Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

ĐÔI ĐIỀU CẢM NHẬN VỀ TỐNG GIANG

(trong Thủy Hử)




Việt Nam, phim về đề tài lịch sử, dã sử chưa nhiều, và còn hạn chế về mọi mặt nên trên ti-vi thường hay xuất hiện phim ngoại nhất là phim Trung Quốc. Tôi nhớ ngày xưa, cái thời bảo đi xem phim Trung Quốc là đã chán ngấy, chẳng ai muốn xem, bởi chưa xem người ta đã biết kết cục thế nào rồi: “Ta nhất định thắng, địch nhất định thua”… Thế mà từ thời họ “khai phóng” đến nay phim của họ đã có một bước tiến dài. >

Thời còn nhỏ tôi đã từng xem truyện Tây Du Ký, Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử… nay họ dựng phim xem thật sinh động, nào những Đường Tăng, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới, nào Tống Giang, Lỗ Trí Thâm, Võ Tòng… thỏa mãn óc tưởng tượng của người xem. Dù là người Việt Nam nhưng nhìn thấy nhân vật trong phim họ cũng đều chấp nhận, mặc cho Đài Loan, Hồng Kông vv… có dựa theo cốt truyện sáng tạo ra, nhưng nhiều người không thích, khó chấp nhận, nhân vật diễn không hay bằng phim Trung Quốc đại lục. Trước đây tôi cũng ngưỡng mộ những người anh hùng Lương Sơn, họ thật tài, mỗi người một vẻ, rất tự do tự tại. Nhưng bây giờ xem phim Thủy Hử, tự nhiên tôi lại có vài cảm nhận khác về họ nhất là người đứng đầu: TỐNG GIANG.

Thời kỳ Bắc Tống có cánh quân nông dân khởi nghĩa, lúc đầu tụ tập tại Lương Sơn Bạc làm “Lục lâm thảo khấu”. Sau khi Tống Giang gia nhập đã tự đặt ra mục đích có ý nghĩa và trương cờ “Thế thiên hành đạo” để tập hợp lực lượng… Nhưng sự thực thế nào? Có phải như vậy không? Nếu ta gỡ bỏ cái vỏ bọc hào nhoáng bên ngoài thì sẽ thấy một sự thật khác. Họ không phải là thay trời làm việc nhân nghĩa mà che giấu mục đích cá nhân. Về sau chính Tống Giang đã giải thích “Thế thiên hành đạo” là thay triều đình làm việc, lộ rõ dã tâm “tạo phản” không phải vì chính nghĩa gì mà chỉ là để mưu cầu “Mọi người sẽ có thể lưu danh sử xanh, làm vẻ vang tổ tiên, làm vinh dự cho con cháu”. Thật nực cười, người “anh hùng” ấy chẳng qua cũng chỉ vì miếng cơm manh áo, vì hư danh, đâu có phải vì đại nghĩa. Gỡ nốt cái màn che cuối cùng, lột trần truồng sự việc sẽ rõ: Họ đã đem cái cờ “Thế thiên hành đạo” để đổi lấy quan phù. Chấp nhận chiêu hàng để được chức quan. Tưởng là mình anh hùng nhưng thực ra lại bị triều đình lợi dụng biến thành công cụ đi giết người, dẹp các cuộc khởi nghĩa khác như khởi nghĩa của Phương Lạp mà triều đình không làm được.

Hậu quả, người của Tống Giang chết gần hết, kẻ còn lại thì bị thương tích tơi tả. Mơ ước được chức quan, phải khom lưng quỳ gối, phủ phục, mặt úp sát đất, mông chổng lên trời trông thật tội nghiệp. Đâu còn phong độ hiên ngang tự do tự tại như hồi còn ở Lương Sơn. Rồi sau đó chính Tống Giang lại bị bọn gian thần mượn kế ban ngự tửu của Hoàng Đế để đầu độc. Đến khi tỉnh ra thì đã quá muộn. Kẻ hám danh, muốn lưu danh nhưng lại lưu danh xấu.

Qua đó cho người đời thấy, một khi tư tưởng không đúng đắn tất sẽ đi vào con đường cùng: Tự phủ định mình. Ông ta đã từng làm quan, đã từng thấy sự bất công, thối nát của bọn quan lại triều đình đối với nhân dân và chính ông cũng đã từng phản đối, đã từng quyết tâm từ bỏ quyền lợi đã có để “Mưu cầu chí lớn”. Vậy mà, sau lại quay lại quy phục triều đình và hại biết bao người. Ông đã không chịu đựng nổi sự cám dỗ từ bên ngoài đưa đến… Thực là “Một đời thông minh, một đời hồ đồ”. Bả hư danh đã biến ông trở thành kẻ ngu ngốc.

Bi kịch như thế hầu như có rất nhiều, từ trước đến nay chưa ngừng diễn bao giờ. Bởi vì con người ta luôn luôn không dứt nổi lòng tham đối với tiền của, danh lợi. Sau khi thắng lợi họ trắng trợn hưởng thụ vàn bạc, châu báu, mỹ nữ. Ý chí chiến đấu và dũng khí của họ đều đã tuột mất ngay từ khi nhìn thấy của báu và mỹ nữ. Cái mà họ được, chỉ có bài học đau đớn và sự diệt vong. Nếu tỉnh táo, thành công mà vẫn giữ được nguyện ước ban đầu thì đâu đến nỗi bị hủy diệt tang thương như thế.

Nguyên nhân cản trở con người ta đến thành công có nhiều: Lòng tham quá mạnh về vật chất, công danh, mỹ nữ… hoặc hám hư vinh quá lớn, hoặc tầm nhìn quá ngắn vv… Đã trương cờ “Thế thiên hành đạo” chống lại triều đình thối nát hại dân mà vẫn nghĩ mình là tướng cướp, sau đầu hàng để mong ghi sử xanh tức che dấu dã tâm, giả tạo, lừa dối người khác và khốn nạn hơn là lừa dối chính mình. Người ta nói “Giết người, đốt nhà, nhận chiêu hàng” đích thực là con đường ngắn để làm quan, nhưng không phải là con đường làm quan yên ổn. Trong khi đó vài người không đi làm quan như Võ Tòng, Lỗ Trí Thâm,... được sống tiêu dao tự tại vui vẻ ngoài đời.

Con người ta thường lấy việc giành được hư danh và tiền tài làm vẻ vang và danh lợi đã trở thành chủ đề lớn của đời sống cá nhân cho nên mọi việc may rủi đều sinh ra từ đây. Có thể nói, bất cứ cuộc đời nào phúc họa cũng 50%, kể cả người được gọi là thành công, nhiều người đã thất bại sau khi thành công. Mọi việc đều có thể, nếu có tầm nhìn, biết lo xa một chút sẽ tránh được sự phát sinh hậu quả không tốt về sau.




VVM.16.8.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .