D ựa ý bài thơ của thiền sư Mãn Giác (1052-1096) làm tựa cho luận đề mùa xuân năm nay. Một bài thơ mang tính thời gian và không gian vô cùng, vô tận một chuyển hóa trường tồn đọng lại trong bài thơ tứ tuyệt với âm điệu ngũ ngôn và thất ngôn lồng vào nhau như đan kết cuộc nhân sinh; đọc lại giữa lúc xuân về như lời tri ân bậc thiền thơ với phẩm vua phong Nhập nội Đạo tràng Tử y đại sa môn:
‘Xuân khứ bách hoa lạc
Xuân đáo bách hoa khai
Sự trục nhãn tiền quá
Lão tòng đầu thượng lai
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận
Đình tiền tạc dạ nhất chi mai’
Dịch:
‘Xuân ruổi trăm hoa rụng
Xuân tới trăm hoa cười
Trước mắt, việc đi mãi
Trên đầu, già đến rồi
Đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai’
(Ngô Tất Tố chuyển sang Việt ngữ)
Thiền sư không làm nhiều thơ nhưng bài nào cũng là tuyệt thế, nhất là bài kệ ‘Cáo tật thị chúng’ của Mãn Giác là để đời. Khởi từ chỗ đó thi ca thật sự hiện thân qua những vần thơ của những nhà thơ đời trước và đời sau là chứng tích của lịch sử thi ca mùa xuân. Ngợi ca thiên nhiên như một sự hòa nhập vào hồn thơ bằng một cảm xúc hòa điệu cùng vạn vật để thấy tiết xuân là quan trọng hơn những mùa khác và được nhắc nhở cũng như lập lại những gì đặc thù của mùa xuân là lẽ sống trường sinh mà ai cũng mong đợi. Cuộc đời là thế; cái cũ thì tàn lụi, cái mới thì trổi dậy. Xưa nay đều vậy; thôi thì mặc cái gì đến sẽ đến, sống biết bao lâu nữa để ngừng chơi, bởi; nó mang tầm vóc quan trọng của đời người. Hồn và xác du nhập vào thiên nhiên qua nhiều cách chơi xuân: chơi chữ, xin chữ là sắc xuân, hoa lá cành là hương xuân và thi ca là hồn xuân. Dựa vào phong vị đó để ‘hái lộc tâm hồn’ qua vần điệu của thơ để có một chút hứng xuân. Không biết bao nhiêu thú ăn chơi của mùa xuân; đôi khi trong cái mới đầu năm người ta dựa vào thi ca như niềm tin hay như mộng huyễn, như bào ảnh để rồi tức cảnh thành thơ. Xưa nay thi nhân thường đối cảnh sinh tình, trạng huống đó thoát thai từ tâm thức để có ý và lời thơ qua diễn trình của bốn mùa. Đó là lý do mà chúng ta tìm thấy cái chân như của con người đứng trước thiên nhiên. Lời thơ tuy khác nhau nhưng ý thơ lại tương phùng, tương hợp mà đôi khi cùng một chí lớn để diễn tả cái bao la, vi diệu thâm sâu trong đó, tuy nhiên; nơi thơ có cái phi lý mà hợp lý; cái sự đó gọi là thơ. Thí dụ: ‘Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông’(Nguyễn Du); thuận tai nhưng nghịch lý giữa hoa đào năm ngoái tàn rồi thì làm sao cười với gió đông năm nay, nhưng; đây là một gợi nhớ của thi nhân, của ‘ý tại ngôn ngoại’. Thành ra đọc thơ, ngâm thơ, diễn thơ của mùa xuân là một thẩm quan sâu lắng giữa nhà thơ và hồn thơ trong cùng một trạng huống, nó chứa một chất liệu khác nhau nhưng đồng thể với nhau. Ở đây chúng ta đơn cử một số thơ cổ điển và hậu cổ điển, một số thơ hiện đại và hậu hiện đại, cùng một cảm thức qua hồn thi sĩ để lại mỗi khi xuân về. Đặc biệt năm mươi năm mùa xuân đi qua là một gợi nhớ xuân Mậu Thân (1968) và xuân Mậu Tuất (2018) hai mùa của Khỉ và Chó là hai mùa xuân hòa nhập vào vũ trụ thi ca và vũ trụ con người, những gì mang nặng tâm tư bi thảm cuộc đời. Giờ chỉ còn tiếng nói thi ca.
Trong lý lẽ cuộc đời sự gì trôi chảy không thể vượt được thời gian mà thời gian là ‘bóng thiều quang’; chính thời gian lôi cuốn cuộc đời trôi chảy, thi nhân biết điều đó, bởi; thời gian là yếu tố của sinh và diệt là chứng cớ của thi nhân cho một đoái hoài, coi thiên nhiên và mùa xuân là điều mới lạ và cũng là động lực làm cho đời sống thi vị hơn dù dưới cảnh quang nào. Ngay cả những kẻ có tài chỉ đến một lần phi thường và có khi đến với sáo mòn, rỗng tuếch. Vì thời gian mà xuất thần tuyệt đỉnh và là gì đi nữa đều xẩy ra trong cùng một cảm thức / Every genius is at once extraordinary and banal’ (A. Camus). Đấy là hiện hữu sống thực nơi con người. Do đó; thi ca không đặc hiện hữu vào thơ mà nói lên biến cố, sự kiện tất thảy là hình ảnh bi thảm của cuộc đời đang sống. Thơ xuân hầu hết là hoài niệm để nhớ về.
Thi nhân đời trước: Ức Trai Nguyễn Trãi (1380-1442). Trong tác phẩm ‘Ức Trai Thi Tập’ gồm có 105 bài thơ chữ Hán và ‘Quốc Âm Thi Tập’ bằng chữ Nôm. Nguyễn Trãi làm rất nhiều thơ xuân, mô tả một mùa xuân phong phú và thi vị là biểu tượng cho cái đẹp thiên nhiên mà Người đã sống từ thuở ấu thời cho tới khi lâm chung, chất chứa một nỗi niềm sâu lắng, bàng bạc trong thơ Hán Nôm. Thơ Nôm của tiên sinh ngập tràn sức sống mãnh liệt mang hơi thở của tình yêu. Xuân trong thơ Hán mang một tâm tư sâu lắng, tượng hình, đôi khi bình dị đơn sơ cảnh quê nhưng lại nói lên cái tráng lệ trong đó. Đọc bài thơ tả cảnh quê của Nguyễn Trãi ‘Trại Đầu Xuân Độ’ (Bến đò xuân đầu trại) để thấy ở đó một hiện sinh:
Độ đầu xuân thảo lục như yên,
Xuân vũ thiêm lai thủy phách thiên.
Dã kính hoang lương hành khác thiểu,
Cô châu trấn nhật các sa miên.
Dịch:
Bến xuân khói cỏ xanh lơi
Lại thêm nước vỗ lưng trời mưa xuân
Đường quê người ít vắng tanh
Suốt ngày bãi cát thuyền nằm lẻ loi.
(Ngô Tất Tố chuyển dịch Việt ngữ)
Nguyễn trãi làm bài thơ này của những tháng năm ở Côn Sơn; đưa vào thơ cả một không gian và thời gian với những nét đặc trưng của thủy thái họa, một thể thơ siêu hình mà thực chất, bởi; thi nhân xử dụng một thứ ngữ ngôn ảm đạm của mùa xuân qua chữ thơ ‘mưa xuân’ và ‘nước vỗ trời’ là hai thứ thường có trong những ngày xuân mà chỉ có Nguyễn Trãi diễn tả nét đặc thù đó trong thơ. Nhưng đặc biệt trong thơ của Nguyễn Trãi phải tìm hiểu ở thơ chữ Hán ông xử dụng mùa thu là mùa chỉ đạo, ngược lại trong thơ chữ Nôm mùa xuân tràn ngập hoa lá cành, nhiều sắc màu. Quả vậy; cảm hứng dành cho mùa xuân hơn cả : ‘Đông phong từ hẹn tin xuân đến / Đầm ấm hoa nào chẳng tốt tươi’ (QATT).
Chưa hết; nguồn thơ xuân của bậc tài hoa thi tứ Nguyễn Trãi đã trải lòng bằng một cảm thức đa dạng để nói lên xuân. Nhà thơ đời trước vốn có hồn lãng mạn thi ca, lãng mạn ở chỗ ‘đối cảnh sinh tình’ hay ‘ý tại ngôn ngoại’ mà phải biến hóa thần thông (thơ), bởi; trước mắt của quê hương xưa là sinh động, đơn sơ và tráng lệ trong ‘con chữ’, đưa ngữ ngôn thơ vào thiên nhiên một cách minh-mị để thơ nhập hóa siêu thoát của mùa xuân qua bài thơ thất ngôn, bát cú Xuân Nhật Hữu Cảm (Ngày Xuân Cảm Tác) :
Vũ dục bì mai nhuận tế chi
Bế môn ngột ngột tọa thư si
Bán phần xuân sắc nhàn sai quá
Ngũ thập suy ông dĩ tự tri
Cố quốc tâm trì phi điểu quyện
Ân ba hải khoát túng lân trì
Sinh bình đởm khí luân khuân tại
Túy đảo đông phong phú nhất thi
Nghĩa:
(Mưa xuân rắc nhẹ trên những nhành mai như thử làm cho cánh tơ thêm tốt tươi. Người mê thơ cửa đóng then cài ngồi ngất ngưởng trong thư phòng. Mùa xuân thấm thoát đã trôi qua nửa vời. Tuổi năm mươi người đối cảnh không khỏi cảm thấy suy yếu (lòng).Tâm tư dấy lên; ước ao như chim tung cánh mỏi bay về quê cũ. Ơn vua như biển cả mênh mông đành hoản để cho kình ngư uốn lội tự do. Nghĩ lại mình khí phách ngang tàng vẫn còn đó. Thôi ! hãy say nghiêng ngả trước gió đông và ngâm một bài thơ để giải sầu).
Dịch:
Lâm râm mưa bụi gột hoa mai
Khép chặt phòng thơ ngất ngưởng ngồi
Già nửa phần xuân cam bỏ uổng
Tới năm chục tuổi biết suy rồi
Mơ màng nước cũ chim bay mỏi
Khơi thẳm nguồn ơn, cá khó bơi
Đởm khí ngày nào rầy vẫn đó
Đè nghiêng ngọn gió đọc thơ chơi.
(Ngô Tất Tố chuyển sang Việt ngữ)
Quả vậy; nhà thơ là một con người nghệ sĩ tài hoa mới có những vần điệu thoát tục. Xưa có nói ‘văn dĩ tải đạo’ còn ‘ca dĩ đàm tình’ nghĩa là thi ca có thể bày tỏ tình cảm, một thứ tình nhân bản. Hai câu thơ cuối tác giả chơi chữ một cách tài tình siêu việt ngữ ngôn thơ. Hai chữ đó của bậc trí tài ‘Đởm khí’ và ‘Túy đảo’ xử dụng thiệt là hiếm có giữa đời này; một lối diễn tả tinh tế và thâm hậu.Người theo Tây học cho rằng chơi-chữ chỉ có Victor Hugo; rất cạn lọc con chữ và Sainte-Beuve người đẻ-chữ siêu thần, nhưng; trên lãnh vực thi ca xử dụng con-chữ và chữ-thơ của Nguyễn Trãi mới đạt tới chân như thi ca, không ai hơn.Ngần ấy cũng đủ thấy thi nhân với hoài niệm trước thiên nhiên và tình người là tuyệt cú !
Nguyễn Trãi còn nhiều bài thơ xuân khác cũng là thể thơ trác tuyệt. So sánh giữa Nguyễn Trãi và Đổ Phủ cũng bằng giọng thơ đó; dù có cao có thấp qua bài ‘Xuân dạ hỷ vũ’ (Đêm xuân mừng cơn mưa):
‘Tùy phong tiềm nhập dạ / Nhuận vật tế vô thanh’ (Mưa xuân theo gió vào đêm / Thấm tươi muôn vật êm đềm vô thanh) (ĐP) với hai câu cuối: ‘Sinh Bình đởm khí luân khuân tại / Túy đảo đông phong phú nhất thi’ (Đởm khí ngày nào rầy vẫn đó / Đè nghiêng ngọn gió đọc thơ chơi) (NT). Hai nhà thơ đều chứa một thứ triết lý nhân sinh. Một đằng nói lên cái nhẹ nhàng không mê mà tỉnh, không buồn mà vui cho một cái gì không sắc, không màu của vô thanh. Một đằng phản ảnh niềm kiêu hãnh, một khí phách ngang tàng bàng bạc cho những khi rỗi. Hai nhà thơ cùng một giác quan bén nhạy qua cảm thức thi ca.
Xuân đi, xuân đến với mọi nơi, mọi người từ già, trẻ nít, thành thị tới nông thôn với những sắc tố đặc biệt của xuân: cảnh đẹp có hương hoa quả phẩm, thời điểm thích hợp giữa người và vật, tâm trí bình thường và an vui hưởng thụ để hòa nhập vào tiết xuân. Lạ thay! nữ sĩ Hồ Xuân Hương nhìn xuân dưới một lăng kính khác; không vui xuân mà buồn xuân. Tại sao ? Bởi thời gian đã bào mòn ‘nhan sắc’ của con người là nỗi lòng trái ngang giữa đời và người. Đó là thảm trạng bi đát của những con người thất tình, thất chí; huống hồ nữ sĩ Xuân Hương là mặc khách văn nhân thời làm sao mà không đau khổ trước những đối tượng hữu thể, là vì; thời gian làm cho cuộc đời tan biến qua những biến thiên trong đời (sau khi thi nhân đi sứ Trung Quốc về giữa họ Nguyễn và họ Hồ là hố thẳm) cả đôi bên chỉ nhìn thời gian như cái chết để nhìn tất cả là cát bụi và trở lại trong cuộc chơi khác ‘tout va sous terre et rentre dans le jeu’, sự đó chính là mất mát trong từng giây phút: ‘Hởi ai ơi! Chơi lấy kẻo hoài / Chữ rằng Xuân bất tái lai’ (Nguyễn Công Trứ). Là nguyên cớ sinh ra bất mãn, chán chường không còn thấy thời gian hiện hữu của mùa xuân mà trở nên thời gian biến dịch, một thứ không lạm bàn hay coi đây là thứ thời gian ‘bất khả tư nghị / no comment’. Xuân của nữ sĩ giờ là ‘mơ xuân’ không còn là hiện hữu thực thể mà nó nằm trong dạng vô-tri-tính của hữu-thể-tính; đó là cảm thức của con người đứng trước đau khổ và tuyệt vọng. Vì vậy; Hồ Xuân Hương dấn thân là đối diện trước một phản kháng thời gian và con người để có những vần thơ bất mãn, ngang tàng, không còn là giới hạn của hiện hữu, thành thử; chuyển vần ngoại tại và ý thức hiện hữu đều trong qui trình của thời gian trôi chảy; để lại những gì bi đát cuộc đời và hoài niệm cho những cuộc tình đi qua, có lẽ; mối tình của Tố Như là nỗi sầu bi ai, da diết, với Tổng Cóc hay Chiêu Hổ, rồi làm lẽ Phủ Vĩnh Tường, rồi nhập cuộc chơi ở Cổ Nguyệt đường là những chặn đường dấn thân, cam go và sầu bi của một xã hội đầy ước lệ…Ta hãy nghe đôi điều tâm sự của nữ sĩ qua bài thơ thất ngôn bát cú, một bài thơ Nôm nổi tiếng trong tập Xuân Hương thi vịnh; tựa bài thơ: ‘Hữu Cảm’.
Thảm hại chiều xuân chẳng nể nhau
Yêu hoa chi để với hoa sầu
Nửa sân phong nguyệt chưa chồi ngọc
Một bức thư tình lặng hạt châu
Hồn bướm năm canh bầu bạn Thỏ
Cầu Ô muôn kiếp vợ chồng Ngâu
Tương tư biết thuở nào khuây khỏa
Giọt nước duềnh Tương đã đến đâu.
Toàn thể của bài thơ có một đối lập (contrast) giữa tiết xuân mà hoa xuân chưa nở rộ, ý nói cuộc tình nghịch cảnh khó mà tương hợp với Tố Như tiên sinh. Hai câu đầu của bài thơ ‘phá’ và ‘thừa’ là một phản ảnh, là thương tích của nữ thi nhân cho một mùa xuân mất tình yêu. Có vậy mới sanh ra chữ ‘duềnh’ là dè bỉu khinh thường; chữ đó mới gọi là tuyệt chiêu thi tứ. Qua mấy thế kỷ tình ý đó không thể phai nhạt với thời gian. Tài của người thi nhân là: ‘Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy’ (ND). ‘Hữu Cảm’ là nghĩ ngược, trái với đời thường gọi là ‘nghinh tân tống cựu’, nhưng; Hồ nữ sĩ chơi cái chưa ai chơi; đúng nghĩa chơi-xuân bằng câu nói: ‘cảm cựu tống tân xuân’. Đấy là tâm trạng người tài hoa, phận bạc chỉ ôm dĩ vãng để thương tiếc mỗi khi xuân về; đón xuân là ngồi lại để nghe mưa khóc. Cho nên chi thơ Hồ Xuân Hương sống đúng nghĩa của nhà thơ, bởi; trong đó cái điều mà cổ nhân thường nói: ‘đại phàm vật bất đắc kỳ bình tắc minh’ (vật bất bình thì phát ra thành tiếng) Thi ca trở nên siêu thực là ở chỗ đó.
Thi nhân đời sau: Đã sản sinh vô số thi nhân, khởi từ đầu tk. Hai mươi cho tới về sau, và; ở mỗi thi sĩ lại có cái nhìn cách riêng cho mùa xuân dưới nhiều thể loại khác nhau hoặc phá cách. Nhan sắc thi ca không còn thuộc thời gian cổ điển mà phi thời gian của hiện đại, một lối phá thể là chối bỏ vĩnh viễn cái tàn tích cố cựu, vượt biên để tìm thấy tự do của ngữ ngôn thi ca, tìm thấy cái phi lý và hữu lý mà biến mơ thành thực đó là hiện hữu tại thế để mà quên xưa ‘dream in order to forget’(S. Freud). Tất cả trong đam mê mà ra, đam mê ở đây là vượt thoát cho một bản ngã chủ quan của những lý do phi lý có từ xã hội, tôn giáo, luật tắc sự đó gọi là siêu nhạy bén (superego) nó thuộc về tâm sinh lý giữa người làm thơ và đối tượng hiện thể để cấu thành sắc dục thi ca (sensuous poetry). Thi ca giờ đây trở nên hiện tượng vượt ra khỏi hiện thể của lý trí (over-mind). Cảm xúc của thi nhân đời sau có những chuyển dịch bất ngờ thuộc tư tưởng để thành thơ, một phần thuộc tạng thể tâm lý mà người làm thơ buộc phải hòa nhập để mơ về như ước thệ nguyện giữa lúc giao thoa với bốn mùa, với thiên nhiên là những gì tiếp cận trực tiếp. Con người mùa cũ không thể nhận được gì; mà tất cả là dưới nỗi buồn biệt xứ khi xuân về ‘sous les tristesses moissonnées’. Cho nên chi cất tiếng có nghĩa là tiếng gọi; gọi bằng tiếng huyền hoặc của thơ ca, bởi; nó sinh ra khát vọng: của nhung nhớ, của thương yêu, của đoái hoài là hoài niệm của xuân về.
Trong số thi nhân gần đây kẻ đi người ở như bài thơ ‘Xuân Ý’ của Hồ Dzếnh. Bài thơ thi sĩ viết đã lâu qua thể thất ngôn:
...
Sắc biếc giao nhau, cành bắt cành,
Nước trong, hồ ngợp thủy tinh xanh,
Chim bay cánh chĩu trong xuân ý,
Em đợi chờ ai, khuất bức mành?
…
Trong mỗi đoạn thơ Hồ Dzếnh đã chơi chữ bằng ngữ ngôn siêu thoát thơ: ‘Cho chẩy lan thành một suối hương’ Sao lại ‘chẩy’ mà không chầy, không chảy, không dẫy. Không! đó là vi diệu ngữ ngôn của thi ca cho một hiện thể siêu thoát của ngôn từ, không ẩn dụ mà nó trở thành bí truyền của thi ca. Ở câu hai: ‘Chim bay cánh chĩu trong xuân ý’. Không nên lý giải ngữ ngôn thơ mà hiểu đó là ngôn ngữ của thi ca.
Nguyễn Bính thực tế hơn, mượt mà, dung dị như thơ ngây. Nhưng chữ nghĩa có tính siêu hình lịch sử:
Hôm nay còn xuân mai còn xuân
Phơi phới mưa sa nhớ cố nhân
Đã có yêu nhau là đến thế
Đừng về Chiêm quốc nhé Huyền Trân.
Đây là những bài thơ tượng trưng chớ thực ra thi nhân Nguyễn Bính cũng như những nhà thơ khác có vô số tình-thơ: thơ cho bốn mùa, thơ tình người và đời là những bài thơ tuyệt xuất không thể bình giải một cách thông thường mà làm mất đi cái thi vị thơ; chỉ một vài bài của những nhà thơ đời trước và đời sau đã cảm hóa được sự thế của trần gian.Từng con chữ, từng phân đoạn, từng chấm phết là ý tình của thi ca.
Giữa hiện đại và hậu hiện đại đi vào tiết xuân chúng ta bắt gặp một số thi nhân cận đại nói về xuân trong một ý tứ khép kín, nhưng; phải tìm thấy trong chất thơ của họ với hàm ý trong cái ‘ý tại ngôn ngoại’. Xuân về trong trí hơn là xuân có thực qua bài thơ lục bát của Cung Trầm Tưởng. Bài thơ: ‘Quá Độ’
Hoa xuân nồng, trái xuân ngon
Mùa xuân công chúa hương còn ở đây
Em đi hài biếc chân mây
Sao tua diêm dúa đong đầy mắt nâu
Da mơn tóc mượt chưa sầu
Gió tung lên trái tú cầu của vua.
Chất liệu thơ nói tới xuân như một chuyển hướng giữa xuân cũ và xuân mới, tiềm ẩn trong một ngữ ngôn của bóng và hình như nghi vấn tuổi đời thực hay mơ. Quả vậy; khi ở cái tuổi chín muồi và tuổi trẻ thanh xuân là nghịch lý tư duy, bởi; xưa là mộng lãng mạn của Paris và nay là thực của đoái hoài cho một thứ nghệ thuật thi ca hơn là nghệ thuật trừu tượng một thứ hóa chất của thơ. Thi sĩ biết điều này; xuân là cảm thức, tết là hoài niệm chớ nó không phải thứ để sờ mó được; nhưng ‘nắm bắt’ được sự chuyển vần của vũ trụ giữa muôn màu của tiết đầu cho một năm, mới sanh ra Nguyên Đán: ‘xuân từ trong ấy mới ban ra / xuân chẳng riêng ai khắp mọi nhà’. Xuân và Tết nó cũng có phẩm trật của nó mới gọi là mùa xuân thiêng liêng (!). Nhưng lời thơ già giặn và tràn đầy kinh nghiệm của người làm thơ hôm qua và hôm nay. Bắt nguồn từ 1968 (Mậu Thân) cho tới ngày ‘bỏ chạy’(4/1975) là thời điểm dấn thân trước cuộc đời của thi nhân và từ đó dàn trải qua nhiều bài thơ khác nhau; nhưng tựu chung hướng về quê cũ đã mất để hóa thân lưu đày...Sáng giá qua thi khúc ‘Ai Tư Vãn’ và ‘Bài ca Níu quan tài’ được liệt loại thi ca bất hủ.Một trong những nỗi lòng của thi sĩ Cung Trầm Tưởng đã viết thành nhạc-thơ trong đó.
Có một sự tương giao giữa thi nhân với thi nhân nghĩa là cùng cảnh ngộ, cho dù cách biệt không gian, trong quạnh hiu giữa Cung Trầm Tưởng và Thanh Tâm Tuyền luôn nhớ đến nhau. Được nhà thơ siêu thực Thanh Tâm Tuyền diễn tả như sau qua bài thơ ‘Ngày Đến’:
…
Nhà hoang vách trống gió luồng
Vắng tanh nỗi nhớ dập dồn bong vang
Ngả lưng trên đất mơ màng
Hé trời trôi giạt ngỡ ngàng tấm thân.
(Long Giao 9/1975)
Chính thời điểm đó Thanh Tâm Tuyền thật sự nhớ tết như bài thơ: ‘Chiều cuối năm trồng sắn ở Lào-Kay’ rồi kế đến: ‘Nhổ cỏ hương nhu nhớ bạn’ là những bài thơ ‘đau lòng con quốc quốc’ ở trong tù. Đọc xem bài thơ siêu thực tả cảnh xuân như thế nào trong cảm thức của thi sĩ:
Vang Vang Trời Vào Xuân
Mặt trời hồng như trăng
Thức lòng ta buổi sớm
Gió núi thổi rộn ràng
Gọi nghe biển dậy sóng
Đứng vững không khỵu chân
Trên mảnh đất nghèo khổ
Thở hít tận vô cùng
Ngây say đóa hồng rợ
Vang vang trời vào xuân
Ta bật kêu mừng rỡ
Ơi bạn bè xa xăm
Tim ta cũng cháy đỏ
Rực thắm bóng trắng ngần.
(Vĩnh Phú. K2 Tân Lập)
Đó là tâm lý bi thương, là hình ảnh cuộc đời ‘nhuốm máu’; bài thơ ứng vào thời điểm giao thoa của ‘tiếng’ thời gian, thanh âm của con người đứng trước một cảnh đời hết sức bi thảm (tragedy), nhưng; trong bi thảm cuộc đời là hình ảnh trung thành với chân lý, trung thành với cuộc đời; chấp nhận như một định hệ. Ngần ấy nói lên được cuộc đời có những ngăn cách: giữa ngoại giới và nội giới và ở chỗ đó cho ta thấy thi nhân đang mơ-về trong vũ trụ tâm hồn qua cuộc đời bằng một lối suy diễn khác của từng con chữ /Au fond de chaque mot.Tương giao của ngữ ngôn thơ mới thấy thi sĩ Thanh Tâm Tuyền đang sống.
Hậu hiện đại. Hậu siêu thực thơ xuân. Tìm thấy ở đây một tiết tấu của nhạc-thơ-mới trong cung cách dáng điệu (figuration) của thơ xuân, mở lên một chân trời kỳ lạ. Không một chút ngại ngùng mà hợp với trào lưu thi ca đương đại. Đọc lại sự phô diễn xuân qua thơ của một số thi nhân gần đây như một hòa âm điền dã giữa cũ và mới. Với phong cách thơ xuân của Vi Thùy Linh ta mới thấy được chất mới của nó trong một hỗn hợp hiện đại và siêu thực, một thứ âm nhạc giao duyên mới lạ của nhạc vừa trầm tích của ‘ngũ cung thơ’ chứa ở đó một phong vị thơ mới, siêu thực, tự do hình thức mỗi khi ca ngợi mùa xuân:
Lại một giao thừa xuân hực nhựa
Để mặc những người đàn ông đến và đi, ngoài cánh cửa
Mười bảy đêm giao thừa đi qua…
Rồi lịch cũng không muốn xé
Tờ lịch lẻ loi đến đầu giường, như lá bùa sã cánh
Chị nhặt lên
dán lại
đêm…
Một biểu cảm về thơ xuân. Bài thơ trên tác giả chia hai nhịp với một bố cục khác nhau của biểu tượng thuộc tượng hình. Thơ Vi Thùy Linh thường kết cấu như vậy; chất thơ siêu hình và siêu thực là cả một đoạn trường giữa trạng huống tâm hồn đang giao cấu trong một không gian và thời gian vô tận; đối kháng giữa hiện thực và siêu thực. ‘dán lại’ ‘đêm’ là một bày tỏ thông thường, không việc gì thắc mắc…
Hình ảnh thơ của Vi Thùy Linh có thể làm cho ta ngạc nhiên, nhưng ngạc nhiên hơn là hình ảnh không xa lìa đối tượng, gắn bó với đối tượng có nghĩa rằng gắn mình vào đó là khám phá nội giới mình qua đối tượng hữu thể, một liên hệ cho môi giới mình: ‘Chị nhặt lên’ đó là ngôi thứ nhất của phạm trù thi ca và văn chương; một lối chơi khác của nữ thi sĩ ‘dán lại’ là đồng lõa để đi vào ‘đêm’. Không sợ chi mà e lệ!
Tóm lại; thơ xuân là nhịp thở của tình yêu dưới những lời nhắn khác nhau nhưng có một: nỗi niềm và hoài niệm. Đấy là hiện hữu cuộc đời đang sống của thời gian và sự kiện . Xưa ước lệ theo Đường luật nhưng không phải vì thế mà đóng khung hay khóa kín; mà phải thừa nhận thi nhân xử thế đúng đường lối thi ca chủ nghĩa. Ngày nay diễn tả với tư thế khác, cấu trúc thơ có nhịp điệu, sự đó gọi là nhạc-thơ-mới điêu luyện và tài tình ở thể thơ hiện đại với nhiều sắc tố khác nhau cho một siêu lý thuộc thi ca.
Không có gì quá cũ và cũng không có gì quá mới. Bởi; ‘tất cả cái đẹp của chúng ta là cái vô hình, cái vô hình không nắm bắt được’ (Atoine de Saint-Exsupéry). Ngay cả mùa xuân nó chỉ là cái bóng của quá khứ mà quá khứ là gì nếu không phải là câu chuyện sống động về cuộc đời. Chớ đừng tưởng xuân tàn hoa rụng hết, đêm qua sân trước một nhành mai là còn đó. Dẫu cho xuân đi, xuân đến, xuân lại đến là lẽ thường tình nhưng con người đón nhận như thách đố với thời gian. Thi ca chỉ là bày tỏ nỗi lòng ./.