Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


NGUYỄN TRÃI  
MẪU THIÊN TÀI ĐA PHƯƠNG DIỆN





T rong lịch sử dân tộc ta, Nguyễn Trãi là bậc danh nhân có một địa vị hết sức đặc biệt. Bởi vì ông thuộc mẫu thiên tài đa phương diện mà thế giới từ thời cổ xưa đến nay cũng không sản sinh ra được mấy người.

Trong khi suy ngẫm về các danh nhân của nhân loại, tôi đã từng so sánh Nguyễn Trãi với Khuất Nguyên của Trung Hoa, đại thần trong triều đình nước Sở cuối thời Xuân Thu. Hai bậc tiên liệt vĩ đại ấy giống nhau ở chỗ đều là những nhà ái quốc thương dân điển hình, là những nhà chính trị xuất chúng, đồng thời là những nhà văn hoá hàng đầu không những của dân tộc mình mà còn của cả nhân loại. Ngoài ra, số phận của hai con người cực kì ưu tú ấy cũng giống nhau làm sao: họ đều bị lũ gian thần ngu xuẩn và độc địa trong triều ghen ghét, vu cáo và hãm hại, để lại nỗi đau cho muôn đời sau. Chính Nguyễn Trãi đã tiên cảm được tấn bi kịch của mình và đã viết nên hai câu thơ ứa máu:

Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật,
Anh hùng di hận kỉ thiên niên.

(Hoạ phúc vốn có duyên do, nào phải một ngày,
Anh hùng để hận lại mấy ngàn năm sau)

Thật là một câu tiên tri có thể khiến chúng ta liên tưởng tới câu “Gớm ghê thay, sắc phong vân cũng đổi; ảm đạm thay, ánh nhật nguyệt phải mờ!” mà Nguyễn Trãi viết trong Bình Ngô Đại Cáo.

Chúng ta hãy lần lượt đi sâu tìm tòi và phát hiện tất cả những phương diện đã làm nên người anh hùng vĩ đại đồng thời là một thiên tài của dân tộc ta: NGUYỄN TRÃI.

1. Trước hết, Nguyễn Trãi là nhà tư tưởng và nhà chính trị kiệt xuất, có thể so sánh với Khương Tử Nha (Lã Vọng), Chu Công Đán, Phạm Lãi, Trương Lương, Gia Cát Lượng, sư Vạn Hạnh…

Ông là bậc khai quốc công thần đã vạch ra đường lối chính trị cho nhà Hậu Lê trong cả hai giai đoạn kháng chiến chống Minh và xây dựng nền móng cho triều đại mới. Tư tưởng căn bản của ông trong cả hai giai đoạn ấy là đứng trên lập trường nhân nghĩa để đánh đuổi giặc, và mục tiêu cuối cùng là để yên dân trong thời bình. Sự đúng đắn của tư tưởng ấy đã được chứng minh hùng hồn qua việc chiến thắng giặc Minh giành lại độc lập cho đất nước, và kế đó các ông vua sáng (tiêu biểu là Lê Thánh Tông) đã kế thừa những tư tưởng đúng đắn đó của ông để đưa triều đại Hậu Lê tiến tới toàn thịnh.

2. Là nhà tư tưởng kiệt xuất của Phương Đông, Nguyễn Trãi nắm bắt được “quy luật của càn khôn” (chân lí khách quan), cho nên ông viết: “Số khó lọt vành âu bởi mệnh,/ Văn chưa tàn lụi cũng do trời” (Than nỗi oan). Dựa vào quy luật ấy, ông tiên đoán được chân giá trị của tư tưởng mình đối với hậu thế. Ông viết “Hậu học thuỳ tương tác chuẩn thằng?” (Những trí thức đời sau này, ai là người lấy ta làm mực thước?). Hậu thế sẽ trả lời như thế nào đối với câu hỏi ấy của Nguyễn Trãi từ gần 600 năm trước, ngày nay không một người có lương tri nào không biết. Tri thức cao siêu của Nguyễn Trãi về chân lí của càn khôn vũ trụ bất khả phủ định và bất khả tư nghì ấy, đến ngày nay cũng vẫn còn là một thách thức, một “tầm cao khó với tới” đối với số đông trong loài người. 

3. Nguyễn Trãi đồng thời là nhà chiến lược quân sự đại tài đã vạch ra chiến lược chống Minh, giải phóng đất nước bằng cách triệt để áp dụng tư tưởng nhân nghĩa trong khi dụng binh: đồng thời đánh giặc trên cả hai phương diện quân sự và tinh thần. Ở thời Trần và thời Hậu Trần trước đó chưa xuất hiện tư tưởng chiến lược ấy, và nhiều triều đại sau này đã không biết vận dụng tư tưởng ưu việt ấy, do đó mà phải trả những cái giá rất đắt, phải lãnh những hậu quả nặng nề. Các triều đại Trịnh, Nguyễn (với cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh), Tây Sơn, Nguyễn Gia Long, Tự Đức… là những dẫn chứng lịch sử rõ nét: tư tưởng nhân nghĩa hầu như không được nhắc tới mà chỉ có những kình địch quân sự triền miên. Trái lại, trong thời đại Nguyễn Trãi, Đại Việt đã chiến thắng giặc Minh bằng chiến lược được xây dựng trên tư tưởng nhân nghĩa, đã kết thúc chiến tranh bằng đường lối đàm phán hoà bình, giảm bớt tối đa xương máu và những tổn thất khác cho cả đôi bên và mở ra một thời đại hoà hiếu Việt – Trung kéo dài gần nửa thiên niên kỉ (trừ một giai đoạn rất ngắn do cuộc xâm lược của nhà Thanh).

4. Nguyễn Trãi đồng thời là nhà ngoại giao lỗi lạc trong suốt cuộc kháng Minh. Ông đã dùng ngòi bút với tài biện luận cực kì sắc bén của mình đánh vào cân não giặc (được tập hợp trong sách Quân trung từ mệnh tập), mang lại hiệu quả chưa từng thấy. Quân Minh bị cạn kiệt tinh thần chiến đấu đến nỗi… trăm trậm trăm thua và phải buông giáo đầu hàng rồi lũ lượt rút khỏi Đông Quan kéo nhau về nước! Cũng chính Nguyễn Trãi là yếu nhân đứng ra và giải quyết ổn thoả bằng ngoại giao những vấn đề gay cấn trong quan hệ Việt – Trung sau chiến tranh.

5. Nguyễn Trãi là nhà giáo dục đạo đức lớn của dân tộc. Thấu hiểu rằng luân lí, đạo đức, thuần phong mĩ tục… là nền tảng cho đời sống hạnh phúc lâu dài của con người, của toàn dân tộc, ông đã trước tác một tác phẩm chuyên về luân lí đạo đức mang tên Bảo kính cảnh giới (Gương quý răn mình) trong đó ông đúc kết nên những khuôn vàng thước ngọc của nền đạo đức dân tộc. Những bài “đức dục” ấy đến nay vẫn còn nóng hổi với chúng ta:

- Kết bạn, mạ (chớ) quên người cố cựu,
Yên nhà nỡ phụ vợ tao khang?;
- Đồng bào cốt nhục nghĩa càng bền,
Cành bắc cành nam một cỗi nên;
- Ở thế nhịn nhau muôn sự đẹp;
- Bất nhân vô số nhà hào phú,
Của ấy nào ai từng được chầy (lâu)?

6. Nguyễn Trãi đồng thới là nhà bác học lớn. Ngoài văn chương, ông đã trước tác những tác phẩm kinh điển thuộc nhiều bộ môn học thuật như:

- Ức Trai dư địa chí: địa lí về đất nước ta, tài liệu Nguyễn Trãi soạn để dạy vua Lê Thái Tông (theo sự uỷ thác của Lê Thái Tổ trước khi mất) khi Thái Tông còn nhỏ tuổi.

- Luật thư: tác phẩm thiết kế cấu trúc bộ luật quốc gia. Tác phẩm vĩ đại này về sau được Lê Thánh Tông sử dụng làm thành nội dung căn bản của “Bộ luật Hồng Đức”, một bộ luật nổi tiếng đến nỗi triều đình Trung Hoa phải tham khảo để tu chỉnh bộ luật của nước mình.

- Giao từ đại lễ: cuốn sách chuyên đề về điển lễ, phép tắc hoạt động của vua quan trong triều đình.

- Nguyễn Trãi còn là người am tường về âm nhạc. Ông được vua Lê Thái Tông giao cho nhiệm vụ cùng với Lương Đăng soạn ra quốc nhạc và lễ nhạc của triều đình. Ông có một chủ trương cực kì sáng suốt: quốc nhạc Đại Việt phải được xây dựng trên nền tảng âm nhạc dân tộc truyền thống của Đại Việt. Trong sớ dâng lên vua với các bản vẽ các nhạc cụ dân tộc, có cả nhạc cụ “khánh đá” do chính ông chế tạo, ông đã viết một đoạn văn nổi tiếng: “Đời loạn dùng võ, thời bình dùng văn. Nay đúng là lúc nên làm lễ nhạc. Song không có gốc thì không thể đứng, không có văn thì không thể hành. Hoà bình là gốc của nhạc, thanh âm là văn của nhạc…Xin bệ hạ yêu nuôi muôn dân, để chốn xóm thôn không còn tiếng oán hận, như thế mới không mất cái gốc của nhạc”.

Trong khi đó Lương Đăng lại đưa ra một chủ trương hết sức ngu xuẩn: lấy quốc nhạc có sẵn của Trung Hoa làm quốc nhạc của nước ta! Nguyễn Trãi quyết liệt phản đối chủ trương ấy, do đó xảy ra mâu thuẫn không thể hoà giải được với Lương Đăng. Rốt cuộc Nguyễn Trãi xin rời triều về trí sĩ ở Côn Sơn.

7. Và một điều hết sức phi thường: Nguyễn Trãi là nhà văn nhà thơ vĩ đại của dân tộc ta. Ông trước tác trên hầu hết các thể tài thuộc văn học. Về văn nghị luận (Hán văn) có Quân trung từ mệnh tập, Bình Ngô đại cáo, văn bia lăng Lê Lợi…

Về  thơ, trước hết phải kể đến thơ Nôm trong di cảo Quốc âm thi tập, di sản quý báu nhất của thời kì sơ khai văn học nước ta. Ông chính là một trong những “ông tổ thơ Nôm” đã đặt nền móng cho nền thơ ca thành văn của dân tộc. Trong lĩnh vực này, kì tích của ông sánh ngang kì tích của thi hào Nga Puskin: vừa sáng tạo ra ngôn ngữ văn học dân tộc, vừa trước tác nên những tác phẩm văn chương bất hủ bằng tiếng Việt. Một điều độc đáo là ông sáng tạo ra thể thơ “Đường luật biến thể” của Việt Nam bằng cách viết những câu thơ 6 chữ bên cạnh những câu thơ 7 chữ.

Nguyễn Trãi là thi nhân đích thực, đỉnh cao đầu tiên của nền thi ca thành văn Việt Nam. Trước ông, ở các thời Hùng Vương, Tiền Lí, Ngô, Đinh, Tiền Lê, Hậu Lí, Trần chưa xuất hiện một thi nhân nào có tầm vóc như vậy. Thơ Nôm của Nguyễn Trãi là thơ đỉnh cao xét cả về nội dung lẫn nghệ thuật mà không một thi nhân nào của Việt Nam các thời đại sau vượt qua được nếu xét theo quan điểm lịch sử. Ông có rất nhiều câu thơ tuyệt tác, mới mẻ chưa từng có trước đó, và ngày nay còn khiến chúng ta phải sửng sốt:

- Đủng đỉnh chiều hôm giắt tay (hai tay giắt vào nhau sau lưng)
Trông thế giới phút chim bay.
Non cao non thấp: mây thuộc,
Cây cứng cây mềm: gió hay…
- Tà dương bóng ngả áp giang lâu,
Thế giới đông nên ngọc một bầu.
- Phơ phơ đầu bạc ông câu cá,
Leo lẻo doành xanh con mắt mèo.
- Lao xao chợ cá làng ngư phủ,
Dặng dõi cầm ve lầu tịch dương.
- Nước biếc non xanh thuyền gối bãi,
Đêm thanh nguyệt bạc khách lên lầu.
- Kho thu phong nguyệt đầy qua nóc,
Thuyền chở yên hà nặng với then…

Về  thơ chữ Hán, ông là một cây đại thụ, là bậc tiền bối của các nhà thơ danh tiếng đời sau như Lê Thánh Tông, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Đặng Trần Côn, Nguyễn Du, Ngô Thì Nhậm, Cao Bá  Quát, Nguyễn Khuyến… Thơ của ông sánh ngang thơ Đường, Tống, chứa đựng cả một thế giới tâm tư tình cảm đặc biệt sâu nặng, để lại dư vị mãi mãi cho các thời đại sau. Tôi xin đơn cử một bài thơ sau đây để bạn đọc cảm nhận chất thơ phi phàm của ông:

Vãn hứng
Cùng hạng u cư khổ tịch liêu,
Ô cân trúc trượng vãn tiêu diêu.
Hoang thôn nhật lạc hà thê thụ,
Dã kính nhân hi thuỷ một kiều.
Kim cổ vô cùng giang mạc mạc,
Anh hùng hữu hận diệp tiêu tiêu.
Quy lai độc hứng lan can toạ,
Nhất phiến băng thiềm quải bích tiêu.

Dịch:

Ngõ cuối âm thầm cảnh vắng teo,
Khăn đen gậy trúc dạo trời chiều.
Thôn hoang ác lặn cây treo ráng,
Đường vắng người thưa nước ngập cầu.
Kim cổ không cùng sông phẳng lặng,
Anh hùng tuôn hận lá lao xao.
Chơi về một bóng ngồi bên triện,
Trời biếc trăng trong một mảnh treo.

(Hứng chiều – Bùi Văn Nguyên dịch).

Chính vì thiên tài văn học của ông mà năm 1980 ông được cả nhân loại phong tặng danh hiệu “danh nhân văn hoá thế giới”.  


Ức Trai Nguyễn Trãi quả là một vĩ nhân toàn thiện, một thiên tài đa phương diện ít ai sánh nổi, là niềm tự hào vô cùng to lớn của của dân tộc ta.

(Bài viết cập nhật tổng hợp từ những tư liệu viết về Nguyễn Trãi của Kiều Văn rút từ sách Những gương mặt tiêu biểu thi ca Việt Nam (NXB Văn học, 2006) và bộ sách Giai thoại lịch sử Việt Nam (NXB Văn hoá Thông tin, 2003)




VVM.21.7.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .