H uế- điểm đến bình yên cho du khách trong thế kỷ 21- một vùng đất có biết bao điều diệu kỳ lý thú:
Giòng Hương như một giải lụa bàng bạc trong những đêm trăng, cô tiên nữ trên trời cao mãi rong chơi, lỡ tay đánh rơi về hạ thế…để ngày ngày êm đềm lững lờ trôi xuôi về cửa Thuận, soi bóng áo trắng dịu dàng cô gái Huế qua cầu Trường Tiền vành nón nghiêng nghiêng.. Đỉnh Ngự rợp bóng Thông xanh, chiều chiều rì rào lời tình ca muôn thuở- chứng nhân của biết bao cuộc hẹn hò êm ái- những trái tim đập nhịp yêu đương của biết bao thế hệ! Bao thành quách đền đài lăng miếu cổ kính rêu phong lặng nhìn nhân thế qua dòng chảy thời gian…
Trong bao điều kỳ thú ấy, có cả những món ăn từ dân dã đến cung đình qua bàn tay chế biến tài hoa đã làm nên những tác phẩm nghệ thuật gây dấu ấn khó phai trong ký ức thực khách phương xa.
Hãy theo chân du khách trong hành trình thưởng thức món Huế, để từ ánh mắt, nụ cười… cho ta cảm nhận niềm hạnh phúc mà hương vị Huế đã đem lại trong những ngày họ đến với Huế!
Vâng quả không ngoa khi ta khẳng định điều ấy!
Vậy điều gì đã khiến khách quốc tế yêu thích món Huế?
Món Huế ít nhiều chịu ảnh hưởng của các nền văn hóa ẩm thực khác do các mối quan hệ trong lịch sử. Nhưng, người Huế biết tiếp thu, sáng tạo, tạo nên nền văn hóa ẩm thực rất riêng, không lẫn lộn, thu hút du khách trong, ngoài nước.
Nghệ thuật ẩm thực ấy có những nét rất đặc trưng:
Trước hết, khác với một số miền, ẩm thực Huế có 2 dòng rất rỏ nét: Cung đình thượng lưu và dân dã bình dân. Đa phần du khách rất tò mò muốn biết xưa kia vua chúa Việt Nam ăn uống như thế nào?
Festival nghề truyền thống Huế 2011 chị Hồ Hoàng Anh, hậu duệ của họ Hồ làng Phước Yên, cái nôi của đội ngũ đầu bếp Hoàng gia nhà Nguyễn, đã tái hiện thành công thực đơn một thời phục vụ chốn hoàng cung khiến thực khách thời nay vô cùng thích thú.
Hương vị món ăn Huế dân dã cũng rất thanh tao, nhẹ nhàng, tinh khiết nhờ có nguồn thực phẩm đa dạng theo mùa tươi ngon mua hàng ngày ở chợ kèm cùng với một số cây nhà lá vườn và kỹ thuật nêm nếm tinh tế cùng nhiều bí quyết gia truyền nơi bếp lửa tạo nên nét độc đáo riêng của khẩu vị bình dân nhưng không kém phần tinh tế. Đôi khi các món dân dã bình dân của Huế cũng chính là thành phần trong thực đơn của vua chúa. Đấy cũng là nét độc đáo trong giao thoa ẩm thực của nghệ thuật ẩm thực Huế mà nhiều nhà nghiên cứu ẩm thực học rất quan tâm tìm hiểu
Ẩm thực Huế thường theo lối dọn bày vương giả, luôn được trình diễn với trình độ nghệ thuật cao, gồm nhiều nhân tố trong đó sự kết hợp tài tình giữa yếu tố kỹ thuật như nấu món ăn một lửa, sử dụng các món nấu với ngọn lửa khi mạnh khi yếu như những cung bậc trầm bổng của khúc nhạc bếp núc, sử dụng nhiều thao tác thủ công như giã tôm thịt bằng cối chày, nướng thịt trên than hoa, rang trong trách đất nung…
Nghệ thuật bếp núc kì diệu ấy đã tạo nên sự thu hút lạ lùng đối với những du khách đến từ thế giới vốn quen dùng máy móc đồ điện, vi sóng và nấu nướng chính xác theo một công thức cứng nhắc lạnh lùng và nhàm chán trong bếp núc… cùng Nghệ thuật cắt tỉa tinh xảo với kinh nghiệm bảo lưu, phối trí màu sắc hài hòa làm nên các tác phẩm nghệ thuật ẩm thực đẹp như những bức tranh thiên nhiên, khiến thực khách không chỉ thỏa mãn bởi khẩu vị lạ lùng của nó khi dự tiệc mà còn thỏa thuê như đang thưởng thức những tác phẩm hội họa và điêu khắc với muôn vàn màu sắc và hình khối sinh động của những nghệ sĩ tạo hình ẩm thực tài danh.
Thực đơn Huế từ dân dã đến cung đình độc đáo ở chỗ là nó có thực đơn gồm rất nhiều món với nhiều nguồn thực phẩm đủ sắc màu khiến mâm cơm đẹp như bức họa. Cách dọn bày lối Huế thường đặt trong các dụng cụ cỏn con. Vì nhiều món ăn nên mỗi món chỉ dọn mời một chút ít. Thực khách thấy ngon muốn ăn thêm cũng không còn nữa nên sẽ mãi mang cảm giác thỏm thèm khi rời mâm tiệc. Và vì thế, có nhiều món ăn mãi hoài mà không thấy chán!
Do đạo Phật đã có mặt trên đất Huế từ thời các chúa Nguyễn vào trấn thủ vùng đất mới này, người Huế có riêng một nền Văn hóa ẩm thực chay độc đáo không giống với các kiểu ăn chay ở các vùng miền khác. Phải chăng do món chay ở Huế phải luôn được cải tiến để làm thỏa mãn khẩu vị đế vương nên luôn rất tinh tế, cầu kỳ, mang đậm hương vị thanh khiết của trái ngọt cây lành trong vườn Huế luôn được phù sa bồi đắp? Món chay ấy mang yếu tố tâm linh chứ không nặng về giả thịt, giả cá hay các đồ mặn khác.
Đã ăn chay vì tu hành thì không tơ vương đến dục vọng phàm tục nên từ bỏ các kiểu giả các món liên quan đến sát sinh. Lối thưởng ngoạn tiệc chay cũng được nâng lên nghệ thuật: ý thực tức tâm thực.
Người Huế còn sáng tạo tài hoa TIỆC CƠM MUỐI. Lịch sử ra đời những món ăn độc chiêu này khởi đầu từ những gia đình Huế vốn một thời sống cảnh giàu sang phú quý, nhưng do vận nhà, vận nước gặp lúc cơ hàn, khách đến chơi, chủ nhà vẫn cố giữ thể diện làm nên mâm tiệc muối cầu kỳ khoản đãi, vừa để che giấu cảnh sa sút, vừa khoe nét tài hoa của bà nội tướng gia đình. Với những thực đơn muối giản dị mà lại cầu kì, cao sang, hội đủ âm-dương, chứa đủ các chất dinh dưỡng…cho một bữa ăn toàn muối và muối… khiến du khách ngỡ ngàng và tò mò muốn khám phá!
TIỆC CƠM MUỐI là một nét văn hóa đặc sắc của miền đất một thời là kinh đô, nhiều năm qua đã gần như vắng bóng, nay đã được Nghệ nhân Nhân dân ẩm thực Việt Nam Hoàng Thị Như Huy phục hồi trình diễn trong Festival nghề Huế năm 2011, sau nhiều năm sưu tầm nghiên cứu cùng những hồi ức của một thời còn là cô gái nhỏ được cùng bà, mẹ trải nghiệm trong bếp lửa gia đình.
Điều đặc biệt khiến ẩm thực Huế đi vào lòng du khách là người Phụ nữ Huế luôn nấu ăn với cả tâm hồn tựa như người nghệ sĩ luyến láy trong cung bậc của cây đàn theo những giai điệu cổ truyền một cách điêu luyện nhưng luôn sáng tạo cảm hứng trong diễn tấu. Nơi bếp lửa qua bao thế hệ, họ biết gìn giữ, lưu truyền và sáng tạo những món nấu quê hương để hôm nay ẩm thực Huế được giới thiệu quảng bá đến khách Quốc tế với những giá trị vừa là vật thể vừa phi vật thể rất đáng được gìn giữ và trân trọng. Hãy thử xem lời nhận xét của một vài du khách hải ngoại khi thưởng thức món Huế do người nghệ nhân nhân dân chế biến!
Hãy đến Huế và thưởng thức món Huế!