Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        



nhà thơ Yến Lan và phu nhân bên bến Mỹ Lăng

YẾN LAN
VỚI BẾN MY LĂNG HUYỀN THOẠI

  

                 * Tặng Nguyễn Khôi

Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách,
Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu.
Trăng thì đầy, rơi vàng trên mặt sách,
Ông lái buồn, để gió lén mơn râu.

Đó là bốn câu đầu trong bài thơ "Bến My Lăng" của Yến Lan, bài thơ có thể đứng được với đời. Không một người yêu thơ nào không biết bài thơ này vì vẻ đẹp huyền ảo của cảnh cũng như vẻ diễm lệ của lời thơ. Nhưng nhiều người băn khoăn tự hỏi : bến My Lăng ở đâu? Không có ở Sông Côn Bình Định, cũng không có tại bất cứ con sông nào trên lãnh thổ Việt Nam. Nhưng có hề chi chuyện ấy. Nhà thơ tưởng mình có thể lên trời như Tản Đà, lên tiên như Thế Lữ, thì sao lại không thể tưởng tượng ra một bến sông huyền hoặc để gửi gắm vào đấy cõi hồn mình?

Tuy nhiên, cũng có người muốn hiểu rõ nguồn cội của cái bến sông nổi tiếng ấy nên đã tìm đến tác giả và ông đã thành thực giãi bày :

-"Khi tôi chừng 6-7 tuổi thì mẹ tôi đau nặng phải nằm chữa bệnh ở quê ngoại bên kia sông. Hằng ngày tôi phải mang thức ăn cho mẹ và phải gọi đò qua sông cho đến khi mẹ tôi mất. Từ đó tiếng gọi đò cứ vang vọng trong tâm thức tôi như một nỗi ám ảnh, như tiếng gõ cửa vào một thế giới khác.

Người lái đò đưa tôi qua sông năm ấy lại chính là cậu ruột tôi. Trong bóng chiều nhập nhoạng, dáng ông phảng phất như một tráng sĩ khi chống sào qua bến vắng.

Bến sông ấy có một doi cát vàng nằm xoải ra như cái chân mày hình lưỡi mác, cha tôi gọi là My Lăng. Cả ba sự việc trên : sự chờ đợi (đợi đò), hoài niệm về một thời đã qua (tráng sĩ) và dáng dấp cao sang của một vùng văn hóa (chân mày hình lưỡi mác) trộn lẫn trong tâm thức tôi và nó cứ lớn dần theo thời gian. Chừng mười năm sau thì tôi viết được "Bến My Lăng" (1).

Rồi ông thêm :

- Khi viết bài thơ này, tôi đặt tên "Bến My Lăng" để kỷ niệm về một bến sông đã đi sâu vào tuổi thơ. Cái tên Bến My Lăng ấy không có thật, nhưng kỷ niệm thì vẫn còn mãi trong lòng tôi.

Trong thời tiền chiến, Bình Định là một tỉnh có nhiều thi tài, mà nổi tiếng nhất là bốn người trong "xóm thơ Bình Định" (2) : Hàn Mặc Tử, Yến Lan, Quách Tấn và Chế Lan Viên. Một bạn yêu thơ ở Bình Định là Trần Thống ở thôn Kiên Mỹ, huyện Bình Khê tặng cho bốn nhà thơ thân yêu nhau như anh em ruột ấy cái tên "Bàn thành tứ hữu" (Bốn người bạn thành Đồ Bàn). Lại cũng có người gọi bốn nhà thơ này là "Tứ linh" (Long, Lân, Qui, Phụng) :

. Hàn Mặc Tử là Long (Rồng)

. Yến Lan là Lân (Kỳ lân)

. Quách Tấn là Qui (Rùa)

. Chế Lan Viên là Phụng (chim phượng)

Yến Lan là nhà thơ cuối cùng của "Xóm thơ Bình Định" rời bỏ cõi trần. Ông tên thật là Lâm Thanh Lang, sinh ngày 2 tháng 3 năm 1916 (Bính Thìn) tại làng An Ngãi, phủ An Nhơn, tỉnh Bình Định. Theo ông, sở dĩ có bút hiệu Yến Lan vì thời trẻ, gần nhà ông có hai cô gái chơi thân với nhau. Hai cô đều xinh đẹp, nết na và dễ thương. Một cô tên Yến, một cô tên Lan. Hai cô cùng yêu thơ nên dễ có cảm tình với tác giả. Về sau cô Lan trở thành vợ ông, còn cô Yến thì biệt vô âm tín. Bút hiệu Yến Lan ra đời từ đó. Ngoài ra ông còn có bút hiệu Xuân Khai.

Yến Lan nổi tiếng hay thơ từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường. Chính Yến Lan dìu dắt Chế Lan Viên (Yến Lan lớn hơn Chế Lan Viên 4 tuổi và học trên Chế 3 lớp) rồi cùng Chế Lan Viên nắm tay nhau đi trên đường văn chương sự nghiệp.

Năm 1937, Yến Lan cùng Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên sáng lập ra "Trường thơ Loạn". Lúc ấy Chế Lan Viên đã xuất bản tập thơ "Điêu tàn", Hàn Mặc Tử đã hoàn tất tập thơ "Điên",Yến Lan đã có tập thơ "Giếng loạn" "Bến My Lăng". Ba tập thơ Giếng loạn, Điêu tàn Thơ điên làm nền tảng cho Trường thơ Loạn. Hai bài tựa của tập Điêu tàn Thơ điên là "tuyên ngôn" của Trường thơ Loạn. Do câu ca dao :

Chiều chiều mây kéo về kinh,
Ếch kêu giếng loạn thảm tình đôi ta

mà Yến Lan đã viết nên tập thơ Giếng loạn. (tập thơ này đã mất).

Trường thơ Loạn ra đời ở một tỉnh nhỏ lại gặp lúc phong trào lãng mạn đang lên cao nên chẳng được bao lâu thì chết yểu (3).

Thi tài của Yến Lan nảy nở rất sớm. Từ năm 1935, lúc mới 19 tuổi và thơ mới mới có 3 tuổi (1932 – 1935), ông đã có nhiều tứ thơ táo bạo và lối biểu đạt tân kỳ. Tả một cánh buồm cô đơn cùng với con thuyền sau một cuộc hải trình vất vả về nghỉ ngơi bên cạnh hòn đảo, trên sóng nước dịu dàng, ông viết :

Sầu tam giác buồm cô về lặng nghỉ,
Nhịp hoãn hòa đến vỗ đảo xa khơi.

"Sầu tam giác" là một tứ thơ mới lạ (cánh buồm hình tam giác), "nhịp hoãn hòa" cũng là một ý thơ hay, diễn tả được cảnh sóng vỗ thong thả, nhịp nhàng vào hòn đảo.

Ở Sầm Sơn có Hòn Trống và Hòn Mái. Nắng chiều trùm lên các trang viên khiến ông tưởng chừng như đôi cánh bồ câu giăng ra ấp ủ :

Trống xa Mái ngẩn ngơ thơ đá chạm,
Chiều bồ câu cánh ủ khắp viên trang.

Thật là giàu tưởng tượng.

Yến Lan còn là nhà thơ giàu tình cảm. Ông yêu thiên nhiên, yêu quê hương Bình Định, yêu người thân, bạn bè bằng một mối tình thiết tha sâu nặng.

* YÊU THIÊN NHIÊN, ông yêu màu xanh của con sóng, yêu màn sương bao phủ Vọng Hải đài (ở Ngũ hành sơn), yêu đá chồng nhiều lớp như một kho tàng quý báu mà thiên nhiên dành tặng cho con người :

Xanh biêng biếc, sóng con chồm bạc tóc,
Vọng Hải đài sương khóa kín tâm tư.
Đá chồng chất, phải chăng ôm mộng ngọc,
Chút kho tàng ngày tháng giữ khư khư.


(Xa xanh)

Yêu thiên nhiên, ông yêu hoa và hương. Hương của hoa sói, hoa nhài, hoa dạ lan đều đáng yêu cả, mỗi loài hoa có một mùi hương khác nhau. Còn lòng em có đợi tình anh chuyển hương sang?

Hoa sói, hoa nhài tự bốc hương,
Dạ lan theo gió tỏa đêm trường.
Lòng em đang nở mùa sim dại
Có đợi tình anh hương chuyển sang?


(Hoa và hương)

Yêu thiên nhiên và yêu hoa, ban công nhà Yến Lan thường có trồng hoa, có lẽ để nhớ vườn lan của ông ở Bình Định ngày xưa :

Ngấp nghé hiên tây mấy khóm hồng,
Hoa nhài giậu bắc, lựu tường đông.
Yêu hoa chẳng để thềm nam trống,
Đêm mộng mai vàng đến trổ bông.


(Thềm nhà phía nam)

Nhưng trong thiên nhiên, ánh trăng mới làm ông say mê nhất. Riêng trong bài "Bến My Lăng" ta có thể đếm được chín chữ "trăng". Ánh trăng ở đây mới lung linh huyền ảo làm sao ! Ánh trăng bàng bạc, mênh mông, tràn ngập con thuyền, rơi vàng trên mặt sách, chiếc áo màu ngọc lưu ly của chàng kỵ mã nhúng đầy trăng, còn ông lão đưa đò thì say trăng, gối đầu lên trang sách ngủ say đến nỗi không nghe tiếng gọi đò của chàng kỵ mã :

Nhưng đêm kia, đến một chàng kỵ mã,
Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly.
Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả,
Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi.

(Bến My Lăng)

* YÊU QUÊ HƯƠNG, Yến Lan không bao giờ quên Bình Định. Mỗi người ai cũng có một quê hương để yêu, nhưng với Bình Định, Yến Lan đã yêu tha thiết nơi chôn nhau cắt rốn này, nơi đã ghi lại trong ký ức của ông biết bao kỷ niệm thời niên thiếu với bạn bè, với người ruột thịt. Vì thế ông đã làm đến ba bài thơ về Bình Định : Bình Định 1935, Bình Định 1945 và Bình Định 1975-1976, mỗi bài đều ghi dấu ấn về kỷ niệm và các biến cố lịch sử tại mảnh đất này. Khi có người hỏi ông thích nhất bài thơ nào trong các tác phẩm của mình, có phải bài thơ nổi tiếng Bến My Lăng không thì ông sốt sắng trả lời : - Không, bài thơ mà tôi thích nhất là bài "Bình Định 1935", trong đó tôi đã gửi gắm biết bao kỷ niệm và tâm tư tình cảm của mình :

Đây là chốn nương mây và cậy nguyệt,
Đàng chờ xe, sông nước ước mong thuyền
Tịch dương – liễu không biết mình đang biếc,
Tương tư trời – tương tư….. nhạc triền miên.
….. Trời Bình Định có thương em lẻ chiếc,
Em nằm thương xanh biếc của trời buồn.
Trên đài trán thơ hằng lên vọng nguyệt,
Nguyệt còn nương thuyền nhạc khuất trong sương.


(Bình Định 1935)

Rồi Cách mạng tháng tám đã về. Yến Lan hòa mình vào dòng chảy cách mạng với niềm vui náo nức, niềm sung sướng tự hào. Vui biết bao hình ảnh đàn chim bồ câu tung cánh trắng trong nắng đào, tiếng chuông tu viện reo vang niềm hạnh phúc và em nữa, em đi trong lầu thơ để dệt nên trang tình sử tuyệt vời :

Lầu cửa Đông có nghe em tâm sự,
Em đi trong tình sử của lầu thơ.
Hai chúng ta bước qua đêm quá khứ,
Ngoảnh đôi đầu không còn thấy bơ vơ.


(Bình Định 1945)

Rồi ba mươi năm sau, đất nước hòa bình, thống nhất, Bắc Nam chung một mái nhà, Yến Lan trở về Bình Định, lòng rộn lên biết bao kỷ niệm thời niên thiếu. Này đây bến My Lăng thơ mộng với cát bồi cong quá nửa, này đây bà con, bạn bè ngày xưa nay tóc đã điểm sương và này đây tiếng chuông tu viện ngân nga trong khung cảnh thanh bình, an lạc. Tác giả muốn tung hồn mình ra ôm choàng cả không gian, cả Bình Định thân yêu và đẹp đẽ vô ngần :

Xanh sắc lại, mênh mông trời rộng mở,
Hồn ta nay ước choàng cả không gian.
Ơi Bình Định, từ con tim ấp lửa
Bừng lên – bừng thành một cuộc hoa đăng.


(Bình Định 1975-1976)

Yêu Bình Định, Yến Lan yêu cả tiếng chuông đã một thời gieo vào lòng ông những âm thanh buồn vui lẫn lộn :

Tám tư (1984) về lại ở An Nhơn,
Phố cũ, người xưa chẳng mấy còn.
Đêm đến nằm nghe cành liễu phất,
Chợt nhìn quen thuộc tiếng chuông boong.


(Tiếng chuông ngày cũ)

Ta thường chỉ "nghe" được tiếng chuông, còn Yến Lan thì "nhìn" được tiếng chuông, ở đây thị giác và thính giác đã hòa quyện lẫn nhau nên nghe được sắc màu và nhìn được âm thanh.

Yến Lan còn có những bài thơ Nhớ làng, Lại về tỉnh nhỏ, An Lão, Phù Ly (4) đậm đà tình yêu quê hương xứ sở. Trong bài thơ "Lại về tỉnh nhỏ", ông nhớ quê hương mình đã một thời đầm ấm yên vui nhưng rồi có biết bao thay đổi, đó đây hiện lên những nét buồn vời vợi và quang cảnh man mác đìu hiu :

Tỉnh nhỏ
Đìu hiu.
Mặt trời ngủ giữa chiều,
Trở mình trên mái rạ.
… Tỉnh nhỏ
Cô em
Nằm xem
Kiếm hiệp.


(Lại về tỉnh nhỏ)

* YÊU NGƯỜI THÂN, Yến Lan không sao quên được người mẹ chịu thương chịu khó suốt đời để lo cho chồng con và mất sớm có lẽ vì quá vất vả :

…. Sống cầm kim chỉ cóng tay tê,
Khi chết đi, đầu mẹ vẫn quay về.
Nhưng sao khỏi cau mày trong nắm đất


(Chuyện quê ngoại)

Ông thương mẹ cam chịu long đong, lận đận để lo cho cái gia đình bé bỏng của mình không một lời thở than, trách móc :

Thương xưa mẹ sống đời sông bến,
Một lá đò đưa nặng gánh gồng.


(Mùa lụt thăm quê mẹ)

Mẹ mất rồi, chị phải thay mẹ nuôi em. Ông yêu biết bao người chị cả, quên cả tuổi thanh xuân của mình, ngày ngày lấy nghề vấn thuốc lá để nuôi em. Nhưng tuổi xuân qua mau, thời gian không đợi, một ngày kia chị cũng phải đi lấy chồng :

Khế chua chị nấu lá mồng tơi,
Em ước cùng ăn đến trọn đời.
Tang mẹ mãn rồi, bà mối giục,
Chị đi, bát đũa cũng mồ côi.

* YÊU BẠN BÈ, Yến Lan đã viết những vần thơ thân thiết, chí tình. Khi ở miền Bắc, xa bạn, nửa đêm nghe tiếng chim bìm bịp kêu ở đầu lán, ông không sao ngủ được, ra đứng nhìn vành trăng khuyết mà bâng khuâng nhớ bạn :

Sang canh, bìm bịp kêu đầu lán,
Đất mới, nhà đơn, lạ láng giềng.
Nhớ bạn, nửa đêm ra tựa liếp,
Khuyết cong mày bạc, ngấn trăng in.


(Nhớ bạn)

Thật ít có ai như ông, nhớ bạn, tìm đến nhà bạn để thăm, khi tìm được nhà rồi thì ngần ngại không vào vì "sợ vào đúng nhà" và e "vườn, cỏ um tùm – sách, mốc meo" :

Chợ cách đò giang, xóm cách đèo,
Phải đây nhà bạn đứng cheo leo?
Muốn vào, sợ đúng nơi tìm đến,
Vườn, cỏ um tùm – sách, mốc meo.


(Tìm bạn cũ)

Lời thơ chân tình và đôn hậu biết bao !
Lẽ tất nhiên, trong số bạn bè, Yến Lan thân nhất với các bạn trong "Bàn thành tứ hữu". Với Yến Lan, Quách Tấn có nhiều kỷ niệm khó quên. Ông kể :

Lúc Yến Lan ở Nha Trang có ít nhiều kỷ niệm. Một trong những kỷ niệm này là cây me. Cây me mọc bên cạnh đình Xương Huân, gốc thì đứng bên vườn đình, song một phần lớn tán lá trùm lên mái nhà bếp của tôi. Cây me này sống có trên vài trăm năm, gốc đã to đến hai ôm và lòng đã bộng từ rễ đến ngọn.

Một hôm me chín, lũ con tôi muốn ăn nhưng cây cao quá, đành đứng dưới dốc ngó lên. Yến Lan thấy vậy liền bắc thang leo lên mái nhà rồi chuyền sang cây me mà hái. Hình ảnh ấy trong mấy mươi năm vẫn sống trong lòng tôi. Mùa thu năm Mậu Thân (1968) lòng bỗng nhớ Yến Lan da diết, tôi ra đứng tần ngần dưới gốc me. Bỗng một trận lá me vàng tuôn xuống làm sống dậy bóng dáng cố nhân ! Gần mười lăm năm ly biệt, không một tin đưa ! Bồi hồi áo não, tôi viết được một bài lục bát :

Me thu lã chã mưa vàng,
Nắng thu hiu hắt bóng chàng năm xưa.
Bấy chầy cách trở nắng mưa,
Đời Ly Tao ngọt hay chua hỡi lòng?

Chàng đây là Yến Lan.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Yến Lan và Quách Tấn cùng sống ở Bình Định, hai người ở cách nhau trên dưới ba mươi cây số, không phải là xa, nhưng ít được gặp nhau vì đường sá bị phá hoại, việc giao thiệp bị hạn chế và kế mưu sinh chiếm hết cả thì giờ :

Quách Tấn ngồi thắt gióng,
Yến Lan nấu xà phòng.
Văn chương tỉnh Bình Định
Phó mặc Nguyễn Thành Long (5).

Yến Lan có làm một bài thơ tứ tuyệt tặng Quách Tấn, lời thơ rất xúc động, đầy tình cảm trìu mến thân thương. Tuy là đề tặng Quách Tấn nhưng không gửi trực tiếp cho Quách Tấn mà chỉ đăng báo. Bài thơ viết năm 1982 mà mãi đến tám năm sau mới đăng trên tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 45, ngày 1 tháng 10 năm 1990 (trang 28) :

Nhớ bạn nhiều hôm da diết nhớ,
Lại đành không tiện viết thư thăm.
Ngại trao tâm sự cho tờ giấy
Đè nặng thêm tay kẻ nhận cầm.


(Vô tình và hữu tình)

Tuy sống lâu năm ở Hà Nội, nhưng Chế Lan Viên vẫn luôn nhớ quê hương, nên khi hòa bình thống nhất được ít lâu, Chế quay trở về Nam, dựng được một "lầu thơ" ở quận Tân Bình mang cái tên rất thơ là "Viên tĩnh viên". Dịp này Yến Lan mừng bạn bằng một bài thơ tứ tuyệt :

Tuổi sáu mươi hai (1982) có cửa nhà,
Có vườn gió nắng, ngõ sương hoa.
Theo thơ, đời mãi làm thân khách,
Làm chủ, giờ thêm bạn với thơ.


(Mừng bạn có nhà)

Năm 1989 Chế Lan Viên qua đời. Nhân ngày giỗ Chế, Yến Lan làm bài thơ "Ngắm hoa quỳnh nhớ Chế Lan Viên" để viếng Chế, lời thơ thật xúc động, đầy tình cảm :

Hương tạ trời khuya đẫm sắc quỳnh,
Nửa nghiêng tiền kiếp, nửa lai sinh.
Lẫn vào sương khói ba canh mộng,
Một cánh phù hoa bỗng lộ hình.


Bình Định tháng 6-1994

Vào cuối đời, Yến Lan quay về với thơ tứ tuyệt. Tập "Thơ tứ tuyệt" của ông do Nhà xuất bản Hội Nhà văn in năm 1996 gồm 160 bài chọn từ hàng trăm bài thơ tứ tuyệt của ông sáng tác trong mấy chục năm qua.
Tác giả viết về quê hương yêu dấu, về những nơi đã qua, đã sống, về người đồng hương, về bạn bè, người thân bằng lời thơ súc tích và tình cảm chân thành.
Đến viếng chùa Hương, một thắng cảnh từng làm say đắm bao người, ông viết :

Chua ngọt chạm đầu lưỡi,
Chát đắng ẩn trong men.
Chén rượu trên Bến Đục
Sóng sánh tiếng chuông thiền.


(Rượu mơ uống ở chùa Hương)

Viết cho người thân yêu, tình cảm của tác giả rất chân thành và tha thiết :

Cùng chim tu hú bạn bao giờ,
Tuổi nhỏ con chưa rời thủ đô.
Nay chiến trường xa tìm đến gặp,
Rắc màu hoa gạo đỏ trong thơ.


(Tu hú)

Thuở xưa, Trang Tử nằm mơ thấy mình hóa bướm, lúc tỉnh dậy băn khoăn tự hỏi không biết mình hóa bướm hay bướm hóa ra mình. Còn Yến Lan buổi sáng đọc Nam Hoa kinh (6) nhưng buổi tối không hóa bướm nên mừng mình làm chủ được mình :

Sáng đọc Nam Hoa kinh,
Tối nằm không hóa bướm.
Mừng mình chủ được mình,
Dậy thổi nồi khoai sớm.


(Đọc Nam Hoa kinh)

Từ năm 80 tuổi trở đi, Yến Lan ngày càng suy yếu, sức tàn lực kiệt, cuộc sống chỉ còn đếm trên đốt ngón tay nhưng ông vẫn làm thơ :

Tay bưng thuốc đắng nhìn xuyên chén,
Năm tháng còn trên mấy đốt tay.

Khi có bạn cũ đến thăm bên giường bệnh, ông mừng lắm rồi lại làm thơ :

Mở mắt nhìn qua ai đến thăm,
Thì ra bạn cũ đã mười năm.
Câu thơ ngày ấy nhòa mưa hạ,
Còn nửa vầng trăng cứ khuyết thầm.

Ngày 5-10-1998 Yến Lan đã ra đi, mang theo vầng trăng lung linh thuở nào trên bến đò huyền thoại. Mai sau, bạn đọc có thể quên thơ Yến Lan, nhưng chắc không thể nào quên được vầng trăng huyền ảo trên bến My Lăng đã một thời làm xao xuyến lòng người.
________________
(1) Trích Nhà văn Việt Nam thế kỷ 20 (NXB Hội Nhà Văn VN - Hà Nội 1999) tập 4 trang 427.
(2) "Xóm thơ Bình Định" : chữ của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam.
(3) Theo cuốn Bóng ngày qua của Quách Tấn (NXB Văn Nghệ TP.HCM 2001).
(4) An Lão, Phù Ly : hai địa danh ở tỉnh Bình Định.
(5) Sđd trang 204-205.
(6) Nam Hoa kinh : tên một bộ sách của Trang Tử thời Chiến quốc.




VVM.12.6.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .