Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             




NHỮNG GIAI THOẠI VỀ ÔNG
ÔNG ÍCH KHIÊM

  


N gười Việt Nam có đến hàng trăm Họ, Tộc khác nhau, nhưng các họ từ thời thoát khỏi sư lệ thuộc của phương Bắc như Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần, họ Nguyễn, họ Võ, họ Đỗ chẳng hạn cùng với một số họ nữa thì có nhiều, duy chỉ có một họ bắt đấu bằng chữ cái O là hiếm thấy. Người ta cho rằng họ này có nguồn gốc Chiêm Thành, trong 4 họ: Ông, Ma, Trà, Chế đã nhập tịch khá lâu vào Việt Nam. Cũng vì vậy, trong lịch sử Việt Nam, có một danh nhân được đặt tên đường mà khi sưu tầm trên bản đồ, thấy tên họ Ông chỉ chiếm một dòng ở tọa độ, không như những họ khác có nhiều hàng với tên tuổi mang họ có chữ cái khác nhau. Đó là ông Ông Ích Khiêm (1832-1887) mà tên được đặt ở một con đường thuộc quận 11 Tp. Hồ Chí Minh hiện nay. Ông là người gốc làng Phong Lệ, thuộc huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ, Ông Ích Khiêm ở với chú, cũng được cắp sách đến nhà thầy đồ, học chữ Thánh hiền như các bạn trong làng, nhưng nhờ thiên tư thông minh nên hơn hẳn đám bạn.

. Giai thoại (1) thứ nhứt : Ông Ích Khiêm đi thi Hương.

Khoa cử ngày xưa cứ theo lệ 3 năm tổ chức một lần, người chú của Ông Ích Khiêm sau bao nhiêu năm dùi mài kinh sử, đã qua được kỳ thi đầu xứ, tức thi tuyển chọn tại địa phương để đưa người ra kinh ứng thí. Ông Ích Khiêm qua được kỳ thi này nên cũng chuẩn bị lều chõng theo chú đi thi. Bà thím dâu, vợ ông chú của Ông Ích Khiêm thấy vậy mới nói rằng: “mày mà cũng thi với cử gì?”. Vì bà thấy Ông Ích Khiêm thường ngày chỉ đánh bạn với lũ mục đồng chứ mấy khi cầm đến sách vở. Ông từ tốn thưa lại: “được một chữ cũng thi, nửa chữ cũng thi Thím à” vì Ông có được tự tin vào sức mình, dù Ông chỉ mới 15 tuổi. Thi xong trở về, thời gian sau có tin thông báo về tỉnh là Ông Ích Khiêm trúng tuyển Cử Nhơn, còn ông chú hỏng, chừng đó bà thím dâu mới rõ tài cháu chồng mình. Nhưng đó là việc trong nhà, còn đối với triều đình Huế, khi bộ Lễ trình danh sách các tân khoa lên để vua ngự lãm, lúc bấy giờ là năm thứ 7 của vua Thiệu Trị (1841-1847). Nhà vua thấy một sĩ tử ở cái tuổi 15 là cái tuổi còn đánh bi đánh đáo với chúng bạn mà đỗ đại khoa thì có ý nghi ngờ các quan giám khảo có điều gì không minh bạch trong lúc chấm thi, nên bèn ra lịnh: “Tả lâu đài điện thí” tức là thi trước mặt vua. Ông Ích Khiêm được triệu vào cung, sau khi bái lạy vua, ngồi vào bàn (2) viết một hơi với đầu đề vua ra: “Thiếu niên đăng cao khoa” có nghĩa là tuổi trẻ đỗ cao. Trong bài có câu nhà vua rất tâm đắc là: “xưa nay người đỗ đạt cũng nhiều nhưng có mấy ai đem cái sở học ra phụng sự đất nước”, có ‎ý nói là học chỉ cốt đỗ đạt mong vinh thấn phì gia. Vua truyền đưa bài cho Cao Bá Quát vốn được tôn xưng trong làng văn học là “Thần Siêu (3) Thánh Quát”, bây giờ đang làm Hành Tẩu Bộ Lễ xem. Họ Cao đọc toàn bài chỉ sửa có một chữ.

. Giai thoại thứ hai : Ông Ích Khiêm đi xem mắt vợ.

Khi đã lớn, Ông Ích Khiêm cũng như mọi người, tính đến chuyện lập gia đình. Ngày xưa lễ giáo trong gia đình cũng như ngoài xã hội luôn nghiêm nhặt, chuyện dựng vợ gả chồng đều do các bậc sinh thành xếp đặt và quyết định. Nhưng đại khái là đi xem mắt con dâu tương lai của nhà mình cũng chỉ đến xem cách ăn nói, thưa trình, cử chỉ, dáng điệu có được đoan trang, thùy mị không. Nhưng đối với Ông Ích Khiêm, ông đã tự ý làm một việc khác lạ hơn người. Làng bên cạnh có một ông phú hộ có hai cô con gái đến tuổi cặp kê, nhà lại có nhiều ruộng mía. Ông Ích Khiêm một hôm vác dao qua đám ruộng mía, đốn hạ một mớ giả làm như đốn trộm mía đem bán, gia nhân ông phú hộ biết được về báo với chủ. Ông phú hộ truyền bắt ngay tên nào ở đâu đến mà dám cả gan phá hoại tài sản của ông, trói lại và đem về nhà giam giữ chờ đem lên huyện đường xét xử, hai cô con gái ông phú hộ cũng tò mò xuống xem thử anh chàng nào mà lại to gan dám phá mía của cha mình là người giàu có, thế lực. Cô chị khi thấy Ông Ích Khiêm thì thốt lời khinh bỉ có ý coi như kẻ trộm cắp và dặn chừng gia nhân bỏ đói, nhưng cô em thấy vậy lại có từ tâm, lén đem cơm nước cho ăn tử tế. Ông đã ngầm chấm cô em làm người nâng khăn sửa túi cho mình sau này. Ông phú hộ cho người qua làng của Ông Ích Khiêm mời một vị hương chức trong làng qua để chứng kiến sự việc trước khi phân xử. Khi vào đến sân, thấy Ông Ích Khiêm bị trói ngồi giữa sân hoảng kinh đến trước mặt Ông sụp lạy mà nói rằng: “Tại sao Quan “Cử” lại đến như thế này”. Lúc đó ông phú hộ mới bạt vía, lật đật xuống thân hành cởi trói cho Ông Ích Khiêm và xin lỗi rối rít, vì biết trước sau gì tên giả vờ trộm mía này cũng trở thành bậc “Phụ mẫu chi dân”. Té ra quan Cử dùng mẹo coi mắt vợ bằng cách đó để cho con người bộc lộ nội tâm mà định đoạt.

. Giai thoại thứ ba : Ông Ích Khiêm đãi tiệc các bạn đồng liêu.

Tính Ông ngay thẳng không thích luồn cúi, nịnh nọt đi đến độ châm biếm cao ngạo. Một hôm Ông đãi tiệc tại nhà và mời các bạn đồng liêu đến dự rất đông. Ông căn dặn gia nhân chỉ nấu một món, mà làm cho thật ngon đó là món thịt chó. Trong lúc ăn, các quan mới hỏi Ông rằng: “Chớ hôm nay, quan anh cho chúng tôi ăn món gì mà ngon quá vậy”. Ông bảo đó là món thịt chó và chỉ tay vào các bàn từ bàn trên cho đến bàn dưới, bàn trong cho đến bàn ngoài tất cả đều là “chó” hết. Các quan thấm ý, biết là Ông Ích Khiêm chửi xỏ mình nhưng không làm sao nói được. Chưa hết, ăn xong các quan chờ hoài không thấy hầu bàn bưng nước lên, bởi có Ông dặn trước, các quan hỏi sao cho ăn mà không cho uống, khi ấy Ông Ích Khiêm mới nói với xuống bếp và thét lớn: “cha tụi bay chỉ lo ăn mà không lo nước”. Các quan lại một phen tức giận mà không làm sao được, sau đó Ông mới cho đem nước lên.

. Giai thoại thứ tư : Ông Ích Khiêm đi đám tang cụ Phạm Phú Thứ.

Khi cụ Phạm Phú Thứ mất (1882), Ông Ích Khiêm có đi đám tang cụ Phạm. Lúc bấy giớ các bạn đồng liêu của cụ Phạm đi đến, vị nào cũng mang theo những phẩm vật có giá trị, lụa là, gấm vóc lại có cả Tuần vũ Nam Ngãi là quan sở tại đứng chánh tế theo lệnh của vua Tự Đức, với lễ vật trịnh trọng. Ông Ích Khiêm lúc bấy giờ đang giữ chức Trấn thủ kinh thành Huế, nhiệm vụ được giao phó là ngăn ngừa không cho Pháp tấn công lên cửa Thuận An. Tuy nhiệm vụ quan trong nhưng Ông Ích Khiêm cũng xin vua được về dự tang cụ Phạm tại Quảng Nam vì cảm cái nghĩa ngày trước trong lúc ông phạm lỗi bị triều đình cách chức đuổi về quê, thì chính cụ Phạm khi được cử ra làm Tổng Đốc Hải An, đã xin vua Tự Đức cho ông ra theo đất Bắc để đoái công chuộc tội. Ông Ích Khiêm đi điếu không như các quan khác, lễ vật lỉnh kỉnh, mà chỉ đem theo vài bộ hạ, gánh một gánh chè xanh với cái chảo lớn. Đám tang cụ Phạm giữa một cánh đồng nắng gắt, không một bóng cây, các quan và dân chúng dự tang rất đông, nên ai cũng khát nước, Ông Ích Khiêm mới bảo bộ hạ bắc chảo giữa đồng nấu nước chè xanh. Khỏi phải nói trời nắng đang khát nước mà được một bát chè xanh thì “đã” vô cùng. Ông Ích Khiêm bây giờ mới nói: “Tôi đi điếu cụ Phạm, với gánh chè xanh mà ai cũng hưởng ứng”

. Giai thoại thứ năm :

 Ông Ích Khiêm vin vào công tác khẩn yếu để có cử chỉ xem thường thượng cấp không đồng quan điểm với mình.

Lúc quân Pháp tấn công vào cửa Thuận An (1883) Ông được giữ chức Trấn thủ kinh thành, chống trả quyết liệt, trong lúc ở triều đình quan Phụ chính là Nguyễn Văn Tường, người chủ trương hòa hoãn có lợi cho Pháp, đã cử Nguyễn Trọng Hợp làm Phó Khâm sai đi cùng đại diện Pháp là De Champeaux xuống cửa Thuận An, truyền lịnh bãi binh, trong lúc ông và quan sĩ đang lo đắp thành bẳng bùn đất chống lại đạn bắn thẳng của địch rất hiệu quả. Ông được báo trước có phái đoàn triều đình đến nhưng cứ tảng lờ không về nhiệm sở chỉ huy để tiếp đón, mà vẫn ở lại chiến địa điều khiển ba quân củng cố phòng tuyến. Phái đoàn đến tìm mãi không biết vị chỉ huy ở đâu, sau quân sĩ mới dẫn lại, thấy Ông mình trần trùng trục, chỉ đóng một chiếc khố, đang hò hét ba quân đắp thành. Phó Khâm sai Nguyễn Trọng Hợp thấy vậy cho người đến nhắc nhỏ với Ông về ăn mặc chỉnh tề để tiếp phái đoàn, Ông giả bộ xin lỗi: “vì mải lo công việc phòng thủ cấp bách nên không biết phái đoàn đến”.

Ông Ích Khiêm là một người văn võ toàn tài. Lịch sử khoa bảng Việt Nam chưa hề thấy ghi một thiếu niên ở cái tuổi tóc còn để chõm như Ông mà đỗ Đại khoa. Dưới triều Tự Đức, chính Ông là vị võ tướng đã góp công rất lớn trong công cuộc bình định đất Bắc, lập được nhiều công trận lẫy lừng khi đánh dẹp được Đảng cờ vàng Hoàng Sùng Anh và giặc khách L‎ý Dương Tài ở Hồ Ba Bể năm 1875. Ông có tinh thần chống xâm lăng tích cực, nhưng vì bản tính cương trực thái quá khiến nhiều người không ưa. Cho nên về sau, nhân một vụ phạm lỗi rút quân sau khi chiến thắng để về chuẩn bị lại lục lượng khi chưa có lịnh, Ông bị quan Phụ chính thân thần (4) là Tôn Thất Thuyết làm tội bắt giam, đày vô Bình Thuận và qua đời tại đây lúc 55 tuổi.

Ngày nay trên con đường QL1 từ TP HCM ra Đà Nẵng, khi còn cách ngã tư Hòa Cầm quận Cẩm lệ độ 2km, bên trái sát quốc lộ có núi đất cao độ 200m; nhìn lên chóp núi thấy có chút mái cong nhô ra, đó là nơi an nghỉ của Ông Ông Ích Khiêm.

Vào năm 1989, ngôi mộ bắt đầu xuống cấp, chung quanh rêu phong cỏ mọc, nhưng nay đã 20 năm qua chắc con cháu họ Ông đã có được điều kiện khắc phục điều này rồi, với lại chính quyền địa phương chắc cũng để tâm lưu ý đến một nơi được coi như di tích lịch sử.
_________________________
(1) Giai thoại: Câu chuyện hay, vui.
(2) Khi thi Hương ở trường thi, sĩ tử ngồi trong lều để khom lưng viết bài nhưng nếu ở điện thì có bàn ngồi để viết.
(3) Tức Nguyễn Văn Siêu, danh sĩ triều Tự Đức, người cùng thời với Cao Bá Quát:

         Văn như Siêu Quát vô tiền Hán.
         Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường
(4) Phụ chính đại thần nếu là người có họ với vua thì gọi là Phụ chính thân thần.




VVM.28.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .