Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             





“MẤY CHÙM TRƯỚC GIẬU HOA NĂM NGOÁI…” :
  TIẾNG THỞ DÀI BUỒN TRONG NỖI ĐAU MẤT NƯỚC.




T ừ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, vô số nhà thơ viết về thu, vịnh thu. Riêng ở ta, bài Thu vịnh của Nguyễn Khuyến có lẽ là một trong những bài thơ thu độc đáo nhất. Độc đáo vì cảnh thu trong thơ không lẫn vào đâu được: cảnh của đồng bằng Bắc bộ Việt Nam với trời thu xanh ngắt, cần trúc lơ phơ… nước biếc… song thưa… ; và có lẽ cũng độc đáo nhất trong toàn bài là 2 câu:

Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái,
Một tiếng trên không ngỗng nước nào.

Hiểu nghĩa thơ đã khó; hiểu được dụng ý của tác giả trong thơ lại càng khó hơn. Cũng vì vậy, hai câu thơ trên đã làm tổn hao bao nhiêu giấy mực của bao nhiêu người bình. Nhiều bài viết, kể cả sách giáo khoa đã nêu nhiều cách hiểu khác nhau. Sách giáo khoa Văn học lớp 11- năm 1991 đã chú thích ở cuối bài Thu vịnh:

“Hoa năm ngoái: hoa đã nở từ năm trước, khô đi và còn lại đến bây giờ…

“Ngỗng nước nào: loại ngỗng trời thường bay từng đàn từ xứ lạnh đến những vùng khi hậu ấm áp để tránh rét”.(1)

Chú thích như vậy là chỉ mới làm vỡ nghĩa của từ mà chưa giải thích được gì cho ý câu thơ. Đọc xong ta chưa hiểu được câu thơ nói gì và nếu hiểu thì cũng không đúng lắm. Đó là chưa kể nhiều bài viết khác trên nhiều sách báo do chưa hiểu được chữ nghĩa của người xưa nên đã giải thích lờ mờ rồi quanh co trình bày những cảm nhận chủ quan của mình.(2).

Thật đúng như lời Trần Đăng Khoa trong bài phỏng vấn đăng trên Việt báo.vn ngày 26/11/2003: “Đa phần các nhà phê bình của ta cứ nói lý luận chung chung thì còn tạm nghe được, nhưng cứ sờ đến những tác phẩm cụ thể thì hoá ra họ không hiểu gì và điều đáng kinh ngạc là họ không hiểu được cả nghĩa đen… như câu thơ “Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái” : có ông cũng hiểu đấy là hoa khô từ năm ngoái còn lại đến bây giờ thì thật không còn biết nói thế nào. Làm sao có hoa khô ở ngoài dậu mà lại còn tồn tại được với mưa gió ?... ”

Chỉ riêng có bài “Hoa năm ngoái và ngỗng nước nào” của Nguyễn Hùng Vĩ đăng trên báo Văn nghệ số 4 năm 1999 đã viết với một ý thức cẩn trọng tìm hiểu gốc gác chữ và nghĩa của người xưa để lí giải rõ nghĩa của hai câu thơ trên và nhân đây ta cũng thấy được cái khó, cái nhiêu khê của công trình tìm hiểu ý thơ:

“Năm 1971, nhà thơ Xuân Diệu coi hoa năm ngoái gợi cảm giác bâng khuâng về thời gian, ngỗng nước nào, gợi cái bâng khuâng về không gian. Năm 1991, PGS Nguyễn Lộc hiểu một cách quá cụ thể rằng đó là hoa từ năm ngoái khô đi và còn lại…Năm 1998, PGS Hoàng Hữu Yên cho rằng đó là hoa cúc trên dậu năm ngoái đã nở nay lại nở, còn ngỗng nước nào… là để tả trời.

Gần đây, anh Trần Mạnh Hảo trong bài báo Cần phải hiểu đúng thơ Nguyễn Khuyến in trên báo Giáo dục và Thời đại coi cách hiểu của Nguyễn Lộc là “hiểu sai câu thơ này” và viết đã sâu hơn như sau: ”Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái” Nguyễn Khuyến muốn nhắc lại ý câu thơ của Sầm Tham: “Xuân lai xuân phát cựu thời hoa (Xuân năm nay lại nở hoa năm ngoái) và cũng nhắc lại ý của câu thơ của Thôi Hiệu: “Đào hoa y cựu tiếu đông phong “… (3)

Cũng trong bài viết này, bằng cách dùng chất liệu của điển cố văn học, Nguyễn Hùng Vĩ đã giải thích khá hợp lí, nhất là khi nêu rõ nghĩa câu “một tiếng trên không ngỗng nước nào” như sau:

“…Trong hơn 300 bài Kinh Thi…tên dịch đích danh ”ngỗng” chính là hồng nhạn, là hồng và nhạn. Riêng thiên Hồng Nhạn có ba chương, mỗi chương sáu câu đọc nghe lận đận, ai oán lắm…”.

Bài viết đến đây đã dẫn chú giải của Từ điển Biểu tượng văn hóa thế giới (do Jean Chavalier và Alain Gheerbrant chủ biên) về từ ngỗng: “Trong văn học, khi người Trung Hoa nói tới những con ngỗng trời than khóc tức là muốn ám chỉ những người đi lánh nạn…”. (4)

Vậy là rõ: Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái: Cũng như Thôi Hộ, hoa đào làm dậy lên nỗi nhớ người xưa - thì mấy chùm hoa trước giậu lại khiến Nguyễn Khuyến so thực tại với quá khứ mà bi thương.

Một tiếng trên không ngỗng nước nào: Nghe tiếng ngỗng kêu trên trời cao mà xót xa thay cho cảnh lê dân lầm than, li tán.

Nguyễn Khuyến dùng điển cố để viết thơ. Lời thơ thâm thúy khiến hậu sinh vất vả tìm kiếm. Tìm không được, hiểu không thấu đôi khi lại ngộ nhận. Quả vậy, thơ tuy có khi không thể giải thích được bằng cái ý thức sáng tỏ mà phải dùng cái cảm nhận của trực giác - nhưng không phải vì vậy mà bài thơ nào, câu thơ nào cũng dùng cảm nhận chủ quan mơ hồ để lí giải.

Trở lại với chính nhà thơ Nguyễn Khuyến, đọc kỹ thơ Nguyễn Khuyến ta thấy được cái trăn trở, cái ưu tư trĩu nặng trong thơ, trong tâm tư của một đại quan triều đình đã vội từ quan về hưu sớm và trước khi mất đã trăng trối “Đề vào mấy chữ trong bia - Rằng quan nhà Nguyễn cáo về đã lâu…”. Với tiết tháo nhà Nho, với lòng yêu nước, thương dân Nguyễn Khuyến đã rơi nước mắt khi bất lực nhìn giặc Pháp ngang tàng ức hiếp triều đình, khi xót xa nhìn cảnh thảm thương của lê dân đi lánh nạn trong những cuộc thôn tính của Pháp hết Nam kì đến Bắc, Trung kì.

Nguyễn Khuyến là nhà thơ hiện thực trào phúng của Văn học trung đại thời kì từ 1858 đến hết thế kỉ XIX. Thơ Nguyễn Khuyến vừa ước lệ lại vừa hiện thực, là nét tả chân chất cuộc sống, con người, cảnh vật của vùng quê đồng bằng Bắc bộ trộn lẫn nét trào phúng hóm hỉnh, sâu sắc mà ý vị. Cái cười trong thơ Ông bàng bạc cái chua chát của người dân mất nước. Ở bài thơ Tiến sĩ giấy chẳng hạn: khi châm biếm, hài hước:“…Ghế tréo lọng xanh ngồi bảnh chọe, Nghĩ rằng đồ thật hóa đồ chơi” … thì chính là Nguyễn Khuyến tự cười mình, tự cười cái bất lực, cái vô vị của một tam nguyên cũng cờ, cũng biển, cũng cân đai mà chẳng làm được trò trống chi trước cảnh nước mất nhà tan. Bài Tự trào, Cuốc kêu cảm hứng cũng cùng trong mạch tâm tư này.

Như vậy, cái xót xa, đau đớn trong thơ trào phúng Nguyễn Khuyến được hiện ra là rõ nét còn ở những bài thơ tả cảnh (như Thu vịnh) thì ẩn kín đi, có khi lấp kĩ dưới lớp ngữ uyên bác nhiểu điển cố miêu tả một cách ước lệ cảnh thiên nhiên. Bấy lâu nhiều người đọc Thu vịnh chỉ chăm chú suy diễn nghệ thuật tả cảnh để cho rằng chỉ bằng một vài nét chấm phá, cảnh thu được Nguyễn Khuyến làm hiện lên đẹp và buồn …v.v… nhưng ai biết đâu là trong đôi nét tả cảnh đơn sơ ấy : mấy chùm hoa năm ngoái… một tiếng ngỗng trên không … nhà thơ muốn gửi gắm biết bao nhiêu tâm sự.

Đọc và tìm hiểu kĩ thơ tả cảnh của Nguyễn Khuyến ta mới nghe được tiếng thở dài buồn và chua xót của một nhà Nho trong nỗi đau mất nước.
-----------------------
Chú thích:
(1) Văn học lớp 11, tập I, tr. 52 (Do PGS. Nguyễn Lộc soạn); NXB Giáo dục 1991.
(2) - Nguyễn Đức Quyền: 100 bài phân tích, bình giảng, bình luận Văn học; tr.88 (NXB Giáo dục 1998);
- Lê Tùng Thanh: Cảm nhận Thu vịnh từ góc độ thi pháp kết cấu (tạp chí Văn học và Tuổi trẻ 32-1998; tr.28.40.41);
- Lê Trung Thành: Nên hiểu thế nào về “hoa năm ngoái-ngỗng nước nào” (tạp chí Văn học và Tuổi trẻ 39-1999; tr.34-37)…
(3) Đúng ra phải ghi là Thôi Hộ.
Việc nhầm lẫn này cũng đã xảy ra ở một số sách. Ngay cả cuốn Từ Điển Thành Ngữ Tục Ngữ Hoa Việt do Nguyễn Văn Khang chủ biên cùng Nguyễn Thị Tân, Hong Zhao Xiang và Nguyễn Thế Sự biên soạn, nhà xuất bản Khoa Học Xã Hội ấn hành năm 1998 cũng đã nhầm tên hai thi sĩ. Thật sự, Thôi Hiệu và Thôi Hộ là hai nhà thơ đời Đường, cùng nổi tiếng trong Văn học nhưng được truyền tụng với 2 bài thơ hoàn toàn khác nhau:
a. Thôi Hiệu (hoặc Thôi Hạo): (704-754) là người Biện Châu, huyện Khai Phong, tỉnh Hà Nam, (nay là tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), đỗ tiến sĩ năm Khai Nguyên thứ 11 (723),và làm quan giữ chức vụ Tư Huân Viên Ngoại Lang. Ông nổi tiếng với bài thơ Hoàng Hạc Lâu. Tương truyền rằng khi Lý Bạch tới vãn cảnh tại Võ Xương, lên Hoàng hạc lâu(vốn là một danh thắng từ xưa thường được rất nhiều người đến vãn cảnh và đề thơ lên vách). Lúc Lí Bạch sắp sửa đề thơ thì chợt đọc được bài thơ của Thôi Hiệu đã có sẵn và Lí Bạch đã thôi không đề thơ nữa.
Nguyên văn bài thơ Hoàng Hạc Lâu như sau:
         “Tích nhân dĩ thừa Hoàng Hạc khứ,
         Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu.
         Hoàng Hạc nhất khứ bất phục phản,
         Bạch vân thiên tải không du du,
         Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ,
         Phương thảo thê thê Anh Vũ châu.
         Nhật mộ hương quan hà xứ thị
         Yên ba giang thượng sử nhân sầu.”

Tản Đà dịch:
         Hạc vàng ai cưỡi đi đâu,
         Mà đây Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ.
         Hạc vàng đi mất từ xưa,
         Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.
         Hán Dương sông tạnh cây bày,
         Bãi xa Anh Vũ xanh đầy cỏ non.
         Quê hương khuất bóng hoàng hôn,
         Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.

b. Thôi Hộ: 崔護 (618-907) tên chữ là Ân Công 殷功 . Ông là một thi nhân đời trung Đường. Năm 796, được cử làm Lĩnh Nam tiết độ sứ 嶺南節度使 . (người Trung Hoa xưa vẫn gọi nước Việt ta là Lĩnh Nam). Chuyện tình của Thôi Hộ được chép lại Trong TÌNH SỬ: Thôi Hộ đời Đường nhân tiết thanh minh một mình đi chơi về phía nam thành đô, gặp một trại ấp đầy hoa đào. Thôi Hộ vào xin nước uống, gặp một thiếu nữ tuyệt đẹp. Năm sau, cũng vào tiết Thanh minh, lại đến thì thấy cửa đóng then cài, nhân đó mới đề lên cánh cổng bài thơ :
        Đề Tích Sở Kiến Xứ
         (Đề đô thành nam trang)

         Khứ niên kim nhật thử môn trung
         Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
         Nhân diện bất tri hà xứ khứ
         Đào hoa y cựu tiếu đông phong.

Tản Đà dịch:
         Đề nơi đã gặp gỡ.
         (Đề ở trang trại phía nam thành đô)

         Cửa đây, năm ngoái cũng ngày này,
         Má phấn, hoa đào ửng đỏ hây.
         Má phấn giờ đâu, đâu vắng tá,
         Hoa đào còn bỡn gió xuân đây.

Viết xong thơ, bèn trở về quê; ngày tháng qua, nhớ người xưa, Thôi Hộ lại lên đường thăm chốn cũ. Đến nơi bỗng nghe tiếng khóc thảm thiết; gõ cửa hỏi thăm thì được cụ già chủ vườn đào kể lại cho nghe chuyện bài thơ trên cánh cổng, bài thơ ấy đã làm con gái cụ ốm tương tư và nay vừa thở hơi cuối cùng. Nghe nói, Thôi Hộ khóc òa, chàng không ngờ bài thơ của mình đã gieo một mối tình tuyệt vọng. Lúc ấy, chàng mới thú thực với cụ già rằng chính mình là người đã làm bài thơ năm xưa rồi vội chạy vào ôm lấy xác người con gái, gọi lớn: Nàng ơi! Thôi Hộ đã về đây ! Gọi ba tiếng liền thì cô gái bỗng hồi tỉnh rồi sống lại. Cả nhà mừng rỡ và bằng lòng cho hai người kết duyên .
(4) Nguyễn Hùng Vĩ: “Hoa năm ngoái và ngỗng nước nào” ; tr. 13, tạp chí Văn nghệ số 4 năm 1999.





VVM.9.1.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com