Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        





THẦN NÔNG
TRONG VĂN HÓA VIỆT VÀ VĂN HÓA HOA HẠ

  



V iêm Đế Thần Nông, vị vua thời thượng cổ được cả người Việt và người Hoa Hạ nhận là Tổ của mình. Người Hoa Hạ có ưu thế hơn trong việc nhìn nhận về nguồn gốc của vị vua này, khi họ còn giữ được những ghi chép lịch sử từ rất sớm về Thần Nông, người Việt chỉ lưu giữ ký ức về Thần Nông trong dòng văn hóa dân gian, sau đó mới được ghi thành văn vào thời nhà Trần trong sách Lĩnh Nam chích quái, nên khi nói về Thần Nông, thì các tác giả có xu hướng cho rằng người Việt đang “mượn” Thần Nông của Trung Quốc, để đặt vị trí của mình ngang hàng với quốc gia phương Bắc.

Tuy nhiên, những ghi chép về Thần Nông cho thấy nhiều khả năng, ông có nguồn gốc từ phương Nam, cụ thể hơn là trong vùng Dương Tử, Dương Tử là nguồn gốc chính của cộng đồng tộc Việt, và là một phần rất quan trọng của văn hóa Đông Á cổ đại, những ghi chép cũng cho thấy sự liên hệ và gắn bó chặt chẽ của họ Thần Nông với cư dân Việt phía Nam sông Dương Tử. Nguồn gốc của người Hoa Hạ khi xem xét dựa trên các nghiên cứu di truyền, cũng không ủng hộ giả thuyết cho rằng Viêm Đế là tổ tiên của họ, mà tổ trực tiếp của họ chính là Hoàng Đế, đại diện cho tộc người Hoa Hạ xâm nhập vào vùng đất của Viêm Đế. Chi tiết các vấn đề này, sẽ được chúng tôi tìm hiểu trong bài viết này.

I. Nguồn gốc họ Thần Nông trong ghi chép của Việt Nam và Trung Quốc:

1. Thần Nông trong các ghi chép của người Việt và người Hoa Hạ:

Truyện họ Hồng Bàng trong sách Lĩnh Nam chích quái chép: “Cháu ba đời Viêm Đế họ Thần Nông tên là Đế Minh, sinh ra Đế Nghi, rồi đi nam tuần đến Ngũ Lĩnh, gặp được nàng con gái Vụ Tiên đem lòng yêu mến mới cưới đem về, sinh ra Lộc Tục, dung mạo đoan chính, thông minh túc thành; Đế Minh lấy làm lạ, cho nối ngôi vua; Lộc Tục cố nhường cho anh. Đế Minh lập Đế Nghi làm tự quân cai trị phương Bắc, phong Lộc Tục làm Kinh Dương Vương cai trị phương Nam, đặt quốc hiệu là Xích Quỷ Quốc.”, … “Đế Lai (con Đế Nghi) trở về Bắc, lại truyền ngôi cho Đế Đu, cùng với Hoàng Đế đánh nhau ở Bản Tuyền không hơn nên tử trận; họ Thần Nông bèn mất.” [1]

Trong phiên bản dân gian, thì nguồn gốc Thần Nông thị của người Việt cũng được chép tương tự như trong sách Lĩnh Nam chích quái, nhưng có chép chi tiết hơn về Viêm Đế Thần Nông: “Tục truyền rằng vua đầu nước ta hiệu Kinh Dương Vương và vua đầu Bắc quốc hiệu Đế Nghi là hai anh em, con ngài Đế Minh, cháu 3 đời Viêm Đế Thần Nông. Viêm Đế Thần Nông là vị thần coi về trồng trọt ngũ cốc cho loài người.” [2]

Như vậy thì trong truyền thuyết của người Việt, Viêm Đế Thần Nông là tổ của họ Hồng Bàng, với hậu duệ ba đời là Đế Minh, Đế Minh sinh ra hai anh em là Lộc Tục và Đế Nghi, phân cho Lộc Tục làm vua phương Nam, hiệu Kinh Dương Vương, lập nước Xích Quỷ (làm chủ hai châu Kinh và Dương, tức vùng trung lưu và hạ lưu Dương Tử), Đế Nghi làm vua phương Bắc, tức vùng đồng bằng Hoàng Hà. Nếu xét về dòng dõi chính truyền, thì dòng dõi Thần Nông được kế thừa ở Đế Nghi phương Bắc, phương Nam cũng là con cháu Thần Nông nhưng không phải trực duệ.

Truyện họ Hồng Bàng trong sách Lĩnh Nam chích quái cũng chép về cuộc chiến tranh giữa họ Thần Nông và Hoàng Đế: “Đế Lai (con Đế Nghi) trở về Bắc, lại truyền ngôi cho Đế Đu, cùng với Hoàng Đế đánh nhau ở Bản Tuyền không hơn nên tử trận; họ Thần Nông bèn mất.” [1]

Đế Lai truyền ngôi cho Đế Đu, sau đó đánh nhau với Hoàng Đế ở Bản Tuyền, sau đó họ Thần Nông bèn mất. Câu chuyện ở đây rất rõ ràng, đó là cháu đời thứ 6 của Viêm Đế Thần Nông đánh nhau với Hoàng Đế, không phải trực tiếp Viêm Đế Thần Nông. Khi tìm hiểu về các ghi chép của người Hoa Hạ, chúng ta sẽ thấy được sự tương đồng trong một số chi tiết quan trọng.

Viêm Đế Thần Nông được ghi chép rất nhiều trong các sách của Trung Quốc, sớm nhất là vào thời nhà Hán. Nhưng chi tiết hơn thì trong các sách đời sau do các tác giả đời Đường và đời Tống soạn.

Sử ký, Tam hoàng bản kỉ, do Tư Mã Trinh thời Đường soạn và chú: “炎帝人身牛首,長於姜水,因以為姓。火德王,故曰炎帝,以火名官,斲木為耜,揉木為耒,耒耨之用,以教萬人。始教耕,故號神農氏。於是作蜡祭,以赭鞭鞭草木,始嘗百草,始有毉藥。又作五絃之瑟,教人日中為市,交易而退,各得其所。遂重八卦,為六十四爻。初都陳,後居曲阜。〉立一百二十年崩,葬長沙。神農本起烈山,故左氏稱烈山氏之子曰柱,亦曰厲山氏。《禮》曰:「厲山氏之有天下」是也。” – “Viêm Đế Thần Nông thị, họ Khương, mẹ là Nữ Đăng, con gái của Hữu Oa thị, làm vợ của Thiếu Điển. Cảm rồng thần mà sinh ra Viêm Đế, thân người đầu bò, lớn lên ở bên sông Khương, nhân đó đặt làm họ. Là vua của hỏa đức, cho nên gọi là Viêm Đế. Lấy lửa để đặt tên quan coi việc. Đẽo gỗ làm cuốc, chặt gỗ làm cày, làm các đồ cày cuốc để dạy muôn người. Vì dạy trồng trọt, cho nên gọi là Thần Nông thị. Do đó đặt ra lễ tế chạp, lấy roi đỏ để khoa cây cỏ. Bắt đầu nếm trăm loại cỏ, mới có thuốc chữa bệnh. Lại làm đàm sắt có năm dây. Dạy dân vào giữa ngày họp chợ, trao đổi xong thì về, đều đâu vào đấy. Rồi chồng bát quái đơn thành 64 quẻ. Lúc đầu đóng đô ở đất Trần, sau lại trú ở Khúc Phụ. Làm vua một trăm hai mươi năm thì băng, táng ở Trường Sa. Thần Nông vốn nổi lên ở núi Liệt Sơn, cho nên Tả thị gọi là con của Liệt Sơn thị gọi là Trụ, cũng gọi là Lệ Sơn thị có thiên hạ vậy.”

Thái Bình Ngự Lãm, phần Viêm Đế Thần Nông thị do Lí Phưởng thời Tống soạn, dẫn Đế vương thế kỉ chép: “神農氏,姜姓也。母曰任姒,有喬氏之女,名女登,為少典妃。游於華陽,有神龍首感女登於常,生炎帝,人身牛首,長於姜水,有聖德。以火承木,位在南方,主夏,故謂之炎帝,都於陳,作五弦之琴。凡八世,帝承、帝臨、帝明、帝直、帝來、帝哀、帝揄岡。又曰本起烈山,或時稱之,一號魁隗氏,是為農皇,或曰帝炎。時諸侯夙沙氏叛不用命,炎帝退而修德,夙沙之民自攻其君而歸炎帝,營都於魯。重八卦之數,究八八之體為六十四卦,在位百二十年而崩,葬長沙。” – “Vua Thần Nông họ Khương. Mẹ là Nhâm Tự, là con gái của họ Hữu Kiều tên là Nữ Đăng, làm vợ của Thiếu Điển, khi đi chơi ở phía nam núi Hoa có đầu rồng thần cảm vào Nữ Đăng mà có thai sinh ra Viêm Đế, thân người đầu bò, lớn lên ở bên sông Khương, có đức thánh. Lấy hành hỏa dựa theo hành mộc, vị tại phương nam, chủ về mùa hạ, cho nên gọi là Viêm Đế, đóng đô ở đất Trần, làn cây đàn năm dây. Có cả thảy là tám đời, truyền cho Đế Thừa, Đế Lâm, Đế Minh, Đế Nghi, Đế Lai, Đế Ai, Đế Du Võng. Lại có người nói vốn nổi lên ở núi Liệt, có kẻ nói là người đời khen ngợi, còn gọi là họ Khôi Ngôi, đấy là Nông Hoàng, hoặc gọi là Đế Viêm. Bấy giờ chư hầu là họ Túc Sa làm phản không vâng mệnh, Viêm Đế bèn rút lui mà tu đức, người nước Túc Sa tự đánh vua của mình mà theo Viêm Đế, dựng đô ở đất Lỗ. Chồng đặt tám quẻ, tám nhân tám là sáu mươi tư quẻ. Làm vua một trăm hai mươi năm thì băng, táng ở Trường Sa.”

Tác giả Lí Phưởng thời Tống chép chi tiết về các đời Thần Nông: “Có cả thảy là tám đời, truyền cho Đế Thừa, Đế Lâm, Đế Minh, Đế Nghi, Đế Lai, Đế Ai, Đế Du Võng“, như ghi chép của người Việt, thì Đế Minh là cháu đời thứ 3 của Viêm Đế Thần Nông, tức trước đó có hai vị Đế tiền nhiệm, như ghi chép của người Hoa Hạ thì là Đế Thừa và Đế Lâm. Truyện của người Việt cho thấy sự kế thừa là từ Đế Nghi, Đế Lai, sang Đế Đu, không có Đế Ai như trong ghi chép của người Hoa Hạ. Về vị Đế cuối cùng, thì tên của người Việt và người Hoa Hạ có sự tương đồng, đó là Đế Đu ~ Đế Du Võng, nghe qua cũng thấy nhiều khả năng đây là cùng một tên nhưng ghi chép khác nhau.

Như vậy về các đời của họ Thần Nông trong cả ghi chép của người Việt và người Hoa Hạ khá tương đồng với nhau, dù có một số chi tiết khác nhau. Các tên của các vị đế trong họ Thần Nông đều có cấu trúc ngữ pháp là của người Việt, tới từ Đế đứng trước các tên, ngược với ngữ pháp của người Hoa Hạ, tiêu biểu là trường hợp của Hoàng Đế.

Sau đó, đã diễn ra cuộc chiến giữa họ Thần Nông và Hoàng Đế, cuộc chiến được ghi trong truyền thuyết của người Việt rõ ràng như chúng tôi đã phân tích ở trên, nhưng trong các ghi chép của người Hoa Hạ, thì câu chuyện lại trở nên phức tạp, cho rằng cuộc chiến này là của Thần Nông và Hoàng Đế, chứ không phải con cháu của ông.

Sử ký, Tư Mã Thiên, phần Ngũ Đế bản kỷ chép: “Hoàng Đế là con cháu của Thiếu Điển, họ Công Tôn, tên là Hiên Viên, sinh ra thần dị, chớm sinh biết nói, nhỏ thì thông minh, lớn thì đôn hậu, trưởng thành thì sáng suốt. Vào thời Hiên Viên, họ Thần Nông suy yếu, chư hầu xâm chiếm lẫn nhau, bạo ngược trăm họ, vậy mà họ Thần Nông không thể chinh phạt được. Bấy giờ Hiên Viên bèn dùng vũ lực, chinh phạt kẻ không đến chầu, chư hầu đều thần phục theo. Riêng Xi Vưu bạo ngược nhất, không ai đánh nổi. Viêm Đế muốn xâm chiếm chư hầu, chư hầu đều quy thuận Hiên Viên. Hiên Viên bèn sửa sang đức chính, chấn chỉnh quân đội, thuận theo khí của ngũ hành, gieo trồng ngũ cốc, vỗ về muôn dân, đo đạc bốn phương, huấn luyện gấu, beo, hổ, báo, tỳ, hưu, rồi cùng Viêm Đế đánh nhau ở cánh đồng Bản Tuyền, qua ba trận mới thắng. Xi Vưu dấy loạn, không theo lệnh vua. Vậy là Hoàng Đế liền trưng tập quân chư hầu, cùng Xi Vưu đánh nhau ở cánh đồng Trác Lộc, sau đó bắt Xi Vưu mà giết đi. Chư hầu đều tôn Hiên Viên làm thiên tử, thay họ Thần Nông, đây chính là Hoàng Đế.” [3]

Để xác định liệu cuộc chiến này thực sự đã diễn ra như thế nào, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về nguồn gốc của người Hoa Hạ, từ đó, sẽ thấy được bối cảnh thực sự của cuộc chiến này.

2. Nguồn gốc của tộc người Hoa Hạ và cuộc chiến Thần Nông – Hoàng Đế:

Các nghiên cứu di truyền đã xác định khá rõ ràng về nguồn gốc của người Hoa Hạ, họ có nguồn gốc từ người Khương trong vùng Cam Túc – Thanh Hải, xâm nhập vào vùng đồng bằng sông Hoàng Hà vào khoảng 5000-6000 năm trước.

Nghiên cứu của Su et al. 2000 [4] cho thấy người Khương là tổ tiên của ngữ hệ Hán Tạng. Theo nghiên cứu này, thì tổ tiên của dân cư Hán-Tạng ban đầu đến từ miền nam Đông Á (Su et al. 1999). Khoảng 20.000–40.000 năm trước, một quần thể có nhiễm sắc thể Y M122C chiếm ưu thế cuối cùng đã đến được thượng lưu và trung lưu sông Hoàng Hà.

Bản đồ hình thành và phân tán của ngữ hệ Hán-Tạng. [4]

Theo nghiên cứu của Zhao et al. 2010 [5], thì người Hán có một phần nguồn gốc từ người Khương, một nhóm các cư dân sống theo lối sống du mục ở vùng thượng nguồn sông Hoàng Hà, họ di cư vào vùng đồng bằng sông Hoàng Hà vào khoảng 5000-6000 năm trước. Người Khương cũng là nguồn gốc của các cư dân ngữ hệ Tạng-Miến với những cuộc di cư về phía Tây diễn ra khoảng 4000-5000 năm trước.

Nghiên cứu của Wang et al. 2014 [6] cho thấy người Hán được hình thành từ cuộc di cư của người Khương vào vùng đồng bằng sông Hoàng Hà vào khoảng 5000-6000 năm trước, theo dấu vết của haplogroup O3a1c-002611, họ đã di cư vào đây và dần dần hòa nhập với người bản địa (có thể là những quần thể có haplogroup C-M130 hoặc D-M174) để hình thành tộc người Hoa Hạ. Tổ tiên của người Hoa Hạ cũng di cư về phía Đông hình thành người Đông Di với dòng gen O3a1c-002611. Nghiên cứu này cũng cho thấy người Khương đã tiếp nhận nguồn di truyền rộng rãi từ người Bắc Á.

Như vậy, các nghiên cứu di truyền cho chúng ta thấy được nguồn gốc của người Hoa Hạ là từ người Khương trong vùng Cam Túc, Thanh Hải, xâm nhập vào vùng đồng bằng sông Hoàng Hà vào khoảng 5000-6000 năm trước. Nguồn gốc này tương đồng với các ghi chép của người Việt, trong ghi chép của người Việt, thì họ Thần Nông thời Đế Nghi trở về sau có địa bàn trong vùng đồng bằng sông Hoàng Hà, sau đó, đã diễn ra cuộc chiến tranh giữa Đế Đu, cháu 6 đời của họ Thần Nông và Hoàng Đế, với sự xâm nhập của tổ tiên người Hoa Hạ vào vùng đồng bằng sông Hoàng Hà. Hoàng Đế vì vậy, nhiều khả năng, chính là đại diện cho tộc Khương từ vùng Cam Túc, Thanh Hải, xâm nhập, đánh nhau với họ Thần Nông và cai trị vùng đất này, và từ đó, “họ Thần Nông bèn mất”.

Các nghiên cứu di truyền cho thấy một cơ sở vững vàng hơn trong các ghi chép của người Việt, ủng hộ rằng họ Thần Nông có liên hệ mật thiết với cư dân phía Nam như ghi chép của người Việt, câu chuyện Tư Mã Thiên viết theo xu hướng phức tạp hóa, biến Thần Nông và Hoàng Đế trở thành hai nhân vật có cùng không gian lịch sử và văn hóa, hẳn là có mục đích thống nhất hai tộc người, xóa nhòa không gian và bối cảnh lịch sử thực sự giữa hai nhóm dân cư của Thần Nông và Hoàng Đế.

Cư dân của Hoàng Đế di cư vào vùng đồng bằng sông Hoàng Hà đã cai trị và đồng hóa cư dân bản địa đông hơn để hình thành tộc người Hoa Hạ, việc họ nhận mình là con cháu của Viêm – Hoàng cũng không hẳn là sai, bởi một lượng lớn cư dân hình thành nên người Hoa Hạ vốn là con cháu của Viêm Đế Thần Nông bị đồng hóa, nên người Hoa Hạ cũng có thể nói là mang trong mình một phần nguồn gốc từ họ Thần Nông. Nhưng không vì vậy, mà Viêm Đế Thần Nông trở thành vị Tổ trực tiếp của người Hoa Hạ, vị Tổ trực tiếp của họ là Hoàng Đế, họ chỉ nhận Viêm Đế làm tổ của mình, vốn chỉ để hòa hợp hai nhóm dân cư có nguồn gốc khác nhau để hình thành nên ý thức tộc người của mình mà thôi.

II. Nguồn gốc và vai trò của Thần Nông trong văn hóa Việt và văn hóa Hoa Hạ:

1. Vai trò của Thần Nông trong hai nền văn hóa:

Cả trong văn hóa Việt và văn hóa Trung Hoa, thì Viêm Đế Thần Nông cùng là vị thần cai quản nông nghiệp. Truyền thuyết của người Việt chép một câu chuyện khá chi tiết về Thần Nông.

Truyện họ Hồng Bàng truyền trong dân gian chép: “Tục truyền rằng vua đầu nước ta hiệu Kinh Dương Vương và vua đầu Bắc quốc hiệu Đế Nghi là hai anh em, con ngài Đế Minh, cháu 3 đời Viêm Đế Thần Nông. Viêm Đế Thần Nông là vị thần coi về trồng trọt ngũ cốc cho loài người.

Một hôm Ngọc Hoàng thượng đế trông xuống cõi trời Nam, thấy trên mặt đất phần lớn là hoa quả, ít ngũ cốc, mới bảo Thần Nông rằng:

– Ta sắc chỉ sai nhà ngươi xuống trần gian giúp cho giống người da vàng trồng lúa làm lương ăn.

Thần Nông bèn hội họp con cháu kể lại sắc chỉ của Ngọc Hoàng. Đế Minh là cháu ba đời nói rằng: – Công việc mùa màng ở hạ giới rất vất vả. Vậy cháu xin đi thay.

Thần Nông khen Đế Minh là hiếu thảo, đưa cho hai hạt thóc, một để ăn, một để làm giống đem đi.

Đế Minh và vợ đáp mây lành xuống ở núi Nghĩa Lĩnh. Hàng ngày hai vợ chồng cập một hạt thóc lấy bột gạo ăn, còn chiếc vỏ trấu để lại, sau dân thờ làm trấu thần.

Lại nói việc dạy dân trồng lúa vùng cao thì ông bà con dậy họ phát nương đốt trà, chọc lỗ tra hạt (đao canh), vùng thấp thì đợi nước sông rút cạn, ruộng bãi đã thối ngấu cây cỏ, lấy trang cao mà đấy cho sục bùn, đều phẳng, rồi gieo giống thuỷ nậu). Lại dạy dân bỏ gạo vào ống tre đốt làm cơm mà ăn, bắt tôm cá làm mắm, dùng gừng giềng làm gia vị, chưng cất gạo lấy rượu uống; bắc gỗ làm nhà sàn để tránh hổ sói; cưới xin thì lấy gói đất làm đầu, giết trâu dê làm đồ lễ, nấu cơm nếp nhập phòng cùng ăn, sau đó mới thành thân. Đẻ có ra lấy lá chuối lót cho nằm. Khi có người chết thì giã cối làm hiệu để bản làng đến cứu giúp.” [2]

Trong các ghi chép của người Hoa Hạ, thì Viêm Đế còn nếm cây cỏ, làm thuốc chữa bệnh, làm đồ gốm, làm cày cuốc, dạy dân trồng trọt ngũ cốc.

Hoài Nam Tử chép: “Thời xưa người dân ăn rau uống nước, hái quả ở trên cây, ăn thịt loài sâu bọ, bấy giờ có nhiều cái hại độc bệnh tật. Do đó Thần Nông bèn dạy dân gieo trồng ngũ cốc, tìm chọn chỗ đất tốt, ẩm khô tốt xấu cao thấp ra sao, nếm mùi vị của các cây cỏ, uống mùi ngọt đắng của sông suối, làm cho dân biết được cái nên tránh nên dùng. Vào thời bấy giờ, mỗi ngày bị bảy mươi lần trúng độc.”

Dịch kinh – Hệ từ: “Thần Nông thị nổi lên, chặt gốc làm cái cuốc, đẽo gỗ làm cái cày, nêu rõ cái lợi của cày cuốc để dạy thiên hạ”.

Bạch hổ thông: “Người thời xưa đều ăn thịt cầm thú. Đến thời Thần Nông, người dân đông nhiều, cầm thú không đủ, đến đây Thần Nông dựa vào thời tiết của trời, chia lợi ích của đất, tạo ra cày cuốc, dạy dân trồng trọt”.

Thái bình ngự lãm dẫn Chu thư: “Thần Nông trồng trọt và làm ra đồ gốm”.

Sử kí – Bổ tam hoàng bản kỉ: “Thần Nông bắt đầu nếm trăm loại cỏ, bắt đầu làm thuốc chữ bệnh”.

Thế bản: “Thần Nông trộn thuốc cứu người”.

Hoài Nam Tử: “Nếm vị ngon của trăm loại cỏ, vị ngọt đắng của sông suối… một ngày mà nếm qua bảy mươi vị độc”.

Như vậy thì các ghi chép của người VIệt và người Hoa Hạ đều thống nhất về vai trò khai sáng nông nghiệp của Thần Nông, ngoài ra, thì ông cũng có vai trò mở mang nên hiểu biết về các cây thuốc, dạy dân làm đồ gốm, chỉ dạy các phương thức sinh sống cho người dân.

2. Nguồn gốc của Thần Nông:

Theo các ghi chép của Tư Mã Trinh và Lí Phưởng ở trên đã cho thấy nguồn gốc của Thần Nông là ở núi Liệt Sơn, đây là một địa điểm cách phía Bắc thành phố Tùy Châu, tỉnh Hồ Bắc 40km. Tại đây cũng là nơi có đền thờ Viêm Đế Thần Nông và rất nhiều di tích liên quan tới Thần Nông.

“Nhà cũ của Thần Nông”, có dựng hai chỗ ở động Thần Nông (một chỗ là cất giữ thóc lúa cỏ thuốc, một chỗ là nhà ở), còn có đình Thần Nông, tháp Thần Nông, miếu Thần Nông; ở phía nam núi dựng phòng trà Thần Nông, vườn hoa Thần Nông, đình Cửu Long và phía bắc núi có làm mấy chục chỗ như vườn trồng các loài cỏ, ao tắm của mẹ của Thần Nông là bà An Đăng. Vùng núi phía tây của tỉnh Hồ Bắc cũng có một chỗ gọi là “giá Thần Nông”, cũng có quan hệ với Thần Nông thị, vì theo truyền thuyết Thần Nông thị từng từng đến chỗ ấy đặt giá làm thuốc.

Trên núi Liệt Sơn, trong động Thần Nông vốn có bàn đá, ghế đá, bát đá và giường đá, theo truyền thuyết là đồ vật mà Thần Nông dùng. Núi Liệt Sơn còn có kiến trúc cổ như giếng Thần Nông, nhà Thần Nông, gác Thần Nông. Phía bắc thị trấn Lệ Sơn có một tấm bia “Viêm Đế Thần Nông thị”, còn giữ được đến ngày nay.

Đền thờ, động Thần Nông, quảng trường Thần Nông tại thành phố Tùy Châu, tỉnh Hồ Bắc. [Nguồn]

Như vậy thì các tư liệu lịch sử và các di tích đều đồng thuận về nguồn gốc của Viêm Đế Thần Nông là ở vùng trung lưu Dương Tử, có nguồn gốc từ phương Nam, cai quản cả hai vùng bắc Đông Á và nam Đông Á. Trong ghi chép trên, cũng có nhắc tới sông Khương, họ Khương, từ đó có nghiên cứu cho rằng ông gốc ở Thiểm Tây, nhưng việc kết nối sông Khương và họ Khương với vùng Thiểm Tây cũng chỉ là suy đoán, không đủ cơ sở để kết luận, các tài liệu tổng hợp cho thấy ông có nguồn gốc từ phương Nam, cai quản hai vùng Dương Tử và Hoàng Hà.

3. Các dân tộc vẫn thờ tự Thần Nông:

Hiện vẫn còn nhiều dân tộc có nguồn gốc tộc Việt vẫn giữ gìn tục thờ cúng Thần Nông và các phong tục cổ liên quan tới Thần Nông. Tiêu biểu nhất, là người Việt, trong vùng Bắc Giang, cư dân Việt nơi đây vẫn giữ lại nhiều phong tục cổ sơ thờ Thần Nông.

Đền Tam Đông Vọng, xã Lương Phong, Hiệp Hòa, Bắc Giang có tục thờ Thần Tri Nông gắn với nghi lễ cầu mưa. Hằng năm, ngày 10 tháng 10 âm lịch, dân làng tổ chức lễ hội truyền thống. Những năm hạn hán, làng lập đàn cầu đảo. Hội cầu đảo tổ chức ba ngày, cũng có năm chỉ làm lễ cầu đảo một hai ngày thì trời đã có mưa. Tu lễ cầu đảo bắt buộc phải có một con chó đen tuyền. Một cụ cao niên làm chúa hội có trách nhiệm điều hành nghi lễ và cầm mõ đi rao từ đầu làng đến cuối làng. Chúa hội đi trước đánh mõ rao, dân làng đi theo sau. Sau khi đánh một hồi ba tiếng mõ thì lại rao: “Hội hội chúa hội đi rao/ Đồng điền hạn hán khô khan/ Xin ông bà Tri Nông bát nước/ Đầy đồng cho con họ làm ăn/ Cho phong điều vũ thuận”. [7]

Lễ hội Y Sơn, xã Hòa Sơn, huyện Hiệp Hòa có tục rước bông dò làm lễ tạ ơn Thần Nông. Bông dò là những thanh tre bánh tẻ được vót thành những bông hoa cắm vào cây chuối, bên cạnh bông hoa dò buộc một bông lúa nếp dài, hạt mẩy đều và một củ ấu làm từ lá dứa dại. Mỗi giáp trong làng phải chuẩn bị mười cây bông dò. Sau khi rước voi, ngựa, nồi hương là nghi lễ rước dò vào nhà Hội làm lễ tạ ơn Thần Nông. [7]

Cây bông dò tạ ơn Thần Nông trong lễ hội Y Sơn, Hiệp Hòa.

Trong quan niệm của các dân tộc Tày, Nùng, Thần Nông là vị thần phụ trách việc nông trang, thần định ra thời vụ và giữ nước cho mùa vụ. Thần có ý nghĩa rất quan trọng đối với đời sống sản xuất gắn liền với nông nghiệp của các cư dân. Hàng năm, các dân tộc đều tổ chức những nghi lễ trang trọng thờ cúng Thần Nông để cầu mong mưa thuận gió hòa, bớt thiên tai. [8]

III. Kết luận:

Như vậy, các tài liệu đã cho thấy Viêm Đế Thần Nông có nguồn gốc từ phương Nam, cụ thể là từ tỉnh Hồ Bắc, hiện nay vẫn còn nhiều di tích liên quan tới Viêm Đế Thần Nông trong vùng đất này. Viêm Đế Thần Nông làm chủ hai vùng bắc Đông Á và nam Đông Á, tức vùng Dương Tử và Hoàng Hà, truyền qua 8 đời, về cơ bản đều có sự thống nhất về tên gọi trong cả ghi chép của người Việt lẫn người Hoa Hạ, các tên gọi đều mang ngữ pháp Việt với từ Đế đứng trước tên, cho thấy nguồn gốc phương Nam của họ.

Hoàng Đế là tổ tiên trực tiếp của người Hoa Hạ, có nguồn gốc từ người Khương trong vùng Cam Túc, Thanh Hải xâm nhập vào vùng đồng bằng sông Hoàng Hà vào khoảng 5000-6000 năm trước. Vị Đế cuối cùng của họ Thần Nông là Đế Đu (hay Đế Du Võng trong ghi chép của người Hoa Hạ) đã đánh nhau với Hoàng Đế đại diện cho người Khương tại trận Bản Tuyền, thua trận, khiến họ Thần Nông biến mất, sự kiện này cũng dẫn tới sự hình thành của tộc người Hoa Hạ trong vùng đồng bằng sông Hoàng Hà. Vị Tổ trực tiếp của người Hoa Hạ là Hoàng Đế, họ nhận Viêm Đế làm Tổ của mình, nhiều khả năng, là để thống nhất hai nhóm dân cư có nguồn gốc khác nhau để hình thành nên tộc người của mình.

Có thể kết luận lại, Viêm Đế Thần Nông có nguồn gốc từ phương Nam, họ Thần Nông gắn bó và liên hệ mật thiết với cư dân phía Nam sông Dương Tử, không phải là Tổ trực tiếp của người Hoa Hạ, người Việt vì vậy không phải “nhận vơ” Thần Nông, mà ngược lại, người Hoa Hạ đã nhận họ Thần Nông của người Việt và tộc người liên quan tới người Việt khi chiếm đóng và đồng hóa cư dân của họ Thần Nông.

Xin cảm ơn một số bản dịch và thông tin của dịch giả Tích Dã được chúng tôi sử dụng để thực hiện bài viết này.

Tài liệu tham khảo:
[1] Trần Thế Pháp, Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪, bản dịch Lê Hữu Mục, nhà sách Khai Trí (1960).
[2] Vũ Kim Biên biên soạn (2008), Truyền thuyết Hùng Vương – Thần thoại vùng đất Tổ, Sở văn hóa thông tin Phú Thọ xuất bản.
[3] Tư Mã Thiên. Sử Ký. I. Bản Kỷ. Quyển 1: Ngũ Đế Bản Kỷ. Nhà xuất bản Văn học, 2014, tr. 31.
[4] Su, B., Xiao, C., Deka, R. et al. Y chromosome haplotypes reveal prehistorical migrations to the Himalayas. Hum Genet 107, 582–590 (2000). https://doi.org/10.1007/s004390000406
[5] Zhao YB, Li HJ, Li SN, Yu CC, Gao SZ, Xu Z, Jin L, Zhu H, Zhou H. Ancient DNA evidence supports the contribution of Di-Qiang people to the han Chinese gene pool. Am J Phys Anthropol. 2011 Feb;144(2):258-68. doi: 10.1002/ajpa.21399. Epub 2010 Sep 24. PMID: 20872743.
[6] Wang, C. C., Wang, L. X., Shrestha, R., Zhang, M., Huang, X. Y., Hu, K., Jin, L., & Li, H. (2014). Genetic structure of Qiangic populations residing in the western Sichuan corridor. PloS one, 9(8), e103772. https://doi.org/10.1371/journal.pone.0103772
[7] Đồng Ngọc Dưỡng, Tục thờ Thần Nông. baobacgiang.com.vn/bg/dulichbg/tu-lieu-bac-giang/272988/tuc-tho-than-nong.html
[8] Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số vùng trung du và miền núi phía Bắc trong bối cảnh hiện nay. http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/tin-tuc/45132/giu-gin-va-phat-huy-gia-tri-van-hoa-dan-toc-thieu-so-vung-trung-du-va-mien-nui-phia-bac-trong-boi-canh-hien-nay.html
Minh họa: Jerry II.




VVM.23.9.2023 - Lược Sử Tộc Việt .

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .