phẩm chính là một kẻ “trung quân” tiêu biểu. Chàng hoàn toàn tự giác chấp hành mệnh lệnh của nhà vua:

Áo nhung trao quan vũ từ đây...
Phép công là trọng, niềm tây sá nào!

Chàng mang đủ “khí phách” của một anh hùng phong kiến:

Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt,
Xếp bút nghiên theo việc đao cung.
Thành liền mong tiến bệ rồng,
Thước gươm đã quyết chẳng dong giặc trời.
Chí làm trai dặm ngàn da ngựa,
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao…

Trong lòng chàng đau đáu món nợ công danh:

Áng công danh trăm đường rộn rã…

Chàng mơ ước:

Non Yên tạc đá đề danh,
Triều thiên vào trước cung đình dâng công…
Tài so Tần, Hoắc vẹn tuyền,
Tên ghi gác khói, tượng truyền đài Lân.
Nền huân tướng đai cân rạng vẻ,
Chữ đồng hưu bia để ngàn đông…

Nhưng than ôi: tất cả ước mơ đó chỉ là thứ bả vinh hoa mê hoặc chàng! Trên thực tế chàng đang phải dấn thân “vào nơi gió cát”, đang phải chịu đựng muôn vàn khổ ải cả về thể xác lẫn tinh thần:

Nội không muôn dặm xiết sao dãi dầu.
Hơi gió lạnh người rầu mặt dạn,
Dòng nước sâu ngựa nản chân bon.
Ôm yên gối trống đã chồn,
Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh...
Não người áo giáp bấy lâu,
Lòng quê qua đó mặt sầu chẳng khuây…

Cứ thế, chàng kiệt quệ dần để rồi cuối cùng chạm trán với cái chết ghê rợn:

Trải chốn nghèo (nguy) tuổi được bao nhiêu?
Non Kì quạnh quẽ trăng treo,
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò.
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi,
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi…

Nhưng dù chết, kẻ giáo điều chủ nghĩa vẫn không tự nhận thức được tấn bi kịch của đời mình, vẫn chấp nhận… bị bịp đến chết!

Nếu chinh phụ cũng đồng quan điểm với chồng thì chẳng có vấn đề gì phải bàn, và tác phẩm chắc chắn sẽ không tránh khỏi tình trạng… nhạt như nước ốc!

Thế nhưng các tác giả của Chinh phụ ngâm – những nhà nhân bản chủ nghĩa thực thụ của dân tộc Việt Nam, mang trong mình thiên chân và những yếu tố trí tuệ thuần khiết của con người Việt Nam – ngay từ phút đầu đã cảnh báo về thảm hoạ của chiến tranh, nhất là thảm hoạ mà người phụ nữ phải gánh chịu:

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.

Và toàn bộ tác phẩm là sự bóc trần thực trạng đời sống – nhất là đời sống nội tâm tràn ngập đau buồn – của chinh phụ. Nỗi đau khổ của nàng phản ánh chính xác và đầy đủ nhất nhân bản đích thực của nàng. Chính cái nhân bản ấy đã khiến nàng có được một cảm quan, một cặp mắt thần để nhìn rõ bộ mặt hắc ám của chiến tranh, điều mà chồng nàng không nhìn thấy. Đối với nàng, chiến tranh chỉ là địa ngục, không hơn.

Chiến tranh được nói đến trong tác phẩm thực chất chỉ là chiến tranh giữa quan quân triều đình Lê - Trịnh với các phong trào khởi nghĩa của nông dân trong thế kỉ XVIII (dưới triều Trịnh Giang và Trịnh Doanh). Đề tài về chiến tranh chính nghĩa giải phóng đất nước khỏi ách ngoại bang không thuộc phạm vi của Chinh phụ ngâm. Tuy nhiên, các tác giả Chinh phụ ngâm dường như có một cái nhìn “nhất nguyên” về chiến tranh nói chung thể hiện trong câu thơ “Chàng Siêu tóc đã điểm sương mới về”: cho dù Ban Siêu là anh hùng ái quốc thực thụ đi nữa thì tính bi kịch của nhân vật này vẫn quá ư rõ nét.

Đối nghịch với quan điểm của bọn vua chúa, Chinh phụ ngâm đã vạch trần một sự thật: giấc mộng vinh quang của chinh phu chỉ là hư ảo, còn nỗi đau khổ vô cùng tận của vợ chồng chàng, gia đình chàng là sự thật. Trên thực tế, bọn vua chúa đâu có màng ngó đến những nỗi thống khổ của nhân dân:

Trên trướng gấm thấu hay chăng nhẽ?
Mặt chinh phu ai vẽ cho nên?

Có thể nói các tác giả đã chỉ “đích danh thủ phạm” gây nên nỗi thống khổ cho nhân dân, cho chinh phu và chinh phụ: đó chính là bọn vua chúa ích kỉ, tham tàn!

Đối lập với bộ mặt hắc ám của chiến tranh là giấc mơ đoàn viên hạnh phúc của chinh phụ:

Xin vì chàng xếp bào cởi giáp,
Xin vì chàng rũ lớp phong sương,
Vì chàng tay chuốc chén vàng,
Vì chàng điểm phấn đeo huơng não nùng…
Liên ngâm đối ẩm đòi phen,
Cùng chàng lại kết mối duyên đến già…

Mô tả hai cảnh huống đối lập giữa chiến tranh hoà bình, Chinh phụ ngâm khẳng định chân lí: hoà bình là điều kiện tiên quyết của hạnh phúc con người, hạnh phúc lứa đôi; chiến tranh là hung thần tàn phá hạnh phúc ấy. Chân lí ấy toát lên từ khát vọng cháy bỏng nhất của dân tộc ta trong thế kỉ XVIII đầy loạn li tang tóc cũng như trong tất cả các thời đại khác.

Trong bối cảnh xã hội xảy ra chiến tranh liên miên, trong nghịch cảnh vợ chồng chia li, Chinh phụ ngâm đã khắc hoạ một bức tranh toàn bích về thế giới tâm hồn kì diệu, sâu sắc và sống động lạ thường của một phụ nữ Việt Nam điển hình thời phong kiến.

Chúng ta đều biết người đàn bà là kiệt tác của vũ trụ. Hình ảnh người con gái Việt Nam dịu dàng, duyên dáng, tâm hồn tinh tế, chúng ta đã gặp trong ca dao, dân ca, truyện nôm khuyết danh… Nhưng riêng trong Chinh phụ ngâm (tương tự như trong Cung oán ngâm khúc Truyện Kiều ), chúng ta gặp một thiếu phụ tuyệt vời hiện lên trong hào quang của văn chương bác học. Tuy thuộc tầng lớp trên trong xã hội, nhưng nếp sống của nàng vẫn hết sức gần gũi với nếp sống của những phụ nữ bình dân khác:

Lòng lão thân buồn khi tựa cửa,
Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm...

Tuy nhiên chỉ ở nàng mới có phong cách quí phái mà người bình dân bao giờ cũng ngưỡng mộ:

Nhủ rồi tay lại trao liền,
Bước đi một bước lại vin áo chàng...
Đề chữ gấm phong thôi lại mở,
gieo bói tiền tin dở còn ngờ…
Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước,
Ngồi rèm thưa rủ thác đòi phen…
Hương gượng đốt hồn đà mê mải,
Gương gượng soi lệ lại chứa chan,
Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,
Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng…

Ở đẳng cấp trên, có học vấn, tâm hồn chinh phụ dồi dào vẻ đẹp hơn, sâu sắc và ở tầm cao hơn những người phụ nữ bình dân chất phác và không được học hành. Chính cái tâm hồn phong phú, sống động, chính cái trí tuệ sáng láng lạ thường của nàng đã tạo ra cả một nguồn suối tràn trề làm chất liệu cho một thiên trường thi trữ tình bất tuyệt.

Lần theo những dòng suy nghĩ và những cảm xúc cuồn cuộn của nàng, chúng ta không thể không thán phục khối óc mẫn tuệ và sự nhạy cảm của trái tim nàng. Gót sen giẫm lên những giáo điều khô cứng, nàng đặt ra một câu hỏi hết sức nhân bản:

Thiếp chẳng tưởng ra người chinh phụ,
Chàng há từng học lũ vương tôn,
Cớ sao cách trở nước non,
Khiến người thôi sớm thì hôm những sầu?

Không tự lừa dối mình và cũng không chịu để cho người lừa dối, nàng hối hận đã không ngăn cản chồng ăn bả vinh hoa, để đến nỗi bây giờ cả hai cùng phải hứng chịu nỗi đau khổ ê chề:

Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu,
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong…

Chẳng khác gì một triết gia của chủ nghĩa nhân bản, nàng khẳng định hạnh phúc trần thế chính là từ cuộc sống thực tại:

Kìa loài sâu đôi đầu cùng sánh,
Nọ loài chim chắp cánh cùng bay.
Liễu, sen là thức cỏ cây,
Đôi hoa cũng sánh, đôi dây cũng liền.
Ấy loài vật tình duyên còn thế,
Sao kiếp người nỡ để đấy đây?
Thiếp xin về kiếp sau này
Như chim liền cánh như cây liên cành.
Đành muôn kiếp chữ tình đã vậy,
Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau…

Không những có một khối óc mẫn tuệ, chinh phụ còn có một trái tim tràn trề tình cảm, thứ tình cảm vừa thanh cao, băng tuyết lại vừa ướt át và đắm đuối. Tình yêu của nàng với chồng không gì sánh nổi. Và mặc dù sống cách chúng ta hai thế kỉ rưỡi nhưng nàng đã tìm thấy được tình yêu đích thực, xứng đáng với con người nàng:

Trang phong lưu đang chừng niên thiếu,
Sánh nhau cùng dan díu chữ duyên…
Thoa cung Hán thuở ngày xuất giá,
Gương lầu Tần dấu đã soi chung…
Mở khăn lệ chàng trông từng tấm,
Đọc thơ sầu chàng thẩm từng câu…

Hơn ai hết, nàng hiểu được cái giá của hạnh phúc lứa đôi. Vì thế phải xa chồng là nỗi buồn khổ lớn nhất đối với nàng:

Chàng thì đi cõi xa mưa gió,
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn…
Khắc giờ đằng đẵng bằng niên,
Mối sầu dằng dặc tựa miền bể xa…
Mặt biếng tô, miệng càng biếng nói,
Sớm lại chiều dòi dõi nương song.
Nương song luống ngẩn ngơ lòng,
Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai…
Nếm chua cay tấm lòng mới tỏ,
Chua cay này há có vì ai?
Vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi,
Vì chàng thân thiếp lẻ loi một bề…

Nhưng không chỉ có một thế giới nội tâm cực kì hàm súc, chinh phụ còn thể hiện đức hạnh cao quí đặc trưng của phụ nữ Phương Đông. Nàng đã thay chồng gánh vác tất cả công việc gia đình, nuôi mẹ, nuôi dạy con thơ:

Ngọt bùi thiếp đỡ hiếu nam,
Dạy con đèn sách thiếp làm phụ thân.
Nay một thân nuôi già dạy trẻ,
Nỗi quan hoài mang mẻ biết bao…

Thái độ và cách ứng xử của nàng trong nghịch cảnh vượt xa những hạng đàn bà tầm thường như vợ Tô Tần ngày xưa:

Thiếp chẳng dại như người Tô phụ…
Trên khung cửi dám rẫy ruồng làm cao.
Xin vì chàng xếp bào cởi giáp,
Xin vì chàng rũ lớp phong sương,
Vì chàng tay chuốc chén vàng,
Vì chàng điểm phấn đeo hương não nùng…

Dù phải đau khổ khôn cùng, nàng vẫn tỏ ra là một người có bản lãnh cả về tâm hồn lẫn đức hạnh, không hề mang thói “nhi nữ thường tình” mà giận hờn, oán trách chồng. Thậm chí nàng còn cố gắng dung hoà với “lí tưởng” của chồng:

Non Yên tạc đá đề danh,
Triều thiên vào trước cung đình dâng công.
Ơn trên tử ấm thê phong,
Hiển vinh thiếp cũng đượm chung hương trời…

Tình yêu “đàn bà” ở nàng đã lấn át tất cả: nàng chịu đựng hết, chấp nhận hết, tha thứ hết cho chồng và cho cả cái cuộc đời đã làm nàng đau khổ, một khi chồng nàng đã trở về với nàng! Phải chăng đó là một nét đẹp tuyệt diệu khác ở nàng: là tính cách nghiêng về tình cảm hơn là về lí trí, là nết nhu thuận dịu hiền mà một triết gia Phương Tây đã coi là đức tính số một của phụ nữ?

Chinh phụ ngâm – cuốn nhật kí tâm hồn của một người vợ trẻ có chồng đi lính – đã diễn tả một cách đặc sắc thế giới chân thực, đầy nhân bản của một người phụ nữ Việt Nam thời xưa, là biểu trưng quí báu của người phụ nữ Việt Nam chân chất ở mọi thời đại, là di sản tinh thần vô giá của dân tộc ta.

Trên lập trường nhân bản , vì hạnh phúc của lứa đôi và của con người nói chung, ngấm ngầm phản bác những giáo điều chính thống, Chinh phụ ngâm là lời oán thán, là tiếng nói tố cáo chiến tranh do những tập đoàn phong kiến gây ra vì quyền lợi ích kỉ của chúng, là khát vọng hoà bình của dân tộc ta trong thế kỉ XVIII đau thương. Tác phẩm gián tiếp nêu lên yêu cầu bức xúc của lịch sử: phải thực hiện nền hoà bình cho đất nước, phải đảm bảo hạnh phúc của tình yêu, của gia đình cũng như hạnh phúc của trăm họ. Và việc thực hiện yêu cầu ấy trước hết thuộc về những người đang gánh vác trách nhiệm “chăn dân”!


Về nghệ thuật, Chinh phụ ngâm là tác phẩm thơ tiếng Việt ưu tú vào bậc nhất của văn học cổ điển Việt Nam.

Ngôn ngữ văn học dân tộc đã được nâng tới một trình độ tuyệt đỉnh. Mỗi câu thơ đều được cấu thành bởi những từ ngữ tinh xác về ý nghĩa, óng chuốt về hình thức, tuy được gọt giũa công phu nhưng lại không mắc căn bệnh “chạm sâu”, “khoe chữ” cầu kì diêm dúa của những thứ văn chương tầm thường. Nói cách khác, vẻ đẹp tuyệt trần của ngôn ngữ hoàn toàn nhắm vào mục đích tối cao: đặc tả thế giới khi thì hiện thực khi thì mang màu sắc lãng mạn, nhất là đặc tả thế giới tâm hồn vô cùng sống động của chinh phụ.

Những câu thơ đầy hình ảnh như một bức tranh dân dã hay tranh sơn thuỷ:

- Ngòi đầu cầu nước trong như lọc,
Đường bên cầu cỏ mọc còn non.
- Vài tiếng dế nguyệt soi trước ốc,
Một hàng tiêu gió thốc ngoài hiên.
Lá màn lay ngọn gió xuyên,
Bóng hoa theo bóng nguyệt lên trước rèm.
- Lũng tây thấy nước dường uốn khúc,
Nhạn liệng không sóng giục thuyền câu.
Ngàn thông chen chúc khóm lau,
Cách ghềnh thấp thoáng người đâu đi về…

Những câu thơ chứa cái thần kì lạ ở bên trong mà chỉ một cây bút siêu đẳng mới viết nổi:

Non Kì quạnh quẽ trăng treo,
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò.
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi,
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi…

Những câu thơ tả chinh phụ sắc nét và có thần:

Bỗng thơ thơ thẩn thẩn như không,
Trâm cài xiêm giắt thẹn thùng,
Lệch làn tóc rối, lỏng vòng lưng eo.
Dạo hiên vắng thầm gieo từng bước…

Tuyệt diệu hơn cả là những câu thơ tả tình, diễn đạt mọi trạng thái tâm lí tinh tế:

Sớm lại chiều dòi dõi nương song.
Nương song luống ngẩn ngơ lòng,
Vắng chàng điểm phấn trang hồng với ai?

Khá nhiều câu thơ dùng ngoa ngữ một cách đắc địa:

- Sắt cầm gượng gảy ngón đàn,
Dây uyên kinh đứt, phím loan ngại chùng.
- Sương như búa bổ mòn gốc liễu,
Nước dường cưa xẻ héo cành ngô.
- Gõ sênh ngọc mấy hồi không tiếng,
Ôm đàn tranh mấy phím rời tay.
- Ca quyên ghẹo làm rơi nước mắt,
Trống tiều khua như rứt buồng gan.
Võ vàng đổi khác dung nhan…

Nhiều hình dung từ, động từ, trạng từ được sử dụng với ý đồ cường điệu tạo nên những câu thơ rất “đắt”: ào ào gió thu, cờ bay ngùi ngùi, eo óc gáy, mối sầu dằng dặc , bến Ngân sùi sụt, quạnh quẽ trăng treo, gió thổi đìu hiu, phơ phất mái sương, bơ phờ tóc mai, hương gượng đốt, gương gượng soi, nhớ chàng đằng đẵng, lung lay bóng nguyệt, thét roi, gió thốc, rứt buồng gan…

Chinh phụ ngâm tiếp tục truyền thống chuyển hoá những điển cố, những câu thơ gốc Hán sang tiếng Việt, làm giàu cho từ vựng văn học Việt:

- Chí làm trai dặm ngàn da ngựa,
Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.
- Lòng này gửi gió đông có tiện,
Nghìn vàng xin gửi đến non Yên.
- Lớp mây ngại mắt khôn nhìn,
Đâu nơi chinh chiến đâu miền Ngọc quan?
- Lúc ngoảnh lại ngắm màu dương liễu,
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong.
- Chàng ruổi ngựa dặm trường mây phủ,
Thiếp dạo hài lối cũ rêu in.
- Tên ghi gác khói, tượng truyền đài Lân…

Chinh phụ ngâm sử dụng thể thơ dân tộc song thất lục bát. Thể thơ này giàu nhạc tính hơn thể thơ lục bát bởi hai vần trắc ở hai câu thất , đọc lên nghe réo rắt hơn, rất thích hợp với những tác phẩm trữ tình dùng để ngâm hơn là để đọc. Chính vì đặc tính ưu việt đó mà nhiều nhà thơ đời sau đã tiếp tục sử dụng thể thơ này để sáng tác những “khúc ngâm” hoặc những bài thơ như Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), Ai tư vãn (Lê Ngọc Hân), Tự tình khúc (Cao Bá Nhạ), Khóc Dương Khuê (Nguyễn Khuyến), Nói chuyện với ảnh, Thư trách người tình nhân không quen biết (Tản Đà), Thức giấc, Hồ xuân và thiếu nữ (Thế Lữ), Tiếng đàn mưa (Bích Khê)… Tiếc rằng thể thơ dân tộc tuyệt diệu này hiện nay hầu như không còn mấy ai sáng tác nữa trong khi thể thơ lục bát (nghèo âm điệu hơn) vẫn được đặc biệt phát huy. Phải chăng đó là sơ suất và khiếm khuyết lớn của những người làm thơ đương đại, và điều đó cần phải được khắc phục?

Vừa sử dụng tiếng Việt một cách điêu luyện, vừa sử dụng thể thơ thuần túy dân tộc, bản diễn nôm Chinh phụ ngâm là tác phẩm văn chương bác học đạt tới tầm nghệ thuật đỉnh cao. Chính vì vậy mà Chinh phụ ngâm đã trở thành tác phẩm “thuộc nằm lòng”, trở thành máu thịt của người Việt Nam trong suốt mấy thế kỉ qua, giống như Truyện Kiều của Nguyễn Du.




VVM.23.9.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .