Việt Văn Mới
Việt Văn Mới




GIÁO SƯ LÊ NGỌC TRỤ
MỘT ĐỜI MÀI CHỮ


G iáo Sư Lê Ngọc Trụ sinh ngày 15/3/1909 tại Chợ Lớn (Q.6 Tp HCM),trong gia đình nghèo đông anh em. Thời niên thiếu ông theo học trường tỉnh Chợ Lớn,Phú Lâm(10 năm) – sau đó vào Trường Sư phạm Sài Gòn (4 năm) .Đang học, năm 1926, ông bị bệnh phải mổ xương ở mép tai trái. Dự cuộc bãi khóa ngày 17-5-1929,ông bỏ thi,đi làm cho hãng buôn để có tiền bồi thường học bổng trong bốn năm. Vì thế,ông không có mảnh bằng nào cả.

Giai đoạn 1932 - 1945, ông cai quản tiệm vàng Lê Văn Ngữ (của cha vợ) ở Chợ Lớn. Bệnh đau đầu ảnh hưởng không nhỏ đến đến đời sống sinh hoạt hằng ngày. Nhưng với tinh thần hiếu học - lúc rảnh rỗi,ông tự học, tìm mua sách ngôn ngữ học của Pháp để nghiên cứu tiếng Việt.Ông viết bài đăng rải rác trên các tạp chí Đông Dương (1939-1941),Đọc (1939), Nghệ thuật (1941), Bút Mới (1941).Năm 1941, ông gia nhập Hội khuyến học Nam Kỳ, trong Ban trị sự,trông nom việc ấn loát Kỉ yếu của Hội.

Sau năm 1945, ông được mời giúp việc với chức Phó Thủ thư công nhật (1948-1961) rồi Chủ sự phòng Sưu tầm và thư viện (1961- 1964) - tiếp đó Giám đốc Viện khảo cổ - biên tập viên của nhóm soạn thảo Từ điển Bách khoa Việt Nam do Đào Văn Tập chủ biên (1956) - thành viên Ban Điển chế văn tự năm 1970.

Ông giảng dạy môn Chính tả và Ngôn ngữ học tại ĐH Văn khoa và ĐH Sư phạm Sài Gòn(1956-1975).Năm 1968 ông là một trong bốn vị GS (Nghiêm Toản (tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Đông dương),Lê Ngọc Trụ,Nguyễn Duy Cần,Nguyễn Phúc Bửu Cầm),không thuộc loại trí thức khoa bảng,nhưng do học vấn uyên thâm và có nhiều công trình nghiên cứu nên được phong chức danh Giáo sư diễn giảng thuộc Viện Đại học Sài Gòn .

Sau ngày 30/4/1975, cộng tác với Ban Ngôn ngữ - Viện Khoa học xã hội Tp HCM. Ông về hưu(1977)- tạ thế ngày 11-8-1979 tại Chợ Lớn, thọ 70 tuổi.

Về sự nghiệp : Trong gần nửa thế kỷ nghiên cứu ngôn ngữ học và văn hóa Việt Nam, GS. Lê Ngọc Trụ đã đóng góp cho xã hội 5 cuốn sách, 56 bài viết về ngôn ngữ, 8 bài về sử học, viết tựa cho 5 cuốn sách, hiệu đính cho 1 bộ từ điển (Việt Nam Từ điển của Lê Văn Đức, 1970, dày trên 2.000 trang) và 12 bài báo khác. Với số lượng công trình trên, có thể nói ông là một trong những nhà ngôn ngữ học viết nhiều nhất ở nước ta vào giữa thế kỷ 20.

Trong số các công trình đó, đáng kể nhất là 3 tác phẩm:

-Chánh tả Việt ngữ (I,II) - Nxb Nam Việt,1951(tái bản - Nxb Trường thi,1960)

-Việt ngữ chánh tả tự vị - Nxb Thanh tân,1960, tái bản,1971(Giải thưởng văn chương, bộ môn biên khảo).

-Tầm nguyên tự điển Việt Nam - Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1993.

Ngoài các chuyên đề về chính tả tiếng Việt ông còn có mấy công trình khác về cổ văn nhằm chú thích, so sánh về văn bản học các tác phẩm văn học cổ Việt Nam như:

- Nguyễn Cư Trinh và quyển Sãi Vãi (soạn chung với Phạm Văn Luật, NXB Tân Việt, Sài Gòn 1951). Sách chú thích, hiệu đính, khảo luận về tác phẩm trên của Nguyễn Cư Trinh, một tác giả hồi thế kỷ XVIII.

- Kim Thạch kì duyên (tuồng)

- Kim Vân Kiều (tuồng soạn chung với Trần Văn Hương, NXB Khai Trí, Sài Gòn, 1966). Sách giới thiệu, chú thích, khảo dị tuồng hát bội của Bùi Hữu Nghĩa và của Nguy Khắc Đản.


*Chút kỉ niệm thời Văn Khoa Sàigon (71,72)

Tôi phải mất 2 năm mới qua cầu c/c Ngữ học Việt Nam (hoàn tất Cử nhân Văn Khoa)- nên chi rất ấn tượng về thầy Lê Ngọc Trụ.Nhớ lắm những buổi học ban trưa tiết trời Saigon nóng bức - phòng học nằm sát tường đài truyền hình số 9. Thương các bạn Sv nữ siêng năng đến lớp sớm xí ghế ngồi gần bục giảng để nghe giảng cho rõ .Giọng thầy không được khỏe,âm lượng hơi nhỏ đều đều, bọn tôi cố gắng tập trung nghe - cũng khá căng - hôm nào “tốc ký” lỗ chỗ đành phải mượn vở các chị về chép lại - xem thêm cours ronéo bổ sung (do nhóm XB SV Đi Tới ấn hành) .

Môn học “Chính tả và Ngôn ngữ” lít chít khó nhớ nhưng vì là tiếng mẹ đẻ khiến chúng tôi cố gắng “mài giũa”theo thầy - tháo rời từng đơn vị cấu thành con chữ để thấu hiểu “ruột gan”bên trong tiếng Việt - chẳng hạn :

Phát âm muốn đúng thì phải sửa giọng :

-với âm “v”,thay vì nhập hai môi khi phát âm “b” dễ dàng,phải cho môi dưới sát răng cửa hàm trên

-Với âm “gi”phải xịt hơi nhiều để nhấn mạnh giọng cúa,khó hơn là nói âm “d”

-Với âm hoa,huê,huy…phải cho nghe rõ âm “h” khởi đầu

-Với âm qua,quê,quy…phải cuốn lưỡi nhiều và túm môi cho nghe rõ giọng “qu”. Hai âm hoa,qua “khó”nói hơn âm “oa”…

Chính tả muốn viết đúng thì lưu ý các mối quan hệ và chuyển đổi :

-Giữa các phụ âm âm môi-môi và môi răng:

b-b: bình – bằng, biệt (tăm) - (im) bặt, bắc - (gió) bấc, bức,…

m-m: mãnh - mạnh, mi - mầy, (lông) mi - mày,… v-v: vạn - (vô) vàn, (công) viên - vườn, (siêu) việt - vượt,…

b-m: bồ (côi) - mồ, buồn - muộn, bệu bạo - mếu máo, bùn - mùn,…

v-b: vốn - (tư) bổn, vách - bích, savon - xà bông,…

m-v: muôn-vạn, mùa - vụ, mời-vời, mống - (cầu) vồng ,…

b-ph: bỏng - phỏng, (góa) bụa- (quả) phụ, buồn-phiền, buồng – phòng,…

-Giữa các nguyên âm hàng sau:

u-o: thụ - thọ, vũ - võ, trú - trọ, trung- trong,…

u-ô: bồ (nhìn) - bù, chủng - giống, xung (phong) - xông (lên), Hùng (Ngự) - Hồng (Ngự),…

ô-o: khố - kho, cộng - cọng, độc (giả) - đọc, Rạch Ong - Rạch Ông,…

o-uô: phòng - buồng, cục - cuộc, thục - chuộc,…

-Giữa các thanh bổng (ngang – sắc – hỏi) :

a) hỏi-hỏi: bảo - biểu, bảo (vật) - bửu, gửi - gởi, ngửi - hửi, cảnh - kiểng, ngẩng - ngửng, (khi) dể - (khinh) rẻ, (vận) tải- chở, (sở) ruộng - thửa, tổ - ổ, mảnh- miểng, dỏm -rởm,…

b) ngang-hỏi: can - cản, quăng- quẳng, con con - cỏn con, mỏng manh, mỏng mảnh, vênh - vểnh (râu), (đen) thui - thủi, (đen) đủi, dưng - dửng (dưng), tan- tản (cư).

c) sắc-hỏi: lén - lẻn, há - hả, thoáng (qua) - thoảng, gấm - cẩm, ghế - kỷ, kế (mẫu) - (mẹ) ghẻ, (sai) khiến - (điều ) khiển, miếng - miểng, mảnh, hiếu, háo – hảo,…v.v….

Nghiên cứu sâu Việt ngữ,thầy đã rút ra nguyên tắc : “Vì là tiếng mẹ đẻ,nói ra hiểu liền,nên chúng ta thường ít để ý đến tánh cách của mỗi phần tử tạo nên tiếng Việt. Đứng về phương diện ngữ học, tiếng Việt rất tinh vi khúc chiết có hệ thống rõ rệt như tiếng nói các dân tộc khác trên thế giới. Chỗ đặc sắc của tinh thần Việt ngữ - là sự kết hợp cấu thức các âm thể - biến hóa chuyển di phát triển mạch lạc,hợp lý - được tóm lược trong nguyên tắc trụ cốt : “luật tương đồng đối xứng của các âm thể : các âm thể đồng tánh cách phát âm và đồng chỗ phát âm đi chung nhau và đổi lẫn nhau”.Nhận thức nguyên tắc này,và vịn theo đó,ta có thể viết đúng chánh tả và truy nguyên tiếng Việt - hiểu thấu tường tận nghĩa lý của mỗi tiếng - nhất trí chánh tả và điển chế văn tự”. (lược trích tr.23-24 - Chánh tả Việt ngữ,NXB Trường Thi Saigon- 1960)

Bản tính thầy thật thà,hiền lành, không nề hà gánh vác công việc chung. Học giả, nhà sưu tập đồ cổ Việt Nam Vương Hồng Sển (1902-1996)bạn thiết thân với thầy Trụ, nhận xét :

“Kể về chính-tả, anh(LNT) có chữ sẵn trong bụng, anh nào có cần như tôi, mỗi lần viết bài là khuấy rầy cuốn Việt-ngữ chính-tả tự-vị của anh đến nát nhừ cuốn kèn cuốn góc, nhắc lại anh có sẵn chữ trong bụng, thậm chí đối với một chữ, anh đều có thắc-mắc hỏi vặn lại người chất-vấn, xem chữ ấy có dính líu gì với chữ Hán và tiếng Việt chính cống mà anh “cháo chan biết thuộc nằm lòng”, tôi(VHS) nhìn nhận anh là một người bạn tốt và hiền lành như cục bột, trước đây các bạn đồng-liêu đã từng lợi-dụng lòng không sợ nhọc của Trụ, vừa làm giáo-sư giảng bài, vừa chấm thi, vừa gác lớp thi, vừa duyệt bài cho điểm thi, bá bạn vạn sự, mấy cha giáo-sư tân-khoa đều đổ dồn cho anh Trụ gánh.” (nguồn :https://www.8saigon.xyz)

Có thể nói nửa sau thế kỷ XX ,trời phương Nam đã sản sinh Học giả Lê Ngọc Trụ - một đời cặm cụi“mài chữ”- nối gót “bà đỡ” Trương Vĩnh Ký (1837-1898) nửa cuối thế kỷ XIX - kẻ trước người sau, góp phần kiện toàn chữ Quốc ngữ như ngày nay.

Tiếng Việt là phương tiện ghi chép,diễn đạt,giao tiếp xã hội và,hơn thế nữa là công cụ tư duy, gắn kết lòng người - Phải chăng dân tộc ta gặp nhau ở “mẫu số chung” đó - Công lao là vậy.Tôi đang dùng những hạt ngọc đó để viết bài này - xin tri ân kính bái tiền nhân.

(Tp Thủ Đức – viết 28/7/2022 – chỉnh sửa 28/3/2023)




VVM.28.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .