Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




        

THIỀN & ĐẠO PHẬT

  


T ừ nhiều thập kỷ gần đây thì phong trào Thiền nở rộ khắp nơi. Nhiều người nhận ra lợi ích của Thiền, nên Chùa nào cũng có hướng dẫn Thiền. Rồi thì Trà Thiền, tĩnh tâm, thậm chí có tour du lịch cũng phối hợp Thiền. Là Phật Tử hẳn ai cũng đều biết rằng Đức Thích Ca, người sáng lập ra Đạo Phật, đã “Đắc Đạo” nhờ 49 ngày đêm Thiền Định dưới cội Bồ Đề, trong khi suốt 6 năm học với những thấy giỏi nhất thời đó mà không thành công Nói về sự quan trọng của Thiền, Kinh Viên Giác có Kệ :

“Biện Âm ông nên biết
     Các Trí Huệ thanh tịnh
     Của tất cả Bồ Tát
     Đều do Thiền Định sanh.

     THIỀN ĐỊNH LÀ CHỈ, QUÁN,
     VÀ CHỈ QUÁN SONG TU.
     Mười phương các Như Lai
     Và hành giả ba đời
     Đều y pháp môn này
     Mà đặng thành Bồ Đề ».

Kinh vừa giải thích thế nào là THIỀN ĐỊNH, vừa khẳng định Trí Huệ của tất cả các Bồ Tát đều nhờ Thiền Định mà có, cũng như Mười Phương các Đức Như Lai và hành giả ba đời cũng đều nhờ Thiền Định mà thành Bồ Đề. Có nghĩa là muốn tu Phật cho thành công thì nhất định phải nhờ THIỀN. Nhưng không hiểu vì sao sử sách ghi lại, ngoại trừ Đức Thích Ca và một vài vị Tổ hiếm hoi, cả mấy ngàn năm qua không thấy có ai nhờ Ngồi Thiền mà Đắc Đạo, dù tư thế Ngồi Thiền thì ai cũng biết, và mọi người đã Ngồi Thiền giống như Đức Thích Ca, không sai một nét ? Có gì bí ẩn trong việc Ngồi Thiền ? Kinh sách hay người Chứng Đắc đi trước có dấu để truyền riêng hay không, mà những người thời sau dù Ngồi miên mật, ngồi nhiều xuất trong ngày, ngồi liên tục nhiều tháng, nhiều năm vẫn không Đắc Đạo ?

Thật vậy. Nhìn qua về cách phổ biến của Pháp môn THIỀN thì chúng ta thấy : Từ sau khi Phật nhập diệt, bao nhiêu thời qua, bao nhiêu Tông, Phái Thiền đã xuất hiện để chuyên dạy Tu Thiền, dựa vào một số biểu hiện không liên quan gì đến Thiền, là Nụ Cười của Ngài Ca Diếp, và Lục Tổ đánh Thần Hội bằng gậy, rồi tự cho đó là “ Đốn giáo”, là « chỉ thẳng » ! Đệ Tử nhiều đời của Lục Tổ lập ra một Tông riêng chỉ Tu Thiền gọi là THIỀN TÔNG gồm 5 Phái. Đó là : VÂN MÔN TÔNG, PHÁP NHÃN TÔNG, TÀO ĐỘNG, QUY NGƯỠNG và LÂM TẾ, gọi là NGŨ PHÁI THIỀN phát triển rầm rộ thời đó. THIỀN nổi bật đến độ Chùa cũng đổi danh xưng là CỬA THIỀN.

Thời đó đã xuất sanh một số Thiền Sư với cách hướng dẫn đặc biệt được Thiền Sư Nguyệt Khê ghi lại :

“Hét” bắt đầu từ Mã Tổ Bách Trượng.

Mã Tổ dựng phất trần, quăng phất trần.

Bí Ma giơ chỉa.

Hòa Sơn đánh trống.

Thạch Củng giương cung

TuyẾt Phong đá cầu.

La Hán vẽ chữ.

Đại Tùy hầm khoai.

Đức Sơn vào cửa liền đập.

Lâm Tế vào cửa liền hét “Là cái gì” ?

Bá Trượng “Chớ vọng tưởng”.

Vô Nghiệp, Triệu Châu : Uống trà.

Vân Môn : Ăn bánh.

Ngoài những cách trên, cũng có những THIỀN SƯ hướng dẫn Thiền bằng phương pháp NÓI được Thiền Sư Suzuki liệt kê :

1/- Nói nghịch.

2/- Nói vượt qua.

3/- Nói chối bỏ

4/- Nói quyết.

5/- Nói nhại

6/- Hét.

Đài Loan có Thiền Sư Nguyệt Khê. Không thấy ghi năm sinh, chỉ ghi năm viên tịch là 1965, có để lại Hai quyển : Cội Nguồn Truyền Thừa và Tuyệt Đối Luận do Dịch Giả Thích Duy Lực dịch, gọi là “Phương pháp tu trì của Thiền Tông”. Trong đó ghi lại cách dạy Thiền của Thiền Sư Lai Quả. Ông này khai thị người học Thiền bằng cách dùng gậy hay thiết trượng để đánh, gọi là “Đả Thiền”, “Đả Thất”. Giảng pháp với những lời lẽ đầy đe dọa. Bắt người nhập Thất tu học phải Ngồi yên tại chỗ. Ngay cả nhu cầu đi vệ sinh cũng không được chấp thuận cho rời bồ đoàn ! Nhưng cuối cùng, qua Mười Thất cũng không thấy ghi lại có ai thành công nhờ vào những cú “Đả Thất” đó !

Thế Kỷ 20, nước Nhật cũng có Thiền Sư nổi tiếng là Suzuki. Ông có để lại Bộ Thiền Luận dày đến mấy ngàn trang, nhưng đa phần trong đó chỉ Luận dông dài về THIỀN và nói về những phương pháp tu hành do các Thiền Sư khác hướng dẫn. Nhưng điều mà người đọc sách cần, là hướng dẫn phương pháp NGỒI THIỀN thế nào để Chứng Đắc thì không có bài nào chỉ dẫn !.

Trước 1975 có một người là Kỹ Sư Trưởng của Nha Hàng Không Việt Nam, tên ông là Nguyễn Khắc Bửu, một thời đồng sư với tôi. Ông kể đã từng học trực tiếp với Thiền Sư Suzuki trong 17 năm. Theo lời Ông, lợi dụng mỗi lần sửa máy bay là phải bay thử, ông bay thẳng sang Nhật để học với Ngài Suzuki. Lần đến đầu tiên, Thiền Sư Suzuki biết trước nên phái đệ tử xuống tận chân núi đón ông. Nhưng không nghe kể lại là đã học được điều gì mới lạ, cũng không có thần thông. Chỉ nói là cứ mỗi lần Ngồi Thiền, cứ kéo chân vô là bẵng đi luôn. lúc tỉnh lại thì đã 2 tiếng đồng hồ trôi qua. Theo lời các bạn đồng tu kể lại thì lần đầu tiên gặp Thầy tôi, ông đã nói huyên thuyên chuyện gì đâu đâu. Thầy tôi vỗ xuống bàn nói “Phật Pháp tại thế gian. Tại đây nè” !. Thế là ông giật mình rồi xin quy y với Thầy tôi luôn. Sau khi gặp Thầy tôi rồi thì ông mới mở được Thần Thông, nói trước nhiều điều rất chính xác, nhưng do lạm dụng thần thông, nên thời gian ngắn sau thì thần thông bị mất. Lúc gặp ông thì tôi bận mê đọc chính Kinh, không chú ý đến mọi thứ, nên nghe vậy rồi bỏ qua. Năm 1980 thì ông qua đời, vợ con ông sau đó cũng sang định cư ở Úc, nay muốn hỏi thêm thì cũng đã muộn !

Thiền Sư nhiều như thế. Phương tiện cũng đa dạng. Có vị một đời dạy Thiền chỉ “đưa ngón tay lên” , nhưng vì không có văn tự để lưu lại, làm người sau muốn nghiên cứu để tu học không biết hỏi ai, do đó không có cơ sở để người tu Thiền biết là mình Ngồi như thế có đúng hay không ? đã Chứng Đắc hay chưa ? Như vậy, người muốn tìm hiểu về Thiền thì biết dựa vào đâu ?

Là người bỏ ra khá nhiều năm để tìm hiểu Đạo Phật, đã từng nêu cho mình thắc mắc như thế. Sau bao nhiêu năm tìm kiếm, đọc bao nhiêu quyển Chính Kinh, cuối cùng tôi cũng đã có lời giải đáp như sau.

Trước hết, tôi thấy : Người đầu tiên “Đắc Đạo” nhờ Thiền chính là Đức Thích Ca. Vì vậy, muốn hiểu về Thiền tại sao chúng ta không lần theo từng dấu chân của Ngài để khám phá xem thời gian tu học Ngài đã làm những gì ? Đã Ngồi như thế nào để Đắc ? Cái Đắc đó ra sao ?

Sử sách chép lại rằng : Trong một lần đi dạo ở ngoại thành, do trông thấy cảnh SINH, LÃO, BỆNH, TỬ đè nặng lên thân xác của con người. Đó là lần đầu tiên trông thấy cảnh đời thường trần trụi và phũ phàng, làm chấn động tinh thần Thái Tử, vì từ trước tới nay Ngài chỉ quen nhìn thấy cảnh sung sướng, hưởng thụ, thỏa mắt, vừa tai trong cung điện mà thôi. Ngài đã hỏi vị quan hầu cận là bản thân Ngài có thoát khỏi cảnh đó hay không ? Vị quan trả lời là “Tất cả mọi người không phân biệt thứ hạng, tất cả đều phải chịu như nhau, Ngài cũng không ngoại lệ”.

Trở về cung, Thái Tử trăn trở mãi, muốn tìm cách nào để Thoát những cảnh Khổ của kiếp người như thế. Nhưng hoàn cảnh chung quanh lúc nào cũng bận rộn làm cho Ngài không thể tĩnh lặng mà suy nghĩ được. Biết rằng chỉ có thể rời khỏi kinh thành để ở một mình thì may ra mới có thể tĩnh lặng mà suy tư. Thế là một đêm nọ, Ngài cùng một tùy tùng lẻn ra khỏi Thành. Sau đó, Thái Tử bảo tên quan hầu quay về, còn lại một mình Ngài dấn thân trên con đường phiêu lưu để tìm lời giải đáp.

Sáu năm dài, thọ giáo với sáu vị Thầy nổi tiếng nhất. Với mỗi người Thầy, Thái Tử học hết tuyệt kỷ của họ. Nhưng dù luyện tập một cách tinh tấn, các môn đó vẫn không cho Ngài câu trả lời, nên Ngài cương quyết từ giả ra đi, dù Thầy nào cũng tiếc, mời Thái Tử ở lại và hứa chia học trò cho. Ngài đã học qua tất cả những phép thuật, nào là “nách bên tả phun lửa, bên hữu phun khói” và hành đủ các môn, kể cả lõa thể. Ngài đả hành Khổ hạnh đến nỗi mỗi ngày chỉ ăn 1 hột mè cho tới thân thể suy kiệt chỉ còn da bọc xương, không còn chút sức lực, ngồi còn không vững ! Chợt Ngài nghĩ ra “tinh thần không thể minh mẫn trong một thể xác yếu đuối”, nên nhận bát cháo sữa của cô gái chăn bò, rồi trải tòa cỏ Ngồi Thiền Định dưới cội cây Bồ Đề với lời phát nguyện : “ Chỉ đứng dậy khi nào tìm ra câu trả lời”.

Rạng sáng đêm thứ 49 thì Ngài đã tìm ra câu trả lời, nên Xả Thiền, đứng dây, hân hoan tuyên bố : “Ta luân lưu trong vòng luân hồi, qua bao nhiêu kiếp, tìm mãi mà không gặp Kẻ Làm Nhà. Hỡi Kẻ Làm Nhà, từ đây ta đã gặp được ngươi rổi. Người không được làm nhà nữa. Bao nhiêu cột kèo của ngươi cũng gãy vụn cả rồi. Rui mè của người cũng tan nát cả rồi. Trí ta đã đạt đến Vô Thượng Niết Bàn. Ta đã hoàn toàn giải thoát”. Tiếp theo đó là ngài quay lại nơi Vườn Lộc Uyển, chỗ mà trước đây Ngài đã tu chung cùng với 5 người bạn để thuyết thời Pháp đầu tiên cho họ. Sau đó Ngài dùng cả cuộc đời còn lại để giảng dạy cách thức Thoát Khổ, Thoát Sinh Tử gọi là Đạo Phật. Vì thế, Đạo Phật cũng có tên là Đạo Độ Khổ.

Qua tóm lược hành trình đi tìm và khám phá ra phương pháp để phát hiện Con Đường Giải Thoát của Thái Tử Sĩ Đạt Ta từ lúc rời khỏi hoàng cung cho tới lời tuyên bố lúc xả Thiền, chúng ta nắm được một số yếu tố quan trọng như sau :

-1/- Ngài có Mục đích rõ ràng, “Làm thế nào để Thoát Sinh Tử” ? Lời giải đáp cho câu hỏi này rất là quan trọng đối với Ngài. Vì thế, thậm chí còn sẵn sàng hy sinh cả ngai vàng, vợ đẹp con xinh để dấn thân đi tìm câu trả lời. Thất bại với nhiều Pháp Môn, cuối cùng Thái Tử nhớ ra ra phương thức NGỒI THIỀN trước kia Ngài đã từng học qua, thì Ngài biết đó là cách thức tối ưu để được hoàn toàn tĩnh lặng mà Tư Duy. Qua lời tuyên bố lúc Xả Thiền, là ĐÃ TÌM ĐƯỢC THỦ PHẠM XÂY NGÔI NHÀ SINH TỬ. ta xác định được là Ngài không ngồi một đống, diệt tận định, mà lúc THIỀN ĐINH là lúc Ngài trói cái Thân. Không cho chân tự do đi lại, Tay không còn cầm nắm. Mắt không được nhìn cảnh vật, để tập trung cả Lục Căn hướng vào mục đích duy nhất : “Tìm cho ra câu trả lời cho vấn đề SINH TỬ” . Có nghĩa là thời gian đó, Ngài dừng hoàn toàn mọi hoạt động của cái Thân, không để cho Lục Căn tiếp xúc với Lục Trần, tránh nó tiếp tục mang ngoại pháp vào làm rối loạn ý nghĩ để tập trung tư tưởng mà Tư Duy. Lối Ngồi Thiền đó là THIỀN QUÁN (VIPASSANA).

-2/- Không phải NGỒI bất động là THIỀN, và ngồi lâu thì trở thành Thiền Sư, vì cùng một thế Ngồi, nhưng do điều khiển hơi thở hoặc ý thức mà cho ra nhiều kết quả khác nhau. Thời xưa nhiều vị cũng đã dùng phương pháp Thiền Định để có được nhiều kết quả lợi lạc. Tùy theo mục đích và có Thầy hướng dẫn, người Ngồi Thiền có thể đưa hơi thở hoặc ý thức đến một trong những vị trí trên thân để khai mở Luân Xa như bên Yoga. Hoặc tập trung ý thức đưa đến vị trí bệnh để trị bệnh như một vài môn phái. Sau 1975 ở Long An có một Trung Tâm Khí Công nổi tiếng trị bệnh bằng Khí Công. Người bệnh được hướng dẫn dùng tư thế Thiền rồi tập trung điều khiển hơi thở. Hít vô, nín hơi đếm năm tiếng. Đưa hơi thở xuống bụng dưới, phình bụng ra, nín hơi, đếm năm tiếng, rồi thở ra, hóp bụng lại, cũng đếm năm tiếng, gọi là thở 3 thì. Vậy mà trị được nhiều bệnh như Tim, Suyễn, không cần dùng thuốc. Có Phái Ngồi Thiền để Xuất Hồn như phái của Ông Tám Lương Sĩ Hằng là một pháp môn dạy Xuất Hồn nổi bật tại TP HCM sau 1975. Hoặc để Khai Công Án như bên Thiền Tông.

3/- Người Ngồi Thiền không có mục đích, và không có Thầy hướng dẫn, thì khi NGỒI, cái Thân không hoạt động, thì có 3 tình trạng diễn ra :

- (a) Cái Ý thức hoặc bị bặt đi, không suy nghĩ gì nữa thì rơi vào hôn trầm như người ngủ sâu, không còn biết gì nữa, cho tới lúc Xả Thiền !

- (b) Ý thức tiếp tục suy nghĩ lung tung, hết vụ này đến việc khác. Nhiều người phải xả Thiền ra để giải quyết rồi mới trở lại Ngồi được !.

- (c) Không nghĩ đến việc đời thì nó đi vào cảnh giới của Ý thức. Thấy Phật, Thánh, thần, Tiên, ma quỷ, tiếp xúc với họ. Được nghe giảng pháp, học đạo, hoặc dạo chơi trong những cảnh tượng lạ lùng, kỳ bí. Vì thế, nhiều người rất thích Ngồi. Nhưng lần hồi trở thành bất bình thường mà người đời hay gọi là “Tẩu hỏa nhập ma”.Tôi có biết một vài người Ngồi Thiền theo phái của Ô. Tám Lương Sĩ Hằng đã bị tẩu hỏa nhập ma, đến chết luôn, không giải được.

Theo PHÁP TRÍCH LỤC của PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY viết, người Ngồi Thiền Có 5 lợi ích :

“Với cái tâm an định và chí tinh tấn của mình, lần lần Thầy Tỳ Khưu đắc được :

1/- Các phép thần thông như là : Bay trên hư không, đi trên mặt nước, chun xuống đất, hóa hình v.v…

2/- Thiên Nhĩ Thông : Với phép mầu này, thầy Tỳ Khưu cóp thể nghe được tiếng của Chư Thiên và tiếng người bất cứ xa hay gần.

3/- Tha Tâm Thông : Với phép mầu này, Thầy Tỳ Khưu có thể đoán biết tư tưởng của kẻ khác.

4/- Túc mạng minh : Với phép mầu này, Thầy Tỳ Khưu thấy rõ cách sanh diệt của tất cả chúng sanh. Người thấy các sanh vật được sanh lên rồi bị diệt. Diệt rồi lại tái sinh, trong mỗi kiếp được vui hay khổ, sang hay hèn tùy theo Duyên Nghiệp. Người thấy rõ rằng chúng sanh nào có tà kiến hay khinh rẻ những bậc hiền triết, hằng làm việc dữ do Thân, Khẩu, Ý, mà sau khi chết phải chịu khổ nơi Địa Ngục. Còn chúng sanh nào có Chánh Kiến, biết kính trọng những bậc hiền triết, hằng làm việc lành do Thân, Khẩu, Ý, sau khi chết được hưởng quả vui nơi cõi trời.

5/- Lậu Tận Minh : Với phép mầu này, Thầy Tỳ Khưu thấu rõ được Lý Tứ Diệu Đế và phương pháp diệt trừ phiền não Tham Sân Si. Người biết rằng : Đây là sự Khổ, đây là sự Diệt Khổ và đây là Con Đường Diệt Khổ. Người biết rằng đó là nguyên nhân làm cho phát sanh phiền não và đó là con đường để tẩy trừ phiền não. Khi Thầy Tỳ Khưu thấu rõ lý Tứ Diệu Đế và phương pháp diệt trừ phiền não rồi thì tâm người được giải thoát khỏi những sự Tham Dục, Sân Hận, Si mê và màn Vô Minh cũng bị diệt tận, đạt trí huệ Giải Thoát. Thầy Tỳ Khưu biết rằng đời đạo đức mình đã sống đầy đủ, việc nên làm mình đã làm rồi và chẳng còn phận sự gì trên thế gian nữa”.

Theo đây, chỉ cần có cái Tâm an định thì người Ngồi Thiền có thể đạt Thần Thông, Thiên Nhĩ Thông và Tha Tâm Thông. Nhiều hay ít, nông hay sâu, là tùy mức độ an định của hành giả. Hai Pháp trên thì không biết thế nào, riêng Tha Tâm Thông, tức là đọc được tư tưởng của người khác và biết trước một số việc thì nhiều người Ngồi Thiền đa phần đều có kinh nghiệm này. Nhưng vì đó không phải là mục đích chính trong việc tu Phật. Vì vậy thường thì người Thầy hướng dẫn khuyên các Thiền Sinh nên dẹp bỏ đi, không bám lấy nó, vì chẳng có ích lợi gì cho công việc tu hành. Trong những truyện về Đức Phật và Đệ Tử, có lần Phật cũng quở trách một Tỳ Kheo khi sử dụng thần thông để bay lên ngọn tre lấy cái bát bằng trầm hương mà chủ nhân treo lên đó thách thức ai có thần thông bay lên lấy được.

Không phải cứ Ngồi bất động và dừng lắng cái Ý Thức thì sẽ có được Túc Mạng Minh. Muốn có được Túc Mạng Minh thì hành giả phải Tư Duy, Quán sát, gọi là THIỀN QUÁN.

Nếu đề tài là Quy Luật Vũ Trụ : Sinh, Trụ, Dị, Diệt và Thành, Trụ, Hoại, Không, thì hành giả sẽ thấy những gì Có Tướng thì thời gian nào đó sẽ bị hư hoại.

Quán Nghiệp Quả là để thấy Luân Hồi. Hành giả sẽ thấy rằng đã Gây Nhiệp thì thế nào cũng phải có lúc trả. Vì thế mà phải có Luân Hồi cho Nghiệp Quả Trả, Vay sòng phẳng với nhau. Tạo Nghiệp thì phải chịu đọa, còn gây Nhân Thiện thì sẽ được hưởng Quả lành, hoặc được tái sinh ở những cảnh giới tốt đẹp

Để có được Lậu Tận Minh thì hành giả phải quán sát Tứ Diệu Đế, để biết nguyên nhân sinh ra Phiền Não và cách thức để trừ.

Tuy nhiên, dù PHÁP TRÍCH LỤC được cho là chép lại lời của Đức Thế Tôn, nhưng tôi thấy có chỗ còn thiếu sót, xin được bổ sung như sau :

Phật Ngôn là những lời Phật giảng được ghi chép lại. Thế nhưng, như chúng ta được biết, thời Phật hiện tiền thì chưa có văn bản ghi lại những gì Ngài đã thuyết. Sau khi Phật nhập diệt mấy tháng thì Ngài Ca Diếp mới kêu gọi chư Đại Đệ Tử đã Chứng Đắc làm một cuộc Kết Tập. Những Đệ tử ngày trước đã nghe Phật giảng, đã Chứng Quả, họp nhau lại, rồi lần lượt mỗi người kể lại những gì mình đã được nghe, và Ngài A Nan, người được cho là “thuộc Pháp của Phật như nước trong bình đổ ra, không thiếu một giọt” xác nhận. Nhưng lúc đó vẫn chưa ghi vào văn bản, mà chư Đại Đệ Tử chia nhau ra, mỗi người nhận học thuộc bao nhiêu phẩm, rồi truyền nhau và sau đó truyền lại cho lớp hậu học gọi là “Khẩu Khẩu truyền”. Mải đến 200 năm sau mới có Kinh sách, những bài học đó mới được ghi lại thành văn bản. Lúc đó đã qua mấy đời truyền nhau, vì thế, ắt hẳn ít nhiều cũng bị ảnh hưởng của thời gian làm cho không còn đúng 100/100 nguyên bản nữa.

Thí dụ trong phần Lậu Tận Minh, Kinh viết : “Khi Thầy Tỳ Khưu thấu rõ Lý Tứ Diệu Đế và phương pháp diệt trừ Phiền Não rồi thì tâm người được giải thoát khỏi sự Tham Dục, Sân Hận, Si Mê và màn vô Minh cũng bị diệt tận, đạt Trí Huệ Giải Thoát. Thầy Tỳ Khưu biết rằng đời đạo đức mình đã sống đầy đủ, việc nên làm mình đã làm rồi và chẳng còn phận sự gì trên thế gian nữa”.

Phân tích ra ta thấy so với thực tế thì chưa chính xác vì chưa hợp lý. Thật vậy. Chúng ta biết rằng mỗi pháp trong Đạo Phật hay trong thế gian đều có hai phần : Phần Lý và phần SỰ. Lý là nhờ nghe giảng hoặc Quán sát mà Thấy ra vấn đề nào đó, và SỰ là phần đưa Lý vào áp dụng.

Người Quán sát Tứ Diệu Đế thì Thấy được nguyên do của Khổ là do Si mà bám lấy cái Thân giả tạm, vì cho đó là Mình, rồi Tham lam, tranh dành nhiều thứ cho nó được hơn người, và nổi Sân khi có ai xúc phạm nó. Chính đó là nguyên nhân của Khổ và tạo Nghiệp. Cách thức để hết Khổ chính là là DIỆT ĐẾ, tức là Diệt hết nỗi Khổ bằng ĐẠO ĐẾ.

Đạo Đế tức là TÁM CON ĐƯỜNG CHÂN CHÁNH hay còn gọi là BÁT CHÁNH ĐẠO, mà người tu phải đi trên đó suốt cả cuộc đời. Đó là : CHÁNH KIẾN, CHÁNH TƯ DUY, CHÁNH NGỮ, CHÁNH NGHIỆP, CHÁNH MẠNG, CHÁNH TINH TẤN, CHÁNH NIỆM, CHÁNH ĐỊNH. Người thiếu Chánh Tư Duy thì không thể có Chánh kiến. Chỉ nói những lời chân chính. Nuôi thân mạng bằng nghề nghiệp chân chính. Giữ Tâm luôn chân chính. Luôn Tinh Tấn hành theo Tám Con Đường này thì sẽ không còn KHỔ nữa. Tám Con Đường Chân Chính này, phân ra chúng ta thấy :

- CHÁNH NGHIỆP, CHÁNH MẠNG thuộc về THÂN.

- CHÁNH NGỮ thuộc về KHẨU.

- CHÁNH KIẾN, CHÁNH TƯ DUY, CHÁNH NIỆM thuộc về Ý

Tóm lại, đó là 8 phương pháp để giữ cho THÂN, KHẨU và Ý được “Ba Nghiệp thanh tịnh”, tức là không sinh khởi THAM, SÂN, SI. Do đó, người muốn tu Phật, nếu không hành ĐẠO ĐẾ và DIỆT ĐẾ thì không thể trừ Khổ, do đó không thể đạt được kết quả Hết Khổ hay Giải Thoát được.

Đạo cũng như Đời. Muốn có kết quả thì phải thực hành. Muốn quần áo sạch thì phải giặt. Muốn no thì phải ăn. Muốn hết MÊ thì phải Xả, phải lìa Mê. Phải Tu, phải Tập từng chút một, không phải chỉ nói mình hết Vô Minh là Vô Minh đã lập tức không còn. Không phải vừa mới hiểu là phải sống đời đạo đức là mình đã đầy đủ đạo đức ! Giữa LÝ và HẠNH cách nhau rất xa, vì nhiều người tuy thấy, biết như vậy là nên làm, nhưng không đủ ý chí để làm được.

Trong SÁU CỬA VÀO ĐỘNG THIẾU THẤT, Tổ Đạt Ma nhắc nhở người tu phải qua hai giai đoạn gọi là LÝ NHẬP và HẠNH NHẬP. Tức là sau khi quán sát thấy được cái Lý thì phải làm cho cái Lý trở thành là những phản ứng của mình khi đối pháp. Làm thuần thục cho đến khi trở thành đương nhiên, gọi là NHẬP LÝ. Gặp Pháp thì phản xạ theo như cái Lý mà mình đã thâm nhập, không cần suy nghĩ, thì đó mới là Hạnh Nhập.

So sánh giữa PHẬT NGÔN do Phật Giáo Nguyên Thủy phổ biến và lời của Tổ Đạt Ma, ta có thể thấy được trình độ hướng dẫn của hai bên : Một bên là Tổ, người đã Chứng Đắc, chính thức được Truyền Y Bát, đã thực hành lời Phật dạy và đạt kết quả, nên hướng dẫn đầy đủ cả phần Lý lẩn phần Hạnh, và một bên nằm ngoài hệ thống này, cũng nói được phần Lý thuyết, nhưng chưa hướng người học đưa vào áp dụng. Mới thấy cái Lý mà cho là mình đã xong, dừng ở đó thì làm sao hoàn tất con đường tu hành ? Giáo Pháp chưa hoàn chỉnh như thế mà mang ra để phổ biến cho mọi người. Người đọc làm sao hiểu đầy đủ hay chưa, nên cứ tin, hành theo đó, rồi vừa mới hiểu thì cho là mình đã xong mọi việc, đã đầy đủ, không còn sứ mạng gì nữa ! Như thế là làm hư mất Tâm Bồ Đề của người tu, thì cái lỗi của người phổ biến không phải nhỏ.

Trở lại với phần hướng dẫn Thiền của các Thiền Sư, so với THIỀN của Đức Thích Ca, chúng ta thấy như sau : Mục đích NGỒI THIỀN của Đức Thích Ca là Ngồi tĩnh lặng, dừng mọi hoạt động của cái Thân, tập trung tư tưởng để TÌM RA KẺ ĐÃ GÂY RA NGÔI NHÀ SINH TỬ. Khi tìm ra hắn, biết rõ phương tiện mà hắn vẫn dùng rồi phá hủy thì từ đó hắn không còn vật liệu để xây Nhà Sinh Tử nữa thì gọi là Thoát Sinh Tử. Đức Thích Ca đi tìm Con Đường Giải Thoát, nên khi GĂP ĐƯỢC thì gọi là Đắc Đạo.

Các Thiền Sư không giải thích gì hết, người đến tham hỏi Thiền chẳng được nghe nói câu gì, chỉ thấy các Vị, hét, đánh, đá cầu, hầm khoai, nói nhại….chứng tỏ các vị chẳng hiểu gì về Thiền, nên cố ý bày ra những trò lập dị chỉ nhằm mục đích để mọi người tưởng mình là cao siêu, khó hiểu thôi ! Hành động của các vị khi hướng dẫn Thiền chẳng liên quan gì đến vấn đề SINH TỬ thì làm sao Thiền Sinh thấy được điều gì ? Giao cho họ khai Công Án VÔ, là phần đối lập (HỮU) của Các Pháp. Đó là Quán Pháp, đâu có liên quan gì đến Sinh Tử mà đòi Thoát Sinh Tử ? Tánh đâu có liên quan gì đến chữ VÔ, mà thấy được nghĩa của chữ VÔ lại không những cho là Thấy Tánh, là Thoát Sinh Tử, lại còn cao hơn cả Phật, Tổ ? Cho nên thời nào cũng không thiếu những người coi thường Nhân Quả, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người khác để mưu cầu danh, lợi, được ăn trên, ngồi trước, làm thầy mọi người.

Trở lại với THIỀN ĐỊNH. Qua kiểm chứng, chúng ta đã thấy : Không phải NGỒI là THIỀN, Ngồi lâu sẽ trở thành Thiền Sư . Cũng không phải do thế Ngồi, cứ Ngồi bất động càng lâu càng tốt thì sẽ Chứng Đắc, hay đập cho vài gậy mà cái Tánh bật ra, mà do đề tài khi THIỀN QUÁN. Theo Lý Nhân Quả thì tìm gì, Quán gì thì Thấy được cái đó. Phải biết Tánh là gì ? Có tìm Tánh thì mới Thấy Tánh. Rồi nếu không có tài liệu của người đi trước để lại để đối chiếu thì khi thấy cái gì đó làm sao biết đó có phải là cái Tánh hay không ? Đó có thể là lý do khiến một số Pháp Môn Thiền đã lần hồi đi vào diệt vong, vì không có văn tự thì lấy gì để nối truyền ?

Như vậy, giả sử ta đã chấp nhận được rằng NGỒI THIỀN là để tập trung tư tưởng rồi dùng Thoại Đầu là tìm con đường THOÁT SINH, LÃO BỆNH TỬ để Tư Duy giống như Đức Thích Ca khi xưa thì phải chăng cũng có kết quả là Đắc Đạo, là Giải Thoát Sinh Lão Bệnh Tử ?

Xin thưa : Điều đó không còn cần thiết nữa. Bởi vì sao ? Nếu ta có nghiên cứu kỹ Đạo Phật thì sẽ thấy : Qua 49 ngày đêm Thiền ĐỊNH thì THỦ PHẠM LÀM RA NGÔI NHÀ SINH TỬ đã bị Đức Thích Ca phát hiện và mang về quy án từ mấy ngàn năm về trước rồi. Nó chính là cái VỌNG TÂM, tức là CÁI TÂM MÊ LẦM. Chính vì vậy mà Tu theo Đạo Phật từ xưa đã được gọi là TU TÂM. Người thời sau không cần khoanh tay khoanh chân nhắm mắt nhắm mũi để tìm hắn nữa, mà cần kiểm tra để xem mình cũng có đồng ý với cái nhận định đó của Đức Thích Ca hay không ? Bởi vì, dù chúng ta nghe Chư Vị Giác Ngộ kể lại là thủ phạm chính là cái VỌNG TÂM, nhưng chưa biết đích xác nó là gì ? ở đâu ? Nó đã sai phạm những gì ? Điều phục hay chuyển hóa nó như thế nào ? Do đó, người tu phải tiến hành TÌM nó. Sau khi THẤY nó rồi thì theo những phương cách mà Đức Thích Ca và Chư Tổ chỉ lại kinh nghiệm để chỉnh sửa hay chuyển hóa nó. Nó có rất nhiều tên : Vọng Tâm, Cái Biết Mê Lầm, cái Thức, Phàm tánh…Khi nắm bắt được nó rồi, thì buộc nó “Phản Vọng, Quy Chân”, “Biến Mê thành Ngộ”. Chuyển Thức thành Trí, CÁI BIẾT MÊ LẦM trở thành “CáI BIẾT GIÁC NGỘ” rồi dùng lại, vì nó CŨNG CHÍNH LÀ CÁI BIẾT SÁNG SUỐT, hay CÁI CHÂN TÂM, chỉ vì bị VÔ MINH che phủ nên trở thành cái BIẾT MÊ LẦM thôi. Từng giai đoạn hành giả phải tìm hiểu cho rõ ràng, rồi thực hành bằng cách dùng những Hạnh giống như Phật đã làm để chỉnh sửa Cái Tâm của mình cho giống như hình ảnh của Phật, gọi là Tạc Tượng Phật.

Tất nhiên, công cuộc tìm kiếm này phải có sự hỗ trợ của sức ĐỊNH, vì nếu cứ để cho các Căn mặc tình chạy theo các pháp, không DỪNG nó lại thì sẽ không thấy được gì. Và cũng như một thửa ruộng hoang, mọc đầy cỏ dại, muốn gieo trồng một giống cây mới thì phải dọn sạch cỏ, cày bừa cho tơi đất rồi mới gieo giống xuống, rồi vun phân, tưới nước. Người muốn bước vào đường tu Phật cũng thế. Phải giữ một số GIỚI để ngăn không cho Thân Tâm tự do tiếp tục chạy theo Pháp như trước. Sau đó sẽ cần THIỀN ĐỊNH. Nhưng không cần NgỒi Thiền hữu TƯỚNG, tức là dùng thế Kiết Già hay Bán Già, mà có thể Ngồi tự do cũng có kết quả không khác. Pháp Bảo Đàn Kinh đã chứng minh cho thấy : Lục Tổ Huệ Năng, 8 tháng ở sau Chùa, chỉ chẻ củi, giả gạo, không Ngồi Thiền xuất nào mà vẫn Thấy Tánh, vẫn được Truyền Y Bát.

Không phải cứ NGỒI và tập trung tư tưởng là THIỀN. THIỀN cũng có THIỀN NGOẠI ĐẠO và CHÂN THIỀN.

THIỀN NGOẠI ĐẠO là nói về những pháp môn cũng dùng THIỀN làm phương tiện, nhưng không đưa đến kết quả Giải Thoát như THIỀN của Đạo Phật do Đức Thích Ca bày ra. CHÂN THIỀN là phương pháp dùng thời gian THIỀN ĐỊNH để TƯ DUY tìm ra CON ĐƯỜNG THOÁT KHỔ, THOÁT SINH TỬ. Con đường này là đường riêng của Đạo Phật, nên kết quả phải giống như những gì được Chư Tổ ghi lại trong Chính Kinh, gọi là Khế Kinh. Nếu chưa thấy giống thì nên xem lại, vì có thể đang ở bên Thiền Ngoại Đạo.

THIỀN thì phải QUÁN, nhưng có CHÁNH QUÁN mà cũng có Tà Quán. CHÁNH QUÁN là Tư duy về những Pháp của Đạo Phật và tìm mọi cách thức, đường lối để biết điều gì đã Ràng Buộc cũng như cách thức để GIẢI THOÁT. Và Tà Quán là cũng Tư Duy, nhưng hướng về mục đích khác. Thí dụ Tìm những cái Chứng đắc mục đích để cao thấp, hơn thua. Dùng Thiền để mưu cầu được những điều gì ngoài Con Đường Giải Thoát.

Khi hiểu được mục đích của THIỀN QUÁN, người tu sẽ áp dụng nó một cách linh hoạt hơn. Đó là kinh nghiệm bản thân tôi được Thầy truyền cho.

Sau một thời gian ngắn NGỒI THIỀN có tướng, mục đích là kềm cái ý thức, không cho nó tự do bay nhảy. Khi cái ý thức đã ổn thì Thầy kêu tôi cứ ngồi bình thường, chọn một chỗ riêng tư, vào thời điểm không bị quấy rầy, rồi dùng thì giờ đó để Tư Duy hay Quán Soi một đề tài nào đó. Nhưng không chỉ Tư Duy suông, mà nên lấy giấy, viết để ghi ra tất cả những gì mình tìm được, hiểu được, khám phá ra được. Làm như thế rất có lợi trong việc cột tư tưởng, vì bắt nó tập trung để suy nghĩ về đề tài, không nghĩ lan man qua chuyện khác. Hơn nữa, có viết ra thì mới có thể đọc lại được. Nếu ta chỉ tư duy miên man, rồi bỏ đó, xả Thiền ra làm sao ta nhớ ta đã khai triển vấn đề đó tới đâu để lần tới tiếp tục ? Chỉ khi ta viết ra, sau đó mang đối chiếu với Chính Kinh thì mới biết là ta đã nắm được vấn đề hay chưa ? nhiều hay ít, cần bổ sung chỗ nào ?

Buổi đầu tôi chưa vội đi tìm nghĩa của văn tự, mà tìm hiểu mục đích của Đức Thích Ca khi khai mở Đạo Phật. Ngài muốn truyền bá điều gì cho chúng ta ? Những gì Ngài nói có hợp lý không ? Có cần cho tôi hay không ? Khi thấy những gì Đạo Phật dạy là đúng lý, không thể chối cãi được, bản thân mình cũng có như cầu, thì tôi bắt đầu tìm hiểu về từng Pháp mà Phật dạy thì dụ như : Văn-Tư-Tu, Giới-Định-Huệ, Vô Thường, Vô Ngã, Hữu Ngã, Sinh Tử, Tứ Diệu Đế, Thập Nhị nhân Duyên, Bát Chánh Đạo, Trí Huệ Bát Nhã, Lục Độ, Lục Đạo, Phật, Chúng Sinh, Thánh, Phàm, Nhân Quả, Luân Hồi, Tâm, Tánh, Pháp, Tướng v.v.. Từng chữ, từng câu, tôi cố gắng tìm hiểu, mổ xẻ, phân tích từ Ngữ đến Nghĩa cho đến khi không thể hiểu cách nào khác mới ngưng. Vừa tìm hiểu, vừa dò trong chính Kinh xem các Tổ giải thích thế nào để kiểm chứng và cũng để xem sự hiểu biết của mình có khế hợp hay không ? Tôi tìm mọi thứ chỉ để hiểu cho rõ, không có mục đích hơn thua với ai, cũng không khởi tâm muốn chứng Quả vị hay thành Phật, thành Thánh, nên cái tâm rất trong sáng, dễ tiếp thu cái hiểu biết mới.

Tu Phật là để Thành Phật, là phải Thành Phật. Do đó, tôi tìm xem Thành Phật là thành gì ? Có phải thành Thần Linh hay không ? Đức Thích Ca đã làm thế nào để thành Phật ? Tôi có cần thành Phật hay không ? Tại sao muốn Thành Phật thì phải Độ Sinh ? Chúng sinh là gì ? Ở đâu ? Độ như thế nào ? Ý nghĩa của từng Pháp : Xuất Gia, Khất Thực, Đắp Y, Xây Chùa, Tạc tượng, Phóng Sinh, Bố Thí v.v…để thấy rằng mỗi người đều có Phật Tánh, đều có khả năng để Thành Phật, vì thế, Đức Thích Ca đã Thọ Ký : “Tất cả chúng sinh là Phật sẽ thành”, không có phân biệt tu sĩ hay cư sĩ, độc thân hay có gia đình. Thành Phật chỉ là “thành tựu công việc Giải Thoát cho bản thân hết Khổ”, không phải là thành một vị Thần Linh như có nhiều người hiểu lầm, rồi cho là phải ở trong Chùa, phải độc thân, thanh tịnh thì mới Đắc Quả được. Có biết bao nhiêu điều trong Đạo Phật cần phải hiểu, phải học hỏi, đâu phải chỉ mỗi chữ VÔ hay một vài Công Án mà khi Khai được một Công Án thì gọi là « hoát nhiên đại ngộ » rồi thành Phật luôn, mà còn cao hơn Phật ?

Chúng ta nên biết rằng dù tất cả cách Hiểu, cách Hành đều đã được giải thích trong Kinh, nhưng đó là cái Hiểu của Chư Vị Giác Ngộ, không phải của mình, vì thế, mỗi người cần phải tìm, phải Soi, Quán Tư Duy để có cái Hiểu của mình gọi là “tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Kết quả của Soi, Quán là Trí Huệ, tức là Trí hiểu biết đưa đến Con Đường Giải Thoát. Tinh tấn trong việc Quán, Soi tìm Con Đường Giải Thoát gọi là “Hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa” vì Bát Nhã Tâm Kinh viết là “Tam thế Chư Phật y Bát Nhã Ba La Mật Đa đắc Tam Miệu Tam Bồ Đề”, có nghĩa là Ba Đời Phật đều nhờ vào « Trí Huệ qua bên kia bờ » mà được Giải Thoát.

Thế nào là “Trí Huệ Qua bên kia bờ” ? « Bờ bên này » là cảnh trần với cuộc sống đầy phiền não, khổ đau. Tất cả những hiểu biết do học hay do thói quen, quanh quẩn với Thân, Tâm, Cảnh, và « Bờ bên kia », tức là sự Giải Thoát, an lạc hay còn gọi là Niết Bàn, Phật Quốc, cũng ở trong chính cái Tâm của mỗi người, không phải ở cõi trời xa xôi nào. Chính kinh cũng có phân biệt : Người mới Nghe người khác giảng đã Tin, rồi vội hạ thủ công phu thì gọi là Thinh Văn, và người cũng Nghe, nhưng Tư Duy để tìm cho rõ nghĩa sau đó mới đưa vào thực hành thì gọi là Bồ Tát. Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA cũng nói rõ : Hàng Thinh Văn muốn Thành Phật thì phải chuyển lên địa vị Bồ Tát thì mới Thành Phật được, do đó mà Kinh DIỆU PHÁP LIÊN HOA là kinh để « Giáo Bồ Tát », hàng Thinh Văn phải đọc và hành theo đó mới thành Phật được.

Hai mấu chốt căn bản làm ra SINH TỬ, PHIỀN NÃO chính là THÂN và TÂM của mỗi người. Vì thế, nếu không mổ xẻ, phân tích nó thì người tu khó bỏ được những gì quen đeo bám từ vô lượng kiếp mà khi bỏ được thì Kinh xem đó như là “Hiến Trân Châu », « hiến thành quách », « lâu đài, dinh thự, hiến xâu chuỗi trị giá trăm ngàn lượng vàng cho Phật” ! Đó cũng là lý do vì sao Kinh tả Tây Phương Cực Lạc được hình thành bằng BẢY MÓN CHÂU BÁU. Vì Xả 3 Nghiệp của Thân là Tham, Sân và Si và 4 Nghiệp của Khẩu, là nói láo, nói lưỡi đôi chiều, nói để khen mình, chê người, cộng chung là BẢY MÓN. Do thói quen ôm giữ từ nhiều đời, nên việc Xả bỏ nó rất khó thực hiện, vì thế, được ví là HIẾN BẢY MÓN CHÂU BÁU cho Phật ! « Hiến cho Phật » có nghĩa là XẢ những thói quen đã ôm giữ từ nhiều đời cho CON ĐƯỜNG GIẢI THOÁT. Không phải là mang đi dâng cho Phật nào hết, vì  Phật đã nhập diệt từ mấy ngàn năm rồi, đâu còn tại thế mà nhận của mọi người hiến ? Vậy mà vẫn có những người hiểu sai, rồi mang đất đai, nhà cửa hiến cho Chùa mà cứ nghĩ là hiến cho Phật, rồi bị thất thoát tài sản mà không đạt được hiệu quả như mình mong muốn. Đó là do thiếu sáng suốt nên hiểu sai, hành nhầm !

Nhiều người vào Đạo Phật là do gia đình có gốc là Đạo Phật, hoặc nghe thuyết giảng về những đức tính của Phật nên ngưỡng mộ. Riêng tôi, nhờ tìm hiểu kỹ về Đạo Phật, về mục đích cũng như lợi ích của Đức Thích Ca cho con người, cũng như những việc mà người tu phải Hành, kết quả sẽ đạt được. Khi thấy điều đó có ích cho bản thân mình thì tôi mới dấn thân vào. Tôi thấy sở dĩ Đức Thích Ca mở ra Đạo Phật là vì thấy cuộc sống của con người ngắn ngủi, không quá trăm năm mà phải chịu quá nhiều cảnh Khổ. Ngài đã tả lại những cảnh Khổ của cuộc sống bằng KHỔ ĐẾ. Sinh đã Khổ rồi, cả kiếp sống Khổ nhiều hơn vui. Nào là Cầu mong không được. Người thương không được sống gần mà kẻ oán ghét thì cứ phải gặp. Già, Bệnh đã Khổ, mà Chết lại càng khổ hơn vì phải bỏ lại tất cả để ra đi mà lại không biết sẽ về đâu !.

Quán sát Cái Thân này, cuộc sống này, ta thấy đôi khi nó cũng mang lại đôi chút niềm vui khi mọi thứ được xứng ý, vừa lòng. Nhưng so với nỗi Khổ mà cả đời phải đối mặt thì không đáng. Đã vậy, đôi khi vì muốn cung cấp cho Cái Thân mọi thứ cho nó hài lòng mà ta lại “lấn người, hại vật” hoặc làm những việc bất chính để gây hại cho người khác, làm đảo lộn cuộc sống của họ để họ phải đau khổ. Đó là ta đang gieo Nhân xấu, ngày nào nó cái Quả Xấu sẽ trả lại. Vì thế, nếu cuộc sống cứ để cho Vô Minh tiếp tục điều khiển thì sẽ kéo theo 11 Duyên khác để khi hết kiếp lại theo Nhân Quả mà tiếp tục xoay vần, hết Tử lại Sinh, Sinh rồi lại Tử quanh quẩn theo vòng Luân Hồi. Vòng này chỉ kết thúc khi lìa được VÔ MINH.

Nói về tầm quan trọng của Tư Duy, Kinh ĐẠI BÁT NIẾT BÀN VIẾT : « Này Thiện Nam Tử ! Có người dầu trải qua vô lượng vô số kiếp chuyên tâm thính pháp, nhưng nếu không Tu Duy thì trọn không thể được Vô Thượng Bồ Đề ». Muốn phá Vô Minh thì phải dùng Trí Huệ. Muốn có Trí Huệ thì phải Quán Sát, Tư Duy, và muốn Tư Duy hiệu quả thì không chỉ phải tĩnh lặng, mà còn phải CHÁNH TƯ DUY, do đó mà cần Thiền Định. Vì thế, Thiền Định chỉ là phương tiện để sinh Trí Huệ, không có gì là cao siêu, huyền bí, cũng không phải “đất trời đổ sụp” khi thấy ra một điều gì khi Tham Thoại Đầu. Giây phút đó cũng ví như ta vén màn che, thì ánh sáng sẽ soi rọi vảo để nhìn thấy mọi vật rõ ràng hơn, không có gì quá ghê gớm kinh thiên động địa như nhiều người tưởng tượng ! Chỉ cần có người hiểu rõ phương tiện THIỀN QUÁN để hướng dẫn thì hành giả có thể Ngồi bất cứ nơi đâu cũng Thiền được, không nhất thiết phải xây Thiền Đường rộng hàng ngàn mét để tập trung Ngồi Thiền. Hoặc sáng chế ra nhiều kiểu Thiền như Thiền chạy, Thiền nằm,Thiền ôm gì đó… !

Nhiều người nghĩ rằng những giờ NGỒI THIỀN là để hòa nhập với hư không, hướng về cõi Nước Phật ở Tây Phương, Đông Phương. Không ngờ chỉ là để tư duy, chiêm nghiệm về kiếp sống, về cái Thân , cái Tâm, và các Pháp, để thấy Kiếp sống mong manh, thấy đó rồi mất đó, vì vạn Pháp Vô Thường. Chiêm nghiệm về Cái Thân, để thấy nó chỉ là khối thịt, xương, kết hợp bằng bốn món vay mượn của Tứ Đại để TRẢ hoặc NHẬN những gì đã gieo từ kiếp trước. Hết thời hạn là nó phải hoàn về cho Tứ Đại. Quán VÔ NGÃ để thấy cái Thân, cái Tâm này thật ra không có chủ thể. Không phải là MÌNH. Thân bị vạn pháp tác động vào sinh ra những cảm xúc, rồi ta nghĩ đó là cảm xúc của ta, và nhận những gì đến với cái Thân cho là đến với TA, rồi sinh ra những phải ứng THƯƠNG, GHÉT. Thuơng thì muốn ở gần, muốn kiếm thêm. GHÉT thì muốn xa lánh, rủ bỏ, rồi không được như ý thì sinh ra buồn khổ ! Thật ra những cảm xúc này chỉ dựa vào cái Thân, mà cái Thân chỉ là vật mà ta tạm sở hữu, tạm đi chung, chẳng phải là Ta. Vì thế, cảm xúc đó cũng không phải của Ta. Chính vì vậy, trong Kinh LĂNG NGHIÊM, sau nhiều lần Phật vặn hỏi, Ngài A Nan mới nhận ra là Ngài KHÔNG CÓ TÂM !

Phải qua nhiều Tư Duy, Quán sát theo hướng dẫn của Đạo Phật để thấy đời là VÔ THƯỜNG. Cái mà Ta tưởng là Ta thật ra không phải là Ta, mà chỉ là cái BÓNG GIẢ TẠM, thay đổi tùy theo Nghiệp, Duyên, của một cái HÌNH TRƯỜNG TỒN, BẤT BIẾN. Vì thế, nhiệm vụ của người tu là tìm về với cái Mình Thật đó. Gặp được cái TA THẬT thì mới hết Khổ, mới được Giải Thoát.

Nhưng không phải thấy thế để chối bỏ hay hành hạ cái Thân, xa lánh cuộc đời, chê cuộc đời là ô trược, mà là để chấp nhận sự mong manh của kiếp sống, của những Duyên hội ngộ ngắn ngủi, để thay vì tranh giành, hơn thua nhau, thì yêu thương nhau hơn, giúp đỡ nhau để xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn, vì quỹ thời gian của mỗi người có hạn. Quán THAM, SÂN, SI để thấy cũng vì CHẤP LẤY CÁI THÂN GIẢ LÀ MÌNH, nên Tham lam, vơ vét nhiều thứ cho nó được hưởng và nổi Sân khi có người xúc phạm nó. Nhưng dù chất chứa bao nhiêu rồi cuối cùng khi hết Duyên, hết Nghiệp lại phải ra đi trắng tay mà còn mang theo NGHIỆP đã gây tạo để rồi vòng quanh trong vòng Luân Hồi không có lối thoát ! Chiêm nghiệm các Pháp để ngưng không Tạo Ác Nghiệp. Chấp nhận TRẢ những gì đã gieo và chỉ hành Thiện nghiệp. Nhờ đó mà cả cuộc đời còn lại được thanh thản, an vui gọi là Hữu Dư Y Niết Bàn. Không phải chờ chết mới được về Niết Bàn, cũng không phải suốt ngày ngồi tụng Kinh để cầu xin được về, mà bỏ một chút Tham, Sân, Si là tới gần Niết Bàn một chút : Kinh tả Tây Phương Cực Lạc cách đây 18.000 dặm, nhưng được Lục Tổ giải thích « chỉ cần Bỏ Thập Ác, là đã đi tới mười muôn dặm. Sau dứt 8 điều tà, ấy là qua khỏi tám ngàn dặm », không phải ở nơi cõi xa xôi nào, vì NIẾT BÀN chỉ có nghĩa là « Ra Khỏi rừng Phiền Não », hoặc « Ra khỏi rừng Mê » mà thôi.

Không phải người Tu Phật sẽ phải NGỒI THIỀN suốt đời, vì THIỀN hay THUYỀN chỉ là phương tiện để Qua Bên kia Bờ. Qua sông rồi thì phải bỏ Thuyền. Mục đích Thiền Định là để dùng sức Định trong giờ Ngồi Thiền rồi quán soi để sinh sự hiểu biết của Con Đường Giải Thoát, gọi là Trí Huệ. Khi đã có Trí Huệ đầy đủ thì không cần phải Ngồi Thiền nữa, mà quan trọng nhất là THIỀN mà KHÔNG CẦN TƯỚNG NGỒI, gọi là THIỀN VÔ TƯỚNG. Sau khi hành giả tìm được con TRÂU TÂM và thuần hóa nó. Khi nó đã thuần hóa rồi, thì dù có thả đi rong nó cũng không phá lúa mạ nữa. Từ đó hành giả sẽ “thỏng tay vào chợ”, tức là vẫn tiếp tục sống giữa cuộc đời, với bao nhiêu pháp thuận, nghịch, mà không còn bị phiền não nhấn chìm nữa, được như Hoa Sen, sống giữa bùn mà không ô nhiễm. Đó là lý do Hoa Sen được Đạo Phật dùng làm biểu tượng.

Mức cao nhất của THIỀN ĐỊNH là NHƯ LAI THIỀN. Không phải NHƯ LAI THIỀN là THIỀN của Phật Tổ Như Lai, mà người đã chuyển hóa được Cái Tâm, đạt được sự thanh tịnh trong tâm rồi, thì vẫn tiếp tục cuộc sống bình thường như trước. Nhưng dù ở bất cứ đâu, làm bất cứ gì, đi, đứng, ngồi, nằm cũng không còn bị các Pháp làm cho điên đảo nữa. Đến, đi, tiếp xúc với các pháp thuận, nghịch, mà không động tâm, gọi là NHƯ LAI. Không động tâm không phải là trơ như gỗ đá, vô cảm trước buồn, vui, thịnh suy của xã hội, của mọi hoàn cảnh chung quanh, vì người tu có TỨ VÔ LƯỢNG TÂM. Không phải là Quả vị, lớn nhỏ để so sánh cao thấp,hơn thua với ai, chỉ là không khởi những cái Tâm Tham, Tâm Sân, Tâm Si, Tâm hơn thua, tranh chấp, tà Tâm, ác Tâm, chỉ còn lại những cái Tâm yêu thương tôn kính, giúp đỡ mọi người, và làm tròn sứ mạng của mình là « Mồi ngọn Vô Tận Đăng », để tất cả đều có được cuộc sống hạnh phúc, an vui cho đến hết kiếp. Kiếp sau, nếu có, thì do kiếp này không gây Ác Nghiệp nên cũng sẽ không phải rơi vào ác đạo, và một lần đã Giải Thoát rồi thì như vàng đã lọc khỏi quặng, sẽ không trở lại thành quặng nữa. Đó là kết quả cao nhất của môn THIỀN ĐỊNH mà người tu sẽ đạt được vậy.

Vì sao tu theo Đạo Phật gọi là để THOÁT SINH TỬ, mà người sáng lập Đạo Phật là Đức Thích Ca cũng đã chết, đã trà tỳ ?

Người tu theo Đạo Phật được dạy quán sát THÂN-TÂM-PHÁP để thấy rằng Vạn Pháp do Duyên, là Vô Thường. Thân này cũng là một Pháp, vay mượn của Tứ Đại để TRẢ hoặc HƯỞNG những gì đã gieo từ kiếp trước, không phải là THẬT MÌNH. Vì thế, lúc Sống, họ không để cho cái Thân, cho Lục Căn lôi cuốn để chạy theo Danh, Lợi, Tình, Thương, Ghét..là những thứ mà những người cho Cái Thân là mình đã hành động. Trái lại, nhờ hiểu rõ về Cái Thân, nên họ điều khiển nó, không để nó điều khiển mình. Vì thế, tuy họ đang SỐNG, tức là SINH, mà Thoát được sự kiềm chế của cái THÂN, gọi là THOÁT SINH.

Khi sống, họ đã biết cái THÂN không phải là MÌNH, nên không dính mắc vào nó, mà điều khiển cái Thân thuận theo duyên để sống giữa cuộc đời và làm những việc lợi mình, lợi người. Đã biết Thân này vay mượn của Tứ Đại, là giả tạm, có hạn kỳ, nên khi cái Thân hết Duyên, hết Nghiệp phải hoàn trả lại cho Tứ Đại thì họ thấy đó là chuyện đương nhiên, không nuối tiếc, không sợ hãi, vì những gì cần làm lúc ở trong cái Thân họ đã hành xong, và biết rằng cái Thân không phải là họ nên cái Thân chết, họ đâu có chết, vì họ là cái Chân Tánh bất sinh, bất diệt, ngay lúc cái Thân còn đang tồn tại thì họ đã Trụ ở Chân Tánh rồi. Do đó gọi là THOÁT TỬ. Sống mà không bị cuộc sống vùi dập, Chết mà Biết đó chỉ là sự tan rả của Tứ Đại, không phải Mình chết, nên gọi là THOÁT SINH TỬ. Tự mình cứu mình, không mong chờ, cầu xin Phật Độ nên gọi là Tự Độ. Đó là những sự Thấy, Biết do Quán sát, Tư Duy và thực hành lý thuyết chân chính của Đạo Phật. Tất cả nhờ vào THIỀN CHÂN CHÁNH gọi là CHÂN THIỀN, và sức ĐỊNH CHÂN CHÁNH gọi là CHÁNH ĐỊNH vậy.

Tháng 4/2023






VVM.27.5.2023