Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


                         

BẬC ANH THƯ
TRONG DÒNG LỊCH SỬ VIỆT



 Thiên Địa phong trần
Hồng Nhan đa truân
Du du bỉ thương
Hề thùy tạo nhân ?

Diễn Nôm:

Thuở Trời Đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
Xanh kia thăm thẳm từng trên
Vì ai gây dựng cho nên nỗi nầy ?


(Chinh Phụ Ngâm – Đoàn Thị Điễm)

T heo dòng lịch sử Việt và những khám phá, khai quật của những nhà khoa học khảo cổ từ lục địa Trung Hoa hiện nay từ vùng Động Đình Hồ, Ngũ Lĩnh… xuôi Nam chạy dài đến Đông Sơn miền bắc Việt Nam, cho chúng ta kiến văn, hiểu biết về chủng tộc Việt đã sinh sống và tiến hoá trải dài hơn bốn ngàn năm văn hiến. Trong dòng thời gian nhiều thiên niên kỷ nước chảy đá mòn, thương hải biến vi tang điền, vân sơn cũng cau mặt với biến thiên tuế nguyệt thời gian… và người phụ nữ Việt cũng đã luôn song hành, gắn bó sinh mệnh, cuộc đời của mình theo chồng, cưu mang nuôi dưỡng con cái, di dời theo cảnh ngộ, vượt qua bao vùng địa lý hiểm trở, gian nan xuôi về phương Nam cho đến thời cận đại định cư sinh sống chí đến mũi Cà Mau để tạo dựng cuộc sống an cư hạnh phúc trong mái ấm gia đình đơn sơ mộc mạc và bình dị…! Nhưng thân phận của phụ nữ Việt trong dòng biến thiên vô thường an hưởng được cái hạnh phúc bình yên đó được bao lâu… khi đất nước Việt bị hoạ Bắc thuộc, thời nô lệ gần một ngàn năm, hết giặc nhà Hán xâm chiếm lại bị giặc Tây đô hộ gần một thế kỷ, tiếp đến phải gánh chịu cuộc chiến tranh Quốc - Cộng (1954 – 1975) huynh đệ tương tàn đã huỷ hoại con người, và tài sản của đất nước đến tận cùng của bờ vực diệt vong…! Xây dựng thì phải cần đến sức người, tài vật và thời gian dài lâu mới đạt thành quả…Nhưng phá hoại thì rất nhanh, hậu quả tiêu huỷ và hệ luỵ sau đó thật đáng tiếc vô cùng…!

Từ xa xưa chủng tộc Việt an cư trên vùng địa lý của Châu Á, giáp ranh là biển Thái Bình Dương, ”phong điền vũ thuận thú rầy an thôn”, thời tiết không quá khắc nghiệt khi mùa Đông đến và chướng khí thay đổi theo tứ thời, bát tiết tuần hoàn của đất trời hạnh thông như hậu đãi cho giống dân Việt với bản chất thông minh, siêng năng, cần cù và quả cảm… Ứng biến thích nghi với vạn cảnh để tồn tại và tiến hoá theo dòng biến thiên của tạo hoá… Thuận tiện như thế, phụ nữ Việt không còn quá sợ hãi trước hiểm nguy của thiên nhiên, thú dữ… Họ dạn dĩ bước ra khỏi hang động, hóc núi, lều che, nhà tranh vách đất… nơi ẩn cư thường nhật năng động hái rau, bắt cá, bơi lội săn tìm thuỷ sản từ các dòng suối cạn, con sông xâu quanh vùng cho đến thám hiểm đến tận ven bờ biển Thái Bình Dương lặn lội săn bắt ngọc trai, san hô, tôm cua ốc cá… dần theo thời gian, họ đã biết canh tác trồng trọt để gặt hái hoa mầu tiêu dùng và dự trữ phòng khi hữu sự, phụ giúp chồng nuôi dưỡng con cái… Vì thế dần theo thời gian vai trò và vị thế của phụ nữ Việt được trân trọng hơn trong mái gia đình mẫu hệ, nhưng lại phụ hệ ở cộng đồng bên ngoài.

Thể hiện phụ nữ Việt với nhân dáng xinh xắn đầy nữ tính, thu hút quyến rũ ngầm, tiềm ẩn qua nét duyên dáng nhẹ nhàng mãnh mai quí cách… chỉ cần một ánh mắt, mái tóc đen huyền thả hững hờ che lấy bờ vai, tà áo dài tha thướt trong gió chiều thổi nhẹ hây hây…cũng làm say đắm bao tâm hồn người quân tử thương hương, quí ngọc, ước mơ, mộng tưởng, thầm yêu, trộm nhớ có thể làm si mê chết người tình thiên thu…! Phụ nữ Việt đẹp thanh tú nhưng sức chịu đựng kham khổ bền bỉ phong trần với cảnh ngộ mưa dầm, nắng dãi của cuộc đời, lắm khi phải lúc bỉ cực, éo le cơ hàn với quần vải, áo the cánh thô sơ nhuộm mầu đen, nâu hoại sắc, chiếc khăn thâm khoát che phủ đầu trần mà mái tóc đen mượt còn thoảng hương thơm mùi hoa chanh, hoa bưởi, hoa ngâu, bồ kết mới gội buổi chiều qua, đôi chân trần đạp lên trên gò đất giồng nhiều cỏ may hoang dại, trên ruộng đồng lấp xấp nước mưa đầu mùa, trên nương rẩy với những nhác cuốc vỡ đất mới, hứa hẹn mùa ngô khoai bụ bẩm, lúa vàng nặng trĩu hạt, hoặc giả nhễ nhại cực khổ dầm mình dưới đầm lầy dạ trạch, sông hồ tảo tần sớm hôm mua bán ven sông bằng với sức lao động, cần cù, nhọc nhằn, siêng năng của chính bản thân canh tác trên đất đai mầu mỡ hoặc nắng hạn, mưa dầm… mà tổ tiên, tiền nhân đã bao đời không tiếc máu xương xã thân chiến đấu để mở mang, gìn giữ, bảo vệ cho được vẹn toàn biên cương đất nước. Phụ nữ Việt thu hoạch, gặt hái hoa mầu để và đã sinh sản nuôi dưỡng bao thế hệ con cháu anh thư, tuấn kiệt cống hiến cho Nước Việt suốt chiều dài Dòng Lịch Sử Việt Nam.

Trong quảng trường thiên Lịch Sử Việt khi đất nước vào cuộc chinh chiến điêu linh, khói lửa lan tràn khắp mọi ngả đường, tang thương phủ trùm trên thân phận con dân nước Việt…! Giặc đến xâm chiếm xóm làng, giặc giết cha mẹ, giặc giết chồng con, giặc xâm phạm mồ mã gia tiên…! Người phụ nữ Việt đã đứng lên với hàng giáo dựng, tay kiếm, tay cờ anh dũng thao lược khởi nghĩa, dậy binh biến đánh đuổi quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi, biên cương nước nhà… Họ là bậc thần nhân Anh Thư Nước Việt từ thời lập quốc tới cận đại lưu danh thơm trong Dòng Sử Việt mãi… mãi cho đến nghìn sau… Lịch Sử đã ghi chép rằng:

Năm Giáp Ngọ 34 Kiến Võ Thứ 10 triều Hán Quang Vũ , thời Giao Châu (Nước Việt) bị họa bắc thuộc có hai bà Trưng Nữ Vương (徵女王) là Trưng Trắc và Trưng Nhị là con gái của Lạc Tướng và Man Hoàng Thái Hậu ở huyện Mê linh, làng Hạ Lồi, tổng Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên . Hoạ Bắc Thuộc. Hai Bà Trưng khởi nghĩa, dấy binh tấn công vào thành Liên Châu, Liên Lâu, Hợp Phố, Nhật Nam và các quận huyện thu đoạt được 62 thành. Đánh đuổi quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi đất Giao Châu, giải tai ách nô lệ cho dân tộc, đất nước. Hai Bà lên ngôi, xưng Vương thiết lập kinh đô tại nguyên quán Mê Linh. Dây là dấu ấn nền tự chủ của Quốc Gia được khởi đầu từ năm 40 – 43 sau công nguyên.

Diễn biến cuộc quật khởi của Hai Bà Trưng và nghĩa quân Giao Châu chiến đấu với giặc Hán để giành lại quyền tự chủ: Từ tháng Chạp năm Tân Sửu 41, Vua nhà Hán phong cho danh tướng Mã Viện có tài, thao lược và đề cử thống lãnh đại binh sang Giao Châu chiến phạt với Hai Bà. Mã Viện cử Trung Lang Tướng là Lưu Long, Thuỷ Sư Đô Đốc là Đoàn Chí chỉ huy hai vạn (20 000) quân thuỷ lục tấn công quân Giao Châu. Hai Bà Trưng cử Nữ Tướng Soái là Thánh Thiên Công Chúa nghêng chiến đánh bại quân Hán, giết được hơn 1000 quân thù… Quân Hán đại bại rút về cố thủ ở mạn Cao Bằng, Tuyên Quang xin viện binh cứu nguy! Hai Bà Trưng liền truyền lệnh cho Thánh Thiên Công Chúa cấp tốc đem đại binh tấn công truy sát. Mã Viện thừa cơ hội quân Nam còn không nhiều đóng giữ thành trì chính yếu Mê Linh, đã đưa quân đến đánh áp. Nữ Tướng Thánh Thiên hay tin khẩn báo đã vội đem quân trở về cứu giá… Nhưng đã không còn kịp nữa ! Bị bại binh và quân giặc truy đuổi bức bách Hai Bà chạy đến xã Hốc Môn, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây liền nhẩy xuống sông Hát Giang tuẫn tiết, nhầm vào ngày mồng 6 tháng 2 năm Quí Mẹo, Âm Lịch!

Sử Gia Tư Mã Thiên của nhà Hán đã chép: “Nam Man Trưng Trắc bạn, Đế sử Mã Viện bình chi rợ phương Nam phản loạn…” nghĩa: Vua sai Tướng Mã Viện dẹp yên nạn Trưng Trắc phản loạn. Tuy là Sử của Tàu lăng mạ cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng. Nhưng kinh qua chỉ dấu đấy, chúng ta hiểu biết chứng thực và xác định trong dòng Sử Việt là: Bậc anh thư nước Việt, Hai Bà Trưng đa vì dân tộc, đất nước khởi nghĩa, dấy binh quật khời đánh đuổi giặc Hán ra khỏi biên cương, bờ cõi nước nhà, giải hoạ Bắc thuộc. Và trong cuộc chiến gian nan đó có cả Mẹ của hai Bà yên hùng trên lưng ngựa chỉ huy nghĩa binh chiến đấu:

Man Hoàng Thái Hậu xuất thân trong hệ phái quí tộc đương thời, bà là cháu ngoại của Lạc Vương, kết hôn với vị Lạc Tướng sinh đặng hai con gái tên Trắc và Nhị, chồng mất Bà ở vậy nuôi con dạy bảo chí tình, lại còn khuyến khích học tập Văn ôn, Võ luyện, ý hướng trách nhiệm với nước nòi… Trong cuộc khởi binh của Hai Bà Trưng chống giặc nhà Hán đô hộ nước Ta, đạt chiến thắng, chiếm lãnh thu phục được 62 thành trì… và động lực chính yếu là công sức của Man Hoàng Thái Hậu khởi nguồn. Khi Bà đươc hung tin khấp báo Hai Bà Trưng bị bại binh ở chiến trận sau cùng, Bà lên ngựa thúc quân cứu viện, ác chiến với quân thù, quân tình thế yếu…! Bà ngẩng mặt ngước lên trời xanh mà than rằng: “ Quả Bất Phục Chúng…” xong, bèn nhẩy xuống sông tuẫn tiết !

Trong cái tịch tĩnh của tâm thức quán xét chuyện biển dâu, thăng trầm lịch sử, đốt lò hương cũ, cảo thơm lần giở… Chúng ta hãnh diện, cảm kích với tiền nhân bậc Anh Thư, Tuấn Kiệt của giống nòi Việt và cũng đau xót với vận nước điêu linh đồ thán ! Lần theo dòng Sử Việt: Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng chống giặc Hán, giải Hoạ Bắc Thuộc từ hai ngàn năm trước… cho chúng ta biết đã có rất nhiều anh thư nước Việt tay nắm chặc cung kiếm, phất cờ phướng tung hoành xông pha nơi chiến trường, chém tướng đoạt thành như:

-Nữ Tướng Soái Thánh Thiên Công Chúa,

-Nữ Tướng Bát Nàn Công Chúa,

-Nữ Tướng Hoàng Thiệu Hoa,

-Nữ Tướng Phùng Thị Chính,

-Nữ Tướng Lê Chân,

-Nữ Tướng Cao Nhự… Và còn biết bao bậc Anh Thư đã kề vai, sát cánh chiến đấu trong cuộc chiến đương thời mà vì sự bào mòn của thời gian đã không còn lưu lại danh tánh … !

Lịch Sử là Chính Trị của thời quá khứ, qua Lịch Sử ta hiểu biết và tầm học cái sở dụng của lịch dử, đãi lọc, học luyện cho đạt cái tinh tuý sử hồn, hiểu biết chu tri tất mộ chuộng, quyền biến, phương lược, ứng dụng sở học mà bảo quốc, an dân. Xuyên suốt qua cuộc khởi nghĩa, dấy binh của Hai Bà Trưng chống giặc Hán thời Bắc thuộc, chúng ta hiểu rằng từ cơ cấu, kiến trúc gia đình, hệ thống làng xã, dinh điền, hương đản, văn hoá, binh bị, võ công, tính và tình của người Việt tiền nhân của chúng ta từ hai ngàn năm trước… Nhất là tính chất khí phách, võ công của phụ nữ Việt quả là thật tuyệt vời … Hỏi cả hoàn vũ đã có hạng phụ nữ nước nào như thế ?

Vì tình: Nam và Nữ thề non hẹn biển và khi tình duyên trắc trở không vẹn nghĩa thành đôi, bị phân ly, chia cắt… Họ có thể tự vẫn chết theo nhau, chết bên nhau, chết với nhau cho trọn vẹn chữ Tình ở chốn tuyền đài…

Lòng ta ôm một khối tình
Tình trong giây phút trở thành thiên thu…!

Đấy là thứ tình của phàm nhân, chết vì tình cũng được đời thương cảm, tội nghiệp và dệt nên biết bao tác phẩm thi ca lãng mạn, tình tứ cho đời thưởng thức mua vui, giải sầu muộn… Hay lắm đấy, đẹp lắm đấy…! Nhưng tình yêu ơi ! Chết vì tình, chết vì chung tình như:

Nghi ngút đầu gềnh tỏa khói hương
Miếu ai như miếu vợ chàng Trương ?

Nhưng “cái” chết vì tình yêu lứa đôi nam nữ đời thường không có bệ thờ trong tâm của bao người thế hệ sau quí trọng, tôn kính và thờ phượng trong tâm và tôn miếu quốc gia! Chỉ có chết vì tình yêu Tổ Quốc - Dân Tộc mới là cái chết đầy ý nghĩa cao thượng tối linh mà người đời trân trọng đặt trên bệ thờ với thiên thu nghìn năm sau còn lưu dấu tích… Và tuy đất trời vô thuỷ vô chung, thiên nhiên vô vi, vô cảm, hư vô lồng lộng, vật thụ vô tình… cũng lắm khi trời chuyển cơn giông bão hoặc mây kết xây thành âm u, mưa tuôn như nhỏ lệ, đất lành trở hanh, khí uất sụt sùi, tuế nguyệt vân sơn cau mặt cảm kích với tang thương khi bậc Anh Thư, Tuấn Kiệt của Quốc Gia - Dân Tộc nào Vị Quốc Vong Thân cho Chính Nghĩa vì:”Nhân Tối Linh Ư Vạn Vật”.

Anh Thư Nước Việt Bà Triệu Thị Trinh, 16 tuổi đã khí khái dõng dạc tuyên ngôn:” Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh,đạp đầu sóng dữ chém cá tràng kình ở biển Đông, quét sạch giặc thù ra khỏi bờ cõi để cứu dân lành thoát nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu, cong lưng làm tỳ thiếp cho người ta “. Bà chiêu binh khởi nghĩa, đầu chít khăn, thân mặc áo giáp màu vàng, cưỡi voi chỉ huy nghĩa binh xông trận chém tướng giặc, giết quân thù, đoạt thành trấn thủ đối đầu với Đô Đốc Lục Dận vốn là tay quân sư thao lược tài ba lừng danh đương thời của Tôn Quyền Giang Đông thời Tam Quốc. Bà Triệu và nghĩa quân nước Việt đã làm khiếp đảm giặc Đông Hán ! Bà được tôn danh là Nhuỵ Kiều Tướng Quân nêu gương sáng chói trong Lịch Sử Việt Nam.

Anh Thư Nước Việt Ỷ Lan Phu Nhân, nguyên quán Bắc Ninh, Bà là Nguyên Phi của Vua Lý Thánh Tông, Bà là người kiệt xuất có biệt tài chính trị, kinh bang tế thế, khi nhà Vua thân chinh phạt dẹp loạn Chiêm Thành nơi sa trường… Bà Nguyên Phi Ỷ Lan thay Vua nhiếp chính an định triều chính, xã tắc… khiến cho đấng quân vương cũng phải thẹn mình trên đường lui binh thất bại… Vua nghe tin báo tài quản trị điều hành triều chính của Nguyên Phi Ỷ Lan, làm cho Vua phải quay binh trở lại quyết tử chiến với quân thù và đoạt chiến thắng huy hoàng.

Anh Thư Nước Việt Bậc Mẫu Nghi Thiên Hạ, tục danh Nguyễn Thị Bích Câu là Vợ của Vua Trần Duệ Tôn. Bà đã viết Kê Minh Thập Sách nêu ra 10 điều giúp Vua trị quốc để được cường thịnh. Nhưng rất tiếc Nhà Vua đã không áp dụng ! Mười điều trong Kê Minh Thập Sách như sau:

1- Bền vững gốc nước, trừ kẻ bạo loạn thì dân chúng được yên

2-Giữ nếp xưa, việc phiến bỏ thì triều cương không rối.

3-Trị kẻ lạm quyền để trừ mọt nước.

4-Đuổi bọn nhũng lại để bớt vơ vét của cải của dân.

5- Mở lối Nho Phong để ngòi lửa đóm được rạng soi cùng mặt trời, mặt trăng.

6-Tìm lời trực gián để đường ngôn luận được mở rộng như của thành.

7-Trong việc kén quân nên lấy hạng có dũng lực hơn là hạng có vóc dạc lớn.

8-Chọn Tướng nên dùng người thao lược hơn là bậc thế gia.

9-Khí giới cốt tinh nhuệ hơn là hoa hoè.

10-Tập trận pháp cần chỉnh tề không cần múa nhẩy.

Anh Thư Nước Việt Huyền Trân Công Chúa là con gái yêu quí của vua Trần Nhân Tôn, được Chế Mân (Jaya Sinhavarman III) vua Chiêm Quốc (Champa) cầu hôn với sính lễ là hai Châu Ô - Lý. Huyền Trân Công Chúa về Chiêm Quốc làm Hoàng Hậu được tròn một năm thì Vua Chiêm băng hà! Theo phong tục của người Chiêm bà phải lên giàn hoả thiêu cùng với thân xác nhà Vua! Nhưng Bà được Triều Đình Đại Nam cử Thượng Tướng Trần Khắc Chung thay mặt Triều Đình viếng phúng điếu rồi lập mưu kế cứu Huyền Trân Hoàng Hậu, hộ giá trở về lại Đại Nam. Huyền Trân Công Chuá là cành vàng lá ngọc đã vì lợi ích mở mang giang sơn bờ cõi Quốc Gia Đại Nam mà ưng thuận hy sinh kết hôn với Vua Chiêm Quốc. Bà đã làm rạng danh bậc Anh Thư Nước Việt trong Lịch Sử còn lưu mãi với nghìn sau.

Đã có biết bao Anh Thư Nước Việt xuất thân từ hạng dân dã đến bậc đài các vương quyền… thông minh tú lệ, khí phách chẳng kém gì nam nhi tuấn kiệt, đại trượng phu địch quốc sơn hà… Họ đã xã thân báo đền ơn nước, phước nhà và xem tấm thân ngà vóc ngọc, châu báu nhẹ tợ lông hồng, sẵn sàng quẳng vứt bỏ phấn son, hương liệu, quần là áo lượt, vòng xuyến nữ trang… để can trường dũng lược bó chẻn chiến y, vai mang cung kiếm phất cờ khởi nghĩa uy nghi trên thớt voi, chiến mã xông pha trận mạc chém tướng đoạt thành trì , phò nguy sơn hà xã tắc, cứu dân lành thoát cảnh điêu linh lầm than vì giặc thù xâm chiếm nước non bờ cõi… Bậc Anh Thư Nước Việt xưa đã vang lừng lẫm liệt trong chiến sử Việt Nam còn lưu hậu thế…! Mà nay giở lần trang Cổ Sử còn cảm đâu đây trong bàng bạt của heo may đất trời se lạnh cơn gió nhẹ chớm thu, có ẩn tàng hồn thiêng sông núi, khí phách anh linh của tiền nhân Anh Thư Việt Nam hiển thánh nhắc nhở cho thế hệ con cháu hậu sinh phải thành tâm, chánh trí cương nghị dấn thân học luyện, tiếp thu những tinh hoa sở học, văn hoá, võ công của tiền nhân mà đứng vào trận tuyến của người chiến sĩ quyết đương đầu với mọi thế lực cường quyền muốn chiếm đoạt Quê Hương Việt Nam chúng ta.

(trịnh khải hoàng – mùa Xuân Việt Nam)





VVM.13.2.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com