K hi còn chế độ Việt Nam Cộng hòa, tôi thường được nghe họ đã dùng bông mai để làm phù hiệu cho chiến binh Việt Nam Cộng Hòa và thường gắn cho các sĩ quan của họ khi có công trạng xuất sắc, Họ thường gọi một cách rất tự hào : Bông mai …Thêm một bông mai là thêm niềm kiêu hãnh và hãnh diện…Hồi đó tôi chưa hiểu biết nhiều về bông hoa mai hiện hữu như bây giờ.
Từ ngày về công tác ở Vùng Mỏ tôi đã được mục sở thị Hoa mai…Đặc biệt là Hoa Mai Yên Tử…Tôi rất thích mầu sắc của Mai Vàng Yên Tử cánh hoa mươt mà duyên dáng hấp dẫn và khỏe khoắn…Có tết tôi còn được bạn bè tặng hẳn một cây hoa mai để chơi tết… Hồi đó bạn tôi gọi nó là Mai núi đá quý lắm…
Càng về sau này tôi càng hiểu biết nhiều thêm về hoa mai…. Đặc biệt Hoa mai Yên Tử .
Tôi đã để tâm tìm hiểu về Hoa Mai Yên Tử… Tương truyền, vào khoảng những năm 1285-1288, sau khi vua Trần Nhân Tông dẹp xong giặc phương Bắc đã truyền ngôi vua cho con trai và lên núi Yên Tử tu hành.
Ông đã sáng lập ra Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử và ở nơi đây ông đã phát động các tín đồ Phật tử trồng cây mai vàng.
Sau nhiều năm được bàn tay các tín đồ Phật tử chăm sóc và sự ưu ái của thiên nhiên, từ những cây mai nhỏ bé đã thành các khu rừng mai rộng lớn. Theo mốc thời gian đó, đến nay, các khu rừng này đã gần 800 năm tuổi. Những Phật tử và du khách đến đây đã đặt tên cho các khu rừng này là “Đại lão mai vàng Yên Tử”. Rừng “Đại lão mai vàng” phân bố tại nhiều điểm ở quanh núi Yên Tử như khu vực chùa Đồng , Thác Vàng, Thác Bạc, chùa Một Mái, chùa Vân Tiêu, chùa Bảo Sái...
Những cây mai vàng cổ thụ vươn cao chọc trời, đường kính từ 40 – 50 cm, tỏa mùi hương thơm ngát, thanh khiết , khoe sắc vàng rực trước tiết xuân lạnh nơi núi rừng xanh thẳm .
Cây mai vàng Yên Tử tượng trưng cho tinh thần bền bỉ, vượt lên mọi khó khăn theo truyền thống Thiền môn mà các hoà thượng đã dày công vun xới.
Tôi biết TS. Đặng Văn Đông thuộc Viện Nghiên cứu rau quả – Viện Khoa học Nông nghiệp , cho hay, miền Bắc vốn không trồng được mai vàng, muốn có mai vàng phải vận chuyển từ miền Nam ra rất tốn kém và không giữ được lâu do mai không thích nghi được với thời tiết miền Bắc.
Mai vàng Yên Tử và mai vàng miền Nam thuộc cùng một loài, song, mai vàng Yên Tử lại sống trong nền khí hậu điều kiện thời tiết á nhiệt đới của miền Bắc nên cây mai đã tạo ra sự khác biệt về mặt hình thái, hoa nở theo chùm, và một cây có rất nhiều chùm.
Mai Vàng Yên Tử có vẻ đẹp riêng . Mai vàng mọc trên núi Yên Tử hoa có 5 cánh, lộc màu xanh, cánh hoa có màu vàng tươi rất sáng và có mùi thơm nhẹ đặc trưng rất dễ chịu, kích thước hoa không lớn, đường kính khoảng 2-3cm
Cây mai vàng Yên Tử sống lâu năm, sinh trưởng mạnh, lại ít sâu bệnh. Tuổi thọ của các loại mai này có thể sống được hàng trăm năm tuổi. Mai vàng Yên Tử được các giới chuyên gia, các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước đánh giá đây là một nguồn gen quý của Việt Nam, được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm và đề xuất: phải nhân giống để bảo tồn và phát triển giống mai này.
Để mai vàng Yên Tử nở đúng dịp Tết Nguyên đán: Sốc khô vào ngày 15-9 âm lịch; Phun chất kích thích N-Spray-Grow từ khi sốc khô đến trước vặt lá 7 ngày (phun 10 ngày/lần); Cắt bỏ toàn bộ lá trước tết nguyên đán 55 ngày.Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Quảng Ninh nghiệm thu và đánh giá đạt loại xuất sắc. Các nhà khoa học đã tiến hành ghép các cành bánh tẻ được lấy từ các cây mai Yên Tử đầu dòng với các gốc mai vàng miền Nam. Kết quả cho tỉ lệ bật mầm sau 3 tháng đạt trên 95%, tỉ lệ cây ghép sống đạt 85%.
Mai vàng Yên Tử, loài hoa quý hiếm có giá trị về kinh tế cũng như đời sống tâm linh, còn mãi với thời gian, việc nhân giống thành công mai vàng Yên Tử giúp chủ động tạo được một nguồn hoa đẹp với số lượng lớn và duy trì được nguồn giống quý hiếm này.
Khi Tết qua đi, những người chơi hoa vẫn có thể trồng lại cây mai vàng để có cây phục vụ Tết năm sau….