Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        




NGUỒN GỐC CỦA BÁNH CHƯNG, BÁNH DÀY

  


B ánh Chưng, bánh Dày, đó là những vật đã gắn liền với ký ức của mỗi người Việt nói riêng về ngày Tết âm lịch, trong một không gian rộng lớn hơn, thì bánh Chưng, bánh Dày là những hiện thân của ký ức từ thời kỳ cội nguồn của dân tộc Việt: thời kỳ Hùng Vương. Ai ai cũng đều biết tới câu chuyện “Bánh Chưng Bánh Dày” trong kho tàng truyền thuyết cổ của người Việt, một câu chuyện đã giải thích trọn vẹn nguồn gốc của hai loại bánh đặc biệt này, cho thấy, nguồn gốc của bánh là từ thời kỳ Hùng Vương của dân tộc, mang ý nghĩa tượng trưng cho Trời và Đất. Người Việt luôn luôn tin tưởng về nguồn gốc đó của bánh Chưng, bánh Dày, kế thừa truyền thống cổ đại trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, cho tới tận ngày nay, thì ý nghĩa, giá trị gốc của các biểu trưng văn hóa đó vẫn không hề thay đổi.

Câu chuyện về nguồn gốc của bánh Chưng, bánh Dày, dường như không cần phải bàn cãi, nhưng trong khoảng vài chục năm gần đây, đã xuất hiện một số tư tưởng và quan điểm phủ nhận về nguồn gốc từ thời kỳ Hùng Vương của một số học giả, trong đó nổi tiếng nhất là nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng, một trong tứ trụ của sử học Việt Nam. Ông đã phủ nhận sạch trơn giá trị của truyền thuyết cổ, cho rằng bánh Chưng bánh Dày là một sản phẩm ngoại lai, có nguồn gốc từ bánh của người Quảng Đông. Từ đây, thì nhiều bài viết đã dựa vào quan điểm của Trần Quốc Vượng để cho rằng bánh Chưng Việt Nam có nguồn gốc từ bánh Chưng Bính của Trung Quốc.

Đó là lý do chúng tôi thực hiện bài viết này, nhằm mục đích tìm hiểu về nguồn gốc thực sự của bánh Chưng, bánh Dày từ các nền văn hóa cổ của người Việt, xác định và kết nối các loại bánh này với triết lý Trời tròn, Đất vuông, từ đó xác minh và đánh giá lại giả thuyết của nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng, trả lại bánh Chưng, bánh Dày về với đúng giá trị và ý nghĩa nguyên bản của nó trong văn hóa của người Việt.

1. Nguồn gốc của bánh Chưng bánh Dày:

Về nguồn gốc của bánh Chưng bánh Dày, thì người Việt đều biết rằng bánh Chưng bánh Dày có nguồn gốc từ thời Hùng Vương, với những ghi chép từ “Truyện Bánh Chưng” trong sách Lĩnh Nam chích quái, truyện cổ đó vẫn tiếp tục truyền trong văn hóa dân gian cho tới tận ngày nay, người Việt vẫn giữ được truyện cổ này, được lưu truyền qua các thế hệ người Việt, từ ông bà, cha mẹ, các bậc lão niên tới các thế hệ, con cháu, cứ như thế truyền đời mà lưu giữ văn hóa cổ. Theo truyện, thì bánh Chưng và bánh Dày có nguồn gốc từ Quan Lang Lang Liêu, là con của vua Hùng, được thần nhân báo mộng, sau đó, chàng đã làm bánh Chưng hình vuông có ý nghĩa tượng trưng cho đất, bánh Dày tròn tượng trưng cho Trời.

Truyện bánh Chưng

Vua Hùng sau khi phá xong giặc Ân rồi, trong nước thái bình, nên lo việc truyền ngôi cho con, mới hội họp hai mươi hai vị quan lang công tử lại mà bảo rằng: “Đứa nào làm vừa lòng ta, cuối năm đem trân cam mỹ vị đến dâng cúng Tiên Vương cho tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho”.

Các công tử đua nhau đi tìm các vị trân kỳ, hoặc săn bắn, chài lưới, hoặc đổi chác, đều là của ngon vật lạ, nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Duy có công tử thứ mười tám tên là Lang Liêu, mẹ hàn vi, đã bị bệnh qua đời rồi, trong nhà lại ít người nên khó bề toan tính, ngày đêm lo lắng, ăn ngủ không yên. Chợt nằm mơ thấy thần nhân bảo rằng: “Trong trời đất không có vật gì quý bằng gạo, vì gạo là vật để nuôi dân khỏe mạnh, ăn mãi không chán, không có vật gì hơn được. Nếu giã gạo nếp gói thành hình tròn để tượng trưng cho Trời, hoặc lấy lá gói thành hình vuông để tượng trưng cho Đất, ở trong làm nhân ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý công ơn dưỡng dục của cha mẹ, như thế thì lòng cha sẽ vui, nhà ngươi chắc được ngôi quý”.

Lang Liêu giật mình tỉnh dậy, vui mừng nghĩ rằng “Thần minh giúp ta, ta nên bắt chước theo mà làm”. Lang Liêu bèn lựa nếp hạt trắng tinh, không sứt mẻ, đem vo cho sạch, rồi lấy lá xanh gói thành hình vuông, bỏ nhân ngon vào giữa, đem nấu chín tượng trưng cho Đất, gọi là bánh chưng. Lại lấy nếp nấu xôi đem quết cho nhuyễn, nhào thành hình tròn để tượng trưng cho Trời, gọi là bánh dày.

Đúng kỳ hẹn, Vua hội họp các con lại trưng bày phẩm vật. Các con đem dâng không thiếu thứ gì, duy chỉ có Lang Liêu đem bánh hình tròn, bánh hình vuông đến dâng. Hùng Vương lấy làm lạ hỏi Lang Liêu, Lang Liêu trình bày như lời thần nhân đã bảo. Vua nếm thử thì thấy vị ngon vừa miệng ăn không chán, phẩm vật của các công tử khác không làm sao hơn được. Vua khen ngợi hồi lâu, rồi cho Lang Liêu được giải nhất. Vua dùng thứ bánh ấy để cung phụng cha mẹ trong các dịp lễ tết cuối năm. Thiên hạ mọi người đều bắt chước theo. Tục này còn truyền cho đến bây giờ. Lấy tên là bánh Lang Liêu và gọi là Tiết Liệu (節料).

Hùng Vương truyền ngôi cho Lang Liêu; hai mươi mốt anh em kia đều chia nhau giữ các phiên trấn, lập làm bộ đảng, trấn thủ những nơi núi non hiểm trở.

Về sau, anh em tranh giành lẫn nhau, mỗi người dựng “mộc sách” (hàng rào cây bằng gỗ) để che kín, phòng vệ. Vì thế, mới gọi là Sách, hay là Trại, là Trang, là Phường. Sách, hay Trại, Trang, Phưòng bắt đầu có từ đây vậy.

[Lĩnh Nam chích quái, Truyện Bánh Chưng, bản dịch của Nguyễn Hữu Vinh]

Như vậy, thì bánh Chưng, bánh Dày tượng trưng cho Trời và Đất, cho triết lý Trời tròn Đất vuông. Bên cạnh đó, ghi chép trong truyện cũng đã cho thấy bánh Chưng được xem như một sản phẩm quý giá, được sử dụng để cung phụng cha mẹ, sử dụng trong các dịp lễ tết cuối năm: “Vua dùng thứ bánh ấy để cung phụng cha mẹ trong các dịp lễ tết cuối năm.“. Cũng từ ghi chép này, thì người Việt đã ăn Tết từ rất lâu đời, gắn liền với việc làm bánh Chưng, bánh Dày, không phải nhờ tới người Trung Quốc truyền sang, thì người Việt mới biết ăn Tết.

Từ đây, chúng ta đã thấy được rằng bánh Chưng, bánh Dày có nguồn gốc từ thời kỳ Hùng Vương, nhưng cũng đã có cây đa cây đề trong ngành lịch sử, văn hóa Việt Nam phủ nhận nguồn gốc này, cho rằng bánh Chưng bánh Dày có nguồn gốc khác, biểu trưng cho ý nghĩa khác.

2. Giả thuyết về nguồn gốc bánh Chưng bánh Dày của Trần Quốc Vượng:

Nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng, một trong tứ trụ sử học của Việt Nam, trong bài viết “Dân gian và bác học” đã cho rằng bánh Chưng có nguồn gốc từ Quảng Đông, người Việt họ theo từ khoảng thế kỷ 17-18 ở miền Nam, Trần Quốc Vượng còn cho rằng làm bánh Chưng vuông là “thuận theo triết lý Trung Hoa bánh dày tròn tượng trưng Trời, bánh chưng vuông tượng chưng Đất”. Trần Quốc Vượng cũng phủ nhận” “tuyệt đối cái ý tưởng tượng này không hiện hữu ở thời Lang Liêu Hùng Vương, như truyền thuyết “giả dân gian” (Fake-lore) đã ghi nhận.” [1], tác giả này còn cho rằng đây là truyền thuyết “giả dân gian” và sử dụng khái niệm “fakelore” rất nặng nề để chỉ truyền thuyết thời Hùng Vương.

Nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng viết: “Cũng vậy, vào thế kỷ XVII-XVIII, trước hết ở kinh đô, ở Phố Hiến và một số thị tứ khác, bên cạnh chiếc “bánh tét” truyền thống gói tròn (như bó giò) như hiện nay ở Nam Bộ vào dịp Tết, người Việt Nam bắt chước người Tàu Quảng Đông gói bánh chưng vuông, để thuận theo triết lý Trung Hoa “bánh dày tròn tượng trưng Trời”, “bánh chưng vuông tượng chưng Đất”. Tuyệt đối cái ý tưởng tượng này không hiện hữu ở thời Lang Liêu Hùng Vương, như truyền thuyết “giả dân gian” (Fake-lore) đã ghi nhận.” [1]

Trong bài viết “Triết lý bánh chưng bánh dày”, vị Giáo sư nổi tiếng Trần Quốc Vượng còn cho rằng triết lý trời Tròn đất Vuông trong bánh Chưng bánh Dày là một “ngộ sự văn hóa”, với những lời lẽ khá gay gắt và khó nghe. Từ đó, ông suy diễn cho rằng bánh Chưng gốc là dạng bánh Chưng dài, hay bánh Tét như bà con Nam Bộ hay làm, ông còn dẫn thêm chi tiết rằng ở Đông Anh làm bánh Tét và gọi đó là bánh Chưng, từ đó cho rằng người Việt “ngộ sự văn hóa” khi cho rằng bánh Chưng bánh Dày là đại diện cho triết lý “Trời tròn đất Vuông”.

Học giả Trần Quốc Vượng lại viết: “Nhân ngày Tết năm con Rồng này, tôi xin đưa ra một minh giải văn chương: Bà con cô bác miền Nam gọi bánh chưng là bánh tét, chữ bánh tét là tiếng đọc trạnh kiểu miền nam của bánh tết. Và nhân đây xin thanh toán một “ngộ nhận văn hóa”. Thoạt kỳ thủy, bánh chưng không được gói vuông như bây giờ mà gói tròn như bánh Nam Bộ, gọi là đòn bánh tét là hoàn toàn chính xác. Ngay giờ đây, xin các bạn chỉ quá bộ sang Cổ Loa, Đông Anh ngoại thành Hà Nội thôi, vẫn thấy bà con cố đô Cổ Loa gói bánh chưng như đòn bánh tét và vẫn gọi nó là bánh chưng, thảng hoặc mới gói thêm bánh chưng vuông. Thế cho nên, cái triết lý gán bánh chưng vuông tượng Đất, bánh dầy tròn tượng Trời là một “ngộ sự văn hóa”. Trời tròn đất vuông là một triết lý Trung Hoa muộn màng được hội nhập vào triết lý Việt Nam. Đó không phải là triết lý dân gian Việt Nam. Nó không phải là Folklore (nguyên nghĩa: trí tuệ dân gian) mà là Fakelore (trí tuệ giả dân gian).” [2]

Những lập luận của học giả Trần Quốc Vượng rất chủ quan và mơ hồ, không dựa trên những bằng chứng xác tín, chưa xác minh nhưng đã vội vàng phủ nhận. Ở các phần sau, chúng tôi sẽ xác minh lại luận điểm của tác giả Trần Quốc Vượng, tìm hiểu về nguồn gốc của bánh Chưng bánh Dày trong các văn hóa cổ, cũng như tìm hiểu xem có phải bánh Chưng bánh Dày có nguồn gốc từ Quảng Đông hay không.

3. Nguồn gốc “Trời tròn Đất vuông” và nguồn gốc bánh Chưng bánh Dày:

a. Nguồn gốc của Trời tròn Đất vuông của bánh Chưng bánh Dày:

Theo Trần Quốc Vượng thì thuyết Trời tròn Đất vuông có nguồn gốc từ Trung Quốc, nhưng trong thực tế, thì trong văn hóa đầu tiên hình thành cộng đồng tộc Việt, hình thành quốc gia và ý thức dân tộc, là văn hóa Lương Chử [3], những hiện vật đặc trưng nhất của văn hóa này đó là đĩa bích và ngọc tông, chính là những vật đại diện cho triết lý Trời tròn Đất vuông. Văn hóa này có niên đại hình thành vào khoảng 5300 năm trước, trước khi tộc người Hoa Hạ bắt đầu xuất hiện.

Ngọc bích tế trời và ngọc tông tế đất thời văn hóa Lương Chử. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, dẫn: 1, 2]

Đây cũng chính là nguồn gốc trực tiếp của bánh Chưng bánh Dày, với hình dáng và ý nghĩa tượng trưng hoàn toàn tương đồng. Nhà nghiên cứu Tạ Đức là người đầu tiên đề cập và kết nối giữa bánh Chưng bánh Dày với hiện vật của văn hóa Lương Chử [4], những khảo cứu về nguồn gốc dân tộc cho thấy sự kết nối này có những cơ sở rất vững chắc.

Văn hóa Lương Chử chính là văn hóa hình thành cộng đồng tộc Việt, là một trong hai văn hóa của cộng đồng tộc Việt trong vùng Dương Tử, người Việt chính là hậu duệ quan trọng nhất của các văn hóa trong vùng Dương Tử [5], di cư về Việt Nam vào khoảng 4000 năm trước theo các nghiên cứu di truyền [6][7] để hình thành văn hóa Phùng Nguyên, sau đó tiếp tục kế thừa ở văn hóa Đông Sơn. Triết lý văn hóa cổ được lưu truyền theo tiến trình văn hóa đó, bánh Chưng, bánh Dày chính là một hiện thân bình dị và dân dã của triết lý Trời tròn Đất vuông được thể hiện trên đĩa bích và ngọc tông của văn hóa Lương Chử.

Ngọc Tông văn hóa Lương Chử và bánh Chưng. [Nguồn: 1, 2]

Đĩa bích văn hóa Lương Chử và bánh Dày. [Nguồn: 1, 2.]

Ngoài bánh chưng vuông, thì người Việt còn gói dạng bánh Chưng dài, được gọi là bánh Tét. Trong văn hóa Lương Chử, thì không chỉ tồn tại dạng ngọc tông ngắn, mà còn có cả dạng ngọc tông dài, tương tự như hình dáng của bánh Tét. [4]

Dạng bánh Tét cũng tương đồng với dạng ngọc tông dài của văn hóa Lương Chử. [Nguồn: 1. [8], 2. dẫn]

Như vậy thì từ đây, chúng ta thấy được triết lý Trời tròn Đất vuông hay bánh Chưng bánh Dày có nguồn gốc trực tiếp từ đĩa bích, ngọc tông của văn hóa Lương Chử. Việc tìm hiểu về nguồn gốc ngôn ngữ của bánh Chưng, bánh Dày cũng sẽ cung cấp cho chúng ta những thông tin rất giá trị.

b. Nguồn gốc ngôn ngữ của bánh Chưng bánh Dày:

Về nguồn gốc ngôn ngữ, thì theo tư liệu và khảo cứu của nhà nghiên cứu Tạ Đức, dựa trên cơ sở khảo cứu của Nguyễn Dư, ông đã đưa ra những lý giải rất hợp lý và đầy đủ cơ sở về nguồn gốc tên gọi của tên gọi bánh Chưng bánh Dày và sự kết nối của nó với ngọc tông, đĩa bích văn hóa Lương Chử cũng như triết lý Trời tròn, Đất vuông.

Cách giải nghĩa của “chưng” theo chữ Hán là hấp, nấu cách thủy không có cơ sở, bởi bánh Chưng luôn luôn cần được luộc trực tiếp trong nước, thì bánh mới chín được. Vậy nên, nhiều khả năng, chữ “Chưng” là một từ tiếng Việt được ký âm bằng chữ Hán. Theo Tự vị của Huỳnh Tịnh Của (1895), Génibrel (1898), Gustave Hue (1937) thì đều có từ chuông với nghĩa là vuông. Việt Nam từ điển của hội Khai Trí Tiến Đức (1931) cũng giải thích Chuông là do Vuông đọc trại ra. Tiếng Việt có nhiều từ biến âm ch > v: Chơi vơi, chênh vênh, chạy vạy… Có thể suy đoán Trần Thế Pháp đã dùng chữ chưng chữ Hán để ghi âm chữ chuông của tiếng Việt. Vì vậy, bánh Chưng là bánh hình vuông, tượng trưng cho đất. [4][9]

Từ “琮 – Tông” trong tiếng Hán chưa xác định được nghĩa chính xác, nhiều khả năng, nó là một từ người Hoa mượn của người Việt trong thời kỳ văn hóa Lương Chử mà không quan tâm tới nghĩa gốc. Tông được đọc là chung/tsung, các từ chuông/chưng của tiếng Việt rất gần với chung/tsung của ống Tông. Điều này cho thấy tên gọi của ống Tông bắt nguồn từ hình Vuông của nó trong tiếng Việt. [4]

Về từ Dày, thì trong Lĩnh Nam Chích Quái, Trần Thế Pháp viết bánh dày là bánh bạc trì. Bạc nghĩa là mỏng, dẹt, ngược với dày. Trì (bộ thủ) nghĩa là cầm, giữ. Bạc trì đọc theo chữ Hán không có nghĩa, chứng tỏ đó là một tên phiên âm. Trong tiếng Việt trì cũng có nghĩa là dày ( Đại Nam Quốc Âm Tự Vị của Huỳnh Tịnh Của, Bảng tra chữ Nôm của Viện Ngôn Ngữ Học, 1976 ; Cơ sở ngữ văn Hán Nôm của Lê Trí Viễn, 1987. v.v.). Như vậy, bánh bạc trì là bánh dày dẹt. Bánh dày không phải là bánh có bề dày (trái với dẹt, mỏng) như hai học giả Pháp Huard và Durand (1954) từng đoán định. Ở đây, dày (hay dầy/giầy) chính là biến âm của giời/trời, do Phủ Giầy là nơi thờ Mẫu Giời, bánh giầy (dày/giày) là bánh được dùng để cúng Mẫu Giầy/Giời tại Phủ Giầy/Giời. Bánh dày là bánh có hình tròn và dẹt, tượng trưng cho giời, nên được dân gian gọi là bánh giời, chuyển thành bánh giầy/dày. [4][9]

c. Triết lý Trời tròn Đất vuông trong văn hóa Đông Sơn:

Ở văn hóa Đông Sơn, người Việt vẫn tiếp tục kế thừa triết lý Trời tròn Đất vuông từ thời văn hóa Lương Chử, với hiện vật bằng ngọc thể hiện hình tròn ở trung tâm và hình vuông ở bên ngoài.

Hiện vật bằng ngọc thể hiện triết lý Trời tròn Đất vuông của văn hóa Đông Sơn. [10]

4. Nguồn gốc bánh Chưng nhìn từ khảo cổ học:

Bánh Chưng bánh Dày cũng đã có những cơ sở được xác định từ khảo cổ học. Nguyên liệu chính được sử dụng để làm bánh là gạo nếp, theo tư liệu khảo cổ, thì muộn nhất là từ 3500 năm trước, lúa trồng (Oriza Sativa) có dạng hạt bầu (large form) giống lúa nếp dính (gloutinous rice) đã tìm thấy phổ biến ở nhiều di tích khảo cổ học Việt Nam. [11]

Hai ảnh bên trái là lúa hạt dài và lúa nếp hạt tròn khai quật được ở hang Xóm Trại (Hòa Bình). Ảnh còn lại là lúa nếp khai quật ở khu mộ táng Đông Sơn Động Xá (Hưng Yên) [11]

Bên cạnh đó khảo cổ còn tìm thấy một chiếc nồi đồng khai quật được ở Làng Vực (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) có in dấu lá dong ở tình trạng lót nồi, đó là những hình lá dong nằm phẳng ở tư thế nguyên chiếc bao quanh đáy và cạnh nồi. Nhờ oxit đồng từ lớp gỉ của nồi mà chiếc lá được giữ nguyên trạng, thậm chí có màu xanh như những chiếc lá còn tươi. [35]. Đây là cơ sở cho thấy bánh Chưng có muộn nhất từ thời kỳ văn hóa Đông Sơn, bởi khi luộc bánh Chưng, người Việt vẫn thường lót lá dong hoặc cuống lá bỏ đi dưới đáy nồi để tránh cho bánh bị cháy. Như vậy, thì nhiều khả năng đây chính là một chiếc nồi được sử dụng để luộc bánh Chưng.

Vết in chiếc lá dong bên trong nồi đồng Đông Sơn (hình trái) và nguyên trạng phóng đại của nó (hình phải). [11]

5. Bánh Chưng là đặc trưng chung của các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt:

Qua các tài liệu khảo cổ, chúng ta đã thấy được nguồn gốc của bánh Chưng bánh Dày là từ văn hóa Lương Chử, có ý nghĩa đại diện cho triết lý Trời tròn Đất vuông của người Việt, bên cạnh đó, những bằng chứng khảo cổ tại Việt Nam cũng cho thấy bằng chứng trực tiếp chứng minh sự tồn tại của bánh Chưng. Nhưng trong thực tế, không chỉ người Việt mới có bánh Chưng, mà đây còn là đặc trưng chung của các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt.

Từ các bài viết của Trần Quốc Vượng, trên mạng internet đã có nhiều bài viết cho rằng bánh Chưng của người Việt có nguồn gốc từ bánh Chưng Bính của người Quảng Đông. Nhưng trong lập luận của mình, ông và các tác giả này không đưa ra được bằng chứng cụ thể để chứng minh cho giả thuyết của mình, mà chỉ gợi ý bằng quan điểm chủ quan cá nhân. Khi chúng tôi thử tìm hiểu, thì không chỉ người Quảng Đông có dạng bánh tương tự như người Việt, mà còn rất nhiều các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt hoặc có nguồn gốc gần gũi với người Việt vẫn giữ được dạng bánh này.

Đầu tiên, thì có một vấn đề rất quan trọng mà Trần Quốc Vượng hay nhiều tác giả khác đã bỏ qua, đó là các vùng Quảng Đông hay từ Dương Tử trở về phía Nam là đất của cộng đồng tộc Việt cũ [12], nhưng các tác giả cho rằng bánh Chưng Việt Nam có nguồn gốc từ Quảng Đông là bỏ qua thực tế lịch sử này, dựa trên hệ tư tưởng cho rằng mọi di sản của người Việt đều là vay mượn của các nền văn hóa khác, họ suy luận theo hướng đó và cho rằng những thứ giống nhau, của Việt Nam và Trung Quốc, thì đều là do người Việt mượn từ phương Bắc. Các vùng có dạng bánh Chưng tương tự như người Việt, chính là các vùng đất thuộc cộng đồng tộc Việt cũ, đều có ít nhiều có liên hệ huyết thống, văn hóa với người Việt, vậy nên, những dạng bánh này có nguồn gốc từ một nền văn hóa chung của cộng đồng tộc Việt, mặc dù xét một cách sâu sắc, thì các dạng bánh của người Việt thể hiện một đặc trưng riêng so với các dạng bánh tại Trung Quốc.

Bánh của Trung Quốc được gọi là 粽子 – tông tử, dạng bánh này xuất hiện trên hầu khắp các vùng miền phía Nam Trung Quốc, hình dáng thường là hình kim tự tháp, nhưng cũng có một số vùng gói theo dáng dài tương tự như bánh Tét của người Việt. Thành phần của dạng bánh này rất đa dạng và nhiều nguyên liệu, trong đó cơ bản nhất là gạo nếp, nhân bên trong có sự biến tấu theo từng vùng, với các nguyên liệu như đậu đỏ, đậu hà lan, xúc xích, trứng muối, đậu phộng, hạt dẻ, ngô, nấm, tôm…. Điều này khiến cho bánh không thực sự gần với sự giản đơn của bánh Chưng Việt Nam, mà chỉ giống về tổng quan hình dáng và nguyên liệu quan trọng nhất là gạo nếp, cũng cuốn lá và luộc giống như bánh Chưng.

Các dạng bánh dáng giống bánh Chưng Việt Nam: 1. Hồ Nam, 2. Quảng Tây, 3. Chiết Giang, 4. Quý Châu, 5. Quảng Đông, 6. Thượng Hải, 7. Phúc Kiến. [Nguồn: 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7]

Dạng bánh này có từ trước thời kỳ Chiến Quốc, được sử dụng để thờ cúng tổ tiên và các vị thần, tới thời nhà Tấn, thì dạng bánh này mới được chỉ định sử dụng cho hoạt động đua thuyền Rồng, được họ gắn với ý nghĩa tưởng niệm Khuất Nguyên.

Trong bài viết trên Sina, thì người Trung Quốc cũng công nhận rằng dạng bánh Chưng có nguồn gốc từ Việt Nam [13], cũng theo thông tin của bài viết này, thì dạng bánh Chưng tương tự như Việt Nam xuất hiện trên nhiều vùng đất tộc Việt cũ: Vân Nam, Quảng Tây, Tây Hồ Nam, họ gọi bánh này là bánh “四方粽”, hay “Tứ Phương Tông”, cũng là một dạng tên gọi giống như bánh Chưng hay bánh Vuông ở Việt Nam như chúng tôi đã dẫn ở trên. Bánh này được gói cùng gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn giống hệt như bánh chưng, có khác một chút đó là họ thường dùng lá chuối hoặc là sen để gói, người Việt cũng có khi dùng lá chuối để gói bánh nhưng lá dong là nguyên liệu chủ yếu. Loại bánh này thường được gói và sử dụng vào dịp lễ Tết tương tự như người Việt.

Bánh Chưng của vùng Vân Nam. [Nguồn]

Bánh Chưng của người Choang tại tỉnh Quảng Tây. [Nguồn]

Người Tày hiện vẫn cũng gói bánh Chưng tương tự như người Việt, nhưng họ gói bằng nếp màu, hình dáng chiếc bánh có phần giống hơn cách gói của vùng phía nam Trung Quốc ngày nay, theo họ, thì dạng bánh này đại diện cho triết lý Trời tròn Đất Vuông với ở giữa tròn và hai đầu vuông. Từ cơ sở này, thì cũng có thể các dạng bánh của người dân phía nam Trung Quốc ngày nay với dáng dài cũng mang ý nghĩa tượng trưng cho Trời tròn Đất vuông tương tự như bánh của người Việt, tuy có khác biệt rất rõ về cách thể hiện.

Bánh Chưng của người Tày. [Nguồn]

Không chỉ người Tày, người Thái cũng có bánh Chưng, được gọi là khảu tổm, cũng là món ăn sử dụng các nguyên liệu cơ bản: gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn giống như bánh Chưng của người Việt.

Bánh khảu tổm của người Thái. [Nguồn]

Không chỉ các dân tộc có nguồn gốc từ tộc Việt, mà người Khmer, một dân tộc thuộc ngữ hệ Nam Á có nguồn gốc từ vùng Dương Tử di cư về Đông Nam Á vào khoảng 4000 năm trước theo các nghiên cứu di truyền [6][7], thì họ cũng có dạng bánh Chưng dáng dài giống với bánh Tét của người Việt, được họ gọi là Num Ansom, cũng được gói cùng với gạo nếp, đậu xanh và thịt lợn.

Bánh Num Ansom của người Khmer. [Nguồn]

Người dân Đông Anh, Hà Nội cũng như một số tỉnh phía Bắc khác như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc cũng làm bánh chưng dạng dài. Bên cạnh việc cho bánh Chưng có nguồn gốc Trung Quốc, thì Trần Quốc Vượng cũng cho rằng bánh Tét là do người Việt học hỏi từ người Champa, do bánh này giống với Linga của người Chăm.

Người dân làng Lỗ Khê, Đông Anh vẫn gói bánh Chưng dài. [Nguồn]

Khi chúng tôi tìm hiểu, thì đúng là người Chăm cũng có dạng bánh dài, được họ gọi là Tapei nung, truyền thuyết Nàng Kađieng của họ về các loại bánh Tapei nungxakaya [14], thì nội dung câu chuyện này rất giống với truyện Lang Liêu của người Việt, giống từ cốt truyện tới từng chi tiết, cũng là từ một cuộc thi tài để chọn người nối ngôi, tạo ra hai loại bánh là bánh giống với bánh Chưng và bánh tròn giống bánh Dày của người Việt.

Bánh Tét và bánh Xakaya của người Chăm. [Nguồn: 1, 2]

Như chúng tôi đã chứng minh, thì truyền thuyết của người Việt đã có từ thời Hùng Vương, niên đại của xuất hiện của bánh Chưng bánh Dày ít nhất là từ 3300 năm trước, thời kỳ Đông Sơn cũng đã có bằng chứng trực tiếp chứng minh sự tồn tại của bánh Chưng. Vậy phải chăng người Chăm đã tiếp nhận dạng bánh Chưng và truyền thuyết của người Việt? Người ta thường có xu hướng mặc định rằng là sự ảnh hưởng chỉ là từ người Chăm tới người Việt, cho Chăm là một nền văn minh vượt trội hơn so với văn minh của người Việt, nhưng ngược lại thì người Việt cũng có không ít những ảnh hưởng tới văn hóa Chăm nhưng không hề được những người này nhắc tới. Về truyền thuyết của người Chăm, cốt truyện tương đồng, dạng bánh tương đồng như vậy, thì rất có khả năng họ đã tiếp nhận của người Việt và Chăm hóa câu chuyện, chứ không phải người Việt tiếp nhận của người Chăm như Trần Quốc Vượng đã đề xuất.

Về nguồn gốc của bánh Tét, thì ngoài trường phái cho rằng bánh Tét của người Chăm như đề xuất của Trần Quốc Vượng, thì An Chi cho rằng bánh Tét là bánh Tày, hay cũng có trường phái cho rằng bánh Tét là do người Việt học của người Khmer trong quá trình hai dân tộc cùng chung sống ở miền Nam. Nhưng câu chuyện về bánh Tét chúng tôi tìm hiểu thì quả thực rất khó để xác minh chính xác, không biết bên nào có trước, bên nào có sau, các lý giải được đưa ra đều là giả thuyết, giai thoại, dạng báng giống như bánh Tét thì vốn các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt ở phía nam Trung Quốc ngày nay vẫn còn giữ được, nên không nhất thiết người Việt khi vào Nam tiếp nhận của người Chăm như chúng tôi đã phân tích, cũng không nhất thiết phải học từ người Khmer hay người Tày, dạng bánh này cũng đã được gói và sử dụng từ lâu trong ngày Tết ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Nhưng về phẩm chất, bánh giống hệt với bánh Chưng về nguyên liệu, chỉ khác về cách thức gói, nên đây cũng có thể xem là một sản phẩm có ý nghĩa tương đồng với bánh Chưng, được người Việt đặt giá trị tương đương với bánh Chưng trong văn hóa dân tộc.

Tuy bánh Chưng cũng được các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt lưu giữ, nhưng xét về nguyên bản ý nghĩa, hình dáng, thì người Việt chính là tộc người giữ gìn được trọn vẹn nhất, với cả dạng bánh hình vuông, bánh hình ống, bánh Dày, cũng như tên gọi và giá trị của các loại bánh này, lưu giữ được truyền thuyết giải thích được ý nghĩa của bánh Chưng và bánh Dày. Vậy nên, có đầy đủ cơ sở để nói rằng người Việt chính là chủ nhân đích thực sáng tạo nên bánh Chưng, bánh Dày.

6. Kết luận:

Từ các tài liệu khảo cổ, chúng ta đã thấy được nguồn gốc trực tiếp nhất của bánh Chưng, bánh Dày là từ văn hóa Lương Chử, kế thừa trọn vẹn triết lý Trời tròn Đất vuông của người Việt trong thời kỳ này, các tài liệu khảo cổ trong văn hóa Đông Sơn cũng đã cho thấy những bằng chứng chứng minh cho sự tồn tại của bánh Chưng bánh Dày, cũng như triết lý Trời tròn Đất vuông. Đây là những cơ sở trực tiếp phủ nhận những lập luận của nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng.

Bánh Chưng cũng là một sản vật đặc trưng chung của cộng đồng tộc Việt, các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt hiện vẫn giữ được các loại bánh tương đồng với bánh Chưng của người Việt, về tổng thể kết cấu, thậm chí có một số dân tộc còn giữ được dạng bánh Chưng với kết cấu đơn giản là gạo, đậu và thịt lợn, cuốn bằng lá như bánh Chưng của người Việt. Nhưng đây không phải là một bằng chứng cho thấy rằng bánh Chưng Việt Nam có nguồn gốc từ bên ngoài, mà ngược lại, đây là cơ sở cho thấy sự thống nhất về văn hóa và sự lưu giữ ý thức văn hóa chung thời cổ đại rất mạnh mẽ của các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt.

Từ đây, chúng ta đã có được một cách nhìn toàn diện và bao quát hơn về nguồn gốc của bánh Chưng, bánh Dày, đây chính là kết tinh của nền văn hóa tộc Việt, kế thừa từ nền văn hóa cổ của tộc Việt hơn 5000 năm trước, mang trong mình ý nghĩa triết lý quan trọng của người Việt, đó là triết lý Trời tròn Đất vuông. Nhà nghiên cứu Trần Quốc Vượng và nhiều nhà nghiên cứu khác mặc định rằng đó là tư tưởng của Trung Quốc, mặc định mọi di sản của người Việt đều là vay mượn của nước ngoài, nên đã nhận định sai về nguồn gốc của bánh Chưng, bánh Dày và những di sản thời kỳ Hùng Vương.

Chúng tôi hy vọng rằng, các nhà nghiên cứu sẽ cẩn trọng hơn trong việc tìm hiểu những di sản của văn hóa dân tộc, cần thoát khỏi tư tưởng mặc cảm, tự ti dân tộc là di hệ của chế độ thực dân Pháp, để có thể nhận diện đúng nguồn gốc và những di sản của người Việt, tránh nhận định và tuyên truyền những thông tin không chính xác về nguồn gốc văn hóa dân tộc, nhận định chủ quan và vô căn cứ sẽ gây ra những hậu quả khôn lường trong nhận thức về nguồn gốc và lòng tự tôn dân tộc của người Việt.

Tài liệu tham khảo:
[1] Trần Quốc Vượng, Dân gian và bác học, Trong Cõi, Nxb Hội Nhà Văn (2014).
[2] Trần Quốc Vượng, Triết lý bánh chưng bánh dày, Trong Cõi, Nxb Hội Nhà Văn (2014).
[3] Lang Linh (2021), Dương Tử: cái nôi của nền văn minh tộc Việt.
https://luocsutocviet.com/2021/03/17/512-duong-tu-cai-noi-cua-nen-van-minh-toc-viet/ [4] Tạ Đức, 2013, Nguồn gốc người Việt – người Mường. NXB Tri Thức.
[5] Lang Linh (2021), Ngữ hệ Nam Á và nền văn minh sông Dương Tử.
https://luocsutocviet.com/2021/09/28/552-ngu-he-nam-a-va-nen-van-minh-song-duong-tu/ [6] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92. https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88
[7] Lipson M, Cheronet O, Mallick S, Rohland N, Oxenham M, Pietrusewsky M, Pryce TO, Willis A, Matsumura H, Buckley H, Domett K, Nguyen GH, Trinh HH, Kyaw AA, Win TT, Pradier B, Broomandkhoshbacht N, Candilio F, Changmai P, Fernandes D, Ferry M, Gamarra B, Harney E, Kampuansai J, Kutanan W, Michel M, Novak M, Oppenheimer J, Sirak K, Stewardson K, Zhang Z, Flegontov P, Pinhasi R, Reich D. Ancient genomes document multiple waves of migration in Southeast Asian prehistory. Science. 2018 Jul 6;361(6397):92-95. doi: 10.1126/science.aat3188. Epub 2018 May 17. PMID: 29773666; PMCID: PMC6476732. https://science.sciencemag.org/content/361/6397/92
[8] Gu Fang, Chinese Jades in Traditional Collections, Tập 1: Neolithic Period·Shang Dynasty Western Zhou·Spring and Autumn Period·Warring States Period.
[9] Nguyễn Dư (2007), Bánh chưng, bánh giầy là… bánh gì ? chimviet.free.fr/quehuong/nguyendu/nddg092.htm
[10] Bảo tàng lịch sử Việt Nam. Cổ ngọc Việt Nam. Nhà xuất bản Thế giới, 2011.
[11] Nguyễn Việt, Từ một phát hiện mới về lá bánh trưng thời Lang Liêu. http://www.drnguyenviet.com/?id=6&cat=1&cid=102
[12] Lang Linh (2021), Lịch sử hình thành và tan rã của cộng đồng tộc Việt. https://luocsutocviet.com/2021/10/21/565-lich-su-hinh-thanh-va-tan-ra-cua-cong-dong-toc-viet/
[13] Sina Shangpin 新浪尚品 , Người Trung Quốc đổi gu ẩm thực trong lễ hội: Bánh nếp mỹ vị 国人过节变“吃货”:美味粽子大. http://style.sina.com.cn/tas/food/2012-06-23/024898819_5.shtml
[14] Gulpataom (2013), Pariya: Sự tích và ý nghĩa về loại bánh Tapai nung và Xakaya. https://gulpataom.wordpress.com/2013/04/18/pariya-su-tich-va-y-nghia-ve-loai-banh-tapai-nung-va-xakaya/





VVM.05.2.2022 - trong Lược Sử Tộc Việt - Minh họa: Minh Ngoc Nguyen.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com