BIỂN ĐÔNG
TRONG DÒNG SINH MỆNH VIỆT TỘC
K hoảng 60.000 năm trước cho đến nay, trái đất đã trải qua nhiều giai đoạn nóng và lạnh xen kẽ nhau. Mực nước biển dâng lên hạ xuống nhiều lần, sai biệt tới 150m. Khi băng đá hai cực địa cầu tan, nước biển dâng nhanh.
Hàng trăm dặm vuông lục địa đã bị ngập dưới biển Đông. Diện tích đất đai giảm, mật độ dân số gia tăng. Dân cư sống rải rác ở các vùng đất thấp rộng lớn Sunda, chuyển về vùng lục địa, đồi núi Đông Nam Á. Trong đó có nhóm dân cư là tiền nhân của người Bách Việt, xuất hiện nền Văn hóa Hòa Bình.
Khảo cổ học Việt Nam mấy chục năm qua đã làm sáng tỏ sự phát sinh và phát triển tại chỗ của nền văn minh châu thổ sông Hồng, với bề dày thời gian diễn tiến của nó.
20.000 năm trước, nền văn hóa Hòa Bình và Đông Sơn của Việt Nam là những nền văn hóa đầu tiên của nhân loại, tỏa khắp nơi bằng đường hàng hải.
Nước Văn Lang là quốc gia đầu tiên được thành lập sớm nhất ở Đông Nam Á. Hình ảnh chiến binh và chiến thuyền ghi khắc trên Trống Đồng gần 3.000 năm trước cho thấy rõ sự hiện hữu của một lực lượng thủy quân có tổ chức chặt chẽ và lâu đời nhất thế giới trên đất nước Việt Nam.
Trống Đồng Ngọc Lũ có sáu hình thuyền gần giống nhau. Đầu và đuôi thuyền có hình bánh lái. Mũi thuyền có hình chiếc mỏ neo. Đầu thuyền trang trí nhiều hình kỳ lạ.
Số người trên thuyền chia ra năm loại công việc: người đánh trống chỉ huy, người bắn cung, người cầm vũ khí, cán giáo, rìu, những thủy binh đánh xa, người cầm lái, có cả tù binh bị bắt và chú chó giống như chó săn… Gầm sàn thuyền bốn nơi, mỗi nơi có hình Trống Đồng.
Đó là cuộc sống thủy sinh của Việt tộc với “Văn hóa Nước” từ thuở bình minh của nhân loại.
Ông Nhượng Tống dịch giả sách “Đại Việt sử ký toàn thư ngoại kỷ” của Ngô Sĩ Liên và các sử thần đời Lê (năm 1944) đã nhận định rằng người Bách Việt là giống dân Bách Việt chia ở hai miền: miền núi và miền biển.
Cố giáo sư Trần Quốc Vượng viết: “Với Giáo Khẩu ở Cửa Lục (vịnh Hạ Long) với Cái Bèo trên đảo Cát Bà (Hải Phòng) và với Bàu Dũ của xứ Quảng, ta có thể và cần phải nói đến một văn hóa- hay một phức thể Văn hóa Hòa Bình. Không chỉ một Hòa Bình hang động hay một Hòa Bình thung lũng, mà còn có một Hòa Bình cồn bàu ven biển”.
Học giả Vũ Hữu San đã dày công nghiên cứu về Hàng Hải và Rễ bản địa của Dân Tộc khẳng định sự liên tục trong tiến trình hàng hải của dân tộc ta qua phương pháp nghiên cứu nguồn gốc Việt tộc ngay trên mảnh đất, dòng sông, cánh đồng, biển, hải đảo Việt Nam hiện tại.
Bài viết này chúng tôi dùng nhiều tư liệu của học giả Vũ Hữu San.
Việt Tộc trong địa hình Đông Nam Á
Nước ta ở vào vị trí quan trọng của vùng Đông Nam Á, nằm trên ngã tư các đường giao thông Bắc- Nam, Đông- Tây giữa đại lục, biển và hải đảo.
Do vị trí địa lý đó, Tổ Tiên ta có điều kiện mở rộng giao lưu văn hóa, kinh tế bằng đường sông, biển, hình thành “Văn hóa Nước” phong phú, quả cảm, lan tỏa, khôn ngoan… để tồn tại, phát triển và chống giặc ngoại xâm liên tiếp từ phương Bắc.
Trước khi Trung Hoa xâm chiếm phương Nam, nhiều bộ tộc gọi chung là Bách Việt đã sinh sống tại duyên hải Trung Hoa. Địa bàn Việt tộc nằm trên các vùng châu thổ những con sông Hoài, Dương Tử, Tây Giang, sông Hồng, sông Mã và bờ biển Tây Thái Bình Dương bao bọc. Biển cả trải dài, ngoài chân trời và tầm hiểu biết của con người, thôi thúc họ vượt đại dương. Hầu hết các phát minh thuyền, bè, buồm, chèo, lái… của nhân loại ngày nay đều có gốc rễ từ Việt Nam và bán đảo Đông Dương.
Nước Việt Nam và Biển Đông của chúng ta nằm đúng khu Trung ương của Đông Nam Á. Chính nơi đây vào cuối thời Băng Đá, trước khi nước biển dâng lên, làm ngập vùng đất thấp Sundaland, một cuộc di dân từ biển vào bờ đã xảy ra. Những người dân “Nước” đầu tiên theo các dòng sông Hồng, sông Mã, sông Mê Kông chạy vào đất liền.
Trên đất Việt Nam, nền văn hóa Hòa Bình phát khởi. Tiến trình đó liên tục từ thời Đồ Đá, sang Đồ Đồng, rồi rực rỡ với nền văn hóa Đông Sơn vào thế kỷ thứ nhất trước CN.
Lãnh thổ Việt Nam không nằm sâu trong nội địa, mà nằm cạnh biển Đông. Việt Nam là quốc gia độc nhất trong đất liền nhiệt đới, một phần duyên hải mang tính chất riêng biệt của hải đảo. Bờ biển trải dài ôm trọn đất Việt Nam như lòng Mẹ. Bờ biển lồi lõm Trung Việt có đặc tính rõ rệt của hải đảo nhiều hơn đặc tính thuộc về lục địa.
Văn hóa người Việt Nam là khí chất, nếp sống, tình cảm, tư tưởng, trí tuệ, hành động… chuyên về nông nghiệp lúa nước và hàng hải. Khác biệt hẳn với người Tàu sống sâu trong lục địa.
Nước Việt Nam nằm trên một bán đảo có nhiều châu thổ thấp ở về phía cực Đông Nam của lục địa Á Châu. Quanh năm khí trời ấm áp. Ánh nắng mặt trời chan hòa, mưa nhiều. Hai mùa gió Đông- Bắc, Tây- Nam, đối nghịch, chở theo hai mùa nắng mưa rõ rệt.
Trên có rừng trùng điệp, mở nhiều lối đi. Dưới có đường biển mênh mang, thuyền bè lướt qua nhiều xứ sở. Không có vùng đất nào trên thế giới có địa hình sông, núi, biển, khí hậu tuyệt vời như vậy.
Đất và Biển Đông của Việt Nam là cơn khát xâm lăng vô cùng vô tận của Trung Hoa suốt nhiều nghìn năm đến nay. Không bao giờ dứt.
Những dấu tích còn lại của Tổ tiên chúng ta trên lãnh thổ Việt Nam hiện nay đủ chứng minh rằng giống Bách Việt là một chủng tộc rất cổ xưa, đồng thời là một chủng tộc tiên tiến trong các hoạt động hàng hải. Tính chất văn minh rực rỡ là trồng lúa nước và hàng hải.
Hoạt động buôn bán ở biển Đông và Đông Nam Á thời cổ đại, Trung đại và là “Con đường tơ lụa” hay “Con đường gốm sứ” trên biển Đông…
Ngày nay chúng ta cảm động khi nhìn những cổ vật tìm thấy trên di chỉ con tàu đắm ngoài khơi Cù Lao Chàm. Những chiếc chén bát, bình lọ, đĩa, đất nung… thân thương đã kể chuyện những thăng trầm sóng nước của hồn Đại Việt trên “Con đường Gốm sứ mậu dịch cảng biển Hội An”.
Số lớn đồ gốm Việt Nam niên đại XV- XVI, được sản xuất ở các lò gốm Bắc Việt Nam (Chu Đậu, Bát Tràng...) cho thấy đó là hàng mậu dịch và đó là một chiếc tàu buôn Việt Nam đang giương buồm đi về phía Nam đến vùng Cù Lao Chàm.
Con tàu đã gặp tai nạn và chìm xuống biển. Vì sao vậy? Bão. Sóng. Hải tặc? Sau khi đắm, thân tàu đã nhanh chóng chìm vào lớp bùn biển, nên một phần thân hoặc lườn tàu vẫn còn nguyên vẹn.
Những đồ gốm này được xác định là hàng xuất khẩu mà con tàu đang chở đến các nước Đông Nam Á.
Từ xa xưa “Hải trình ven bờ” vẫn thường được người Việt sử dụng. Vì thủy thủ có thể nhận ra vị trí của con tàu của mình nhờ các vật chuẩn ven bờ.
Những người trên con tàu đắm đã chống chọi ra sao? Phút tuyệt vọng cuối cùng họ đã nghĩ gì? Họ nói lời từ giã thế gian trong cơn hoảng loạn… Nước biển mặn mòi đã rửa bụi trần gian để linh hồn họ bay lên, kết thành “Hồn Nước linh thiêng” truyền tiếng nói cha ông gửi kiếp sau: “Những con tàu của chúng ta mong manh trong bão tố, biển động, sóng đời xô lật... Nó vẫn cứ đi, chuyên chở những đồ vật tinh túy do bàn tay Việt làm ra, buôn bán cho loài người đây đó. Nếu không có những cuộc ra biển mạo hiểm như thế, bao giờ người Việt mới nhìn thấy chân trời rực sáng? Các con hãy đóng tàu lớn mà ra biển lớn. Đừng sợ. Có vượt biển mới biết loài người tiến bộ ra sao? Họ sống hạnh phúc thế nào? Hãy học họ cách sống làm người tự do trong trời đất.”
Hải quân và nếp sống Thủy sinh
Học giả Vũ Hữu San khẳng định: “Hải- Sử nơi chất chứa những truyền thống cực kỳ quan yếu của dân tộc Việt Nam”.
Hải- Sử là một ngành khoa học được khai sinh từ lâu tại các nước Âu- Mỹ. Ở Việt Nam, khái niệm Hải- Sử ít được nói tới. Cũng chưa có một cuốn Sử nào ghi chép các sinh hoạt thủy sinh. Văn học Việt Nam xưa, nay thiếu vắng hình tượng Hải quân.
Song những huyền thoại, cổ tích, truyền thuyết, cổ vật, đền miếu, phong tục Việt Nam khắc ghi gốc rễ hàng hải sâu đậm, truyền kỳ sức sống Cha Mẹ Rồng Tiên.
Nguồn gốc dân tộc Việt. Bọc trăm trứng năm mươi con lên núi, năm mươi con xuống biển. Cha Lạc Long Quân là người của biển cả. Dân Văn Lang làm nghề chài lưới. Vua bảo dân lấy chàm vẽ mình để thủy quái không xâm hại…
Tiên Dung con gái vua Hùng lấy chàng đánh cá nghèo không khố che thân, cùng dân kiếm cá tôm trên sông, biển, lập phố, thương mại biển, dựng đền dài, cung điện, chữa bệnh, trồng lúa và tu Phật… sáng tạo cuộc sống dân dã tự do, dân chủ, an hòa, xây nền văn hiến Việt Nam. Không chịu ảnh hưởng cung đình vua cha và văn hóa Tàu.
Những con người Bách Việt, đời nối đời, đã sống cùng sông biển, gửi thông điệp thủy sinh vào Nước: Sơn Tinh, Thủy Tinh; An Dương Vương; Mai An Tiêm; Trâu vàng Hồ Tây; Đền Độc Cước Thanh Hóa; Đầm Dạ Trạch…
Đó chính là cuộc sống thủy sinh từ thuở bình minh nhân loại, gắn với sinh mệnh Việt tộc muôn đời.
Hai từ “Đất Nước” lấp lánh đôi môi người Việt chở mạch nguồn biển Đông- sinh mệnh sự sống Việt Nam.
Trong đời sống người Việt hôm nay những kinh nghiệm truyền thống về sông biển của Tổ tiên luôn hiện diện. Bờ biển Việt Nam từ xưa đến nay là nơi qui tụ nhiều kiểu ghe thuyền, bè, tàu phong phú hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới. Kiến trúc tàu thuyền bè Việt Nam độc đáo và đã đạt đến trình độ kỹ thuật cao ngay từ thời cổ.
Nền văn hóa Nước cổ xưa đã trở thành cách ứng xử minh triết của dân tộc Việt “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Đó là triết lý sống, cách tư duy uyển chuyển, năng động, hài hòa của nước, khế hợp với vạn vật và quy luật vũ trụ.
Ngày nay, nhân loại ngưỡng mộ văn hóa Nước của cư dân đồng bằng Nam Bộ. Những đường nước mở bốn phương tám hướng. Người dân vui sống lao động, nuôi thủy sản, chợ búa, vui chơi tưng bừng trên sông nước, kênh rạch, nối dài ra biển cả, đi tới năm châu bốn bể.
Du khách thỏa thuê du thuyền trên những con đường nước Nam Bộ, gió mênh mang, ngắm người trên các loại ghe thuyền đi lại, mua bán, vận chuyển, họp chợ, hò hát, đờn ca… mà vui cùng các “anh Hai Nam Bộ” hay các “công tử Bạc Liêu”.
Mở từng trang sử, tìm hình bóng cha ông từ cổ đại, đến Đinh, Lý, Trần, Lê, Mạc, Nguyễn đến nay… đã vượt rừng, xuyên biển, mở nước về phương Nam, xây nên một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, độc đáo Việt Nam.
Nước dẫn đường cho người Việt làm nên những đồng bằng. Từ đồng bằng sông Hồng, sông Mã đến đồng bằng sông Đồng Nai, sông Cửu Long.
Những cánh đồng lúa nước phì nhiêu. Những kênh rạch chằng chịt tạo ra chân trời lúa, chân trời nước, chạm đường mây thênh thang của đồng bằng Nam Bộ thật kỳ thú, mênh mang, mở lòng người rộng bao la. Khí phách hào hùng như triều cường, sóng lớn.
Người viết bài này mãi mãi khắc ghi một lần trong đời được rẽ đường nước vượt gió ra Đất Mũi. Bước chân xuống chiếc xuồng nhỏ, bốn bề sông nước chơi vơi, gió tơi bời bốn phía, tôi hơi ngợp. Xuồng rẽ nước phóng vào không gian như một mũi tên. Gió thơm hương rừng đước, rừng mắm, hương bùn đất mặn mòi, hương sông ngòi, kênh rạch, hương bếp từ những mái nhà lợp lá dừa nước bám chênh vênh hai bên bờ nước… Hơi nước ủ hương thơm ấy phả táp vào thân thể tôi, làn da bừng lên sự sống linh diệu. Tâm hồn tôi thênh thang tình yêu nước, yêu người, yêu cỏ cây hoa lá giữa nước, trời vô tận…
Chúng tôi đặt chân lên mảnh đất thiêng liêng tận cùng phía Nam Tổ quốc. Nắng vỡ oà. Gió vỡ oà. Nỗi xúc động vỡ oà lồng ngực. Ngồi trên ngôi nhà du lịch hai tầng vừa được xây trên mỏm đất tận cùng Tổ quốc thiêng liêng mà ngày nào bạn cũng nhìn thấy nó trên bản đồ, phóng tầm mắt ra bốn phương trời đất, nghe gió nắng rì rào, biển Đông ca hát, cảm thấy mình như đang bay. Phía Tây là biển vịnh Thái Lan, Campuchia, phía Nam là Philippin, Malasia, phía Đông là Bà Rịa, Vũng Tàu, Côn Đảo…
Biển Đông bao quanh chúng ta. Người dân các nước Đông Nam Á vui sống bên chúng ta nơi Biển Đông không chia cắt.
Hải Quân và sức mạnh Thần kỳ
Theo một số học giả danh từ “Việt” có nghĩa là tiến lên, vượt lên. Tổ Tiên ta đã không ngừng tiến lên, giữa sông dài, biển rộng, đồng lúa nước mênh mông.
Người Tàu xa xưa rất run sợ trước những chuyến hải hành xuyên dương. Họ sợ bị cướp, bị giết, sợ chết đuối, sợ gió to, sóng lớn, sợ phải xa nhà lênh đênh. Trong khi đó, sử sách Trung Hoa ghi chép nhiều về chi tiết hoạt động thương mại hàng hải của người Bách Việt.
Huyền thoại Việt đã khắc họa hình bóng thần kỳ của hải quân Việt Nam. Trong giai đoạn 60.000 năm trước đến khi vua Hùng dựng nước Văn Lang, chiến binh hải quân đã xuất hiện giữa sóng lừng biển Đông. Vua Rồng Lạc Long Quân từ biển vào bờ, sinh cơ lập nghiệp, định quốc an dân. Lạc Long Quân là vị anh hùng văn hóa lớn nhất của tộc Việt. Sức mạnh lẫy lừng từ biển vào sông, diệt “Ngư tinh”, “Mộc tinh”, “Hồ tinh”, khai sáng vùng châu thổ sông Hồng, dạy dân trồng lúa, rau khoai. Lạc Long Quân- vị anh hùng dân tộc đầu tiên chống giặc phương Bắc cứu dân, bảo toàn lãnh thổ biển, sông, núi, cánh đồng riêng cho con cháu.
Người Việt cổ đã khai mở những đường thuyền nhân di tản. Áp lực của dân Tàu và sự bành trướng xâm lăng của Trung Hoa trên lãnh thổ Việt, đã buộc những người Việt hiền hòa phải ly hương, chạy ra các đảo Đông Nam Á và lang bạt tận châu Phi, Mỹ châu.
Sử gia D.G.E. Hall nhận xét về người Việt thời Hùng Vương: “Dân thuộc văn hóa Đông Sơn phát triển cao độ khả năng hàng hải và kiến trúc tàu bè. Họ là những nhà hàng hải gan dạ với số vốn hiểu biết nào đó về Thiên văn học”.
Nhiều nhà nghiên cứu phương Tây kết luận những kiểu mẫu kỷ hà đặc biệt của Đông Sơn tìm thấy ở vùng Sepik, quần đảo Admiralties, New Ireland và Trobriand Islans.
Khảo sát Văn hóa Đông Sơn , nhiều học giả Đông- Tây đồng tình rằng: “Các hình vẽ và trang trí trên trống đồng Đông Sơn luôn luôn tạo nên ý tưởng về những biểu tượng của nghệ thuật hàng hải. Đồng thời minh chứng một cách không thể lầm lẫn về tầm ảnh hưởng của một thế lực dựa trên căn bản của biển cả”.
Chứng tích sớm nhất về chiến công của Thủy quân Văn Lang được ghi tạc qua một ngôi đền ở Thanh Hóa. Sau chuyến viễn chinh chiến thắng giặc vùng duyên hải phía Nam, một vị vua Hùng đã cho đúc trống đồng kỷ niệm chiến tích thủy quân và lập đền thờ Đồng Cổ trên núi Tam Thai xã Đan Nê.
Gần 3.000 năm trước, vùng châu thổ chưa được phù sa bồi đắp, sông ngòi, ao hồ, đầm lầy khắp nơi. Núi chắn, sông ngăn, biển dạt dào. Nhà vua từ kinh đô Phong Châu muốn viễn chinh tiễu trừ giặc miền Trung chỉ có một phương tiện duy nhất là chiến thuyền thủy quân trên biển Đông.
Các chiến thuyền thời Hùng Vương với nỏ thần được ghi lại rất rõ trên nhiều chiếc trống đồng. Nỏ Thần đặt trên Pháo tháp là thượng tầng kiến trúc của chiến thuyền. Pháo tiễn liên hoàn rất lợi hại, tầm nhìn xa, bắn tên đồng. Cánh nỏ và mũi tên lớn.
Thời kỳ nước Âu Lạc của An Dương Vương. Thủy quân được tổ chức qui mô hơn. Bao quanh thành Cổ Loa có ba con hào thông nhau, thông với sông Hoàng Giang, sông Hồng, sông Cầu, Lục Đầu Giang để tiến ra biển Đông.
Thủy quân thời Trưng Vương chiến tích lẫy lừng, được thờ trong các đền Rồng Rắn và các lễ hội nước.
Thủy quân Dạ Trạch và chiến thuật du kích trên biển, sông, rạch, âm vang chiến tích, ứng dụng từ thế kỷ V đến thế kỷ XXI.
Sông Bạch Đằng là một nhánh sông dài hơn 20km đổ ra biển thuộc Quảng Ninh, gần Thủy Nguyên Hải Phòng. Nước sông nhuộm đỏ máu quân thù, ghi công Ngô Quyền chống quân Nam Hán, chiến công Lê Hoàn chống quân Tống, Trần Hưng Đạo chống Nguyên Mông. Trương Hán Siêu viết Bạch Đằng Giang Phú:
“Sông Đằng một giải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”
Trần Hưng Đạo- người anh hùng được nhân dân phong Thánh, hào khí kiệt xuất tỏa vạn niên, chiến thuyền Lục Đầu Giang:
“Vạn Kiếp núi lồng hình kiếm dựng
Lục Đầu vang dội tiếng quân reo”
Hình tượng người lính thủy Việt Nam trên đảo Trường Sa, Hoàng Sa thế kỷ XX- XXI. Người đã chết và người còn sống vẫn đang ngày đêm thi gan cùng kẻ thù, giữ biển đảo Việt Nam, là sức mạnh Thủy quân thần kỳ, hiển hách của chúng ta hôm nay.
Sức mạnh thủy quân Việt Nam hiện đại trên đảo Trường Sa, Hoàng Sa tụ linh thiêng khí phách thủy sinh Việt tộc:
Đảo này có tự bao đời
Những ngư dân mở chân trời mưu sinh
Đảo này sâu nặng ân tình
Bao người lính đã hy sinh giữ gìn
Dấu chân trên đảo còn in
Vẫn hiên ngang một dáng hình quê hương
(Bùi Văn Bồng)
Người Việt vượt sóng đè bão tố
Trong những chiến công hiển hách của Tổ Tiên, phải kể đến những cuộc di tản buồn từ khi nước Tàu bành trướng, lãnh thổ Bách Việt bị xâm lăng.
Các nhà nghiên cứu phương Tây khẳng định hàng ngàn năm trước, người Việt từng xuyên dương tị nạn. Họ sang Mỹ khoảng 3.000 năm trước CN. Nước ngoài đã tìm thấy khá nhiều chi tiết liên hệ đến văn minh Đông Sơn. Người Việt trốn chạy người Tàu xâm lược, cai trị dân tàn ác, bằng thuyền vượt biển, đã mang ảnh hưởng văn hóa Việt, văn hóa Á Đông đi khắp nơi. Cuộc di tản chỉ ngưng lại vào thế kỷ X, khi người Việt Nam đạt được quốc gia độc lập ở vùng châu thổ sông Hồng, sông Mã.
Những thiên niên kỷ trước CN, người Việt theo nghề hàng hải đã giao thương nhiều nơi trên biển.
. Đường biển đi Đông Nam Á và Tây Bá Lợi Á.
. Đường biển tới Úc châu và Tân Tây Lan
. Hải trình đi Hồng Hải và Địa Trung Hải
. Đường biển tới Phi Châu
. Đường biển tới Mỹ Châu
Người Tây phương kính phục và ngưỡng mộ tài đi biển và lòng quả cảm phi thường của người Việt trước biển khơi sóng dữ.
Nhà hàng hải George Windsor Eart viết trong sổ nhật ký của ông trên đường dẫn lộ một chiếc thương thuyền đến Singapore vào đầu thế kỷ XVIII:
“Bão táp thật dữ dội ngoài biển khơi, thiếu chút nữa thì thương thuyền của chúng tôi bị gẫy đổ cả cột buồm. Thời tiết đã tiếp tục xấu như thế trong nhiều ngày. Vậy mà khi đang thận trọng dẫn tàu vào eo biển, chúng tôi chợt nhận ra sáu chiếc thuyền nhỏ của người Việt Nam đang giương hết mọi cánh buồm, cứ thản nhiên như không, tiến thẳng tới trước. Mấy người mại bản Trung Hoa đi trên tàu chúng tôi, đứng sững sờ ngắm nhìn những dàn buồm no gió một hồi.
Tài ba của họ không thua kém bất cứ một thủy thủ đoàn hạng nhất nào của toàn khu vực Âu Châu. Đoàn thuyền bé tí teo đó không có một chiếc nào vượt quá 50 tấn. Vậy mà những người đi biển này có thể đè bẹp cả sóng gió biển Đông vào giữa mùa bão tố”.
Ông còn viết thêm về tâm hồn tính cách những người thủy thủ Việt Nam này:
“Thật thú vị khi được quen biết với những người Việt Nam này. Tính tình họ năng động, ngôn từ lại hoạt bát. Khi đến buôn bán ở Singapore, họ đã phải khéo léo trong sự cạnh tranh. Hoàn cảnh sinh hoạt của họ thật sự khó khăn vì chính sách bế quan tỏa cảng của triều đình Việt Nam. Họ rất can đảm khi xuất dương. Thuyền của họ lại không trang bị vũ khí và như thế là miếng mồi ngon cho hải tặc”.
Thuyền trưởng John White là một trong những nhà hàng hải Hoa Kỳ đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1802. Ông thăm thủy xưởng hải quân Sài Gòn, nhận xét người Việt Nam là những nhà kiến trúc tàu bè có khả năng kỹ thuật cao nhất, hoàn tất công việc thật chính xác. Ông rất ngạc nhiên là những hải xưởng Việt Nam thời đó có đầy đủ vật liệu cho kiến trúc đến cả loại tàu lớn nhất. Ông hiểu rằng rừng Việt Nam có những loại gỗ dùng đóng tàu thuyền tốt nhất thế giới.
Cánh Buồm Ngược Gió
Càng hiểu sâu dòng dõi nguyên thủy của cộng đồng Bách Việt, chúng ta càng thấm thía rằng Tổ Tiên ta đã tạo dựng một nền văn minh kỳ diệu, phong phú của sông biển, núi đồi, đồng ruộng. Không phải dân tộc nào cũng có được. Nền văn minh đó đã bị đánh cắp, xuyên tạc và lãng quên.
Để giữ được bản sắc của mình, Tổ Tiên ta đã phải hành trình ngược sóng, ngược gió, ngược về phương Mặt Trời, tránh xa phương Bắc.
Con cháu Việt tộc ngày nay, tiếp tục hát vang bài ca ấy:
Cánh Buồm Ngược Gió
Chim Lạc ngược chiều kim đồng hồ
Cánh buồm cổ, thuyền nhân ngược gió
Hải hành mãnh liệt khắp thế gian
Biển Đông nôi thủy sinh Bách Việt
Dắt cháu con hướng phía Mặt Trời
Vạn lý xuyên dương đè bão tố
Bóng hải quân lừng lẫy thần kỳ
Biển lùi, biển tiến… văn hóa Nước
Sông Hồng, sông Mã vui chài lưới
Minh triết cuộc hành trình lúa rau
Kinh Dịch, Trống Đồng mật mã truyền.
(Mai Thục)
Và mãi mãi muôn sau, con cháu Rồng Tiên nắm tay nhau, nguyện thề non nước:
Thề Non Nước
Nước non nặng một lời thề
Nước đi, đi mãi không về cùng non
Nhớ lời nguyện nước thề non
Nước đi chưa lại non còn đứng không
Non cao những ngóng cùng trông
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày
Xương mai một nắm hao gầy
Tóc mây một mái đã dày tuyết sương
Trời Tây ngả bóng tà dương
Càng phơi vẻ ngọc nét vàng phôi pha
Non cao tuổi vẫn chưa già
Non thời nhớ nước, nước mà quên non
Dù cho sông cạn đá mòn
Còn non còn nước hãy còn thề xưa
Non cao đã biết hay chưa
Nước đi ra bể lại mưa về nguồn
Nước non hội ngộ còn luôn
Bảo cho non chớ có buồn làm chi
Nước kia dù hãy còn đi
Ngàn dâu xanh tốt non thì cứ vui
Nghìn năm giao ước kết đôi
Non non nước nước chưa nguôi lời thề.
(Tản Đà)