Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        





MỜI QÚY VỊ MỞ NGHE CỐ CA SĨ SĨ PHÚ QUA NHẠC BẢN HƯƠNG XƯA và MỘNG ĐÊM XUÂN


MẤY TỤC LỄ ĐẦU XUÂN THUỞ XƯA

  


V ới Tết Nguyên Đán, một năm mới bắt đầu, mọi việc đều phải mới. Bao nhiêu những điều cũ  như muốn lùi lại cùng năm cũ.  

Chính vì vậy, người ta đã sửa soạn đón năm mới một cách trịnh trọng theo nghi lễ cũng như trên thực tế.  

Rồi với xuân tới, có những lễ đầu xuân để bắt đầu cho một năm. Những tục lễ này xưa kia, dân ta rất chú trọng, từ vua đến dân, từ  quan đến lính, không ai là không theo để cầu mong lấy một năm mưa hòa gió thuận, phát đạt, thịnh vượng.  

Những tục lễ đó là ĐỘNG THỔ, KHAI HẠ, HẠ ĐIỀN, THƯỢNG NGUYÊN, và riêng đối với nhà vua còn có  lễ DU XUÂN, lễ KHAI ẤN, các quan chức có kiếm  ẩn thường cũng làm lễ này.  

Ngoài các tục lễ trên được cử hành khi Lập xuân hoặc sau khi xuân tới, có những tục lễ được sửa soạn trước để đón xuân: lễ BAN SÓC, PHÁT THỨC, đấy là không kể lễ TỐNG CỰU NGHINH TÂN. Xin ghi lại để bạn đọc tiện tham khảo.   

TỤC LỄ ĐỘNG THỔ   

Động thổ theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh nghĩa là động đến đất. Vậy lệ Động thổ nghĩa là lễ động đất, và trong khi động đất phải có lễ cúng Thổ Thần để trình xin bắt đầu động đến đất cho một năm mới.   

NGUỒN GỐC TỤC LỆ  

Theo các sách cổ nguồn gốc lễ Động thổ bắt  đầu từ năm 113 trước Thiên chúa giáng sinh.  

Nguyên năm đó là năm Mậu Thìn, vua Hán Vũ Đế thấy triều đình chỉ có tục tế Trời mà  không tế Đất mới bàn cùng quần thần, và sau đó đặt ra nghi lễ Hậu Thổ, tức là thần  Đất, còn gọi là xã tế.   

NGHI THỨC  

Nghi thức tế thần đất như sau:  

Đào một ao, ở giữa có một nền tròn: trên nền tròn có năm bệ, trên mỗi bệ đều có lễ Tam sinh gồm bò, dê, lợn. Lễ phục của mấy vị chủ tế và bối bái đều màu vàng.  

Lễ  Xã Tế đầu tiên do vua Hán Vũ Đế chủ  tế và cử hành tại đất Hoài Khưu gần sông Phàn.  

Lễ  Động Thổ bắt đầu từ đó, nhưng đến năm vua Hán Thành Đế lên ngôi, năm 32 trước Công nguyên có lệnh bãi bỏ lễ này.  

Về  sau vì có thiên tai xảy ra, nên lễ Xã Tế  lại được tái lập và tồn tại mãi về sau.  

Lễ  Xã Tế chia làm năm bậc dành cho Hoàng Đế, các vua chư hầu và các quan đại phu trở xuống và có tác dụng khác nhau.  

Đại Xã, Hoàng Đế chủ tế, làm cho toàn dân, kể cả dân các nước chư hầu.  

Vương Xã, Hoàng Đế chủ tế, làm lễ cho riêng mình.  

Quốc Xã, vua chư hầu chủ tế làm lễ cho toàn của nước chư hầu liên hệ.  

Hầu Xã, vua chư hầu chủ tế làm cho riêng mình.  

Trí  Xã, Quan đại phu trở xuống chủ tế, làm lễ  cho từng địa phương.   

Xà TẾ TẠI VIỆT NAM XƯA  

Xã  Tế bắt đầu ở Trung Quốc. Về sau truyền tới các nước chư hầu và các nước nô lệ  thuộc trong đó có Việt Nam.  

Xưa kia, tại Việt Nam, lễ này cũng được tổ chức từ triều đình tới dân gian, nhưng về sau lễ này chỉ còn tồn tại trong dân chúng, tại triều đình, Thần Đất đã có tế trong dịp tế Nam Giao.  

Hàng năm, sau ngày mồng ba Tết, tại các làng có làm lễ  Động Thổ để cho dân làng có thể đào cuốc xới được.  

Chính ra thì ngày lễ Động Thổ không nhất định là ngày nào, nhưng để giúp dân chúng tiện việc làm ăn, nhiều làng thường cử hành lễ này sau ba ngày Tết.  

Các bậc kỳ lão và quan viên được cử làm chủ tế và bồi tế để cúng Thần  Đất. Lễ vật cũng gồm hương đăng, trầu rượu, y phục và kim ngân đồ mã.  

Trong buổi lễ, ông chủ tế với nguyên áo thụng xanh cuốc mấy nhát xuống đất để lấy một cục  đất đặt lên bàn thờ, “tường trình” với Thổ Thần xin cho dân làng được động thổ.  

Sau buổi lễ Động thổ này, dân làng mới được động tới đất. Ai cuốc xới trước lễ động thổ bị dân làng bắt vạ.  

Trong ba ngày Tết, nếu không may có ai mệnh chung, tang gia phải quàn lại trong nhà, đợi lễ Động Thổ  xong mới được đào huyệt an táng. Tục lễ  này nay không còn.   

LỄ  KHAI HẠ   

Theo tục lệ Việt Nam, ngày mồng bảy tháng Giêng là ngày lễ Hạ nêu.  

Cây nêu trồng trong năm, khi sửa soạn đón Tết cùng với cung tên bằng vôi trắng vẽ trước cửa nhà để  “trừ ma quỷ”, nay được hạ xuống.  

Lễ  Hạ nêu còn được gọi là lễ Khai Hạ. Mọi công việc thường xuyên, người ta chỉ bắt đầu lại sau ngày lễ này, tuy lại vùng quê người ta vẫn còn ăn chơi, vì tháng Giêng là tháng ăn chơi, và vì lúc đó, công việc đồng áng đã vợi.   

SỰ  TÍCH CÂY NÊU  

Cây Nêu người ta trồng để trừ ma quỷ có sự  tích như sau:  

Tục truyền ngày xưa, khi Tết đến, bọn ma quỷ hay tới quấy nhiễu dân gian. Dân gian kêu đức Phật, Phật liền ra tay bắt bọn ma quỷ. Bọn ma quỷ sợ đức Phật, không dám quấy nhiễu, nhưng chúng hỏi ở đâu là đất của Phật để chúng tránh xa. Phật đáp:  

- Ở đâu có phướn, có chuông, có khánh đấy là đất của Phật.  

Ma quỷ lại hỏi địa giới của Phật đến đâu và lấy gì làm phân biệt.  

Phật bảo chúng là ở đâu có vết vôi trắng là  địa giới của Phật.  

Sau đó, ngày Tết người ta dựng cây, trên ngọn nêu có  treo khánh sành và phướn giấy, và ở trước nhà có rắc vôi bột thành hình cung tên để “trừ ma quỷ”. Ma quỷ thấy cây nêu và vôi trắng không dám phạm tới vì sợ đức Phật.   

NGUỒN GỐC LỄ KHAI HẠ  

Lễ  Khai hạ, người Trung Hoa gọi là lễ Nhân nhật, nghĩa là ngày của Người  

Theo sách Phương sóc chiêm thú thì tám ngày đầu năm mỗi ngày thuộc riêng về một giống:  

Mồng 1 thuộc giống gà  

Mồng 2 thuộc giống Chó  

Mồng 3 thuộc giống Lợn  

Mồng 4 thuộc giống Dê  

Mồng 5 thuộc giống Trâu  

Mồng 6 thuộc giống Ngựa  

Mồng 7 thuộc giống Người nên được gọi là “Nhân nhật”  

Mồng 8 thuộc giống Thóc  

Nhân ngày Nhân nhật là ngày của giống Người nên người ta làm lễ cúng Trời, Đất để đánh dấu ngày  đó.  

Người Việt Nam, nhân dịp này, ngoài lễ giữa trời cúng Trời, Đất, còn sửa lễ cúng Gia tiên, cúng Thổ Công và cúng thần Tài. Thường sau lễ này, những người buôn bán mới bắt đầu đi chợ, mở cửa hàng.     

LỄ  KHAI HẠ CỦA NGƯỜI TRUNG HOA   

Lễ  Khai hạ nguồn gốc từ người Trung Hoa. Nhân  đây, xin nói qua về lễ này của người Trung Hoa để bạn đọc tìm hiểu thêm.  

Người Trung Hoa làm lễ Khai hạ rất linh đình. Họ họp nhau tại các đình làng, treo đèn kết hoa, có nhiều cuộc nhảy múa để dân chúng mua vui thưởng xuân. Sau lễ Khai hạ các hiệu buôn đều mở cửa, những nhà hàng đều đốt pháo. Theo họ, tiếng pháo đem lại sự may mắn và xua đuổi tà ma, quỷ quái.  

Sở dĩ người Trung Hoa tổ chức những cuộc vui trong ngày mồng 7 tháng Giêng vì ngày này, như trên đã nói, là ngày của giống Người cũng phải ăn mừng cho tưng bừng để chứng tỏ loài người đứng trên muôn vật.  

Trong sách Tàu có thuật lại tục Nhân nhật ở Kim Lăng như sau:  

Đầu giờ Tý, đêm mồng sáu tháng Giêng tại công sở các thôn xã, già trẻ trai gái đều tụ họp. Ai nấy đều tắm rửa sạch sẽ và mặc quần áo đẹp.  

Một  đôi ông già bà già khỏe mạnh và sung sướng nhất thôn đứng lên nói về thân thế  của mình và cầu chúc cho mọi người đều được như mình. Khi đôi ông bà già này, chúc tụng mọi người đã xong, những cặp vợ chồng trẻ xúm vào yêu cầu đôi ông bà già nói chuyện gia đình cho họ nghe mặc dầu ông bà già này không phải vợ chồng. Đôi ông bà già phải chiều ý họ kể lại những chuyện gia đình của mình. Câu chuyện được mọi người đón nhận.  

Cuộc vui tiếp diễn mãi tới sáng mới ai về nhà nấy.  

LỄ  KHAI HẠ NGÀY NAY   

Ngày nay, nhiều nơi không còn lễ Khai hạ nữa tuy nhiên tại các gia đình Trung Hoa và Việt Nam, nhất là  những gia đình buôn bán đắt, phát đạt, thịnh vượng quanh năm, người ta cũng cúng gia tiên, cúng Thổ Công, cúng Thần Tài, và có một số người vẫn cúng Trời, Đất như cổ lệ.   

LỄ  THẦN NÔNG  

Thần Nông tức là vị Hoàng đế Trung Hoa đầu tiên  đã dạy dân nghề làm ruộng, chế ra cày bừa và là người đầu tiên đã làm lễ Tịch điền hoặc Hạ điền.  

Lễ  Thần Nông tức lễ tế vua Thần Nông để cầu mong sự được mùa và nghề nông phát đạt.  

Trên các quyển lịch hàng năm của người Trung Hoa thường có  vẽ một mục đồng dắt một con trâu.  

Mục  đồng tức là vua Thần Nông, còn con trâu tượng trưng cho nghề Nông.  

Hình mục đồng cũng như con trâu thay đổi hàng năm tùy theo sự ước đoán của cơ sở dự  báo khí tượng về mùa màng năm đó tốt hay xấu.  

Năm nào được mùa, Thần Nông giày dép chỉnh tề, còn năm nào mùa kém, Thần Nông vó vẻ như vội vàng hấp tấp nên chỉ đi giày có một chân.  

Con trâu đổi màu tùy theo hành của mỗi năm, vàng, đen, trắng, xanh, đỏ đúng với Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.  

Hàng năm xưa có tục tế và rước Thần Nông tại triều đình.   

NGHI THỨC LỄ TẾ THẦN NÔNG   

Lễ  tế Thần Nông hàng năm cử hành vào ngày Lập Xuân, bởi vậy nên Thần Nông còn được gọi là Tế  Xuân.  

Theo chỉ dụ của vua Minh Mạng trước đây, hàng năm sau tiết Đông Chí, toà Khâm thiên giám phải lo sửa soạn việc tế Thần Nông. Các quan cùng nhau họp để nặn trâu và tượng Thần Nông, tra cứu theo lịch để nặn tượng cho đúng với sự ước lượng về mùa màng và màu sắc Trâu.  

Trước ngày Lập Xuân hai ngày, tại gần cửa Đông Ba (ngày nay tức là cửa chính Đông), các quan Khâm thiên giám cho lập một cái đài hướng Đông. Trâu và tượng Thần Nông cũng được đưa tới lưu tại phủ Thừa Thiên để ngày hôm sau các quan trong phủ mới rước từ phủ tới đài. Các quan vận lễ phục, có lính vác gươm giáo, tàn lọng, cờ quạt đi theo.  

Tới  đài thì một lễ đơn giản được cử  hành như có ý để trình với thần linh tượng và Trâu. Sau đó, Trâu và tượng Thần Nông lại  được khiêng về kho.  

Hôm Tế Xuân lại được rước ra đài, nhưng lần này đi rước là các quan bộ Lễ và các quan tỉnh Thừa Thiên. Khi đám rước đi qua cung vua, một viên Thái Giám vào tâu Vua biết. Sau đó, đám rước lại tiếp tục đi và khi đi qua bộ Lễ, một viêng quan đánh vào đít Trâu ba roi, có ý thôi thúc Trâu phải làm việc.  

Tới  đài các quan làm lễ tế Thần Nông theo như  nghi lễ các cuộc tế khác.  

Tế  Thần Nông xong, Trâu và tượng Thần Nông lại có  quân lính khiêng cất vào kho.  

Năm Minh Mạnh thứ hai, nhà vua ra lệnh phải chôn Trâu và tượng Thần Nông sau mỗi cuộc tế.  

Từ  năm Khải Định thứ ba, để đỡ tốn kém, Trâu và tượng Thần Nông từ trước vẫn nặn bằng đất, nhà vua ra chỉ dụ thay Trâu và tượng bởi vẽ trên vải.  

Lễ  Thần Nông có rơi đúng vào một ngày kỵ tại lăng miếu. Lễ vẫn cử hành, nhưng các quan tham dự không được mặc áo đỏ hoặc tía, và ban nhạc tuy có mặt cũng không được cử nhạc.  

Tại các tỉnh, trong ngày Lập Xuân cũng có lễ tế  Thần Nông, và lễ cũng được sửa soạn từ  sau ngày Đông Chí. Các quan tỉnh phụ trách việc hành lễ, Trâu và tượng Thần Nông cũng được  đem chôn sau buổi lễ như tại kinh đô.       

LỄ  TỊCH ĐIỀN  

Lễ  Tịch Điền còn gọi là lễ Hạ Điền. Chính vua Thần Nông là người đặt ra lễ này. Hàng năm xưa kia mỗi lần xuân đến, nhà vua lại tự thân cày mấy luống đất để làm gương cho dân chúng để cử hành lễ Tịch Điền.   

LỄ  TỊCH ĐIỀN TỰ KHỞI THỦY  

Lễ  Tịch Điền được cử hành trong một ngày hội đầu xuân. Nhà vua ngự trên một cỗ xa, đem theo cầy bừa đi thẳng tới sở Tịch Điền, có văn võ bách quan theo hầu, quân lính và dân chúng theo sau.  

Nhà  vua xuống ruộng cầy ba luống, các vương công chư hầu cầy năm luống, các công khanh đại phu cầy bảy luống, sĩ cầy chín luống. Sau đến lượt dân chúng cũng cầy bừa thửa ruộng này, một thửa ruộng dành riêng, lấy hoa màu dùng trong việc cúng lễ. Hạt giống gieo vào thửa ruộng cũng chính là lực trong đám thóc đã gặt được vụ trước.  

Lễ  Tịch Điền lúc đầu giản dị như vậy, nhưng về sau có nhiều sự thay đổi như việc thêm lễ Tam sinh và có ca hát những bài ca đồng áng về đời nhà Hán. Đến đời nhà Tống nghi lễ càng thêm phiền phức như đắp đài sơn xanh cao 9 thước, làm nhà trên đài v.v...  

LỄ  TỊCH ĐIỀN TẠI VIỆT NAM  

Cũng như các nghi lễ  khác, xưa ta cũng đúng nghi lễ  Tịch Điền của người Tàu, và lễ này du nhập sang nước ta cùng với sự nội thuộc Hán tộc.  

Theo sử, chính vua Lê Đại Hành đã cấy ruộng, và  trong hai lần cấy, nhà vua một lần được một chum bằng vàng và một lần một chum bằng bạc, và những thửa ruộng dùng để cấy trong lễ Tịch Điền do đó có tên là kim ngân điền.  

Các vua nhà Lý cử hành lễ Tịch Điền rất trọng thể.  

Các vua nhà Trần vẫn giữ lễ này, nhưng vì  có chiến tranh với quân Mông Cổ, lễ cử hành đơn giản. Qua đời nhà Hậu Lê, đến nhà Nguyễn, lễ này được vua Minh Mạng rất chú ý, và lễ được cử hành long trọng.   

NGHI LỄ  TỊCH ĐIỀN TRIỀU NGUYỄN  

Các quan bộ Lễ trình rõ nhà vua ngày lễ  

Trước ngày lễ một hôm, tại cửa Tả Đoan, sáu thể đình, chiếc bàn chung quanh có phủ lụa, được thiết lập. Các quan tỉnh Thừa Thiên sắp sửa sẵn cầy bừa và một thúng thóc đặt trên các thể đình rồi nhà vua được rước ra ngự lãm. Cầy bừa nhà vua dùng và thóc giống được rước lên long đình mang tới, sở Tịch Điền có lính tráng, có quạt theo hầu. Tại đây long đình được đặt gần chiếc chiếu của vua, gọi là “đê tịch”.  

Các thể đình cũng được mang tới và đặt gần chiếu của các quan, gọi là “quan tịch”.  

Sở  Tịch Điền đặt tại phường Yên Trạch và Hậu Sanh là nơi cử hành lễ, có xây một đài để nhà vua tới xem gọi là đài quan canh, và có sẵn nhà kho để chứa cầy bừa, thóc giống dùng vào việc lễ gọi là “phần khố”.  

Sáng hôm hành lễ, chiêng trống vang lừng, quân dân sắp hàng hai bên đường vua đi tới nơi hành lễ đường này cờ xí rợp trời, có vòi ngựa đứng hầu, lại thêm phường nhạc đội khăn mặc áo đỏ, mang cờ ngũ hành, chân đi hia đứng dàn hầu.  

Đúng giờ Mão, nhà vua bắt đầu từ trong cung đi ra, đầu đội mũ cửu long, mình mặc áo vàng. Bảy phát súng lệnh được bắn lên báo hiệu vua đã khởi hành. Tới nơi hành lễ, nhà vua rửa tay rồi bắt đầu dự lễ, tế ba tuần rượu. Tế xong, phường nhạc nổi lên, và nhà vua sang nhà vụ phục để thay áo, đội một chiếc khăn, mặc một chiếc áo chiến. Sau đó nhà Vua ra cầy.  

Nhà  vua cầy bằng một cầy sơn vàng, tay trái cầm roi. Có bốn vị bô lão, chức sắc giúp nhà vua cầy và dắt hai con bò có phủ lụa vàng. Hai vị quan đi theo sau vua, người bưng thúng thóc, người vãi thóc.  

Nhà  Vua cầy ba đường, đoạn giao cầy và roi cho hai quan theo hầu là quan Phủ doãn Thừa Thiên và một quan bộ Hộ. Cầy và roi để lên long đình. Nhà vua đến nhà quan canh để dự xem nốt buổi lễ. Các hoàng thân, các quan văn võ đều phải cầy. Hoàng thân cầy mười đường, quan văn võ cầy mười tám đường. Sau cùng là các chức sắc, bộ lão sở tại cũng ra cầy.  

Cầy xong, vua trở về Đại Nội, dụng cụ cất vào kho, trâu bò giao cho làng sở tại Phú Xuân  để trông coi thửa ruộng cho tới mùa gặt.  

Đồng thời tại các tỉnh, các xã cũng có lễ Tịch Điền. Ở tỉnh, quan tỉnh mở đầu việc cầy, ở xã do ông tiên chỉ hoặc vị kỳ mục nào chức sắc cao nhất trong xã. Việc cử hành lễ Tịch Điền tại các xã, nhiều địa phương có những tục lệ riêng.  

Đến ngày lễ, vị chủ tế, ông Tiên Chỉ hoặc vị Chức Sắc cao nhất trong xã, được dân làng rước ra thửa ruộng riêng của làng dành cho lễ này. Nơi đây có bàn thờ để cử hành cuộc tế lễ. Tế lễ xong, ông Tiên Chỉ bước xuống ruộng cấy lúa, ruộng là ruộng chiêm nên thường xâm xấp nước. Theo lệ làng ông phải cấy mấy hàng lúa. Trong lúc ông cấy lúa, ông mặc quần áo chỉnh tề. Dân làng đứng ở trên bờ ruộng, chờ lúc ông bắt đầu cấy, họ dùng nước, có khi cả bùn đất ném vào người ông.  

Bị  ném ông lính quýnh, muốn cấy cho mau xong, cắm cây mạ  xuống ruộng vội vàng, mạ không ăn sâu, lại tự  nổi lên, ông lại phải cắm lại, và dân làng té  nước, ném bùn vào người ông, vừa té vừa cười rất vui vẻ.  

Ông chủ tế không giận và cũng không bỏ dở việc của mình, ông chịu đựng sự té nước, ném bùn và cấy cho xong những hàng lúa. Thật là náo nhiệt tưng bừng.  

Hành động té nước vào ông Tiên Chỉ chủ  tế tượng trưng cho sự tưới nước vào cây lúa, cầu mong cho cây lúa được tốt tươi và có nhiều nước.  

LỄ  THƯỢNG ĐIỀN  

Đã nói tới lễ Tịch Điền, tưởng không thể không nhắc tới lễ Thượng Điền, tuy lễ này không cử hành đầu xuân mà cử hành khi lúa chín.  

Khi lúa chín, quan tỉnh Thừa Thiên làm lễ rồi gặt hái, chọn thóc dùng cho lễ Tịch Điền năm sau.  

Tại các tỉnh, các xã đều có lễ Thừa Điền  để tạ ơn Trời, Đất và vua Thần Nông đã ban cho được mùa.   

LỄ  DU XUÂN  

Lễ  Du Xuân là lễ nhà vua ngự du lúc xuân sang.  

Lễ  có từ đời nhà Lê. Ngày mồng một tháng Giêng, sau khi các hoàng thân và các quan văn võ đi theo. Ngài mặc áo Hoàng Bào cỡi ngựa đi trước. Các quan, lính tráng mang cờ quạt khí giới theo sau.  

Triều Nguyễn, các nhà Vua không có lễ Du Xuân.  

Mãi tới đời vua Đồng Khánh mới tổ chức lễ  Du Xuân một lần với mục đích để dân chúng thấy nhà Vua không bị thực dân Pháp giam lỏng tại kinh thành.  

Lễ  Du Xuân của nhà Vua, cũng giống như việc người dân xuất hành, vì bộ Lễ phải chọn hướng để nhà Vua đi, ngõ hầu quanh năm trong nước được thái bình, khang thịnh.  

LỄ  THƯỢNG NGUYÊN HAY LÀ CÚNG RẰM THÁNG GIÊNG  

Lễ  Thượng Nguyên vào ngày rằm tháng Giêng. Từ triều  đình đến dân chúng đều có lễ Phật trong ngày này. Ta có câu:  

“Lễ Phật quanh năm
Không bằng rằm tháng Giêng”  

Tục ta tin rằng trong ngày rằm tháng Giêng, đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của các tín đồ Phật giáo. Trong dịp này, chùa nào cũng đông người tới lễ bái. Các cụ bà đã đi quy, cũng nhân ngày lễ này, đến chùa tụng kinh niệm Phật. Các cụ vừa lần tràng hạt vừa kể hạnh nghĩa là kể lại sự tích của đức Phật và chư bồ tát cũng như sự hy sinh cao cả của các Người.  

Và  những đôi trai gái nặng lòng yêu nhau cũng kéo nhau tới trước Phật đài để xin đức Phật phù hộ  cho được cùng nhau vẹn nghĩa ba sinh.  

NGUỒN GỐC LỄ THƯỢNG NGUYÊN  

Theo đạo Phật, nguồn gốc lễ Thượng Nguyên như sau:  

Ngày mồng Một và ngày Rằm mỗi tháng được coi là  ngày Phật, các tín đồ Phật Giáo trong những ngày này đều rủ nhau đi lễ chùa.  

Ngày mồng một là ngày đầu tháng, nhưng đêm lại tối đen, còn ngày Rằm thì đêm có trăng sáng sủa. Trong một năm, ngày Rằm đầu tiên là Rằm tháng Giêng nên người ta đua nhau đi lễ Phật.  

Theo các sách Trung Hoa, lễ Thượng Nguyên không phải là  một ngày lễ Phật.  

Trước đây chính là Tết Trạng Nguyên. Nhân dịp này, nhà  vua hội họp các ông Trạng để thết tiệc và mời vào vườn Thượng Uyển thăm hoa, ngắm cảnh, làm thơ. Ngày xuân đầm ấm, gió mát trăng trong, trăm hoa đua nở, thi hứng rạt rào, các ông Trạng cùng nhau thi đua ngâm vịnh ca ngợi cái đẹp của Hóa công cũng như ân đức của nhà Vua.  

Tết Trạng Nguyên sau được đổi làm Tết Thượng Nguyên.  

Tết cũng còn có một tên nữa là Tết Nguyên Tiêu. Nhân Tết này, ban đêm tại kinh thành và các thị xã  có chăng đèn kết hoa. Ở các nơi như Giang Châu, Tô Châu (Trung Quốc) gần sông nước có cuộc bơi thuyền.  

Thuyền được trang hoàng muôn màu sắc, thắp sáng trưng, hoa treo rực rỡ. Tại các hí trường và các Công viên có nhiều trò vui như đánh gươm, cưỡi ngựa, nhảy múa v.v...  

Các văn nhân trong đêm Nguyên Tiêu thường họp nhau uống rượu thưởng Xuân, vịnh ngâm thơ phú.  

Theo các nhà thuật số Trung Hoa, ngày Rằm tháng Giêng còn là ngày vía Thiên quan. Nhân ngày này, tại các đền chùa có làm lễ dâng sao, nghĩa là cúng các vị sao để giải trừ tai ách quanh năm.  

Cúng lễ dâng sao, người ta lập đàn tràng tam cấp, trên cúng Trời Phật, Tiên  Thánh, giữa cúng các vị sao thủ mạng, ở dưới cùng cúng bố thí chúng sinh. Mỗi năm mỗi người có một vị sao thủ mạng.  

Lễ  vật cúng dâng sao dùng hoa quả, trầu cau, xôi oản, chè  rượu, vàng mã và cả hình nhân nữa.  

Theo một số đồng bào Thượng du miền Bắc ngày Rằm tháng Giêng còn là ngày giỗ tướng Nùng Chí Cao.  

Nùng Chí Cao ở Vân Nam, tự xưng là Lĩnh Nam Vương, chống nhau với quân Tống, bị Địch Thanh đánh nhau, chết vào ngày Rằm tháng Giêng được “giờ  linh” nên được dân chúng phụng thờ.  

Dù  lễ Thượng Nguyên có nguồn gốc nào đi nữa dân ta làm lễ Thượng Nguyên vì lòng tôn kính đối với chư Phật, đồng thời có cúng Gia tiên, Thổ Công và Thần Tài... theo phong tục cổ truyền.  

LỄ KHAI ẤN  

Các ấn đã được lau chùi trong năm, ngoài xuân bộ Lễ theo tục cũ cũng được chọn ngày lành, giờ tốt để làm lễ khai ấn nghĩa là dùng ấn đóng lên một công văn chỉ dụ. Thường bản văn đầu tiên được đóng ấn là bản văn tốt lành. Tục khai ấn này, tại các tỉnh, các phủ, huyện, châu, tổng, xã xưa kia mỗi viên chức có ấn đều chọn ngày khai ấn. Xưa, người ta có sửa lễ cúng vị thần giữ về ấn tín trong dịp lễ khai ấn.  

NHỮNG LỄ SỬA SOẠN CHO NĂM MỚI  

Như trên đã nói, ngoài những lễ thực hiện sau khi xuân sang hoặc vào ngày Lập Xuân, để đón xuân có những lễ được cử hành trước để sửa soạn những lễ đầu năm như lễ Trừ tịch, lễ Ban Sóc, lễ Phát Thức...  

Lễ BAN SÓC là lễ nhà vua phát lịch năm sau cho quần thần và các hoàng thân. Lịch do Khâm Thiên giám soạn, có hai thứ lịch: Bảo lịch và Quan lịch. Quan lịch mang dấu của tòa Khâm Thiên giám. Lịch phát trong triều trước rồi gửi tới các tỉnh sau.  

Lễ PHÁT THỨC tức là lễ lau chùi kim ấn, kim sách, ngọc ấn, ngăn sách. Lễ này tổ chức trong tháng Chạp vào ngày tốt lành do tòa Khâm Thiên giám chọn.  

TẾT HÀN THỰC

Tết  Hàn Thực vào ngày mồng Ba tháng Ba âm lịch “Hàn thực” là ăn đồ lạnh. Tết này nguyên cũng là Tết của người Trung Hoa, và đã được truyền sang Việt Nam đã lâu. 

NGUỒN GỐC TẾT HÀN THỰC

Nguyên về đời Xuân Thu vào năm 654 trước Công nguyên tại nước Tần, một nước chư hầu của nhà Chu co loạn. Vua Văn Công nhà Tấn, lúc đó là Công tử Trùng Nhĩ phải rời khỏi nước Tấn đi lánh nạn. Cùng đi theo với Trùng Nhĩ có một số các bầy tôi tòng vong trong số đó có Giới Tử Thôi. Mấy chùa tôi long đong chạy khắp nước này qua nước khác, đầu tiên sang nước Địch, rồi trốn đi qua nước Vệ, tới nước Tề, lại sang nước Sở, suốt 19 năm trời lận đận, nhiều lúc thật là khổ sở. Một ngày kia, nửa đường bị thiếu lương thực, đói quá, không kiếm được đâu ra thức ăn. Giới Tử Thôi liền cắt thịt đùi mình nấu nướng dâng cho chúa. Trùng Nhĩ ăn xong hỏi ra mới biết, rất lấy làm thương Tử Thôi đã hy sinh cho mình.

Sau 19 năm, nếm đủ mọi điều gian truân, Công Tử  Trùng Nhĩ mới khôi phục được nước, lên làm vua, tức là vua Tấn Văn Công. Nhà vua phong thưởng cho tất cả những người đã có công theo mình trong lúc tòng vong, nhưng vô ý quên mất Giới Tử Thôi không phong thưởng gì. Giới Tử Thôi cũng không oán giận, vì tự xét mình cũng không có công lao gì, nếu có đi theo giúp đỡ nhà vua, đó chỉ là bổn phận của một người bày tôi. Vì vậy, Tử Thôi về nhà, đem mẹ vào ẩn ở núi Miên Sơn.

Đến khi vua Tấn Văn Công nhớ ra công trạng của Giới Tử Thôi, cho người đi tìm không được, liền sai người đốt rừng Miên Sơn, có ý muốn cho rừng cháy, vua phong thưởng. Mẹ con Giới Tử Thôi đã không ra và cùng chịu chết cháy ở trong rừng.

Nhà  Vua thương xót cho lập miếu thờ, và hàng năm tới ngày mồng Ba tháng Ba, tức là ngày hai mẹ con Giới Tử Thôi bị chết cháy, cấm dân gian không được dùng lửa để nhớ lại Giới Tử Thôi. Trong ngày này người ta phải làm đồ ăn từ hôm trước để đến ngày hôm sau ăn lạnh, do đó gọi là Hàn thực. 

Tục này được lưu truyền mãi về sau, và ngày mồng Ba tháng Ba là tết Hàn thực. 

TẾT HÀN THỰC TẠI VIỆT NAM XƯA

Người Việt Nam ta xưa theo tục của người Tàu cũng ăn tết Hàn thực, một phần để nhớ tới lòng trung nghĩa của Giới Tử Thôi, nhưng ta không kiêng lửa, ta cũng không ăn đồ lạnh. Ta có làm bánh trôi, bánh chay nhưng không phải làm từ hôm trước như người Trung Hoa. 

BÁNH TRÔI, BÁNH CHAY

Tháng Ba còn được dân ta gọi là mùa Trôi nước vì bắt đầu với tháng Ba là có bánh trôi và bánh chay.

Ta vẫn thường cho rằng bánh trôi và bánh chay là  bắt chước người Trung Hoa, nhưng theo các cụ, bánh trôi, bánh chay, ta có từ đời Hùng Vương, và tục làm bánh trôi nhắc lại sự tích “trăm trứng trăm con”.

Trước đây, mỗi khi ngày hội đền Hùng vào ngày mồng 10 tháng 3, cũng như ngày hội đền Hát Môn, nơi thờ  Hai Bà Trưng vào ngày mồng 5 tháng 3, dân làng đều làm một mâm bánh trôi 100 chiếc để cúng, cúng xong chia đôi, đem 50 chiếc thả xuống sông đặt trên bè sen, còn 50 chiếc đem đặt lên núi để nhắc lại tích cũ 50 con vua Lạc Long Quân theo mẹ lên núi, và 50 con theo cha xuống biển.

Những chiếc bánh trôi này, người ta tranh nhau dành lấy sau khi đã thả bè sen xuống sông hoặc đặt lên núi vì người ta tin rằng ăn những bánh trôi này sẽ được phước.

BÁNH TRÔI làm bằng bột nếp nhào nặn với nước trong có nhân bằng đường phèn. Bánh nặn xong, được thả vào nồi nước sôi. Bánh chìm xuống rồi nổi lên, ba chìm bảy nổi chín lênh đênh thì vớt ra bày vào đĩa.

BÁNH CHAY cũng làm bằng bột nếp nhào nặn với nước và cũng có nhân, nhưng nhân bằng đậu xanh nấu chín, bỏ vỏ, giã nhỏ. Bánh chay làm xong cũng thả vàp nước như bánh trôi, và cũng đợi bánh chìm xuống, nổi lên mấy lần mới vớt ra.

Bánh chay không bày ra đĩa mà để vào bát và có đổ nước đường ở ngoài.

Hai thứ bánh tuy cùng làm bằng bột gàp nếp, nhưng mỗi thứ có mỗi vị và mỗi thứ ăn mỗi ngon riêng.

Trước đây, ta không ăn bánh trôi chay trước ngày mồng Ba tháng Ba, vì  ngày hôm đó, bánh mới bắt đầu cúng tổ  tiên, cũng như mới cúng Thổ Công. Vì lòng kính trọng đối với thần linh và tổ tiên, mỗi khi tới một mùa nào, có thực phẩm gì của mùa đó, người ta không ăn nếu chưa làm lễ cúng. Bánh trôi, bánh chay cũng vậy, là của mới, của mùa trôi nước, người ta đợi cúng trước rồi mới ăn sau. 

LƯU TRƯỜNG KHÚC THUỶ 

Ông Tân Việt Điển (trong Văn Hóa Nguyệt san số 28 ra trước đây) có nói về Tết Hàn Thực có viết lễ này là lễ Lưu Trường Khúc Thủy, được cử hành vào mồng 3 tháng 3.

Theo cổ tục nước Tàu, vào ngày tháng này dân chúng rủ  nhau đi xem mực cao thấp cở bờ sông, bờ ao, bờ hồ. Các quan tỉnh, hàng năm sức cho dân phải bày hương án trên các bờ sông để làm lễ Lưu Trường Khúc Thủy.

Về  đời nhà Hán, các Hoàng Hậu, Công Chúa, tôn nhân... đều ra bờ sông làm lễ, và nhân dịp hái lá  dâu về cho tằm ăn để kén được thêm tốt tươi.

Trong ngày này, con trai thi nhau đuổi thỏ, con gái thi nhau thả  hoa xuống nước. Nếu các nhánh hoa thả xuống nước kết được thành hình con vật gì, mọi người sẽ  tán thưởng, và các cậu con trai sẽ kén chọn, về xin phép cha mẹ cưới làm vợ chính thức.

Ngày nay, không còn Tết Hàn Thực, nhưng với tháng ba, mùa trôi nước vẫn xuất hiện và người ta vẫn thấy các bà, các cô đi bán bánh trôi, bánh chay ở vùng nông thôn miền Bắc.   





VVM.10.1.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com