Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




VĂN HỌC NAM HÀ
文 學 南 河






             II


Tổng quan Văn Học Nam Hà


H ai thế kỷ 17 và 18 mất hết một phần tư cho cuộc nội chiến tương tàn của hai dòng họ, thêm vào đó tất cả tiềm năng của quốc gia đều hướng về việc phục vụ cho những cuộc nổi dậy, bình định, khai khẩn nên về phương dịên văn học, sáng tác ở cả hai miền không được dồi dào lắm.

Ở Bắc Hà một số nhà văn đi theo truyền thống cổ, quên thực tại. Sáng tác phẩm xa lìa thời đại, nhà văn không băn khoăn về những điều trước mắt. Một số khác tuy nhìn thẳng vào hoàn cảnh sống và đem cuộc đời thực tế vào tác phẩm nhưng vì lý do nầy, lý do kia chưa nói ngay vào vấn đề cũng như chưa có một ý thức để thay đổi thực tại đó.

Ở Nam Hà tuy số tác giả tương đối ít so với Bắc Hà - một phần vì đất mới, người mới, một phần vì vấn đề tự vệ và bành trướng để sanh tồn. Nhưng tác phẩm ở vùng nầy phong phú và độc đáo ở thể tài cũng như hình thức. Thể tài thường khai triển, đặt những vấn đề của hoàn cảnh thực tế, về hình thức thường mới lạ, áp dụng lần đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam.

Chúng tôi tóm lược thật bao quát văn chương hai thế kỷ 17 và 18 cho cả hai miền và sẽ đi vào chi tiết văn học xứ Đàng Trong ở những phần kế tiếp .

TÁC GIẢ VÀ TÁC PHẨM BẮC HÀ.

Vì thuộc về đất cũ và tiếp nối truyền thống văn học từ trước, Bắc Hà ngoài những tác phẩm thật sự thuộc về văn chương còn có những quyển thuộc về học thuật, tư tưởng, lịch sử mà Nam Hà không có. Tuy nhiên ta cũng nhật xét được một điều nhà văn Bắc Hà một số lớn dùng ngòi bút mình phụng sự cho chánh quyền. Hầu hết đó là những sử gia. Suốt thời họ Trịnh, ở Bắc Hà có độ 10 quyển sử thì gần như viết theo chỉ thị của Chúa và trên lập trường phụng sự Chúa. Ta có thể kể:

* Việt Sử Toàn Thư 越史全書 (13 quyển) do Tham Tụng Phạm Công Trứ vâng lệnh Chúa Trịnh Tạc viết ra. Bộ nầy viết từ thời lập quốc đến đời Lê Thần Tông:

- Từ Họ Hồng Bàng đến Lê Thái Tổ (1433), tài liệu lấy từ hai bộ sử của Ngô Sĩ Liên1 và Vũ Quỳnh2 .

- Từ Lê Thái Tổ đến Lê Cung Hoàng (1522 - 1527) dùng tài liệu trong “Lam sơn thực lục 藍山實綠” của Lê Lợi 3.

- Từ Lê Trang Tông (1533 - 1548) đến Lê Thần Tông (1649 - 1661)

* Quốc Sử Thực Lục 國史實綠 do Lê Hi và Nguyễn Quốc Đức vâng lệnh vua Lê Hi Tông (1676) chép thêm vào bộ Việt Sử Toàn Thư một phần gồm 13 quyển về các đời vua từ Lê Huyền Tông (1663 - 1671) đến Lê Gia Tông (1672 - 1675).

* Quốc Sử Tục Biên 國史續編 do Vũ Miên, Ninh Tốn, Nguyễn Trạch, Nguyễn Hoàn, Lê Quí Đôn, Ngô Thời Sĩ, Phạm Nguyễn Du4 vưng lệnh Trịnh Sâm (1775) chép thêm 6 quyển về các đời vua từ Lê Hi Tông (1676 - 1705) đến Lê Ý Tông (1735 - 1740)

Ngoài ra, ở Bắc Hà thời nầy cũng có những quyển sử khác tuy không có giá trị lắm về mặt sự thật lịch sử vì được viết ra với một tinh thần chủ quan, thiên vị nhưng cũng có thể giúp ta tìm hiểu phần nào sinh hoạt của thời nầy.

* Thiên Nam Minh Giám 天南盟鑑 của một người trong họ Chúa Trịnh viết từ họ Hồng Bàng đến thời Lê Trung Hưng, bằng chữ Nôm, thể lục bát.

* Bình Tây Thực Lục 平西實綠 do các danh thần vâng lịnh Trịnh Doanh chép về việc tiễu trừ cuộc nổi dậy của Nguyễn Danh Phương (Quận Hẻo).

* Trung Hưng Thực Lục 中興實綠 do Hồ Sĩ Dương viết.

* Bình Hưng Thực Lục 平興實綠 do các danh thần vâng lịnh Trịnh Sâm chép việc tiễu trừ cuộc nổi dậy của Hoàng Công Chất (1745 - 1769).

* Bình Ninh Thực Lục 平寧實綠5 chép việc tiễu trừ cuộc nổi dậy của Lê Duy Mật6 ở cao nguyên Trấn Ninh.

* Bình Nam Thực Lục 平南實綠 chép việc tiễu trừ cuộc nổi dậy ở phía Nam năm 1774 (Giáp Ngọ)

* Lê Hoàng Ngọc Phổ 黎皇玉譜 do các danh thần vâng lệnh Chúa Trịnh Sâm chép các thế hệ vua Lê.

Để có cái nhìn tổng quan về văn học Bắc Hà, chúng tôi xếp các tác giả theo từng khuynh hướng.

Nhìn chung có hai nhóm chính:

- Nhóm theo truyền thống cổ.

- Nhóm vạch đường hướng mới.

A. Nhóm theo truyền thống cổ.

Các tác giả nầy chưa tạo được một bản sắc mới trong tác phẩm của mình. Họ vẫn lăn theo vết xe cũ trong đề tài cũng như trong tư tưởng, xa rời thực tế. Hoàn cảnh bên ngoài gần như không ảnh hưởng gì đến văn thơ họ. Đề tài không mới và thường đã được văn nhân Trung Quốc lập đi lập lại. Một vài cốt truyện đặc biệt thì hoặc mô tả những cuộc tình duyên hoặc nói về tà ma, quỉ quái.

Về tư tưởng những tác phẩm ở đây chưa được đặt những vấn đề, những suy tư mới, phơi bày tình cảm cá nhân như nhàn hạ, lãng mạn ...

Ta có thể kể:

a. Tác giả giải tỏa tình cảm cá nhân, tính chất lãng mạn nhàn hạ.

- Đoàn Thị Điểm 段 氏 點 : Văn tế anh - Truyền Kỳ Tân Phả 傳 奇 新 譜 .

- Ngô Thì Ức 吳 時 億 : Tuyết trai thi tập 雪 齋 詩 集 - Nam Trình Liên Vịnh Tập 南 程 聯 詠 集.

- Lê Hữu Trác 黎 有 卓 : Y Lý Thán Nhàn Lý Ngôn Ngụ Chí 醫 理 嘆 閒 理 言 負 誌 .

- Nguyễn Huy Tự 阮 輝 似 : Hoa Tiên Truyện 花 箋 傳 .

- Ngô Thì Sĩ 吳 時 仕 : Ngọ Phong Văn Tập 午 峰 文 集 - Anh Ngôn Thi Tập 鸚 言 詩 集 - Quan Lan Thập Vịnh 觀 蘭 十 詠 - Nhị Thanh Động Tập 二 青 峒 集 .

b. Tác giả bằng lòng và ca tụng chế độ họ Trịnh.

- Trịnh Sâm 鄭 森 : Tâm thanh tồn dụy tập 心青 存 肄 集 - Nam tuần ký trình thi 南 巡 記 程 詩 - Tây Tuần Ký trình thi 西 巡 記 程 詩 .

- Ninh Tốn 寧 遜 : Chuyết Sơn Thi Tập 拙 山 詩 集 .

- Vũ Huy Tấn 武 輝 晉 : Hoa Trình Tùy Bộ Tập 華 程 隨 部 集 .

- Phan Huy Ích 潘 輝 益 : Dụ Am Ngâm Lục 裕 庵 吟 錄 .

c. Tác gia bất mãn chế độ họ Trịnh.

- Trần Danh Án 陳 名 晏 : Liễu Am Tán ông thi tập 柳 庵 讚 翁 詩 集 .

- Lê Trần Quán 黎 陳 貫 : Thi Tập 詩 集.

- Nguyễn Đình Giản 阮 廷 柬 : Thi tập 詩 集

d. Tác gia trốn tránh không giải bày tư tưởng mình về chế độ.

Những nhà văn nầy hướng ngòi bút vào việc dịch thuật nghiên cứu.

* Dịch Sách Trung Hoa sang quốc âm:

- Đặng Thái Phượng 鄧 泰 鳳 : Chu dịch quốc âm giải nghĩa (dịch Kinh Dịch) 周 易 國 音 解 義 .

* Nghiên cứu văn hóa, xã hội, lịch sử, địa lý, triết học:

- Phùng Khắc Khoan 馮 克 寬 : Sấm văn 讖 文 .

- Lê Quý Đôn 黎 貴 惇 : Kiến Văn Tiểu Lục 見 文 小 錄 , Phủ Biên Tạp Lục 撫 邊 雜 錄 , Đại Việt Thông Sử 大 越 通 史 .

- Ngô Thì Sĩ 吳 時 仕 : Việt Sử Tiêu Án, Hải Đông Chí Lược 海 東 誌 略 .

- Nguyễn Nghiễm 阮 儼 : Việt Sử Bị Lãm 越 史 備 覽 .

B. Nhóm vạch đường hướng mới.

Nhóm nầy gồm những ngòi bút hòa mình với hoàn cảnh thực tế, sáng tác của họ không đi vào tháp ngà tình cảm hay trốn tránh thực tại, trái lại phản ảnh thực tại và chịu ảnh hưởng của cuộc sống thời đại:

a. Mô tả xã hội chiến tranh thối nát, trình bày hệ thống cương thường Nho giáo bị phá vỡ :

- Ngô gia văn phái 吳 家 文 派 : Hoàng Lê Nhất Thống Chí 皇 黎 一 統 誌 .

- Phạm Nguyễn Du 范阮悠 7: Nam hành đắc ký tập 南行得記集.

- Lê Hữu Trác 黎有卓 : Thượng Kinh Kỷ Sự 上京紀事8 .

- Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án 范廷虎, 阮晏 : Tang Thương Ngẫu Lục桑蒼偶綠.

- Phạm Đình Hổ范廷虎: Vũ Trung Tùy Bút 雨中隨筆.

- Nguyễn Du阮悠: Thanh Hiên (tiền hậu) Tập清 軒 詩 集 - Văn Tế Thập Loại Chúng Sanh 文祭十類衆生.

- Hồ Xuân Hương胡春香: Xuân Hương thi tập 春香詩集.

b. Tố cáo thực tế:

Khác với người trên chỉ trình bày, mô tả, nhóm nầy tố cáo, buộc tội những người tạo nên xã hội chiến tranh xuống dốc.

- Lê Duy Mật : Hịch đánh Trịnh.

- Lê Huy Dao: Lữ Trung Ngâm.

c. Đau khổ trước thực tế:

* Nói về chiến tranh và những đau khổ do chiến tranh mang đến:

- Đặng Trần Côn 鄧陳昆: Chinh Phụ Ngâm Khúc 征婦吟曲.

- Nguyễn Hành阮行: Nguyễn Hành thi tập阮行詩集

* Bất mãn trước thời cuộc rối ren, loạn lạc

- Nguyễn Thiếp: Hạnh Am thi cảo.

Văn sĩ Bắc Hà tuy nhiều, nhưng một số lớn xa lìa thực tế và quần chúng. Thực tế có chiến tranh trước mặt, nhân dân khổ sở, trong khi đó tác phẩm đầy dẫy tình cảm, đề tài lại mô phỏng Trung Hoa, ngâm phong vịnh nguyệt hay sáng tác theo cảm hứng trên bước đường đi sứ.

- Phùng Khắc Khoan 馮 克 寬 (Ngư phủ nhập đào nguyên truyện 魚 父 入 桃 源 傳) Vũ Duy Đoán (Lưu Hầu quốc ngữ truyện, Du ngũ hồ phú) Nguyễn Nghiễm (Khổng Tử mộng Chu Công phú) đều lấy đề tài của Trung Quốc.

- Nguyễn Minh Triết 阮 明 哲: (Những bài thơ thất ngôn Nôm), Trịnh Căn 鄭 根 (Ngự đề thiên hòa doanh bách vịnh 御 題 天 和 贏 百 詠) Trịnh Sâm 鄭 森 ...đều sáng tác lúc du sơn thủy hay trà dư tửu hậu.

- Nguyễn Tông Khuê阮宗奎: (Sứ trình tân truyện使程新傳, Sứ hoa tùng vịnh 使花叢詠), Phùng Khắc Khoan (Sứ hoa thủ bút trạch thi 使 花 手 筆 擇 詩), Lê Quí Đôn 黎 貴 惇 (Quế Đường thi tập 桂 堂 詩 集) ...đều sáng tác lúc đi sứ9.

Một số ít tác giả tiến bộ chú ý đến thực tế nhưng chỉ mới nói xa gần, và chưa dám đặt vấn đề trách nhiệm đối với những người lãnh đạo đất nước, một điều rất cần thiết cho giai đoạn. Ta chỉ gặp những nét bút dễ dãi bằng lòng với những mô tả hời hợt, có lời oán trách hay kết tội bọn cai trị xa lìa quần chúng không đủ để nói lên nỗi khổ của nhân dân đương thời.

Các tác giả “Chinh Phụ Ngâm khúc征婦吟曲”, “Cung oán ngâm khúc宫怨吟曲” quy trách nhiệm gây ra thảm cảnh vào trời đất, tạo hóa, trong khi thật sự trách nhiệm ở tầng lớp cai trị. Nhiều khi văn nhân lại bẻ cong ngòi bút ca tụng những sự kiện không có thật: giữa cảnh loạn lạc, ca tụng đời thái bình:


“Nay mừng:
Vận mở Tam dương
Tộ yên chín vạc.
Trên lọ phải vén quần vua Tống, ra sức anh quyền.
Dưới cũng vui vỗ bụng trời Nghiêu, xướng ca canh tạc. “


(Nguyễn Bá Lân - Ngã Ba Hạc phú.)

Rất ít người như Phạm Nguyễn Du, Nguyễn Hành, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Du ... can đảm nhìn vào sự thật, với những cảnh nhiễu nhương hạch xách, tham nhũng của thời đại.

Bài thơ “Kim Ngữ 金語” sau đây của Nguyễn Hành 阮 行 tố cáo tác phong của quan lại lúc nầy. Từ tác phong đó, ta hiểu rõ hơn số phận bi thảm, bị đè nén của người dân:


Gia tích sổ vạn kim 家積數萬金
Dạ dạ văn kim ngữ 夜夜聞金語
Bản bất tự nghĩa lai 本不自義來
Đoán vô nhân nghĩa khứ 斷無仁義去
Lai thời nhân bái tống 來時人拜送
Khứ thời bái tống nhân. 去時拜送人


Dịch nghĩa:


Nhà chứa vạn lạng vàng,
Đêm đêm nghe vàng bàn.
Không đến từ nghĩa lý,
Tất vì vô nghĩa đi.
Ta đến người đưa lạy.
Ta đi chủ nhân quỳ.
 (NVS dịch)

Thời nầy những ý niệm thương nước mến dân chìm mất trong cảnh loạn lạc; tư tưởng nhân ái ... bị che lấp trước những mưu mô của con người tầm thường, cố đem về cho mình những phuơng tiện, tiền bạc, bất cần dư luận, cương thường.

Nguyễn Hành trong bài “Đề tiền phả hậu 題 錢 頗 後” đã than về nhân tình thế thái một cách chán chường:

利用萬般皆可易
Lợi dụng vạn ban giai khả dịch.
= Lợi dụng đồng tiền, người ta có thể sai khiến được muôn việc.

Nhưng những nhà văn biết nhìn vào thực tế để thấy sự bần tiện, gian trá như kiểu nầy thật là quá ít!

Nhà văn và tác phẩm Nam Hà

Ở Nam Hà, theo thứ tự thời gian, có những nhà văn sau:

Đào Duy Từ10 (1572 - 1634)

Nguyễn Hữu Dật (1604 - 1681)

Người làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cha của Nguyễn Hữu Hòa. Năm 1619 mười sáu tuổi, được bổ làm văn chức dưới triều Sãi Vương Nguyễn Phúc Khoát, được tham dự các việc cơ yếu, sửa sang chính thể, năm 1627, trong trận đánh nhau với họ trịnh, ông được thăng Giám Chiến, rồi Đốc Chiến.

Năm Mậu Tý, 1648, nhân việc trá hàng11 có người gièm pha, ông bị Chúa Nguyễn nghi kỵ và bị hạ ngục.

Lúc nầy ông làm sách: Minh Sơ Anh Liệt Chí 明初英列誌 và viết truyện Hoa Vân, Cáo Thị 花雲告氏 để giải tỏ chí hướng mình. Nhân vật chánh trong truyện là Hoa Vân mắng giặc nên bị giặc giết, vợ Hoa Vân là Cáo Thị tuẫn tiết theo chồng. Truyện nầy được dâng lên chúa Hiền Vương, Chúa hiểu dụng ý của ông nên tha tội. Về sau truyện Hoa Vân Cáo Thị được người đời viết thành tuồng chèo gọi là tích Hoa Vân Hữu Lượng rất được lưu hành ở thôn quê.

Năm 1681, ông mất ở nơi đang đóng quân là Lưu Đồn, thọ 78 tuổi.

Nguyễn Khoa Chiêm (1660 - 1720)

Tổ là Nguyễn Đình Thân, người Hải Dương, vào Nam thời Nguyễn Hoàng, ngụ ở Thừa Thiên và đổi họ là Nguyễn Khoa. Nguyễn Khoa Chiêm làm quan dưới triều Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu (1691 - 1725) đến chức Tham Chính Chính Đoán Sự, được phong làm Bảng Trung Hầu. Chết khi đã về trí sĩ.

Tác phẩm: Nam triều Nguyễn Chúa khai quốc công nghiệp diễn chí tân soạn 南朝阮主開國功業演誌新撰12.

Nguyễn Hữu Hào (? - 1713)

Nguyễn Phúc Chu (1674 - 1725)

Ông là con trưởng của Anh Tông Nguyễn Phúc Trăn (1687 - 1691), và bà Tống Thị, lúc lên ngôi được tôn làm Thái Bảo Tộ Quận Công (năm 1691) miếu hiệu là Hiển Tông.

Là người mộ đạo, ông lấy hiệu là Thiên Túng đạo nhân13.

Ngoài ra ông còn để lại bốn bài thơ khóc bà phi Nguyễn thị, một bài minh khắc trên chuông chùa Thiên Mụ, một bài văn bia cũng ở chùa nầy.

Bài minh không có gì đặc biệt, bài văn bia quan trọng ở chỗ ông đã bộc lộ được niềm tin tưởng vô biên về sự trường tồn của vùng đất mình, sự an bình thạnh trị và sự hòa hợp tốt đẹp của hai tư tưởng Nho - Phật.

Nguyên văn:


越 國 之 南 兮 住 水 住 山
寶 剎 之 壯 兮 日 照 禪 關
性 之 清 淨 兮 溪 響 潺 潺
國 之 奠 安 兮 四 境 幽 閒
無 為 之 化 兮 儒 釋 同 班
記 茲 勝 概 兮 因 果 迴 還
建 標 立 的 兮 誠 存 邪 閑


Phiên âm:


Việt quốc chi Nam hề trú thủy trú san.
Bửu sát chi tráng hề, nhật chiếu thiền quan.
Tánh chi thanh tịnh hề, khê hưởng sàn sàn.
Quốc chi điện an hề, tứ cảnh u nhàn.
Vô vi chi hóa hề, Nho - Thích đồng ban
Kí tư thắng khái hề, nhơn quả hồi hoàn.
Kiến tiêu lập đích hề, thành tồn tà nhàn14.


Dịch thơ:


Trời Nam một dải non sông,
Đây là Việt Quốc hưng long đời đời.
Dựng ngôi Bửu Sát lâu dài,
Thiền quan tỏ rạng, mặt trời chiếu lâm
Dưới khe nước chảy âm thầm,
Tánh ta trong trẻo êm đềm khác đâu.
Quốc gia yên vững bền lâu,
Trong ngoài bốn cõi, một bầu thanh cao.
Vi vô đức hóa dồi dào,
Một nhà Nho Thích, ra vào hân hoan.
Khắc ghi thắng cảnh đôi vần,
Nhân nhân quả quả, chuyển vần chẳng sai.
Dựng bia tiêu biểu nơi đây,
Giữ tâm thành chánh chẳng thay đổi nào.


(Nguyễn Sanh Mai dịch)

Nguyễn Phúc Tứ (1669 - 1753)

Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, ông còn tên là Đán, người làng Gia Miêu, huyện Tống Sơn, (nay là Hà Trung, Thanh Hóa) con tứ tám của chúa Hiển Tông Nguyễn Phúc Chu nên được gọi là Hoàng bát tử. Năm 1716 ông làm chức Hữu Cai Đội, lấy việc đọc sách, ngâm vịnh làm vui, có biệt tài về thơ quốc âm. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn thì Nguyễn Phúc Tứ có viết truyện thơ Hoa Tình Truyện 花情傳 bằng quốc âm lời rất buồn bã, được dân chúng lúc bấy giờ rất thích. Tiếc rằng ngày nay cũng không còn.

Nguyễn Dưỡng Hạo và Phạm Lam Anh

Bà Phạm Lam Anh, tên tục là Khuê, hiệu Ngâm Si, con gái của Phạm Hữu Kính, người huyện Diên Phước, Quảng Nam có tài làm thơ. Bà thường xướng họa với người bạn trai tên Nguyễn Dưỡng Hạo sau mến tài nên cùng nhau tư tình. Nguyễn Hữu Kính tức giận định giết con, nhưng nhờ có người khuyên giải nên ông gả cho Hạo. Hạo tên tự là Phạm Am, người huyện Duy Xuyên, Quảng Nam, vốn là bạn của Ngô Thế Lân và có đề tựa cho tập thơ “Phong Trúc Tập 風竹集” của Lân. Hai vợ chồng cùng nhau sáng tác tập thơ “Chiến cổ Đường thi 戰鼓唐詩”, nhưng hiện nay cũng không còn.15.....

Nguyễn Đăng Tiến

Ông tự Mậu, hiệu Minh Khiêm, em ruột của Nguyễn Đăng Thịnh, con Nguyễn Đăng Trị, có tài học nhưng thi không đậu. Tuy nhiên người đồng thời rất mến tài, ông được tiến cử lên Chúa Ninh Vương Nguyễn Phúc Trú (1725 - 1738) và được bổ Văn Chức rồi làm Thị Giảng để dạy Đông Cung – Tức Thế Tông Nguyễn Phúc Khoát sau nầy. Khi Thế Tông lên ngôi, ông được bổ làm Tuần Vũ Phú Yên rồi Ký Lục Quảng Bình.

Văn ông cổ kính, thanh nhã, ảnh hưởng của lối văn Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên. Tác phẩm: Minh Khiêm thi tập 明 謙 詩 集 (văn)

Nguyễn Quang Tiền (1700 - 1770)

Người huyện Quảng Điền, học rộng thơ hay. Đời Hiển Tông (Nguyễn Phúc Chu) ông được bổ làm Văn Chức, coi việc giao thiệp với nhà Thanh.

Năm Bính Tý (1756) dưới triều Thế Tông (Nguyễn Phúc Khoát) Chúa ra lệnh ông viết thư cho viên quan đầu tỉnh Phước Kiến, xưng là An Nam quốc Vương, ông không chịu, Chúa giận bãi chức ông.

Đời Duệ Tông (Nguyễn Phúc Thuần) Trương Phúc Loan nắm quyền sợ dư luận nên vời những người có tiếng, ông được cử làm Hàn Lâm Viện, chẳng bao lâu ông tạ thế ở Thuận Hóa.

Ông có tài xem thiên văn đoán việc tương lai16.

Nguyễn Đăng Thịnh (1708 - ?)

Là con của ông Nguyễn Đăng Trị, ông tên tự là Hương, hiệu Chuyết Trai, người làng An Hòa, Thừa Thiên, là anh con bác của Nguyễn Cư Trinh.

Năm 14 tuổi ông đã nổi tiếng là hay chữ. Năm 1721 đỗ hương khoa được bổ Tri Huyện Hương Trà. Năm 1725 làm thị Giảng cho Đông Cung, tức Thế Tông Nguyễn Phúc Khoát sau nầy, rồi thăng Lễ Bộ kiêm Lại Bộ.

Năm 1744, ông và các bạn đồng liêu dâng biểu lên Chúa Nguyễn Phúc Khoát xin Chúa lên ngôi Vương, sau vài lần chối từ Chúa mới nghe theo.

Thời nầy mọi sự thay đổi về định chế đều do sáng kiến của ông.

Tác phẩm: Hiệu Tần thi tập (văn) 效 顰 詩 集 , Chuyết Trai văn tập (văn) 拙 齋 文 集 , Chuyết Trai vịnh sử tập (văn, sử) 拙 齋 詠 史 集 , đều đã mất

Nguyễn Cư Trinh (1716 - 1767)

Ngọc Hân Công Chúa (1771 - 1799)

Nguyễn Đăng Đàn (1710 - 1783)

Ông tự Thuần Nhất, người huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, thông minh hiếu học, nhưng không chuộng khoa danh. Đời Chúa Thế Tông (Nguyễn Phúc Khoát) ông dâng sách bằng quốc âm nói về việc cần phải cầu hiền, nạp gián. Chúa khen ngợi và vời ra làm quan nhưng ông từ chối, dựng nhà ở núi Thanh Thủy để dạy học, học trò rất đông, nhiều người thành đạt. Ông thọ hơn 70 tuổi, người đời đều tôn trọng gọi là Siêu Quần tiên sanh 超 群 先 生 17.

Hoàng Quang (? - 1801)

Đặng Đức Thuật (1730 - ?)

Tên tự là Cửu Tư, không rõ quê quán, học rộng thơ hay, chuyên về sử. Trước ông dạy học ở Bình Thuận, nhưng khi nhà Tây Sơn nổi lên ông dời về Gia Định, người có tài đến học rất nhiều (Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tịnh, Lê Quang Định, Nguyễn Hương). Nguyễn Ánh khi lấy được thành Gia Định, thấy ông là bực lão thành và có tài nên mời làm Hàn Lâm Viện Thị Giảng, Gián Nghị. Ông tánh tình thẳng thắn, cương nghị nên thường làm mất lòng Chúa, bị Chúa không thích nên ông từ quan. Học trò ông chịu ảnh hưởng lối viết sử của ông (Trịnh Hoài Đức: Gia Định Thành Thông Chí 嘉定城通誌, Lê Quang Định: Nhất Thống Địa Dư Chí 一統地余誌), người đời gọi những người nầy là Đặng gia sử phái.

Nguyễn Văn Danh

Chưa tường về tiểu sử, chỉ biết ông làm quan dưới thời Quang Trung.

Tác phẩm: Đại Việt Quốc Thư 大越國書 (văn).

Nguyễn Hương

Người tỉnh Bình Thuận cùng với Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhân Tịnh theo học với ông Đặng Đức Thuật và nổi tiếng thơ hay ở Gia Định. Ông từng giữ chức Hàn Lâm Thị Thư dưới thời Nguyễn Ánh. Về sau ông từ quan, sống ở quê nhà, vui thú ngâm vịnh, người đời tôn xưng là bậc xử sĩ.

Tác phẩm: Thái Dược Thi Tập採藥詩集 có rất nhiều câu còn sót lại rất hay:

Bài Thái Dược 採藥có câu:


學得長生秘 Học đắc trường sanh bí,
不求天下聞 Bất cầu thiên hạ văn.

Học được bí thuật trường sanh,
Không cần người đời biết tiếng.

Cái bí thuật trưòng sanh ở đây không nhất thiết là sống lâu hơn trăm tuổi, nhưng chỉ về cuộc sống an nhiên, không vướng bận, chỉ cái thanh thoát ngoài trần ai của các người tiên phong đạo cốt thuộc Đạo giáo.

Bài Sơn lộ 山 路 :


山人自往來 Sơn nhân tự vãng lai
山深人不知 Sơn thâm nhân bất tri.

Người ở núi đi qua lại núi,
Nhưng ai biết núi sâu.

Núi sừng sững đó nhưng muôn đời vẫn là bí ẩn. Hình dáng bên ngoài của núi người đời thấy biết được, nhưng còn những gì chứa ẩn trong đó làm sao hiểu cho thấu. Suy ra lòng người, đạo của Trời Đất cũng vậy thôi, mấy ai đi vào những ảo lý tên trong. Nhân định như vậy nên ông sống đời của bậc xử sĩ là chuyện dễ hiểu.

Ngô Thế Lân 吳世鄰

Trịnh Hoài Đức 鄭懷德(1765 - 1825)

Nhóm Chiêu Anh Các

Võ Trường Toản (? - 1792)

Nguyễn Văn Thành 阮文誠 (1757 - 1817)

Đặng Đức Siêu 鄧德超(1751 – 1810)

* * *

Nhìn chung văn học Nam Hà không được phát triển như văn học Bắc Hà: nhà văn ít, tác phẩm nghèo nàn. Thêm vào đó, tài liệu mất mát, có người chúng ta chỉ biết thơ hay, chữ đẹp nhưng tên tác phẩm cũng không còn. Có trường hợp tác phẩm thất lạc, chúng ta không biết gì hơn ngoài tên tác phẩm còn ghi lại trong sử sách. Đó là trường hợp Nguyễn Phúc Tứ, một hoàng tử hào hoa với “Hoa Tình Truyện花情傳”, trường hợp vợ chồng Nguyễn Dưỡng Hạo với “Chiến cổ Đường thi 戰鼓唐詩”...

Những tác phẩm còn lại đến ngày nay trừ truyện thơ “Song Tinh Bất Dạ 䨇星不夜” tương đối dài hơn, các tác phẩm khác như “Sãi Vãi 仕娓”18 “Hoài Nam Khúc 懷南曲” có độ dài trung bình, kỳ dư đều ngắn hay viết với hình thức những bài thơ, bài vãn ...

Văn Học Nam Hà thua kém so với Bắc Hà vì nhiều nguyên do:

a. Truyền thống văn chương lâu đời của đất Bắc, và vùng đất mới của xứ Đàng Trong.

b. Dân chúng Nam Hà phần nhiều thuộc tầng lớp nghèo khổ, thất học, di dân, phải lo khai thác đất đai để mưu sinh.

c. Xứ Đàng Trong xa cách Trung Quốc là nơi bồi dưỡng truyền bá văn hóa, học thuật cho người Việt thời đó.

Tuy nhiên, sáng tác phẩm của Nam Hà không thuộc vào loại văn chương để tiêu khiển, để ngâm hoa vịnh nguyệt, để thù tạc mà được sản xuất từ thời đại, từ hoàn cảnh lịch sử, nghĩa là sáng tác vì sức sống của con người lúc đó vì tình trạng mất còn của dân tộc. Ở đây người viết dám đưa ra nhiệm vụ cũng như ý thức hệ của mình: nhiệm vụ với nhân dân, ý thức bảo tồn, phát triển đất nước ... Văn Học Nam Hà đặc biệt và giá trị vì những điều đó.

Thời phân tranh Trịnh Nguyễn, văn học hai bên khác hẳn nhau. Qua thời kỳ Tây Sơn sự kiện đã đổi khác, những cuộc hành quân liên miên của Nguyễn Huệ, Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Hữu Chỉnh ra Bắc khiến sự tương giao giữa hai miền được thực hiện. Nhà văn bây giờ ngoài thế giới chung quanh còn nhìn ra xa hơn, để thấy chiến tranh và nổi khổ của người Việt đương thời. Bởi vậy lúc nầy hầu hết nhà văn đều nói đến chiến tranh – mặc dầu nhãn quan mỗi người mỗi khác ...

1 Ngô Sĩ Liên tác giả Đại Việt Sử ký Toàn Thư 大越史記全書 viết xong năm 1479 chép từ Hồng Bàng đến Lê Thái Tổ, gồm:
- Ngoại kỷ: (Phần ngoài): Từ Hồng Bàng đến hết nội thuộc (938) gồm 5 quyển.
- Bản kỷ: (Phần Chánh): Từ Ngô Quyền đến năm Lê Thái Tổ lên ngôi (1428) gồm 10 quyển
2 Vũ Quỳnh, trước đây khoảng 1510 - 1516 có viết bộ Đại Việt Thông Giám 大越通鑑 gồm 26 quyển, chia làm hai phần:
- Ngoại kỷ: từ Họ Hồng Bàng đến Nhị Thập sứ quân.
- Nội kỷ: Từ Đinh Tiên Hoàng đến khi Lê Thái Tổ đại định
Lê Tung viết bài tổng luận nên bộ Đại Việt Thông Giám 大越通鑑 nầy còn gọi là Đại Việt Thông Giám tổng luận 大越通鑑總論.
3 Lam Sơn Thực Lục 籃山實綠 chép chuyện Lê Thái Tổ, bản khắc ghi Lê Lợi viết, nhưng có lẽ do Nguyễn Trãi viết.
Việt Nam Sử Lược, trang 316 và Cuộc Tiến Hóa Văn Học Việt Nam, trang 82 đều ghi là Nguyễn Du, điều nầy sai vì Nguyễn Du (1765 - 1820) lúc đó mới 10 tuổi. Sự sai nầy có lẽ từ bản in của VNSL, mất chữ Phạm. Phạm Nguyễn Du (1740 - 1796) nguyên trước tên Phạm Vĩ Khiêm, hiệu Thạch Động và Dưỡng Hiên quê nhà làng Đảng Điền, huyện Châu Phúc, Nghệ An rất hay chữ, được làm quan trong triều ngay khi chưa đỗ đạt. Năm 1779 mới đỗ Hội Nguyên.
5 Bình Ninh Thực Lục平寧實綠 và Bình Hưng Thực Lục平興實綠 theo Trần văn Giáp - Tiểu sử các tác gia Việt Nam quyển I, nhà xuất bản văn học, 1962, trang 327, đều là tác phẩm của Trịnh Sâm, nhưng chúng tôi không thấy tài liệu gì rõ ràng để xác nhận thuyết nầy.
6 Lê Duy Mật là con vua Lê Dụ Tông, năm 1738 ông cùng một số tôn thất nhà Lê âm mưu diệt họ Trịnh, nhưng việc bại lộ nên phải chạy vào Thanh Hoá, chiếm được Hưng Hoá, Sơn Tây. Sau đó thua nên chiếm cứ cao nguyên Trấn Ninh và giữ trong suốt 30 năm. Năm 1769 bị tấn công mãnh liệt và bị nội phản nên ông tự thiêu chết.
7 Các tác giả Bắc Hà chúng tôi xin bỏ qua tiểu sử. Có thể tham khảo: Trần văn Giáp - Lược Truyện Các Tác Gia Việt Nam - Quyển I - 1962. Tài liệu này tương đối chính xác.
8 Đây là quyển nói về việc ông lên kinh đô chữa bịnh cho Trịnh Cán. Toàn bộ sách về y lý của ông, bộ “Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh 海上醫宗心領” gồm 66 quyển.
9 Lê Quý Đôn - Kiến Văn Tiểu Lục 見文小綠 - “Bản triều từ thời Trung Hưng trở lại đây, các bậc tiền bối vị nào cũng có thi tập, phần nhiều gồm những thơ tặng đáp, đề vịnh khi đi sứ”.
10 Các tác giả nói đơn giản ở đây, sẽ được phân tích kỹ hơn ở sau.
11 Ông muốn lập công lớn nên giả cách trá hàng quân Trịnh, chẳng may bị Tham tướng Nguyễn Phúc Tráng vốn có hiềm khích, gièm pha với Chúa.
12 Đây là nhan đề của bản chép tay tàng trữ ở Viện Khảo Cổ Sàigòn. Tác phẩm của ông còn có những tên như sau, tùy theo người sao chép: - “Việt Nam khai quốc chí chuyện”, theo Phạm Văn Diêu, VHNS, số 64, tháng 9 - 1961 - “Nam Triều Công Nghiệp Diễn Chí”, theo Đại Nam Nhất Thống Chí, tỉnh Thừa Thiên. Tác phẩm nầy từ năm 2005, có bản dịch khá tốt lưu hành. - “Việt Nam Khai Quốc Chí Truyện”, theo bản chép tay của thư viện trường Đại Học Văn Khoa Sàigòn, (trước 1975) Theo nhóm Văn Tân – Sơ thảo lịch sử Việt học Việt Nam - nhà XB Văn Sử Địa, 1961, quyển III, Bảng Trung Hầu và Nguyễn Khoa Chiêm là hai người khác nhau.
13 Sách “Minh Đô Chi” của Hà, Thanh, Liên Khê cư sĩ, Cơ Phủ (tức Bùi Nhữ Tích, tự là Cơ Phủ, hiệu là Liên Khê cư sĩ, người làng Thanh Trì Hà Nội) trong khi chép thơ của con ông là Nguyễn Phút Khoát có ghi đây là thơ của Hiếu Vũ Hoàng Đế và chú thêm hiệu là Thiên Túng Đạo Nhân, thật ra Hiếu Vũ Hoàng Đế là Nguyễn Phúc Khoát hiệu là Từ Tế đạo nhân.
14 Tài liệu trong Hải Ngoại Ký Sự 海外記事của Thích Đại Sán.
15 Trong hiện tình, chúng tôi chỉ biết có bao nhiêu về nữ sĩ Lam Anh. Theo Nguyễn văn Trung (Lược khảo văn học tập III - Nam Sơn - Sàigòn 1968 - trang 39) Ông Trần Thanh Mại có cho biết bài tựa của Trương Đăng Quế đề tập thơ Diệu Liên của nữ sĩ Mai Anh có những câu sau: “Xem nước Nam ta mở mang bờ cõi kể đã hàng trăm hàng nghìn năm, trong khoảng thời gian ấy, đứng về thơ phụ nữ mà nói, thì trước kia chỉ có Phạm Lan Anh, và gần đây có Hồ Xuân Hương hai người mà thôi, ngoài ra thật là hiếm hoi, không hề nghe nói đến ai nữa”.
16 Đại Nam Nhất Thống Chí cho rằng ông tiên đoán cuộc nổi dậy của Tây Sơn từ 6 năm trước (tài liệu nầy đáng ngờ).
17 Cháu nội là Nguyễn Đăng Trường làm đến Tham Tán dưới triều Duệ Tông Nguyễn Phúc Thuần, cũng là người tài, Nguyễn Huệ dụ không được tha một lần, sau Huệ bắt được Trường lần thứ hai ở Sàigòn, dụ nữa, Trường vẫn không chịu đầu nên bị giết (Đại Nam liệt truyện, Tiền biên).
18 Nhan đề quen thuộc. Hiện chúng tôi có bản chép tay đề: “Sãi Vãi Tân Lục Quốc Âm Diễn Ca 仕娓新綠國音演歌”.

... còn tiếp ...




VVM.15.8.2023-NVA

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .