Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



NHỮNG NGƯỜI PHỤ NỮ
TRONG ĐỜI CỦA DOSTOEVSKY


N gay từ khi Dostoevsky còn sống, đã có nhiều chuyện thêu dệt về đời sống ái tình của thiên tài này trong giới trí thức, văn nghệ sĩ Nga cuối thế kỷ XIX. Trong các tác phẩm bất hủ của ông có rất nhiều mâu thuẫn, xung đột và những mối quan hệ đàn ông-đàn bà phức tạp. Có thể nói, phụ nữ đóng một vai trò vô cùng to lớn và quan trọng trong cuộc đời cũng như trong tác phẩm của Dostoevsky.

    Mọi sự đều có gốc rễ từ thuở thiếu thời. Dostoevski sớm nhận ra cung cách gia trưởng ngự trị trong gia đình mình. Cha ông có tính đa nghi bệnh hoạn, uống rượu như hũ chìm, bồ bịch với đủ các hạng người, từ quí tộc đến đám dân đen bần hàn, và còn cả những cơn điên khùng bột phát. Tất cả những chuyện này xảy ra trước mắt người mẹ đau yếu, đang tàn lụi dần, người mẹ mà Dostoevsky tôn sùng như thần thánh. Ông căm thù cha và, từ trong vô thức, mong chờ cái chết của cha. Ðiều này đã bào mòn sự cân bằng tinh thần vốn rất dễ tổn thương của nhà văn tương lai. Sau khi cha ông bị nông dân giết hại một cách dã man, Dostoevsky bị chấn động và đã ốm một trận thập tử nhất sinh. Với ông, thảm kịch này chứa đựng bạo lực, sự đồi trụy, tệ nghiện rượu và cả mong ước thầm kín của ông. Trong bối cảnh đó, người mẹ đã khuất trở thành thần tượng trong nhận thức và suy nghĩ của ông. Thành công của thiên truyện vừa Những kẻ bần hàn đã mở ra trước nhà văn trẻ những cánh cửa sán lạn nhất của đời sống quí tộc giới thượng lưu Petersburg.

    Ngày 16 tháng 11 năm 1845, chàng thanh niên trẻ hai mươi bốn tuổi Dostoevsky làm quen với tiểu thư Avdotia Iakovlevna Panaeva và phải lòng lần đầu tiên trong đời. Tình cảm mới mẻ và mãnh liệt đến mức anh lo sợ cho tình trạng sức khỏe của mình có thể dẫn đến những cơn bột phát thần kinh hoặc thậm chí động kinh. Song, Panaeva lúc nào cũng có hàng tá những người ngưỡng mộ giàu có và nổi tiếng vây quanh. Dostoevsky nhanh chóng nhận ra địa vị thấp hèn của mình và mất hết hy vọng vào tình yêu đáp lại từ phía Panaeva. Hơn nữa, thành công của Những kẻ bần hàn cũng nhanh chóng rơi vào quên lãng. Những cuốn sách sau đó chìm nghỉm, không gây được chút tiếng tăm gì. Bản tính hay tự ái, dễ nổi nóng và kiềm chế bản thân kém khiến Dostoevsky trở thành đối tượng cho những lời chế giễu chua cay, thâm độc. Ðiều này càng làm cho anh khó tiếp cận được người mình yêu. Thất bại của mối tình đầu mang màu sắc ảm đạm, bệnh hoạn. Nhưng nhờ vậy, nhà văn trẻ đã tìm ra được lối thoát cho những dục vọng sôi sục của mình, không phải bằng việc chiếm đoạt thể xác người phụ nữ, mà bằng những mơ mộng viển vông. Ðiều này được thể hiện rất rõ qua tác phẩm Những đêm trắng.

    Tuy vậy, Dostoevsky không chỉ mơ tưởng một mối tình thuần khiết, cao thượng. Khi còn phục vụ trong quân đội Sa hoàng, những bữa nhậu nhẹt đánh chén của cánh sĩ quan thời đó thường được kết thúc trong các nhà thổ. Chàng sĩ quan trẻ Dostoevsky không ngoại lệ. Anh rất nhạy cảm, mơ mộng, nhưng lại đam mê nhục dục. Tính hai mặt trong nhân cách này vẫn thường ygiày vò anh: Bản chất mơ mộng của con người thích lý tưởng hóa kết hợp với những ham muốn xác thịt gây nên mặc cảm tội lỗi thường xuyên.


    Năm 1854, sau khi bị đi đày về, Dostoevsky, lúc đó ba mươi tuổi, ngụ tại tỉnh lỵ Semipalatinsk. Ðã lâu không được sống trong thế giới phụ nữ, chỉ tiếp xúc với sự ô trọc, rác rưởi tại những nơi đi đày, ông mơ ước đến một người phụ nữ lý tưởng. Tại căn hộ của đại úy Belinkov, Dostoevsky dã làm quen với Aleksandr Ivanovich Isaev, một giáo viên trung học, và vợ của ông ta - Maria Dmitrievna, năm đó 28 tuổi. Isaev sa đà nghiện ngập, điều mà xã hội tỉnh lỵ hoàn toàn không chấp nhận. Vì lẽ đó, vợ ông ta luôn khổ tâm, dằn vặt. Maria trông khá xinh xắn, rất tình cảm, có duyên và có giáo dục. Vẻ ngoài ốm yếu, mảnh mai của cô khiến Dostoevsky nhớ đến mẹ mình. Ông thường có ý muốn được bảo vệ, che chở cho cô. Sự hòa hợp giữa nữ tính và vẻ ngây thơ của Maria khiến ông xúc động, đến mức bản tính hay cáu bẳn, tâm tình thay đổi như thời tiết của Maria, ông cũng không coi là quan trọng. Và thế là một giai đoạn dai dẳng, đầy đau khổ trong cuộc đời nhà văn bắt đầu. Nó khiến Dostoevsky trở nên trống rỗng, thui chột mọi ý chí trong ông. Dostoevsky say đắm, “chết mê chết mệt” vì tình. Ông ngồi lì hàng giờ liền tại nhà Isaev, im lặng ngắm nhìn Maria. Tất cả những ước muốn dục tính không được thỏa mãn, những ảo tưởng lãng mạn và những mơ mộng thầm kín của ông dồn cả vào người phụ nữ đang đau khổ này. Song, mặc dù rất thân với nhà văn, Mairia không hề yêu ông. Năm 1855, chồng Maria bất ngờ bị chuyển công tác sang một tỉnh khác. Dostoevsky tất nhiên không thể khăn gói theo họ được. Nỗi thất vọng tràn trề được bộc lộ qua các bức thư ông viết gần như hàng ngày cho người mình yêu. Mặc dù bản tính vốn dễ si mê, trong giai đoạn này, Dostoevsky hầu như không để mắt tới người phụ nữ nào khác, kể cả tình cảm lộ liễu mà Marina, cô học sinh trẻ trung, kháu khỉnh người Ba Lan ông nhận dạy thêm, đã dành cho ông. Ông mơ ước đến hôn nhân, đến một hạnh phúc gia đình trong sạch. Tuy vậy, sau khi chồng qua đời, Maria không muốn đi thêm bước nữa. Dostoevsky không phải là một đối tượng lí tưởng: một sĩ quan hạng quèn bị tước danh hiệu quí tộc và đã từng bị tù khổ sai. Sách của ông, Maria không thèm đọc. Tính tình của người đàn bà này xấu đi từng ngày. Cô trở nên hay cáu giận một cách đáng sợ. Thời kì này, cô cũng bắt đầu có những triệu chứng của bệnh lao. Dostoevsky tưởng như phát điên lên được vì tính thiếu quả quyết của Maria. Thất vọng, chán chường về mặt tình cảm, ông lại còn phải đương đầu với tình trạng khó khăn về mặt tài chính. Như một con bạc khát nước, ông đặt cược tất cả vào mối tình với Maria và bất chấp mọi chuyện, kể cả việc cô có quan hệ với một viên bá tước tên Vergunov. Năm 1865, vào lúc Dostoevsky hoàn toàn hết hi vọng, Maria bỗng nhiên đồng ý kết duyên với nhà văn. Tiếp theo đó là khoảng thời gian mà Dostoevsky chỉ nghĩ đến chuyện kiếm đâu ra tiền cho việc tổ chức đám cưới. Ông không mảy may nghi ngờ tình cảm của cô dâu. Cuối cùng, tiền cũng có và đám cưới được tiến hành. Ông thú nhận, trong thời gian cuối này, hy vọng vào đám cưới là nguồn sống duy nhất của ông. Song, sự căng thẳng lo âu đã dẫn đến một cơn động kinh khủng khiếp của Dostoevsky, khiến Maria cũng bị ngất xỉu. Bác sĩ nói rằng cơn động kinh như vậy có thể dẫn đến tử vong. Ngay sau đó, Dostoevsky phải hứng chịu một trận thác lũ nước mắt và những lời mắng mỏ từ phía cô dâu mới. Tại sao ông lại che giấu căn bệnh động kinh của mình? Ông rất xấu hổ vì điều này. Maria, đối với ông, là người phụ nữ đầu tiên mà quan hệ được xây dựng không phải do sự tình cờ, hấp tấp. Nhưng chẳng bao lâu sau lễ cưới, ông nhanh chóng hiểu ra rằng cô không biết cách chia sẻ tình cảm với ông. Tháng trăng mật không đem lại gì cho ông ngoài sự thất vọng tràn trề. Những yếu tố bệnh lý của chồng làm cho Maria bực tức, mặc dù nguyên nhân phần lớn do chính cô gây ra. Bản tính hay cáu bẳn, dễ bị tổn thương của Maria dần dần biến thành những cơn thịnh nộ bột phát thường xuyên. Cộng thêm vào đó là bệnh phổi tiến triển ngày càng nặng hơn, và cô không thể có con được. Nếu Dostoevsky vui vẻ, Maria lập tức sầu não. Cô không chấp nhận việc nhà văn ngồi vào bàn viết. Cuộc hôn nhân của họ trở nên nặng nề kinh khủng.

    Từ năm 1860, sau khi chuyển về Petersburg, Dostoevsky đã lấy lại được sự tự tin vào bản thân mình. Trong một buổi dạ hội, ông gặp Apollinaria Polina Suslova, một thiếu nữ trẻ, xinh đẹp, với hai bím tóc màu hung tuyệt vời và đôi mắt thông minh, nghiêm nghị. Cô lúc đó hăm hai tuổi, đang theo học trường tổng hợp. Giữa hai người nhanh chóng hình thành mối thiện cảm. Chẳng bao lâu sau, cô mạnh dạn viết cho nhà văn một bức tỏ tình và được ông đáp lại. Vẻ trẻ trung tươi mát của thiếu nữ đã chinh phục được trái tim nhà văn tứ tuần. Vả lại, Dostoevsky luôn có cảm tình với những thiếu nữ trẻ trung. Chính vì thế mà trong nhiều tác phẩm của mình, ông để cho các nhân vật nam đứng tuổi phải lòng các cô gái mới lớn.

    Tình cảm của Dostoevsky đối với Suslova ngày một nồng nàn. Tuy vậy, Suslova không tìm thấy ở ông một người tình đẹp trai, hào hoa phong nhã. Cô chỉ thấy một nhà văn vĩ đại với danh tiếng đang lên và cảm nhận được sức mạnh trong các tác phẩm của ông. Cô cũng khâm phục trí thông minh và khả năng văn chương siêu phàm nơi ông. Chính những điều này đã cuốn hút Suslova đến với nhà văn mặc dù ông chẳng lấy gì làm điển trai, không còn trẻ trung, thậm chí còn ốm đau và bệnh tật. Suslova chịu phục nhà văn và nhà tư tưởng trong Dostoevsky. Có thể nói, về mặt tinh thần, hai người hoàn toàn tâm đầu ý hợp. Nhưng về mặt thể xác họ lại không tương xứng. Dostoevsky đánh thức tính nhạy cảm của Suslova, mở ra cho cô thế giới của tình yêu thể xác. Song những mặt bệnh hoạn trong con người nhà văn khiến cô kinh hãi. Hơn nữa, ông cũng không dấu cô những lo lắng về người vợ của mình. Ông rất lo sợ Maria biết được mối quan hệ giữa họ. Những điều này làm Suslova bực mình. Cô ngấm ngầm căm ghét người đàn bà ốm yếu đó và không muốn nghe bất cứ lời giải thích nào của Dostoevsky lí do ông không thể ly dị được vợ. Cô đã hi sinh tất cả cho ông, nhưng cuộc sống của ông lại không hề có thay đổi gì! Giữa hai người họ đã xảy ra xung đột: Dostoevsky muốn Suslova phục tùng ông hoàn toàn, nhưng, là một phụ nữ có cá tính độc lập, cô không chấp nhận điều đó. Bởi vậy, tình cảm của cô đối với ông lúc này đã chuyển sang lòng căm thù.

    Mùa hè năm 1863, với một tài sản eo hẹp, Dostoevsky lên đường sang Paris, thủ đô hoa lệ nhất châu Âu thời đó, thăm Suslova. Trên đường đi, ông dừng lại Wiesbaden thử vận và đã thắng 5 ngàn quan. Khi hai người gặp lại, Suslova thú nhận với ông tình yêu đơn phương cô dành cho Salvador, một sinh viên Tây Ban Nha. Nhưng đối với Dostoevsky, sự phản bội của người yêu chỉ càng làm cho cô trở nên quyến rũ hơn, khêu gợi hơn. Suslova cảm nhận được tâm trạng này của ông và kiên quyết từ chối sự chung đụng thể xác. Khi họ cùng nhau đến Wiesbaden, Suslova càng đối xử độc địa hơn. Cô trút hết sự thất vọng lên ông. Vào thời điểm này, Dostoevsky thấy rõ rằng Suslova đã tuột khỏi tay ông. Ðầu năm 1864, ông quay trở về nước để chăm sóc người vợ nửa tỉnh, nửa điên đang hấp hối của mình. Ở đây, cuộc sống của ông chẳng khác gì địa ngục. Trong những ngày cuối cùng trước khi chết, vợ ông gần như mất trí hoàn toàn. Bị vây bủa bởi lòng căm thù chồng, bà hét mắng ông, “Thằng tù khổ sai! Thằng tù khổ sai đốn mạt!”

    Vài tháng sau khi chôn cất vợ, Dostoevsky ngỏ lời cầu hôn với Suslova và cô đã cự tuyệt. Tuyệt vọng, ông lao vào cờ bạc và thua liên miên. Bệnh tật quay trở lại, biến ông trở thành yếu đuối như một đứa trẻ. Sau những cơn động kinh, Dostoevsky rơi vào trạng thái buồn chán. Ông cảm thấy mình là một kẻ tội phạm vừa phủi tay sau một tội ác kinh khủng. Apollinaria Suslova trở thành mẫu cho nhiều nhân vật trong tiểu thuyết của Dostoevsky: Polina trong Con bạc, Dunya trong Tội ác và hình phạt, Aglaya trong Thằng ngốc.

    Cuối năm 1864 đối với ông thật khủng khiếp. Vợ chết, người yêu bỏ ra đi. Ông lao vào các cuộc tình dễ dãi, thoảng qua. Ông gặp Marta Brau - một phụ nữ đã đi khắp Châu Âu và có rất nhiều mối quan hệ phức tạp, thậm chí cả với thế giới tội phạm. Marta đã từng đính hôn với một công dân Mỹ. Không ai rõ cô đến Nga bằng cách nào. Tại đây, sau khi thay nhiều tình nhân, cô lọt vào giới văn nghệ sĩ thủ đô. Dostoevsky làm quen với Marta thông qua nhà báo Goski sau khi anh này “thải” cô ra. Cô trở thành người không tiền, thậm chí không cả mái nhà che đầu. Dostoevsky mời cô về ở với mình. Mặc dù rất tôn thờ những phụ nữ thánh thiện, nhưng Dostoevsky cũng rất dễ dàng có quan hệ với những người đàn bà của “đường phố”. Ông bị họ cuốn hút bởi tính nhục dục không chút ngượng ngùng. Sự thích thú đối với gái làng chơi đủ loại kéo dài nhiều năm trong cuộc đời nhà văn. Mối quan hệ của Dostoevsky và Marta kéo dài không lâu. Và cô là người đàn bà sa đọa cuối cùng trong cuộc đời của nhà văn.

    Năm 1865 - 1866 là hai năm mà nhà văn làm việc rất nhiều và có hiệu quả. Ông không còn thời gian để chép lại bản thảo. Theo lời khuyên của một người bạn văn chương, ông quyết định tuyển một thư ký ghi nhanh. Ông thầy dạy ghi tốc ký Olkhin đã mời cho nhà văn cô học trò giỏi nhất, rất trẻ trung của mình - Anna Grigorievna Snitkina. Cô mới tròn hai mươi tuổi. Cô cũng biết rằng tính cách của ông rất không bình thường và tiền công không cao. Song, đây lại là nhà văn danh tiếng Dostoevsky!

    Ngày 04.10.1866, cô gái lần đầu tiên đặt chân tới căn hộ của nhà văn tại ngõ Stalova. Cô lo lắng và hồi hộp kinh khủng, cả đêm trước không thể chợp mắt nổi. Dostoevsky trông trẻ trung hơn cô tưởng, nhưng lại rất đãng trí và thiếu kiên nhẫn. Ông mãi không nhớ nổi tên cô. Ấn tượng đầu tiên khá nặng nề. Nhưng lần thứ hai cô đến thì mọi chuyện hoàn toàn khác. Dostoevsky và Anna nói chuyện với nhau rất nhiều. Nhà văn hết sức cởi mở kể về quãng đời lưu đày của mình, về cái án ông phải chịu và được tha bổng ra làm sao. Những điều này, trước đây ông chưa hề thổ lộ cho bất kỳ ai. Anna biết cách lắng nghe và tình cảm nảy sinh từ những gì được nghe thấy biểu lộ rõ trên khuôn mặt cô. Hai người trở nên dễ chịu và tự nhiên trong ứng xử. Sau bốn tuần, việc sửa chữa lại bản thảo tiểu thuyết Con bạc hoàn thành. Cả hai cảm thấy một nỗi sợ vô hình len lỏi vào tâm trí khi nghĩ đến chuyện chia tay. Lần đầu tiên sau nhiều năm, Dostoevsky lại gặp được một sự đồng cảm chân thành. Tháng 11 năm 1866, Anna thông báo rằng cô đã tìm được một công việc khác. Dostoevsky vừa lo lắng vừa bồn chồn, nói năng ấp a ấp úng khi bày tỏ tình cảm của mình, và đề nghị được cưới cô làm vợ. Không hề đắn đo suy nghĩ, Anna đồng ý vì biết rằng cô sẽ yêu ông suốt đời. Ngày 15.02.1867, họ làm lễ thành hôn tại nhà thờ thánh Ba ngôi Ismailovski với sự có mặt đầy đủ của bạn bè thân thích và họ hàng.

    Cuộc sống gia đình của đôi vợ chồng trẻ bắt đầu hết sức khó khăn. Nếu ở địa vị người khác thì rất có thể họ đã phải chia tay rồi. Thêm vào đó, họ hàng và người thân của nhà văn không để cho đôi vợ chồng mới cưới được yên. Họ xét nét từng đường đi nước bước của Anna, chê cô không biết quản gia nội trợ. Nhưng sự giày vò nặng nề nhất lại là tính hay ghen bóng gió của Dostoevsky. Sợ bị mất người mình yêu như hai lần trước, ông luôn luôn đòi hỏi cô chứng minh tình yêu của mình. Trong con người ông bùng cháy ngọn lửa của một người chủ sở hữu, đặc biệt trong chuyện chăn gối. Ông cố gắng trói buộc cả linh hồn và thể xác của vợ. Ðồng thời, ông cũng đau khổ vì sự cách biệt nhiều về tuổi tác giữa hai người. Chỉ có sự chống đối mãnh liệt từ phía Anna mới thay đổi được tình thế. Ngày 14 tháng 4 năm 1967, họ lên đường ra nước ngoài trước sự phản đối kịch liệt của họ hàng, người thân. Anna cầm các đồ nữ trang, quần áo, đồ gỗ trong nhà và với số tiền đó, hai người lên đường. Mọi cái ở châu Âu đều khiến người vợ trẻ thích thú, quan tâm, nhưng lại làm Dostoevsky cáu bẳn. Ngay từ khi bắt đầu chuyến đi, nhà văn đã lâm vào trạng thái tinh thần bị ức chế, và ông cũng rất trách mình vì điều này. Trong những giây phút đó, ông rất cần tới những lời âu yếm, động viên. Anna nhẫn nhục chịu đựng những cơn bực dọc nhỏ nhặt đó. Dần dần, Dostoevsky trở nên gắn bó hơn với vợ và tìm ra được vẻ đẹp tuyệt diệu trong một cuộc sống không hối hả, ung dung. Về phần mình, Anna không thể hình dung được những điều đang chờ đợi cô trong hôn nhân: sự ghen tị và tính đa nghi, những cơn động kinh thường xuyên, và điều khủng khiếp nhất là tật cờ bạc của chồng mình. Ông lao đầu vào các sòng bạc tại Hamburg và Baden-Baden. Dostoevsky một mực khăng khăng rằng ông nắm được qui luật của trò đen đỏ, và không sớm thì muộn ông cũng thắng đậm. Nhưng ông chỉ toàn thua. Ngày nào ông cũng phải tới hiệu cầm đồ, khi thì đồng hồ, lúc lại đồ vật của vợ - khuyên tai, đồ trang sức (quà cưới của hai vợ chồng). Ngay cả những đồ dùng thường ngày cũng dần dần phải đội nón ra đi. Anna xem đây là một căn bệnh trầm trọng. Cô tiếc đến phát khóc những đồ trang sức của mình. Cô phải chi ly tính toán từng đồng để sinh sống, để giúp chồng đứng vững không rơi xuống vực thẳm của thất vọng.

    Tháng 02 năm 1868, tại Genova, Anna sinh được một bé gái, đặt tên là Sonja. Cô bé chỉ sống được ba tháng. Ðây là một đòn rất nặng đối với họ. Dostoevsky và Anna trở nên thù địch với tất cả mọi người. Họ quyết định sang Ý, song ở đây họ không tìm được chỗ đứng cho mình. Chỉ đến khi sinh hạ thêm được cô con gái Ljuba vào tháng 09 năm 1869, cuộc sống của họ mới trở nên có ý nghĩa. Song, họ sống bữa no bữa đói, không đủ tiền để làm lễ đặt tên thánh cho con. Khi bản thảo cuốn tiểu thuyết Thằng ngốc hoàn thành, thậm chí họ không đủ tiền để gửi nó đến tòa soạn tạp chí Người truyền tin nước Nga.

    Mùa xuân năm 1871, tại Wiesbaden, Dostoevsky hoàn thành cuốn tiểu thuyết Lũ quỉ. Và cũng tại thời điểm này, lần cuối cùng, ông đã chơi cháy túi. Từ đó trở đi, ông không bao giờ ngồi vào sòng bạc nữa. Chính mặc cảm tội lỗi đối với vợ đã chữa khỏi tật cờ bạc của Dostoevsky. Sau khi trở về Petersburg, ngoài việc chăm nom trẻ con, Anna phải xắn tay thu vén mọi công việc của chồng. Cô lo trả các món nợ chồng chất, tránh cho nhà văn khỏi những cuộc truy đuổi của các chủ nợ. Nhờ vậy Dostoevsky đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết tuyệt vời nhất của mình: Anh em nhà Karamazov.

    Cho đến những ngày cuối cuộc đời, Dostoevsky vẫn giữ nguyên tính khí cũng như nhiệt huyết của mình. Ðiều thay đổi duy nhất là nhà văn thường xuyên cầu nguyện hơn.




VVM.13.2.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com