T rong văn học Việt Nam, có hai nhà thơ thường nói tới sự khôn dại ở đời, với giọng thơ mai mỉa: Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và Tú tài Trần Tế Xương, thường gọi là Tú Xương. Cụ Trạng thì nghiêm trang, Tú Xương thì nói chơi mà thiệt. Trước 1968, khi còn cầm cục phấn đứng trước bảng đen, dạy cho học sinh hai tác giả nầy, tôi thường nhấn mạnh những điểm nầy. Người ta thường thích thơ Tú Xương hơn. Thơ Tú Xương gần gũi hơn, vui hơn, đại chúng hơn, và không đau đớn vì "tình đời" như thơ Cụ Trạng.
Khi làm một việc gì, người ta thường "tính khôn, tính dại". Có cái tưởng mình là khôn, nhưng thật ra là dại, có cái cho mình là dại mà hóa ra khôn. Nói chi cho dông dài, cứ xét câu thơ trên của Tú Xương, người ta hiểu ngay. Giới "cờ bạc" thường dùng mánh khóe, mưu mô, xảo quyệt, mánh lới để lừa gạt đối thủ... là người khôn. Nhưng họ được cái gì: Ăn bạc, được tiền. Họ mất cái gì? Tư cách, đạo đức, sự chân thật... Cái mất "nặng" hơn cái được, v.v...
Còn văn chương, sao gọi là dại?
Người làm văn, làm thơ thường đem cái tâm sự của mình mà dàn trải ra trên giấy mực, cho mọi người cùng biết thì khôn thế nào được. Nói chi xa, Nguyễn Du với Truyện Kiều chẳng hạn. Trước 1975, không ít người đọc truyện Kiều, đều "thấy" rõ Nguyễn Du là người như thế nào. Mấy ông giáo sư Việt Văn ở Saigòn hồi ấy, không ít người viết sách nghiên cứu, phê bình, sách giáo khoa... Có người viết cả "Tâm sự Nguyễn Du trong truyện Kiều" để dạy cho học trò. Vậy thì Nguyễn Du khôn hay dại?
Hồi trẻ, đọc "Những ngày thơ ấu" của Nguyên Hồng tôi xúc động lắm. Về sau, đọc "Nhà Văn Hiện Đại", biết người trong truyện là chuyện thật của đời tác giả, tôi lại thương ông hơn. Sau vụ "Nhân Văn Giai Phẩm", tôi lại thấy tội nghiệp cho ông một lần nữa: Ông bị rơi vào cái bẫy của Cộng Sản.
Số là Cộng Sản Việt Nam biết nhiều nhà văn thơ tiền chiến theo kháng chiến mà không ưa Cộng Sản - giống như bài thơ Hoa Hồng của Phan Khôi vậy (1)- . Trước khi nước ta bị chia cắt, nhiều người đã bỏ kháng chiến mà về, như Phạm Duy chẳng hạn. Về Hà Nội chưa được bao lâuu, ông lại đem gia đình chạy vô Saigon. Ông sợ Cộng Sản sẽ "thịt" ông.
Số đông người khác, mon men về mà không về được, như Thế Lữ chẳng hạn. Phải sau khi "tiếp thu" họ mới về Hà Nội. Để biết rõ ai theo thiệt, ai theo giả, Hồ Chí Minh bèn bắt chước Tàu Cộng, giăng cái bẫy "Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng" (Bách gia tranh minh, bách hoa tề phóng). Thế là đám văn chương, nghệ thuật nhào vô. Tố Hữu cho vô tù cải tạo tuốt. Nguyên Hồng bỏ ngòi bút, rút về quê "lao động là vinh quang, cuốc là số một", không thèm làm văn vẽ gì cả.
Đó chính là "Dại chốn văn chương" là dại thiệt.
Hồi trẻ, khi tôi làm điều gì sai, yêu một cô nàng có tính lăng nhăng chẳng hạn, lại cứ đem chuyện yêu ấy mà nói đi nói lại, bị mẹ tôi mắng: "Đã ngu thì im đi. Người ta cười cho." Nghe lời mẹ dạy, hễ khi nào làm gì sai, dù khôn hay dại. tôi "im luôn". Đó là "kinh nghiệm sống". "Chôn vùi" nó đi, moi cái đống rác thúi lên làm gì, để khỏi bị thiên hạ cười cho. Nay muốn nhắc lại cho con cháu, biết chơi... ví như những chuyện như sau....
Chuyện Tô Lâm...
Qua Luân Đôn, ăn bò nướng dát vàng, báo chí Việt Nam nói gì? Báo chí quốc tế với báo chí Việt Nam hải ngoại phê phán, thậm chí chưởi bới tùm lum, ồn ào một dạo. Về mặt luật pháp thì không sai, - Có luật nào cấm Tô Lâm ăn thịt bò dát vàng đâu -. Nó có tiền thì nó ăn, như mọi khách hàng của tiệm nầy, ai bắt bớ gì được. Nhưng về mặt đạo đức thì người ta phê phán Tô Lâm dữ dội lắm: Bao nhiêu người Việt Nam còn nghèo, thậm chí hằng ngày không có ăn. Chế độ Cộng Sản tệ lậu, tham nhũng khủng khiếp, vô lương tâm, mới có những người hoang phí như Tô Lâm. Nói chung, chuyện đó là chuyện xấu, không nên làm.
Theo như lời mẹ tôi dạy thì chuyện xấu ấy nên ém nhẹm đi, nói đi nói lại khiến thiên hạ chê cười. Ấy là khôn.
Tô Lâm không khôn. "Đứa nào chê ông chuyện ăn bò dát vàng, ông trị cho biết tay." Vì vậy "Thánh Rắc Hành" bán phở ở Đà Nẵng, bị án tù 5 năm rưởi, vì cái tội dám "nhại" ông đại tướng, kiêm bộ trưởng.
Sau khi tin bản án được đưa ra, Tô Lâm được cái gì?
"Ta là đại tướng, lại là tướng Công An. Ta là Bộ trưởng, chuyên đi bắt người bỏ tù. Vậy mà nó dám nhạo ta. Cho vào tù cho bỏ ghét." Trước hành động trả thù của Tô Lâm, thiên hạ lại dậy lên chưởi Tô Lâm. Nếu mẹ tôi còn sống, mẹ tôi lại dạy tôi: "Không biết câm cái mồm đi, lại chọc cho thiên hạ chưởi cho. Ngu vừa thôi."
Người Việt Nam có cái thói quen, phê phán chê bai ai thì kéo luôn ông bà cha mẹ vào: "Ông bà cha mẹ không biết dạy con". Vậy là "Ông bà nằm dưới mộ cũng không yên."
Xưa nay, khắp mặt địa cầu, thiên hạ thiếu gì kẻ dại, khôn.
Ông Trump vừa làm bậy, vừa nói bậy. Thế mới bị ra tòa. Nghe tin ông ra tòa, người Mỹ lại đua nhau góp tiền cho ông. Kẻ khen người chưởi ông Trump lung tung. Mới có mấy hôm mà ông Trump hốt hơn 7 triệu đô tiền ủng hộ. Thế thì ông Trump khôn hay dại?
Nói trắng ra, đây cũng chỉ là một cuộc cờ. "Khôn nơi cờ bạc là khôn dại". Nói như thế có nghĩa là Trump dại hay sao?
Thật ra, khôn là nên sống một cuộc đời trong sạch, bình yên.
Bây giờ là thời kỳ bình yên, - nói chung - trên thế giới -, Thế giới rồi sẽ không bình yên! Con cháu chúng ta sẽ ra sao?
Hễ có tham vọng là sẽ không bình yên.
Một người nhiều tham vọng, người đó làm sao có một đời an lành? Một quốc gia nhiều tham vọng, quốc gia đó sẽ gây ra nhiều cụộc chiến tranh. Một đế quốc sẽ đem quân ra khỏi cương giới của mình. Bọn tư bản bao giờ cũng tính toán buôn bán - buôn súng đạn hay buôn dầu - để tiền trong nhà băng nhiều hơn. Trong viễn tượng đó, Tàu Cộng muốn khắp thế giới nầy đâu cũng có người Tàu - Ở đâu có người là có người Tầu, ở đâu có người Tàu là có buôn bán, ở đâu có buôn bán là có buôn gian bán lận, có chợ đen, chợ đỏ, có xuân thu nhị kỳ." Mục đích của Giáo hội La Mã là ai cũng phải là con của Chúa, nên Giáo Hội có không ít những "tên thực dân mặc áo thầy tu", xưa đã vậy, nay cũng thế. Cộng Sản chỉ là thoái trào, mục đích của Cộng Sản là nhuộm đỏ thế giới.
Trong hoàn cảnh như thế, liệu mai đây sẽ có một "thế giới nào bình an" cho con cháu chúng ta?!
Người ta, kể cả kinh thánh, từng cầu nguyện: "Bình an dưới thế cho người thiện tâm." Cha Mẹ Thầy Cô thường dạy dỗ chúng ta "Dĩ hòa vi quí," Người Nam Bộ thì: "Sinh sự thì sự sinh."
Người miền Nam chỉ giản dị như thế. Tôi mong các con tôi nhớ mãi lời dạ: "Sinh sự thì sự sinh."
Tôi cũng hy vọng các bạn tôi dạy con cháu họ như thế.
Chú Thích:
(1)- Hồng nào hồng chẳng có gai
Miễn đừng là thứ hồng dà không hoa
Là hồng thì phải có hoa
Không hoa chỉ có gai mà ai chơi?
Ta yêu hồng lắm hồng ơi!
Có gai mà cũng có mùi hương thơm.
1951
In trong Giai phẩm mùa thu, tập III.
Phan Khôi ví "kháng chiến chống Pháp" giành độc lập như cái hoa, mà Cộng Sản là cái gai. Vì yêu hoa nên bị gai đâm./