Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        






NGUỒN GỐC CỦA MƯỜI HAI CON GIÁP


      N guồn gốc của 12 con giáp thường được xem như một sản phẩm của nền văn minh Trung Hoa, từ văn minh Trung Hoa lan tỏa và ảnh hưởng tới các nền văn hóa xung quanh, tuy nhiên, các nhà nghiên cứu ngôn ngữ học quốc tế và Việt Nam đã tìm hiểu về nguồn gốc của các tên gọi 12 con giáp dựa trên phương pháp phục nguyên ngôn ngữ học, kết quả cho thấy 12 con giáp có nguồn gốc trực tiếp từ ngữ chi Vietic trong ngữ hệ Nam Á. Người Việt đã sáng tạo nên lịch và 12 con giáp dựa trên những quan sát thiên văn, từ đó, 12 con giáp của người Việt đã được người Hoa Hạ tiếp nhận, trong các giai đoạn sau, họ đã cố gắng thay đổi, xóa dấu vết ảnh hưởng của văn hóa tộc Việt trong 12 con giáp, tuy nhiên, họ đã không thành công, để ngày nay, những nghiên cứu ngôn ngữ học đã góp phần làm sáng tỏ nguồn gốc của 12 con giáp, chứng minh nó có nguồn gốc từ sự sáng tạo của người Việt.

1. Công trình nghiên cứu của các tác giả: Jerry Norman, Tsu-lin Mei, Michel Ferlus:

Jerry Norman [1], Tsu-lin Mei [2], Michel Ferlus [3] đã thực hiện một số công trình nghiên cứu cho thấy nguồn gốc Nam Á của 12 con giáp, trong số 12 con giáp, các nhà nghiên cứu đã xác định được 6/12 từ của 12 con giáp có nguồn gốc từ ngữ hệ Nam Á.

Sửu 丑 chǒu: Âm phục nguyên: OC(B-S) nruʔ, OC(MF) ᴸC.ruʔ ; EMC trʰuwˀ. So sánh các ngôn ngữ Nam Á: Norman: VN trâu, Old Mon glau, dlau, Spoken Mon klɛa. Ferlus: PVM *c.luː, Ruc kluː, Vietnamese trâu. Khmer cʰluː. Cả 3 nhà nghiên cứu Norman, Mei và Ferlus đều cho rằng từ này có nguồn gốc từ ngôn ngữ Nam Á.

Thìn 辰 chén: So sánh với các ngôn ngữ Nam Á: VN trăn, Mon klan klɔn, Chrau klăn. Norman cho rằng từ Thìn có gốc Nam Á.

Ngọ 午 wǔ: Âm phục nguyên: OC(B-S) m.qʰˤaʔ ; OC(MF) ᵀs.ŋaʔ ; EMC ŋɔˀ. So sánh các ngôn ngữ Nam Á: PVM *m.ŋəːˀ; Maleng kari măŋəː⁴, VN ngựa. Ferlus cho rằng từ này có nguồn gốc từ ngữ hệ Nam Á.

Mùi 未 wèi: Norman cho rằng từ Mùi có nguồn gốc từ ngữ hệ Nam Á.

Hợi 亥 hài: Âm phục nguyên: OC(B-S) gˤəʔ, OC(MF) ᵀC.gɨʔ ; EMC ɣəjˀ. So sánh các ngôn ngữ Nam Á: PVM *kuːrˀ (north) / *guːrˀ (south) ; Ruc *kuːl⁴, Maleng Brô kùːr ; Viet cúi. Norman và Ferlus cho rằng từ này có thể có nguồn gốc từ ngữ hệ Nam Á.

Dậu 酉 yǒu: Âm phục nguyên: OC(B-S) m.ruʔ, OC(MF) ᴸ-ruʔ ; EMC juwˀ. So sánh các ngôn ngữ Nam Á: PVM *r.kaː ; Ruc rə̆kaː; VN . Ferlus cho rằng không tương quan. Norman đề nghị tiếng Hán và tiếng Thái có nguồn gốc từ tiếng Việt Mường rə̆k/ruk được hình thành bằng cách cắt ngắn của PVM *r.ka

Người Khmer cũng đã tiếp nhận 12 con giáp từ người Việt vào khoảng thời kỳ đồ đồng và đồ sắt. Mười hai con giáp Khmer và cả từ năm của người Khmer cũng bắt nguồn từ ngôn ngữ Vietic, sau đó, người Thái cũng tiếp nhận 12 con giáp từ người Khmer, vì vậy, nguồn gốc của 12 con giáp có thể xác định là từ người Việt – Mường và ảnh hưởng tới người Hoa Hạ và các dân tộc Đông Nam Á. [3]

Nguồn gốc Việt Nam của 12 con giáp và từ năm của người Khmer. [3]

Như vậy thông qua các nghiên cứu của các nhà nghiên cứu quốc tế, có cơ sở rất vững chắc để có thể xác định 12 con giáp có nguồn gốc từ hệ ngữ Nam Á, trong đó trực tiếp hơn là tiếng Việt thuộc ngữ chi Vietic.

2. Công trình nghiên cứu của Nguyễn Cung Thông:

Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam, Nguyễn Cung Thông, đã tiếp nối các nghiên cứu của các nhà nghiên cứu ngôn ngữ quốc tế, để chứng minh một cách toàn diện bằng ngôn ngữ học (phân tích âm, biến âm, phân tích chữ Trung Quốc cổ cùng các dữ kiện lịch sử) [4], để bổ sung và củng cố thêm cơ sở cho thấy nguồn gốc từ ngữ hệ Nam Á và tiếng Việt của mười hai con giáp.

◊ Mão/Mẹo, Ngọ/Ngựa, Tý/Chuột: hầu như chỉ có người Việt mới dùng mèo cho chi Mão, việc xác định nguồn gốc của các từ Mão/Mẹo/mèo và Ngọ/ngựa có thể dễ dàng nhận ra trong sự biến đổi của tiếng Việt, ở Mão/Mẹo/mèo, nguyên âm e hay iê là các dạng cổ hơn của a, Ngọ/ngựa có tương quan rất rõ. Ở Tý/chuột, thì trong tiếng Việt, *chụt/chuột chính là các dạng của tý.

◊ Thìn: theo tác giả Nguyễn Cung Thông, nếu phục hồi âm cổ của Thìn/Thần là *tsri(a)n thì có thể hiểu được các dạng sau này như Thìn/Thần, tlan (âm r chuyển thành l) và trăn, lươn (âm ts- mất đi), rắn, trình (loài cá giống con lươn), rồng/long (nguyên âm o thay cho a như nôm/nam, vốn/bản…) và khuynh hướng đơn âm hoá trong tiếng Việt để cho ra các dạng từ ghép như tlăn > thằn lằn, *tlian > thuồng luồng … Các loài vật này đều có hình dáng như con rồng.

◊ Tỵ: âm cổ phục hồi của Tỵ là *zji? (theo William Baxter), tác giả Nguyễn Cung Thông cho rằng từ này có liên hệ đến rít hay rết tiếng Việt. Kasit (tiếng Mường Ruc) nghĩa là con rít (rết, rệt) cho thấy dạng âm cổ *sit, phụ âm đầu s- thường biến thành t- khi nhập vào tiếng Việt. Tỵ (sì theo tiếng Bắc Kinh) có thể giải thích theo dạng rít của tiếng Việt. Tiếng Việt còn có dạng biến đổi s-r như sầu-rầu, sờ-rờ… Cách dùng rắn rít còn thấy trong tiếng Việt cho thấy hai loài vật này rất gần với nhau, là những loài sống trong hang hốc, bò sát và có thể rất độc hại. Vì vậy, Tỵ có thể đã từng là rít.

◊ Tuất: Tác giả Nguyễn Cung Thông cho rằng các từ Tý/Tí/Tử liên hệ đến chuột qua biến âm t-ch thì Tuất cũng có thể liên hệ đến chó (qua phụ âm đầu). Tiếng Hán có chữ chúc/túc trong từ Hán Việt được viết bằng bộ khuyển hợp với chữ túc Hán Tạng (chân, cẳng) nghĩa là con chó nổi tiếng – giọng Bắc Kinh bây giờ là què, hú, qiăo, răn so với zoek, coek Quảng Đông cok, sit Hẹ … Chữ này là một tàn tích của Tuất hàm nghĩa chó trong vốn từ Trung Hoa hiện đại. So sánh các từ chỉ chó như chọ (tiếng Mường), cho (Sakai, Boloven), chuô (Kháng), txo (Danaw), xoq (Wa), choq (Sơđăng), axu, chuak, chook (Môn), xo (Kơho, Stiêng, Chơro), achoq (Chứt), xor (Savana), cho (Laqven, Biat) …v..v… cho thấy tiếng Môn còn duy trì dạng chuak (hay tuất).

◊ Mùi: Mùi/Vị: Các dạng âm cổ phục hồi theo Jerry Norman hay các tác giả trước đây như *mjôdh đều không giải thích được mối liên hệ đến dê, nhưng dựa vào cặp mùi-vị, có thể khôi phục một dạng cổ là *mvji(e), nhóm phụ âm mv- đọc như và giọng Nam (tiếng Việt), và từ đó nó có một dạng nữa là dê. Tác giả Nguyễn Cung Thông chú thích thêm, nếu chúng ta chú ý tiếng kêu đặc thù của loài dê là ‘be be’ hay mị Hán Việt, mie, mi, măi BK có nhiều cách viết khác nhau như dùng bộ khẩu, bộ dương (dê), cho thấy Mùi/Vị có thể có nguồn gốc tượng thanh – hay bắt chước tiếng kêu con vật giống như tên gọi của chim cu, con quạ (ác), con mèo… đây cũng là một hiện tượng tự nhiên.

◊ Dậu: Vốn từ Trung Hoa hiện đại có chữ dậu (đọc là you theo giọng Bắc Kinh) viết bằng bộ điểu hợp với chữ hữu bên trái (rất hiếm) nghĩa là một loại chim giống loại trĩ, mà có thể coi như là loại gà, có một chi tiết quan trọng là hai chữ trĩ và kê (gà) trong chữ Hán đều viết bằng bộ chuy (chim đuôi ngắn, bộ thủ thứ 171 trong 214 bộ). Theo Nguyễn Cung Thông, đây là sợi dây nối liền dậu và gà mà ta vẫn còn thấy vết tích trong chữ cổ (hiếm) Trung Hoa. Thêm vào đó, một cách giải thích khác theo tác giả Jerry Norman dựa trên kết quả nghiên cứu của André Haudricourt (1965) rằng các phụ âm v, d, g của tiếng Mường và Việt có thể là vết tích của các tiền tố cổ. Từ đó, Norman đưa ra dạng âm cổ phục hồi của gà là *rơka hay *ruka. Theo Nguyễn Cung Thông thì quá trình mất tiền tố này cũng giống như dạng kasit cho ra *sit hay rít đã nói ở phần Tý trên.

◊ Hợi: âm cổ phục hồi của Hợi có dạng *goi/kui- liên hệ của hợi và heo có thể thấy được qua tiếng Mường củi/kun/kul: phụ âm đầu h-k cùng vị trí phát âm nên dễ hoán chuyển cho nhau, Đại Nam Quốc Âm Tự Vị (Huỳnh Tịnh Của, 1895) còn ghi là “cá cúi: thứ cá biển nhiều mỡ như heo, cũng gọi là heo biển; Heo cúi: tiếng đôi nghĩa là con heo.”. Gỏi có thể đã từng làm bằng thịt heo, nhưng nghĩa đã mở rộng để chỉ cá, tôm, gà… trộn với rau. Theo Jerry Norman thì gỏi có nghĩa là heo. Ngoài ra thì chữ Hợi còn có liên hệ với vốn từ Trung Hoa hiện đại. Tiếng Thái bây giờ gọi năm Hợi là bpee goon – để ý dạng cun là con heo của tiếng Mường – cho thấy tiếng Thái vẫn còn duy trì một số tiếng Việt cổ và là một dây nối quan trọng để hiểu rõ hơn nguồn gốc tên 12 con giáp.

◊ Thân: Nguyễn Cung Thông đã khôi phục một dạng âm rất cổ của Thân là *khân/khiôn hay khọn, hay chính xác hơn là kh-sh theo tiến trình : *khiôn > *shiēn (Bắc Kinh) > Thân (Hán Việt). Nói cách khác, tiếng Hán đã mượn từ tiếng Việt cổ âm *khôn hay khọn (con khỉ), sau biến âm thành shēn (Bắc Kinh) và nhập ngược vào tiếng Việt qua dạng Thân. Ta đã đưa ra các tương quan sh-th rất rõ nét như trên, còn tương quan kh-sh có thể nhận ra được khi so sánh tiếng Mường và tiếng Việt.

◊ Sửu: Sửu có dạng âm cổ phục nguyên là *trhuw theo Edwin Pulleyblank so với dạng *drju theo cách phục hồi của William Baxter, và *tn’njôg của Bernhard Karlgren và plau của Li Fang-kuei – hai dạng đầu gần với trâu/tru tiếng Việt nhất. Chúng ta có thể liên hệ Sửu (chŏu BK) với dạng tlu/klu tiếng Mường (tru giọng Ninh Bình đến Thanh Hoá …). So với dạng Hán Thượng Cổ phục hồi của ngưu (niú BK) là *ngiơ (hay *ngwơ) khá nhất trí từ các tác giả Bernhard Karlgren (1957), Edwin Pulleyblank (1991), William Baxter (1992), Axel Schuessler (2007). Tóm lại, ta có thể thiết lập liên hệ Sửu và trâu qua các tương quan giữa phụ âm đầu s- và kl/tl/tr- , thanh điệu cũng như nguyên âm có cơ sở rất rõ ràng, nhưng không có tương quan ngữ âm nào giữa ngưu HV (niú BK) và trâu cả. Điều này cho thấy tiếng Hán đã mượn từ trâu (hay *klu) của phương Nam – hay là cả tên 12 con giáp – tuy rằng đã có tên gọi chúng trong tiếng Hán rồi (có thể ví dụ như ngưu).

◊ Dần: Theo tác giả Nguyễn Cung Thông, thông qua các dữ kiện ngữ âm được ông tổng hợp và phân tích cho thấy Dần đã từng có âm kian (hay kễnh), các thay đổi tự nhiên của ngôn ngữ (của Hán và Việt) làm cho ta khó nhận ra tương quan của Dần-kễnh, nhưng Dần-kính-kễnh có cơ sở giải thích khá vững chắc. Một số từ lắp láy như cập kễnh, khập khễnh… mang hàm ý không hợp, không ăn khớp trong tiếng nói hàng ngày cho thấy mối liên hệ gắn bó giữa cập (cạp) và kễnh: cách ghép này không phải là ngẫu nhiên, có thể cả hai chữ đều từng chỉ loài cọp.

3. Kết luận:

Thông qua các nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học quốc tế, thì 6/12 tên gọi các con giáp có nguồn gốc từ ngữ hệ Nam Á, trong đó trực tiếp nhất là tiếng Việt, những từ này đủ cơ sở để có thể kết luận 12 con giáp có nguồn gốc từ ngữ hệ Nam Á. Những khảo cứu sâu và toàn diện hơn về tiếng Việt của nhà nghiên cứu Nguyễn Cung Thông cũng đã chứng toàn bộ 12 con giáp đều có thể tìm thấy nguồn gốc của nó trong tiếng Việt. Vì vậy, chúng ta có thể kết luận rằng 12 con giáp của người Hán có nguồn gốc từ ngữ hệ Nam Á, trong đó trực tiếp hơn là người Việt (Kinh). Người Hán đã tiếp nhận và có những thay đổi theo hướng nhân hóa, xóa dấu tích của tiếng Việt và văn hóa Việt trong tên gọi và tính cách của các loài vật, nhưng đã không thay đổi được bản chất và nguồn gốc của chúng.


Tài liệu tham khảo:
[1] Norman, Jerry (1985). A Note on the Origin of the Chinese Duodenary Cycle. In: Graham Thurgood; James A. Matisoff; David Bradley (editors), Linguistics of the Sino-Tibetan Area: The State of the Art: 85–89. Pacific Linguistics, Series C 87.
[2] Mei, Tsu-lin (梅祖麟) (1980). “Chinese and the languages of Southeast Asia”. Association for Asian Studies Conference.
[3] Ferlus, Michel (2013). “The sexagesimal cycle, from China to Southeast Asia”. 23rd Annual Conference of the Southeast Asian Linguistics Society, Bangkok, Thailand. https://halshs.archives-ouvertes.fr/halshs-00922842/document
[4] Nguyễn Cung Thông, Loạt bài nghiên cứu: “Nguồn gốc Việt (Nam) của 12 con giáp)”-





VVM.10.1.2022 - Minh họa:Toma Nguyễn.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com