Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             





NGUYỄN DU-HỒ XUÂN HƯƠNG;

CUỘC TÌNH THƠ HAY ẢO MỘNG ?




N hân xem bài viết về Hồ Xuân Hương trên tạp chí Kiến thức Ngày Nay số 663, một bạn văn chương đã gửi cho tôi bản chụp tập thơ chép tay Lưu Hương kí . Tập thơ mỏng viết bút lông, chữ không đẹp nhưng rõ là của một đồ sinh. Tập thơ có nhiều bài ghi lại mối quan hệ tình cảm với nhiều bạn thơ, bạn tình… ; đặc biệt ở trang 6, có bài Cảm cựu kiêm trình Cần Chánh Học Sĩ Nguyễn Hầu - Hầu Nghi Xuân Tiên Điền nhân.

MỘT TẬP THƠ – MỘT BÀI THƠ NÔM GÂY NHIỀU NGHI VẤN.

Cũng như hết thảy 28 bài thơ nôm trong Lưu Hương kí, đầu đề bài thơ này viết bằng chữ Hán nhưng các câu thơ trong bài lại là chữ Nôm:



Quả là nôm na. Từ khi có chữ Nôm - để viết loại chữ này - các đồ sinh tuy rập theo một số cách thống nhất đã có từ trước nhưng rồi vẫn không tránh khỏi những tùy tiện riêng lúc vận dụng vốn chữ Hán có sẵn của mình để kí âm tiếng Việt. Mỗi người dùng một kiểu riêng nên ngày càng phát sinh thêm nhiều cách viết cho mỗi chữ. Kết quả là nhiều bản chữ Nôm trong văn học cổ nước ta cũng như ở bài thơ này có khá nhiều dị biệt; ví dụ:


- Ở câu 2, chữ “ai” (người nào) thường viết: lại được viết là (đau buồn);

- Ở câu 3, chữ “chữ” đáng ra viết 𡨸như thường dùng thì đã lấy nguyên chữ (tự) của chữ Hán;

- Ở đầu câu 7, chữ “mảy” đáng phải viết là 𡮳 thì lại viết là ; Chữ “chút” đáng ra viết là thì lại được viết là chữ tiểu đặt lên đầu chữ chuyết;

- Chữ “mấy” ở cuối câu 7 đã dùng chữ 貝 (bối) để kí âm…


Thứ đến là nạn tam sao thất bổn: Bản nôm đang dùng để viết bài này là bản chép lại vào những năm 60 của thế kỉ trước cũng như bản nôm mang kí hiệu HN 336 đang lưu tại Thư viện Viện Văn học có lẽ không phải là thủ bút của Hồ Xuân Hương. Tương tự các bản văn nôm khác, Lưu hương kí có thể đã được chép tay lại nhiều lần. Mỗi lần chép lại là một lần sai lệch. ..

Chữ viết trong bài thơ nôm trên không có gì sai song cách viết một số chữ ít thông dụng. Căn cứ trên phiên âm của các công trình nghiên cứu trước, để đọc cho rõ hơn, xin tạm viết lại bài thơ nôm của Hồ Xuân Hương gửi Nguyễn Du như sau:



Cảm cựu kiêm trình Cần Chánh Học Sĩ Nguyễn Hầu

- Hầu: Nghi Xuân, Tiên Ðiền nhân.


(Nhớ người xưa và gửi Cần Chánh Học Sĩ Nguyễn Hầu
- Hầu người làng Tiên Điền; huyện Nghi Xuân)


Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung, 
Mượn ai tới đấy gửi cho cùng.

Chữ tình chốc đã ba năm vẹn, 
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không.

Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập, 
Phấn son càng tủi phận long đong.

Biết còn mảy chút sương siu mấy, (1)
Lầu Nguyệt năm canh chiếc bóng chong.


Đúng thật là bài thơ gửi Nguyễn Du bởi không thể có ai khác ở Nghi Xuân, Tiên Điền mà được phong đến tước Hầu và lại giữ chức Cần Chánh Học Sĩ.

Cả trăm năm trước không ai bàn đến cuộc tình Nguyễn Du-Hồ Xuân Hương. Mãi đến năm 1964, ông Trần Thanh Mại mới tình cờ phát hiện được tập Lưu Hương kí gồm 24 bài thơ chữ Hán và 28 bài thơ chữ Nôm.

Lai lịch việc phát hiện ấy được kể lại như sau:

" Khoảng năm 1956-1957, ông Nguyễn Văn Tú là cử nhân Hán học, quê ở Hành Thiện là một làng có trình độ văn học bậc nhất thời xưa, thấy trong tủ sách gia đình có tập LƯU HƯONG KÝ mang chú dẫn Hoan Trung Cổ Nguyệt đường Xuân Hương nữ sử tập 流香記 - 獾中古月堂春香女史輯. Với lòng yêu dân tộc, bảo tồn văn hóa gốc, ông đã không những đóng lại cẩn thận mà còn gửi cho Ban Nghiên cứu Văn Sử Địa đã thành lập ở Hà Nội. Nhưng sách không có người chú ý đến. Đến năm 1963, sau khi phát hiện bài tựa của Tốn Phong(2), Trần Thanh Mại mong muốn tìm văn bản tập thơ thì chính ông Nguyễn Văn Tú đã cho hay rằng sách ấy vẫn nằm trong tủ Ban Văn học đã 15 năm (3),

Những năm đầu thập niên 60, ông Trần Thanh Mại là Tổ trưởng Tổ nghiên cứu văn học cổ cận đại - Viện Văn học cùng ông Kiều Thu Hoạch khi ấy là cán bộ phụ trách công tác tư liệu dịch Hán-Nôm đã dịch Lưu Hương ký. Từ 1961 đến 1964, ông Trần Thanh Mại đã viết 4 bài về Hồ Xuân Hương đăng trên tạp chí Nghiên cứu văn học: "Thử bàn lại vấn đề tục và dâm trong thơ Hồ Xuân Hương"(số 4/1961), "Phải chăng Hồ Xuân Hương còn là một nhà thơ chữ Hán?" (số 3/1963), “Trở lại vấn đề Hồ Xuân Hương”(số 10/1964),"Bản Lưu Hương Ký và lai lịch phát hiện nó” (số 11/1964). Trong bài viết năm 1964,Trần Thanh Mại đã công bố bản dịch và phiên âm 16 bài trong số 52 bài thơ của Lưu Hương kí. Cũng trong bài viết này ông Trần Thanh Mại có kể rõ chuyện phát hiện được tập Lưu Hương ký

Ở Paris năm 1988, GS. Hoàng Xuân Hãn đọc được các bài viết trên bèn uỷ thác GS Tạ Trọng Hiệp, từ Pháp về Việt Nam xin chụp hoặc chép lại  Lưu Hương ký nhưng khi GS Hiệp về đến thì ông Đào Thái Tôn là người đang giữ tập thơ lại đi vắng. Viện Văn học không tìm được tập thơ. Các chuyên gia về văn học cổ Việt Nam lúc đó cho rằng Lưu Hương kí đã mất. Thật sự là sau khi Trần Thanh Mại mất thì ông Hồ Tuấn Niêm là người kế tục công tác nghiên cứu Hồ Xuân Hương và là người giữ công việc gần như quản thủ thư viện sách Hán Nôm của Viện Văn học đã đem theo trong ba lô cuốn Lưu Hương ký  trong những năm sơ tán tránh bom Mỹ mà không để lại Hà Nội một bản chụp nào cả. Về sau, trước khi mất, ông Niêm đã trao lại Lưu Hương Ký cho ông Đào Thái Tôn tiếp tục nghiên cứu. Ngày 27/10/2008 tập thơ đã được giao lại Viện Văn học (4).

Tiếc thay người mong mỏi được đọc Lưu Hương kí là GS. Hoàng Xuân Hãn lúc này không còn trên cõi đời.

Trở lại bài thơ Cảm cựu kiêm trình Cần Chánh Học Sĩ Nguyễn Hầu nêu trên ta có thể suy đoán để hiểu được tâm tình của Hồ Xuân Hương. Trước hết hãy xem đầu đề “cảm cựu kiêm trình…” : quả Hồ Xuân Hương đã rất e dè khi dặt bút viết thư; muốn nhắc lại tình xưa mà người mình yêu lại đang là một đại quan triều đình, chức tước to quá khiến nàng phải cẩn trọng.

Lúc này không biết Hồ Xuân Hương sinh sống bằng cách nào. Căn cứ lai lịch truyền tụng, chỉ biết sau khi chia tay cùng Tổng Cóc, Xuân Hương mở quán ven đường độ nhật, lại phải nuôi mẹ già. Trong cảnh túng thiếu, được tin Nguyễn Du thăng Cần Chánh Điện Học sĩ giữ chức Chánh sứ, có lẽ Xuân Hương đã viết gửi bài thơ khi sứ bộ đến Thăng Long, chuẩn bị sang Trung Quốc.

Câu thơ đầu gợi bao nỗi nhớ tình xưa: "Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung".

Dặm khách“là để chỉ việc Nguyễn Du ra Thăng Long, trên đường đi sứ. Dịp này khiến tình xưa trỗi dậy, Xuân Hương mong ước sao có thể trao gửi với người mình yêu nỗi băn khoăn về cuộc tình chưa trọn:

Mượn ai tới đấy gửi cho cùng.
Chữ tình chốc đã ba năm vẹn, 
Giấc mộng rồi ra nửa khắc không.

Câu thơ cho biết hai người đã có cả quãng thời gian dài cho cuộc tình ( ba năm vẹn). Đây là khoảng thời gian nào? Có thể hai người quen nhau lúc Nguyễn Du đã đỗ tam trường và đang ở với anh cả là Nguyễn Khản, quan đầu triều thời Trịnh Sâm.

Theo GS Hoàng Xuân Hãn thì Nguyễn Du giao du với Xuân Hương trong khoảng 1792-1795, lúc này Tây-sơn đã ra Bắc và Nguyễn Du đã về ở Quỳnh Hải, Thái Bình và có 2 lần ra Thăng-long :

-Năm 1793, lúc này Nguyễn Du ở gần Giám hồ (căn cứ bài "Long Thành cầm giả ca")

-Năm 1794 (ra tiễn Đoàn Nguyễn Tuấn vào Nam làm quan ).

Hai câu luận xúc động nhất, kể nỗi tủi hờn của Xuân Hương:


Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập,
Phấn son càng tủi phận long đong.


Quan lớn Nguyễn Du công cán ra Bắc, quan địa phương đua nhau nghênh tiếp. Chạnh lòng, nghĩ đến thân mà "tủi phận long đong".

2 câu kết than phận mình mà trách người:


Biết còn mảy chút sương siu mấy,
Lầu Nguyệt năm canh chiếc bóng chong.


Bài thơ lộ một sự thực đau lòng: thái độ hững hờ của Nguyễn Du với người xưa. Điều này tạm có thể hiểu được: Lúc này đang ở địa vị cao, lại đang trong tình thế là người đất Bắc làm quan trơ trọi chốn Thần kinh, rất sợ “quan trên trông xuống, người ta trông vào”, Nguyễn Du buộc phải cẩn trọng cả trong từng giao tiếp riêng tư. Hoàng Xuân Hãn cũng lí giải việc này: “..Nguyễn Du lúc ấy khó mà quên được Xuân Hương nhưng bấy giờ Hầu (5) là một quan to phụng sứ; vả lại bấy giờ Hầu đã 48 tuổi. Ra làm quan triều Nguyễn, Hầu lại giữ thái độ dè dặt..” .

Vậy nếu chỉ dựa vào Lưu Hương kí thì cuộc tình Nguyễn Du-Hồ Xuân Hương chỉ là một cuộc tình bi đát, tuy đậm đà lắm nhưng rồi sớm tàn trong ảo mộng ?


CUỘC TÌNH NGUYỄN DU-HỒ XUÂN HƯƠNG CÒN CÓ TÁC PHẨM NÀO KHÁC LÀM BẰNG CHỨNG ?


Không chỉ căn cứ Lưu Hương kí, nhiều người cố tìm thêm chứng cớ cho cuộc tình giữa hai nhà thơ nôm hàng đầu cùng sống thời cuối Lê, đầu Nguyễn có năm sinh, năm mất khá gần nhau.

Ở thập niên bốn mươi của thế kỉ trước, Ngô Tất Tố từng nhắc đến mối quan hệ giữa nữ sĩ Xuân Hương với ông Chiêu Bảy (Nguyễn Du) khi viết tiểu thuyết Trong rừng Nho. Chiêu Bảy mến tài và luôn bênh vực Xuân Hương khi đám Nho sĩ ở Thăng Long phản ứng quyết liệt trước những bài thơ nôm tinh nghịch, ngổ ngáo. Mối quan hệ này không phải là tình yêu trai gái… Tuy vậy Trong rừng Nho chỉ là tiểu thuyết luận đề, hư cấu sự việc và nhân vật là cốt để đả kích thói tục vô lí trong hàng Nho sĩ ngày xưa. Cách hư cấu của Ngô Tất Tố chỉ mang màu sắc của dã sử…

Gần đây, người hăng hái nhất trong việc chứng minh tình yêu Nguyễn Du-Hồ Xuân Hương là ông Hồ Đắc Duy. Bài viết Tình yêu đơn phương hay người tình thật của Nguyễn Du, ngày 26/02/2008 trên trang điện tử Vietsciences đã dẫn 4 câu thơ trích “Ngẫu hứng ngũ thư” để chứng minh cho mối giao tình ấy:


Tam nguyệt xuân thì trưởng đậu miêu,
Thiên lý hương tâm dạ cộng trường,
Tha nhật xuân phong hà xứ lai ?
Cố hương can hạn cửu phương nông.


Ông Hồ Đắc Duy chọn lấy 4 câu trong 5 bài thơ để hình thành đoạn thơ trên và cho rằng: Nguyễn Du đã dùng ẩn ngữ bởi vì 4 câu thơ trên nếu ráp nối lại và cắt bớt mỗi câu 2 chữ thì sẽ có được đoạn thơ:

Xuân thì trưởng đậu miêu,

Hương tâm dạ cộng trường,

Xuân phong hà xứ lai ?
Hương can hạn cửu phương.


Có thể đồng ý với tác giả bài viết là mỗi cặp câu sau khi cắt xong đều có chữ đầu là Xuân – Hương ; có thể đây là cách bộc lộ tình yêu ý nhị, sâu kín. Vậy nhưng nếu như ở câu thứ nhì mà cắt bớt hai chữ « thiên lí » thì chữ « cộng trường » và cả câu thơ thứ hai trở nên vô nghĩa. Tương tự như vậy, câu thứ tư cũng không thể cắt bớt chữ « nông » ở cuối. Hình thành như thế, 4 câu trên không dịch nghĩa được.

Thật ra thì trong Nam trung tạp ngâm không có bài Ngẫu hứng ngũ thư mà chỉ có Ngẫu hứng - ngũ thủ (5 bài) bằng chữ Hán. Xin phiên âm và dịch như sau:


 Bài 1: 

Tam nguyệt xuân thì trưởng đậu miêu,
Hoàng hồ phì mãn bạch hồ kiêu.
Chủ nhân tại lữ bất quy khứ,
Khả tích Hồng Sơn thuộc vãn tiều.

Dịch thơ:

Lúa đậu tháng ba đang sức lớn,
Cáo vàng béo múp, trắng kiêu căng.
Chủ nhân đất khách không về được.
Mặc chú tiều coi dải núi Hồng.

 Bài 2: 

Lô hoa sơ bạch cúc sơ hoàng,
Thiên lí hương tâm dạ cộng trường.
Cưỡng khởi thôi song vọng minh nguyệt.
Lục âm trùng điệp bất di quang.

Dịch thơ:

Hoa lau nở trắng, cúc hoe vàng,
Ngàn dặm đêm dài nhớ cố hương.
Gượng dậy đẩy song nhìn ánh nguyệt,
Vòm cây trùng điệp cản dòng quang.

 Bài 3: 

Nhất đới ba tiêu lục phú giai,
Bán gian yên hỏa tạp trần ai.
Khả liên đình thảo sam trừ tận,
Tha nhật xuân phong hà xứ lai?

Dịch thơ:

Một dãy chuối xanh lá phủ dày,
Nửa gian, khói bếp mịt mù bay.
Xót nỗi cỏ sân vừa dãy sạch,
Gió xuân len đến chốn nào đây?

 Bài 4: 

Cố hương cang hạn cửu phương nông,
Thập khẩu hài nhi thái sắc đồng,
Thí tự thuần lô tối quan thiết,
Hoài qui nguyên bất đãi thu phong.

Dịch thơ :

Hạn lớn ngoài quê chẳng cấy cày,
Trẻ thơ mười đứa đói xanh gầy,
Rau tần gỏi cá mà mong được,
Về quách cần chi đợi gió tây !

  Bài 5 : 

Hữu nhất nhân yên lương khả ai,
Phá y tàn lạp, sắc như khôi,
Tỵ nhân, đãn mịch, đạo bàng tẩu.
Tri thị Thăng Long thành lý lai.

Dịch thơ:

Gặp một bác nào thật đáng thương,
Nón xơ, áo rách, mặt thê lương,
Tránh người, lầm lũi ven đường bước.
Rõ khách Thăng Long lạ phố phường.


Chuỗi 5 bài thơ  Ngẫu hứng  là tâm tư của người xa quê, nhớ cố hương, muốn bỏ cả công danh mà về; riêng bài số 5, theo ý Đào Duy Anh là tả người nhưng thực là để tự trào; nhân vật trong thơ chính là Nguyễn Du nghèo túng, e dè, sợ sêt… đúng với ghi chép của  Đại nam chính biên liệt truyện: “ …Đối với nhà vua thì ông chỉ giữ hết bổn phận, chứ không hay nói năng điều gì, khiến có khi bị nhà vua quở trách... ". 

Đọc kĩ  Ngẫu hứng ngũ thủ  có thể chắc chắn là không có câu nào ngầm nói đến tình riêng - cũng như với gần ba trăm bài thơ chữ Hán, Nguyễn Du cũng chỉ có 2 bài bộc lộ tình cảm với 2 phụ nữ là người quen cũ; đó là  Mộng đắc thái liên  và  Long Thành cầm giả ca. 


MỘNG ĐẮC THÁI LIÊN

(Mộng thấy hái sen;
Bản dịch của Ngô Linh Ngọc)

 Thít chặt quần cánh bướm,
Thuyền con, chèo hái sen,
Nước hồ đầy ắp thế!
Mặt nước bóng người in…
*
Sen hồ Tây – hái! hái!
Trong thuyền, hoa cạnh gương.
 Hoa tặng người mình trọng, 
Gương tặng người mình thương.
*
Sáng nay hái sen nhé! 
Cô xóm đông hẹn rồi.
Đến hay không chẳng biết,
Cách hoa nghe tiếng cười.
*
Yêu sen toàn yêu hoa,
Yêu cuống có ai mà.
Trong cuống có tơ thật,
Vương vấn dứt không ra.
*
Lá sen xanh xanh lạ,
Hoa sen đẹp nõn nà.
Hái sen đừng hại ngó,
Sang năm chẳng có hoa. 


Về bài thơ trên, GS Hoàng Xuân Hãn cho rằng :  “…Bài này chứng rằng Nguyễn Du ở Quảng Bình hay ở Huế có lúc nhớ đến một bạn gái xưa ở cạnh Hồ Tây tại Thăng Long, đã từng hẹn hò nhau đi hái sen trên hồ, người con gái mà Hầu thương xót chắc vì gặp cảnh ngộ không may. Hầu mượn chuyện sen để kín đáo nhắc lại tình quyến luyến giữa đôi bên, để luận người ta yêu cô nàng vì xinh, vì sắc chứ không phải vì lòng nàng, bởi lòng nàng nhiều tình cảm, như ngó sen có nhiều tơ vướng víu…”  (6)

Bài thứ hai là  Long Thành cầm giả ca.  Bài này lại không như bài trước bởi vì đã gợi hoài nghi về mối tình Xuân Hương-Nguyễn Du: Năm 1813, Nguyễn Du ra Thăng-long và chắc đã gặp lại Xuân Hương, vậy mà đến Bắc thành, nhớ kỉ niệm xưa, chỉ thấy Nguyễn Du nhắc đến  "người gảy đàn đất Long Thành",  một nhạc nữ trong cung vua Lê, lúc thiếu thời đã từng được Nguyễn Du để ý, nay già và tiều tụy. Cám cảnh một kiếp người, Nguyễn Du viết  "Long thành Cầm giả ca”  , trong khi suốt chuyến đi lại không có một câu chữ nào nhắc đến  “cuộc tình ba năm vẹn”  với Xuân Hương?

Một điều hoài nghi nữa ở ngay  Lưu Hương Ký   là tập thơ tuy có bài gửi Nguyễn Du và trách thân tủi phận mình nhưng sao suốt cả tập thơ lại không chép được một bài nào xướng họa với Nguyễn Du từ trước? Tương tự như thế, trong gần ba trăm bài thơ của  Thanh Hiên thi tập, Bắc hành tạp lục, Nam trung tạp ngâm,  Nguyễn Du đã không viết một bài nào đả động đến cuộc tình với Xuân Hương? ./.

CHÚ THÍCH:
Giáo Sư HOÀNG XUÂN HÃN (1908-1996) : Người đỗ Thạc sĩ toán đầu tiên của Việt Nam  (1936) tại Đại học Sorbonne, Paris và là một trong những giáo sư Đại học Khoa học đầu tiên của nước ta (1943). GS. Hoàng Xuân Hãn là tác giả cuốn Danh từ khoa học và nhiều tác phẩm nghiên cứu Hán-Nôm, đặc biệt là về Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm và Hồ Xuân Hương.
(1) 3 chữ 霜超買 ở cuối câu thơ này đã gây nhiều tranh cãi cho các nhà nghiên cứu Hán-Nôm (xin đọc bài "SƯƠNG GIEO" CHỨ KHÔNG PHẢI "SƯƠNG SIU" của Nguyễn Quảng Tuân trên Tạp chí HÁN NÔM số 1/1999).
Ở đây phiên âm theo GS. Hoàng Xuân Hãn, đọc 3 chữ này là sương siu mãi . Theo Hoàng Xuân Hãn thì SƯƠNG SIU là từ cổ có nghĩa là vấn vít, bịn rịn.
(2) Sở dĩ Trần Thanh Mại dò được tung tích LƯU HƯONG KÍ là nhờ đọc được trong thư viện Khoa học Trung ương một tác phẩm của TỐN PHONG THỊ (Nham giác Tốn Phong) gồm bài tựa viết cho Lưu Hương kí của Hồ Xuân Hương. (tập này chỉ có bài tựa này cùng với các bài thơ do Tốn Phong làm mà lại không có một bài thơ nào của Lưu Hương kí cả).
(3), (6)Thiên tình sử Hồ Xuân Hương; GS. Hoàng Xuân Hãn, NXB Văn học 1995.
(4) Báo điện tử VTC News ngày 04/11/2008 , trang Văn hóa, bài "Báu vật" về Hồ Xuân Hương tái xuất sau gần 40 năm mất tích” .
(5) Để chỉ Nguyễn Du, Hoàng Xuân Hãn hay dùng chữ “Hầu” (Du Đức Hầu là tước vị do Gia Long ban cho Nguyễn Du năm 1805). Trong Lưu Hương kí, Hồ Xuân Hương viết “… Nguyễn Hầu” là cũng chỉ tước vị này.





VVM.7.2.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com