Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        



BƯỚC THĂNG TRẦM CỦA TRUYỆN TÀU TRONG ĐỜI SỐNG VĂN HOÁ NAM BỘ THẾ KỈ XX

  
                

H iện tượng truyện Tàu trong xã hội Nam bộ đầu thế kỷ XX

Sau thời kỳ Trương Vĩnh Ký (là người đầu tiên) dịch các sách kinh điển Trung Hoa ra quốc ngữ, đầu thế kỷ XX là thời kỳ các truyện Tàu, từ các danh tác cho đến những tác phẩm“hạng hai” được dịch ồ ạt ở Việt Nam, thì không lâu sau đó, một thế hệ dịch giả hùng hậu xuất hiện, trong đó những người nổi tiếng và có uy tín hơn cả là Trần Phong Sắc, Nguyễn Chánh Sắt, Nguyễn An Khương, Nguyễn An Cư. Ngoài ra là những dịch giả khác mà thư mục của Địa chí văn hóa thành phố Hồ Chí Minh có kể tên như Nguyễn Văn Tá,Nguyễn Liên Phong,Lê Sum, Lê Duy Thiện, Phạm Minh Kiên,Trần Hữu Quang, Nguyễn Hữu Danh, Huỳnh Trí Phú, Huỳnh Công Giác, Nguyễn Công Kiều, Nguyễn Kim Đính, Trần Công Danh, Phan Thành Kỉnh, Trần Quang Xuân, Phạm Văn Biều, Trương Minh Chánh, Hoàng Minh Tự, Nguyễn Văn Hiến, Phạm Thị Phượng, Trần Thị Sở. Truyện Tàu được dịch ra quốc ngữ sớm hơn cả là Tam quốc chí khởi đăng từ số 1 của báo Nông cổ mín đàm. Và cho đến nay, tạm ghi nhận rằng bộ truyện dịch được in thành sách sớm hơn cả là Đông châu liệt quốc cuốn 1 (do Nguyễn Chánh Sắt dịch), cuốn 2 Nguyễn An Khương dịch từ năm 1906. Sau đó là Du long hý phụng, Chánh Đức du Giang Nam do Trần Phong Sắc dịch in năm 1907 . Và nếu chỉ kể riêng một mình Nguyễn Chánh Sắt, đã có một sự nghiệp dịch thuật khá đồ sộ: Tây Hớn, Đông Hớn, Tam quốc chí, Chung Vô Diệm, Ngũ hổ bình tây, Anh hùng náo tam môn giai, Mạnh Lệ quân, Nhạc Phi, Thập nhị quả phụ, Chinh Tây.. Hiện tượng này đã được ghi nhận và đánh giá dưới nhiều quan niệm khác nhau dưới hai góc nhìn về tác phẩm và công chúng tiếp nhận.

Xu hướng đánh giá thấp mà tiêu biểu là ý kiến của ông Phạm Quỳnh trong ký sự Một tháng ở Nam kỳ. “Những tiểu thuyết tàu tự tám mươi đời triều ấy văn chương đã chẳng ra gì mà truyện thì toàn những truyện huyền hoặc quái đản, của mấy bác cuồng nho bên tàu đời xưa ngồi không bịa đặt ra để khoái trá những bọn hạ lưu vô học…”, “Chắc ai cầm bút viết trong bụng cũng có cái ý tốt cả, và như các nhà dịch tiểu thuyết tàu kia là chỉ chủ làm một món mua vui cho các bạn đồng bào trong khi tửu hậu trà dư, lại vừa làm một mối lợi riêng cho mình; nhưng phải nghĩ đến cái ảnh hưởng những truyện vô bằng ấy vào trong óc mộc mạc của những kẻ ít học, chưa biết suy nghĩ sâu xa, thường lấy hư làm thật, lấy giả làm chân, nó hại biết dường nào!”.

Nhóm ý kiến thứ hai là ghi nhận ý nghĩa của nó, mà tiêu biểu là ý kiến của các ông Nguyễn Văn Trung như “Truyện Tàu phản ảnh một xã hội phân hóa sa đọa về chính trị và trong cảnh hỗn loạn chiến tranh, có những người từ quần chúng ra đi cứu khổn phò nguy mà không được nhà vua ủy nhiệm hay nhận lịnh của triều đình, trọng nghĩa khinh tài, trở thành những mẫu anh hùng nêu cao chính nghĩa.”; “Tinh thần của Đông Chu Liệt quốc, Tây Hớn, Thuyết Đường, Tam Quốc vẫn còn bàng bạc ở trong sinh hoạt, ở các ngã đường, trong mọi cung cách đối xử và cái tác phong trọng nghĩa khinh tài, cũng như thái độ coi cái mạng mình là rẻ để mà giữ lấy chữ nhân chữ tín vẫn còn được xem như một tiêu chuẩn đáng trọng của một đạo sống phổ biến” (Lục châu học, chương 2). Hoặc Vương Hồng Sển trong Thú xem truyện Tàu cho rằng “Truyện Tàu là một vùng rừng thật lớn, một biển sâu và rộng, khai thác không bao giờ hết và cạn cùng. Trong rừng có nhiều danh mộc và cũng có nhiều đỉa vắt cũng như biển vậy, chứa lắm cá ngon mà cũng nhiều đẻn độc”; “Trong truyện Tàu tôi gặp đủ hạng người mà mỗi khi tôi han hỏi đều có những câu trả lời thích ứng, Có bạn nhắc tôi dĩ vãng xưa, có bạn dạy tôi sống cho phải đường, có khác bạn dạy tôi chết cho toàn danh dự”.

Trên đây là ý kiến của những người có tên và còn là người nổi tiếng. Những ý kiến ấy thì đã quá rõ về phương diện quan niệm của mỗi người trong cách nhìn truyện Tàu.

Bên cạnh đó, truyện Tàu còn là nguồn cảm hứng cho một loại hình nghệ thuật cận văn học cũng xuất hiện và phát triển ở Nam bộ ngay lúc ấy. Đó là cải lương tuồng Tàu (do người Việt diễn, đương nhiên lấy tích Tàu, từ truyện Tàu). Đến đây, giải trí nghe - nhìn đã thiết lập được mối tương thông. Mọi thứ trong truyện Tàu, từ nhân vật, sự kiện, từ tình tới sử đều có những hình dung rõ rệt như Điêu Thuyền đẹp, Tào Tháo đa nghi quỉ quyệt, Quan Công quang minh lỗi lạc, Tần Cối thâm độc, Phàn Lê Huê lụy tình như thế nào và kết quả ra sao. Đặc biệt, Võ Tòng là một trong những hình tượng đẹp mà công chúng Nam bộ yêu thích nhất.

Ngoài ra sẽ thật sự là một thiếu sót lớn nếu không kể đến những người mà tên không được biết đến nhưng chính họ mới là người làm cho hiện tượng truyện Tàu trở thành một thực thể văn hóa xã hội sinh động chứ không phải chỉ là những ý kiến “một màu xám ngắt”. Họ chính là những độc giả Nam bộ thuộc các thế hệ khoảng từ 1x tới tối đa là 4x. Họ là người bỏ tiền ra mua truyện, giúp cho truyện bán chạy, nuôi được người dịch và hoạt động in ấn, là người thưởng thức truyện bằng nhiều cách như tự đọc, nghe kể, kể cho nhiều người khác nghe.

Nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung, họ chính là một lực lượng thứ hai của đời sống văn học trong một cộng đồng, họ là người “sống văn chương” trong cuộc đời, khác với những người “làm văn chương” chủ yếu là trên trang sách. Họ không hề phát biểu câu nào, nhưng họ chính là người tiếp nhận truyện Tàu một cách công bằng nhất, vô tư nhất, uyển chuyển nhất và “tri âm” nhất. Cách họ ứng xử với truyện Tàu chính là những minh chứng sâu sắc.

Đó là hiện tượng bị gọi là “mê truyện Tàu” khi có một thời, nhiều người Nam bộ bất kể tuổi tác, giới tính, trình độ đều có thể nhập thân vào những yêu ghét, khát vọng đầy chất lý tưởng mà truyện Tàu đã mang lại cho họ, sống với nó và có thể chết vì nó. Điều này hoàn toàn có thể lý giải được. Có kinh nghiệm về sự cô độc của đời tha hương nên họ thích kết nghĩa như Lưu Quan Trương. Mang thân phận người dân thuộc địa, họ mơ hồ ngưỡng mộ những anh hùng có khả năng tạo thời thế.

Cũng cần phải chú ý thêm về một tính chất quan trọng của truyện Tàu, vốn là một dòng văn học bị coi thường ngay trên chính quốc, trước hết là tính phản phong sâu sắc của nó. Truyện Tàu không hề là tiếng nói ca ngợi ý thức hệ phong kiến ngay khi nó phản ánh câu chuyện các trung thần, nhân vật chính diện mà tiếng tăm đã vào hàng “lưu danh thiên cổ như Triệu Tử Long, Nhạc Phi, Quan Công. Và thật sự các fan truyện Tàu ở Nam bộ ở thời 1 x tới 4 x mới chính là người thấu hiểu điều này, có cách tiếp nhận rất “tri âm” với các tác giả truyện Tàu vốn vẫn bị coi là hạng “tiểu gia”, sách họ viết ra chỉ là “tiểu gia chi thuyết”.

Vì thế, với độc giả Nam bộ thời ấy, cái gọi là “tư tưởng đạo đức luân lý” (mà nhiều người hay cho là mạch chính của các truyện Tàu xưa ) được tiếp nhận rất dân chủ và uyển chuyển.Người chết vì nổi dậy chống vua cũng được yêu mến không kém gì người chết vì phò vua. Người ta yêu mến các trung thần Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Tử Long nhưng còn ngưỡng mộ những anh hùng nổi loạn Tống Giang, Tiều Cái, Lâm Xung, Võ Tòng nhiều hơn thế.

Mặt khác, những độc giả như trên cũng vốn là con cháu của nhiều thế hệ lưu dân, họ còn kế thừa được cả lòng yêu mến mảnh đất do mình khai phá, tạo dựng bằng mồ hôi nước mắt. Điều này dễ dẫn đến một tình cảm yêu nước rất cụ thể, chứ không phải là lòng sùng bái mơ hồ và mê muội với cái bóng Nho giáo đã bắt đầu mờ nhưng chưa tắt hẳn trong buổi giao thời. Sự xâm chiếm ồ ạt của các yếu tố tiêu cực từ văn minh phương Tây đã khiến người dân thuộc địa nhận thức ra nhu cầu bảo vệ truyền thống. Truyền thống ấy liên hệ mật thiết với Nho học. Nhưng đó là thứ Nho học tiếp nhận ở những nhân tố thực tế và tích cực, đồng thời phù hợp với những đặc điểm về nhân sinh, cá tính, sinh hoạt của cộng đồng người đi khai phá, trong đó có những điểm đột phá mạnh mẽ các thành lũy Nho giáo chính thống mà truyện Tàu là một trong những nơi biểu hiện mạnh mẽ nhất.

Chính các độc giả Nam bộ đã cảm nhận được rằng ngoài bóng dáng thường là “thấp thoáng”của các hệ thống tổ chức xã hội như vua, quan, đa số các truyện Tàu đều vận động theo quy luật của khát vọng hạnh phúc tự do hơn là bất cứ một quy luật nào khác, và quan trọng nhất là những khát vọng và lý tưởng đó thường là được thực hiện một cách hoàn toàn tự nhiên. Có trai tài? Sẽ gặp gái sắc sánh duyên. Có áp bức bất công? Sẽ có anh hùng ra tay kịp lúc. Chán ghét cuộc đời nhỏ hẹp ? Cứ đi “hành hiệp giang hồ" rày đây mai đó.Màu sắc triết lý, suy tưởng có khi nặng về bi quan hoài nghi thường thấy nơi một vài giai đoạn trong văn học vùng đất cũ bị lấn át, nhường chỗ cho cái dáng vẻ mạnh khoẻ, lạc quan và sự xác tín đối với các giá trị thực tế trong cuộc sống vùng đất mới thích hợp với những thể tài văn học hành động.

Những ghi nhận trên cũng cho thấy truyện Tàu đã được tiếp nhận trong tư thế chủ động tích cực của người thưởng thức. Như vậy, hiện tượng “Mê truyện Tàu” trong các thời kỳ trên hoàn toàn không có nghĩa là sùng bái vô điều kiện những giá trị ngoại lai, mà ngược lại tiếp nhận nó bằng tâm hồn Việt, tâm hồn Nam bộ với những hằng số văn hóa vững chắc. Vì thế nên trong thực tế, những sự kiện mang tính bạo lực và vô đạo đức được mô tả trong truyện Tàu ít được chú ý. Ngược lại, những kinh nghiệm sống, hành động, ứng xử, lựa chọn, những nguyên nhân, hậu quả….thì được công chúng bàn đi bàn lại mãi cũng không chán. Đó là hình thức kết nối thành công giữa các cá nhân trong một cộng đồng bằng ít nhất là trong mối quan tâm chung về quan hệ giữa con người và xã hội thông qua các tính cách, các số phận nhân vật truyện Tàu.

Tiểu thuyết Kiếm hiệp của Kim Dung trong lòng đô thị miền Nam

Từ đầu thập niên 60, tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung bắt đầu được dịch ở miền Nam mà sớm nhất là Tiền Phong Từ Khánh Phụng với bản Cô gái Đồ Long (dịch Ỷ thiên Đồ long ký), đăng trên báo Đồng Nai năm 1961. Lần lượt, khoảng 12 tác phẩm của Kim Dung đã được dịch và giới thiệu ở Việt Nam như Thư kiếm ân cừu lục,Bích huyết kiếm, Xạ điêu anh hùng truyện, Thần điêu hiệp lữ, Tuyết Sơn phi hồ, Phi hồ ngoại truyện (Lãnh nguyệt bảo đao), Ỷ thiên Đồ long ký, Liên thành quyết (Tố tâm kiếm, Thiên Long bát bộ (Lục mạch thần kiếm truyện), Hiệp khách hành,Tiếu ngạo giang hồ. Cuối cùng là Lộc Đỉnh Ký đến Việt Nam sau năm 75. Bên cạnh đó, lịch sử tiếp nhận truyện Tàu tại Việt Nam cũng đã xuất hiện một làn sóng thứ hai ồ ạt không kém gì làn sóng trước. Đó là sự thu hút của truyện kiếm hiệp Kim Dung không chỉ đối với công chúng bình dân mà kẻ cả tầng lớp trí thức mà trong số họ đã những người bình luận Kim Dung trong xu thế ngưỡng mộ tuyệt đối như Bùi Giáng, Bửu Ý, Đỗ Long Vân, Vũ Đức Sao Biển…Sự ngưỡng mộ này của người miền Nam lúc đó là có cơ sở khi từ thập niên 80 trở đi, đã có các huy chương của Pháp, Anh thể hiện sự trân trọng của họ đối với nhà văn này.

Trong bối cảnh lịch sử xã hội của thế giới và kể cả miền Nam nửa sau thế kỷ XX,với các trạng thái chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng,khủng hoảng ý thức hệ, các vấn nạn về quan hệ thế giới, sự chao đảo của nhiều giá trị trước sức ép của nền văn minh vật chất, tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung thực sự là một phối hợp đẹp giữa tiểu thuyết viễn tưởng và tiểu thuyết lịch sử, giữa giải trí và triết lý, giữa thực tại bất lực và ước mơ hành động, giữa bản chất hữu hạn và khát khao vô hạn về năng lực con người. Nó đến miền Nam thật đúng lúc cần thiết cho những tâm hồn chán ngán trước thực tại tan vỡ lòng tin, tan vỡ lý tưởng. Và đây là điểm hơn hẳn của tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung so với các truyện Tàu của thế kỷ trước.

Các tính chất của thế giới hiện đại này sẽ là một gợi ý quan trọng cho sự hình thành thế giới nghệ thuật trong tiểu thuyết Kim Dung. Nhà văn này đã biết cách tìm ra phương thức thể hiện những vấn đề của con người vừa muôn thưở vừa hiện đại dưới lớp vỏ cổ kính của xã hội Trung Hoa qua các thời kỳ lịch sử, từ thế kỷ 6 trước CN đến các thế kỷ 11,13,14,16, 17, 18, 19 cùng với các sự kiện, các biến cố lịch sử trải qua các triều đại Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Nếu lịch sử là hạt nhân chủ yếu trong truyện Tàu của các thế kỷ trước, thì trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, lịch sử Trung Hoa được ghi nhận lại qua lịch sử của thế giới giang hồ, của các môn phái võ công, của các bóng dáng cao thủ, kiếm khách phi phàm . Hoàng đế Trung Hoa lu mờ hơn các bang chủ, các minh chủ võ lâm. Các cao thủ võ lâm nổi tiếng trong tiểu thuyết Kim Dung cho thấy nhân vật chính sử không phải là những kẻ độc quyền chi phối và quyết định các biến cố lớn của lịch sử Trung Hoa. Kỹ thuật quân sự Trung Hoa hòa nhập vào thế giới ảo của các kiểu loại võ công tuy ai cũng biết là tưởng tượng nhưng bù lại nó thỏa mãn nỗi khát khao vươn đến tính vô hạn của trí tuệ và năng lực con người. Tư tưởng Nho giáo và ý thức hệ phong kiến trở thành chông chênh trong một thế giới vận hành chủ yếu xoay quanh sự tranh chấp về vị trí và tài năng đầu tiên là giữa các chánh giáo và các tà giáo, sau đó là giữa chánh giáo với chánh giáo trên con đường suy sụp của các lý tưởng viễn vông về hình bóng người anh hùng, về giá trị thật của các vinh quang phù phiếm. Sau đó là sự tra vấn lại thực chất của các khái niệm như chánh và tà, hạnh phúc và đau khổ, vinh và nhục, đạo đức và vô đạo đức... Chẳng hạn như các nhân vật Quách Tĩnh,Dương Quá, Lệnh Hồ Xung,Vi Tiểu Bảo tuần tự là các điểm mốc trên chặng đường phá đổ các ảo tưởng về khái niệm ma giáo và chính giáo, cho thấy sự chông chênh trong đường ranh giữa tiểu nhân và chính nhân quân tử.

Nói chung, khác với sự xác tín trong các truyện Tàu trước, bầu không khí hoài nghi, nhu cầu tra vấn lần lần xâm lấn sâu sắc vào tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung.Thực sự, đó chính là thái độ của nhà văn đối với thực tại đương thời hơn là với quá khứ đã qua.

Tuy nhiên, công chúng tiếp nhận tiểu thuyết Kim Dung ở các thành thị miền Nam thòi kỳ này phải chấp nhận một thực tế khác so với công chúng tiếp nhận truyện Tàu ở Nam bộ trước kia ở chỗ họ hoàn toàn không thể vượt qua khỏi cái ranh giới thực tại và tưởng tượng.Họ chỉ có thể thưởng thức văn chương chứ không thể “sống văn chương”, không thể đem văn chương vào cuộc sống như thế hệ xưa kia. Bù lại, sự say mê của họ đã tăng quá mức cần thiết để giữ được một cách tiếp cận, nghiên cứu khách quan, chính xác khi các fan cũng kiêm người bình luận. Tương tự, trang Wikipedia về Kim Dung đã được thực hiện rất công phu và đồng thời nó còn cho thấy ý muốn của người thiết lập là cho thấy một khả năng dường như vô hạn trong việc tiếp cận và khám phá các giá trị các tác phẩm của nhà văn này. Họ muốn nhìn tác phẩm của ông như “một nguồn triết lý thâm viễn” (chữ dùng của nhà văn Bùi Giáng ) một nguồn chất chứa văn hóa cổ Trung Hoa như võ thuật, y thuật, nhạc họa, tư tưởng…

Thật sự, không thể phủ nhận rằng những giá trị ấy luôn bàng bạc trong tác phẩm Kim Dung.Nhưng hiện tượng này cũng không xa lạ gì trong những thành tựu lớn của văn học thế giới xưa nay.Và nếu như tính chất “phản chính thống” của tư tưởng Kim Dung đã góp phần làm nên giá trị văn chương của ông, thì tính “phản thực tế” trong các phương diện y thuật, võ thuật “siêu phàm” trong tác phẩm cũng chỉ nên được tính kể như là một thủ thuật tưởng tượng làm thỏa mãn những khát vọng phi thường của tình cảnh con người trong xã hội hiện đại trong sự mâu thuẫn giữa bên ngoài thì ồn ào đông đúc nhưng có khi bên trong chỉ là đơn điệu, tẻ nhạt,trống vắng. Cách tiếp cận “huyền thoại hóa” tất cả những gì thuộc về tác giả và tác phẩm như thế cũng đã vô tình đánh mất một giá trị hàng đầu, giá trị bản chất của các tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung. Đó là nghệ thuật sử dụng chức năng giải trí của văn chương để qua đó chuyển tải nhiều thứ khác. Trang Wikipedia còn thống kê cho tới cả những “chiêu thức” nổi tiếng đã được “sáng chế” trong tiểu thuyết Kim Dung, mới nhìn tưởng như đó là những thành tựu lớn của văn minh nhân loại đã từng hiện hữu và đã từng được sử dụng. Người xem cảm giác là có thể đại hiệp Quách Tĩnh thực sự cũng đã dùng Giáng long thập bát chưởng để đẩy lùi quân Mông Cổ ra khỏi thành Tương Dương không chừng!!

Nhiều công trình nghiên cứu Kim Dung do đó chỉ còn là những cảm thụ đồng cảm và một chiều, đánh mất hẳn tính phản biện xã hội, tư tưởng vốn là một nét đặc sắc của những truyện Tàu thuộc hàng kiệt tác trước đó và của một số tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung. Đó là một trong những lý do giải thích vì sao các thế hệ 7x, 8x, 9x tiếp theo sẽ dễ dàng bị thuyết phục bởi một cách tiếp nhận khác đã hình thành từ sự ứng dụng những phát triển vượt bậc của tin học để “xử lý” truyện Tàu trong kỷ nguyên được mệnh danh là thời kỳ thống trị của Thế giới phẳng.

Truyện Tàu xưa, truyện Tàu nay trong kỷ nguyên thế giới phẳng

Hiện nay, bên cạnh cách tiếp nhận phổ biến với truyện Tàu và truyện kiếm hiệp Kim Dung qua đường phim ảnh (đang dần dần làm lu mờ bản chất là tác phẩm văn chương của nó), rất nhiều truyện Tàu và truyện kiếm hiệp của Kim Dung như Tam quốc chí, Thủy Hử, Thiên Long bát bộ, Thần điêu đại hiệp…đã được chuyển thể thành games online.

Games online hiện nay có rất nhiều trò chơi, nhưng những trò chơi lấy từ truyện Tàu và tiểu thuyết Kim Dung thì đặc biệt đang tỏ ra chưa có đối thủ cạnh tranh về phương diện thu hút người hâm mộ. Điều này hoàn toàn có cơ sở của nó xét về phương diện quan tâm và tôn trọng tuyệt đối quyền đồng sáng tạo của người tiếp nhận đối với con người và sự kiện trong tác phẩm chứ không có bất kỳ một độc quyền quyết định nào cho dù đó là tác giả .

Trong trò chơi,cốt chuyện và những sự kiện chính được giữ lại về cơ bản nhưng hành động và số phận nhân vật hoàn toàn để mở. Bất kỳ “game thủ” nào cũng có quyền lựa chọn một nhân vật và quyết định số phận nhân vật mà mình lựa chọn trong cuộc chiến đấu online không bao giờ gián đoạn. Và sau đó sẽ bắt đầu cuộc hành trình, cuộc chiến đấu hoặc giành ngôi vị Minh chủ võ lâm, hoặc chiếm hữu một bí kíp, một báu vật theo đúng môtip phổ biến của các thể tài tiểu thuyết võ hiệp. Khác với tác phẩm gốc là bí kíp hay ngôi vị minh chủ võ lâm kết cục sẽ thuộc về người mà nhà văn lựa chọn, thì bất kỳ nhân vật nào trong game online cũng đều có những cơ hội bằng nhau để có được báu vật,được địa vị cho dù đó là ma đầu hay đại hiệp và điều này tùy thuộc vào tài nghệ của “games thủ” có đủ để chiến thắng các đối thủ khác hay không. Đây là nguyên nhân của những đam mê nguy hiểm có thể khiến các games thủ ngã gục trên bàn phím do miệt mài trong cuộc …chiến đấu quên ăn quên ngủ để thay đổi những số phận mà người ta “không phục” đối với sự sắp đặt của tác giả. Chẳng hạn như Mộ Dung Phục không nhất thiết phải thất bại tới điên loạn trong ước muốn khôi phục ngôi vị của dòng họ mình. Kiều Phong cũng không nhất thiết phải tự tử chết một cách thiếu thuyết phục như trong nguyên tác, thậm chí Tào Tháo hay Đổng Trác cũng có thể là người gồm thâu ba nước trong kết cục của cuộc chiến tranh online chứ không phải là Tư Mã Ý.

Thế giới phẳng trong ý nghĩa tích cực nhất của nó chính là một thế giới bình đẳng,tự do.Thế giới phẳng không chấp nhận độc quyền tri thức thức.Tất cả những gì được đăng trên đó hoàn toàn có thể được sửa chữa góp ý tự do.Mặt khác,đó là nơi mà con người được quyền tự mình thể hiện một cách đúng nghĩa và sòng phẳng. Chính đây là nguyên tắc hàng đầu chi phối qui tắc của games online kiếm hiệp và thu hút “game thủ. Thủ thuật đặt lại “luật chơi”của các games online kiếm hiệp cũng là một phản biện mới đối với các kiểu tiếp nhận sùng bái và một chiều rất ngán ngẩm của thế hệ trước luôn muốn hướng đến những kết luận hoàn hảo nhưng thụ động, chủ quan không chỉ đối với truyện Tàu mà còn trong nhiều hiện tượng khác nữa Rõ ràng điều này không còn thích hợp chút nào đối với trong một thế giới luôn biến động và những biến động ấy rất khó lường như thế giới hiện nay. Đây ây là một phản ứng mang tính chất lật ngược vấn đề theo kiểu vừa đồng sáng tạo vừa phản tiếp nhận, vừa cho thấy một hiện tượng của thời đại đang ào ào đòi phải Be yourself. Là chính mìnhTôi có thể đang là khẩu hiệu của thời đại với đầy đủ ý nghĩa tích cực cũng như các nguy cơ của nó. Một tầng lớp đông đảo công chúng đang vận dụng ý tưởng này vào việc tiếp nhận các truyện Tàu xưa và tiểu thuyết kiếm hiệp ngày nay.Và games online truyện Tàu, kiếm hiệp phát triển tràn lan, đứng vững như thế cho thấy chắc chắn nó không phải chỉ có ở Việt Nam và không chỉ là thị hiếu của công chúng Việt Nam. Đây là một hiện tượng tiếp nhận văn hóa-văn học không thể bỏ qua của một thế hệ công chúng toàn cầu ngày càng phức tạp. Việc tìm hiểu và suy gẫm về nó là rất cần thiết, trước hết cho các nhà nghiên cứu, phê bình.

Không có một thời hoàng kim nào của truyện Tàu trong xã hội Việt Nam

Cách nói về truyện Tàu, viết về truyện Tàu, về tiểu thuyết Kim Dung như trên trước hết không bao giờ mang ý nghĩa gián tiếp cho rằng trong bao nhiêu thập niên qua của thế kỷ XX, chỉ có truyện Tàu là số một trong thị hiếu văn chương của người Nam bộ xưa và người Việt Nam nay. Nó là một hiện tượng văn hóa trong nhiều hiện tượng văn hóa khác, đến rồi đi, chưa kể khúc vĩ thanh biến tướng của những thần tượng một thời theo đúng theo qui luật thành trụ hoại không của nhà Phật.Tự thân công chúng Nam bộ cũng có bản lĩnh riêng của họ khi không ít các tiểu thuyết lịch sử, dã sử, võ hiệp Việt Nam cũng được đứng vào hàng được công chúng yêu mến, lưu giữ dài lâu. Trường hợp tiểu thuyết Võ Đông Sơ- Bạch Thu Hà, cải lương,vọng cổ…Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà đã trở thành những tác phẩm vừa được quần chúng lưu giữ vừa mang tính kinh điển cho nghệ thuật sân khấu cải lương là một ví dụ. Thời kỳ ồ ạt dịch và thưởng thức truyện Tàu cũng là thời kỳ ở Nam bộ in bán rất nhiều truyện Nôm bằng quốc ngữ. Những ghi chú về lần tái bản cho thấy những sản phẩm nội hóa này không hề ế ẩm bao giờ. Công chúng Nam bộ không phải chỉ biết xem, nghe kể truyện Tàu, mà còn xem, nghe kể, nói thơ, nói truyện Nôm dân gian có lẽ còn nhiều hơn thế.

Lý do của sự việc các tiểu thuyết lịch sử Việt Nam nhìn như bị lu mờ trước truyện sử nước Tàu cũng không có gì là khó hiểu nếu ta chịu thành thật với chính mình. Cách nghĩ của Vương Hồng Sển là rất đáng chú ý khi ông cho rằng không phải chỉ có mình ta, mà kể cả Tây kia cũng vướng vào nhược điểm này khi xảy ra “vấn nạn” là “sử nước mình nhưng mình không thể nhớ như mình nhớ sử nước Tàu”(công chúng của nhiều quốc gia trên thể giới cũng thích các danh tác Trung Hoa được dịch ra tiếng nước họ) :

“Nay xét lại, người Pháp viết sử thì sáng lạn vô cùng, vừa gọn vừa khéo. Nhưng đôi khi vì quá chú trọng sự vắn tắt, quá ham gọn ghẽ mà văn trở nên thiếu chất nhựa sống, nếu không muốn nói thành khô khan. Bởi quá dồn ép trí nhớ, viết không bỏ chi tiết nào, năm tháng ngày giờ xảy ra việc gì đều biên chép quá kỹ càng khiến sinh viên nhớ muốn bể đầu mà nhớ không hết, Mỗi năm sau mùa thi cử, đậu cũng như rớt, học trò đều trả lại thầy, biếu lại các vị giám khoa, chủ khảo..”. Trường hợp Việt Nam cũng thế. “Vẫn nhại đi nhại lại mãi các tích cũ. Tích nỏ thần, tích cầm sừng tê giác rẽ đường đi dưới thủy phủ, nên gọi Hùng Vương hay Lạc Vưong, nên gọi Trưng Chắc hay Trưng Trắc, bà Triệu hay bà Triệu Ẩu, thật tối nghĩa và khó nhớ, cho đến nay cũng chưa giải quyết thống nhứt cho trẻ em nhờ”. Nhưng “Đến như khi người Tàu kể chuyện, sao mà họ khéo thế? Họ có một phương pháp thuật chuyện rất duyên dáng nhứt là dễ nhớ. Tam quốc, Tây du, Phong Thần, Thủy Hử…Đàn bà, đàn ông , lão quan, thiếu sinh, người quê dốt…đều nhớ không nhiều thì ít, gặp nhau đều thông cảm và có thể trao đổi tư tưởng bằng những tỉ hứng đầy thi vị rủt từ trong các truyện Tàu họ đã đọc”.

Và như vậy, dù là hay tới đâu, truyện Tàu xưa đứng vững, tồn tại không phải tự mình nó mà nhờ cả một Background chung quanh nó, nhờ sự gom góp lại những phương thức tự sự không ngừng được làm giàu một cách tự do và tới vô hạn, tạo điều kiện cho việc quảng bá tác phẩm một cách rộng rãi. Còn truyện kiếm hiệp Tàu ngày nay có khác, nhất là khi nó ngày càng lệ thuộc vào xu hướng tiến tới hiện tượng không còn tự thân đứng vững (với tư cách là tác phẩm văn chương mà chất liệu chính là ngôn từ) dưới “sự hỗ trợ tai hại” của các nghệ thuật điện ảnh, kỹ thuật tin học. Với một Background mới như hiện nay, truyện Kim Dung sẽ còn phải chấp nhận một thử thách mới của thời đại văn minh khi nó có thể sẽ chỉ còn rất ít cơ hội về một thế hệ công chúng lý tưởng như trước.

Tài liệu tham khảo:
1. Kim Dung,http://wikipedia.org/wiki/kim dung
2. Nguyễn Văn Trung, Lục Châu học, http://w.w.w.dunglac.org/upload/book/e
3. (Chương hai, bản file ảnh không đánh trang)
4. Phạm Quỳnh, Một tháng ở Nam kỳ, http:/tailieu.vn./xem tai lieu/mot thang o nam ky.756707.htm.l
5. Vương Hồng Sển, Thú xem truyện Tàu, NXB tp Hồ Chí Minh 1993.


Khoa Sư phạm - Trường ĐH Cần Thơ


VVM.1.7.2023 - Khoa Văn Học Đại Học KHXH và NV TP.HCM

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .