N gười Á Đông từ xưa vẫn giữ một nét ý thức đáng quí : sự thủy chung, tình yêu trước sau không đổi. Ý thức này xuất phát từ luân lí truyền thống của mấy ngàn năm trước và đã đem lại cho gia đình một giường mối chắc chắn và đẹp đẽ. Truyền thống tư tưởng ấy đã thổi hồn vào những khối đá vô tri trên núi cao để chúng thành huyền thoại : Huyền thoại hòn Vọng Phu. Huyền thoại này xuất hiện nhiều trong văn hóa dân gian vùng Đông Á, mỗi vùng mỗi khác, lưu truyền qua nhiều thế hệ nhưng vẫn chung một sắc màu dân dã, bi đát, đầy kịch tính, tôn vinh người thiếu phụ trung trinh, người thiếu phụ chờ chồng mòn mỏi đến hóa đá. Những chuyện tình đầy nước mắt đã biến những ngọn núi trầm tư rải rác từ Lạng Sơn, Thanh Hóa đến Thanh, Nghệ vào đến Phú Yên, Bình Định, Khánh Hòa... và cả một số ngọn núi trên lục địa rộng lớn của Trung Quốc thành những truyện truyền kì.
HÒN VỌNG PHU TRÊN ĐẤT VIỆT
Hòn Vọng Phu ở Lạng Sơn:
Ðồng Ðăng có phố Kỳ Lừa,
Có nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh...
Nằm trong quẩn thể di tích động Tam Thanh, Lạng Sơn có núi Vọng Phu. Trên sườn núi trên cao có khối đá hình người đàn bà ôm con mãi nhìn về phương xa… Từ xưa, khối đá này đã gắn với truyền thuyết về một người thiếu phụ chung thuỷ bồng con lên núi chờ chồng. Chờ mãi không thấy chồng về, cả hai mẹ con cùng hoá đá… Chuyện kể rằng: Ngày xưa ở trấn Kinh Bắc có một người đàn bà góa chồng từ sớm, ngày ngày đi mò cua bắt ốc để nuôi hai con: Tô Văn và Tô Thị. Một hôm trong khi mẹ ra đồng, đứa anh đùa nghịch, ném đá trúng phải đầu em gái, máu ra lênh láng. Tưởng em chết, anh sợ quá bỏ trốn. May mắn làm sao, Tô Thị được xóm giềng cứu cấp hồi tỉnh - còn anh trai là Tô Văn thì trốn biệt, nhiều năm sau vẫn không thấy trở về. Nhớ con, người mẹ ngày một héo hon rồi qua đời, bỏ lại Tô Thị, được một gia đình đem về Kỳ Lừa nuôi nấng. Lúc đã lớn, cha mẹ nuôi cho nàng mở một hàng nem … Rồi bỗng đâu từ phương xa có một chàng thanh niên đến; chàng trai ấy chính là Tô Văn nhưng qua nhiều năm xa cách, cả hai đều không nhận ra nhau. Họ yêu nhau tha thiết rồi kết thành chồng vợ. Một năm qua, Tô Thị sinh được một gái. Gia đình đang êm ấm…bỗng một hôm, lúc chải tóc, người chồng chợt nhìn thấy vết sẹo trên đầu vợ... Tô Thị tỉ mỉ kể lại câu chuyện ngày xưa cho chồng nghe. Nghe xong chàng cháy cả ruột gan… Càng đau đớn, xót xa chàng lại càng không muốn cho vợ mình hay biết. Giữa những tháng ngày dằn vặt đau khổ cùng cực ấy bỗng có lệnh quan trên bắt lính thú. Tô Văn ngầm đăng lính; ngày tiễn biệt Tô Thị khóc thảm thiết. Rồi từ đó ngày ngày nàng bồng con lên núi chờ chồng. Nhiều năm tháng trôi qua trong tuyệt vọng, Tô Thị hóa thành tượng đá trơ trơ trên mỏm cao chót vót và mãi đến nay nàng vẫn bế con đứng đăm đăm nhìn về hướng chồng đi... (1)
Hòn Vọng Phu ở Thanh Hóa: Ở Thanh Hoá có núi Nhồi, ngày xưa gọi là núi Khế, thuộc thôn Nhuệ (Nhuệ Sơn), nay là xã Đông Hưng huyện Đông Sơn, cách thành phố Thanh Hóa khoảng 3 cây số về phía tây nam, chu vi chừng 4.000 mét. Núi này được cư dân ở đây gọi là núi Vọng phu. Trên đỉnh có tảng đá sừng sững giống hình một người đàn bà cùng hai đứa con nhỏ đang đứng trông ra biển. Truyền thuyết của Hòn Vọng Phu trên núi Nhồi ít nhiều khác với các truyền thuyết khác, chỉ kể lại câu chuyện người vợ nhớ chồng đi chinh chiến, ngày ngày dắt hai con lên núi nhìn về phương xa. Trông ngóng mỏi mòn, dần dần cả ba mẹ con cùng hóa đá…
Hòn Vọng Phu ở Nghệ An: Cạnh dòng Nậm Giải, Quế Phong, Nghệ An có một khối đá trắng lớn có dáng mẹ bồng con hướng mặt nhìn ra dòng nước. Người Thái ở đây vẫn gọi là hòn Vọng Phu. Chuyện tình vùng dân tộc này mang màu sắc thần kì: nhân vật là một chàng trai chốn thuỷ cung đã yêu một thiếu nữ trần thế. Chàng vốn là con của Long Vương, trốn vua cha lên trần gian chơi hội Xuân. Ở đây, chàng đã gặp một người con gái Thái hết sức xinh đẹp; chàng mê mẩn quên cả lối về…Họ yêu nhau say đắm rồi kết làm vợ chồng ...chung sống với nhau hạnh phúc bên đứa con thơ . Ngày ngày chàng lên rừng săn muông thú, xuống suối bắt cá tôm… vợ ở nhà chăm con, dệt vải quay tơ. Rồi một ngày kia, Long Vương cho quân lên tìm bắt con trai về trị tội. Không dám chống lệnh cha, chàng từ biệt vợ con về thủy cung... rồi từ đó đi biền biệt, không trở lại... Nhớ chồng tha thiết, hàng ngày nàng lại bồng con ra bến nước nơi người chồng ra đi để trầm tư ngồi trông ngóng bóng chồng. Mỏi mắt trông chờ trong tuyệt vọng. Một ngày kia, trời đổ mưa tầm tã, sấm chớp lòe sáng rực trời. Lúc trời quang mây tạnh, bên bến nước, mẹ con người thiếu phụ chờ chồng đã hóa đá, dưới chân đá là những dây leo chằng chịt. Truyện tình của đôi vợ chồng chờ nhau trọn kiếp đã thành truyền thuyết. Nay người Thái ở Nậm Giải hàng năm vẫn dâng lễ vật tưởng nhớ một cuộc tình bi đát. Họ cùng nhau mang những tấm vải nhiều màu sặc sỡ cùng những cuộn tơ vàng phơi lên các tảng đá chung quanh và kể cho nhau nghe chuyện đá Vọng Phu của nghìn năm trước...
Hòn Vọng Phu ở Quảng Nam: Ở Quảng Nam-Đà Nẵng có “Đá Bà Rầu" cũng là hòn Vọng Phu. Câu chuyện lưu truyền về pho tượng đá có hình người đàn bà này có khác với những truyền thuyết Vọng Phu trên cả nước: Người vợ có chồng đi buôn xa, ngày ngày nàng ra bờ sông mòn mỏi trông chồng. Ngày lại ngày qua, nàng vẫn hi vọng… và cuối cùng chàng trở về nhưng hạnh phúc đã không đến mà lại vỡ tan cùng với bao nhiêu nghi ngờ, ghen tuông...; chồng nàng lại bỏ nhà ra đi. Nàng buồn rầu ra cửa biển, đau thương rồi biến thành khối đá sầu muộn. Bên cạnh tượng đá nay còn có một ngọn tháp, gọi là Tháp Bà Rầu.
Hòn Vọng Phu ở Bình Định:
"Bình Ðịnh có núi Vọng Phu,
Có đầm Thị Nại, có cù lao Xanh. .."
Phía Nam đầm Đạm Thủy, thuộc địa phận huyện Phù Cát, có núi Bà. Núi choán cả một vùng rộng lớn trên bốn mươi cây số vuông, uy nghi với bao điều kỳ bí. Ngày xưa, núi có tên chữ là Phô Chinh đại sơn (Phô Chinh nghĩa là “bày chiêng”) – núi Bày Chiêng còn gọi là Hòn Chuông (Chung sơn). Nhìn từ xa, Hòn Chuông giống quả chuông úp với nhiều đèo dốc: đèo Nhỏ ở phía bắc, đèo Lớn (còn gọi là đèo Tố Mộ) ở phía nam, đèo Mũi Đá Giăng ở phía đông…Trên đỉnh núi, có hai khối đá, một cao, một thấp trông tựa hình người. Từ phía biển nhìn vào giống hệt một người đàn bà tay dắt đứa con đang đứng ngóng nhìn ra khơi xa. Dân địa phương gọi đó là Hòn Vọng Phu. Chuyện kể về Hòn Vọng Phu ở đây cũng tương tự chuyện nàng Tô Thị ở Đồng Đăng nhưng lại có những chi tiết gần với cuộc sống hàng ngày của người dân vùng trung Trung bộ: Đôi vợ chồng nghèo sinh được hai con, một trai, một gái. Ngày ngày hai vợ chồng lên nương rẫy; hai anh em vẫn chơi với nhau rồi một hôm đứa anh trai cùng em ra rẫy mía, dùng dao chặt ngọn. Từ cao bổ xuống, lưỡi dao vô ý sa trúng đầu em gái đang đứng cạnh, máu tuôn lênh láng. Sợ quá, đứa anh bỏ em gái đang bất tỉnh trốn biệt, lang bạt nhiều nơi cuối cùng làm con nuôi cho một gia đình làng chài ở Bình Định. Hằng ngày, chàng vẫn phụ giúp cha nuôi, cùng ra khơi đánh cá. Mấy năm sau chàng kết duyên cùng một người con gái trong làng. Vợ thạo nghề đan lưới, chăm chỉ giúp chồng mỗi khi thuyền về bãi... Nhiều năm qua, hai vợ chồng sống đầm ấm cùng đứa con nhỏ... rồi một hôm, biển động, chồng nghỉ đi khơi, ở nhà vá lưới, vợ chải tóc bên hiên nhà; ngạc nhiên làm sao, chàng nhìn thấy một vết sẹo dài trên đầu vợ, hỏi ra mới biết định mệnh trớ trêu đã đưa chính em gái của mình đến làm con nuôi ngay trong ngôi làng chàng tìm đến tá túc. Trong nỗi đau như xé ruột gan, chàng lẳng lặng lên thuyền ra khơi. Chuyến đi biển cuối cùng trong đời, thuyền chìm trong bão tố. Nhiều ngày sau vẫn không thấy chồng trở về, người vợ bồng con lên ngọn núi bên cửa biển đăm đăm trông mãi về biển xa mịt mù. Ngày lại ngày qua, cả hai mẹ con cùng hóa thành tượng đá. Người dân ở Bình Định vẫn gọi đây là đá Vọng Phu...
Hòn Vọng Phu ở Tuy Hòa: Tuy Hòa có núi Đá Chồng (Đá Bia; Thạch Bi Sơn), thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa. Cư dân trong vùng gọi đây là núiVọng Phu. Núi cao 706 m nằm cạnh quốc lộ 1A thuộc dãy Đèo Cả, là một nhánh của dãy Trường Sơn chạy ra sát biển, chân núi phía nam giáp Vũng Rô. Trên đỉnh có tảng đá lớn mọc dựng đứng, trông tựa hình người đàn bà. Dân địa phương cũng truyền tụng sự tích Vọng Phu.
Hòn Vọng Phu ở Khánh Hòa:
Núi Mẫu Tử, cao 2051 mét, trước kia thuộc tỉnh Darlac; về sau, khi quận Khánh Dương sát nhập vào tỉnh Khánh Hòa, núi thuộc xã Ninh Tòng, huyện Ninh Hòa (giáp ranh xã Krong Hin, huyện Mơ Đrắc, giữa quốc lộ 21 và sông Hinh, cách bờ biển Đông khoảng 30 cây số) núi còn có tên là Vọng Phu . Đây là ngọn núi cao nhất của Khánh Hòa. Chóp núi là một khối đá hoa cương khổng lồ, bên cạnh có một khối nhỏ hơn, trông xa vẫn rõ hình người mẹ bồng con đứng ngóng ra biển Đông. Truyền thuyết Vọng Phu ở đây giống với truyện ở Thanh Hóa và Tuy Hòa: Người chồng tòng quân ra biên ải; người vợ trẻ chờ chồng mòn mỏi, ngày ngày bế con lên núi trông về biên cương xa. Thời gian trôi và đoàn quân không thấy trở về, người vợ cùng đứa con chờ mãi hóa thành đá. Quách Tấn trong tác phẩm Xứ Trầm Hương cho biết người Pháp gọi tên núi là La mère et l'enfant. Núi lại còn có tên khác là Mông Công (ngày xưa khi chưa có chữ quốc ngữ, “ Mông Công” được dùng để kí âm chữ “Bồng Con” của tiếng Việt). Nhiều người vùng Ninh Hòa - Vạn Giã cho rằng trông lên hòn Vọng Phu, đứa con ngày càng lớn trong vòng tay mẹ, còn mẹ thì ngày càng già yếu mỏi mòn đi. Núi Vọng Phu ở vùng này lại có thêm 2 truyền thuyết: *Truyền thuyết thứ nhất kể chuyện “ ngậm ngải tìm trầm” :người chồng từ biệt vợ con lên núi cao để tìm trầm hương rồi đi biệt. Ngày tháng qua... mãi không thấy chồng về, hai mẹ con ngày ngày dắt nhau lên núi ngóng trông mỏi mòn rồi hóa thành tượng đá. *Truyền thuyết thứ nhì giống chuyện kể về núi Vọng Phu ở Bình Định chỉ có điểm khác biệt là người vợ trong truyện lại là chị ruột của chàng trai. Khi biết được người vợ mình đang chung sống là chị, chàng đau khổ lặng lẽ ra đi biền biệt; vợ và con mòn mỏi chờ trông rồi hóa thành tượng đá.
Nhiều núi Vọng Phu, nhiều huyền thoại, mỗi truyện một sắc màu hợp với từng tâm tư, thực tế cuộc sống của từng nơi. Người chinh phụ ở Thanh Hóa, Tuy Hòa, Khánh Hòa vỡ tan hạnh phúc lứa đôi do loạn lạc, chiến tranh. Những cuộc chiến triền miên khiến những chàng trai phải giã biệt vợ con mà ra đi. Chẳng biết chồng mình đang trấn thủ, lưu đồn nơi nao hay đã vùi thây trên chiến địa mà biệt âm vô tín...
Người thiếu phụ chờ chồng ở Lạng Sơn, Bình Định lại là do định mệnh trớ trêu...Tuy có khác nhau về tình tiết nhưng các truyện đều gặp gỡ nhau ở một điểm là những thiếu phụ trẻ chờ mãi, chờ mãi đến mỏi mòn... đến khi truyện kết thúc thì mẹ và con đều đã hóa thành đá...
“VỌNG PHU SƠN “ TRÊN LỤC ĐỊA TRUNG QUỐC
Những tảng đá lặng lẽ hình mẹ bồng con trơ gan cùng tuế nguyệt dưới trời xanh mãi trông về phương xa, đăm đăm chờ đợi… là biểu tượng của một nét văn hóa chung vùng Đông Á, là bóng hình cao cả của người phụ nữ Á Đông một đời tần tảo sớm hôm, hy sinh tất cả cho chồng, cho con... Biểu tượng này không chỉ có ở Việt Nam mà Trung Quốc cũng có. Nhiều Vọng Phu sơn, Vọng Phu đài, Vọng Phu nhai, Vọng Phu thạch …rải rác khắp nơi trên lục địa rộng lớn: ở Sơn Hải quan (Hà Bắc), ở Tuy Trung (Liêu Ninh; ở Đương Đồ (An Huy), Đức An (Giang Tây); Vọng Phu sơn trong dãy núi Đào Hoa sơn ở Lê Thành (Sơn Tây); ở thành phố Lai Vu (Sơn Đông) ; ở huyện Điện Bạch (Quảng Đông), huyện Quế Lâm (Quảng Tây); Vọng Phu thạch tại Sa Điền-Hồng Mai cốc, Hương Cảng... Mỗi hòn Vọng Phu lại kèm theo một câu chuyện tình bi đát. Tương tự các truyền thuyết Vọng Phu ở nước ta, truyện Vọng Phu của Trung Quốc cũng là những chuyện tình đầy nước mắt và đậm đà tình nghĩa của những thiếu phụ trung trinh, thủy chung trọn đời trong tình nghĩa vợ chồng và cuối cùng những trông chờ tuyệt vọng ấy cũng đã biến họ thành những tượng đá...chờ chồng đến muôn kiếp...
VỌNG PHU THẠCH TẠI HÀ BẮC: Trung Quốc có nhiều truyền thuyết Vọng Phu khác nhau được lưu truyền trong dân gian. Truyền thuyết được kể nhiều nhất là truyện nàng Mạnh Khương (2) nguyên là một nhân vật trong Tả Truyện: vợ của Kí Lương đời Tề Trang Công. Qua nhiều thời đại truyện đã phát triển để tạo nên nhiều dị bản. Truyện “ Mạnh Khương tìm chồng, khóc đổ thành rồi hóa thành Vọng Phu thạch ” là một trong nhiều dị bản này. Chuyện kể như sau: Tần Thủy Hoàng (221-209 TCN), muốn ngừa họa xâm lăng của Hung Nô, truyền xây Vạn Lý Trường Thành. Thành chạy dài 3.600 cây số từ Lũng tây đến Liêu Đông, chỗ cao nhất đến 30 mét. Công trình đặt dưới quyền chỉ huy của Thái Tử Phù Tô và đại tướng Mông Điềm và đã huy động đến 30 vạn nông dân để xây trường thành và hàng triệu thanh niên từ 18 đến 45 tuổi đi sưu dịch. Nàng Hứa Mạnh Khương có chồng là Phạm Thực phải đi sưu, xây thành vạn lí. Qua bao nhiêu năm trông đợi, bặt tin tức, Mạnh Khương nhất định đến tận ải quan, mong tìm được chồng để san sẻ bớt nỗi cực nhọc. Nàng đi từ hồ Động Đình nước Sở, lên phía bắc, đến kinh đô Hàm Dương rồi vòng lên tây bắc, từ miền sông Hán Thủy đến Tần Lĩnh, theo dòng Tất Xuyên mà đi thẳng lên trường thành. Trải qua bao bao nỗi gian nan, nàng vẫn không nản lòng. Đến sông Hắc Thủy gặp lầy không đi được, nàng lại đi thẳng về phía đông(3). Hỏi han từng người, nhưng vẫn không ai biết. Cuối cùng, giữa trời giá rét, bỗng gặp một bãi đầy xương trắng. Nàng khấn vái vong linh rồi cắn ngón tay, rỏ máu vào từng đống xương… bỗng một chiếc đầu lâu thấm máu đỏ rực lên. Biết đây là hài cốt của chồng. Nàng ôm lấy xương, khóc lóc thê thảm suốt ba ngày đêm. Chuyện đến tai Thái tử Phù Tô và Đại tướng Mông Điềm lúc bấy giờ đương đóng đại bản doanh tại Lư Long; cả hai cấp tốc sai người đánh xe đến nơi nàng Mạnh Khương đang khóc thương chồng. Thái tử Phù Tô gọi hỏi chuyện nhưng lúc này Mạnh Khương đã kiệt sức, chỉ nói được mấy lời xin nguyện được chết theo chồng để được cùng nhau sum họp dưới suối vàng. Nàng vừa tắt hơi thì một dãy trường thành mới xây sụp đổ. Cảm động, Thái Tử Phù Tô hạ lệnh hành lễ mai táng, truy tặng hàm Tả tướng quân cho Phạm Thực và truy phong hiệu Trinh phu nhân cho Mạnh Khương. Lễ an táng vừa xong, trời bỗng nổi cơn giông tố cuốn tung sỏi, đá lên phủ lấy nấm mộ cao như một hòn núi. Trên đỉnh có những hòn đá chồng lên nhau như hình một người đàn bà đứng trông chồng. Mọi người gọi đây là Vọng Phu thạch thuộc quận Sơn Hải Quan, tỉnh Hà Bắc. Tại đây có miếu thờ Mạnh Khương nữ
VỌNG PHU SƠN TẠI SƠN ĐÔNG: Núi nằm về phía đông bắc thành phố Lai Vu khoảng 20 dặm; Trên núi có hòn Vọng Phu, một tảng đá như ngọn tháp lớn cắm vào bầu trời; bên cạnh có một ngôi đền xây từ đời Tống, nay đã đổ nát hết chỉ còn lại kiến trúc đời Minh - Thanh với 4 chữ đại tự khắc trên đá: “ Vọng Phu sơn”.
Truyền thuyết về Vọng Phu sơn ở đây là một chuyện tình thời Chiến Quốc: Đời Tề Tuyên vương (320-302 TCN ), có một đôi uyên ương kết hôn chưa được ba ngày thì bị Tề Quốc Công bắt đi phu xây dựng trường thành của nước Tề. Vợ là Bàn Phúc khóc thương nhớ chồng, nhiều năm tháng lên núi cao ngóng trông rồi hóa thành tượng đá. (4)
Truyền thuyết thứ nhì gắn liền với Tam Quốc chí. Cuộc tranh giành quyền lực và lãnh thổ giữa Tây Thục và Đông Ngô đã đẩy Tôn Thượng Hương (em gái Tôn Quyền) vào cuộc tình bi đát : muốn lấy lại Kinh Châu, Tôn Quyền cùng Chu Du bày kế mĩ nhân, gả em gái mình cho Lưu Bị. Khi nàng đã sinh con trai là A Đẩu, Tôn Quyền mưu cho quân sang lừa đón cả hai mẹ con về, cốt cho Lưu Bị phải vì vợ và con trai mà phải trả lại Kinh Châu. Không ngờ quân sư Gia Cát Lượng lắm mưu nhiều kế, giúp Lưu Bị giữ lại được A Đẩu... Những năm kế tiếp, mâu thuẫn giữa hai nước ngày càng căng thẳng, Tôn phu nhân không thể trở lại cùng chồng. Nàng sống trong đau khổ, ngày ngày lên núi trông về phía tây bắc. Một hôm sau khi tế chồng, nàng đi dọc theo theo bờ sông Dương Tử rồi gieo mình xuống sông tự trầm. Ngọn núi nơi nàng tế chồng được gọi là Vọng Phu sơn.
VỌNG PHU SƠN TẠI QUẢNG ĐÔNG: Vọng Phu sơn thuộc trấn Vọng Phu, huyện Điện Bạch, tỉnh Quảng Đông là một danh thắng. Núi cách huyện thành 64 cây số. Vọng Phu sơn ở đây do 3 ngọn núi tạo nên : Đại Nương, Nhị Nương và Tam Nương phong (5). Quần chúng ở đây từ ngàn xưa vẫn truyền tụng một truyền thuyết về ba anh em ra biển đánh cá không trở về; ba người vợ cùng lên núi trông chồng và hóa thành ba tượng đá sừng sững trên ba đỉnh núi nhìn về biển Đông.
VỌNG PHU SƠN TẠI QUẢNG TÂY: Quảng Tây có Ly giang phát nguồn từ huyện Hưng An, chảy qua Quế Lâm, Dương Sóc. Giữa sông có 9 khối đá gọi là “cửu ngưu hý thuỷ ”. Ngọn núi phía tây ngạn Ly giang trên đỉnh có tiên nhân thạch; lưng chừng núi có hai khối đá lớn trông như hình một người đàn bà dắt một đứa trẻ đang trông ngóng về phía xa. Núi này cũng gọi là Vọng Phu Sơn.
NỀN VĂN HÓA Á ĐÔNG CÙNG HÌNH TƯỢNG NHỮNG NGƯỜI VỢ CHỜ CHỒNG MUÔN KIẾP”.
Ý thức con người đã đưa bước chân chinh phụ lên núi chờ chồng đến trọn kiếp và đã khiến quần chúng tạo nên những truyện truyền kì thổi hồn vào cho những khối đã vô tri. Quả vậy, người Việt Nam cũng như Trung Hoa xưa vẫn tự hào về truyền thống người phụ nữ trung trinh. Truyền thống tinh thần này đã có tự nghìn xưa và có tính nhập thế (vào đời), giúp cho xã hội trở nên có trật tự, quy củ bằng cách khuyến khích mọi người tự tu tâm dưỡng tánh và tuân theo những quy định chặt chẽ trong cư xử, giao tiếp...và một giao tiếp rất quan trọng được đặt nặng đó là giao tiếp trong quan hệ vợ chồng. Người phụ nữ trong tư tưởng truyền thống này được trân trọng, trong gia đình họ là sức nâng đỡ, hỗ trợ cho người chồng lo toan những việc nặng nhọc, trọng đại ngoài xã hội…Phu phụ tương kính như tân (Vợ chồng kính nhau như khách). Từ đó, người Trung Hoa cũng như dân ta từ xưa đã có một nét đáng quí trong tình nghĩa vợ chồng đó là sự thủy chung, tình yêu trước sau không đổi. Nhiều phụ nữ đã suốt đời tận tụy, hy sinh vì chồng, vì con. Các truyện kể về Hòn Vọng Phu trên đây ở nước ta cũng như ở Trung Quốc là một biểu tượng nhằm tôn vinh những thiếu phụ trung trinh, thủy chung, son sắt ấy.
Hòn Vọng Phu-Vọng Phu sơn… cũng là nguồn cảm hứng của nhiều nhà thơ nổi tiếng xưa nay. Qua các thời đại, thơ viết về Vọng Phu khá nhiều, chỉ xin chọn lấy mấy bài tiêu biểu:
* Trong Thanh Hiên Thi Tập, Nguyễn Du có bài Vọng Phu thạch:
VỌNG PHU THẠCH
(Nguyễn Du)
Thạch
gia? Nhân gia? Bỉ hà nhân?
Độc lập sơn đầu
thiên bách xuân
Vạn kiếp yểu vô vân vũ
mộng,
Nhất trinh lưu đắc cổ kim thân.
Lệ
ngân bất tuyệt tam thu vũ,
Đài triện trường
minh nhất đoạn văn.
Tứ vọng liên sơn diểu vô
tế,
Độc giao nhi nữ thiện di luân.
DỊCH THƠ:
ĐÁ VỌNG PHU
(Nguyễn Thạch Giang dịch)
Là
người? Là đá? Hỏi là ai?
Đầu núi bao năm đứng
giữa trời.
Bặt mộng mây mưa trong một kiếp,
Giữ
lòng trinh bạch trọn muôn đời.
Lớp rêu đoạn
sách còn ghi mãi,
Dòng lệ mưa thu cứ chảy
hoài.
Bốn phía mênh mông nhìn dãy núi,
Luân
thường riêng để má hồng soi!
Bài thơ buồn, câu đầu tuy nêu nghi vấn nhưng rồi cũng thuận theo truyền thuyết để bình về “tượng đá trên đầu núi ngàn vạn năm” lưu lại với cổ kim một chữ trinh ngàn vàng…
* Trong Lữ Đường Thi do Quách Tấn tuyển dịch có bài thơ Vọng Phu Sơn của thi sĩ Thái Thuận (6):
VỌNG PHU SƠN
(Thái
Thuận)
Hóa thạch sơn đầu kỷ tịch huân
Thương
tâm vô lộ cánh phùng quân
Thiên nhai mục đoạn niên
niên nguyệt
Giang thượng hồn tiêu mộ mộ vân
Thanh
lệ nhất ban hoa lộ trích
Ly tình vạn chủng thảo yên
phân
Tương Phi nhược thức tương tư khổ
Bất tích
ai huyền ký dữ văn
DỊCH THƠ:
Núi Vọng Phu
(Quách Tấn dịch )
Hóa
đá non cao chất tháng ngày
Gặp chàng biết có nẻo nào
đây ?
Chân trời mắt mỏi năm năm nguyệt
Mặt sóng
hồn tan lớp lớp mây
Sương đọng lòng hoa rơi giọt
thảm
Khói vương sắc cỏ rối niềm tây
Tương Phi
ví biết tương tư khổ
Dây gởi sầu xin gởi gắm đây
* Nhà thơ Chế Lan Viên cũng có bài thơ hay về núi Vọng Phu:
Vọng phu.
Đầu
nước đá ôm con, cuối nước đá đợi chồng
Đâu
chẳng sông Thương đâu chẳng Kỳ Cùng
Là tượng
đá của những thời binh lửa
Nàng Vọng phu đầu
sông hơn gì nàng Tô Thị cuối sông
Một mình
với mây, một mình với gió
Mùa đông một mình
mùa xuân hay hạ một mình...
Người ra đi chắc gì
quay lại nữa,
Trên
đầu non lòng đá vẫn kiên trinh.
Chỉ có cánh
chim khuya bay qua vai đá của nàng
Hàng vạn vành
trăng hết tròn lại khuyết
Sóng gợi nhớ sóng
xui quên nối tiếp
Mỗi một phút đợi chờ sâu
một bể thời gian
Không hóa thạch kẻ ra đi,
hóa thạch kẻ đợi chờ
Xói mòn những non cao,
không xói mòn lòng chung thủy
Đá đứng đấy giữa
mưa nguồn và chớp bể
Đợi một bóng hình trở
lại giữa đơn cô
(Chế Lan Viên toàn tập, Nxb Văn học, 2002)
* Trung Quốc cũng có nhiều thơ viết về Vọng Phu. Nay trích lại bài Vọng Phu sơn của Lưu Vũ Tích (7) viết về núi Vọng Phu ở Đương Đồ (An Huy) :
Vọng
Phu Sơn
(Lưu
Vũ Tích)
Chung nhật vọng phu, phu bất quy
Hóa vi
cô thạch, khổ tương ti
Vọng lai dĩ thị kỷ thiên
tải
Chỉ tự đương thời sơ vọng thì.
DỊCH THƠ:
Núi Vọng Phu
Ngày ngày mong ngóng thấy chàng đâu
Hóa đá cô đơn đứng dãi dầu
Mỏi mắt thiên thu ngoài vạn dặm
Có gì xưa khác lúc trông nhau. (8)
Trên đây chỉ là mấy bài thơ chọn lọc…Nhắc đến thơ, ta không thể bỏ qua nhạc: “Dạ Cổ Hoài Lang” bài ca vọng cổ mà quần chúng vùng Nam bộ không mấy ai không biết. Bài ca gồm 20 câu do ông Cao Văn Lầu, tục gọi là Sáu Lầu, người Bạc-Liêu sáng tác năm 1920. "Dạ Cổ Hoài Lang" là bài ca về Vọng Phu. Bàn về bài vọng cổ nầy, GS Trần Văn Khê đã không tiếc lời khen ngợi: “…Trong cổ nhạc Việt Nam chưa có bài nào, bản nhạc nào được như Dạ cổ hoài lang;… sanh ra từ thế kỷ, lớn lên, sống mạnh, phát triển không ngừng, biến hóa thiên hình vạn trạng, mà sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt trong nước và rải rác khắp năm châu…” (9)
Nhắc đến “Dạ cổ hoài lang” cũng không thể không nói đến “Hòn Vọng Phu 1, 2, và 3” của nhạc sĩ Lê Thương, một trong những nhạc sĩ tài danh ở thời kì đầu của tân nhạc nước ta như Văn Cao, Phạm Duy,Hoàng Quý, Hoàng Phú (Tô Vũ),Phạm Ngữ, Canh Thân, Nguyễn Xuân Khoát…
Lê Thương đã viết hàng trăm nhạc phẩm với nhiều ca khúc giá trị khai sinh cho nền âm nhạc Việt Nam. Lê Thương sinh năm 1914, tại Hà Nội, nguyên là thầy giáo dạy sử trước 1945. Ba bài ca liên hoànHòn Vọng phu của ông đã thi vị hóa người anh hùng trong lịch sử thành thơ và nhạc. “Hòn Vọng Phu 1” là bài ca hào hùng về người tráng sĩ một đi không trở lại bên cạnh bóng dáng người thiếu phụ bồng con ngóng trông chồng, một hình ảnh đẹp của người chinh phụ “…Người vọng phu trong lúc gió mưa/ Bế con đã hoài công để đứng chờ/ Người chồng đi đã bao năm chưa thấy về/ Đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ” ; “Hòn Vọng Phu 2” là giấc mộng triền miên, là nỗi niềm day dứt của người vợ chờ chồng trọn kiếp:…” Khi tướng quân qua đồi/ Kéo quân, quân theo cờ/ Đoàn cỏ cây hãy còn trẻ thơ/ Cho đến bây giờ đã thành đoàn cổ thụ già/ Mà chờ người đi mất từ ngàn xưa/ Nàng đứng ôm con/ Xem chàng về hay chưa? Về hay chưa?...”. Đến "Hòn Vọng Phu 3" thì “mộng” và “ thực” đã trộn vào với nhau: người chinh phu trở về, dáng dấp vẫn hào hùng như xưa : “…Đường chiều mịt mù cát bay tỏa bước ngựa phi/ Đường trường, nếp tàn y hùng cường vẫn còn bay trong gió/ Bóng từ xa sắp dần qua, bóng chàng chập chùng vượt núi non cũ/ Với hành lương độ đường/ Chiếc hung gươm danh tướng/ Dưới tà huy, đếm nhịp đi, với ngựa phi/ Dấn buớc tang bồng giữa nơi núi rừng/ Bên nợ tình thâm, bên nợ giang san/ Bên đồi ai oán, bên rừng đa đoan/ Tiễn đưa bóng chàng.…”
"Hòn
Vọng Phu" của Lê Thương là nhạc mà lời ca viết
kèm là bài thơ tuyệt hay về hình ảnh người
chinh phu-chinh phụ đã đi vào huyền thoại dân tộc. Đọc
Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn không thể không
nghe Hòn Vọng Phu của Lê Thương, tưởng nhớ người
chinh phu đã ra đi vì nước, tưởng nhớ những chinh phụ
mòn mỏi trông chồng suốt chiều dài lịch sử … "Đá
mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ", mặc cho gió mưa
sấm sét, giông tố bão bùng… giữa trời mây bao la bát
ngát nghìn trùng, tượng đá Vọng Phu vẫn sững
sững hiên ngang in bóng trên trời xanh dõi trông về phía
xa đợi chờ ngày tái ngộ…
CHÚ THÍCH:
(1) Cũng cùng ngọn núi này, dân tộc Nùng ở Lạng Sơn lại kể một truyền thuyết khác. Chuyện kể rằng Tô Thị người nết na, duyên dáng, có chồng là Đậu Kim Liên, một chàng trai nghèo học giỏi. Đình trưởng trong làng cũng mê Tô Thị, đã tìm cách bắt Kim Liên đi lính thú. Đau đớn cho cuộc tình, Tô Thị ngày ngày lên núi mòn mỏi ngóng trông chồng rồi hóa thành tượng đá…
(2) Truyện Mạnh Khương là một trong “Tứ đại ái tình truyền kì” (4 truyện truyền ki ái tình lớn gồm Ngưu Lang Chức Nữ, Lương Sơn Bá -Chúc Anh Đài, Bạch Xà truyện và Mạnh Khương nữ) của Trung Quốc.
(3) Nước Sở thời Chiến Quốc, nay thuộc địa giới tỉnh Hồ Nam. Từ Hồ Nam đến Vạn Lý trường thành nếu đi thẳng theo quốc lộ hiện nay thì ước khoảng hơn 3.000 cây số. Nàng Mạnh Khương đời nhà Tần phải đi bộ từ Động Đình hồ đến kinh đô Hàm Dương (nay thuộc tỉnh Thiểm Tây) rồi vòng lên Hán Thủy đến Tần Lĩnh, lại dọc theo Tất Xuyên mà đi thẳng lên phía bắc, đến Hắc Thủy lại phải quay lại men theo trường thành đi về phía đông như trong truyện chắc phải đi một quãng đường xa hơn nhiều.
(4) Ngày 07/6/2006 Tân Hoa xã có đăng một bài báo nêu sự khác biệt giữa 2 nhân vật Mạnh Khương của nước Tề và Mạnh Khương đời Tần Thủy Hoàng: 哭倒長城純伝說 孟姜女其人其事 Khốc đảo trường thành thuần thuộc thuyết Mạnh Khương nữ kỳ nhân kỳ sự - (新华网 - www.new.cn; 2006年 06 月 28 日 13:35:37 )
(5) Phong 峰 trong 3 địa danh này nghĩa là ngọn núi.
(6) Thi sĩ Thái Thuận tự Nghĩa Hoà, hiệu Lục Khê, biệt hiệu Lữ Đường, sinh năm 1440. Đậu tiến sĩ năm 1475 (niên hiệu Hồng Đức thứ 6). Làm quan ở Nội Các Viện triều Lê thánh Tông hơn 20 năm rồi được bổ làm Tham Chính ở Hải Dương; về sau được đặc cách giữ chức phó nguyên suý hội thơ Tao Đàn của vua Lê Thánh Tông. Tác phẩm hiện còn lưu giữ được là: Lữ Đường Thi Di Cảo do con trai là Thái Khác và học trò là Đỗ chính Mô sưu tầm, biên soạn.
Bài thơ Vọng Phu sơn trên được Thái Thuận viết vào năm 1478, lúc theo vua đi chinh Tây. Gần đây nhà thơ Quách Tấn đã dịch và giới thiệu trong tập Lữ Đường Thi (NXB Văn Hóa)
(7) Lưu Vũ Tích là một trong các nhà thơ Đường nổi tiếng. Thơ của Lưu Vũ Tích giàu tính nhân bản, thường đề cao phẩm hạnh, đức kiên trinh của phụ nữ. Bài "Núi vọng phu" này được Lưu Vũ Tích viết khi ông làm Thứ Sử Hòa Châu ( tỉnh An Huy).
(8) Bài thơ do tác giả bài viết dịch.
(9) Trích "Nghệ Thuật Sân Khấu" ; Trần Văn Khải (http://www.vuonghaida.com/)