* LÝ DO XÂY DỰNG VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH
Năm 221 trước công nguyên, Tần Doanh Chính diệt xong lục quốc, thống nhất toàn cõi Trung Hoa, xưng là Tần Thủy Hoàng đế,
có ý muốn truyền ngôi đến vạn đời.
Tần Thủy Hoàng tin thần tiên, dùng bọn phương sĩ, muốn tìm thuốc trường sinh đặng sống lâu, vui hưởng hạnh phúc. Bấy giờ có một người nước Tề tên là Từ Phúc tâu rằng ở biển đông có ba ngọn núi do thần tiên cai quản là Bồng Lai, Phương Trượng và Doanh Châu, ở đấy có thuốc trường sinh bất tử. Thủy Hoàng mừng lắm, bèn cấp nhiều thuyền lớn, một ngàn đồng nam đồng nữ và lương thực tiền bạc dồi dào để Từ Phúc vượt biển tìm thuốc trường sinh.
Nhưng Từ Phúc đi đã lâu mà không thấy về, chẳng rõ đã chết chìm ngoài biển hay không tìm được thuốc nên không dám về. Thủy Hoàng nóng lòng bèn sai một nho sĩ là Lư Sinh đi tìm Từ Phúc. Không tìm thấy Từ Phúc nhưng Lư Sinh gặp một dị nhân ban cho cuốn sách, trên bìa có ghi bốn chữ "Thiên lục bí quyết", bảo đem về dâng cho Thủy Hoàng thì khỏi tội.
Thủy Hoàng bảo Lý Tư mở ra xem, thấy trong sách có câu "Vong Tần giả Hồ", Thủy Hoàng giật mình bảo :
- Cứ như trong sách thì nhà Tần sẽ mất về tay bọn rợ Hồ !
Liền sai tướng Mông Điềm đem 30 vạn binh đi đánh Hung Nô, thu lại phần đất nay gọi là Hà Sáo. Lại sai Mông Điềm đem 80 vạn dân phu (800.000 người) ra ngoài biên xây đắp Vạn lý trường thành để đề phòng rợ Hồ. Ngoài ra còn bắt thêm dân chúng khắp nơi, bất luận già trẻ, đi phục vụ cho công trình ấy.
* QUY MÔ VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH
Vạn lý trường thành là một trong những kỳ quan nổi tiếng thế giới, một công trình vĩ đại do bàn tay con người dựng lên trên hành tinh này.
Tần Thủy Hoàng không phải là người đầu tiên xây dựng Vạn lý trường thành. Từ thời Chiến quốc, các nước Tần (1), Triệu, Yên tiếp giáp với các Phiên tộc ở bắc đã chọn những nơi hiểm yếu nhất để xây thành nhằm ngăn chặn sự xâm lấn của các lân bang, đặc biệt là Hung Nô, nhưng các thành ấy không liền với nhau. Tần Thủy Hoàng sai nối kết các thành ấy cho liền lại rồi xây đắp thêm cho vững chắc. Sau khi hoàn thành, Vạn lý trường thành chạy dài từ Sơn Hải quan bên bờ Bột hải ở phía đông sang đến Gia Dụ quan, tỉnh Cam Túc ở phía tây, nằm vắt ngang qua địa phận sáu tỉnh miền bắc và miền tây Trung quốc là Cam Túc, Ninh Hạ, Tuy Viễn, Sát Cáp Nhĩ, Nhiệt Hà và Liêu Ninh, băng qua những vùng cực kỳ hiểm trở như núi cao, khe sâu, rừng rậm.
Theo cuốn từ điển "Almanach những nền văn minh thế giới" (2) thì bức thành vạn dặm này dài tới 6.700 ki-lô-mét, nếu kể cả những đoạn thành phụ thì còn dài hơn (3). Trường thành gồm bốn bộ phận họp thành : tường thành, cửa ải, đài thành và phong hỏa đài. Cửa ải thường được xây ở những nơi hiểm yếu, đầu mối giao thông. Vây quanh cửa ải thường có một vài vòng tường thành bảo vệ, bố trí nhiều công sự, đường hào chiến đấu như một pháo đài, có lực lượng vũ trang tinh nhuệ đồn trú. Cửa ải Cư Dung trên Bát Đạt Lĩnh gần Bắc Kinh là một trong những cửa ải quan trọng của Vạn lý trường thành. Thành xây bằng gạch vồ, đá tảng, cao từ 7 đến 8 mét, chân rộng từ 5 đến 6 mét. Mặt tường thành rất rộng, tám người xếp hàng ngang đi được, hai xe ngựa có thể chạy song song. Trên mặt tường thành, phía ngoài có xây những tấm lá chắn, tạo thành hình răng lược, có lỗ chãu mai để quan sát và ngắm bắn. Thân tường phía trong, cứ cách khoảng 200 mét lại có bậc thang lên xuống. Bộ binh, kỵ binh có thể di động, bố trí thuận lợi ngay trên mặt thành để tác chiến. Phía bên ngoài trường thành, trên những cao điểm, cứ cách một cự ly nhất định lại xây một tháp canh hình vuông, mỗi cạnh khoảng 8 mét, cao khoảng 12 mét, chứa sẵn nhiên liệu , gọi là "Phong hỏa đài. Đó là hệ thống thông tin cấp báo. Tương truyền chất đốt ở "Phong hỏa đài" có trộn phân chó sói. Khi đốt ban ngày, khói tỏa lên rất cao, đen kịt, còn ban đêm thì lửa sáng chói, từ rất xa cũng trông thấy. Khi có giặc xâm lấn biên thùy, các "Phong hỏa đài nổi lửa lên, đài nọ truyền tiếp đài kia, qua các khu đồn trú trống thúc vang rền, đưa tin khẩn cấp về tận kinh thành.
Vạn lý trường thành là công trình xây cất lớn nhất của nhân loại từ trước đến nay. Công trình ấy làm cho cả thế giới phải khâm phục.Văn hào Voltaire của Pháp ở thế kỷ 18 cho rằng "nó vừa ích lợi hơn, vừa đồ sộ hơn các Kim tự tháp của Ai Cập". Vì bị Vạn lý trường thành ngăn chặn, Hung Nô không vào được Trung Hoa nên đã tràn qua Âu châu làm cho đế quốc La Mã rơi rụng tan tành.
Về sau, các triều Tây Hán, Bắc Ngụy, Bắc Tề, Bắc Chu, Đại Hán cho tới các triều Tùy, Đường, Tống, Nguyên, triều đại nào cũng tu bổ, tôn tạo cho Vạn lý trường thành thêm vững chắc. Riêng triều Minh (thế kỷ 15-16) đã tu bổ, gia cố trường thành trong khoảng 100 năm liên tục. Trường thành còn lại ngày nay phần lớn là di tích của triều Minh.
Đoạn thành cách Bắc Kinh khoảng 40 km xây trên triền núi Yên Sơn có địa thế rất hiểm trở, được xem như bức bình phong che chắn cho thủ đô. Nếu đi xe lửa Bắc Kinh – Bao Đầu đến Nam Khẩu rồi đi vào miền núi độ 18 km thì đến Thanh Long Kiều.
Ở đây có thể leo lên Bát Đạt Lĩnh để ngắm trường thành. Trên Bát Đạt Lĩnh có cửa ải Cư Dung (đã nói ở trên) nay là một địa điểm du lịch nổi tiếng.
* NỖI KHỔ CỦA DÂN PHU XÂY DỰNG TRƯỜNG THÀNH
Việc xây dựng trường thành kéo dài đến mười năm mới tạm hoàn thành. Ở miền bắc, những trận mưa tuyết trắng xóa trời đất và cái rét cắt da khiến cho nước đóng băng. Ở miền tây khí hậu cực kỳ khắc nghiệt. Dân phu lao động hết sức cực khổ, ăn uống thiếu thốn, quần áo rách tả tơi không đủ chống rét, đau ốm không có thuốc men mà phải làm việc cực kỳ nặng nhọc, lại thêm bị quan quân đánh đập thúc ép làm cho nhanh khiến nhiều người kiệt sức. Hàng vạn, hàng vạn người đã bỏ mạng và vùi thây dưới chân trường thành. Khách qua đây sao khỏi liên tưởng đến câu thơ bất hủ của thi hào Đỗ Phủ trong bài "Binh xa hành" : "Cổ lai bạch cốt vô nhân thu" (xưa nay xương trắng mấy ai nhặt). Thật vậy, trước "đống xương đã cao bằng đầu" ấy, biết xương nào là của thân nhân mình để mang về mai táng. Vạn lý trường thành quả là một bãi tha ma kinh khủng, một nhà tù vĩ đại nhất thế giới trước công nguyên. Bảo rằng Vạn lý trường thành xây bằng xương máu của nhân dân Trung Hoa cũng không phải là ngoa vậy.
Truyền thuyết kể rằng nàng Mạnh Khương, vợ của nho sinh Phạm Kỷ Lương, vì quá yêu chồng nên không nề thiên sơn vạn thủy, đến trường thành tìm chồng nhưng không gặp vì chàng đã mục xương ở chốn này từ lâu. Mạnh Khương nằm phục xuống chân trường thành khóc lóc thảm thiết. Tiếng nức nở của người thiếu phụ yêu chồng ấy đã làm sụp đổ một đoạn trường thành. Câu chuyện có vẻ hoang đường nhưng cũng nói lên nỗi thống khổ của người dân phu đi xây dựng trường thành và nỗi đau của thân nhân họ.
Người Trung Hoa bảo : "Trọn một thế hệ đã tàn mạt để cứu nhiều thế hệ sau", nhưng liệu có cứu được không, hay chỉ là lời ngụy biện?
Đời Tần có những tác phẩm truyền khẩu lưu hành rộng rãi trong dân gian kể về nỗi khổ của người dân phu xây dựng trường thành. Trong truyện Giả Quyên, sách Hán thư, có viết :"Bài hát trường thành đến nay vẫn không dứt" (4), do đó có thể suy đoán rằng nhân dân đã dùng văn chương truyền khẩu để vạch trần chính sách bạo ngược của nhà Tần. Thiên "Hà Thủy" ở sách "Thủy kinh chú" (5) dẫn "Vật lý luận" của Dương Tuyền đời Tấn, trong đó có chép một bài dân ca đời Tấn như sau :
Sinh gái bú mớm nâng niu,
Sinh trai chớ có nuông chiều uổng công.
Dưới trường thành thử đứng trông,
Biết bao xương trắng chất chồng lên nhau.
(Vũ Bội Hoàng dịch)
Mấy câu thơ trên đây là những lời tố cáo viết bằng máu và nước mắt (Lịch sử văn học Trung quốc – Bắc Kinh).
* VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH NGÀY NAY
Ngày nay Vạn lý trường thành không còn làcăn cứ quân sự bí mật cấm mọi người lui tới. Chính phủ Trung Hoa đã mở rộng cửa đón du khách bốn phương đến tham quan di tích lịch sử nổi tiếng này. Chẳng những thế, gần đây Trung Hoa còn cho ra mắt khán giả trong và ngoài nước bộ phim dài nhiều tập về Vạn lý trường thành.
Một thi nhân Việt Nam qua đây đã ghi lại :
Vạn lý trường thành giăng ải bắc,
Trùng trùng điệp điệp đá liền mây.
Hai lăm thế kỷ xây trên núi,
Hai góc chân trời đông nối tây.
Theo tin nước ngoài thì năm 1997 một người buôn bán đã đập một chỗ ở Vạn lý trường thành để lấy chỗ bày hàng, mở đường cho một vụ đầu tư địa ốc. Không thấy nói chính phủ Trung Hoa có đồng ý, cho phép hay không và cách xử lý thế nào.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Mao Trạch Đông của Trung Hoa đã từng nói :"Bất đáo trường thành phi hảo hán" (không đến trường thành không phải
là hảo hán). Muốn trở thành hảo hán có bằng cấp đàng hoàng thì phải leo lên đến đỉnh "Hảo Hán Ba" cao hơn mặt biển 888 mét. Tại đây du khách
có thể mua một mảnh bằng chứng nhận mình là hảo hán với giá 30 nhân dân tệ, có ghi tên tuổi và dán ảnh đàng hoàng với những dấu son vuông
tròn đỏ chót. Hành trình thật vất vả nhưng may thay một nửa quãng đường phải leo lại được đi cáp treo, ngồi trong những ca-bin có dây
cáp kéo lên. Vì thế mà ngày nay có nhiều hảo hán cũng không phải là chuyện lạ.
_____________________________________
1) Nước Tần thời Chiến quốc còn nhỏ, chỉ là một trong thất hùng (bảy nước mạnh). Bấy giờ Trung Hoa chưa thống nhất.
(2) NXB Văn Hóa Thông Tin Hà Nội 1996.
(3) Các sách viết về chiều dài của Vạn lý trường thành không giống nhau. Cuốn Lịch sử thế giới tập I của Nguyễn Hiến Lê ghi là dài non 2.500 km (trang 165). Cuốn Văn hóa Trung quốc của Lê Giảng ghi là dài khoảng 3.000 km (trang 23), cuốn Trung quốc sử lược của Phan Khoang viết là dài hơn 5.400 dặm (trang 106).
(4) Ý nói về nỗi đau khổ của dân phu phải đi xây đắp Vạn lý trường thành.
(5) "Thủy kinh chú" là sách địa lý, tác giả là Lịch Đạo Nguyên đời Hậu Ngụy (Bắc triều).
(6) Điều này nay không còn đúng nữa. Không thể nhìn thấy Vạn lý trường thành từ mặt trăng.
_______________________________________
Bác sĩ NGÔ VĂN QUỸ
Vương là người hướng dẫn của công ty du lịch ra đón chúng tôi. Anh ta niềm nở nói một tràng dài, đại ý chào mừng các vị khách quí đến thăm Bắc Kinh, chúc sức khỏe và nói bắt đầu từ giờ phút này, anh ta có nhiệm vụ đưa chúng tôi đi tham quan mọi nơi theo chương trình, và hứa sẽ làm hết mình để các vị khách quí của Trung Quốc được vui lòng.
…. Đến Vạn lý trường thành, Vương kể chi tiết về lịch sử và việc xây dựng kỳ công này, một công trình duy nhất do bàn tay con người dựng lên trên hành tinh này có thể thấy được từ mặt trăng (6). Nhưng tuyệt nhiên lão không nói một lời nào đả động đến nỗi cực khổ của hàng vạn, hàng vạn con người đã phải lao động khổ sai triền miên năm này qua năm khác trên vùng núi trập trùng hiểm trở này.
Vương nhắc lại câu nói của lãnh tụ tối cao Trung Quốc :"Bất đáo trường thành phi hảo hán" (không đến Trường thành không phải là hảo hán) và giới thiệu vị khách nào đủ sức leo lên đến đỉnh "Hảo Hán Ba" cao hơn mặt biển 888 mét (tam bát), thì có thể mua được ở đó một tấm bằng, có tên tuổi và ảnh chụp hẳn hoi với những dấu son vuông tròn đỏ chót chứng nhận mình là một hảo hán. Té ra thời nay có nhiều hảo hán thật vì một nửa quãng đường phải leo là đi bằng cách…. ngồi trong những ca-bin có dây cáp kéo lên.
Lão Vương kể :
"Có một đoàn du lịch đến Bắc Kinh để đi tham quan Vạn lý trường thành. Khách sạn chật cứng người, sắp xếp mãi vẫn thừa ra một trang nam tử và một vị nữ lưu, mà khách sạn chỉ còn đúng một phòng, trong phòng lại chỉ có độc nhất một chiếc giường đôi. Hướng dẫn viên du lịch bứt đầu bứt tai, chạy đôn chạy đáo thảo luận đến sùi bọt mép, cháy cổ họng cũng chịu không biết làm thế nào. Cuối cùng chỉ còn cách là…. xây lên giữa giường một bức trường thành bằng …. gối để ngăn giường ra làm đôi. Qua một đêm, sáng hôm sau mọi người lên đến Hảo Hán Ba, đều được lĩnh bằng hảo hán. Nhưng bỗng một cơn gió mạnh làm chiếc mũ của vị nữ lưu bay vèo, trang nam tử vội " phi thân" qua trường thành đuổi theo lấy lại được đem về, trao trả. Trong khi trang nam tử chờ đợi một lời cảm ơn thì vị nữ lưu một tay cầm chiếc mũ, một tay giang thẳng cánh, tặng cho trang hảo hán…. một cái tát nẩy đom đóm mắt, và chỉ mặt mắng te tua….
Kể đến đây, lão Vương mặt tỉnh khô quay qua hỏi chúng tôi :"Xin các vị vui lòng giúp đỡ chỉ giáo cho đêm qua đã xảy ra chuyện gì ở khách sạn khiến vị nữ lưu kia tức giận đến thế?". Một vài người dè dặt đưa ra ý kiến, nhưng lão Vương đều lắc đầu, không phải. Té ra vị nữ lưu mắng trang nam tử thế này :"Cái mặt anh mà hảo hán cái gì? Trường thành bằng đá thì anh leo được, còn trường thành bằng gối thì anh lại…. không dám leo qua !"
Tôi nghĩ bụng, nếu chỉ cách nay ít lâu thôi mà lão Vương dám công khai kể một câu chuyện tiếu lâm như vậy thì chắc khó lòng yên thân. Quả thật là thời thế đã có đổi thay.
(Trích báo SGGP - 19-11-1997)
_________________________________________
VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH TỪ VŨ TRỤ
Q.M
Từ trước tới nay đã có nhiều người đặt nghi vấn về vấn đề này khi cho rằng mặc dù dài nhiều ngàn dặm, nhưng bề rộng của Vạn lý trường thành chỉ vài mét nên không thể nhìn thấy từ không gian.
(Báo SGGP - 14-3-2004)
________________________________________
NHÌN THẤY VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH
Phi Tuấn Long cùng với Nhiếp Hải Thắng là hai phi hành gia gần đây nhất của Trung Quốc đi vào vũ trụ trên tàu Thần Châu VI, chuyến đưa người vào vũ trụ thứ hai của Trung Quốc. Anh đưa ra phát biểu trên tại lễ khai mạc Triển lãm vũ trụ tại Bảo tàng khoa học và kỹ thuật Thượng Hải.
"Chúng ta không thể nhìn thấy Vạn lý trường thành từ vũ trụ", Phi Tuấn Long nói. Trong một thời gian dài, người ta vẫn tin Vạn lý trường thành là vật thể duy nhất trên trái đất được nhìn thấy từ vũ trụ, bất chấp nhiều phi hành gia Mỹ bác bỏ điều này.
(Theo Vietnamnet)