Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        



TỔ TIÊN VIỆT
THƯ TỊCH & DI TÍCH

  


H ành trình Đi Tìm Tổ Tiên Việt của con cháu Việt ngày nay đã trở nên hùng hậu, đa ngành, đa phương cách, nhiều hy sinh, dâng hiến lặng thầm, tụ hội bốn bể năm châu, rạng ngời hào quang Tổ Tiên Bách Việt.

Tổ Tiên trong nguồn Thư tịch cổ

Ngày 24- 1- 2014. Trên đường tạ mộ Cha Lạc Long Quân tại Bình Minh- Bình Đà- Thanh Oai- Hà Nội, bác Nguyễn Mạnh Can dẫn chúng tôi thăm nhà TS Hán Nôm Lã Duy Lan ở thôn gần đấy. Lã Duy Lan nghỉ hưu, đóng cửa, tắt điện thoại, im lặng Đi Tìm Tổ Tiên Việt. Chúng tôi đến bất ngờ, ông không có nhà. Vợ và con cháu ông tiếp chúng tôi trong ngôi nhà hai tầng, sân vườn cây, rau hoa, chén trà xanh ấm tình quê.

Tôi đọc Bản sắc Văn Hóa Người Việt (NXB Công An Nhân Dân- 2007- Lã Văn Lan) để cùng Đi Tìm Tổ Tiên Việt.

TS Lã Duy Lan với tư duy làm sáng tỏ Bản Sắc Văn Hóa Người Việt qua Đất- Nước- Người. Những con người đã sống hàng vạn năm trên Đất- Nước ấy, thể hiện cách trồng cấy lúa nước, cách ăn, chơi, hội hè, tập quán, tín ngưỡng… cổ truyền vẫn con nguyên vẹn nơi đây. Nơi mà các nhà khoa học thế giới gần đây đã khẳng định “Chính Đông Nam Á đã là một trong những cái nôi hình thành loài người. Là địa bàn hình thành đầu tiên của đại chủng phương Nam.”. Cái nôi ấy, địa bàn ấy, theo những bộ sách cổ của nước ta còn để lại, chính là“Bộ tộc Việt Thường, cùng cư dân Bách Việt với nơi phát tích đầu tiên là nền Văn minh lúa nước sông Hồng”.

Phần thư tịch Tổ Tiên gửi lại, chúng tôi suy ngẫm mục Từ nguồn Thư tịch cổ (Bản Sắc Văn Hóa Người Việt- Trang 25).

TS Lã Duy Lan nghiên cứu thư tịch cổ Bách Việt Triệu Tổ Cổ Lục. Ông cho biết ở hai xã Phú Lãm và Phú Lương đầu huyện Thanh Oai- Hà Nội ngày nay (tức địa bàn chủ yếu của vùng Đại Lôi (tổng Sốm thời Lý) xa xưa đã có các vị tộc trưởng họ Nguyễn truyền đời trông giữ phần mộ, thờ cúng các vị Tổ Tiên gây dựng nên Bách Việt và các vị có công với nước thời Thục- Triệu, Hai Bà Trưng, Tiền Lý. Các vị Tổ Tiên Bách Việt nhiều thời sống ở vùng Thanh Oai, chết ở đây, nên còn phần mộ và đền thờ, lễ hội cúng giỗ, phong tục, lối sống, ở đây.

Vùng này xưa có Kinh Đô Nghĩa Lĩnh của Bách Việt và các vua Hùng. Phong Khê thời Thục- Triệu. Mê Linh. Phong Châu thời Hai Bà Trưng. Long Biên thời Tiền- Hậu Lý (Lý Nam Đế).

Các vị tộc trưởng họ Nguyễn nối đời sinh ra từ cụ Tổ họ Nguyễn đầu tiên của Bách Việt đã giữ cổ phả bí truyền, và “Giữ mả Tổ”. Họ Nguyễn ở tổng Sốm xưa nay, xứng trách nhiệm dòng trưởng đối với trăm họ, trông nom mộ các vị Tổ Bách Việt, giữ đền miếu, chùa, ngày cúng lễ, thể hiện qua các phong tục, lễ hội, tín ngưỡng vùng tổng Sốm- Thanh Oai. TS Lã Văn Lan viết tổng “Sốm” (là âm từ chữ Sấm tức Đại Lôi thời Lý).

Trong suốt gần nghìn năm Bắc thuộc, tộc trưởng Nguyễn vẫn trông mồ mả, cúng lễ Tổ Tiên Bách Việt, dưới hình thức ẩn hiện, không khoa trương nên qua mắt cai trị phương Bắc. Thời Đinh Bộ Lĩnh năm 968, vua Đinh đăng quang, về tận nơi, biết vùng Thanh Oai có mộ, đền miếu thờ Tổ Tiên Bách Việt đã phong trưởng họ Nguyễn là Nguyễn Đức tước vị Quốc công, giao quyền quản lý 2.400 mẫu ruộng trong vùng hai xã Phú Lãm và Phú Lương- Thanh Oai để trồng cấy, lấy tiền xây 72 ngôi đền (gọi là Nam Thiên thất nhị thập từ) hằng năm mở lễ hội, tế lễ, rước đón hội đồng tộc biểu toàn quốc và đồng bào cả nước về lễ Tổ và dự lễ hội.

Từ đó về sau, các trưởng tộc Nguyễn (dù không tham gia chiến trận) vẫn được các triều Đinh, Tiền Lê, Lý phong là Quốc công, thời Trần phong Quốc phụ, thời Lê, Nguyễn phong Hương quận công tiếp tục quản lý 2.400 mẫu ruộng thờ và tổ chức lễ hội, cúng giỗ, chăm mộ Tổ Tiên Bách Việt. Vị Hương quận công cuối cùng bị thực dân Pháp bãi chức, nên vua Thành Thái phong Thái tử Thiếu Bảo, tên thật là Nguyễn Vân Ý, mất năm 1951. Ngôi đền thờ Bách Việt Thiệu Tổ và phả cổ, thư tịch cổ, những ngôi mộ cổ về Tổ Tiên Bách Việt, dòng họ Nguyễn Vân giao cho cụ Nguyễn Vân Tằng tại làng Vân Nội- tổng Sốm. Cụ Tằng mất năm 2013, giao cho con trai Nguyễn Vân Liên.

Xưa kia, tổng Sốm lễ hội, cúng giỗ Tổ Tiên suốt ba tháng mười ngày trong một năm. Các Thần tích, Thần phả được biên soạn đều theo truyền thuyết dân gian, nửa hư, nửa thực để giấu kín tung tích thật, chống kẻ thù đào mồ mả. Còn những tung tích thật như tên, niên hiệu, ngày sinh, ngày hóa, nơi an táng, sự tích các vị được thờ, thì các vị tộc trưởng họ Nguyễn ghi vào các bộ sách Bách Việt Triệu Tổ Cổ Lục (ghi từ khởi đầu đến hết thời Bách Việt và các vua Hùng). Cổ Lôi Ngọc phả truyền thư (ghi về thời Thục- Triệu, Hai Bà Trưng, Tiền Lý và thời Bắc thuộc). Phả họ Nguyễn (ghi về thời sau này). Những bộ sách này tuyệt đối không truyền ra ngoài, có thơ dặn lại: “Bất dụng tha nhân biệt ngoại truyền”.

Việc tổ chức lễ hội cúng giỗ Tổ Tiên Bách Việt theo nghi thức Quốc gia ở Đại Lôi (tổng Sốm) chấm dứt vào triều Thành Thái (1907). Vua Thành Thái bị đi đày. Giặc Pháp cho lính về tổng Sốm tàn phá cướp bóc. Dân chống lại, cuộc chiến chết 200 người. Cụ Nguyễn Vân Ý đã cùng Hội đồng tộc Nguyễn chia nhỏ 2.400 mẫu ruộng thờ, lấy tiền di chuyển 72 ngôi đền chưa bị phá đi các miền quê khác, xây mới nhiều đền thờ dọc hai bờ sông Nhuệ, sông Tô Lịch…

Bốn vạn bản Thần tích, Thần phả được các cụ tổ chức sao chép lại, soạn mới bổ sung truyền con cháu, chia nhau cất giấu. Phần lớn Thần phả, Thần tích đều ghi “Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn năm Hồng Phúc nguyên niên, Nguyễn Hiền phụng sao”, đóng dấu thời Lê, Thời Nguyễn. Địa điểm “tu thư” thực hiện tại làng Thạch Bích, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai (cách Phú Lãm, Phú Lương khoảng ba cấy số). Bản sao giao cho các làng. Các bản sưu tập đưa lên Đền Hùng (Phú Thọ cất giấu). Sau bị thực dân Pháp thu giữ, nay còn một số bản lưu tại Thư viện Hán- Nôm Hà Nội do Trường Viễn Đông bác cổ bàn giao lại.

TS Lã Duy Lan nghiên cứu Bách Việt Triệu Tổ Cổ Lục tìm hành trình Tổ Tiên Bách Việt cách nay khoảng bảy nghìn năm.

Tổ Tiên ta là một nhóm Việt Mường bước từ trong rừng ra. Định cư ở vùng đất phía Đông chân núi Ba Vì, kéo dài tới vùng dất chùa Tây Phương nay là huyện Thạch Thất- Hà Nội. Từ đấy sinh sôi, tỏa đi các hướng đồng bằng Bắc bộ, miền núi, miền Trung, ven biển. Thời kỳ ở chân núi Ba Vì, trong Bách Việt Triệu Tổ Cổ Lục gọi là thời Cực Lạc, nước Cực Lạc. Đó là thời kỳ con người ở hang động, vách đá, đã biết dùng lửa, săn bắt sinh vật làm thức ăn, quần hôn, mặc vỏ cây, dây quấn. Gọi là Việt Thường Thị tức là người dùng thừng (thường- thừng) để làm nên quần áo

Thời Cực Lạc là sự giao thoa dài giữa quần hôn và hôn nhân gia đình cá nhân, giữa Mẫu quyền và Phụ quyền. Quần hôn là Mẫu hệ- Mẫu quyền. Sự tích Trầu Cau chính là bi kịch giữa quần hôn và hôn nhân một vợ một chồng (giai đoạn đầu tiên chấm dứt quần hôn).

Cuối thời Cực Lạc cách nay khoảng 6.000 năm, bắt đầu chia họ. Lập gia đình riêng. Có chín họ được lập lúc đó, bao gồm năm họ Việt, bốn họ Việt- Mường. Khi có chữ Việt Nho gọi là Cửu Tộc. Nơi diễn ra cuộc chia họ ấy theo Bách Việt Triệu Tổ Cổ Lục ghi là ở khu vực các làng Hạ Lôi- Bằng Trù huyện Thạch Thất- Hà Nội. Chín họ đầu tiên là Nguyễn, Trần, Dương, Chu, Vũ, Đinh, Quách, Bạch, Hà.

Sau khi lập gia đình riêng, chia họ, họ Nguyễn đứng đầu cùng nhiều họ khác xuống vùng So- Sở thuộc Quốc Oai- Chương Mỹ nay là Hà Nội, lập Nhà nước manh nha đầu tiên gọi là thời Viêm Bang, nước Viêm Bang người đứng đầu là Đế Viêm, sau là Thần Nông.

Thời giữa Viêm Bang từ 9 họ ban đầu (Tòa Cửu Long ở các chùa thờ chín họ đầu tiên của Bách Việt). Từ 9 họ, lập ra 72 họ. Mỗi họ có một người đứng đầu. Có 72 động chủ, có giếng nước ăn riêng. Sau này các họ mới lập thêm dùng đặc sản địa phương đặt tên cho họ mình: Lê, Lý, Ngô, Đỗ… Họ Lã là kỷ niệm về việc bắt đầu biết đào ao, đào giếng. Cuối thời Viêm Bang từ vùng So- Sở, các họ vượt sông Đáy, xuống định cư ở vùng đầu Thanh Oai, mở ra thời Bách Việt và các vua Hùng, khai phá đồng bằng Bắc bộ, Trung bộ, đi chinh phục thêm các vùng đất mới xa hơn.

Bách Việt Triệu Tổ Cổ Lục ghi “Tiên La tương địa” tức là vùng đất bồi, đất nát Tiên La nay thuộc làng Thanh Lãm xã Phú Lâm có vị vua đầu tiên mở đầu thời kỳ khai phá đồng bằng là Đế Tiết. Đế Tiết sinh ra Đế Thừa, đều đóng đô tại Tiên La. Hại vị dạy dân quan sát khí hậu, thời tiết để ổn định việc gieo trồng các mùa, giống cây. Nếm các vị lá cây, thảo dược làm thuốc chữa bệnh.

Đặc biệt cụ Đế Thừa còn gọi là Sở Minh Công, vừa kế nghiệp vua cha, vừa đặt nền móng cho việc đi chinh phục thêm các vùng đất mới. Ngày sinh mồng 1 tháng sáu Âm lịch. Ngày hóa mồng 10 tháng 10 Âm lịch của cụ Đế Thừa được lấy làm ngày quốc lễ, lễ xuống đồng và lễ cúng cơm mới. Đế Thừa sinh ba con trai là Nguyễn Minh Khiết, Nguyễn Nghi Nhân, Nguyễn Long Cảnh, đều là những bậc Thánh nhân.

Nguyễn Minh Khiết, Nguyễn Nghi Nhân là hai anh em sinh đôi, giống nhau như đúc. Hai anh em thường đi đánh cá ở vùng hồ Sương Mù (Hồ Tây- Hà Nội ngày nay) Nguyễn Minh Khiết lấy bà Đỗ Thị Ngoan (Đỗ Quý Thị) ở vùng hồ này. Bà Ngoan hiền lành nết na, phúc hậu, yêu mến cả hai anh em. Khi lấy ông Nguyễn Minh Khiết vẫn hay gọi tên em trai ông Khiết là Nguyễn Nghi Nhân. Ông Khiết bỏ đi, lấy vợ hai ở làng Khương Đình (quận Thanh Xuân- Hà Nội ngày nay). Bà Ngoan bỏ đi tu Đạo Sa Bà đắc đạo được tôn là Hương Vân Cái Bồ Tát.

Sau khi anh lấy vợ, Nguyễn Nghi Nhân buồn (họ là ba nhân vật cổ tích Trầu Cau) xin vua cha cấp thuyền bè, lương thực, vũ khí, cùng một số dân chúng và binh lính đi lập nghiệp nơi xa.

Nguyễn Nghi Nhân ngược lên hướng Bắc, đến vùng Động Đình Hồ (nay là Trung Quốc) chinh phục các bộ tộc ở đấy, lập ra nước Sở. Đời sau gọi ngài là Đế Nghi. Các hậu duệ của ngài kế tục nhiều đời gọi là Sở Hùng Thông, tham chiến với các nước ở Bắc và Nam sông Dương Tử thời cổ đại.

Ở vùng Tiên La nay là Thanh Oai, cụ Đế Thừa qua đời, Nguyễn Minh Khiết được kế ngôi gọi là Đế Minh đóng đô ở Phong Châu cách Tiên La khoảng một cây số, phía ngoài. Bên cạnh sông Hát là một nhánh sông Đáy chảy ra.

Phong Châu nguyên gốc là bến nước được xếp bằng đá ong làm bậc lên xuống, được Bắc phương ghi chép lần đầu trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Phong Châu cũng là tên gọi của cả thời Bách Việt và các vua Hùng đóng đô ở đây.

Thời Đế Minh trị vì, mở đầu cho thời Bách Việt và các vua Hùng, có biên giới từ phía Bắc đến bờ Nam sông Dương Tử, biên giới phía Nam đến tỉnh Quảng Nam ngày nay.

Khi Nguyễn Lộc Tục con trai Đế Minh (Nguyễn Minh Khiết) và Đỗ Thị Ngoan (Đỗ Quý Thị) trưởng thành thì ở vùng Tử Di Sơn (chân phía Đông dãy Hymalaya là thượng nguồn sông Dương Tử) có giặc Gạc Ma nối dậy. Nguyễn Lộc Tục cùng người chú thứ ba (Nguyễn Long Cảnh) và tám người cậu họ Đỗ, được cử cầm quân dẹp giặc. Đến vùng Hồ Động Đình, Nguyễn Lộc Tục gặp bà Hồng Đăng Ngàn, con gái vị chúa hồ tộc Bách Việt. Dẹp giặc xong, Nguyễn Lộc Tục trở lại, cưới Hồng Đăng Ngàn rồi ở lại cai quản vùng này. Bởi thế đời sau gọi ngài là Kinh Dương Vương, do phần đất ngài cai quản có tên là Kinh Châu- Dương Việt.

Khi Đế Minh già yếu qua đời thì mười lăm bộ trong vùng Phong Châu họp lại, cử người đi đón Kinh Dương Vương trở về kế ngôi thay cha làm vua nước Xích Quỷ.

Nguyễn Lộc Tục- Kinh Dương Vương và Hồng Đăng Ngàn sinh năm con trai: Hùng Nghiêm, Hùng Quyền, Hùng Hiển, Hùng Quyên, Hùng Tiến. Hùng Tiến con út chết trẻ. Hùng Hiển con thứ ba húy là Sùng Lãm, tên tự là Phúc Thọ, được truyền ngôi vua là Lạc Long Quân (Hùng Hiển Vương).

Về Phong Châu, bà Hồng Đăng Ngàn cùng chồng là Kinh Dương Vương (Nguyễn Lộc Tục) đem nghề trồng dâu, nuôi tằm, dệt the về dạy dân. Cung cách ăn mặc của dân thay đổi, váy lụa sồi, áo the, thay lá cọ, sợi dây gai. Kinh Dương Vương đẩy nhanh khai phá đồng bằng, ổn định dân sống ấm no, an vui, bình đẳng. Ngài hóa vào ngày 25 tháng 12 Âm lịch, được dân suy tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế. Ngày 23 tháng Chạp tiễn “ông Công” là ông bản cảnh thành hoàng, lên chầu Ngọc Hoàng Thượng Đế hội họp Thiên đình.

Những ngày lễ tiết cổ truyền của người Việt đều là những ngày sinh, ngày hóa của các vị vua, các bà vợ có công với dân Bách Việt được thờ cúng tại các ngôi chùa và điện Mẫu. Các lễ hội đình, đền, chùa hằng năm tại các vùng miền đất Việt đều là sự cúng giỗ các vị Tổ Tiên Bách Việt và nhân Thần nước Việt. Không có lễ hội cổ truyền nào du nhập từ phương Bắc như ta nhầm tưởng.

Kinh Dương Vương sinh được năm người con trai, trong đó một người chẳng may lâm bệnh mất sớm. Bốn người còn lại được vua giao trông nom từng phần việc giúp dân mở các nghề mới. Người con thứ tư là Nguyễn Lãm được kế ngôi gọi là Lạc Long Quân- Hùng Hiển Vương. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ là cháu nội Đế Nghi (Nguyễn Nghi Nhân), con gái Đế Lai (con của Đế Nghi) khi Âu Cơ cùng vua cha về thăm quê Phong Châu. Lạc Long Quân và Âu Cơ đều là chắt nội của cụ Đế Thừa (cùng một bọc sinh ra) cùng huyết thống.

Từ Kinh Dương Vương đến Lạc Long Quân (Hùng Hiển Vương) lập Nhà nước Văn Lang. Từ Lạc Long Quân chia ra trăm họ, lấy họ Nguyễn là Trưởng tộc Việt. Rồi sinh sôi, bền vững đến một trăm vua Hùng, kéo dài 2.662 năm đều đóng đô ở Phong Châu. Trong đó mười tám đời thống nhất được Bách Việt. Danh sách 100 vua Hùng, 18 đời thống nhất và Bách Việt đều được ghi trong Bách Việt Triệu Tổ Cổ Lục.

Truyền thuyết Lạc Long Quân- Âu Cơ một bọc trăm trứng có nguồn gốc sinh thành từ tế bào nhân chủng học họ Nguyễn. Đó là máu huyết thật, không phải huyền thoại do tưởng tượng nghệ thuật, để gắn kết tình đoàn kết các dân tộc Bách Việt.

Dân tộc ta, Tổ Tiên ta đi từ máu huyết đến huyền thoại thật thiêng liêng. Đó là hiện tượng Độc nhất vô nhị của loài người. Bởi Tổ Tiên ta phải tránh sự hủy diệt của kẻ thù nội, ngoại xâm, nên ẩn giấu vào Đất, Nước, hồn Người, thành Hồn Thiêng Sông Núi chiến thắng mọi kẻ thù. Giặc muốn người Việt bơ vơ, không Tổ Tiên, Cha Mẹ, không văn hóa cội nguồn để thôn tính, đồng hóa, cướp Đất Nước, diệt giống nòi. Nhưng họ đã lầm. Tổ Tiên Bách Việt sống dậy cuồn cuộn sóng Đất- Trời- Người. Không kẻ thù nào khuất phục nổi.

Đi tìm những di tích thiêng liêng của Tổ Tiên

Thư tịch về Tổ Tiên Việt, soi sáng cho chúng ta đi tìm những di tích, dấu tích thiêng liêng của Tổ Tiên hiện hữu trên chính Đất- Nước- Người Việt, tồn tại muôn đời.

Việc thờ cúng các vị Thủy tổ Cửu tộc trong đó hai vị đứng đầu là Đế Thiên, Đế Thích và Địa Mẫu. Các vị Đế Viêm, Thần Nông, các vị vua và các bà vợ có công ở thời Bách Việt và các vua Hùng “sinh thành nên trăm họ” đã thành mỹ tục xa xưa truyền các thế hệ đến nay. Thành nếp sống, nếp nghĩ, phong tục tập quán, tín ngưỡng không gì xóa nổi. Cho dù lũ giặc không ngừng tìm mọi cách xóa, đánh tráo, đốt, hủy diệt, ngăn cấm, đồng hóa, thay màu, đổi sắc, trấn yểm, bạo lực, vây bủa, nắm tóc… Vua Quang Trung “Đánh cho để dài tóc”.

Hệ thống tượng các ngôi chùa cổ Việt, điện Mẫu tại các làng quê tận sơn cùng, thủy tận (đậm nét nhất là ở trung du, đồng bằng Bắc bộ, Bắc trung bộ, sang cả các vùng phía Nam sông Dương Tử, nay là Trung Quốc, địa bàn cư trú của người Việt thời Bách Việt) đều thờ cúng Tổ Tiên Bách Việt. Thể hiện bằng những pho tượng Tổ Tiên được nâng lên thành Mẫu, Ngọc Hoàng Thượng đế, Tiên, Phật, Thánh, Thần.

Các ngày sinh, ngày hóa của các vị Tổ Tiên có công được toàn dân đời đời kiếp kiếp tôn thờ, biến thành các lễ hội, cúng lễ quanh năm.

Việc trông nom phần mộ các vị Tổ Tiên Bách Việt có công, được các vị tộc trưởng họ Nguyễn ở Đại Lôi (tổng Sốm) truyền đời con cháu, như truyền tế bào máu của mình cho mãi mãi về sau. Đến thời Đinh năm 968 được Nhà nước Đinh Bộ Lĩnh chính thức công nhận, cấp ruộng trồng lúa lấy tiền thờ cúng, mở lễ hội, chăm phần mộ và phong Quốc công cho vị tộc trưởng Nguyễn Đức. Sự kiện này công khai tồn tại cùng các triều đại suốt nghìn năm đến 1907. Thế kỷ XX- XXI giao cho gia đình cụ Nguyễn Vân Tằng thuộc Vân Nội- Thanh Oai (tổng Sốm). Cụ Tằng giữ mả Tổ Tiên và đền thờ, di chỉ, di tích, thư tịch, phả cổ, đến hơi thở cuối cùng. Suốt mấy chục năm cuối đời, cụ Tằng đã cùng Nhóm sưu tập khảo cứu Những khám phá mới, nhận thức mới về Nguồn gốc dân tộc Việt và nền Văn Minh Việt cổ (Sách tư liệu gần 2000 trang) công bố thư tịch, phả cổ, bảo tồn những ngôi mộ Tổ Bách Việt.

Các nhà nghiên cứu tiền sử trong nhóm tiên phong: Đỗ Tòng, Tạ Việt Dũng, Đỗ Văn Bình, Đỗ Quang Hòa, Nguyễn Vân Tằng, Nguyễn Mạnh Can đã sử dụng những thành tựu khoa học hiện đại, phương pháp nghiên cứu đa ngành, đi khảo sát, ghi chép, xác định những địa danh, di tích, chứng tích của Tổ Tiên xa xưa qua (đình, đền, chùa, miếu, lăng mộ, thành quách cổ, khảo cổ…) bằng bản đồ, phim ảnh, ghi lời kể của các cụ, các vị hậu duệ trực tiếp phụng thờ, đo năng lượng sinh học, sưu tầm những nghiên cứu của các tác giả trong, ngoài nước… trong hàng chục năm tự bỏ công sức, tiền của để Đi Tìm Tổ Tiên Việt.

Nay Tổ Tiên Bách Việt đã tỏa hào quang rạng rỡ dẫn dắt cháu con tiếp tục Đi Tìm Tổ Tiên Việt.

Phần mộ cụ Đế Hòa (Hòa Hy) (cả cụ bà) ở chùa Cực Lạc cách chùa Tây Phương mấy trăm mét thuộc thôn Yên Lạc huyện Thạch Thất- Hà Nội ngày nay. Di vật trong chùa Cực Lạc có tượng người đàn bà choàng áo tơi bằng đồng. Chùa Cực Lạc đã bị hỏng, mới dựng lại. Điện thờ Thần Nông ở phía Nam chùa Cực Lạc.

Ban thờ đình Vân Lôi, xã Bình Yên- Thạch Thất có bốn chữ “Lịch đại Đế Vương” thờ Chủ trưởng người Việt đầu tiên. Trước sân chùa có giếng đá ong cổ đại. Dòng họ Hòa Hy là nhừng người Việt cổ đầu tiên đến đây. Khu đền đã bị giặc Pháp phá hủy, nay phục dựng lại.

Khu điện thờ Đế Viêm và các Anh Linh của Viêm Bang trong khu động Hoàng Xá ở Quốc Oai- Hà Nội ngày nay. Tượng Đế Viêm ở chùa Vàng- Quốc Oai. Khu di tích vua Thần Nông ở Chương Mỹ- Hà Nội ngày nay. Mộ Thần Nông ở cánh đồng trước chùa Trầm- Chương Mỹ. Cụm di tích chùa Trầm có tượng thờ Thần Nông.

Các khu mộ và đền miếu thờ Đức Thánh Cả, Đức Thánh Hai ( Đế Thừa- Sở Minh Công) và gia quyến tại vùng di tích ở Quang Lãm, Phú Lâm- Thanh Oai- Hà Nội ngày nay.

Chùa Liên Hoa- Hồ Tây có tượng thờ ba vị liệt tổ Nguyễn Minh Khiết (Đế Minh), Nguyễn Nghi Nhân (Đế Nghi), Nguyễn Long Cảnh (gọi là Tam phủ công đồng).

Khu di tích mộ và chùa thờ Đế Minh và Đế Nghi ở Định Công- Hà Nội.

Mộ miếu thờ Thần Long Đỗ ở số 3- Ngõ Gạch- Hoàn Kiếm- Hà Nội.

Khu gò Thiềm Thừ, khu miếu mộ cụ Đỗ Quý Thị- Hương Vân Cái Bồ Tát tại chùa Văn La và khu Ba La- Hà Đông- Hà Nội ngày nay đã được tôn tạo bảo tồn.

Điện thờ trong Động Tiên ở Lạc Thủy- Hòa Bình, nơi cụ Đỗ Thị Ngoan (Đỗ Quý Thị- Mẫu Hương Vân Cái Bồ Tát) tu hành.

Tượng cụ Đỗ Quý Thị Hương Vân Cái Bồ Tát và Nguyễn Lộc Tục bé thơ (Kinh Dương Vương) tại chùa Văn La- Hà Đông.

Cây bồ đề đại thụ hàng ngàn năm tuổi tại cổng chùa Văn La- Hà Đông.

Bộ tượng Bát Bộ Kim Cương hoành tráng, mỗi người một loại vũ khí trấn giữ Đất Nước tại chùa Tây Phương.

Đình Nghi Tàm, chùa Kim Liên ở Hồ Tây có bia và bài vị thờ Đế Minh (Nguyễn Minh Khiết, Đế Nghi (Nguyễn Nghi Nhân), Nguyễn Long Cảnh và Hương Vân Cái Bồ Tát, Kinh Dương Vương.

Trong bộ ảnh do nhóm sưu tập nghiên cứu thời tiền sử chụp và đo năng lượng, chúng tôi luôn thấy bóng dáng cụ Nguyễn Vân Tằng, trưởng tộc họ Nguyễn thôn Vân Nội (tổng Sốm) vạch cỏ, rẽ cây thắp khói nhang trên các ngôi mộ Tổ Tiên hoang vắng, nhưng phát linh bề thế, cao rộng, vững chãi. Lời cụ Tằng “Ai tàn phá mộ Tổ Tiên đều bị chết”.

Mộ Tổ Đức Thánh Tổ Nguyễn Lộc Tục- Kinh Dương Vương được kỹ sư Tạ Việt Dũng đo năng lượng bản chất “Thiên khí, Thái dương”. Đền thờ Kinh Dương Vương ở Thuận Thành- Bắc Ninh theo Thần phả ghi là “Lăng Đền”, không nói là “Lăng Mộ”.

Khu mộ Mẫu Thượng Ngàn tại vùng Ba La- Hà Đông năm 2008 còn chụp ảnh được, um tùm cây cổ thụ, có dấu xây bệ thờ, nay vừa bị san phẳng xây dự án chồng lấp. Cụ Tằng chụp ảnh trước ngôi mộ Mẫu Thường Ngàn bị san lấp, ngẩn ngơ, đau đớn và kinh sợ thay cho những ai xóa mộ Tổ Tiên.

Theo Nhóm nghiên cứu tiền sử, các vị Tiền Tổ Bách Việt là Tổ của Bách Việt chủ trì cả một cương vực rộng lớn Bách Việt từ phương Bắc xuống phương Nam. Một phần trong các cư dân Bách Việt đó đã bị chinh phục, đồng hóa. Còn một số bộ tộc thuộc dòng dõi Âu Việt, Lạc Việt ở phía Nam Bách Việt tồn tại kiên cưởng, bất khuất, lập nên Nhà nước Quốc hiệu Văn Lang do các thế hệ mang tên là Hùng Vương đương đầu.

Thư tịch cũ ghi Kinh Dương Vương là Ốc Tổ Bách Việt là Thánh Tổ bắt đầu mười tám triều đại Hùng mà Hùng Hiển Vương (tức Sùng Lãm- Lạc Long Quân) đứng đầu. Hùng Hiển Vương và Âu Cơ với cái bọc “Một trăm trứng” sinh ra một trăm đời Hùng về sau.

Phả cổ ghi:

Mở đầu Nam Việt có Kinh Dương
Thống nhất non sông mười tám vương
Trên một trăm đời truyền ngôi báu
Vạn năm hương hỏa, vạn năm thơm

Làng cổ Bình Đà- Thanh Oai có Đình Nội thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân. Mộ Lạc Long Quân linh khí phát thiêng, hoành tráng nổi lên giữa một vùng đồng lúa gọi là Ba Gò (Gò Ba Đống) cách Đền Nội vài cây số, đang được UBND thành phố Hà Nội bảo tồn tôn tạo linh tích báu Quốc gia. Kỹ sư Tạ Việt Dũng đo năng lượng “Vận động sóng mạnh, Thiên khí, Thái Dương, vận khí nhân tài, khoa học, quân sự, trí tuệ, tâm hồn”.

Tổ Mẫu Âu Cơ vợ Lạc Long Quân là người hiền đức, kế nghiệp mẹ chồng Hồng Đăng Ngàn (cùng ở Động Đình Hồ về Phong Châu) dạy dân nuôi tằm, dệt vải, chăm sóc các gia đình binh lính theo Lạc Long Quân đi dẹp giặc nội, ngoại xâm, nên dân gọi bà là Bà Chúa Lính. Bà mất ngày mồng 5 tháng 5 Âm lịch. Mỗi làng cúng một ngày kéo dài đến 20 tháng 5 gọi là Tiết (Tết) Đoan Ngọ.

Mộ Tổ Mẫu Âu Cơ ở chùa Tường Quang Tự thôn Thượng Mạo- Động Lãm- Thanh Oai- Hà Nội ngày nay. Kỹ sư địa chất TạViệt Dũng đo năng lượng “Thái âm, Địa khí, sóng rất mạnh về giáo dục, khoa học”.

Chùa Huyền Kỳ làng Huyễn Kỳ, xã Phú Lãm, huyện Thanh Oai (nay là phường Phú Lãm, quận Hà Đông- Hà Nội) có điện thờ Bà Chúa Mía là (Mẫu Âu Cơ).

Liệt Tổ Hùng Quốc Vương và các đời sau đến hết thời nhà Hùng ở vùng tổng Sốm- Thanh Oai còn nhiều dấu tích, đình, đền, miếu chùa, mộ, giếng nước cổ.

Câu đối đình Do Lộ xã Yên Nghĩa- Thanh Oai- Hà Nội ghi, Viện Hán Nôm dịch:

1. Đây là một trong 72 ngôi đền ở Trời Nam, lưu lại dấu thiêng của vua Hùng, nhiều đời phong tặng rạng rỡ điển chương.

2. Đây là nơi phân ra ba nhánh sông Hát xưa, đất đẹp kỳ quan, rạng rỡ ngàn năm ghi dấu Hồng Lạc.

Hùng Quốc Vương (Nguyễn Lãm) con trưởng Lạc Long Quân thay cha làm vua nước Văn Lang, dạy dân cày cấy, đánh cá, đúc đồng và truyền nối dòng họ Hùng Vương các đời sau.

Với những chứng tích phát hiện và sưu tập, nhóm nghiên cứu tiền sử nhận định Trung tâm định đô của các thế hệ Hùng Vương là ở các vùng Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ (thời trước Kinh Dương Vương). Từ Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân đến triều cuối nhà Hùng Quốc hiệu Văn Lang phần lớn đều tập trung ở vùng đất Thanh Oai- Hà Nội ngày nay, sau đó lên Phú Thọ và các vùng khác.

Vùng đất Thanh Oai là nơi Cao Biền quan tâm trấn yểm nhiều nhất để triệt hạ vùng Đại Long Mạch của nước ta. Thanh Oai, nơi mà dân ta coi là nơi tụ khí thiêng sông núi, nơi phát sinh những hiền tài của Đất Nước, nên Cao Biền đã trấn yểm và viết sách báo về vua Trung Quốc như sau:

Thứ nhất Đất Thanh Oai:

“Trong ấp Thanh Oai hình thế rất lạ/ Thủy vượng bốn phương, án phát tam quy/ Mạch kết bên hữu, khí dụng phía tả/ Thần đồng đứng trước, quỷ sứ nối sau/ Bảng vàng sớm chiếm, phúc lộc dồi dào/ Nên phòng mạch tận, không con nối dòng”.

Thứ hai Đất Cao Xá:

“Thanh Oai Cáo Xá, thật có quý địa/ Nước khe theo mạch về nơi đất bằng/ Hoa nở bên Bạch Hổ, sao hiện bên Thanh Long/ Sơn thủy dồi dào, khí thế sung mãn/ Cần gì hợp biểu, ngưu giác loan cung/ Chủ khách đều tốt, tả hữu một lòng/ Lòng hoa rộng mở, thế phát anh hùng/ Văn chiếm đầu bảng, võ chiếm nguyên nhung/ Sống lâu phú quý, lập nhiều kỳ công”.

Càng Đi Tìm Tổ Tiên Việt chúng ta càng phát hiện những tri thức, tài năng lớn của Tổ Tiên Bách Việt đã khai mở và xây dựng nền Văn Minh Lúa Nước Sông Hồng đầu tiên của Nhân loại là huyết mạch nối tiếp các thế hệ người Việt hôm nay và mai sau để bảo tồn nòi giống, bảo vệ và giữ gìn Đất Nước Giống Nòi trường tồn.





VVM.13.2.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com