Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        


MỘT SỐ BÀI HỌC VỀ NHÂN QUẢ
QUA KINH VU LAN BỒN

  


T háng 7 Âm Lịch hàng năm được những người theo Đạo Phật gọi là MÙA VU LAN. Vào Mùa này, hầu hết Phật Tử muốn báo hiếu cho cha mẹ đã qua đời thường noi gương Đại Hiếu Mục Kiền Liên, sắm sanh lễ vật cúng dường Chư Tăng, vì theo lời Kinh, Mẹ của Mục Kiền Liên là Bà Thanh Đề, làm nhiều việc ác, sau khi chết phải đọa Địa Ngục, nhờ vào sức chú nguyện của Chư Tăng mà được sinh lên cõi trời.

Thông thường, khi những việc nào đã trở thành nếp trong đạo thì mọi người cứ thế mà tiếp tục. Mùa VU LAN đến thì Chùa nào cũng tổ chức lễ Báo Hiếu hết sức long trọng để Phật Tử tụ về bắt chước Ngài mục Kiền Liên, Cúng Dường Chư Tăng để cha mẹ còn sống thì được tăng phúc, tăng thọ. Vời cha mẹ đã qua đời thì được siêu thăng. ít ai thắc mắc tìm hiểu xem lý do tại sao Phật lại bày ra như thế. Dù vậy, Đạo Phật có dạy mọi người khi đọc Kinh thì phải VĂN-TƯ-TU. Tức là khuyên chúng ta trước khi hành một Pháp nào đó thì nên tìm hiểu cho kỹ để có được kết quả như ta mong mỏi, vì Đạo Phật đã được truyền từ nhiều đời bởi nhiều người thuyết giảng, có khi đã bị tam sao thất bản. Vì thế, không phải tất cả những điều gì được truyền lại từ xưa đều đúng như ý Đạo Phật muốn hướng dẫn từ buổi đầu.

Đọc Kinh Vu Lan Bồn, chúng ta sẽ thấy có một số thắc mắc sau :

1/- Tôn chỉ của Đạo Phật là Tự Độ. Chính La Hầu La là con ruột của Phật còn phải tự tu hành để tự độ. Tại sao nơi Kinh Vu Lan, Chư Tăng lại có thể cứu độ cho Bà Thanh Đề ? Điều đó được hiểu như thế nào ?

2/-Kinh viết : “Khi Phật thấy Ngài Mục Liên quá đau khổ vì thương mẹ thì động lòng thương xót, cùng đệ tử và Thánh Chúng bay lên hư không, phóng hào quang xuống làm tắt lửa Địa Ngục. Nhưng bà Thanh Đề thoát Địa Ngục đó liền sanh vào Địa Ngục khác”. Trong khi đó, chỉ cần Cúng Dường Trai Tăng thì Bà Thanh Đề được sanh lên cõi trời. Như vậy chẳng lẽ quyền phép của Phật lại thua Chư Tăng ? Việc đó phải hiểu như thế nào ?

3/- Từ VU-LAN-BỒN trước đây được gọi là “Cứu nạn treo ngược”. Nhưng xuyên suốt quyển Kinh chúng ta không thấy có ai hay cái gì bị treo ngược hết. Và theo nhà nghiên cứu Huệ Thiên trong Kiến Thức Ngày Nay số 89, thì dịch nguyên văn tiếng Sanscrit ULLAMBHANA chỉ có một nghĩa là SỰ GIảI THOÁT mà thôi. Vây trong pháp VU LAN, những ai được Giải Thoát ? và Giải Thoát khỏi cái gì ?

4/- Muốn cứu độ cho quyến thuộc, tất cả mọi người đều có thể dùng Pháp Cúng Dường Tăng như Ngài Mục Liên hay không ?

Đề giải tỏa cho những thắc mắc này, chúng ta cần đọc kỹ Kinh MỤC LIÊN để thấy lý do vì sao có việc Cúng Dường Tăng mà thân quyến đã qua đời của Ngài được Giải Thoát, và cũng để thấy rằng những gì Đạo Phật hướng dẫn đều có lý do chính đáng và hợp lý. Vì thế, chắc chắn không phải áp dụng cho bất cứ trường hợp nào cũng có kết quả như nhau.

Tóm lược Kinh Mục Liên như sau :

“Vào thời Phật còn tại thế, ở thành Vương Xà có người trưởng giả tên là Phó Tướng, tài sản nhiều vô kể. Ông có bà vợ tên Thanh Đề và một con trai tên là La Bốc.

Sau khi Ô. Phó Tướng qua đời, thọ tang cha được 3 năm, La Bốc thưa với mẹ xin mở tất cả kho để kiểm điểm tài sản, thấy tổng cộng còn 3 vạn quan. Ông thưa với mẹ xin chia tài sản làm 3 phần : Một phần xin dâng mẹ. Một phần xin Cúng Dường Tam Bảo. Phần còn lại xin được làm vốn để ra nước ngoài buôn bán.

Khi La Bốc đi rồi thì Bà Thanh Đề liền cho hội tất cả tôi tớ lại và bảo : “Con ta trước khi đi có dặn ta cúng dường Trai Tăng. Nhưng ta không tin. Vậy, nếu các ngươi có thấy Chư Tăng đến thì vác gậy đuổi đánh. Làm như vậy để cho họ đừng tới nữa. Số tiền dành cúng Trai Tăng ta sẽ mua heo, gà, vịt, trâu, bò, dê, ngựa giết để tế thần rồi ăn cho sướng cái miệng. Ăn hết mua nữa. Tội gì phải cúng Tăng” !

Sau ba năm buôn bán giàu to, La Bốc quay về. Ông chưa vội về nhà, mà ở ngoại thành, kêu gia nhân tên Ích Lợi về nhà thông báo. Tỳ Nữ Kim Chi được tin, báo với bà Thanh Đề. Bà lập tức sai gia nhân bày biện phan phướn trong nhà giả như đã làm Trai Tăng.

Khi Ích Lợi vô nhà, Bà Thanh Đề hỏi con bà đang ở đâu ? Ích Lợi thưa : Đang còn ở phía Tây thành. Bà Thanh Đề nói : Sau khi La Bốc và ngươi đi rồi, ta liền thiết Trai Cúng Dường Chư Tăng hơn 500 vị. Ích Lợi nghe vậy rất hoan hỉ. Bước vô nhà lại thấy phan, phướn, giường, chiếu, chén, bát còn ngổn ngang chưa dọn dẹp, nên liền quay lại báo tin cho La Bốc hay. La Bốc hết sức vui mừng vội về nhà, vừa đi vừa lạy. Họ hàng quyến thuộc thấy La Bốc về cũng chạy ra đón tiếp. Thấy vậy, họ ngạc nhiên hỏi :

- Trước không có Phật, sau không có Tăng, Ông lạy ai ?

- La Bốc trả lời : “ Tôi lạy mẹ tôi, vì khi tôi đi rồi, mẹ tôi thiết Trai cúng dường Tăng hơn 500 vị”.

Họ hàng cho biết : “Khi ông đi rồi thì mẹ ông chỉ gây nghiệp. Đánh đuổi Tăng Chúng. Tiền ông dặn thiết Trai, mẹ ông mua trâu, bò, gà, vịt, cắt tiết tế thần, hàng ngày giết ăn” . La Bốc nghe vậy té xỉu xuống đất, giây lâu mới tỉnh.

Bà Thanh Đề nghe chuyện, chạy tới cầm tay con thề : “Trời cao lồng lộng, bể rộng thênh thang. Nếu con đi rồi mà mẹ không có thiết Trai Cúng dường Tăng Chúng thì xin về nhà liền chịu bệnh chết. Sau khi chết bị đọa Địa Ngục, chịu mọi ác báo”. La Bốc nghe vậy mới chịu trở về nhà.

Vừa về đến nhà, Bà Thanh Đề thấy trong người khó chịu và lâm trọng bệnh. Chỉ trong 7 ngày liền mệnh chung. La Bốc chôn mẹ trong một khu rừng. Cất chòi ở cạnh mộ phần, thủ hiểu trong 3 năm. Cúng dường tượng Phật, thắp hương lễ kính, thọ trì trai giới, tụng niệm kinh kệ hồi hướng mẫu thân. Nhưng ông lại nghĩ : Muốn báo thâm ân không gì bằng Xuất Gia tu hành, học đạo, nên đến núi Kỳ Xà Quật xin Phật cho Xuất Gia, được Phật đặt cho tên : Đại Mục Kiền Liên.

Ngài Mục Kiền Liên chuyên tu Thiền Định, đắc Thần Thông cao nhất trong số đệ tử của Phật. Muốn báo ân mẹ, Ngài dùng Thần Thông lên các cõi trời tìm mẹ nhưng không gặp. Xuống các cõi Địa Ngục tìm nhưng cũng không thấy mẹ đâu. Ông buồn rầu tới bạch Phật. Phật cho biết : “Mẹ ông lúc còn sống không tin Tam Bảo, bỏn xẻn như núi Tu Di. Sau khi chết đã đọa vào Địa Ngục”. Ngài Mục Liên lại xuống Địa Ngục để tìm.

Qua nhiều cửa ngục, thấy các tội nhân bị hành hình rất khổ sở. Mục Kiền Liên rất thương tâm xin với chúa ngục cho mình chịu thay. Chúa Ngục cho biết : “Tội ác nơi Địa Ngục ai làm nấy chịu, dù cho có thân thiết như mẹ với con cũng không thể chịu thay được”.

Đến một ngục kia rất kiên cố tên Cao Tường. Vách sắt nghìn lần, tường cao muôn dặm, mắt tuệ nhìn không thấy, Pháp Thân cũng không thể lọt qua. Ngài Mục Liên trở về bạch Phật. Phật dạy : “ Muốn đến Đia Ngục đó phải dùng gậy, áo, bát của Phật. Đến ngoài cửa giộng 3 cái thì cửa ngục sẽ tự mở ra. Phật cho mượn 3 món. Ngài Mục Liên làm y theo lời. Cửa ngục mở ra. Mục Liên bước vào, chúa ngục hoảng sợ vội đẩy Ngài ra và hỏi : “Ngài là người như thế nào mà vào được ngục này. Vì ngục này chỉ có những người không tin Tam Bảo, phạm tội ngũ nghịch” ? Mục Liên thưa, Ngài là đệ tử của Phật, muốn tìm mẹ để báo ân. Chủ ngục liền tra sổ sách và lớn tiếng gọi là Thanh Đề, báo tin cho biết là có một Thầy tên là Mục Liên tới thăm, và nói rằng nếu thật Ngài là con bà thì chẳng bao lâu bà sẽ thoát ngục.

Bà Thanh Đề cứ lặng thinh không lên tiếng. Chúa Ngục liền gạn hỏi vì sao không trả lời, thì bà bảo là “sợ chịu khổ thêm nên không dám nói. Lúc còn sống bà có một người con, nhưng không có Xuất gia, và cũng mang tên khác”. Chúa Ngục hỏi lại Ngài Mục Liên thì Ngài bảo : “Khi còn cha mẹ tôi tên là La Bốc. Khi cha mẹ mất tôi mới Xuất Gia và có tên là Mục Liên”.Bà Thanh Đề biết đúng là con trai nên mới xin gặp.

Chúa Ngục dắt bà Thanh Đề ra. Mục Liên thấy mẹ bị dao đâm khắp mình, toàn thân lửa cháy. Cổ mang gông sắt, mình khoác lưới sắt, từ các lỗ chân lông máu tuôn lênh láng thì đau lòng khóc lóc nói với mẹ : “Thiết Trai Tăng gồm 500 vị tưởng đã sinh Thiên, hưởng mọi thú vui. Con đi tìm mẹ khắp các cõi Trời nhưng không thấy, nào ngờ gặp mẹ nơi Địa Ngục”. Bà Thanh Đề nghẹn ngào nói : “Tưởng rằng mẹ con không bao giờ được nhìn thấy nhau, không ngờ ngày nay giữa chốn Địa Ngục sung sướng được gặp”.

Mục Liên hỏi :

- “Con ở dương gian làm mọi Phật sự sớm tối không ngơi, trai nghi cúng mẹ có ích gì không ?

- Bà Thanh Đề trả lời :

- “ Cúng tế vô ích, có ăn được đâu. Phải lập công đức mới cứu được mẹ. Khi còn ở đời mẹ không tu phúc, chỉ gây nghiệp ác, lại thề với con là đã tu phúc nên ngày nay phải đọa Địa Ngục chịu khổ vô cùng. Đói ăn sắt nóng. Khát uống nước đồng”. Nói chưa dứt lời, chúa Ngục đã giục bà Thanh Đề vào trong vì đã đến giờ chịu tội. Bà Thanh Đề còn ngoảnh lại nói với Ngài Mục Liên : “Thân mẹ đau đớn không chịu nổi. Con về bạch Phật xin tìm phương pháp cứu mẹ thoát khỏi tội báo Địa Ngục”.

Mục Liên nghe nói đau đớn khôn xiết, vập đầu vào tường xin chúa ngục cho mình vào chịu tội thay cho mẹ. Chúa Ngục trả lời là không thể được. Bảo ngài về xin Phật họp Đại Đức Tăng, sám hối thay mẹ mới mong tiêu trừ nghiệp ác, sinh về nơi Cực Lạc”..

Mục Liên lại bạch Phật xin từ bi tìm mọi phương pháp cứu mẹ thoát khổ. Tấm lòng hiểu thảo làm Phật thương xót nhận lời thỉnh cầu. Phật cùng đệ tử, thiên long, Thánh Chúng, đi lên hư không, phóng hào quang xuống làm cho các dụng cụ hành hình biến thành hoa quả. Giường sắt biến thành tòa sư tử. Tất cả đại chúng thấy được thân Phật và được thoát khổ.

Mục Liên hỏi Phật mẹ mình hiện giờ thác sinh chỗ nào ? Phật bảo : “Vì tội chướng sâu nặng, vừa thoát khỏi ngục A Ty lại phải sinh vào Ngục Hắc Ám.

Mục Liên lại xuống Ngục Hắc Ám tìm mẹ. Gặp được mẹ liền dưng cơm. Bà Thanh Đề thấy cơm mừng rỡ, vội bốc ăn. Nhưng cơm chưa đến miệng đã biến thành lửa. Mục Liên lại khóc lóc trở về bạch Phật. Phật dạy : “Thỉnh các Đại Đức đã tu đắc đạo, đã chứng Thiền Định, thiết La Bồn Trai, cúng dàng Tam Bảo, sám hối thay mẹ, cứu độ u hồn”. Ngài Mục Liên làm theo Phật dạy, thiết lễ cúng dường, sau đó hỏi Phật mẹ Ngài hiện ở chỗ nào ? Phật dạy : “Sinh lên cõi trời Đao Lợi, sung sướng an vui”.

Qua tóm lược, ta thấy Kinh dạy những bài học rõ ràng về Nhân Quả, qua các việc sau :

1.- Bà Thanh Đề tạo ác nghiệp nên phải đọa Địa Ngục.

2/- Theo đúng Luật Nhân Quả : Ai tu, nấy đắc. Dù là con ruột như Ngài mục Liên tu hành, đắc Thiền, chứng Thần Thông cao nhất, nhưng có gặp được mẹ thì cũng không cứu được.

3/- Kinh mượn lời Chúa Ngục để giải thích : “Tội ai làm, nấy chịu, dù cho có thân thiết như mẹ với con cũng không thể chịu thay cho nhau được”.

4/- Kinh đã phương tiện tạo ra cuộc gặp gỡ giữa người còn sống là Ngài Mục Liên và người đã qua đời là Bà Thanh Đề để giải thích về những việc cúng kiến cho người đã khuất qua câu trả lời của bà Thanh Đề : “Cúng tế vô ích. Có ăn được đâu. Phải lập công đức mới cứu được mẹ”. Cách lập công đức cũng được giải thích là phải tu hành, học đạo.

5/- Phật cũng không cứu được cho bà Thanh Đề, vì tự tâm bà biết việc của mình làm là tội, nên dù Phật phóng quang tắt lửa địa ngục này thì bà lại sinh ngay vào Địa Ngục khác. Bà nợ lời hứa Cúng Dường Trai Tăng, nên chỉ khi con bà thay bà Cúng Dường Trai Tăng thì bà mới thấy mình hết nợ, được Giải Thoát.

6/- Chủ Ngục bảo Ngài Mục Liên về xin Phật họp Đại Đức Tăng, sám hối thay mẹ. Phật cũng dạy : “Thỉnh các Đại Đức đã chứng Thiền Định, thiết La Bồn Trai, Cúng Dường Tam Bảo, sám hối thay mẹ”. Tức là không phải Tăng nào cũng có thể sám hối thay cho người đã qua đời, mà phải nhờ những vị Tăng có đạo hạnh thì mới gúp được cho vong linh người chết.

Theo những nhà nghiên cứu về cận lâm sàng (Near death Experiences) thì vong linh người chết khi xuất ra khỏi xác thì vẫn ở quanh đó. Nghe, thấy và biết hết những sinh hoạt của người sống, dù không thể liên lạc được. Vì thế, nều họ nhìn thấy thân nhân tranh giành tài sản hoặc cúng kiến một cách miễn cưỡng hay nhờ những vị Tăng thiếu đạo hạnh mà làm thì có thể họ sinh ra buồn phiền thì chẳng những ta không giúp gì được cho họ mà còn làm cho họ sân hận mà phải đọa nặng thêm.

Có thể trong khuôn khổ một bài pháp hay một quyển Kinh nhỏ chúng ta không thể hiểu hết dụng ý của chư Vị Giác Ngộ muốn gởi gắm, khuyên nhủ người thời sau như chúng ta. Nhưng ít ra, trong câu chuyện này ta cũng học được một số bài học về Nhân Quả :

1/- Không phải cứ làm ác rồi chết là hết, mà Nghiệp Quả còn kéo dài đến kiếp sau.

2/- Nghiệp của ai nấy mang. Không ai có thể chịu thay cho ai, dù là mẹ con ruột.

3/- Người tu dù có tu cao đến mấy cũng không thể cứu được cho thân nhân. Ngay cả Phật cũng không thể cứu được. Vì vậy, tốt nhất là đừng tạo Ác Nghiệp lúc còn sống, vì đợi đến khi qua đời, mất cái Thân rồi thì muốn thay đổi cũng không được nữa. Phật dạy « Nhân thân nan đắc », tức là rất khó có được cái Thân. Nó tuy là giả tạm, nhưng rất cần thiết, mà cũng là ân nhân của người tu, vì Cái Thân là phương tiện mà người tu mượn để hoàn tất việc tu hành. Trong khi phàm phu cưng chiều Cái Thân, vì nó mà tạo Nghiệp thì Phật ví nó chỉ như thây ma, và người tu như người rớt giữa biển, nhờ ôm thây ma để bơi vào bờ.

4/- Nợ ai phải trả nấy. Nợ gì phải trả đó. Bà thanh Đề nợ cúng dường 500 Trai Tăng, nên khi con bà thay bà thực hiện bà mới thấy trả xong nợ. Vì thế mà hết đọa Địa Ngục, tâm được Giải Thoát.

5/- Ngài Mục Liên thấy mẹ được Giải Thoát thì Ngài cùng hết đau khổ, được Giải Thoát.

Theo nội dung Kinh VU LAN thì việc Cúng Dường Trai Tăng chỉ đúng cho trường hợp của Ngài Mục Liên mà thôi. Mẹ Ngài đã nhận 1/3 số tiền gia tài của nguời cha để lại với lời hứa là để “Cúng Dường Trai Tăng”. Nhưng bà đã không thực hiện, nên Thần Thức của bà ghi nhận món nợ đó. Vì thế, khi Ngài Mục Liên thay mẹ để làm thì bà mới thấy mình hết nợ, được Giải Thoát. Trường hợp thân nhân của chúng ta hoàn toàn khác, vì họ không có mang món nợ Cúng Dường Trai Tăng, thì tại sao cả nước phải bắt chước, phải đổ xô vô Chùa trong ngày Lễ Vu Lan để Cúng Dường Trai Tăng cho là để Báo Hiếu cho cha mẹ ? Thiếu nợ người này mà trả người khác thì nợ vẫn còn nguyên đó ? Do đó, nêu muốn hồi hướng cho ông bà, cha mẹ đã qua đời của mình, thì tốt nhất ta nên tìm hiểu xem lúc sinh thời họ đã làm những điều sai lầm nào để sửa chữa giúp họ. Biết đâu họ đã sát sinh, hại vật, cân điêu, đong thiếu, lấn ranh, giành đất, cướp đất của ai đó ? Hoặc thiếu nợ mà không chịu trả, Hoặc lợi dụng thế lực để chèn ép, lấn áp người khác ? Rồi thì do cạnh tranh trong làm ăn, có thể làm cho người khác tán gia, bại sản thì sao ? Do vậy, thiếu gì thì trả đó. Thiếu ai thì trả cho nấy. Nếu người lớn đã qua đời thì trả cho con cháu, gia đình nhà họ. Đó là luật công bằng. Làm như vậy thì vong linh người đã qua đời mới thấy an tâm, mới siêu thoát. Nếu không, của cải họ để cho con cái hưởng, trong khi món nợ năm nào vẫn canh cánh bên lòng nên họ không siêu thoát được.

Qua việc Phật không cứu được cho Bà Thanh Đề. Rưới nước dập tắt Địa Ngục này thì bà lại sinh ra nơi Địa Ngục khác, cho ta thấy là Nghiệp Lực đã in dấu ấn nơi Thần Thức của mỗi người. Do đó, người ngoài không thể cứu được. Vì vậy, Kinh này nhắc nhở cho chúng ta đừng gây Ác Nghiệp mà nên gây Nhân Thiện để hưởng quả lành lúc còn sống, và quyền năng như Phật còn không cứu được bà Thanh Đề là mẹ của đệ tử ruột, vậy mà ta nghĩ rằng khi có người thân qua đời thì cứ mời các Sư tăng về Tụng Kinh Cầu Siêu cho họ. Chỉ cần vài thời Kinh Cầu Siêu thì vong linh của thân nhân ta sẽ tiêu trừ hết mọi nghiệp lực rồi bay thẳng về Tây Phương Cực Lạc hay sao ?

Đạo Phật là Đạo Nhân Quả. Ai làm, nấy chịu. Phật không có quyền cứu giúp cho ai. Kinh VU LAN chỉ nêu lên một trường hợp cụ thể của một người sống tạo Ác Nghiệp, và những gì diễn ra sau khi chết, để mọi người xem thấy tâm gương đó mà sống cho ngay thẳng. Không gian dối. Không sát sinh. Không tạo nghiệp để lúc sống cũng khi khi hết kiếp được nhẹ nhàng, không bị đọa Địa Ngục.

Với người theo Đạo Phật, thì Ân Phụ Mẫu là một trong Tứ Ân người tu cần thực hiện. Để Báo Hiếu cho ông bà, cha mẹ, thì ngày nào họ còn sống thì chúng ta nên quan tâm, chăm sóc, yếu thương họ để trả ơn. Vì lúc ta còn bé, nếu không có cha mẹ nuôi nấng, dưỡng dục liệu ta có được như ngày nay ? Người già đâu cần gì nhiều : một món đồ nho nhỏ mà họ ưa thích, một miếng ăn ngon, một vài vật dụng để chăm sóc sức khỏe, một chuyến đi dã ngoại hay về quê thăm bà con, và thái độ chăm sóc ân cần cũng đủ làm cho họ vui rồi, tại sao phải đợi đến lễ Vu Lan mới vô Chùa rồi Cài bông hồng đỏ hay trắng để thấy mình có Hiếu ? Tệ nhất nhiều người là lúc ông bà cha mẹ còn sống thì hắt hủi, bỏ mặc, không quan tâm. Đợi tới khi họ qua đời rồi thì làm đám ma linh đình, xây mồ mả đắt tiền. Đến Chùa nhờ Sư tăng làm lễ cho lớn. Cúng kiến mâm cao, cỗ đầy một cách vô ích. Người chết đâu có dùng thực phẩm của trần gian ? Xây mộ hoành tráng kiểu lăng tẩm vua chúa họ cũng đâu có biết ? Nhiều người đã cúng tiền thật nhiều để nhờ Sư Tăng Cầu Siêu cho cha mẹ hay người thân được Siêu thoát. Phật còn không cứu được cho mẹ của đệ tử, thì Sư, Tăng làm được gì ? Qua Kinh VU LAN BỒN, chúng ta đã học được một bài học cụ thể với nhiều chi tiết mà tôi tin rằng người nào chịu đọc kỹ rồi thực hành theo sẽ được lợi lạc : Tin sâu Nhân Quả. Nợ thứ gì thì trả thứ đó. Nợ ai thì trả cho nấy. Không chờ mong sự cứu độ của bất cứ ai. Bớt mê tín. Bớt trông chờ vào người khác mà sống thực tế, biết báo hiếu cho ông bà, cha mẹ khi họ còn sống cạnh mình, và biết gây Nhân Thiện để có Quả lành. Đó là ta tin và Hành theo hướng dẫn của Đạo Phật vậy.

Tháng 8/2023





VVM.31.8.2023