T rang phục thời kỳ Hùng Vương từng là một vấn đề nhức nhối trong lịch sử và nguồn gốc dân tộc của người Việt, những hình ảnh mô tả Tổ Tiên người Việt, thậm chí là các vị vua Hùng trong “trang phục” cởi trần, đóng khố, sống hoang dã như những bộ lạc nguyên thủy đã từng ăn sâu vào trong tiềm thức của người Việt, gây ra những hiểu nhầm không nhỏ về nguồn gốc dân tộc, nhưng qua sự khảo cứu kỹ lưỡng các tài liệu khảo cổ, lịch sử của chúng tôi [1], thì vấn đề trang phục thời Hùng Vương đã trở nên rõ ràng và không còn mờ ảo như trước. Chúng ta đã có đầy đủ cơ sở để chứng minh được rằng trong thời kỳ Hùng Vương, người Việt đã có đầy đủ trang phục, họ không chỉ có đầy đủ trang phục, mà còn có đa dạng về kiểu dáng và hình thức trang phục, mũ miện và kiểu tóc. Từ những tư liệu nghiên cứu chuyên sâu và bài bản về văn hóa cổ của dân tộc Việt, người Việt đã có những nhận thức mới khoa học hơn về nguồn gốc dân của dân tộc mình thông qua việc nhận diện chính xác các dạng trang phục của dân tộc trong thời kỳ Hùng Vương.
Bài viết trước (được đánh số 053 trên blog) đã được chúng tôi khảo cứu và tổng hợp rất đầy đủ, đa dạng và chi tiết các thông tin về trang phục thời kỳ Hùng Vương, tuy nhiên, độ dài của bài viết có lẽ là một rào cản khiến nó trở nên khó tiếp cận với không ít bạn đọc, vì vậy chúng tôi thực hiện bài viết này nhằm mục đích chắt lọc, cô đọng những thông tin quan trọng nhất về trang phục của người Việt từ bài khảo cứu đã được thực hiện trước đó, để bạn đọc hình dung cơ bản nhất về trang phục của dân tộc Việt thời kỳ Hùng Vương. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ mở rộng hơn về không gian các văn hóa gốc nguồn của người Việt trong vùng Dương Tử, với cơ sở từ các nghiên cứu khoa học về nguồn gốc của người Việt, cũng như bổ sung các nghiên cứu và hình ảnh mới mà chúng tôi đã hình thành trong suốt thời gian nghiên cứu về nguồn gốc dân tộc, nhằm làm rõ thêm vấn đề trang phục của người Việt trong lịch sử thời cổ đại.
I. Cơ sở tiếp cận và nghiên cứu về trang phục thời Hùng Vương:
1. Nguồn gốc người Việt và các dân tộc:
Theo các nghiên cứu di truyền và khảo cổ, thì người Việt và các dân tộc thuộc các hệ ngữ Nam Á, Nam Đảo, Tai-Kadai đều có nguồn gốc từ vùng Dương Tử, di cư xuống vùng Đông Nam Á vào khoảng 4000 năm trước (với cư dân thuộc ngữ hệ Nam Á) và khoảng 5000 năm trước (với cư dân thuộc ngữ hệ Nam Đảo). [2][3]
Hướng phân tán của các ngữ hệ có nguồn gốc tộc Việt: Nam Á vào khoảng 4000 năm trước, Nam Đảo vào khoảng 5000-4000 năm trước và Tai-Kadai là sau khi cộng đồng tộc Việt sụp đổ. [4]
Người Việt thời văn hóa Phùng Nguyên, tức là khởi nguồn của thời kỳ Hùng Vương, là hậu duệ trực tiếp của văn hóa Thạch Gia Hà, cùng dòng di cư diễn ra vào khoảng hơn 4000 năm trước. Sự kế thừa văn hóa Thạch Gia Hà ở văn hóa Phùng Nguyên được thể hiện trên nhiều loại hình cổ vật. Đây là cơ sở để chúng tôi tiến hành tham khảo các dạng mũ miện của văn hóa này nhằm lại cơ sở phục dựng trang phục thời Hùng Vương.
A. Đồ gốm Thạch Gia Hà; B: Đồ gốm Phùng Nguyên. [5][6]
Nha chương văn hóa Thạch Gia Hà và nha chương văn hóa Phùng Nguyên. [Nguồn: 1. [7], 2. Bảo tàng Hùng Vương.]
Qua ngọc văn hóa Thạch Gia Hà và qua ngọc Phùng Nguyên. (Qua Phùng Nguyên được ghi trong thông tin của bảo tàng là qua đá, tuy nhiên qua đá có màu xám đậm khá dễ nhận biết, theo tư liệu chúng tôi tìm được (dẫn), thì qua đá có màu sắc khác hẳn so với chiếc qua này, do đó đây khả năng là một chiếc qua bằng ngọc.) [Nguồn: 1. dẫn; 2. Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Gary Todd, dẫn]
Bên cạnh sự kế thừa về các cổ vật, thì ý thức Việt có từ thời văn hóa Lương Chử, Thạch Gia Hà tiếp tục được người Việt kế thừa trong văn hóa Đông Sơn. Ban đầu, tên Việt của tộc Việt có biểu tượng là chiếc rìu, xuất hiện sớm nhất trong các văn hóa Đông Á cổ, sau đó đã được kế thừa ở biểu tượng chiếc rìu của văn hóa Lương Chử, văn hóa Thạch Gia Hà đã phát triển chữ Việt lên thành hình ảnh thủ lĩnh đội mũ lông chim cầm rìu. Văn hóa Đông Sơn đã kế thừa hình ảnh này, trên các trống đồng Đông Sơn rất phổ biến hình ảnh thủ lĩnh cầm rìu, đại diện cho ý thức Việt. [8]
Biểu tượng Việt ở các văn hóa: Lương Chử, Thạch Gia Hà, Đông Sơn. [Nguồn: 1. [9], 2. [10], 3. [11]]
Các cuộc di cư này cũng chính là cơ sở để chúng tôi tìm hiểu về dạng áo choàng lông chim và lông ngỗng của cộng đồng tộc Việt ở các dân tộc Polynesian trên đảo Hawaii, khi người Polynesian thuộc ngữ hệ Nam Đảo có nguồn gốc từ vùng Dương Tử di cư xuống vùng đảo, vì vậy, họ có thể lưu giữ dạng áo cổ của cộng đồng tộc Việt trong thời gian chung sống và đem xuống vùng này.
Trong bài khảo cứu này, chúng tôi cũng tiến hành đối chiếu các dạng trang phục với nhiều dân tộc, nên cũng cần xác định về nguồn gốc chung của các dân tộc này để làm cơ sở khảo cứu. Các dân tộc được chúng tôi khảo cứu về các dạng trang phục như Việt, Dao, Thái, Bố Y, Choang, Pa Dí, Lê đều là các dân tộc có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt, có di truyền thống nhất với nhau, nên những dạng trang phục của họ sẽ là tư liệu để đối chiếu với các cổ vật của văn hoá cổ của tộc Việt.
Tổng hợp và so sánh gen của các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt. [12]
Nghiên cứu của He et al. 2021 cho thấy gen các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt rất gần nhau. [13]
Admixture thể hiện di truyền nguồn gốc các dân tộc, tên cụm không thể hiện các dân tộc có nguồn gốc từ tên được đặt, mà các cụm được thể hiện có di truyền gần nhau. [14]
Đây là những cơ sở để chúng tôi tiến hành tìm hiểu về trang phục thời kỳ Hùng Vương, trong đó cốt lõi là cổ vật, hoa văn của văn hóa Đông Sơn, các tài liệu lịch sử, tiếp đó là cổ vật văn hóa Thạch Gia Hà, kết hợp với các tài liệu dân tộc học từ các dân tộc có nguồn gốc tộc Việt và có liên hệ gần gũi với người Việt.
2. Cơ sở tham khảo cổ vật Điền Việt:
Văn hóa Điền Việt thuộc nền văn hóa tộc Việt, văn hóa và cổ vật của họ mang đặc trưng của văn hóa Đông Sơn, phong tục tập quán, trang phục của họ cũng rất tương đồng với các dạng trang phục, phong tục tập quán của người Việt tại miền Bắc Việt Nam.
Các cổ vật của văn hóa Điền Việt. [Nguồn: Bảo tàng tỉnh Vân Nam, Bảo tàng thành phố Côn Minh, Bảo tàng thành phố Ngọc Khê.]
Đây là cơ sở để chúng ta có thể tham khảo về các dạng trang phục của người Điền, để từ đó có cái nhìn toàn cảnh và chính xác hơn về trang phục của người Việt thời Hùng Vương, khi phong cách nghệ thuật theo xu hướng tả thực giai đoạn sau đã giúp chúng ta có những tư liệu rất rõ ràng về trang phục của cộng đồng tộc Việt.
II. Các dạng trang phục thời kỳ Hùng Vương:
1. Trang phục lễ tế – áo hai tà:
Dạng áo hai tà sử dụng trong tế lễ là một hình ảnh rất thân thuộc, xuất hiện trên hầu hết các trống đồng và trên nhiều đồ đồng của văn hóa Đông Sơn. Hoạt cảnh được thể hiện trên trống đồng là hoạt động tế lễ, cụ thể hơn là lễ tế Trời và thờ cúng Tổ Tiên. [15]
Áo hai tà trên trống đồng Ngọc Lũ. [11]
Áo hai tà trên rìu đồng Đông Sơn. [Nguồn: Tạp chí Khảo cổ học, số 3-4, 1969]
Bởi hình dáng của nó có vẻ giống cái khố, nên đã gây hiểu nhầm cho người Việt rằng trang phục khố là một dạng trang phục chính của người Việt thời Hùng Vương, tuy nhiên, đây là một dạng áo hai tà, không phải khố, dạng áo này cũng được thể hiện trên cổ vật Điền Việt.
Áo hai tà được thể hiện trên tượng bằng vàng Điền Việt. [16]
Kết hợp cả tư liệu của văn hoá Đông Sơn và văn hoá Điền Việt, chúng ta có thể thấy được hai dạng áo chính đi cùng với áo hai tà: áo có khuy ở giữa như trên rìu đồng Đông Sơn, và áo giao lĩnh vạt chéo.
Trang phục tế lễ của người Việt được sử dụng cùng với mũ lông chim. Mũ lông chim có nguồn gốc sớm nhất là từ văn hóa Lương Chử, văn hóa đầu tiên đánh dấu sự hình thành của cộng đồng tộc Việt.
Vị thần văn hóa Lương Chử đội mũ lông chim. [17]
Như vậy, dựa trên những tư liệu của văn hoá Điền Việt, chúng đã biết được chính xác dạng trang phục trên trống đồng chính là trang phục áo hai tà, không phải là chiếc khố như những hiểu nhầm trước đây. Áo hai tà được phối cùng với trang phục áo vạt trái, hoặc ái có khuy ở giữa như trên rìu đồng Đông Sơn.
2. Áo vạt trái dành cho nam giới:
Áo vạt trái là dạng áo quan trọng nhất của cộng đồng tộc Việt, được ghi chép lại trong nhiều tài liệu lịch sử Trung Hoa, dạng áo này cũng xuất hiện trong tài liệu khảo cổ của văn hóa Đông Sơn. Áo vạt trái của cộng đồng tộc Việt được chia thành hai loại: Áo vắt vạt sang bên trái (một dạng giao lĩnh) và áo chui đầu vạt trái.
a. Áo vắt vạt sang bên trái:
Áo vắt vạt sang bên trái dạng giao lĩnh được ghi chép trong nhiều tài liệu lịch sử như Sử Ký, Hậu Hán Thư, Luận Ngữ, đây là dạng áo được sử dụng chung cho cộng đồng tộc Việt.
Sử ký, Triệu Thế Gia chép: “夫翦發文身,錯臂左衽,甌越之民也。黑齒雕題,卻冠秫絀,大吳之國也。” – “Cắt tóc xăm mình, xăm vẽ lên cánh tay và mặc áo vạt hướng về phía trái, là [phong tục của] dân Âu Việt. Răng đen khắc trán, đội mũ da cá, mặc áo khâu bằng chỉ to, là [phong tục của] nước Đại Ngô.” [18]
Hậu Hán Thư, Văn Uyển liệt truyện chép về phong tục đặc trưng của người Việt: “椎結左衽” – “búi tóc, áo vạt trái”.
Luận Ngữ, phần Hiến Vấn chép: “管仲相桓公,霸諸侯,一匡天下,民到于今受其賜。微管仲,吾其被髮左衽矣。豈若匹夫匹婦之為諒也,自經於溝瀆,而莫之知也。” – ““Quản Trọng theo giúp Tề Hoàn Công nên nghiệp bá, nhờ vậy mà thiên hạ từ loạn đổi sang trị. Nếu không có Quản Trọng thì chúng ta phải gióc tóc và vắt vạt áo bên trái như bọn man di. Lẽ nào vì tấm lòng trung quân nhỏ hẹp tầm thường mà đi treo cổ bên lạch suối sao?”.
Áo vạt trái trên trống đồng Động Xá. [Nguồn: Phim tài liệu Đi tìm trang phục Việt]
Dạng áo này trong tài liệu khảo cổ cũng tìm thấy dấu tích với các thành phần của trang phục rất giống với áo vạt trái của tộc Việt trên những mảnh vải được tìm thấy trong mộ cổ Châu Can.
Năm 2000, trung tâm tiền sử Đông Nam Á đã thu thập nghiên cứu cùng với người nước ngoài để bảo quản thành công các miếng vải cổ trong mộ thuyền Châu Can. Những mảnh vải này thực sự đã cho ta thấy rõ nét kĩ thuật dệt, cấu tạo trang trí, may cắt, các loại diềm tua và trang phục thời Đông Sơn. Qua nghiên cứu 118 miếng vải lớn nhỏ được chắt lọc ra từ 0,015m khối đất bùn vớt ra từ lòng mộ Châu Can. Những mảnh vải hiện diện rõ những phần khác nhau của trang phục. Trang phục ở mộ mà chủ nhân được chôn là một thanh niên tuổi khoảng 18 đến 20, mặc áo có diềm khâu, diềm tua. Vạt áo trang trí dệt bằng hai loại sợi hỗn hợp: sợi lanh (cannabis) và lụa (silk). Những mảnh thắt lưng ở mộ Châu Can được dệt bằng chất liệu sợi vải gai (boehmira) có bề ngang rộng khoảng 6cm. [19]
Người Điền Việt cũng có dạng áo vạt trái giống như phong tục chung của cộng đồng tộc Việt, được thể hiện trên các cổ vật bằng vàng và đồng của họ.
Áo vạt trái của thầy cúng Điền Việt. [16]
Tranh phỏng dựng lại dạng trang phục áo vạt trái thực hiện bởi họa sĩ Đỗ Thái Thanh, page Anh Hùng 4000.
Áo vạt trái dạng này là một dạng trang phục chính và quan trọng nhất của nam giới tộc Việt trong thời kỳ Hùng Vương, bên cạnh đó, thì họ còn có một dạng áo vạt trái khác, đó là áo chui đầu vạt trái.
b. Áo chui đầu vạt trái:
Bên cạnh dạng áo vắt vạt sang bên trái, thì người Việt còn một dạng áo khác, đó là áo chui đầu có vạt nằm bên trái, đây là một dạng áo giống như một chiếc váy dài, có vạt áo và khuy áo nằm trên vai bên trái.
Tam quốc chí, Ngô thư – Tiết Tống truyện mô tả về phong tục người Việt: “椎結徒跣貫頭左袵” – “búi tóc, chân trần, áo chui đầu vạt trái”.
Dạng áo này tương tự như áo trên trống đồng Điền Việt, tuy nhiên, thì của người Việt có thể được sử dụng cả thắt lưng (đồng, vải) và bên trái thì có vạt áo được sử dụng cùng với khuy.
Áo chui đầu trên trống đồng Điền Việt.
3. Trang phục dành cho nữ giới:
Trang phục chính giành cho nữ giới thời Hùng Vương được thể hiện rất rõ trên các cán dao găm, với kết cấu bao gồm váy quấn, áo, cạp váy và chiếc xế đằng trước váy.
Dạng áo váy trên dao găm đồng Đông Sơn. [Nguồn: Bảo tàng Barbier-Mueller, Bộ sưu tập tư nhân]
Kết cấu chiếc xế, cạp váy gần tương tự như trang phục của người Hmong.
Tranh phỏng dựng được thực hiện bởi họa sĩ Đỗ Thái Thanh, page Anh Hùng 4000.
Dạng áo váy này có thể được phối với áo vạt trái, kết cấu cũng tương tự như dạng áo váy đã được phỏng dựng dựa trên cán dao găm ở trên.
Dạng áo váy quấn cùng với áo vạt trái của người Tai Lue và phỏng dựng được thực hiện bởi họa sĩ Đỗ Thái Thanh.
Dạng áo váy khác trên các dao găm đồng khác cũng tương đồng với dạng áo váy trên, tuy nhiên thì chiếc xế ở các tượng trên được nối xéo, giống như một dạng váy liền, hơn là một kết cấu rời thành hai phần áo và váy, cũng như chiếc xế chính là lớp áo hai tà bên ngoài trang phục.
Dạng áo hai tà trên các dao găm đồng Đông Sơn. [Nguồn: Nhà hàng Trống Đồng, Dao găm đồng Làng Vạc]
Dạng áo váy này giống với các dạng áo váy của nhiều dân tộc, trong đó gần gũi và tiêu biểu nhất là các dạng áo váy của người Bố Y và người Dao.
Các dạng áo váy hai tà của người Bố Y và người Dao.
4. Váy xếp ly dành cho nữ giới:
Bên cạnh dạng áo váy quấn hoặc áo hai tà ở trên, thì nữ giới thời Hùng Vương còn có cả dạng váy xếp ly, dạng váy này hiện vẫn còn nhiều dân tộc tiếp tục kế thừa. Nó có thể được phối cùng cạp váy, chiếc xế tương tự như người Choang.
Váy xếp ly trên thạp Hợp Minh. [20]
Váy xếp ly của người Choang.
5. Áo choàng lông chim và lông ngỗng:
Văn hóa của người Việt liên quan mật thiết tới các loài chim, họ xem chim Tiên (chim Phượng Hoàng) như vật Tổ của mình bên cạnh Rồng [21][22], các ghi chép cũng cho chúng ta thấy được người Việt cũng đã có những chiếc áo làm từ lông chim, được sử dụng để biểu thị quyền lực, sử dụng trong các dịp lễ tế.
Các cuốn Lĩnh Biểu Kỷ Man, Xích Nhã, Việt Tây Tùng Tải và Lĩnh Ngoại Đại Đáp có dẫn các thủ lĩnh (hoặc vua) các bộ tộc Âu Việt, Lạc Việt và Lâm Ấp thường mặc áo lông thiên nga (hoặc lông chim). Người Hán gọi kiểu áo đó là “điểu y” (鸟衣), gọi cộng đồng mặc áo lông chim là Điểu Di (鸟夷). [23]
Người Choang, một tộc người có nguồn gốc từ cộng đồng tộc Việt hiện còn giữ được một truyền thuyết về áo choàng lông chim. Câu truyện Bách Điểu Y của người Choang nhắc về việc Trương Á Nguyên (nhân vật chính trong truyện) bắn 100 con chim, làm chiếc áo choàng lông vũ để lấy lại được vợ. [24]
Như vậy, dạng áo lông chim là một dạng áo rất quan trọng trong văn hóa của người Việt. Trong thời cổ đại, thì đây là một dạng áo choàng, được kết thành từ lông các loài chim, hoặc lông thiên nga, lông ngỗng, tùy vào đối tượng sử dụng nó. Dạng áo này không thể tìm thấy dấu tích trong các vùng tộc Việt cổ đại, khi mở rộng không gian tìm kiếm ở các dân tộc có nguồn gốc gần với người Việt, thì chúng tôi nhận thấy người Polynesian tại đảo Hawaii có giữ được loại áo lông chim và lông ngỗng này.
Áo choàng lông chim, lông ngỗng và sử dụng trong thực tế của người Polynesian. [Nguồn: 1, 2, 3]
Phỏng dựng trang phục quý tộc nữ với áo lông ngỗng, thực hiện bởi họa sĩ Đỗ Thái Thanh, page Anh Hùng 4000.
6. Các dạng giáp thời Hùng Vương:
Trong thời kỳ Hùng Vương, cũng đã tìm thấy nhiều mảnh giáp là thành phần của một bộ giáp, nhiều khả năng là giáp lamellar.
Mảnh áo giáp đồng văn hóa Đông Sơn.
Dạng áo giáp lamellar nói chung thì thường có nhiều lỗ để xâu thành một bộ áo giáp, quan sát ở những mảnh áo giáp ở trên, có thể thấy đa phần chúng đều chỉ có 2 lỗ. Điều này dẫn tới 2 giả thuyết: một đó là những mảnh giáp này được kết nối với nhau bằng một cách khác biệt, so với các cách kết nối khác, để tạo thành một bộ giáp lamellar, hoặc có thể gắn vào lớp vải, lớp da bọc trong, dạng này được gọi là scale (giáp vảy).
Văn hóa Điền Việt cũng đã tìm thấy những mảnh giáp với nhiều lỗ là thành phần của một bộ giáp lamellar, chúng tôi cho rằng văn hóa Đông Sơn cũng đã có dạng mảnh giáp này, tuy nhiên, những hiện vật mảnh giáp tương tự nhiều khả năng chưa được công bố.
Giáp lamellar của văn hóa Điền Việt. [Nguồn]
Ngoài dạng áo giáp lamellar, thì thời cổ đại, các dân tộc còn có nhiều loại áo giáp đa dạng chất liệu khác như giáp da, giáp vải, giáp tre, đây đều là những chất liệu sẵn có, nên chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng để phỏng dựng các dạng giáp cho quân đội Việt trong thời kỳ Hùng Vương.
Các dạng áo giáp: lamellar dạng da, áo giáp da La Mã, áo giáp vải Nhật, áo giáp tre Nhật. [Nguồn: 1, 2, 3, 4.]
Những chiếc “hộ tâm phiến” mà các nhà nghiên cứu trước đây cho rằng là một bộ phận để bảo vệ ngực trước vũ khí, sử dụng cho quân lính. Tuy nhiên, dựa trên những quan sát toàn diện trên các “hộ tâm phiến” này, nhiều khả năng nó không phải là một vật phổ thông, được sử dụng cho toàn bộ quân lính. Những chiếc “hộ tâm phiến” thường được khắc họa những hoa văn rất đẹp và tinh xảo, thông thường người Việt chỉ sử dụng hoa văn cho những cổ vật có ý nghĩa quan trọng đối với họ, các vũ khí đơn thuần thường không có hoa văn, đặc biệt hơn, thì những hoa văn rồng đôi được khắc họa trên đó thể hiện chúng có thể được sử dụng riêng cho tầng lớp cao trong xã hội tộc Việt thời kỳ này. Bên cạnh đó, thì những chiếc “hộ tâm phiến” này rất mỏng, không đủ khả năng thực chiến, bảo vệ người đeo trước vũ khí của kẻ thù, nên khó có khả năng là một dụng cụ phòng vệ của chiến binh Việt thời Hùng Vương. Vì vậy, những chiếc “hộ tâm phiến” này không phải vũ khí tự vệ đơn thuần, mà nhiều khả năng, nó chính là những chiếc quân hiệu, cấp hiệu, chỉ được sử dụng cho cho các tầng lớp tướng lĩnh trong quân của người Việt xưa, chỉ được sử dụng cho những người có vai trò quan trọng trong quân đội.
Những chiếc cấp hiệu, quân hiệu của quân đội thời Hùng Vương. [Nguồn: Bảo tàng Barbier-Mueller.]
II. Các dạng mũ, miện, khăn thời Hùng Vương:
1. Các dạng mũ miện văn hóa Thạch Gia Hà và thời Hùng Vương:
Thời kỳ Hùng Vương bắt đầu tại Việt Nam với văn hóa Phùng Nguyên, kế thừa trực tiếp và gần nhất của văn hóa này chính là văn hóa Thạch Gia Hà trong vùng trung lưu Dương Tử. Văn hóa Thạch Gia Hà có một số bức tượng thể hiện rõ những chiếc mũ dành riêng cho tầng lớp cao nhất của xã hội người Việt thời kỳ này. Đầu tiên là chiếc mũ giống với chiếc mào chim được đội trên đầu của vị Thần văn hoá Thạch Gia Hà, một nhân vật rất linh thiêng và quan trọng trong văn hoá Đông Á cổ.
Miếng ngọc vị Thần Thạch Gia Hà với chiếc vương miện. [Nguồn]
Rất thú vị, đó là dạng mũ này rất tương đồng với mũ Thông Thiên của người Hoa Hạ. Mũ Thông Thiên được ghi chép sớm nhất là từ nhà Hán. Nhiều khả năng, người Hoa Hạ đã học dạng mũ này từ tộc Việt. Các triều đại Hoa Hạ, bắt đầu từ thời Thương Chu đã học hỏi rất nhiều di sản văn hóa của tộc Việt [25], nhà Hán tiếp tục kế thừa những đặc trưng văn hóa mà các triều đại tiền thân đã học hỏi của tộc Việt, nên việc họ học hỏi cả dạng vương miện này cũng không phải là điều khó hiểu.
Mũ Thông Thiên của các triều đại: Nam Triều và triều Tống. [Nguồn: 1, 2]
Ngoài ra, thì các tượng ngọc văn hóa Thạch Gia Hà cũng cho thấy nhiều dạng mũ khác được dùng cho vua, có thể cả tầng lớp quan lại. Như hình phía dưới, nhiều khả năng cũng là một dạng vương miện dành cho vua của người Việt trước và trong thời Hùng Vương, sử dụng cho mục đích khác.
Miếng ngọc hình vị Thần đội một dạng mũ khác, đây có thể là một dạng mũ khác dành cho vua. [Nguồn]
Một dạng mũ khác trên tượng ngọc hình vị Thần văn hóa Thạch Gia Hà. [Nguồn: Gary Todd, Jade Gallery, Aurora Museum, Pudong, Shanghai]
Các bức tượng ngọc văn hóa Thạch Gia Hà như dưới đây đội một dạng vương miện đỉnh hình vuông, có hai bên nhọn hoặc vuông, dạng này khá giống với vương miện của các vị vua Hoa Hạ và vua Việt sau này, nhưng có khác biệt về hình dáng mũ.
Các tượng ngọc vị Thần văn hóa Thạch Gia Hà có đội một dạng vương miện. [Nguồn: 1. Christie’s, 2. Dẫn.]
Ngoài hình ảnh vị thần đội những loại mũ, vương miện dành cho vua, thì văn hóa Thạch Gia Hà cũng có nhiều tượng ngọc khác có dạng mũ vuông, có lẽ đây là dạng mũ dành cho tầng lớp quan lại, bởi khuôn mặt này là của người thường chứ không phải vị Thần, chỉ có vị Thần mới được mang trang phục của vua.
Chiếc mũ dạng hình vuông trên tượng ngọc văn hóa Thạch Gia Hà. [7]
2. Các dạng mũ, khăn cho quý tộc và thường dân:
Trong thời kỳ Hùng Vương, thì người Việt cũng có rất nhiều và đa dạng các loại mũ, loại khăn, được thể hiện trên nhiều cổ vật của văn hóa này.
a. Khăn lươn:
Chiếc khăn lươn, vật dụng rất quen thuộc và phổ biến trong đời sống người Việt cho tới ngày nay, cũng có thể được sử dụng trong đời sống người Việt thời Đông Sơn. Dạng khăn này được sử dụng cho cả nam và nữ.
Khăn lươn trên dao găm đồng Đông Sơn và của người VIệt ngày nay. [Nguồn: Nhà hàng Trống Đồng, THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa.]
Khăn vấn trên các tượng ngọc văn hóa Thạch Gia Hà. [Nguồn: Christie’s]
b. Khăn lươn và khăn mỏ quạ:
Khăn lươn của người Việt ngày nay cũng được sử dụng cùng với khăn mỏ quạ, được người Việt trong vùng Bắc Bộ lưu giữ. Dạng khăn này chỉ được sử dụng cho nữ giới.
Khăn lươn và khăn mỏ quạ trên dao găm đồng Đông Sơn và ở người Việt hiện đại.
c. Khăn vấn:
Khăn vấn xét về mặt ý nghĩa thì cũng tương đồng với dạng khăn lươn, có điều khác biệt, đó là khăn lươn chỉ có một dải, thì khăn vấn là những lớp vải được xếp chồng lên nhau. Dạng khăn vấn được thể hiện rất rõ trên cán dao găm đồng Đông Sơn.
Khăn vấn trên dao găm đồng Đông Sơn và người Việt hiện đại. [Nguồn: Bst Nhà hàng Trống Đồng, THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa.]
d. Nón chóp:
Nón chóp cũng là một phụ kiện vô cùng quen thuộc với người Việt thời hiện đại, đây cũng là một hiện vật nổi tiếng của văn hóa Việt trên bình diện quốc tế. Trên các cổ vật văn hóa Thạch Gia Hà và văn hóa Đông Sơn cũng thể hiện rõ những chiếc nón chóp dạng nhỏ.
Nón trên cổ vật văn hóa Thạch Gia Hà và trên cổ vật văn hóa Đông Sơn. [Nguồn: 1. [26], 2. dẫn, 3. [27]]
Người Việt thời Pháp thuộc hay tới ngày nay vẫn tiếp tục giữ gìn và sử dụng dạng nón chóp hay nón lá.
Nón của lính khố đỏ thời Pháp thuộc và của người Việt thời hiện đại.
e. Nón dẹt:
Nón dẹt có thể là một dạng nón được sử dụng riêng cho các chiến binh, kể cả trên tượng đồng văn hóa Đông Sơn hay thời Pháp thuộc, thì chúng cũng đều được sử dụng cho các chiến binh Việt.
Nón dẹt trên dao găm đồng Đông Sơn và của lính khố đỏ thời Pháp thuộc.
f. Nón hình tam giác:
Nón hình tam giác trên dao găm đồng Đông Sơn và nón tam giác của người Pa Dí. [Nguồn cổ vật: Nhà hàng Trống Đồng]
g. Dạng nón hình thang:
Dạng nón hình thang trên dao găm đồng Đông Sơn và của người Choang. [Nguồn cổ vật: Bảo tàng Barbier-Mueller]
h. Dạng mũ tròn:
Dạng mũ tròn tương tự nón beret trên dao găm đồng Đông Sơn và của người Lê tại đảo Hải Nam.
III. Các dạng tóc tộc Việt và một yếu tố quan trọng đi cùng trang phục:
1. Các dạng tóc của nam giới:
Trong thời kỳ Hùng Vương, thì cộng đồng tộc Việt được ghi chép với hai dạng tóc quan trọng nhất, đó là cắt tóc và búi tóc, cả hai dạng tóc này đều được thể hiện trên các cổ vật văn hóa Thạch Gia Hà và cổ vật tộc Việt tại Chiết Giang.
Sử ký Tư Mã Thiên, Ngô Thái bá thế gia chép: “…Thái bá, Trọng Ung bèn chạy trốn đến đất Kinh Man, xăm mình cắt tóc“. [15]
Sử ký Tư Mã Thiên, Việt vương Câu Tiễn thế gia chép: “Tiên tổ của Việt vương Câu Tiễn là hậu duệ của Hạ Vũ, được phong ở Cối Kê để phụng giữ tế tự vua Vũ. Xăm mình cắt tóc, cắt cỏ hoang rồi dựng ấp ở đó.” [28]
Truyện chim trĩ trắng trong sách Lĩnh Nam chích quái chép: “舊本曰:周公問曰:「交趾短髮文身,露頭跣足黑齒,何由若是也?」越裳氏應曰:「短髮以便山林之入。文身以為龍君之形,游泳於河,蛟龍不犯。跣足以便緣木。刀耕火種,露頭以避炎熱。食檳榔以除污穢,故黑齒。」” – “Chu Công hỏi: “Tại sao dân Giao Chỉ cắt tóc ngắn, để đầu trần, xăm mình, đi chân đất như vậy là cớ sao?”. Sứ thần đáp rằng đáp: “Cắt tóc ngắn để tiện đi trong rừng. Xăm mình để giống hình Long Quân bơi lội dưới sông loài giao long không phạm tới. Đi chân đất để tiện leo cây. Cày bằng dao, trồng bằng lửa. Ău trầu cau để trừ ô uế cho nên răng đen”. [Bản dịch của Trần Đình Hoành]
Các dạng tóc ngắn và búi tóc của người Việt: Văn hóa Thạch Gia Hà: [Nguồn: 1, 3, 4], tượng người Việt Chiết Giang [Nguồn]
Bên cạnh dạng búi tóc, thì người Việt còn có cả dạng tết tóc đuôi sam, được thể hiện trên hầu hết các hình tượng nam giới trên các cán dao găm đồng Đông Sơn.
Dạng tết tóc đuôi sam của nam giưới thời Hùng Vương trên cán dao găm Đông Sơn. [27]
2. Kiểu tóc của nữ giới:
Nữ giới có những kiểu tóc cơ bản như sau được thể hiện trên các cổ vật văn hóa Đông Sơn và văn hóa Điền Việt: búi tóc, cắt tóc ngắn – thả tóc và để tóc dài, quấn tóc quanh đầu.
Dạng búi tóc cao của nữ giới thời Hùng Vương trên cá dao găm Đông Sơn, và một dạng tóc tương đồng (với đôi chút khác biệt) của người Điền Việt. [Nguồn: Bộ sưu tập Kiều Quang Chẩn]
Dạng thả tóc, đuôi tóc uốn xoăn cũng là một dạng tóc được kế thừa rất lâu dài trong văn hóa người Việt: nó xuất hiện trong văn hóa Thạch Gia Hà, cả trong văn hóa Đông Sơn và văn hóa Điền Việt.
Ở đảo Hải Nam, người Chu Nhai (Hải Nam) cũng có phong tục xõa tóc: “… Nhìn ra xa thấy châu Chu Nhai… Nhân dân có khoảng hơn 10 vạn nhà…, xõa tóc, xăm mình, con gái phần nhiều tướng mạo đẹp, làn da trắng trẻo, tóc dài, tóc mai đẹp” [28]
Dạng thả tóc, có đuôi tóc uốn cong trên đồ ngọc Thạch Gia Hà, đồ đồng Đông Sơn và trên đồ đồng Điền Việt. [Nguồn: Bảo tàng nghệ thuật Freer, Nhà hàng Trống Đồng]
Dạng tết tóc và quấn tóc quanh đầu trên cổ vật văn hóa Đông Sơn (hiện đang trưng bày tại nhà hàng Trống Đồng và tranh phục dựng được thực hiện bởi blog daiyevon).
3. Một đặc trưng rất quan trọng khi phục dựng trang phục thời Hùng Vương:
Một đặc trưng rất quan trọng khi phục dựng trang phục thời kỳ Hùng Vương, đó là người Việt thường đeo những chiếc khuyên tai tròn, cho cả nam và nữ, đặc trưng này được thể hiện xuyên suốt từ thời cổ đại cho tới thời kỳ văn hóa Đông Sơn, nên khi phục dựng trang phục, các hoạ sĩ cần đưa chi tiết này vào bức tranh như một yếu tố cơ bản cần phải có.
Các tượng người của văn hóa Thạch Gia Hà và Đông Sơn đều đeo khuyên tai tròn. [Nguồn: 1, 2, 3. Bảo tàng Barbier-Mueller]
IV. Kết luận:
Những hình ảnh, thông tin về trang phục thời kỳ Hùng Vương được chúng tôi tiến hành tìm hiểu và tổng hợp lại trong bài viết này đã cho thấy được những dạng trang phục, mũ miện cơ bản nhất về trang phục thời kỳ Hùng Vương của người Việt. Trong thời kỳ này, người Việt không chỉ có trang phục, mà còn có rất đầy đa dạng các loại trang phục, mũ miện cho đầy đủ các tầng lớp trong xã hội của người Việt.
Chúng tôi hy vọng rằng, bài viết này, cùng với bài viết đã được chúng tôi thực hiện trước đó [1], sẽ là nguồn cảm hứng và tư liệu để các họa sĩ, các nhà nghiên cứu có thể tiến hành phục dựng, phỏng dựng và vẽ tranh, làm phim về thời kỳ Hùng Vương, để đem nguồn cội dân tộc tới với ngày càng nhiều người Việt hơn.
Lang Linh
Minh họa: họa sĩ Maboroshi36.
[1] Lang Linh (2018), Khảo cứu về trang phục thời kỳ Hùng Vương. https://luocsutocviet.com/2018/01/07/053-khao-cuu-ve-trang-phuc-thoi-ky-hung-vuong/
[2] McColl H, Racimo F, Vinner L, Demeter F, Gakuhari T, Moreno-Mayar JV, Van Driem G, Wilken UG, Seguin-Orlando A, De la Fuente Castro C, Wasef S (2018). The prehistoric peopling of Southeast Asia. Science. 361(6397):88-92. https://science.sciencemag.org/content/361/6397/88
[3] Lipson M, Cheronet O, Mallick S, Rohland N, Oxenham M, Pietrusewsky M, Pryce TO, Willis A, Matsumura H, Buckley H, Domett K, Nguyen GH, Trinh HH, Kyaw AA, Win TT, Pradier B, Broomandkhoshbacht N, Candilio F, Changmai P, Fernandes D, Ferry M, Gamarra B, Harney E, Kampuansai J, Kutanan W, Michel M, Novak M, Oppenheimer J, Sirak K, Stewardson K, Zhang Z, Flegontov P, Pinhasi R, Reich D. Ancient genomes document multiple waves of migration in Southeast Asian prehistory. Science. 2018 Jul 6;361(6397):92-95. doi: 10.1126/science.aat3188. Epub 2018 May 17. PMID: 29773666; PMCID: PMC6476732.
[4] David Reich. Who we are and how we got here: Ancient DNA and the new science of the human past. 2018: Oxford University Press.
[5] Thai Hâm Thành 邰鑫成. Nghiên cứu về nghĩa trang văn hóa Thạch Gia Hà 石家河文化墓地研究[D].吉林大学,2014.
[6] Hán Văn Khẩn, Văn hóa Phùng Nguyên, Nhà xuất bản đại học quốc gia Hà Nội (2005)
[7] Zhang Changping, Guo Weimin, Wang Mingqin, Yu Yajao, The Complete Collection of Jades Unearthed in China, Tập 10, Nhà xuất bản Khoa học Trung Quốc.
[8] Lang Linh (2021), Khái niệm tộc Việt và nguồn gốc cộng đồng tộc Việt. https://luocsutocviet.com/2021/09/29/553-khai-niem-toc-viet-va-nguon-goc-cong-dong-toc-viet/
[9] Đổng Sở Bình 董楚平; “Phương Việt hội thi” “方钺会矢” – Một trong những diễn giải về các nhân vật Lương Chử 良渚文字释读之一[J];东南文化;2001年03期.
[10] Đội khảo cổ Thạch Gia Hà 石家河考古队 (1999). Tiêu Gia Ốc Tích 肖家屋脊: Nhà xuất bản Văn Vật 文物出版社.
[11] Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Vinh. Những trống đồng Đông Sơn phát hiện ở Việt Nam. Nxb: Viện Bảo Tàng Lịch Sử VN (1974).
[12] Wang, CC., Yeh, HY., Popov, A.N. et al. Genomic insights into the formation of human populations in East Asia. Nature 591, 413–419 (2021). https://doi.org/10.1038/s41586-021-03336-2
[13] He G, Wang M, Zou X, Chen P, Wang Z, Liu Y, Yao H, Wei L-H, Tang R, Wang C-C and Yeh H-Y (2021) Peopling History of the Tibetan Plateau and Multiple Waves of Admixture of Tibetans Inferred From Both Ancient and Modern Genome-Wide Data. Front. Genet. 12:725243. doi: 10.3389/fgene.2021.725243
[14] Huang, X., Xia, Z., Bin, X., He, G., Guo, J., Lin, C., Yin, L., Zhao, J., Ma, Z., Ma, F., Li, Y., Hu, R., Wei, L., & Wang, C. (2020). Genomic Insights into the Demographic History of Southern Chinese. bioRxiv. https://science.sciencemag.org/content/361/6397/92
[15] Lang Linh (2021), Hồ Động Đình, bộ Cửu Ca và văn hóa tộc Việt. https://luocsutocviet.com/2021/05/11/533-ho-dong-dinh-bo-cuu-ca-va-van-hoa-toc-viet/
[16] Chen Liang 陈亮. Nói về phong cách nhảy của tượng đồng ở Vân Nam 漫谈滇国青铜器舞蹈造型[J].寻根,2020(02):73-81.
[17] Colin Renfrew, Bin Liu (2018). The emergence of complex society in China: the case of Liangzhu. Antiquity;92(364):975-90. https://www.cambridge.org/core/journals/antiquity/article/abs/emergence-of-complex-society-in-china-the-case-of-liangzhu/0D4FD61E9460755CED69047FAD7FA2AD
[18] Tư Mã Thiên, Sử ký III – Thế Gia, Phạm Vân Ánh dịch, Nhà xuất bản Văn học. 2020.
[19] Lịch sử trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam. Quang Vũ Trịnh. Nhà xuất bản Văn Hóa – Thông Tin, 2007.
[20] Nguyễn Du Chi, Hoa văn Việt Nam – Từ thời tiền sử đến nửa đầu thời kỳ phong kiến, Nhà xuất bản Hồng Đức, 2003.
[21] Lang Linh (2021), Hình tượng Rồng trong văn hóa cổ Á Đông https://luocsutocviet.com/2021/06/15/538-hinh-tuong-rong-trong-van-hoa-co-a-dong/
[22] Lang Linh (2021), Đi tìm một nửa Tiên Rồng: nguồn gốc chim Tiên https://luocsutocviet.com/2021/05/28/535-di-tim-mot-nua-tien-rong-nguon-goc-chim-tien/
[23] Nguyễn Ngọc Thơ (2011), Văn hóa Bách Việt vùng Lĩnh Nam trong mối quan hệ với văn hóa truyền thống ở Việt Nam.
[24] Câu chuyện về Bách Điểu Y của dân tộc Choang 壮族百鸟衣故事 http://www.fengsuwang.com/minjian/zhuangzubainiaoyi.asp
[25] Lang Linh (2021), Những ảnh hưởng của văn hóa tộc Việt tới văn hóa Hoa Hạ. https://luocsutocviet.com/2021/07/03/544-nhung-anh-huong-cua-van-hoa-toc-viet-toi-van-hoa-hoa-ha/
[26] Gu Fang, Chinese Jades in Traditional Collections, Tập 1: Neolithic Period·Shang Dynasty Western Zhou·Spring and Autumn Period·Warring States Period.
[27] Martin Doustar. Art of the Bronze Age in Southeast Asia. 2014: Martin Doustar tribal and ancient arts.
[28] Lịch Đạo Nguyên, Thủy Kinh Chú Sớ, Quyển XXXVI, trang 394, Nguyễn Bá Mão dịch, Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2005.
Minh họa: họa sĩ Maboroshi36.