Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             





NGUYỄN BÍNH; ĐỜI VÀ THƠ





T hơ mới xuất hiện trên Văn đàn Việt Nam đầu thế kỉ XX. Phần lớn các nhà thơ mới Việt Nam xuất thân từ trường Pháp-Việt nên chịu nhiều ảnh hưởng thơ Lãng mạn Pháp. Xuân Diệu là một điển hình:

Tôi nhớ Rimbaud với Verlaine
Hai chàng thi sĩ choáng hơi men
Say thơ xa lạ, mê tình bạn…
Khinh rẻ khuôn mòn, bỏ lối quen.


(Tình trai)

Nguyễn Bính thì không thế, nhà thơ chọn cho mình một lối riêng. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh từng nhận xét: “…Nguyễn Bính vẫn còn giữ được bản chất nhà quê nhiều lắm. Và thơ Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê vẫn ẩn náu trong lòng ta. Ta bỗng thấy vườn cau, bụi chuối là hoàn cảnh tự nhiên của ta và những tính tình đơn giản của dân quê là những tính tình căn bản của ta. Giá Nguyễn Bính sinh ra thời trước, tôi chắc người đã làm những câu ca dao mà dân quê vẫn hát quanh năm và những tác phẩm của người, bây giờ đã có vô số những nhà thông thái nghiên cứu. Họ chẳng ngớt lời khen những câu như: Nhà em có một giàn giầu, Nhà anh có một hàng cau liên phòng. Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông, Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào? hay Lòng anh: giếng ngọt trong veo, Giăng thu trong vắt biển chiều trong xanh. Lòng em như bụi kinh thành, Đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe…”

NGUYỄN BÍNH – THẦN ĐỒNG THƠ VIỆT NAM

Nguyễn Bính sớm mồ côi mẹ. Vừa được 3 tháng tuổi thì mẹ bị rắn độc cắn chết. “…Còn tôi sống sót là may; Mẹ hiền mất sớm, trời đày làm thơ”…và thơ Nguyễn Bính đã sớm dậy tiếng ở làng quê với giải nhất trong cuộc thi hát trống quân đầu xuân ở hội làng. Lúc này Nguyễn Bính mới 13 tuổi !

“Anh đố em này: Làng ta chưa vợ mấy người ?/Chưa chồng mấy ả, em thời biết không?/ Đố ai đi khắp tây đông,/ Làm sao kiếm nổi tấm chồng như chúng anh đây?/Làm sao như rượu mới say,/Như giăng mới mọc, như cây mới trồng ?/ Làm sao như vợ như chồng ?/Làm sao cho thỏa má hồng răng đen/ Làm sao cho tỏ hơi đèn ?/ Làm sao cho bút gần nghiên suốt đời ?/ Làm sao? anh khen em tài ?/Làm sao ? em đáp một lời làm sao... ?”. (1)

Ai ngờ một thiếu niên mới 13 tuổi đã có những lời và ý thơ già dặn đến thế. Năm 18 tuổi Nguyễn Bính gửi bài thơ Cô hái mơ (sau này được Phạm Duy phổ nhạc) dự thi và đã đạt giải thơ Tự Lực Văn Đoàn. Nhiều thơ của Nguyễn Bính lúc này đã đăng trên các báo, tạp chí. Tập thơ đầu tay Tâm hồn tôi xuất bản lúc Nguyễn Bính mới 21 tuổi… rồi sau đó nhiều tập thơ khác lần lượt ra đời. Quả là thành tích hiếm có trong làng thơ Việt.

“ GIÓ MƯA LÀ BỆNH CỦA GIỜI,
TƯƠNG TƯ LÀ BỆNH CỦA TÔI YÊU NÀNG ”.

Đúng như lời thơ, Nguyễn Bính yêu nhiều vô kể. Có lẽ người yêu đầu của Nguyễn Bính là nhà thơ nữ Anh Thơ nhưng rồi khi vào miền Nam tham gia Việt Minh Nguyễn Bính đã yêu và làm đám cưới với nhà báo Hồng Châu (Nguyễn Lục Hà), sinh con gái, sau này là nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu. Gần đây Nguyễn Bính Hồng Cầu trên báo Công An đã kể lại mối tình sét đánh của cha mẹ mình: “ …một buổi chiều mưa, hai người tình cờ gặp nhau trên đường đi công tác tại miền Tây. Ngay từ lần gặp đầu tiên, Nguyễn Bính sững sờ, choáng váng trước nhan sắc của Hồng Châu và đem lòng yêu. Ít lâu sau, ông nhờ người mai mối đến gặp mẹ Hồng Châu. Bà ngoại rất vui khi biết con rể tương lai là một sĩ phu yêu nước và là một nhà thơ nổi tiếng, nên bà vui vẻ gật đầu ngay, gả con gái mà như “cho không” (2).

Yêu rất nhiều và thơ cũng rất nhiều, rất tình tứ, lãng mạn. Thơ Nguyễn Bính tính ra có gần nghìn bài, được đông đảo độc giả công nhận như một trong các nhà thơ xuất sắc nhất của thi ca Việt Nam hiện đại.

“ NỖI ĐỜI CAY CỰC ĐANG GIƠ VUỐT;
CƠM ÁO KHÔNG ĐÙA VỚI KHÁCH THƠ ”.

Thơ là thế nhưng cuộc đời Nguyễn Bính lắm nỗi gian lao. Trước hết máu giang hồ đã đưa Nguyễn Bính tha hương. Năm 1932: rời gia đình lên tận Đồng Hỷ, Thái Nguyên dạy học. 1940, với một khoản tiền nho nhỏ của anh cả Trúc Đường cho, Nguyễn Bính vào tận Huế làm thơ đăng báo rồi lại trở ra Hà Nội, sau đó lại vào Sài Gòn. Từ 1945, gia đình nhận được thư thưa dần rồi mất liên lạc hẳn. Cũng trong thời gian này Nguyễn Văn Thinh (Thủ tướng chính phủ "Nam Kỳ tự trị") có treo giải: Ai đưa được nhà thơ Nguyễn Bính về theo chính phủ sẽ được thưởng 1.000 đồng bạc Đông Dương! Nếu nhà thơ tự vào thành cũng được hưởng như thế. (3)

1.000 đồng Đông Dương thời đó rất lớn - một con trâu cày lúc này giá chỉ khoảng 12 đồng – Có mấy người khuyên ông nhận thưởng nhưng lòng yêu nước đã khiến Nguyễn Bính từ chối hết, mặc dù bản thân lúc này đang lâm cảnh khốn khó trăm bề: lang thang ở  Rạch Giá, ngày thì ăn ở nhờ một người bạn, đêm phải ra đình ngủ với một cái nóp để chui vào cho khỏi muỗi.

Năm 1947, Nguyễn Bính theo Việt Minh. Việc này được Bảo Định Giang kể: Tôi không nhớ rõ cuối 1947 hay đầu năm 1948, khoảng 3 giờ chiều, em bé giúp việc cho tôi chạy vào nơi tôi làm việc bảo: "Có một người xưng là Nguyễn Bính đến đây muốn gặp chú"... Trên thực tế, Nguyễn Bính đã gia nhập đội ngũ Vệ quốc đoàn từ 3 giờ chiều hôm đó vì Bộ Tư lệnh là đồng chí Trần Văn Trà và đồng chí Nguyễn Văn Vịnh đã chấp nhận yêu cầu của tôi ngay ngày hôm sau. Chẳng những chấp nhận mà các đồng chí còn dặn tôi: "đối đãi đàng hoàng, chăm sóc chu đáo tác giả Lỡ bước sang ngang"…

Lại theo lời của Đỗ Đình Thọ trong “Thơ tình Nguyễn Bính”, xuất bản năm 1991 thì Nguyễn Bính đã theo Việt Minh ngay từ 1945, trước ngày khởi nghĩa tháng Tám. Thời gian này, máy bay Pháp lượn vòng từ Đập Đá dài theo kênh Chắc Băng xuống Thới Bình, rải truyền đơn kêu gọi đích danh tác giả "Lỡ bước sang ngang - Nguyễn Bính "quay về với chính nghĩa Quốc gia để được trọng đãi"… nhưng tất cả không lay chuyển được Nguyễn Bính:

“... Mình không bỏ Sở sang Tề
Mình không là kẻ lỗi thề thì thôi.”
(4)

Năm 1954, Nguyễn Bính tập kết ra Bắc rồi về làm việc tại Nhà xuất bản Văn Nghệ, sau đó làm chủ nhiệm kiêm chủ bút báo Trăm Hoa.

Tô Hoài trong Cát bụi chân ai kể về quãng đời này của Nguyễn Bính: “…Tuần báo Trăm Hoa của Nguyễn Bính mới xuất bản. Nguyễn Bính tập kết ở miền Nam ra. Mấy năm sau ở trong ấy Nguyễn Bính thôi không công tác đâu nữa, nhưng vẫn ở vùng giải phóng Đồng Tháp Mười. Vui thú điền viên nơi kênh rạch và bạn bè qua lại giúp đỡ. Khi đất nước bị chia đôi, Nguyễn Bính được gọi đi tập kết, cũng như cán bộ được phân công ra miền Bắc. Nguyễn Bính về công tác nhà xuất bản, cùng làm việc với tôi. Gặp lại nhau thì hơn mười năm đã qua mà tưởng như mới hôm nào…” (5)

Báo Trăm Hoa ban đầu do Trúc Đường làm chủ nhiệm, ra số đầu tiên ngày 02/9/1955 nhưng chỉ được 31 số vì lỗ vốn phải đình bản vào tháng 5/1956. Đến tháng 10/1956, nhờ nhận được nguồn tài trợ mới, Nguyễn Bính làm sống lại tờ Trăm hoa, in khổ báo lớn hơn… vậy nhưng báo cũng không tồn tại được lâu. Đầu năm 1957 tờ Trăm hoa mới lại tiếp tục đình bản.

Đời và thơ không giống nhau. Thơ Nguyễn Bính đẹp như tranh nhưng cuộc đời lắm phen chìm nổi, bi thương… Tô Hoài lại viết trong “Chiều Chiều”:

“…Nguyễn Bính đã in nhiều sách trên Nhà xuất bản Phổ Thông ở Hà Nội. Trường ca Tiếng trống đêm xuân, lại vở chèo Cô Son đương công diễn. Mỗi lần lên lấy nhuận bút kha khá, tôi được Nguyễn Bính và Trúc Đường rủ đi đánh chén. Có tiền, Bính đã đưa vợ con về Thiện Vịnh tậu đất, làm căn nhà có ao cấy cần, có giàn mồng tơi, có vườn cải hoa vàng như trong thơ. Nhưng trong thơ và ngoài đời không như nhau, chẳng bao lâu thì bán nhà, lại gồng gánh ra tỉnh.[…] Rồi ở phố cũng không yên, tam tứ phen chửi nhau đánh nhau, vợ chồng xé đôi chiếc chăn đắp…”(6)

Trong “Cát bụi chân ai”, Tô Hoài lại kể về việc chia tay người vợ mới là thư kí ở báo Trăm Hoa: “…những người con gái, biết bao nhiêu con gái đã theo thơ đến với Nguyễn Bính. Nhưng cuộc đời hoa thơm bướm lượn không giống thơ, không như thơ. Thế thì lại vứt bỏ. Người con gái đến với Nguyễn Bính khi làm báo Trăm Hoa cũng chẳng ở được bao lâu. Chỉ tội đã có với nhau một mụn con.

Từ lâu, tôi muốn viết một truyện ngắn. Chưa viết nhưng đặt tên trước truyện ngắn: Tên cháu là Hiền. Câu chuyện đôi vợ chồng bỏ nhau. Đã được một con trai tên là Hiền, mới bập bẹ. Mẹ cháu trẻ quá, còn như ở tuổi son rỗi, đã đi bước nữa. Mẹ đem Hiền về trả bố Hiền.

Hiền bụ bẫm, phúng phính rồi chẳng bao lâu Hiền còm nhom, ghẻ lở, mụn nhọt ghê người. Ngày ngày bố ẵm vác Hiền trên một bên vai, như mèo tha con. Đến đâu, từng đám ruồi nhặng xanh xám đuổi theo. Một tối kia, bố rượu say rồi bố bế Hiền thẩn thơ ra phố. Đến ngã sáu Bà Triệu. […] Chợt nghĩ thế nào, hai tay bố Hiền giơ Hiền ra, đưa Hiền cho một người đàn ông đương đi tới. Trở về, cơn say vật bố thiếp đi. Quá nửa đêm, quờ tay không thấy con. Bố vụt nhớ lại tất cả. Bố lật đật chạy đi đấm cửa nhà mấy người bạn. Chúng tôi đã đi báo hầu khắp các đồn, các trạm công an trong thành phố. Nguyễn Bính thất thểu suốt đêm. Sáng ra, nhợt nhạt thẫn thờ bước giữa trống không. Tìm thế nào bây giờ vì không phải là cháu lạc. Chỉ còn cầu mong biết đâu là cái người hốt nhiên được có người dúi cho đứa bé, lại chẳng là một người đương hiếm trẻ.

Bấm đốt ngón tay, đã trên ba mươi năm rồi. Ai là người đã đi qua ngã sáu tối hôm ấy - nếu trời để cho chứng sống, ông ấy cũng phải đến trong ngoài sáu bảy mươi rồi, nếu vẫn nhớ có người đưa cho một đứa trẻ, thế thì tên cháu là Hiền. Thôi bây giờ viết vào đây câu chuyện thương tâm ngày ấy. Biết đâu, chuyện này - như một cái nhắn tin tìm người ruột thịt thường đọc trên báo. Chẳng đã có bao nhiêu cha mẹ anh em ly tán những năm đói những năm chiến tranh ngót nửa thế kỷ, mà rồi cũng tìm được nhau. Đột nhiên, tôi hy vọng. Tên cháu là Hiền nhé…”

Tô Hoài muốn giúp bạn tìm con bằng cách viết truyện: “…tôi muốn viết một truyện ngắn […] như một cái nhắn tin tìm người ruột thịt thường đọc trên báo. Chẳng đã có bao nhiêu cha mẹ anh em ly tán những năm đói những năm chiến tranh ngót nửa thế kỷ, mà rồi cũng tìm được nhau. Đột nhiên, tôi hy vọng…”. Nhưng rồi tất cả là vô vọng.

Vậy là ra Bắc, lúc chia tay người vợ mới, Nguyễn Bính có được một trai nhưng rồi đã đánh mất trong cơn say - “Có lần qua Nam Định, được nghe Kim Ngọc Diệu kể rằng câu chuyện đau đớn ấy, mỗi khi nhắc lại lần nào Nguyễn Bính cũng khóc.” (7)

Thế rồi vào ngày giáp tết Bính Ngọ (1966) Nguyễn Bính mãi ra đi tại nhà một người bạn thơ là Tân Thanh (ông lang Hứa) ở thôn Mạc Hạ, Lý Nhân, Hà Nam.(8)


Ngẫm lại thật buồn, nhưng suy cho cùng thì cũng không trách được, bởi như thế mới thật đúng là thi sĩ lãng mạn; thơ và đời nó vẫn cứ trái khoáy nhau. Tản Đà xưa cũng thế mà Lý Bạch, Đỗ Phủ cũng vậy.

* Lý Bạch: 30 tuổi đã tiếng tăm vang dội nhưng miên man chìm trong rượu và thơ. Vua Đường vời vào triều ban chức tước cho nhưng rồi vì say sưa suốt ngày nên lại từ biệt ra đi. Vua tặng cho nhiều vàng nhưng không nhận, chỉ nhận đặc ân được uống rượu miễn phí ở bất cứ nơi nào đi qua. Mãi chìm trong cơn say, một đêm rằm trên Trường Giang, Lý Bạch nhảy xuống ôm vầng trăng trên sông mà chết. 

* Đỗ Phủ cũng vang danh với rượu và thơ và cuộc đời cũng chìm nổi nhiều phen.

Triều hồi nhật nhật điển xuân y,
Mỗi nhật giang đầu tận tuý quy.
Tửu trái tầm thường hành xứ hữu,
Nhân sinh thất thập cổ lai hy.

(Đỗ Phủ- Khúc giang; kỳ 2)

Tan triều, áo đẹp cầm ngay;
Rượu ngon cứ uống thật say mới về
Tầm thường - nợ rượu chán chê…
Xưa nay mấy kẻ cận kề bảy mươi.

(Nguyễn Cẩm Xuyên dịch)

Trong cõi đời thường, mấy ai hiểu thấu tâm tình thi sĩ …

CHÚ THÍCH:
(1, 3, 4) Wikipedia - https://vi.wikipedia.org/wiki/Nguy%E1%BB%85n_B%C3%ADnh.
(2, 8) http://congan.com.vn/van-hoa-giai-tri/con-gai-thi-si-nguyen-binh-ke-chuyen-gia-dinh_80974.html
(5, 7) Tô Hoài- Chiều Chiều; NXB Hội nhà văn; Tr. 228.
* Gần đây, trên báo Công an TP. Hồ Chí Minh ngày 04/10/2019, trong bài viết “Con gái thi sĩ Nguyễn Bính kể chuyện gia đình” tác giả Hoài Giang có thuật lại lời của người vợ đầu của Nguyễn Bính ở miền Nam là “Sau giải phóng, bà đi khắp nơi, từ Nam chí Bắc, nơi nào có dấu chân ông thì bà đến, thứ nhất là tìm bản thảo các tập thơ, thứ hai là bà nghe người ta nói Nguyễn Bính đào hoa, bà muốn đi tìm, “gom góp máu thịt của ông nếu còn ở đâu đó”. Khi ra Bắc, bà Hồng Châu đã gặp được người vợ sau và đứa con trai của Nguyễn Bính”. Phải chăng đây là người con trai Nguyễn Bính đã đánh mất trong cơn say? (http://congan.com.vn/van-hoa-giai-tri/con-gai-thi-si-nguyen-binh-ke-chuyen-gia-dinh_80974.html)
(6) Tô Hoài; Chương 2, Cát bụi chân ai; NXB Hội nhà văn.




VVM.10.5.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .