Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        






TỪ TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG VUA HÙNG
TỚI TÍN NGƯỠNG THỜ CÚNG TỔ TIÊN



      T ín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” vừa được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ngày 6-12-2012. Đây là một vinh dự đồng thời cũng là một niềm tự hào của dân tộc Việt Nam đối với thế giới ngày nay đang ở vào thời đại văn minh vật chất có bước tiến nhảy vọt về công nghệ thông tin.

Trong khi nhân loại đã và đang sống trong một thế giới của nền văn minh vật chất nặng về cơ khí - điện tử và công nghệ thông tin thì có một đất nước, một dân tộc là Việt Nam được Tổ chức giáo dục – khoa học – văn hóa của Liên Hợp Quốc công nhận và vinh danh về một thứ tín ngưỡng thờ cúng nặng về tâm linh. Theo quan niệm truyền thống, thế giới luôn được phân chia làm hai mặt : hữu hình (vật chất) và vô hình (tinh thần) hay tâm linh. Từ khi loài người bước vào nên văn minh vật chất hay cơ khí thì hầu như xem nhẹ phần tâm linh, cho đây là một thứ mê tín dị đoan dành cho những quốc gia, dân tộc chậm tiến hay lạc hậu.

Lễ bái và thờ cúng là hai loại hình “văn hóa phi vật thể”, còn bao gồm nhiều tập quán, phong tục được coi là “chậm tiến” hay “lạc hậu” dành cho các dân tộc ít người sống trong các ốc đảo xa rời xã hội văn minh, tiên tiến, hiện đại…nhưng lại được tổ chức UNESCO công nhận, vinh danh do có giá trị như là một thứ di sản văn hóa – văn hóa phi vật thể của nhân loại, đối lập với văn hóa vật thể, hữu hình cố định hoàn toàn là vật chất làm bằng các loại vật liệu đất đá hay sắt thép thiên nhiên mà phần lớn thông qua chế biến. Trước đó, mọi thứ đều thuộc về vật chất được thế giới ca ngợi là một thứ khoa học kỹ thuật nặng về cơ khí, điện tử và siêu điện tử kể từ khi nhân loại bước vào nền văn minh cơ khí có niên đại thế kỷ thứ XVIII được đánh dấu ở một số nước có nền công nghiệp hiện đại bắt đầu từ sự phát minh ra máy hơi nước như Anh, Pháp, Đức, Mỹ.

Nhân loại hay loài người của thế giới này đã trải qua lần lượt các nền văn minh ở các thời đại đồ đá, đồ gốm, đồ đồng, đồ sắt ứng với các công cụ được chế tác từ các vật chất có sẵn trong thiên nhiên.

Ngày nay, mặc dù thế giới đang tiến bộ nhanh chóng về nền văn minh vật chất nặng về công nghệ thông tin điện tử và siêu điện tử nhưng tổ chức UNESCO vẫn trọng vọng và ngưỡng mộ về nền văn minh phi vật chất. Ngành khảo cổ học, dân tộc học và nhân chủng học đã khám phá ra nhiều nền văn minh cổ dưới lòng đất hay của các bộ tộc từng sống trong rừng sâu. Nền văn minh cổ này có giá trị không thua gì nền văn minh mới mang tính văn hóa khoa học cao. Đó là cội nguồn của một dân tộc có tính truyền thống tốt đẹp. Truyền thống của một dân tộc thường có liên quan tới đời sống tinh thần phi vật thể để phân biệt dân tộc này với dân tộc khác – bản sắc dân tộc.Thí dụ, thờ cúng tổ tiên cũng là một thứ truyền thống hay bản sắc dân tộc.

Truyền thống dân tộc Việt Nam có nguồn gốc từ “thờ cúng tổ tiên” hay “tín ngưỡng thờ cúng” ở nền văn minh lúa nước, tức bỏ qua thời kỳ hái lượm và đi vào sản xuất (chăn nuôi, trồng trọt) với các loại công cụ cầm tay ứng với thời kỳ chiếm hữu nô lệ. Thờ cúng thì phải có hình thức nghi thức cúng lễ và cầu nguyện. Thắp nhang đèn khấn vái kêu gọi vong linh của người đã qua đời trước bàn thờ trưng bày nhiều hoa trái, thức ăn, đồ uống để chứng thực lòng biết ơn của con cháu đối với ông bà, tổ tiên. Ngày trước, người ta không tin có linh hồn hay một thế giới tâm linh – không vật chất, không nhìn thấy đối kháng với thế giới vật chất hữu hình mà loài người đang sống.

Có một thời gian, ở nước ta xuất hiện một số nhân vật đang hiện hữu, hiện sinh ở thế giới vật chất này mà cảm nhận hay nhìn thấy thế giới vô hình – thế giới của vong linh, tức người đã chết ở cõi này nhưng còn sống tiệp tục ở cõi vô minh, tức cõi chết nhưng không phải thiên đàng hay địa ngục theo quan niệm của các tôn giáo. Nguyễn Văn Liên, Nguyễn Thị Hằng …là người đang hiện sinh nhưng có năng lực siêu nhiên nhìn thấy và tiếp cận được với các vong hồn của người đã chết từ lâu. Có cả một “hội” tập hợp những người có năng lực này hay chấp nhận thứ năng lực này, tức là chấp nhận có thế giới vô hình của những người đã chết như cón sống. Tìm hài cốt qua “năng lực nhìn thấy” hay qua trao đổi trực diện với vong linh đã làm dậy lên làn sóng đi tìm hài cốt và kết quả hình như đã thực chứng hoạt động này của các nhà ngọai cảm. Từ đó, việc thờ cúng ông bà, tổ tiên của người Việt Nam hình như được coi như đúng đắn vì có thật là có vong linh, linh hồn của người đã chết vẫn còn lai vãng chung quanh chúng ta, người còn sống.

Tín ngưỡng thờ cúng diễn ra trong gia đình là đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ cùng dòng tộc, họ hàng. Còn tín ngưỡng thờ cúng diễn ra ở nơi công cộng hay cơ sở tín ngưỡng dân gian như đình, đền, chùa, miếu hay các nghĩa trang…là đối với người có công với đất nước như anh hùng liệt sĩ, các bậc tiền hiền có công khai phá và xây dựng thôn xóm hay các công trình ích nước lợi dân.

Đối với dân tộc Việt Nam có hơn bốn ngàn năm văn hiến bắt đầu từ thời đại Hùng Vương. Theo sử sách, thời đại Hùng Vương có 18 đời vua nối tiếp nhau bảo vệ và xây đựng đất nước kéo dài trên hai ngàn năm trước Công nguyện và từ đầu Công nguyên tới nay có thêm trên hai ngàn năm nữa. Thời đại Hùng Vương là thời đại kim khí, con người biết luyện kim bước vào nông nghiệp và thủ công, đã dứt bỏ thời đại đồ đá của thời kỳ hái lượm. Ngoài thời đại Hùng Vương là tổ tiên trực tiếp của đời nay, ta còn có danh xưng “con cháu Lạc Hồng” và “con rồng cháu tiên”. Đó là sự tích Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ đẻ ra một bọc có trăm trứng và nở ra trăm người con. Một nửa theo mẹ lên núi sinh sống, còn một nửa theo cha xuống vùng đồng bằng, ven biển. Mẹ Âu Cơ là Tiên, còn cha Lạc Long quân là Rồng. Lạc Long Quân phong cho người con trưởng làm vua nước Văn Lang xưng là Hùng Vương. Đó là khởi nguồn của đất nước Việt Nam có vua.

Con cháu đời sau nhớ ơn các vua Hùng nên lập đền thờ trên núi Ngũ Lĩnh thuộc huyện Lâm Thao tỉnh Vĩnh Phú. Cổng ra vào đền Hùng có câu đối để nhắc nhở con cháu đời sau như sau :

Có tổ có tôn, có tôn có tổ, tổ tổ tôn tôn, tôn tổ cũ
Còn non còn nước, còn nước còn non, non non nước nước, nước non nhà.

Theo Sổ tay Báo cáo viên năm 2005, một đặc trưng của văn hóa Lạc Việt trong thời đại Hùng Vương là tục thờ cúng tổ tiên và súng bái anh hùng cứu quốc. Thờ cúng tổ tiên nói đây không phải là trở lại vĩ vãng, mà là tìm nguồn tin tưởng ở dĩ vãng để tiến thẳng đến tương lai. Thương nhớ mến tiếc tổ tiên là học tập kinh nghiệm sản xuất và chiến đấu của tổ tiên để xây dựng một ngày mai rực rỡ.

Thờ cúng, lễ bái cũng liên quan tới sùng bái anh hùng cứu quốc là noi gương những nhân vật này để bảo vệ đất nước của tổ tiên. Sùng bái anh hùng cứu nước và thờ cúng tổ tiên xuất phát từ lòng yêu nước, yêu quê hương và ý chí muốn làm cho dân tộc lớn mạnh, quê hương thêm giàu mạnh. Nhớ lúc Bác Hồ trên đường từ chiến khu Việt Bắc về lại thủ đô Hà Nội được giải phóng sau 9 năm kháng chiến chống thực dân xâm lược đã ghé thăm đền Hùng không ngoài mục đích dâng hương cúng lễ báo cáo sự thắng lợi của sự nghiệp bảo vệ đất nước của quân dân ta đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với các vua Hùng đã phù hộ cho nhân dân Việt Nam có đủ tinh thần, trí tuệ và sức mạnh đánh thắng ngoại xâm. Bác đã nói với Đại đoàn 308 về tiếp quản thủ đô tại đền Hùng :”Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải ra sức giữ nước”.

Các tài liệu cổ còn cho biết trung tâm sinh hoạt nghệ thuật của nhân dân nước Văn Lang và nước Âu Lạc là làng xã. Tại nơi này luôn có có ca hát và nhảy múa. Hát lứa đôi diễn ra hầu như ở khắp mọi nơi, bất kể vào mùa nào như trong lao động khi chèo thuyền, khi cấy lúa, đánh cá, làm nghề thủ công khác .. Người ta cũng ca hát trong khi tế lễ như ngày hội, ngày nay gọi là lễ hội.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc về tín ngưỡng và tế lễ, ngày nay chúng ta có nhiều lễ dân tộc và kỷ niệm ngày lễ lớn ở các nơi công cộng, khu phố, đền thờ, chùa miếu..và thường tổ chức lễ cúng kèm theo hội hè như ca múa nhạc, hát tuồng, chèo, kịch hay sáng chế thêm nhiều phần hội khác như triển lãm, hội chợ, ăn uống, vui chơi với nhiều trò chơi dân gian dân tộc. Nhưng có khi lại quá đà làm cho phần hội lấn át phần lễ, tổ chức lễ lại nặng về nghi thức cổ mang màu sắc mê tín, lạc hậu. Còn phần hội lại sa đà vào vui chơi giải trí thiếu làm mạnh, tha hóa cuộc sống đời thường, vừa lãng phí tiền của, công sức vừa làm phai mờ bản sắc dân tộc và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Trong gia đình, việc tổ chức lễ tang thường kèm theo đình đám, trống kèn, ca nhạc, ăn uống, đánh bạc, rải vàng mã là loại hủ tục cần hạn chế hay bãi bỏ trong nếp sống văn minh đô thị. Ngày giỗ cha mẹ, ông bà hay tổ tiên chỉ nên tổ chức gọn nhẹ, đơn giản, văn minh như ngày kỷ niệm để tưởng nhớ công ơn sinh thành dưỡng dục để giáo dục truyền thống gia phong cho con cháu tôn kính ông bà, hiếu đễ với cha mẹ.

Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha.
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Hay :

Đêm đêm nhớ thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.

Nói tóm lại, tập tục “tín ngưỡng thờ cúng” là một nếp sống văn hóa đời thường, tuy mang tính cổ tục nhưng thể hiện được lòng tôn kính tổ tiên, nhớ ơn anh hùng liệt sĩ của dân tộc ta bắt nguồn từ thời đại Hùng Vương sáng chói mà ngày nay được tổ chức của Liên hợp quốc vinh danh công nhận tập quán tốt đẹp đó là di sản văn hóa phi vật thể của người Việt Nam.

Về phần chúng ta, con cháu Rồng Tiên nên ghi nhớ thời đại các vua Hùng để luôn thể hiện tinh thần “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” đối với tổ tiên, ông bà, các anh hùng liệt sĩ và gia đình mà tích cực góp phần xây dựng nếp sống văn hóa văn minh và bảo vệ anh ninh Tổ quốc ngày một bền vững.





VVM.10.1.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com