Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             


CHẲNG BIẾT BA TRĂM NĂM LẺ NỮA, 
NGƯỜI ĐỜI AI KHÓC TỐ NHƯ CHĂNG ?



ĐỘC TIỂU THANH KÍ

(Nguyễn Du)

Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư, 
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư. 
Chi phấn hữu thần liên tử hậu, 
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư. 
Cổ kim hận sự thiên nan vấn, 
Phong vận kì oan ngã tự cư. 
Bất tri tam bách dư niên hậu, 
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?


Dịch nghĩa:

Vườn hoa bên Tây Hồ đã thành bãi hoang rồi, 
Chỉ viếng nàng qua một tập sách đọc trước cửa sổ,
Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết, 
Văn chương không có số mệnh mà cũng bị đốt dở. 
Những mối hận cổ kim khó mà hỏi trời được, 
Ta tự coi như người cùng một hội với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã.
Không biết hơn ba trăm năm sau, 
Thiên hạ ai người khóc Tố Như ?(1)

Trên đây là bài thơ chữ Hán tiêu biểu của Nguyễn Du đang được dạy ở lớp 10, môn Ngữ văn.

Ngoài Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm, Nguyễn Du có nhiều thơ chữ Hán. Suốt hơn 100 năm, các bài thơ này chỉ lưu giữ trong gia tộc Nguyễn Du nên chưa mấy ai được đọc. Năm 1924, Phan Sĩ Bàng và Lê Thước dựa vào lời kể của cụ Nghè Nguyễn Mai (Đời thứ 10 của họ Nguyễn Tiên Điền) viết tập sách mỏng “Truyện cụ Nguyễn Du”. Truyện nêu hai câu thơ gọi là “khẩu chiếm” (đọc trước lúc từ trần) của Nguyễn Du: Bất tri tam bách dư niên hậu / Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như? (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa / Người đời ai khóc Tố Như chăng?). Tố Như là tên chữ (2) của Nguyễn Du.

Vậy là đến năm 1924 vẫn chưa ai biết gì về toàn bộ bài thơ trên mà chỉ biết 2 câu thơ cuối được gọi là 2 câu khẩu chiếm. Mãi đến năm 1941, trong bài báo viết về lai lịch Truyện Kiều đăng trên tạp chí Tri Tân, Đào Duy Anh cho biết: “Tôi vừa được xem Thanh Hiên thi tập của Nguyễn Du thì mới biết rằng hai câu ấy không phải là khẩu chiếm mà là hai câu trong bài thơ làm sau khi đọc chuyện Tiểu Thanh ...”. 

Tháng 10-1942, Đào Duy Anh viết bài Tam bách dư niên hậu đăng trên tạp chi Thanh Nghị số 22, công bố bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí”.

Vậy là mãi đến 1942 mọi người mới được biết cả bài thơ và cho đến năm 1965 (145 năm sau khi Nguyễn Du mất), Lê Thước và Trương Chính mới lần đầu tiên sưu tập được nhiều thơ chữ Hán Nguyễn Du thuộc Thanh Hiên thi tập (tập thơ Nguyễn Du làm lúc còn trẻ),  Bắc hành tạp lục (tập thơ viết lúc đi sứ ở Trung Quốc) và Nam trung tạp ngâm (tập thơ làm lúc làm quan ở kinh đô Huế).

Việc sưu tập này khó khăn do các tập thơ được giữ tại gia đình, không có điều kiện bảo quản tốt lại thêm tình trạng người này cho người kia mượn rồi chép tay lại, chữ nghĩa sai lạc nhiều... Tìm đến Viện Viễn Đông Bác Cổ thì chỉ còn được 1 tập thơ "Bắc hành tạp lục". Hai cụ phải tìm đến  gia tộc họ Nguyễn Tiên Điền ở Nghi Xuân để mượn chép những bài thơ còn thiếu. 

Trong tình hình đó, gốc tích của bài thơ có liên quan đến tâm sự buồn của Nguyễn Du là bài Độc Tiểu Thanh kí - lời than oán cho một nhân vật nữ tài hoa mệnh bạc - đã không rõ ràng. Người ta không xác định được bài thơ thuộc tập thơ nào trong 3 tập thơ của Nguyễn Du. Nguyên bản bài thơ không có mà chỉ tìm được bài thơ được chép lẫn lộn trong một tập thơ đề là Thanh Hiên thi tập mà lại xen vào đến 55 bài của Bắc hành tạp lục(3):

Bài thơ được bàn luận nhiều từ đầu thế kỉ XX mà nay vẫn còn nhiều người nêu nghi vấn.

Điều hồ nghi lớn nhất ở 2 câu kết: Nay hơn 300 năm (tam bách dư niên), ta khóc Tiểu Thanh; vậy hơn 300 năm nữa ai là người khóc ta?.

Vấn đề khúc mắc ở mấy chữ “Tam bách dư niên” (hơn ba trăm năm)! 

Sao lại là hơn 300 năm? Ngu Sơ tân chí và  Nữ Liêu Trai chí dị có ghi: Tiểu Thanh mất năm Nhâm Tí, niên hiệu Vạn Lịch tức là năm 1612. Làm phép tính nhỏ: Giả định cho rằng bài thơ khóc Tiểu Thanh được Nguyễn Du làm ở quê trước lúc được Gia Long vời ra làm quan (1802) vậy là chỉ sau khi Tiểu Thanh mất chưa được 190 năm (!). Bùi Kỷ, Phan Võ và Nguyễn Khắc Hanh cho rằng Nguyễn Du đã viết bài thơ ấy lúc đi sứ Trung Quốc (1814) tức sau Khi Tiểu Thanh mất 202 năm. Còn xa lắm so với con số “tam bách dư niên”. Chỗ khúc mắc này từng là nỗi băn khoăn của nhiều người.

Gần đây TS. Nguyễn Đăng Na tìm được trên mạng điện tử Trung Quốc, trang web  扬州美女-自古扬州出美女 (Dương Châu mỹ nữ - Tự cổ Dương Châu xuất Mỹ nữ - www.yzmn.cn) có bài viết“Bi kịch thảm thương của Phùng Tiểu Thanh - đại diện cho các cô gái đẹp ở Dương Châu”. Bài viết kể về lai lịch Tiểu Thanh như sau:

“...Bên Tây Hồ ở Hàng Châu có hai ngôi mộ mĩ nhân thường khiến du khách phải buồn đau than thở. Thứ nhất là ngôi mộ cô đơn của Tô Tiểu Tiểu, một thi sĩ - danh kĩ nổi tiếng thời Nam Tề, nằm tại bờ tây Lãnh Kiều; ngôi thứ hai là mộ Phùng Tiểu Thanh, một oán nữ thời Minh sơ, nằm yên tĩnh đã lâu trong khu rừng mai dưới chân núi Cô Sơn. Hai ngôi mộ cô quạnh cỏ xanh phủ kín khiến cho bờ hồ Tây Tử tăng thêm vẻ đẹp đượm buồn. Người tới đây tưởng niệm, không khỏi hồi tưởng đến câu chuyện thê lương của hai giai nhân bạc mệnh”...“Phùng Tiểu Thanh vốn là con gái nhà thế gia ở Quảng Lăng. Trước đây, vị tổ của nàng từng theo Chu Nguyên Chương nam chinh bắc phạt, có công trong việc dựng nên giang sơn nhà Đại Minh. Sau khi nhà Minh định đô ở Nam Kinh, gia tộc họ Phùng được hưởng quan cao, lộc hậu. Đến đời phụ thân Phùng Tiểu Thanh, ông được thụ phong làm Thái thú Quảng Lăng. Thuở ấu thơ, Phùng Tiểu Thanh sống trong phủ Thái thú ở Quảng Lăng. Đó là những ngày có thể nói rằng, vàng son chói lọi, áo gấm xênh xang, kẻ hầu người hạ tấp nập. Từ nhỏ, Phùng Tiểu Thanh đã xinh đẹp đoan trang, thông minh linh lợi, rất được yêu chiều”[...].“Mẹ nàng cũng là một khuê tú, xuất thân từ gia đình đại gia, giỏi văn chương, thạo đàn phách và chỉ có một cô con gái cưng như báu vật là Phùng Tiểu Thanh. Từ nhỏ, Tiểu Thanh đã được gia đình quan tâm dậy dỗ, mong sau này trở thành tiểu thư tài mạo xuất chúng” [...]. “Nhưng ai hay, trời có gió mây bất trắc; người có phúc họa khôn lường. Năm Kiến Văn thứ tư, Yên vương Chu Đệ mượn danh nghĩa dẹp nạn đã đoạt lấy ngôi vua  của Kiến Văn đế. Khi Chu Đệ tiến quân vào Nam Kinh, thân phụ Phùng Tiểu Thanh bấy giờ đang là bề tôi của Kiến Văn đế nên đem quân cương quyết chặn lại. Sau khi Chu Đệ lấy được thiên hạ, Phùng gia tự nhiên trở thành ma không đầu dưới lưỡi dao của vị vua mới này và bị giết cả nhà. Lúc đó Phùng Tiểu Thanh vừa tuổi cập kê, lại đúng dịp đang theo một người bà con là Dương phu nhân ở nơi xa, nên may mà thoát nạn. Trong cảnh hỗn loạn ấy, nàng theo Dương phu nhân chạy đến Hàng Châu...”.(4)  

Nguyễn Đăng Na cho rằng có thể Nguyễn Du đã đọc được chính tư liệu trên trong một cuốn sách xưa. Nếu tư liệu này đúng thì Tiểu Thanh sống vào đời Minh sơ. Gia đình nàng mắc nạn năm Kiến Văn thứ tư tức là năm Nhâm Ngọ 1402. Lúc này Tiểu Thanh mới 15 tuổi. Nàng mất 3 năm sau, ở tuổi 18 tức là năm 1405. Tính đến thời điểm Nguyễn Du viết Độc Tiểu Thanh kí khoảng năm 1802 hoặc trước đó vài năm thì khoảng cách này là 400 năm. Thời gian này  lại xa quá so với “tam bách dư niên” .

 Vậy là tất cả đều không thể giải thích được  chữ “tam bách dư niên”.(5)

Chính điều khúc mắc này khiến người ta ngờ rằng 2 câu thơ trên vốn không phải là của bài Độc Tiểu Thanh kí mà chỉ là 2 câu thơ Nguyễn Du đọc lúc sắp từ trần; người đời sau đã đem gắn vào với 6 câu đầu mà tạo nên bài thơ.

CHÚ THÍCH
1. Xin xem thêm bài dịch thơ ở KIẾN THỨC NGÀY NAY số 891 ngày 10.5.2015 (Độc Tiểu Thanh kí: bài thơ khó trong chương trình Trung học)
2. Tên chữ (tên tự): Khi trưởng thành người ta đặt thêm “tên chữ”. Sau tuổi 20, để thể hiện sự tôn trọng, tên chữ được dùng thay cho tên tục (do cha mẹ đặt lúc mới sinh). Tên chữ chỉ dùng cho nam giới, có thể do gia đình, do thầy giáo hay tự mình đặt. Ở Trung Quốc, người con trai khi đã lớn mà không được bạn bè gọi bằng tên chữ là thể hiện một sự coi thường. Sau phong trào Ngũ Tứ năm 1919, việc dùng tên chữ đã bãi bỏ. Ở nước ta: chỉ có con nhà nhà Nho, con gia đình khá giả mới có tên chữ.
3. Tập thơ do người bạn của Đào Duy Anh ở Vinh cho mượn.
4. NGUYỄN ĐĂNG NA, "Độc Tiểu Thanh kí - tư liệu và hướng nghiên cứu”.   http://nguvan.hnue.edu.vn/Nghiencuu/VanhocVietNamtrungdai/tabid/102/newstab/175/Default.aspx
5. Có ý kiến giải thích rằng: “Nguyễn Du vì nhớ đến nàng Kiều sống trước mình 300 năm rồi nhân đó liên tưởng sau mình 300 năm có ai khóc mình như mình đã khóc Thúy Kiều chăng?”...“Từ năm Gia Tĩnh triều Minh (1522) đến năm Nguyễn Du mất (1820) là khoảng 300 năm...”. 
Ý kiến này vô lí, không thể chấp nhận bởi đang nói chuyện Tiểu Thanh, không lẽ gì mà Nguyễn Du lại bắt quàng sang Thúy kiều mà tính đến thời điểm “Gia Tĩnh triều Minh”!




VVM.21.7.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .