Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
        




NGÀY XUÂN NÓI CHUYỆN RƯỢU

  


R ượu, từ xưa, đã là một trong bốn thú vui tao nhã của thi nhân tài tử :

Cầm, kỳ, thi, tửu,
Đường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay.
Đàn năm cung réo rắt tính tình đây,
Cờ đôi nước rập rình xe ngựa đó.
Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ (1),
Rượu ba chung tiêu sái (2) cuộc yên hà (3).
(Nguyễn Công Trứ – Cầm kỳ thi tửu)

Trong dân gian cũng có những câu ca dao tục ngữ nói về rượu :

Còn trời, còn nước, còn non,
Còn cô bán rượu anh còn say sưa.

Hay :

Nam vô tửu như kỳ vô phong

nghĩa là : đàn ông không có rượu khác gì cờ không gặp gió. Cờ không gặp gió thì rũ xuống chứ làm sao bay phơ phất được ; còn đàn ông không có rượu thì cũng ỉu xìu, không thể ăn nói lưu loát, hùng hồn được. Thực ra đấy chỉ là cái cớ để uống rượu mà khỏi sợ bị phê phán thôi. Khi rượu đã vào rồi thì lời ra, bất phân phải trái (tửu nhập ngôn xuất). Riêng với nhà thơ Tản Đà thì tửu nhập thi xuất (rượu vào thơ ra).

Nói đến rượu lại nhớ đến thơ. Các nhà thơ lớn của Trung Hoa cũng như của Việt Nam không mấy ai là không biết uống rượu, uống dữ dội là đàng khác. Có ai dám đến trước mặt vua mà say bí tỉ không? Chỉ có Lý Bạch. Một lần trong cung, vua Đường Minh Hoàng sai trồng ở trước đình Trầm Hương bốn thứ hoa mẫu đơn : hồng, tía, hồng nhạt và toàn trắng rất đẹp. Một hôm hoa nở rực rỡ, Đường Minh Hoàng thích lắm bèn đưa Dương Quí Phi đến đó thưởng hoa. Tại đây, một ca sĩ nổi tiếng là Lý Qui Niên cầm phách toan hát thì Đường Minh Hoàng ngăn lại bảo : - Thưởng danh hoa, đối với Phi tử, sao lại dùng bài hát cũ? Rồi sai Lý Qui Niên triệu Lý Bạch vào cung. Bấy giờ Lý Bạch đang say khướt, binh sĩ phải đặt ông lên kiệu để khiêng đi. Vào tới đình Trầm Hương, Bạch vẫn còn say. Dương Quí Phi vội sai người đem canh giã rượu đến, Đường Minh Hoàng tự tay đút canh cho Lý Bạch rồi lấy khăn lau miệng cho ông. Lý Bạch hồi tỉnh, vung tay múa bút viết luôn ba bài Thanh bình điệu rất nổi tiếng ca tụng nhan sắc của Dương Quí Phi.

Nhắc đến Lý Bạch thì phải nói đến tửu lượng đáng nể của ông :

Mổ trâu, giết dê, hãy vui vẻ,
Cạn ba trăm chén một lần say.
(Phanh dương, tể ngưu, thả vi lạc,
Hội tu nhất ẩm tam bách bôi).
(Tương tiến tửu)

Nhưng Lý Bạch hãy còn kém xa so với câu này vẫn được truyền tụng xưa nay :

Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu

nghĩa là : bạn tri kỷ gặp nhau thì cạn một ngàn chén hãy còn là ít.

Thực ra đó chỉ là cường điệu thôi, chứ bụng dạ nào chứa nổi một ngàn chén rượu, mà dù có chứa được thì cũng chết lăn quay tại chỗ vì ngộ độc rượu, hết thấy đường về.

Còn Đỗ Phủ thì sáng say chiều xỉn, nghĩa là say suốt cả ngày :

Khỏi bệ vua ra, cố áo hoài,
Bên sông say khướt tối lần mai.
(Triều hồi nhật nhật điển xuân y,
Mỗi nhật giang đầu tận túy qui.)
(Khúc giang)

Xin tạm kể hai nhà, chứ ở Trung Hoa, những nhà thơ say kể sao cho xiết.

Trở lại Việt Nam, số nhà thơ làm bạn với Lưu Linh cũng không phải là hiếm. Nhà thơ Phạm Thái, tự xưng là Chiêu Lỳ, một lòng khôi phục nhà Lê, chống Tây Sơn, nhưng lực bất tòng tâm, lại thêm cái chết của người yêu là Trương Quỳnh Như nên sinh ra bất đắc chí, mượn rượu giải sầu, coi thường tất cả mọi sự ở đời. Ông thường hay ngâm nga bài thơ yết hậu :

Sống ở dương gian đánh chén nhè,
Thác về âm phủ cắp kè kè.
Diêm vương phán hỏi rằng chi đó?
- Be !

Trong các thi sĩ lớp sau, đứng đầu là Tản Đà, có thể xem như vua rượu. Năm 1926 ông vào Sài Gòn làm trợ bút cho tờ Đông Pháp thời báo của Diệp Văn Kỳ, thuê nhà ở Xóm Gà Gia Định. Ở Sài Gòn lúc ấy không có rượu lậu, chỉ có rượu Cô-nhắc (Cognac) của Pháp. Tản Đà uống toàn Cô-nhắc, vỏ chai xếp kín cả chân tường nên Tùng Lâm mới viết :

Uống liều đã mấy chai Cô-nhắc,
Bồi mãi chưa xong bức địa đồ.

Tản Đà quan niệm rằng đời người như giấc chiêm bao, nay còn mai mất, vậy thì hà tất phải bận tâm làm gì cho mệt, chi bằng mượn rượu và thơ để quên đi cái hình hài phù du của mình :

Rượu thơ mình lại với mình,
Khi say quên cả cái hình phù du.
Trăm năm thơ túi rượu vò,
Nghìn năm thi sĩ tửu đồ là ai?
(Thơ rượu)

Những lúc tỉnh, ông cũng thấy say sưa thật là hư, biết vậy nhưng không thể nào không say được :

Say sưa nghĩ cũng hư đời,
Hư thời hư vậy, say thời cứ say.
Đất say đất cũng lăn quay,
Trời say mặt cũng đỏ gay, ai cười?
(Lại say)

Rượu đối với Nguyễn Công Trứ lại khác. Theo ông, rượu là một thú vui dùng để tiêu khiển những lúc nhàn hạ hay buồn rầu, nhưng không bao giờ say túy lúy như Tản Đà :

Đánh ba chén rượu khoanh tay giấc,
Ngâm một câu thơ vỗ bụng cười.
(Hành tàng)

Khi đã chán đường công danh, muốn thoát vòng danh lợi thì ông lại nghĩ đến rượu và thơ :

Hẹn với lợi danh ba chén rượu,
Vui cùng phong nguyệt một bầu thơ.
(Thoát vòng danh lợi)

Và khi đã thoát vòng cương tỏa rồi thì :

Thảnh thơi thơ túi rượu bầu.
(Chí làm trai)

Cao Bá Quát có tài mà không được trọng dụng, sinh ra bất đắc chí nên mượn rượu để giải tỏa nỗi sầu :

Đoạn tống nhất sinh duy hữu tửu,
Trầm tư bách kế bất như nhàn.
(Uống rượu tiêu sầu)
(Dứt hẳn cuộc đời chỉ có rượu,
Ngẫm nghĩ trăm kế, không gì bằng nhàn).

Rồi ông ngao du sơn thủy để hưởng cái thú gió trăng, thơ rượu :

Cao sơn lưu thủy thi thiên trục,
Minh nguyệt thanh phong tửu nhất thuyền.
(Đời người thấm thoắt)
(Núi cao nước chảy thơ nghìn cuốn,
Gió mát trăng trong rượu một thuyền).

Nhà thơ Nguyễn Khuyến cũng thích rượu nhưng ông uống rất chừng mực, không nhiều :

Rượu tiếng rằng hay, hay chẳng mấy
Độ dăm ba chén đã say nhè.
(Thu ẩm)

Chỉ khi nào trong lòng buồn bã ông mới say tít cung thang :

Mở miệng nói ra gàn bát sách,
Mềm môi chén mãi tít cung thang.
Tự trào)

Khi Dương Khuê mất, ông buồn rầu nhắc lại kỷ niệm xưa với người bạn đồng khoa (4) và đồng liêu (5) thân thiết :

Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân.

Vắng bạn, việc uống rượu đối với ông không còn thú vị nữa :

Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua.
(Khóc ông Dương Khuê)

Khi về già, buồn về nỗi nước mất vào tay người Pháp, tác giả không biết tâm sự với ai nên uống rượu và chuyện trò cùng ông phỗng đá :

Duyên kỳ ngộ là duyên tuổi tác,
Chén chú, chén anh, chén tôi, chén bác,
Cuộc tỉnh say, say tỉnh cùng nhau.
Nên chăng đá cũng gật đầu.
(Ông phỗng đá)

Nhà thơ Tú Xương rất tài hoa nhưng cũng rất nghèo, lại lận đận mãi nơi trường ốc nên sinh ra bất đắc chí, chỉ còn biết mượn rượu để tiêu sầu khiển muộn :

Bài bạc kiệu cờ cao nhất xứ,
Rượu chè trai gái đủ tam khoanh (6).
(Tự trào)

Nghèo thì nghèo nhưng ông vẫn sống phong lưu, có trà, có rượu và có cả… đàn bà :

Một trà, một rượu, một đàn bà,
Ba cái lăng nhăng nó quấy ta.
Chừa được cái nào hay cái ấy,
Có chăng chừa rượu với chừa trà !
(Ba cái lăng nhăng)

Từ khi nền văn hóa Âu Tây du nhập vào Việt Nam, các nhà thơ ta ít uống rượu hơn, tuy vậy cũng có dăm ba nhà thơ thường say túy lúy. Nhà thơ Vũ Hoàng Chương, người đã từng than thở :

Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa,
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh

và :

Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ,
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ.
(Phương xa)

đã để hẳn một tập thơ lấy nhan đề là “Thơ say” (7) gồm 32 bài. Trong bài Say đi em, ông viết:

Say đi em, say đi em,
Say cho lơi lả ánh đèn .
Cho cung bậc ngả nghiêng, điên rồ xác thịt,
Rượu, rượu nữa và quên, quên hết.

Trong bài thơ Đời vắng em rồi say với ai? trong tập thơ “Mây”, ông thở than như một lời tuyệt vọng :

Gặp gỡ chừng như chuyện Liễu Trai,
Ra đi chẳng hứa một ngày mai.
Em ơi ! Lửa tắt, bình khô rượu,
Đời vắng em rồi, say với ai?

Một đêm kia, nhà thơ Lưu Trọng Lư tâm tình với nàng kỹ nữ thân mật biết bao, nhưng khi nàng mời rượu thì thi nhân từ chối.

Giờ này còn của đôi ta,
Giang hồ rượu ấy còn pha lệ người.
Ồ sao rượu chẳng kề môi?
Lời đâu kiều diễm cho nguôi lòng chàng?

vì ý ông đã quyết :

Đêm ấy rượu nàng ta không uống,
Từ sau thề không uống rượu ai.

Thế nhưng khi về nhà, gặp sinh nhật vợ, ông không thể nào từ chối được :

Chén lại chén, kề môi thủ thỉ,
Càng vơi càng túy luý càng đầy.

Khi tỉnh rượu, hối hận thì đã muộn :

Hết say vẫn bàng hoàng trong mộng,
Xót xa thay cái giống giang hồ.
Ngón đàn thêm một đường tơ,
Mà người sương gió nghìn thu nhọc nhằn.
(Giang hồ)

Nguyễn Vỹ có bài thơ Gửi Trương Tửu được nhiều người chú ý. Mở đầu bài thơ, ông nhắc đến rượu và những cuộc chạm cốc với người bạn họ Trương :

Nay ta thèm rượu nhớ mong ai,
Một mình rót uống chẳng buồn say.
Trước kia hai thằng hết một nậm,
Trò chuyện dông dài mặt đỏ sẫm,
Nay một mình ta một be con,
Cạn rượu rồi thơ mới véo von.

Vắng bạn nên ông buồn lắm :

Ngồi buồn lấy rượu uống say sưa,
Bực chí thành say mấy cũng vừa.

Riêng nhà thơ Thế Lữ rất tỉnh táo. Trong suốt tập Mấy vần thơ gồm 47 bài, chỉ có một lần ông nhắc đến rượu mà nào có được uống đâu :

Lòng ta hồ vỡ tan tành
Vì hờn, vì giận, vì tình, vì thương.
Vì cay đắng đủ trăm đường,
Than ôi ! Ly rượu mơ màng khi xưa.
Ai đem dốc cạn bao giờ,
Chẳng cùng chia nửa, chẳng chờ hưởng chung.
(Lời tuyệt vọng)

Nam nhân thì thế còn nữ giới thì sao? Các nàng có uống rượu không? Có đấy. Nàng Kiều tửu lượng có kém ai ! Đêm hôm nàng sang chơi nhà Kim Trọng, hai người đã cùng nhau đối ẩm :

Chén hà sánh giọng quỳnh tương,
Dải là hương lộn, bình gương bóng lồng.

Lúc sống ở lầu xanh với Tú Bà, nàng Kiều đã chán chường cảnh đời ô trọc nên :

Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh,
Giật mình, mình lại thương mình xót xa.

Lúc Kiều quen thân với Thúc Sinh thì hai người chuốc rượu cho nhau :

Khi gió gác, khi trăng sân,
Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ.

Khi nàng Kiều tái hồi Kim Trọng, trong đêm động phòng hoa chúc, đôi vợ chồng mới mà cũ này đã cùng nhau uống rượu hợp cẩn :

Động phòng dìu dặt chén mồi,
Bâng khuâng duyên mới, ngậm ngùi tình xưa.

Sau khi nàng Kiều cùng chàng Kim vầy duyên tơ tóc rồi thì hai vợ chồng sống với nhau rất tương đắc :

Khi chén rượu, khi cuộc cờ,
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên.

Như thế, tửu lượng của nàng Kiều thật đáng nể. Chỉ có lúc nàng lấy Từ Hải là không thấy uống rượu mà thôi. Có chăng là trong câu “Tiệc bày thưởng tướng khao binh, Om thòm trống trận, rập rình nhạc quân”. Lẽ nào trong trận mừng chiến thắng như vậy mà viên võ tướng như Từ Hải lại không uống rượu? Và nàng Kiều lại không cùng chồng đối ẩm? Hẳn là ẩn dụ trong hai câu ấy mà thôi.

Người chinh phụ trong tác phẩm Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn, bản dịch của Đoàn Thị Điểm (hay Phan Huy Ích?) lúc chồng ra trận rồi, nàng ở nhà buồn lắm nên mượn rượu giải sầu :

Rượu cùng hoa giáp tả đàm,
Sầu làm rượu lạt, muộn làm hoa ôi.

Nàng mơ lúc chồng về sẽ cùng nhau đối ẩm mừng ngày sum họp :

Câu vui đổi với câu sầu,
Rượu khà cùng kể trước sau mọi lời.
Sẽ rót vơi lần lần từng chén,
Sẽ ca dần ren rén từng thiên.
Liên ngâm đối ẩm đòi phen,
Cùng chàng lại kết mối duyên đến già.

Ở Việt Nam, người yêu của Nguyễn Bính cũng biết uống rượu đấy chứ !

Cao tay nâng chén rượu hồng,
Mừng em, em sắp lấy chồng xuân nay,
Uống đi ! Em uống cho say !
Để trong mơ thấy những ngày xuân qua.
Thấy tình duyên của đôi ta
Đến đây là…. đến đây là… là thôi !
Em đi dệt mộng cùng người,
Lẻ loi xuân một góc trời riêng anh !
(Rượu xuân)

Một ông đồ thích rượu nào đó đã lưu lại bài thơ :

Bán dạ tam bôi tửu,
Bình minh nhất trản trà.
Nhật nhật cứ như thử,
Lương y bất đáo gia.

Xin tạm dịch :

Nửa đêm ba chén rượu,
Sáng sớm một chung trà.
Ngày nào cũng như thế
Thầy thuốc chẳng đến nhà.

Sáng sớm uống một chung trà thì vô hại, nhưng nửa đêm, thức ăn đã tiêu hết, dạ dày trống rỗng mà uống rượu vào thì chi cho khỏi bị loét, ấy là chưa nói đến bệnh xơ gan.

Ngày xưa, đàn ông không biết uống rượu thì bị chê, cho rằng không xứng là đàn ông, nhưng ngày nay ai cũng biết cái hại của rượu, nhất là đối với những người đau gan hay cao huyết áp nên người ta cũng bớt khe khắt đi nhiều. Vui xuân, phần đông đàn ông đều uống rượu, nhưng nên uống có chừng mực thôi để khỏi vào bệnh viện những ngày đầu xuân.

GHI CHÚ :
(1) Nguyệt lộ : trăng và sương, ý nói câu thơ bóng bẩy.
(2) Tiêu sái : phóng khoáng, thanh cao, ung dung không bị ràng buộc,
(3) Yên hà : khói và ráng chiều ; cảnh đẹp thiên nhiên.
(4) Đồng khoa : Nguyễn Khuyến và Dương Khuê cùng đỗ thi hương một khoa năm 1864.
(5) Đồng liêu : hai người cùng làm quan dưới triều vua Tự Đức.
(6) Tam khoanh : do thành ngữ “tứ đốm tam khoanh”, ý nói chơi bời lung tung, bừa bãi.
(7) Tác giả tự xuất bản ở Hà Nội năm 1940. NXB Nguyễn Đình Vượng Sài Gòn tái bản năm 1971.





VVM.07.1.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com