Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

THĂNG TRẦM CÙNG LỊCH SỬ




N hững thăng trầm trong lịch sử ảnh hưởng thế nào đến văn hóa ẩm thực? Đây là một vấn đề ít người quan tâm nghiên cứu. Tôi cho rằng đó cũng là một khiếm khuyết trong nghiên cứu lịch sử của nước nhà. Chúng ta đã quá tập trung vào tìm hiểu lịch sử chiến tranh, lịch sử dựng nước và giữ nước mà chưa dành một tỷ lệ xứng đáng cho nghiên cứu lịch sử văn hóa, trong đó có lịch sử văn hóa ẩm thực. Khi hiểu rõ những nguyên nhân thăng trầm trong lịch sử văn hóa ẩm thực Hà Nội, chúng ta mới có giải pháp để gìn giữ và phát triển văn hóa ẩm thực của Thủ đô ta.

Chúng tôi chưa có điều kiện và vì sinh sau đẻ muộn nên không thể tìm hiểu cặn kẽ về ẩm thực Hà Nội từ những ngày đầu của thế kỷ 19; tuy nhiên, có thể qua thực tế lịch sử Hà Nội mà phân chia lịch sử ẩm thực gắn liền với những thăng trầm của Hà Nội trong thời cận hiện đại ở một vài mốc sau:

Trước 1945: Đây là thời kỳ ẩm thực Hà Nội có những bước phát triển theo chiều sâu vì quá trình đô thị hóa được hình thành mạnh mẽ với thể thức cai trị theo kiểu tư bản thực dân của thực dân Pháp. Trong thời kỳ này, tầng lớp thị dân Việt Nam được phát triển và ở Hà Nội đã hình thành một trường phái ẩm thực đặc biệt mang phong cách ẩm thực đậm nét Hà Nội.

Chả cá Lã Vọng Hà Nội đã ra đời vào thời kỳ này, và là một trong những sáng tạo thực sự của Hà Nội, có lý lịch thật rõ ràng, không ai phải tranh luận.

Cũng trong giai đoạn này, nhiều đồ ăn, thức uống Hà Nội được hình thành và nâng lên tới đỉnh cao như phở Hà Nội, nem rán Hà Nội, bún chả Hà Nội, bánh cuốn Hà Nội, bánh cốm Hà Nội…, và nhiều món ăn khác mà ta cần truy cứu và sưu tầm.

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1946 - 1954:

Vào giai đoạn này, một bộ phận lớn cư dân Hà Nội đã rời Thủ đô, tỏa đi các vùng từ Việt Bắc đến khu III, khu IV, Nam Bộ… để tham gia kháng chiến. Những lớp người Hà Nội gốc này đã đem theo cả một kinh nghiệm sống của dân đô thị và cả kỹ năng ẩm thực đến khắp mọi miền. Nhiều món ăn Hà Nội vì thế có cơ hội lan tỏa ra vùng kháng chiến, vùng tự do. Ngược lại, người Hà Nội kháng chiến, người Hà Nội tản cư cũng có cơ hội học hỏi thêm được nhiều món ăn đặc sắc từ các vùng miền của tổ quốc. Tuy vậy, trong điều kiện chiến tranh trường kỳ và gian khổ, đại đa số người Hà Nội kháng chiến phải sống cảnh cơm không đủ no, áo không đủ mặc và thực hiện chủ trương ba cùng - “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với tầng lớp bà con nghèo khổ, mọi biểu hiện “hưởng thụ” kiểu thị dân đều bị lên án. Bởi thế, lớp người Hà Nội kháng chiến này không có cơ hội và khả năng để gìn giữ những di sản ẩm thực vốn đã tích lũy được.

Cũng trong giai đoạn này, có một bộ phận cư dân Hà Nội sống trong Hà Nội tạm chiếm. Những cư dân thuộc tầng lớp trung lưu cũ và mới này có điều kiện thuận lợi về kinh tế và vật chất để duy trì lối ăn uống vốn có từ trước năm 1945 ở Hà Nội và lối sống đô thị vùng tạm chiếm cũng đã làm cho một số giá trị văn hóa ẩm thực được giữ gìn và phát triển, tiếp thu thêm được các giá trị của bên ngoài.

Giai đoạn từ 1954 đến 1975:

Sau Hiệp định Genève, Hà Nội được giải phóng, nước nhà tạm thời bị chia cắt. Người Hà Nội gốc đi kháng chiến trở về Hà Nội. Người Hà Nội mới từ các vùng miền khác cũng tham gia vào thành phần cư dân Hà Nội. Một bộ phận cán bộ, bộ đội miền Nam tập kết được đưa từ miền Nam ra. Những lớp người này đã mang về Hà Nội một sức sống chính trị, văn hóa mới và cả những tập quán ăn uống mới.

Cũng trong thời kỳ đó, một bộ phận cư dân Hà Nội gốc đã di cư vào Nam hoặc ra nước ngoài. Nhóm cư dân này cũng đem theo những di sản ẩm thực của Hà Nội trước năm 1954 và lưu truyền nó ở miền Nam hay những vùng miền khác.

Do điều kiện kinh tế xã hội trong thời kỳ sau chiến tranh và bắt đầu xây dựng Chủ nghĩa xã hội trên miền Bắc nên dân cư Hà Nội trong những năm này phải sống trong điều kiện “thắt lưng buộc bụng” và “dành tất cả cho tiền tuyến chống Mỹ”. Thời kỳ cơm không đủ ăn với mọi nhà, nên hầu như việc ăn của người Hà Nội chỉ dừng lại ở chỗ cố gắng có đủ lương thực để mà sống, để sản xuất và chiến đấu. Mọi lối ăn uống thông thường vốn có từ xưa như chế biến bún, bánh, các loại quà đặc sản Hà Nội đều bị cấm đoán hoặc hạn chế. Nghệ thuật ẩm thực bị kìm hãm không có đất phát triển, nhiều giá trị di sản văn hóa ẩm thực bị mai một.

Giai đoạn từ 1975 - 1986:

Đây là thời kỳ cả nước sống trong chế độ bao cấp. Văn hóa ẩm thực chẳng những của Hà Nội mà hầu như của cả nước bị đe dọa nghiêm trọng và không có điều kiện để bảo tồn, phát triển.

Từ 1986 tới nay:

Sau đổi mới, đời sống kinh tế đã dần dần được cải thiện và nâng cao. Đặc biệt sau khi gia nhập WTO với cơ chế thị trường, ẩm thực Hà Nội tại chính Thủ đô và trong đời sống của người Hà Nội ở các vùng miền khác trong cả nước dần dần được phục hồi. Nhiều giá trị mới đã được phát triển.

Nhắc lại những cái mốc lịch sử của nghệ thuật ẩm thực nước nhà mà tiêu biểu là nghệ thuật ẩm thực Hà Nội đằng đẵng suốt hơn nửa thế kỷ qua để thấy rằng do hoàn cảnh kinh tế, chính trị mà văn hóa ẩm thực của người Hà Nội tại chính Thủ đô Hà Nội đã trải qua không ít thăng trầm, có những giá trị đã bị mai một. Để phục hồi và phát triển nền văn hóa ẩm thực rực rỡ của Thủ đô, không còn con đường nào khác là cần tăng cường khơi dậy những giá trị đã bị mai một trong quá khứ.


Hà Nội 9-1999



VVM.10.5.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .