Việt Văn Mới
Việt Văn Mới





        

LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM


KỲ THỨ IX.

THAY LỜI DẪN

Lược Sử Văn Nghệ Việt Nam của nhà văn Thế Phong gồm 4 tập, đã được in 2 tập: Tập 1 NHÀ VĂN TIỀN CHIẾN 1930-1945, bản in ronéo đầu tiên ở Sài Gòn gồm 100 cuốn vào năm 1959. Bản tái bàn cuả NXB Vàng Son in 3000 cuốn ở SàiGòn vào năm 1974. Bià cuả họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi được chụp in lại trên đây , do một trong những NXB vô danh ở Mỹ in lậu ở California sau 1975 và Tập 4 : Tổng Luận đã chuyển ngữ A BRIEF GLIMPSE AT THE VIETNAMESE SCENE (from 1900 to 1956) và 2 tập 2 & 3 nói về văn nghệ kháng chiến, nhà văn hậu chiến 1900 - 1956 (văn nghệ quốc gia hay văn nghệ của VNCH) chưa bao giờ công bố trên văn đàn, mặc dù đã được lưu trữ tại một số thư viện TRONG NƯỚC (Thư viện Khoa học Tổng hợp Tp. HCM, Thư viện Khoa học Xã hội Tp.HCM) và NGOÀI NƯỚC như ở Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ, Boston, Ithaca-New York, SIU, IOWA vv..hoặc ở Pháp, Đức, Úc..


VÀI DÒNG TÂM SỰ NGƯỜI VIẾT SÁCH

T rước hết cảm ơn bậc đàn anh bước trước: Vũ Ngọc Phan, Hoài Thanh – Hoài Chân ... (chẳng là gần với tài liệu văn học tham khảo, cũng như so sánh).

Viết sách biên khảo hay phê bình, giá trị nhiều hay kém có thể nằm trong vài ý kiến dưới đây: Lập trường người viết phải có trước khi tìm kiếm tài liệu. Ấy là đã phải kể tới kiến thức, học và đọc; khả năng và tâm hồn văn nghệ nhạy cảm của người viết phê bình.

Lại cần kinh nghiệm, nhỡn quan nhìn, phải được chế biến theo lập luận người viết càng nhuyễn, sách càng phong phú. Không thể coi sách tương tự như cours nhà trường, làm thành gọi là biên khảo, phê bình văn học. Cũng như étude, non-fiction, fascicule, étude critique sur critique phân minh rõ ràng.

Tài liệu dồi dào, nhưng tài liệu nào chưa đọc, không nên bao biện. Người viết không định ý, lập luận; hẳn tài liệu phong phú dồi dào đi nữa; cuối cùng người viết chết theo với tài liệu sưu khảo được. Nhớ tới Nguyễn Hiến Lê trong một sách biên khảo bàn về tài liệu, nhất là tìm tài liệu văn học, sử học Việt Nam khó gấp bội phần khi sưu tập tài liệu tương tự ở nước ngoài. Ý kiến thật xác đáng. Nước ta triền miên khói lửa, và tầm mức thẩm định giá trị tài liệu văn học chưa được sử dụng đúng mức, công bằng.

Cộng đời sống thấp kém, ít thời giờ đọc sách, mua sách, bảo tồn sách, nên tủ sách văn học Việt Nam cần cho người viết sử dụng còn ở tình trạng rất thiếu thốn.

Khi viết bộ sách này, khích lệ tôi nhiều nhất phải kể tới một người: đó là anh Nguyễn Đức Quỳnh. Ông nhắn nhủ tôi rằng: “tài liệu nhiều chưa chắc đã là một yếu tố thành công, còn phải dám làm, dám nhận trách nhiệm”.

Đôi khi, chính kẻ dám làm lại liều lĩnh và dám biết mình ngu. Như vậy, chắc chắn tôi biết trách nhiệm khi viết sách. Cảm ơn một lần nữa nhà văn lão thành Nguyễn Đức Quỳnh, ông bạn văn tiền chiến vong niên. Nữa, cho tôi xin cảm ơn thêm vài tấm áo vải lao động: như anh chị Hai Nụ ở Xóm Chùa (Tân Định) làm nghề thợ thêu. Anh chị nuôi sống tôi hai năm trời: cơm và nhà ở. Nhà thuê vào năm viết bộ sách là một trăm năm mươi đồng. Tiền cơm bốn trăm đồng. Chưa hết, ông già Lịch bán thuốc lá, cũng ở đây; cho tôi chịu khoảng hai ngàn đồng tiền thuốc lá. Thuốc lá Ruby khoảng sáu đồng một bao. Sáu tháng liền, tôi chỉ đi ra tới ngõ; xa hơn là 147B Trần Quang Khải (Sàigòn 1) tới tiệm cho thuê sách Đức Hưng. Nơi này đủ gần hết tác phẩm tiền chiến, giấy dó Hàn Thuyên, mướn đem về đọc để làm tài liệu viết. Một người bạn nữa anh Lung cũng ở Xóm Chùa ngập nước, có một tủ sách khá lớn. Anh cho mượn và tôi sử dụng một cách sở hữu chủ. Anh từ miền Bắc vào Nam lâu, có viết báo tài tử, một người thật chân tình. Phải chăng chân tình này làm tôi cảm động, khi nghe kể đoạn đời anh tham gia kháng chiến ở Nam Bộ bị Pháp cầm tù. Đời tù đầy thêm kinh nghiệm sống, đời quất ngọn roi phũ phàng bao nhiêu, nạn nhân chịu nổi hờn đau sẽ sống lâu hơn; sau thì người ấy sẽ được liệt vào bậc tốt nhất xã hội trên mọi phương diện.Và một bạn học cũ Hà Nội : Tạ Văn Tài đạp xe đạp thăm tôi để khích lệ - trước khi anh đậu hai thủ khoa Văn chương và Luật khoa Sài Gòn rồi sang Mỹ du học.

THẾ PHONG



BỘ LƯỢC SỬ VĂN NGHỆ VIỆT NAM 1900-1956

gồm 4 tập:

1). NHÀ VĂN TIỀN CHIẾN 1930 -1945

2). NHÀ VĂN KHÁNG CHIẾN 1945 -1950 gồm hai phần:

a). NHÀ VĂN KHÁNG CHIẾN CHỦ LỰC 1945-1950 viết theo lối tuyển tập thơ văn kháng chiến, viết về: Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Tố Hữu, Quang Dũng, Văn Cao, Hoàng Cầm, Hữu Loan, Trần Hữu Thung, Hoàng Lộc, Yên Thao, Nguyễn Đình Thi vv... Các chiến sĩ văn nghệ như: Vô Danh, Hà Minh Tuân, Lê Minh, Vũ Linh, Nguyễn Trinh Cơ, Đình Quang, An Bá Đảm, Quốc Chính, Nguyễn Xuân Hòe, An, Lưu Hương, Chính Hữu, Minh Tiệp, Phùng, Hà Khang, Kim Lân, Siêu Hải, Nguyễn Công Mỹ vv... b). Nhà văn miền Nam 1945 –1950: Lý Văn Sâm, Dương Tử Giang, Thẩm Thệ Hà, Vũ Anh Khanh, Tam Ích, Thiên Giang, Thê Húc, Hoàng Tấn, Bình Nguyên Lộc, Hoàng Tố Nguyên, Quốc Ấn, Sơn Khanh, Vũ Xuân Tự, Hợp Phố (nữ), Phi Vân, Nguyễn Bảo Hóa(78) v.v...

3). NHÀ VĂN HẬU CHIẾN 1950 - 1956.

Bùi Xuân Uyên, Tạ Tỵ, Xuân Nhã (nữ), Hoàng Chu Ngạc, Triều Đẩu, Trúc Sĩ, Phan Phong Linh, Bạch Diện, Mai-Lâm-Nguyễn-Đắc-Lộc, Nguyễn Tố, Văn Thuật, Mặc Thu, Nguyễn Ái Lữ, Kỳ Văn Nguyên, Nhị Lang, Thanh Nam, Huy Quang, Nguyễn Thiệu Giang, Thi Thi Tống Ngọc, Nguyễn Hoàng Quân, Hiệp Nhân, Thùy Linh, Thanh Bình, Vĩnh Lộc, Nguyễn Thạch Kiên, Hà Bỉnh Trung, Hoàng-Lan, Quốc Ân, Hoài Linh, (1 và 2) Kim Dung, Hiền Nhân, Đoàn Thu, Hoàng Công Khanh, Sao Mai, Nguyễn Minh Lang, Văn An, Thanh Hữu, Huy Sơn, Đinh Hùng, Nguyễn Quốc Trinh, Song Nhất Nữ, Hoàng Phụng Tỵ, Hoàng Song Liêm, Hoài Việt, Trần Nhân Cư, Huyền Giang, Băng Sơn, Vân Long, Song Hồ, Lê Đình Chân, Mặc Đỗ, Phạm Việt Tuyền (Thanh Tuyền), Lê Văn Hòe, Phạm Văn Sơn, Hoàng Như Mai, Huyền Chi, Hoài Minh, Thanh Thuyền, Hồ Đình Phương, Tạ Ký, Xuân Huyền, Thanh Thanh, Tùng Long (nữ), Quỳnh Hương (nữ), Thiếu Mai - Vũ Bá Hùng (nữ), Minh Đăng Khánh, Tạ Quang Khôi, Tường Hùng, Kiêm Minh, Uyên Thao, Tô Kiều Ngân, Nguyễn Hoài Văn, Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Sỹ Tế, Doãn Quốc Sĩ, Nguyên Sa, Mai Thảo, Quách Thoại, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Nguyễn Thị Vinh, Linh Bảo,(nữ) Triều Lương Chế, Phạm-Thái –Nguyễn-Ngọc-Tân, Vũ Khắc Khoan, Chấn Phong, Hư Chu, Hồ Hán Sơn, Phan Lạc Tuyên, Đỗ Tấn, Hoàng Trúc Ly, Nguyễn Văn Cổn, Hoàng-Nguyên-Bùi-Khải-Nguyên, Cung Trầm Tưởng, Hà Liên Tử, Kiên Giang - Hà Huy Hà, Chế Vũ, Thế Viên, Diên Nghị, Huyền Viêm, Phan Minh Hồng, Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Năng An, Hoàng - Thu - Đông (Hoàng Trọng Miên), Diên Hương, Thanh Nghị, Kiêm Đạt, Hồ Nam– Vương-Tân, Nghiêm Xuân Hồng.

4) TỔNG LUẬN 60 NĂM VĂN NGHỆ VIỆT NAM 1900 -1956 (NAM VIỆT NAM)

Tổng luận văn nghệ Việt Nam từ đầu thế kỷ đến 1960. Người viết bộ sách cô đọng tóm tắt bốn tập dẫn giải ở trên. Người đọc không có thời giờ hoặc cần có quan niệm tổng thể chỉ cần đọc tập này thôi. Bản Anh ngữ của Đàm Xuân Cận: A brief glimpse at the Vietnamese literary scene 1990 - 1956 (Đại Nam Van Hien Books) Phụ lục bộ sách in thêm một cuốn nữa .Hiện tình văn nghệ Nam Việt Nam 1957 -1961(79) , để độc giả theo dõi được tổng quát bình diện văn nghệ Nam Việt Nam, diễn biến qua nét chính yếu sinh hoạt văn nghệ qua các nhóm: Đại Học và Nguyễn Văn Trung, Nguyễn Nam Châu, Lê Tuyên, Lê Thanh Châu, nhóm Văn Hóa Á Châu, Chủ tịch giáo sư Nguyễn Đăng Thục, Lê Xuân Khoa,v.v…. Văn Hóa Vụ (Cơ quan văn nghệ chính phủ Ngô Đình Diệm với Nguyễn Mạnh Côn, Hoàng Trọng Miên, Phan Du,v.v… Nhóm Sáng Tạo, Trung tâm văn bút Việt Nam V.N. (PEN) với Nguyễn Thị Vinh, Thanh Lãng, Tường Hùng, Duy Lam, Nguyễn Hoạt; nhóm Văn Hóa Ngày Nay do Nhất Linh chủ trương với Nhật Tiến, Duy Lam, Thu Vân,v.v… và cuối cùng Khép với bức thư người viết trình bày lý do viết bộ sách. Khi viết tôi mới 24 tuổi. Tự nhận rằng nhầm lẫn sơ sót không thể không có. Chủ quan có, nhưng nhớ rằng chủ quan nào mà anh diễn dịch trong tác phẩm? Chủ quan viễn kiến hoặc chủ quan hẹp hòi, ao tù, bè nhóm? Khi sách xuất đầu lộ diện, tôi không muốn nhìn thấy cảnh này, như Vũ Ngọc Phan ra mắt Nhà văn hiện đại; thì một L.H.V. viết bài phê bình trên báo Thanh Nghị rất hay, xác đáng lại không dám ký tên thật. Nhưng điều đau đớn, sau hai chục năm, tôi đây đến sau vẫn biết rằng, người viết ký tên tắt kia chính là Lê Huy Vân. (Bạn học cùng lớp với Nguyễn Hiến Lê). Tôi cho đó đê hèn đáng yêu nhưng không nên có. Một lối phê bình câm nín yên lặng nữa, đểu cáng đáng yêu hơn: mưu mô im lìm – Pháp gọi là: le critique très impitoyable c’est taire. Như vậy không được, một tác phẩm phê bình văn học ra mắt; hay thì khen hay; dở phải chê dở! Sự khen và chê ấy quan thiết ở chỗ đúng cảm quan người viết ở mức độ đúng nhất, không ngụy trang, mưu mô. Tôi cúi đầu trước cử chỉ đó và trong đời chỉ đón nhận thái độ đó. Khi tôi dự định làm văn sĩ, tôi cần đọc nhiều tác phẩm đàn anh, bạn văn trong nước, cả đến quốc tế. Để làm gì? Xin thưa, để xem tác phẩm nào hay hoặc dở, những gì người ta đã và chưa nói tới. Học hỏi và quyền chê khen theo quan niệm đúng nhất của tôi lúc đó. Hoặc như V.Biélinsky(80) , tác giả phê bình văn triết luận nổi tiếng số một của Nga đã chẳng nói: “...Làm sao nghi ngờ hả? Các anh quay lưng không thèm nhìn hả, lại bịt tai không thèm nghe sao? Kệ xác các anh! Không quan tâm tới. Các anh đọc hay không, với tôi không cần thiết. Tại sao à, cuối cùng ai cũng có tự do. Ngoài ra, làm sao tôi phải mặc cả với anh kia chứ? Vậy thì anh bạn ơi, đừng giận nhé! Bằng lòng hay không bằng lòng, các anh vẫn phải đọc. Không đọc, vậy thì anh đọc cái gì mới được chứ? Anh bạn ơi, nếu cho phép tôi, thì tôi bắt đầu nói đây này"…. Sự thật! Sự Thật! Chẳng có gì hơn là sự thật”
Nói theo đàn anh V.Biélinsky, thì xin thưa với các Ngài, sự thật tôi nghĩ, tôi trình bày như thế đó.

Sài gòn, 20 tháng 6 năm 1956.

THẾ PHONG

♣♣♣


KỲ THỨ X

Tiết 6

HOÀNG CẦM

(1922– )

Tiểu Sử.

Sinh ngày 20–2–1922 ở Bắc Ninh. Tên thật Bùi Tằng Việt, làm thơ, viết kịch thơ, dịch văn học... Đã xuất bản Bên Kia Sông Đuống (thơ 1956) v.v...

Hoàng Cầm tác giả vở kịch nổi tiếng Kiều Loan (thi kịch bốn màn) và những bài thơ mầu sắc kháng chiến như : Bên Kia Sông Đuống, Vui Chung... Trong những thi sĩ như Quang Dũng, Hữu Loan, Tất Vinh, Hồng Nguyên, Hoàng Cầm là nhà thơ điển hình trong kháng chiến. Ngoài tài làm thơ, kịch; Hoàng Cầm còn có tài ngâm thơ. Ông ngâm thơ rất hay, nên anh em văn nghệ nói đùa : “anh ngâm thơ bên này sông Đuống, bên kia cũng nghe thấy”. Thơ có hình tượng sống mới, truyền cảm, thiết tha biểu hiện được tình người hòa đồng với tình yêu tổ quốc. Kiều Loan, vở kịch ghi lại nếp tích của sự chống đối vua Gia Long (ý tác giả lên án triều đại này, cho rằng là bọn cõng rắn cắn gà nhà) và qua Kiều Loan, một người con gái đẹp tuyệt trần, điên, thương tiếc triều đại anh hùng Quang Trung áo vải. Nhân vật trong vở kịch, mỗi vai điển hình cho một nếp sống tư tưởng riêng biệt thể hiện qua thái độ sống hàng ngày, tôi muốn nói mỗi nhân vật đều có bản sắc và cá tính riêng biệt. Sau này Hoàng Cầm còn đạt được nhiều kết quả trong những vở kịch khác như : Đêm Liên Hoan chẳng hạn. Hoàng Cầm, nhà thơ kháng chiến làm nghệ thuật trưởng thành trong kháng chiến.

BÊN KIA SÔNG ĐUỐNG

Em ơi !

Buồn làm chi

Anh đưa em về bên kia sông Đuống

Ngày xưa cát trắng phẳng lỳ

Sông Đuống trôi đi

Một dòng lấp lánh

Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường kỳ

Xanh xanh bãi mía bờ dâu

Ngô khoai biêng biếc

Đứng bên này sông luyến tiếc

Sao xót xa như rụng bàn tay

Bên kia sông Đuống

Quê hương ta lúa nếp thơm nồng

Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong

Mầu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp

Quê hương ta từ ngày khủng khiếp

Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn

Chó ngộ một đàn

Lưỡi dài lê xác máu

Kiệt cùng ngõ hẻm vườn hoang

Mẹ con đàn lợn

Âm dương chia lìa đôi ngả

Đám cưới chuột tưng bừng rộn rã

Bây giờ tan tác về đâu ?

Ai về bên kia sông Đuống

Cho ta gửi tấm the đen

Mấy trăm năm thấp thoáng mộng bình yên

Những hội hè đình đám

Trên núi Thiên Thai

Trong chùa Bút Tháp

Giữa huyện Lang Tài

Gửi về may áo cho ai ?

Chuông chùa văng vẳng nay người về đâu ?

Những nàng môi đỏ quết trầu

Những cụ già bay tóc trắng

Những em sột soạt quần nâu

Bây giờ đi đâu về đâu ?

Ai về bên kia sông Đuống

Có nhớ chăng khuôn mặt búp sen

Những cô hàng xén răng đen

Cười như mùa thu tỏa nắng

Chợ Hồ, Chợ Sủi người đua chen

Bãi Trầm Chỉ người giăng tơ nghẽn lối

Những nàng dệt sợi

Đi bán lụa mầu

Những người thợ nhuộm

Đồng tỉnh Huê Cầu

Bây giờ đi đâu về đâu ?

Bên kia sông Đuống

Mẹ già nua còm cõi gánh hàng rong

Mươi miếng cau khô

Mấy lọ phẩm hồng

Vài xếp giấy đẫm hoen sương buổi sớm

Chợt lũ quỷ mắt xanh trừng trợn

Khua giầy đinh đập gãy quán gầy teo

Xì xồ cướp bóc

Tan phiên chợ nghèo

Lá đa lác đác trước lều

Vài ba vết máu loang chiều mùa đông.

Đêm buông sâu xuống giòng sông Đuống

Con là ai ?

Con ở đâu về

Hé một cánh liếp

Con vào đây bốn mảnh tường tre

Lửa đèn leo lét soi tình mẹ

Khuôn mặt bừng lên như ánh trăng

Ngậm ngùi tóc trắng đương thầm kể

Những chuyện muôn đời không nói năng

Đêm buông sâu xuống dòng sông Đuống

Ta mài lưỡi cuốc

Ta uốn lưỡi liềm

Ta vót gậy nhọn

Ta rũa mác dài

Ta xây thành kháng chiến ngày mai

Lao xao hàng cây bụi chuối

Im lìm miếu đổ chùa hoang

Chập chờn đom đóm bay ngang

Báo tin khủng khiếp

Cho giặc kinh hoàng

Từng từng tiếng súng vang vang

Trong đêm khuya thoáng cung đàn tự do

Thuyền ai thấp thoáng bến Hồ

Xóa cho ta hết những giờ thảm thương

Đêm đi sâu quá dòng sông Đuống

Trại giặc bắt đầu run trong sương

Dao lòe giữa chợ

Gậy lùa cuối thôn

Lúa chín vàng hoe giặc mất hồn

Ăn không ngon

Ngủ không yên

Đứng không vững

Chúng mày phát điên

Và quay cuồng như trên đống lửa

Mà cánh đồng ta còn chan chứa

Bao nhiêu nắng đẹp của mùa xuân

Xa xa tiếng hát về gần

Thợ cấy đánh giặc dân quân cày bừa

Tiếng bà ru cháu buổi trưa

Chang chang nắng hạ võng đưa rầu rầu

“Cha con chết trận từ lâu

Con càng khôn lớn càng sâu căm thù”

Tiếng ai cấy lúa mùa thu

Căm căm gió rét mịt mù mưa bay

“Thân ta hoen ố vì mày

Hồn ta thề với đất này dài lâu”

Em ơi ! Đừng hát nữa lòng anh đau

Em ơi ! Đừng khóc nữa dạ anh sầu

Cánh đồng im phăng phắc

Lấy áo mặc vào người

Để con đi giết giặc

Lấy súng nó đeo vào vai

Đêm đêm mỗi lần mở hội

Trong lòng con chim múa hoa cười

Vì ánh sáng sắp lên rồi

Chân trời đã tỏ

Sông Đuống cuồn cuộn trôi

Để cho nó cuốn phăng ra bể

Bao nhiêu nước mắt

Bao nhiêu mồ hôi

Bao nhiêu bóng tối

Bao nhiêu cuộc đời

Bao giờ trở lại dòng sông Đuống

Ta lại tìm em

Em mặc yếm trắng

Em thắt lụa hồng

Em đi trẩy hội non sông

Cười say ánh nắng muôn lòng xuân xanh.

HOÀNG CẦM

Tiết 7

VĂN CAO

(1923–1995)

Tiểu Sử.

Tên thật Nguyễn Văn Cao. Sinh năm 1920 ở Hải Phòng, cho nên còn biệt hiệu Người Núi Ngự Thành Tô. Văn Cao là nhạc sĩ tài ba, tác giả : Suối Mơ, Không Quân Việt Nam, Thiên Thai, Trường Ca Sông Lô, Bắc Sơn,... Ông còn là họa sĩ từng triển lãm tại Salon Unique ở Hà Nội vào năm 1944. Và còn là thi sĩ, kịch sĩ, tác giả : Chiếc Xe Đi Qua Phường Dạ Lạc (thơ), Cái Hầm (kịch, 1951). Nhạc tính Văn Cao nhiều âm thanh chứa hình tượng thương nhớ đất nước, quê hương (đầy nhạc tính Việt như Suối Mơ). Từ âm thanh đến lời thấm nhuần tình rộng lớn (quê hương và lòng mình). Lưu Hữu Phước phê bình về nhạc Văn Cao cho rằng: “còn có kẻ khen và chê...về thơ thì Văn Cao là nhà thơ rất đặc biệt”...Về họa, ông chủ trương vẽ lập thể. Về thơ, ông là thi sĩ có tài, thơ có hồn tiết tấu tân kỳ, đặc biệt. Đọc Chiếc Xe Đi Qua Phường Dạ Lạc, khiến người đọc phải rùng mình ghê rợn qua âm thanh mà hình ảnh ấy cho thấy tác giả tả nạn đói, người chết như rạ vào năm 1945. Thảm trạng chết đói năm Ất dậu dưới thời Pháp, Nhật thuộc, sống lại trong tiềm thức người đọc nỗi đau nhói để rồi tạo nỗi căm hờn. Những xác chết người rã bên thềm lá phủ, tiếng xe ma qua phố đến nghĩa địa giữa đêm khuya khoắt. Những thanh niên sa đọa chết trên xe tang trống vì tuổi thanh xuân thừa thãi, vô hy vọng, giải thoát trên tiền bạc. Và đến cảnh nghèo chung nghệ sĩ, tác giả, và cái nghèo chung của xã hội bị bóp chẹt dưới bàn tay thống trị ngoại bang Gió cài then, cửa rú,...và hồi tưởng lại những xác thân khiêu vũ trên chùm tiền huyền diệu.

Tác giả cho ta thấy một xã hội đi xuống vào những năm 1944–1945, trước giờ khởi điểm cách mệnh. Là xã hội hoàn toàn chết. Thơ ông gây cảm xúc, ấn tượng với người đọc ngay ; nhạc sĩ là nghệ sĩ tài ba của âm thanh. Thơ cộng tư tưởng hay cả tiết tấu, biểu hiện đau khổ, đi xuống, bế tắc, căm hờn cảm hóa nổi người đọc, thúc giục mọi người lên đường tranh đấu chống Tây, Nhật. Tác giả thành công chẳng cứ gì trên địa hạt thơ mà ngành nào ông cũng tỏ ra là một văn nghệ sĩ tài hoa.

CHIẾC XE ĐI QUA PHƯỜNG DẠ LẠC

1.

Ngã tư nghiêng nghiêng đốm lửa

Chập chờn ảo hóa tà ma...

Đôi giày hồng lâu cửa mở phấn sa

Rũ rượi tóc những hình hài địa ngục

Lạnh ngắt tiếng ca nhi phách giục,

Tình tang...Não ruột khóc tàn sương

Áo thế hoa rũ rượi lượn sa trường

Từng mỹ thể rạc hơi đèn phù thế

Bóng tối âm thầm rụng xuống chân cây...

Tiếng xe ma chở vội một đêm gầy

Xác trụy lạc rủ bên thềm lá phủ...

Ai hát khúc thanh xuân hò ơi phấn nữ

Thanh xuân hờ thanh xuân !

Bước gần ta chút nữa thêm gần

– Khoảng giữa tuổi thanh xuân nghe loạn trùng hút tủy

Ai hủy đời trên tang trống nhỉ ?

Hay ác thầm gõ quách nạo mồ khuya !

Đảo điên... mê say... Thể phách chia lìa

Nghe reo mạnh, chuỗi tiền cười lạnh lẽo !

Tiền ơi ! Tiền ơi ! Chùm sao huyền diệu

Lấp lánh hằng hà gạo ơi ! tiền rơi !

– Vàng mấy lá thừa đãi mây phủ chiếu

2.

Ngã tư nghiêng nghiêng chia nẻo

Dặt dìu cung bậc âm dương

Tàn xuân nhễ nhại mưa cô tịch

Dầm dìa rả rích Phương Đông

Mang mang thở dài hờn đất Trích

Lưỡi thép trùng dương khép cố đô

Cửa ô đau khổ

Bốn ngả âm u

(Nhà ta thuê mái gục tự mùa thu

Gác cô độc hướng về phường Dạ Lạc)

Đêm đêm, đài canh tan tác

Bốn vực nhạc đông, vẫy người

Giẫy đèn chao thắp đỏ quạnh mầu đời

Ta về gác gió cài then cửa rú (12)

Trên đường tối đêm khỏa thân khiêu vũ

Kèn nhịp xa điệu múa vô luân

Run rẩy giao duyên khối nhạc trầm trầm

Hun hút gió nâng cầm ca nặng nhọc

Kiếp người tang tóc

Loạn lạc đôi nơi xương chất lên xương

Một nửa kêu than, ma đói sa trường

Còn một nửa lang thang tìm khoái lạc.

3.

Ngã tư nghiêng nghiêng xe sác

Đi vào Ngõ Khói Công Yên

Thấy bâng khuâng lối cỏ hư huyền

Hương nha phiến chập chờn mộng ảo

Bánh nghiến rựa đang kêu sào sạc

– Ai vạc xương đổ sọ xuống lòng xe

Chiếc quỷ xa qua bốn ngả ê chề

Chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực

Mưa, mưa hàng thao thức

Trong phố lội đìu hiu

Mưa, mưa tràn trên vực

– Hang tối gục tiêu điều

Mang linh hồn cô liêu

Tiếng xe càng ám ảnh

Tiếng xe dần xa lánh

Khi gà đầu ô kêu (13)

Trích báo Tiền Phong

VĂN CAO

Tiết 8

HOÀNG LỘC

(1920–1949)

Tiểu Sử.

Hoàng Lộc, nhà thơ có mặt trong kháng chiến và trưởng thành trong khói lửa, như Hoàng Cầm, Quang Dũng, Tất Vinh,...Thơ Hoàng Lộc cảm động, dùng thể loại thơ bình cũ rượu mới. Bài Viếng Bạn trích dẫn dưới đây, bài thơ vô cùng hay, cho người đọc cảm giác buồn xa xôi với đám ma không chôn cất trong thời kháng chiến. Song, không vì thế mà gây sự tiêu cực, song còn tích cực hơn nữa, vì trong hơi thơ căm thù cao độ. Hôm qua còn theo anh/ chúng tôi và anh cùng đi trên quốc lộ/ Hôm nay anh chết, thây anh nằm trong mộ/ Tôi ở lại tranh đấu trả thù cho anh.

Thi sĩ nổi danh đôi khi chỉ cần một bài thơ hay, đó là trường hợp Hoàng Lộc. Sáng tác rất ít, song đó là bài thơ gần như rung động tuyệt vời. Ngoài ra, thơ ông còn mang mầu sắc huyền diệu về tình thương giữa người và người qua cảm giác vô cùng tha thiết.

VIẾNG BẠN

Hôm qua còn theo anh

Đi ra đường quốc lộ

Hôm nay đã chặt cành

Đắp cho người dưới mộ

Đứa nào bắn anh đó

Súng nào nhằm trúng anh

Khôn thiêng xin chỉ mặt

Gọi tên nó ra anh

Tên nó là đế quốc

Tên nó là thực dân

Nó là thằng Thổ phỉ

Hay là đứa Việt gian ?

Khóc anh không nước mắt

Mà lòng đau như cắt

Gọi anh chửa thành lời

Mà hàm răng dính chặt

Ở đây không gỗ ván

Vùi anh trong tấm chăn

Của đồng bào cửa Ngàn

Tặng tôi ngày phân tán

Mai mốt bên cửa rừng

Anh có nghe súng nổ

Là chúng tôi đang cố

Tiêu diệt kẻ thù chung

HOÀNG LỘC

Tiết 9

TỐ HỮU

(1920–2002)

Tiểu Sử.

Tên thật Nguyễn Kim Thành. Sinh 1920 ở Huế, chiến sĩ hoạt động cách mạng chống Pháp, Nhật; nhiều lần bị tù ngục ở Sơn La, Lao Bảo, Thừa Thiên Huế v.v... Từ năm 1938, thơ ông đăng rải rác trên các báo tranh đấu hoặc báo chí có cảm tình với cách mạng. Sau cách mạng tháng 8–1945, thơ ông được thu thập lại in trong tập Thơ Tố Hữu (1948). Những bài thơ mang tính chất của một người tù chiến đấu cho độc lập. Phần nhiều là những bài thơ hay như: Lao Bảo, Mã Chiếm Sơn, Ba Tiếng, Trăng Trối, Người Lính Gác, Ngày Về, Trong Tù, Những Người Không Chết, Tâm Tư Trong Tù, Con Chim Của Tôi v.v... Sau năm 1950, tập thơ Việt Bắc xuất bản, một số bài hay đăng lại như : Bầm Ơi ... Còn một số bài như Đời đời nhớ ông, đề cao cá nhân, ý thơ gò ép, ngượng nghịu, công thức của lối thơ phong trào :

“Thương cha thương mẹ thương chồng

Thương người thương một, thương ông thương mười”.

Trích Trăng Trối, điển hình khẩu khí chiến sĩ cách mạng (trước 1945) và bài Bầm Ơi, bài thơ hay, sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Nhật.

1–TRĂNG TRỐI

Từ thuở ấy quăng thân vào gió bụi

Đến hôm nay phút chết đã kề bên

Đến hôm nay kiệt sức tôi nằm rên

Trên ván lạnh không mảnh mền, chăn chiếu

Đời cách mạng, từ nay tôi đã hiểu

Dấn thân vô là phải chịu tù đày

Là gươm kề tận cổ, súng kề tai

Là thân sống chỉ coi còn một nửa

Bao khổ ấy cần chi tôi nói nữa

Bạn đời ơi ! Ta đủ hiểu nhau rồi

Nếu mai đây có chết một thân tôi

Hai mươi tuổi, tim đang rào rạt máu

Hai mươi tuổi hồn quay trong gió bão

Gân đang săn và thớ thịt căng ra

Đời mặn nồng hứa hẹn biết bao hoa !

Hai mươi tuổi mới qua vần thơ bé

Dù phải chết, chết đời trai trẻ

Liệm thân tàn vào một mảnh chiếu con

Rồi chôn xương giục thối dưới chân cồn

Hay phơi xác cho một đoàn quạ rỉa ?

Tôi chẳng tiếc, chỉ cười trong mai mỉa

Bao nhiêu hình ảnh đó vẽ quanh tôi

Tiếc làm chi ! Thế cũng đã sống rồi

Trường giông tố mấy năm trời vật lộn

Với cách mạng tôi không hề đùa bỡn

Và không hề dám chối một nguy nan

Dẫu bao nhiêu thành tích của thanh xuân

Tôi mới hái một đôi lần ít ỏi

Và bên bạn, chỉ là tên lính mới

Gót chân tơ chưa dầy dạn phong trần

Tôi vẫn hằng tự nghĩ “Miễn quên thân

Dâng tất cả để tôn thờ chủ nghĩa"

Thế là đủ lựa chi nhiều tài trí

Mới là tên lính quý của đoàn quân ?

Và lòng vui, trí nhẹ đủ trăm phần

Tôi sẽ chết bình yên, không hối hận

Tôi sẽ chết như bao nhiêu số phận

Nẻo đường xa đá mạnh dấn chân vào

Đã từng lăn trong máu dưới gươm trào

Thân đã nặng bởi bao gươm xiềng xích !

Tôi sẽ chết tuy không về tới đích

Nhưng cần chi đã có bạn chung đời

Tung hoành trên mặt đất bốn phương trời

Trường giao chiến không một giờ phút lặng !

Rồi chiến thắng sẽ về ta, chiến thắng

Rồi tương lai, ta sẽ chiếm về ta

Trường đấu tranh là một bản hùng ca

Ta sẽ chết trong điệu đàn tranh đấu

Đây là tiếng, hỡi bạn đời yêu dấu

Của một người bạn nhỏ, trước khi đi

Đây là lời trăng trối để chia ly

Hãy đón nó bạn đời ơi đón nó !

Đường tranh đấu không một giờ thoái bộ

Sống đã vì cách mạng, anh em ta

Chết cũng vì cách mạng chẳng phiền hà !

Vui vẻ chết như cày xong thửa ruộng

Lòng khỏe nhẹ anh dâng quê sung sướng

Ngửa mình lên liếm có ngủ ngon lành

Và trong mơ thơm ngát lúa đồng xanh

Vui nhẹ lướt trên môi cười hy vọng.

(Trong những ngày tuyệt thực)

LAO BẢO tháng 11–1940

2. BẦM ƠI (1)

Ai về thăm mẹ quê ta

Chiều nay có đứa con xa nhớ thầm...

Bầm ơi có rét không bầm

Heo heo gió núi lâm râm mưa phùn

Bầm ra ruộng cấy bầm run

Chân lội dưới bùn tay cấy mạ non

Mạ non bầm cấy mấy đon

Ruột gan bầm lại thương con mấy lần

Mưa phùn ướt áo tứ thân

Mưa bao nhiêu hạt thương bầm bấy nhiêu

Bầm ơi sớm sớm chiều chiều

Thương con bầm chớ lo nhiều bầm nghe

Con đi trăm núi ngàn khe

Chưa bằng muôn nỗi tái tê lòng bầm

Con đi đánh giặc mười năm

Chưa bằng khó nhọc đời bầm sáu mươi

Con ra tiền tuyến xa xôi

Yêu bầm yêu nước, cả đôi mẹ hiền

Nhớ thương con, bầm yên tâm nhé

Bầm của con, mẹ Vệ quốc quân

Con đi xa cũng như gần

Anh em đồng chí quây quần là con

Bầm yêu con, yêu luôn đồng chí

Bầm quý con, bầm quý anh em

Bầm ơi liền khúc ruột mềm

Có con có mẹ còn thêm đồng bào

Con đi mỗi bước gian lao

Xa bầm nhưng lại có bao nhiêu bầm

Bao bà cụ từ tâm như mẹ

Yêu quý con như đẻ con ra

Cho con nào áo nào quà

Cho củi con sưởi, cho nhà con ngơi

Con đi con lớn lên rồi

Chỉ thương bầm ở nhà ngồi nhớ con

Nhớ con, bầm nhé đừng buồn

Giặc tan, con lại sớm hôm cùng bầm

Mẹ già tóc bạc hoa râm

Chiều nay chắc cũng nghe thầm tiếng con.

1948

TỐ HỮU

Tiết 10

YÊN THAO

(1923 – )

Tiểu Sử.

Tên Nguyễn Bảo Thịnh. Sinh 1923 ở ngoại thành Hà Nội. Yên Thao là nhà thơ nổi tiếng từ ngày khói lửa, tác giả nhiều thi bản mang chất tiểu tư sản như Quang Dũng, Tất Vinh, Hồng Nguyên... Nhà Tôi là bài thơ trội nhất và cũng là bài thơ đưa ông lên địa vị xứng đáng một nhà thơ nổi danh. Nếu Hoàng Lộc chỉ cần một Viếng Bạn; Hữu Loan chỉ cần một Màu Tím Hoa Xim; thì Yên Thao chỉ cần một Nhà Tôi. Còn gì đẹp hơn nhìn hình tượng một chiến sĩ đứng bên này sông nhìn về bên kia; làng mình đang chìm dưới đạn khói địch. Để rồi lòng tin như thép tô già, thề một lần trở về cứu quê hương, nơi có vợ trẻ, mẹ già, làng có nhiều hình ảnh quen thuộc tĩnh vật. Và ngay từ khi xuất quân, tác giả đã nắm phần thắng :

“Này anh đồng chí

Người bạn pháo binh

Đã đến giờ chưa nhỉ

Mà tôi nghe chừng như trại giặc tan tành”

Bài Nhà Tôi đẹp, nhẹ nhàng, dung hòa được hai hình ảnh : tổ quốc và gia đình đều gánh nặng trên hai vai chiến sĩ, trích từ tập thơ Thép Son (Liên khu Ba xuất bản 1950).

NHÀ TÔI

Tôi đứng bên này sông

Bên kia vùng địch đóng

Làng tôi đấy : xám đen mầu tiết đọng

Tre cau buông tóc rũ ướt mưa sương

Màu trắng vôi lôm lốp mấy khung tường

Nếp đình xưa người hỡi đau gì không ?

Tôi là anh lính chiến

Rời quê hương từ dạo lửa khơi dòng

Buông tay gầu vui lại thuở Bình Mông

Ghi nấc súng nhớ ơi ngày đắc thắng

Chân chưa vẹt trên nẻo đường vạn dặm

Áo nào phai không sót chút màu xưa

Đêm hôm ấy tôi trở về lành lạnh

Sông sâu mừng lấp lánh sao lưa thưa

Tôi có người vợ trẻ

Đẹp như thơ

Tuổi chớm đôi mươi cưới buổi dâng cờ

Má trắng mịn thơm thơm mùi lúa chín

Ai đã đi mà không từng bịn rịn

Rời yêu thương nào đã mấy ai vui

Em lặng buồn nhìn với lúc chia phôi

Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ

Tôi còn người mẹ

Tóc ngả mầu bông

Tuổi già non thế kỷ

Lưng gầy uốn nặng kiếp long đong

Nắng mưa từ buổi tang chồng

Tơ tằm rút mãi cho lòng héo hon

Ôi xa rồi !

Mẹ tôi lệ nhòa mí mắt

Mong con phương trời

Có từng chợt tỉnh đêm vơi

Nghe ròn tiếng súng nhớ lời chia ly

Mẹ ơi ! Con mẹ tìm đi

Bao giờ hết giặc con về mẹ vui

Đêm nay tôi trở về lành mạnh

Sông sâu mừng lấp lánh sao lưa thưa

Ống quần nâu đã vá mụn giang hồ

Chắc tay súng tôi mơ về Nguyễn Huệ

Làng tôi đấy bên trại thù quạnh quẽ

Trông im lìm như một nấm mồ ma

Có còn không em hỡi, mẹ tôi già

Những người thân yêu khóc buổi tôi xa ?

Tôi là anh lính chiến

Theo quân về giải phóng quê hương

Mái đầu xanh bụi tóc viễn phương

Bước chân đất đạp xiêu đồn lũy địch

Này anh đồng chí !

Người bạn pháo binh

Đã đến giờ chưa nhỉ?

Mà tôi nghe chừng trại giặc tan tành

Anh rót cho khéo nhé

Không lạc nhầm nhà tôi

Nhà tôi ở cuối thôn đồi

Có giàn thiên lý có người tôi thương.

1949

YÊN THAO

Tiết 11

CHÍNH HỮU

(1926– )

Tiểu Sử.

Tên Trần Đình Đắc. Sinh 1926 ở Nghệ An. Đậu Tú tài triết học trước 1945, tham gia ngày đầu cách mạng kháng chiến. Tác phẩm đã xuất bản : Đầu Súng Trăng Treo (thơ, 1966,72,84), Thơ Chính Hữu (4.1997). Theo ông, với nghiệp làm thơ, chỉ nên: “...Tôi tự xác định mình chỉ nên là, và chỉ có thể là người làm thơ nghiệp dư, tài tử, để có thể tự do. Để tự do chỉ viết những điều nội tâm mình thôi thúc phải viết...”.

ĐỒNG CHÍ

Quê hương anh nước mặn đồng chua

Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá

Anh với tôi, đôi người xa lạ,

Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau

Súng bên súng, đầu sát bên đầu

Đêm rét chung chăn, thành đôi tri kỷ

Đồng chí !

Ruộng nương anh gửi bạn thân cày

Gian nhà không mặc kệ gió lung lay

Giếng nước gốc đa nhớ người đi lính

Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh

Sốt run người vừng trán ướt mồ hôi

Áo anh rách vai

Quần tôi có vài mảnh vá

Miệng cười buốt giá

Chân không giày

Thương nhau tay nắm lấy bàn tay

Đêm nay rừng hoang sương xuống

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

CHÍNH HỮU

Tiết 12

HÀ MINH TUÂN

(1921–1992)

Tiểu Sử.

Tên thật Nguyễn Văn Trí, quê quán Hưng Yên. Tác giả tập văn Lên Mặt Trận Thủ Đô và tập ký sự Những ngày máu lửa (1948). Giọng văn hấp dẫn, kỹ thuật viết cao, điêu luyện.

Trong trại ở Hà Đông, cảnh tấp nập hơn ngày thường. Đó là hình tượng tiểu đoàn sắp sửa lên mặt trận Thủ Đô. Lời căn dặn của tiểu đoàn trưởng đối với anh em diễn ra thật cảm động. Có một chiến sĩ ở lại nhìn tốp quân lên đường, lòng nao nao buồn, xáo trộn nhiều ý nghĩ. Đó là nội dung tập truyện Hà Minh Tuân. Truyện không có cốt truyện, nhưng nội dung diễn tả rất linh hoạt. Ông thích đi tìm ý nghĩ, suy tưởng của chiến sĩ với nếp sống rất mới. Tả cảnh đẹp rộn rịp lên đường: “Trên con đường từ cổng trại vào nhà ở của binh sĩ, những bóng đen đi lại tiếng nói chuyện nho nhỏ. Những giây điện thoại căng quá sâu bắt gió, reo lên ngân dài trầm bổng xoáy vào trong tiếng cây lá lào xào”. Thật phấn khởi của buổi sắp lên đường dưới ngòi bút Hà Minh Tuân. Hoặc tác giả tả cảm tưởng người đi, kẻ ở, đặc sắc như : “Tôi nắm lấy bàn tay ram ráp lạnh giá của anh. Trong ít giây, hai chúng tôi đều im lặng. Nắm tay chúng tôi xiết chặt đến bật nóng. Lòng tôi bồi hồi. Tim tôi đập nhanh. Đột nhiên tôi kéo anh lại sát tôi. Lần đầu tiên trong đời tôi, tôi hôn người bạn trai nồng nàn như thế”. Ngoài Những Ngày Máu Lửa còn vài truyện đặc sắc như Những ngày đầu chiến đấu. Giọng văn ở đây cũng thật điêu luyện, nói lên hình tượng qua lời rung cảm chân thành, hướng chiều sâu nội tâm con người mới. Tác phẩm Những ngày máu lửa (1949), Trong Lòng Hà Nội (1957), Vào Đời (tiểu thuyết, 1968) v.v...

LÊN MẶT TRẬN THỦ ĐÔ

..Trời về hạ tuần, tối đen như mực.

Trại Vệ Quốc Quân Hà Đông có một vẻ nhộn nhịp khác ngày thường. Ở tiểu đoàn bộ và đại đội bộ sát liền nhau, đèn tỏa đăng sáng trưng những bóng người qua lại trong đó in hình lên cửa lính, thỉnh thoảng một hai người ra vào.

Trên con đường từ cổng trại vào nhà ở của binh sĩ những bóng đen đi lại tiếng nói chuyện nho nhỏ. Những giây điện thoại căng sâu bắt gió reo lên ngân dài trầm bổng xoáy vào trong tiếng cây lá lào xào. Tiểu đoàn trưởng ở trong đoàn bộ đi ra một mình tạt qua sân cỏ xuống trại lính. Khổ người to ngang nhưng hơi thấp, dáng dấp nhanh nhẹn nhưng hùng dũng. Đoàn trưởng đã dự chiến nhiều trên mặt trận Tây miền biên giới. Ở mặt trận ấy chính bọn Pháp cũng phải khâm phục gọi đoàn trưởng là Con hùm xám trên sông Mã. Dừng lại trước cửa trong bóng tối, đoàn trưởng đứng lặng nhìn những người lính của mình lố nhố rất đông trong căn phòng nhà binh rộng rãi.

Những người lính trước khi lên đường qua mặt trận. Họ nhộn nhịp, họ vui cười sửa lại ba lô, họ cặm cụi viết thư. Mỗi người có một tâm sự. Lần đầu tiên đi chiến đấu. Lần đầu tiên trong đời họ sắp được dùng viên đạn thâm thù của gần một thế kỷ để bắn vào mặt những cái quân bao nhiêu năm hút máu hút mủ dân tộc họ, đã đầy đọa dân tộc họ trong muôn trùng khổ ải.

Những bộ đội ở bên kia sông may cũng đã về đến nơi. Bốn chiếc ô tô lớn lén vào cổng trại, rung lên câu ca :

“Quân xung phong nước Nam đang chờ mong tay người... Hồn sông núi khí thiêng ghi muôn đời...” Mấy phút sau, còi tập họp, mọi người chạy rầm rập và ra sắp hàng. Anh chính trị viên tiểu đoàn nói về nhiệm vụ sắp tới của tiểu đoàn ở ngoài mặt trận những nỗi gian khổ mà mọi người phải vượt qua đồng thời khích lệ tinh thần anh em... Cuối cùng anh đọc “Mười lời thề danh dự của quân đội Quốc gia”. Sau tiếng thét xin thề lần thứ mười vang như sấm dậy, có thể nghe rõ tiếng run rế, tiếng ễnh ương kêu gióng của những thửa ruộng đằng sau trại.

Tiểu đoàn trưởng ra lệnh xuất phát. Người lính thứ nhất tiến lên hướng ra phía cổng trại, tiếp theo ngay người thứ hai, người thứ ba ... người nọ sau người kia, cái giây người cứ kéo dài ra mãi...

Mấy trăm cái bóng lướt qua mặt tôi, mỗi bóng ấy gửi lại tôi tất cả những cái gì lạnh lẽo trong người họ. Tôi hơi bàng hoàng gần như say sóng. Mới đầu còn phân biệt được được bóng cao, bóng thấp, bóng to, bóng nhỏ sau rồi không phân biệt được nữa, bóng nào cũng như bóng nào, tất cả như được đúc ra từ một cái khuôn giống nhau.

Người lính nai nịt gọn gàng sàng ba lô trên lưng, đeo súng đi lặng lẽ trong đêm trông sao mà đẹp thế. Có ai hay những người lính lặng lẽ ấy đang sôi nổi những điều gì ?

Anh tiểu đoàn trưởng quay lại phía tôi, khi người lính cuối cùng đã qua chúng tôi được mấy bước không đợi anh nói lời chào từ biệt. Tôi nắm lấy bàn tay ram ráp lạnh giá của anh. Trong ít giây, hai chúng tôi đều im lặng. Nắm tay chúng tôi xiết chặt đến bật nóng. Lòng tôi bồi hồi. Tim tôi đập nhanh. Đột nhiên tôi kéo anh lại sát tôi. Lần đầu tiên trong đời tôi, tôi hôn người bạn trai nồng nàn đến thế. Hình như một khoảnh khoắc một ý nghĩ thoáng qua đầu tôi rất nhanh như một tia chớp : “Gửi anh tiểu đoàn trưởng tất cả những tình thân mến cho đoàn chiến sĩ”.

– Chiến thắng.

– Thôi tôi đi.

Lời chào nhau vắn tắt. Anh tiểu đoàn trưởng rảo bước theo người lính sau cùng ra đến tận cổng trại. Trên đầu tôi, một ngôi sao lẻ loi như vừa lạc ở một bầu trời nào tới, leo lét trong khoảng tối bao la...

Trích “Những ngày máu lửa”

HÀ MINH TUÂN

Tiết 13

KIM LÂN

(1922– 2007 )

Tiểu Sử.

Sinh năm 1922 ở Bắc Ninh. Tên thật là Nguyễn Văn Tài. Trước 1945 viết cho báo Tiểu Thuyết thứ bảy v.v...

Tác giả tả lại một câu chuyện xảy ra, người nghe là cậu giáo làng, người kể là ông lão tản cư. Câu chuyện ấy: Lão Hai đóng vai chủ động, kể sinh hoạt của làng lão, chợ Dầu. Sự xê dịch hoàn cảnh chính trị ảnh hưởng trực tiếp tới con người đang sống trong hiện cảnh, chu kỳ đó. Lão Hai trước kia thường kể chuyện giầu sang của bọn phong kiến, lão cho rằng đó là một điều vẻ vang, thích thú. Rồi khi ánh sáng Tổng Khởi Nghĩa bừng lên, lão không thể kể chuyện ấy nữa, lão bắt đầu kể cho cậu giáo hay bất cứ ai về nếp sống mới. Và bắt đầu bằng nguyên nhân tản cư của những người sinh trưởng ở chợ Dầu lên Nhã Nam. Sự xung đột nhỏ nhặt giữa người thôn quê địa phương và người mới đến, lão Hai và bà chủ nhà. Tới khi có tin làng lão ai theo Pháp, bà chủ nhà sợ liên lụy yêu cầu trục xuất gia đình lão. Nhưng ít lâu sau, ông chánh tổng Chợ Dầu lên cải chính, làng Chợ Dầu không theo Tây, nhà cửa bị đốt cháy và sự thông cảm giữa bà chủ nhà và lão Hai lại nối lại và có phần thân thiết hơn xưa.

Kim Lân với giọng kể chuyện có duyên, hấp dẫn, nhất là những pha tả tâm trạng lão Hai thích ba hoa, mà chính là lão dốt, lão chưa đọc chữ thông suốt ; nhưng lại thích ra phòng thông tin nghe tin tức rồi về nhà kể cho mọi người nghe. Mặc cảm này ở Kim Lân được bày tỏ rất tinh tế, tài quan sát và tâm lý bén nhậy của tác giả xúc cảm sâu rộng bao trùm tâm trạng lão Hai, một người dân quê Việt Nam bỡ ngỡ với cách mệnh 1945; khiến chúng tôi nhớ đến một phần trong chuyện có hình ảnh Ả.Q. của Lỗ Tấn cũng một trường hợp tương tự xảy ra ở Trung Hoa vào 1911. Còn là tác giả truyện ngắn Con Chó Xấu Xí. in vào 1945; Nên Vợ Nên Chồng (truyện ngắn 1955), Hiệp Sĩ Gỗ ...

LÀNG

Tối nào cũng vậy, cứ đến lúc con bé lớn lão Hai thu thủ que đóm cháy nhập nhòa trong chiếc áo rách tất tả đi từ nhà bếp lên, và mụ Hai ngồi ngay thuỗn cái mặt trước đĩa đèn dầu lạc lầm bầm tính tiền của, tiền bún, tiền kẹo, tiền đồ thì lão Hai vùng dậy sang bên cậu giáo nói chuyện.

Không hiểu sao cứ đến lúc ấy lão Hai thấy buồn. Nằm nghe tiếng súng dội trong đêm tối và nhất là cái tiếng rì rầm tính toán tiền nong của mụ vợ tự nhiên lão sinh ra nghĩ ngợi vẩn vơ, nó cứ bực dọc làm sao ấy. Mà lão thì lão không thích nghĩ ngợi như thế một tí nào. Lão phải đi chơi cho khuây khỏa. Lần nào cũng thế, cứ vừa nhô đầu qua cái mái lá giang cậu giáo là lão hỏi ngay: – “Thế nào? Báo hôm nay có gì không cậu?” Không đợi trả lời, lão nói luôn – “Này Đác Giăng Li Ơ nó lại mới về Pháp đấy nhé. Hừ chơi vào. Còn là đi đi về về ạ”. Hoặc: – “Đêm qua ta lại đột kích vào bãi tàu bay Gia Lâm. Thảo nào cả ngảy hôm nay chẳng thấy bóng vía cái nào cả”. Rồi lão kể chuyện Tây khủng bố, chuyện Việt Gian, chuyện Thổ phỉ, chuyện lão lượm được hồi trưa ở ngoài điếm. Cả chuyện chính trị quân sự nữa. Ta bố trí nó thế này, ta bố trí nó thế khác; rất trơn tru, rất thành thạo, mà chẳng đâu vào đâu cả. Cậu giáo khen thì lão kéo nhằng một ria mép nhũn nhặn: –“Cũng là học lỏm cả đấy thôi cậu ạ ... Mấy bị chả là tôi cũng là phụ lão cứu quốc mà”. Và cuối cùng lúc câu chuyện hàng ngày đã nhạt rồi thì lão xoay đến chuyện cái làng của lão. Lão nhắc lại cái làng ấy một cách say sưa và náo nức lạ thường. Lão khoe làng lão có cái phòng thông tin tuyên truyền sáng sủa và đẹp đẽ nhất vùng. Lão khoe làng lão nhà ngói san sát sầm uất như tỉnh, những đường trong làng lát đá xanh, trời mưa trời gió tha hồ đi khắp đầu làng cuối ngõ không bao giờ bùn dính đến gót chân. Tháng năm, ngày phơi rơm, phơi thóc thì tốt thượng hạng. Không có bao giờ có hạt thóc đất nào. Lão Hai hay có tính khoe khoang làng như thế xưa nay. Hồi đế quốc Pháp, mỗi bận đi đâu xa, khoe làng lão chỉ khoe cái sinh phần của viên tổng đốc làng lão. Lão có vẻ hãnh diện cho làng được cái sinh phần đó lắm? – “Chết ! Chết! Tôi chưa thấy cái dinh cơ nào mà lại như cái làng cụ Thượng tôi có lắm là lắm của, Vườn hoa cây cảnh nom như động ấy. Thầy bảo còn hơn cái lăng cụ Thiếu Hà Đông nhiều cơ mà”. Và mỗi bận có nhiều khách bên ngoài ở dưới Nam lên chơi là thế nào lão cũng phải dắt ra thăm lăng cho kỳ được. Lão mê man giảng giải cho họ. Cái tượng đá này của ông Hoàng Thạch Công đánh rơi giầy. Những người hàng xứ kia là Bát Tiên qua lại. Cái ống đắp bằng xi măng lù lù ở giữa cái hố bát giác kia là lấy cái kiểu tân bên Cao Miên ở chùa Đế Thích. Còn như cái cọc sắt nhọn hoắt cắm vào cái bầu rượu đắp bốn con giơi quét vôi vàng mãi tít trên ngọn sinh phần ấy là cái máy thu lôi. Khiếp lắm. Sấm sét là thu tất cả vào trong ấy.

"Chả nguyên à" cụ tôi ngồi phòng sau này nằm xuống, bất hạnh sét có đánh vào cũng không việc gì mà. Xem trí tư lự của người ta có khiếp không ? Nhìn cái mặt ngây độn của những người họ bên ngoại ấy rãn ra vì kinh ngạc, thì lão hả hê cả lòng. Lão thấy cái lăng ấy một phần như có lão. Nhưng từ ngày khởi nghĩa thì tuyệt nhiên người ta không còn thấy lão nhắc đến cái lăng ấy nữa. Lão quên phắt nó đi. Bây giờ lão lại khoe khác. Lão khoe những ngày khởi nghĩa rồn rập ở làng mà lão ra nhập phong trào từ, từ thời còn bóng tối. Những cuộc mét tinh, những buổi quân sự. Cả giới phụ lão, có những cụ râu tóc bạc phơ cũng vác gậy đi tập một hai, mà mỗi lần hô động tác anh em huấn luyện phải đếm tiếng ạ, ạ thườn thượt đằng sau như : “Nghiêm ạ, ạ” Nghỉ ạ ạ “Vác súng lên vai ạ, ạ” cẩn thận. Nhất là những ụ, những hố, những giao thông hào của làng lão thì công trình không kể đâu hết. Lão kể rành rọt từng cái một, cái tài đắp ở đầu xóm Ba Khu, cái thì xây ở trước Văn Chỉ... Cũng có khi thì lão lại kể những ngày xửa ngày xưa nào không biết lão uống rượu ở nhà ông ấy, ông nọ say khướt có cả lính lệ trên phủ về không biết có công việc gì, có công việc gì, nó lại hoạnh chủ nhà sao lại uống rượu ngang, nóng mắt lão đánh cho nó mấy cái bạt tai rồi chửi cho một trận nên thân của cậu ngượng, chỉ vào mặt lão dọa: “Rồi mày biết tay ông” rồi lủi mất. Cả xóm ai cũng kêu lão tợn và cứ sợ dùm cho lão. Thế mà chẳng sao cả. Hoặc cái Văn Chỉ sau chùa, trước vẫn có mấy thằng ăn mày ở đây sì sụp thổi nấu, rác rưởi ngập lụt lên, bây giờ làng sửa lại cho cao ráo sạch sẽ làm chỗ khai hội và phòng đọc sách. Lão cứ ngồi vén quần lên tận bẹn trên chiếc trõng tre nhà cậu giáo mà nói liên miên hết cái đường xóm này tốt, đến cái giếng xóm kia trong với những chuyện đâu đâu về làng của lão, làm như cậu giáo cũng quen biết và cũng bận tâm đến những thứ ấy lắm.

Thực ra lão chỉ nói cho sướng miệng và cho đỡ nhớ cái làng của lão chứ lão cũng chẳng để ý gì người nghe có thích nghe lắm không ? Đôi khi thấy mình mải nói quá, mà cậu giáo thì hình như lơ đễnh đâu đâu, lão nhắc lại :

– Cậu vẫn nghe đấy chứ ?

Thì cậu giáo giật mình trả lời vội vàng :

– Có, có. Tôi vẫn nghe đấy, ông kể nốt đi.

Thế lão yên trí, lại cười vui vẻ kể tiếp :

– Nhưng cũng có nhiều bận, đang nói say mê như vậy bỗng dưng lão ngắc lại, mặt thần ra nghĩ ngợi một lúc lâu, lão thủ thỉ : “Chuyến này đi dăm, ba năm, mười lăm năm không biết có về được đến làng đến nước nữa không đây ?”. Lão im lặng rồi tiếp : “Nó chết một cái nhà tôi neo người quá đi chứ những như một mình tôi nhất định ở lại làng cùng anh em cơ đấy cậu ạ ...”

Thực tình lão Hai không muốn tản cư lên trên này một tí nào. Trong làng còn có một số anh em ở lại, họ quây quần với nhau trong một khoảng chừng năm sáu nóc nhà ở giữa làng. Ngày ngày cùng anh em đi đào đường, lắp ụ, mải vui công việc lão chẳng còn tưởng gì đến vợ con nhà cửa nữa. Năm nay tin mụ Hai nhắn về thúc phải lên ngay, lão chỉ nhe bộ răng cải mả ra cười : “Kệ, còn bận chưa lên được”.

Hôm nọ mụ Hai thân chinh đi ba bốn chục cây số về đón lão đã toan không đi. Lão nghĩ : “Mình sống ở cái làng này từ thuở chôn rau cắt rốn đến giờ. Ông, cha, cụ Kỵ mình xưa kia cũng sinh sống ở cái làng này đã từ nhiều đời nay rồi. Bây giờ phải cái lúc hữu sự như thế này nhất đón mình lại bỏ làng mà đi, như thế chả hóa ra con người không biết nghĩ ư ? Lão đành lòng. Với lại được cùng anh em ở lại giữ làng, lão thấy mình có cái hãnh diện được lo toan được có phận sự ở trong làng, công việc là công việc chung chứ của riêng mình ai ?” Lão bảo mụ vợ :

– Tao thì tao không đi được đâu. Mẹ con mày trên ấy liệu bảo nhau xoay sỏa làm ăn. Cứ neo người thì mượn lấy thêm một đứa ở. Tản cư thì cũng phải thiếu thốn mọi thứ chứ, lại như ngay trước thì đâu có ?

Nhưng mụ Hai khóc lóc, nằn nỉ bắt lão phải đi. Mụ bảo :

– Thế ông định bỏ mẹ con tôi chết cả nút à ? Ông phải lên trông nom chúng nó cho tôi xoay sỏa chứ. Mượn người ở thì lấy tiền đâu ?

Rồi mụ khẩn khoản với mọi người nhờ nói dùm hộ để “ông nhà tôi” đi. Lão Hai đành phải nghe theo. Lão buồn khổ lắm nhưng cũng không biết làm thế nào ? Tình cảm mẹ con chúng nó quả có gieo neo thật. Một nách ba đứa con dại, vốn liếng lại chả có cứ nhong nhong ôm con ở nhà thì lấy gì mà ăn. Lão lên thì cũng chẳng được việc gì đâu ? Nhưng không có lão không xong. Lấy ai trông trẻ cho mà làm ? Lão biết chứ có phải không đâu. Thôi thì chú ở lại làng cùng anh em được thì tản cư cũng là kháng chiến.

Lão ngủ lại chuyện trò cùng anh em một đêm. Rồi sáng hôm sau hai vợ chồng đi từ lúc mờ đất. Những ngày đầu ở trên này lão ít nói ít cười. Cái mặt lúc nào cũng lầm lì, hơi có điều gì khác là lão thét lác, đập phá to lên. Lắm khi chuyện chẳng đâu vào đâu lão cũng khơi ra to để gây sự với vợ “Chúng mày làm khổ ông. Chúng mày làm khổ ông nó vừa chứ ? Ông thì giết chết. Ông thì giết chết!” Nhưng lão cứ bước chân ra khỏi cái gian nhà tối thấp và bộn lên những hòm, bị, những nồi niêu với những giây quần áo ẩm sì ấy là mặt lão nhẹ nhõm, tươi hẳn lên. Sao mà lão sợ cái gian nhà ấy thế! Ngày lại ngày quanh ra quanh vào chẳng có công việc gì mà cất nhà lão càng bực dọc cáu bẳn. Nhất là những buổi trưa nắng, im vắng, oi ả, có tiếng mụ chủ nhà nói nheo nhéo ở bên ngoài thì lão không sao chịu được. Giá cứ cà khịa với nhau cãi toáng lên thì lão còn dễ chịu hơn. Thật tình lão Hai chưa thấy một người đàn bà nào lại tinh quái tham lam như mụ ta. Người thì gầy đét như thanh củi khô. Cái mồm mỏng lèo lèo nói cứ biến đi mà chúa thần là gian. Không vào trong nhà thì thôi, động vào là nhòm. Mụ nhòm só này một tí, rồi lục. Mụ giở lọ tương lên ngắm rồi đặt xuống, mụ giở tháp gạo ra xem lại đậy vào, mụ lục bồ mọi chiếc áo ướm thử vào người rồi vứt trả. Hình như trong ý mụ, mũ nghĩ : “Chúng mày ở nhờ nhà tao, thì những thức của chúng mày cũng như của tao”. Mà đúng thế, những đồ ăn thức dùng của mụ, mụ cất kỹ đi. Con dao, cái chậu, bó củi của người ta mụ đem dùng tự nhiên. Họ cất, mụ lại lôi ra. Không tìm thấy thì mụ nói móc nói máy như chính mụ bị người ta ăn hiếp mụ. Đến cả cái ăn , cái uống mụ cũng dây phần vào. Nhà đong có thức gì mụ đã biết rồi. Không một hôm nào ở quán về mụ không xấn tới vạch thùng xem.

– Ừ nhà này nó có món cá ngon gớm. Chiều tớ phải xin một bát mới được. Thế là đến chiều mụ xui con bưng bát đến xin. Mụ đẩy lưng thằng bé :

– Con cứ xuống mà xin tội gì ?

Có cái gì ăn đâu mà mụ biết thì mụ đánh hơi. Mụ đứng giữa nhà, hếch cái mũi lên hít hít :

– A có mùi gì thơm gớm, y như mùi bánh dán ấy anh em ạ. Mẹ kiếp nhà này nó dấu.

Và cứ lâu lâu, mụ lại vay tiền. Lúc mua trầu vỏ, lúc mua diêm thuốc lúc mua mớ cau. Con cá...Có đòi thì mụ chủng chẳng :

– Tớ trừ vào tiền nhà thuê đấy.

Rồi mụ cười rất nhạt :

– Nói đùa đấy chứ, mai tớ cuốc sẻ sắn(14) tớ bán tớ khác trả.

Và mụ tiếp luôn : – Này ! Nói thì bảo tham. Nhà cái lão Hai này với nhà cậu Giáo bên kia ở thật tớ đếch được cái gì. Đằng xóm dưới cánh hàng xáo họ ở, họ nuôi lợn được vô khối là khuẩn. Nhà quê chúng tớ cho ở nhờ thì chủ có mỗi cái là khuẩn thôi.

Ngay từ dạo mới lên, lão Hai đã bực mình với mụ ấy lắm rồi. Năm bẩy lần lượt bảo vợ dọn nhà đi nơi khác, nhưng mụ vợ cứ lần chần. Mụ bảo :

– Biết đâu rằng hơn đâu. Hay là lại quá tội. Mấy lị trong làng ngoài phố, nhà nào cũng ba bốn hiệp tản cư, chật chội cả ! Có được chỗ chui ra chui vào thế này là may lắm rồi, còn gì nữa. Lão đành phải dùng dằng chờ vậy. Buổi trưa hôm ấy lão Hai ở nhà một mình. Con bé lớn gánh hàng ra quán cho mẹ vẫn chưa thấy về. Hai đứa bé thì ra vườn chơi. Lão nằm vắt tay lên trán mà nghĩ vẩn vơ về cái làng của lão, đến những ngày làm việc cùng anh em. Ờ độ ấy sao mà vui vẻ thế. Lão thấy mình trẻ ra như họ. Cũng hát hỏng, cũng bông phèng, cũng đào cũng cuốc, cũng mê man suốt ngày chả kém gì họ. Trong lòng lão lại thấy náo nức hẳn lên. Lão lại muốn về làng, lại muốn cùng anh em đào đường, đắp ụ, xẻ hào, khuân đá. Không biết cái chòi gác đầu làng họ đã dựng xong chưa ? Những đường hầm bí mật chắc là còn khướt lắm. Chao ôi ! Lão thèm có công việc quá. Chẳng việc to thì việc nhỏ miễn là có công việc làm. Bên ngoài ánh sáng dọi xuống mặt sân sáng lóa. Có mấy tiếng gà trưa cất lên eo óc. Cái gian nhà ấy cũng như lịm đi mờ mờ hơi đất. Giờ này là con mụ chủ sắp đi làm đồng về đây. Lão lại sắp phải nằm trong nhà mà nghe mụ chủ mắng con mắng cái kêu vại nước chóng cạn, cái bếp bừa bộn nheo nhóc lên đây. Cái liếp che cửa bỗng kêu lên lạch sạch, gian nhà bừng sáng lên, lão Hai giật mình ngóc đầu dậy. Đứa con gái nhớn gánh đôi thúng không, ở ngoài bước vào :

– Ở ngoài ấy làm gì lâu thế này ?

Không kịp để con bé trả lời, lão vơ lấy cái nón nói luôn :

– Ở nhà trông em bé. Đừng có đi đâu đấy. Lão giơ tay trỏ lên nhà nói khẽ : “Nó thì lôi ruột ra, nghe chưa ?” Trời xanh lồng lộng có những tảng mây sáng chói lừ lừ. Đường vắng hẳn bóng người qua lại. Họ rạt cả vào các khoang bóng cây. Một vài tiếng động khẽ gợn lên oi ả. Lão Hai đi nghiêng ngang giữa đường nắng, cái đầu cúi lả về phía trước hai tay vung vẩy, nhấp nhổm. Gặp ai quen là lão cũng níu lại :

– Này nắng này là chúng nó bỏ mẹ chúng nó.

Có người bỡ ngỡ hỏi lại : “Chúng nó nào ?” thì lão bật cười giơ tay chỉ về phía tiếng súng :

– Tây ấy còn chúng nó nào nữa. Ngồi xe tăng giờ này bằng ngồi tù.

Dứt lời lão lại vội đi như bận công việc lắm. Cũng như mọi hôm, việc đầu tiên lão vào phòng thông tin nghe đọc báo. Lão cứ đứng vờ vờ xem trông chờ người khác đọc rồi nghe lỏm. Điều này lão khổ tâm hết sức. Lão cũng đã có học một khóa Bình dân học vụ ở làng, cũng đã biết đọc biết viết. Nhưng chữ in khó nhận mặt chữ, lão đọc nó cứ bập bõm, câu được câu chăng mà chớ nhẽ cứ nghếch mãi cổ lên giữ chặt lấy tờ báo không cho người khác xem nữa. Lão ghét thậm những anh cậy ta lắm chữ đây, đọc báo cứ đọc thầm một mình, anh dân quân đọc rất to và rất dõng dạc và rành từng tiếng một. Cỡ chừng anh ta cũng mới học thành ra đánh vần được chữ nào anh ta đọc luôn chữ ấy như thế cho tất cả những người ở trong phòng thông tin này biết rằng ta biết chữ đấy. Lão nghe chẳng sót câu nào. Bao nhiêu là tin hay. Một em nhỏ trong ban Tuyên truyền xung phong bơi ra giữa hồ Hoàn Kiếm cắm quốc kỳ lên Tháp Rùa đấy. Cứ kêu là chúng nó trẻ con mãi đi, mình liệu đã bằng chúng chưa ? Một anh trung đội trưởng sau khi giết được bẩy tên giặc hết đạn anh ta đã tự sát bằng một quả lựu đạn cuối cùng làm chết thêm mấy tên nữa. Tin những người liều mạng cả. Thế mà cứ bảo người mình rát như cáy. Đáo sự ra cũng gan chí mề kém gì Nhật. Lại còn bao nhiêu tin đột kích vào một xe díp. Cứ thế, chỗ này giết được một ít, chỗ kia giết được một ít. Cả súng ống nữa cũng vậy. Hôm nay dăm khẩu, ngày mai dăm khẩu, tích tiểu thành đại làm gì mà thằng Tây không bước sớm. Ruột gan lão như múa cả lên vui quá. Lão khấp khởi bước ra khỏi phòng thông tin tạt vào một quán hỏi tào lao mụ vợ vài câu rồi đi thẳng về cổng Huyện cũ. Những người tản cư đứng ngồi lố nhố dưới mấy gốc cây đa sù sì, cành lá rườm rà và kên vào nhau rải xuống mặt đường và bãi cỏ một vùng bóng mát rộng. Lão ngồi vào một cái quán gần đấy. Hút một điếu thuốc lào, uống một hụm chè tươi nóng, lão chùi miệng ngẫm nghĩ. Bao nhiêu ý nghĩ vui thích chen chúc nhau trong đầu óc lão. Tiếng quát, tiếng thở trẻ con cùng với tiếng cười nói của bọn đi phá hoại về ran lên. Dưới chân đồi, những thửa ruộng xanh mượt uốn quanh co dưới trời nắng lấp loáng như một khúc sông. Có mấy bóng cò trắng bay rập trời.

– Các ông các bà ở đâu ta lên đấy ạ ? – Lão Hai đặt bát nước xuống trõng hỏi. Một người đàn bà mau miệng trả lời :

– Ồ Gia Lâm lên ạ. – Lúa má ở dưới ta thế nào ? Liệu có cấy được không ?

– Chả cấy thì lấy gì mà ăn. Cấy tất cả ông ạ. Chân ruộng dưới chúng tôi còn tốt hơn trên này nhiều.

Lão rít một hơi thuốc lào nữa gật gù cái đầu. Hừ đánh nhau cứ đánh nhau, cấy cầy cứ cấy cầy, tản cư cứ tản cư, phá hoại cứ phá hoại...Hay đáo để.

– Này bác có biết súng máy mấy hôm nay nó bắn ở đâu mà dữ thế không ?

Một người đàn bà cho con bú mé bên kia hỏi xen vào:

– Nó rút ở Bắc Ninh về Chợ Dầu nó khủng bố ông ạ.

Lão Hai quay phắt người lại cuống quít hỏi :

– Nó, nó vào làng Chợ Dầu hở bác ? Thế ta giết được bao nhiêu thằng ?

Người đàn bà cong môi lên đỏng đảnh :

– Có giết được thằng nào đâu ? Cả làng chúng nó Việt Gian theo Tây còn giết gì nữa ?

– Liệu có thật không vậy bác ? Hay là chỉ lại ...

– Thì tôi ở vùng ấy lên đây lại mà. Việt Gian từ thằng chủ tịch mà đi ông ạ ? Tây vào làng chúng nó bảo nhau vác cờ Thần hoàng ra hoan hô. Thằng Chánh Bên thì khuân cả tủ chè đỉnh đồng và vải vóc lên xe cam nhông đưa vợ con ra Hà Nội.

– Có người hỏi ?

– Sao bảo làng Chợ Dầu phong trào cao lắm cơ mà ?

– Ấy thế mà bây giờ đốn thế đấy!

Lão Hai trả tiền nước, đứng dậy chem chép miệng cười nhạt rồi vươn nói to :

– Hà nắng gớm, về nào ...

Lão vờ vờ lảng ra chỗ khác một chút rồi đi thẳng. Tiếng cười nói sôn sao hỗn độn của đám người ấy vẫn rõi theo. Lão vẫn nghe rõ những tiếng chua lanh lảnh của người đàn bà cho con bú:

– Cha mẹ tiên sư nhà chúng nó chứ ? Đói khổ ăn cắp ăn trộm bắt được người ta còn thương. Cái thứ Việt Gian bán nước thì cứ cho mỗi đứa một nhát .

Lão Hai cúi gầm mặt xuống mà đi. Lão thoáng nghĩ đến mụ chủ nhà. Về đến nhà lão nằm vật ra giường. Mấy đứa trẻ thấy bố hôm nay có vẻ khác, chúng len lén nhìn nhau ra thềm chơi sâm sui với nhau. Nhìn lũ con tủi thân, nước mắt lão cứ ràn ra. Chúng nó cũng là trẻ con làng Việt Gian đấy ư ? Chúng nó cũng bị thiên hạ người ta rẻ rúng, hắt hủi đấy ư ? Khốn nạn bằng ấy tuổi đầu... Lão nắm chặt hai tay lại rít kêu lên : “Khốn nạn! Chúng bay ăn miếng cơm hay miếng gì vào mồm mà đi làm cái giống Việt Gian để nhục nhã thế này ?” Lão bỗng ngưng bặt, ngờ ngợ như nhời mình không được đúng lắm. Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn thế sao. Lão kiểm điểm từng người trong óc. Không mà toàn những người có tinh thần có nhân cách mà. Họ đã ở lại làng quyết tâm một sống một chết với giặc, có đời nào họ lại làm cái điếm nhục ấy ? Nhưng sao lại nẩy ra cái tin như thế ? Mà thằng chánh Bên thì đích là người lãnh đạo không sai rồi. Không còn ai bịa tạc được nữa ? Chao ôi! Cực nhục chưa cả làng Việt Gian. Rồi đây biết ăn biết nói ra sao ? buôn bán ra sao ? Ai người ta chứa ? Ai người ta buôn bán với ? Suốt cả cái nước Việt Nam này, người ta đã ghê tởm, người đã thù hằn cái giống Việt Gian...Lại con bao nhiêu người làng tan tác mỗi người một phương nữa không biết họ đã biết cơ sự này chưa ? Chiều hôm ấy mụ Hai về cũng có vẻ khác. Mụ bước từng bước uể oải cúi mặt xuống bần thần. Đôi quang thúng thõng thẹo treo trên hai mẩu đòn gánh. Mụ đi thẳng vào trong nhà lúi húi xếp hàng vào một só hồi lẳng lặng ra bậc cửa ngồi ôm chân mà nghỉ ngơi. Trẻ con cũng chẳng đứa nào dám vòi quà. Trong nhà có cái im lặng thật là khó chịu. Không ai dám cất tiếng lên nói. Cả đến nhìn nhau họ cũng không dám nhìn nhau nữa. Mãi tới khuya mụ Hai mới chống tay đứng dậy. Mụ lẳng lặng xuống bếp châm lửa lấy, tính tiền hàng. Vẫn những tiền của, tiền bún, tiền đỗ, tiền kẹo... Vẫn cái giọng rì rầm thường ngày. Có khác là đôi khi mụ ngắc lại mắt thần ra nghĩ ngợi :

– Này thầy nó ạ.

Lão Hai vẫn nằm rũ ra ở chân giường không nói gì.

– Thầy nó ngủ rồi à ?

– Gì ?

Lão sẽ nhúc nhích :

– Tôi thấy người ta đồn...

Lão gắt lên :

– Biết rồi ...

Mụ nín bặt. Gian nhà lặng đi, hiu hắt. Ánh lửa vàng nhờ ở ngọn đèn dầu lạc vờn trên nét mặt lo âu của mụ. Tiếng thở đều đều của ba đứa trẻ châu đầu vào nhau ngủ nhẹ nhàng nổi lên. Nghe như tiếng thở của gian nhà.

– Thế người ta đồn trên này người ta không chứa những người chợ Dầu nữa thầy ạ.

Nghe ngóng một chút không thấy chồng trả nhời mụ lại cúi xuống lẩm bẩm tính. Nét mặt lặng đi chịu đựng và nhẫn nhục. Bên gian cậu Giáo đi ngủ từ lâu, chung quanh đều êm lặng. Một vài tiếng chó nhúc nhắc sủa phía xa xa và có tiếng trẻ khóc vẳng trong gió. Lão Hai vẫn trằn trọc không sao ngủ được. Lão hết giở mình bên này lại giở mình bên kia thở dài. Chợt lão lặng hẳn ngay đi chân tay bủn ra, tưởng chừng như không cất lên được ... có tiếng nói léo nhéo ở giàn trên. Tiếng mụ chủ... Mụ nói cái gì thế này ? Trống ngực lão rồn ; lão lắng tai nghe bên ngoài hồi hộp. Mụ Hai bỗng lại cất tiếng :

– Thầy nó đi ngủ rồi ư ? Dậy tôi bảo cái này đã.

Lão Hai bật ngóc đầu dậy, giơ tay lên nhà lão sít hai hàm răng lại :

– Im khổ lắm. Nó mà nghe thấy lại không ra cái gì bây giờ ?

Đoạn lão lại ngả mình nằm xuống vắt tay lên trán nghe ngóng.

Đã ba hôm nay, lão Hai không bước chân ra đến ngoài, cả đến bên cậu giáo lão cũng không dám sang. Suốt ngày lão chỉ quanh quẩn ở cái gian nhà chật chọi ấy mà nghe ngóng. Nghe ngóng xem tình hình bên ngoài ra sao ? Một đám đông túm lại, lão cũng để ý. Dăm bảy tiếng cười nói xa xa lão đến chuyện ấy. Cứ thoảng như nghe những tiếng Tây... tiếng Việt Gian tiếng cam nhông... là lão vội lủi ra một góc giường nín thở. Thôi lại chuyện ấy rồi. Nhưng còn cái này nữa lão sợ, sợ có lẽ còn ghê rợn hơn cả mấy tiếng kia nhiều. Ấy là mụ chủ nhà. Từ ngày xẩy ra chuyện ấy hình như mụ lấy điều làm cho vợ chồng lão đau khổ ngầm là mụ thích. Sáng chiều bốn buổi đi làm đồng, mụ kéo lê cái cạo cỏ quèn quệt dưới đất qua cửa, mụ nhòm vào nói với những câu bóng gió xa xôi như khía vào thịt lão. Thôi thì bây giờ thế nào mà chả phải chịu. Có chỗ mà ở là may lắm rồi. Mỗi lần mụ nói, lão cố cười gượng làm như không biết chuyện gì. Lão thì lão muốn như thế mụ chủ nhà có để cho chúng yên đâu ? Sáng hôm sau lúc mụ Hai sắp sửa quang gánh ra hàng thì mụ chủ ở nhà trên bước xuống. Mụ đứng dọng háng ở ngoài nói chõ vào :

– Bà lão chưa đi hàng cơ à ?

– Chưa bà ạ. Mời bà vào chơi trong này.

– Vâng bà để mặc em... À bà Hai này – Mụ chạy sát vào bực cửa thân mật. Trên này họ đồn rằng dưới làng nhà ta đi Việt Gian theo Tây, ông bà biết chưa nhỉ ? Họ bảo có lệnh đuổi hết những người ở làng chợ Dừa ra khỏi vùng này không cho ở nữa. – Mụ chủ chép miệng giọng ngọt sớt: – “Em cứ khó nghĩ quá... ông bà cũng là người làm ăn tử tế cả. Nhưng mà có lệnh biết làm thế nào ? đành nhẽ ông bà kiếm nhà khác vậy. Nay ở với nhau đang vui vẻ ông bà dọn đi em lại cứ nhớ đáo để đấy nhớ.”

Mụ Hai cúi mặt xuống rân rân nước mắt mụ nói :

– Vâng...thôi thì chính phủ đã chẳng cho chúng tôi ở nữa chúng tôi cũng đành chịu đi nơi khác chứ biết làm thế nào ? Nhưng xin ông bà trên ấy nghĩ lại thư thư cho vợ chồng chúng tôi vài ba hôm nữa. Bây giờ bảo đi... chúng tôi cũng không biết là đi đâu nữa?

Mụ chủ đi rồi, mụ Hai và con bé nhớn cũng gánh hàng ra quán. Lão Hai ngồi lặng trên một góc giường. Bao nhiêu ý nghĩ đen tối ghê rợn rối bời bời trong đầu óc lão. Biết đem nhau đi đâu bây giờ ? Biết ở đâu người ta chứa bố con lão mà đi ? Thật là tuyệt đường sinh sống. Mà không gì một cái đất Thằng này. Ở Đài, ở Nhã Nam, ở Cao Thượng; đâu đâu cũng có người Chợ Dầu người ta cũng đuổi như đuổi hủi. Hay là quay về làng ? Vừa chồm nghĩ như vậy lập tức lão phản đối ngay. Về làm gì cái làng ấy nữa. Chúng nó theo Tây cả rồi. Về làng tức cũng là phản quốc, là chịu quay lại làm nô lệ cho Tây. Lão nghĩ ngay đến mấy thằng kỳ lý chuyện môn khua khoét ngày trước lại ra vào hống hách ở trong đình. Và cái đình lại như của riêng chúng, lại thâm nghiêm ghê gớm chứa toàn những sự ức hiếp : đè nén nạt nộ. Ngày ngày chúng lại dong ra dong vào đánh tổ tôm mà bàn việc làm tư với nhau trong ấy. Những hạng cùng đình như lão có đi qua chỉ dám liếc trộm vào, rồi cắm đầu xuống lùi lũi đi. Lão nghĩ mà rợn cả người. Từ Tổng khởi nghĩa đến giờ lão đã được đi lại ra vào tự do trong cái đình ấy như mọi người. Lão không thể về cái làng ấy được nữa. Về bây giờ ra lão mất hết à ? Lão lại cam tâm làm thằng bạch đinh không có quyền ăn, quyền nói à ? Không, không thể nào về được. Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải từ. Giết bớt chúng nó đi. Phá tan các làng ấy đi. Triệt hạ ! Triệt hạ hết! Nước mắt lão ứa dòng trên gò má. Lão ôm thằng con út lên lòng, vỗ nhè nhẹ vào lưng nó mà khẽ hỏi :

– Húc kia, thầy hỏi con nhé, con là con ai ?

– Là con thầy mấy lị con đẻ.

– Thế nhà con đâu ?

– Ở làng Chợ Dầu.

– Thế con có thích về làng Chợ Dầu không ?

Thằng bé nép đầu vào ngực bố. Nó trả lời khe khẽ:

– Có...

Lao Hai ôm khít tay thằng bé một lúc lâu. Lão lại hỏi:

– À thầy hỏi con nhé. Thế con ...

Mấy hôm ru rú ở só nhà một mình mình những lúc buồn khổ quá, chẳng biết nói cùng ai, lão lại thủ thỉ với đứa con nhỏ như vậy. Lão nói như thể ngỏ lòng mình lại minh oan cho mình nữa. Anh em đồng chí biết cho bố con lão. Cái lòng bố con nhà lão lúc nào cũng thế, có bao giờ dám đơn sai. Chết thì chết chứ có bao giờ dám đơn sai. Mỗi lần nói ra được đôi câu như vậy nỗi khổ tâm trong lòng lão cũng vợi vợi đi được đôi phần. Khoảng ba giờ chiều hôm ấy, có một người đàn ông đến chơi nhà lão Hai. Hắn cũng là người làng Chợ Dầu. Đâu như hắn là cháu gọi lão Hai là chú. Hai người đứng thì thầm ở góc nhà với nhau một lúc lâu rồi thấy lão kịp dặn trẻ coi nhà. Lão đi mãi đến sẩm tối mới về. Cái mặt buồn chảy một ngày rạng rỡ hẳn lên. Mồm bỏm bẻm nhai trầu. Cặp mắt hung hăng đỏ hấp háy. Vừa đến ngõ lão đã lên tiếng :

– Chúng mày đâu cả rồi, ra thầy chia quà cho nào.

Lũ trẻ ở trong nhà ùa ra, lão dúi vào cái bọc lá chuối khô cho con bé lớn :

– Bánh rán đường đây, chia cho mỗi em một cái.

Dứt lời lão lật đật đi thẳng sang gian cậu Giáo. Chưa đến cửa lão đã bô bô:

– Cậu giáo làm gì đây ? Tây nó đốt nhà tôi rồi cậu ạ. Đốt nhẵn. Ông chủ tịch làng tôi vừa lên trên này, chính ông bảo cho tôi biết, cải chính tin làng Chợ Dầu chúng tôi Việt Gian ấy mà. Láo. Láo hết. Toàn là sai mục đích cả.

Cậu giáo chưa nghe thủng câu chuyện ra sao, lão đã lật đật bỏ lên nhà trên :

– Tây nó đốt nhà em rồi ông chủ ạ. Ông chủ tịch làng em vừa lên cải chính. Cải chính cái tin làng Chợ Dầu chúng em Việt Gian ấy mà. Ra láo. Láo hết. Chẳng có gì sất. “Toàn là sai mục đích cả”.

Cũng chỉ được bằng câu ấy lão lại bỏ đi nơi khác. Còn để cho người khác biết chứ. Lão múa tay mà khoe cái tin ấy với mọi người như một sự đắc thắng, vinh dự. Ai ai cũng vui mừng cho lão. Đến cả mụ chủ nhà là người sẽ xa xầm mặt xuống, trái lại cũng tỏ ra sung sướng, mụ reo lên:

– Có thế chứ, thế mà cứ tưởng dưới nhà đi Việt Gian. Thật tớ ghét ghê ấy. Thôi bây giờ ông bà cứ ở lại tự nhiên. Chẳng ai nói gì đâu?

Lão cười gật gật. Tối hôm ấy lão Hai lại sang bên cậu Giáo, ngồi trên cái trõng tre nói về cái làng của lão. Về chuyện Tây vào làng khủng bố, dân quân tự vệ đánh chúng làm sao, cầm cự thế nào, rành rọt tỷ mỷ như chính lão vừa dự trận đánh nhau xong thật.

KIM LÂN

(1947)

Tiết 14

HỒNG NGUYÊN

(1924 –1951)

Tiểu Sử.

Tên thật là Nguyễn Văn Vượng, quê quán Thanh Hóa. Sau 1945, hoạt động văn hóa cứu quốc Liên khu IV, tham gia báo Thép Mới. Tác giả một số bài thơ như: Nhớ... Và chúng tôi trích dẫn dưới đây, phản ánh thật sâu sắc về cuộc tiến công của Vệ quốc quân trong một thời đoạn sống kháng chiến.

NHỚ

Lũ chúng tôi

Bọn người tứ xứ

Gặp nhau hồi chưa biết chữ

Quen nhau từ buổi “một hai”

Súng bắn chưa quen

Quân sự mười bài

Lòng vẫn cười vui không chán

Lót sắt đường tàu,

Rèn thêm dao kiếm,

Áo vải chân không,

Đi lùng giặc đánh

Ba năm rồi giữ lại quê hương

Mái lều gianh

Tiếng mõ đêm trường

Luống cày đất đỏ

Ít nhiều người vợ trẻ

Mòn chân bên cối gạo đêm khuya

Chúng tôi đi

Nắng mưa sờn mép ba lô

Tháng năm bạn cùng thôn xóm

Nghỉ lại lưng đèo

Nằm trên dốc nắng

Kỳ lưng hộ nhau ngang bờ cát trắng,

Quờ chân tìm hơi ấm đêm mưa

– Đằng nhớ vợ chưa

– Đằng nớ ?

– Tớ còn chờ độc lập

Cả lũ cười vang bên ruộng bắp.

Nhìn thôn nữ cuối nương dâu

Chúng tôi đi mang cuộc đời lưu động

Qua nhiều nơi không nhớ hết tên làng

Đã nghỉ lại rất nhiều nhà dân chúng

Tôi nhớ bờ tre gió lộng

Làng xuôi xóm ngược mái rạ như nhau

Có nắng chiều đột kích mấy hàng cau

Có tiếng gà giúp xóm,

Có “khai hội, yêu cầu, chất vấn !”

Có mẹ hiền bắt rận cho những đứa con xa.

Trăng lên tập họp hát om nhà.

Tôi nhớ

Giường kê cánh cửa

Bếp lửa khoai vùi

Đồng chí nớ vui vui

Đồng chí nớ dạy tôi dăm tối chữ

Đồng chí mô nhớ nữa

Kể chuyện Bình Trị Thiên

Cho bầy tôi nghe với

Bếp lửa rung rung đôi vai đồng chí

– Thuở trong nớ hiện chừ vô cùng đau khổ

Đồng bào ta phải kháng chiến ra ri.

Đêm đó chúng tôi đi

Nòng súng nghiêng nghiêng

Đường món thấp thoáng...

Trong điếm nhỏ,

Mười người trai tráng,

Sờ chuôi lựu đạn

Ngồi thổi nùn rơm

Thức vừa rạng sáng

Nhìn trời sương nhẩm bước chúng tôi đi.

Chúng tôi đi nhớ nhất câu ni

Dân chúng cầm tay lắc lắc

“Độc lập nhớ viền (9) chơi với chắc !”(15)

HỒNG NGUYÊN

Tiết 15

HOÀNG TRUNG THÔNG

(1925 – 1993)

Tiểu Sử.

Quê quán Nghệ An. Sinh ngày 5 –5 – 1925, nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến. Tác giả những bài thơ : Quê hương chiến đấu, Những cánh buồm, Trong gió lửa, Hướng mùa thu v.v... Bài ca Vỡ đất trích dẫn dưới đây là một bài thơ nổi tiếng nhất của ông.

BÀI CA VỠ ĐẤT

Chúng ta đoàn áo vải

Sống cuộc đời rừng núi bấy nay

Đồng xanh ta thiếu đất cày

Nghe rừng lắm đất lên đây với rừng

Tháng ngày ta góp sức chung

Vun từng luống đất cuốc từng gốc cây.

Đường xa tới đây

Trên đồi cây khát nắng

Giữa hai dòng suối vắng

Đoàn ta vui cấy cày

Bàn tay lao động

Ta gieo sự sống

Trên luồng đất khô

Bàn tay cần cù

Mặc dù nắng cháy

Khoai trồng thắm rẫy

Lúa cấy xanh rừng ;

Hết khoai ta lại gieo vừng

Không cho đất nghỉ không ngừng tay ta

Suối chảy quanh ta

Tiếng suối ngân nga

Hòa theo gió núi

Ta đào mương mở suối

Tuổi ta là những tuổi đấu tranh.

Cho dù bạc áo nông binh

Vẫn còn vỡ đất cấy xanh núi đèo.

Chim reo trong đá

Hòn đá cheo leo

Chúng ta một lớp người nghèo

Giữa chiều nắng gió

Phạt gai cuốc cỏ

Tỉa đỗ trồng khoai

Ngày còn dài

Còn dai sức trẻ

Càng dễ đào sâu

Hát lên ! Ta cuốc cho mau

Nhanh tay ta cuốc ta đào đất lên.

Bàn tay ta làm nên tất cả

Có sức người sỏi đá cũng thành cơm

Ta vui mùa lúa thơm

Ta mừng ngày quả chín

Gửi ra người tiền tuyến

Diệt quân thù, gối đất nằm sương

Như ai nhuộm thắm sao vàng

Mồ hôi là đổ xuống hàng rau tươi.

Rừng xanh xanh cả máu người

Còn mùa lúa tốt còn tươi áo chàm.

HOÀNG TRUNG THÔNG

1948

Tiết 16

TRẦN HỮU THUNG

(1923 – 2003 )

Tiểu Sử.

Sinh năm 1923. Quê quán Diễn Châu Nghệ An. Cũng như Hoàng Trung Thông, Hồng Nguyên, Hoàng Lộc, Hoàng Cầm, Yên Thao v.v...Trần Hữu Thung trưởng thành trong khói lửa, qua các bài thơ Thăm Lúa, Đồng Tháng Tám, Anh Vẫn Hành Quân v.v...Thăm Lúa, một bài thơ được nhiều người biết tới khi nhắc đến tên Trần Hữu Thung.

THĂM LÚA

Mặt trời càng lên tỏ

Bông lúa chín thêm vàng

Sương treo đầu ngọn cỏ

Sương lại càng long lanh

Bay vút tận trời xanh

Chiền chiện cao tiếng hót

Tiếng chim nghe thánh thót,

Văng vẳng khắp cánh đồng,

Đứng chống cuốc em trông

Em thấy lòng khấp khởi

Bởi vì em nhớ lại

Một buổi sáng mai ri

Anh tình nguyện ra đi

Chiền chiện cùng cao hót

Lúa cũng vừa sẩm hột

Em tiễn anh lên đường

Chiếc xắc máy anh mang

Em nách mo cơm nếp

Lúa níu anh trật dép

Anh cúi sửa vội vàng

Vượt cánh đồng tắt ngang

Đến bờ ni anh bảo :

– “Ruộng mình quên cày xáo

Nên lúa chín không đều

Nhớ lấy để mùa sau

Nhà cố làm cho tốt”.

Xa xa nghe tiếng hát

Anh thấy rộn trong lòng

Sắp đến chỗ người đông

Anh bảo em ngoái lại

Cam ba lần có trái

Bưởi ba lần ra hoa

Anh bước chân đi ra

Từ ngày đầu phòng ngự.

Bước qua kỳ cầm cự

Anh có gửi lời về

Cầm thư anh mân mê

Bụng em giữ phơi phới

Anh đang mùa thắng lợi

Lúa em cũng chín rồi

Lúa tốt lắm anh ơi

Giải thi đua em giặt

Xòe bàn tay bấm đốt

Tính đã bốn năm ròng

Người ta bảo không trông

Ai cũng nhủ đừng mong

Riêng em thì em nhớ !

Chuối đầu vườn đã trổ

Cam đầu ngõ đã vàng

Em nhớ ruộng nhớ vườn

Không nhớ anh răng được

Mùa sau kề mùa trước

Em vác cuốc thăm đồng

Lúa sây hạt nặng bông

Thấy vui vẻ trong lòng

Em trông ngày chiến thắng.

TRẦN HỮU THUNG

1.1.1950

Tiết 17

TRẦN ĐĂNG

(1922 – 1950)

Tiểu Sử.

Tên thật là Đặng Trần Phi. Sinh ngày 11/11/1922 ở Hà Nội, hy sinh ngày 26/12/1950 tại mặt trận biên giới phía Bắc. Tác giả tập ký sự duy nhất Truyện và Ký được tái bản nhiều lần sau 1950. Một lần tới Thủ đô là một trong những ký sự chiến tranh sôi bỏng của thời kỳ kháng chiến.

MỘT LẦN TỚI THỦ ĐÔ

Trời vừa tối sầm lại thì bốn chiến sĩ xuống cầu vào tới trong thành phố. Trong gió rét căm căm dưới trời mù tối và xám lạnh, sương tỏa vào phố từ phía bờ sông, nên không nhìn rõ mặt mũi của bốn bóng người, hàng một, thấp thoáng bước theo nhau. Nhưng chỉ nhìn những bộ quần áo đen xám mỏng tanh, chẽn vào lưng, thắt vào bắp chân mỗi người, khẩu súng lớn đeo bên hông của người đi đầu, hình con dao quắm bên sườn một người đi sau, cũng đủ biết đấy là bốn chiến sĩ mới từ chiến khu về.

Dân chúng Hà thành từ hai, ba tháng nay đã quen thuộc với những hình dáng ấy. Và những ngày chưa xa, chính những hình dáng ấy đã làm tất cả Hà Nội sôi nổi, hân hoan.

Nhưng hôm nay mới về thì hình như chiến sĩ đến chậm quá ! mà có bốn người thì ít quá ! Hình ảnh khêu gợi và quyến rũ của chiến sĩ đều trở nên tầm thường rồi.

Vả lại những kẻ bán báo, những bác hàng rong, những anh em thợ thuyền... nghĩa là tất cả những người còn thích xem chiến sĩ nhất, sau một vài ngày vất vả làm ăn trong thành phố đã tản mát cả ra những ngoại ô, ngoài bãi, trở về nhà ; hoặc đã chui vào mấy xó cửa ngay trong thành phố tránh cái rét, càng về chiều càng buốt căm căm.

Nhưng mặc dầu, chỉ biết rằng chiều hôm nay, không có ai đi đón chiến sĩ mà cũng chẳng ai đi theo xem. Nhớ lại có ngày ở chân cầu, thành cầu đầy người bám ; và phố ở dưới chân cầu người xếp hàng hai bên dài tăm tắp.

Nhưng mà thực ra, chiến sĩ thản nhiên, im lặng bước, đi hàng một – lối đi rừng – người đi sau giẫm lên dấu chân của người đi trước, không hề chú ý tới chung quanh.

Cho tới đầu phố Hàng Ngang thì đèn thành phố bật sáng. Và cùng với thành phố, một cảnh tượng tưng bừng cũng sáng bật lên. Lối đèn phòng thủ tù mù vừa bỏ đi. Nhiều cửa hiệu im lìm suốt mấy năm chiến tranh đã sáng rực hẳn lên. Những tủ kính hắt ra hè phố từng mảng ánh sáng vuông vắn. Ánh sáng rực rỡ, ấm cúng lạ thường trong không khí lạnh dưới trời không trăng, sao. Và lòng người như phấn khởi hẳn lên. Không ai bảo ai, tất cả mọi người đua nhau ra đường. Mỗi lúc một đông thêm, từ các ngả đường người và xe dần dần như nêm như cối náo nhiệt đổ mãi vào những phố Hàng Ngang, Hàng Đào, mạch máu của Hà Nội.

Thật là đằng đẳng mấy năm trời sau bao nhiêu biến cố, hãi hùng và mong đợi, cảnh phồn vinh, lộng lẫy, sáng sủa như vậy mới trở lại. Nhưng trở lại vội quá chăng ?

Nhiều thứ hàng thuộc về xa xí phẩm tưởng không bao giờ Kòn Trông thấy nữa, hay còn dùng làm gì nữa, dã lại từ lúc nào hiện về, nằm im trong tủ kính, quý giá và êm đềm như giấc ngủ của nàng công chúa trong truyện thần tiên.

Hà Nội vội sống lại đêm nay những đêm nào của một thời đã qua để xứng với tên kinh thành hoa lệ, và người của Hà Nội chiều này cũng thực là những người của đất văn vật nghìn năm.

Rất nhiều kiều dân và võ quan ngoại quốc trong bộ đồ len ấm áp, sang trọng tỏa ra những hương thơm ngào ngạt của nước hoa và của yên hương. Những chiếc áo khoác trắng như tuyết trên vai những thiếu nữ Việt Nam hay những thiếu phụ mới từ miền Bắc xuống đây, thấp thoáng trong những chiếc xe hơi kiểu lạ, bóng loáng, xịch máy, từ từ trong phố. Mặc dầu những sự đã xảy ra, một võ quan Nhật Bản vẫn lẫm liệt ngồi trong một chiếc xe hơi buông mui với gươm và găng tay trắng, rẽ qua một cổng chào có hình thanh niên bạch nhật và hàng chữ hoan hô Đồng Minh.

Thủ đô Việt Nam được tô điểm bằng bao nhiêu màu sắc quốc tế. Đời sống Việt Nam cũng phản chiếu được cái ánh sáng phù hoa ấy. Phòng trà ở gốc phố, bàng bạc một ánh sáng đều nhạt, dịu dàng. Những thanh niên tuấn tú ngồi bên những chiếc áo thêu hoa, tiếng đàn rên rỉ ở những cung trầm. Xa chút nữa, cánh cửa của một tiệm nhảy hé mở để một võ quan ngoại quốc cao lớn lách vào cùng với một tà áo đỏ và để thoáng lộ ra những cặp thướt tha cũng như chợt thoáng bay ra tiếng đàn lả lướt.

Tiếng đàn lả lướt vẳng trên trời và trong đêm Hà Nội. Những ham muốn mạnh mẽ và hồi hộp nặng sa vào trong lòng mấy trang thanh niên bước vội trên vỉa hè. Nước Hồ Gươm trong làn ánh sáng như giục giã. Chút sương mờ trước mắt như đợi chờ.

" Ái tình trong giờ phút này đã phấn khởi hẳn lên trong mắt những ai ai".

Nhưng trong ánh sáng ấy, giữa những luồng sinh khí ấy, bốn chiến sĩ vẫn thản nhiên bước theo hàng một – lối đi rừng – người đi sau giẫm lên chân người đi trước. Nét mặt họ lúc này đã trông rõ được bốn khuôn mặt to, đen sạm, hiền hậu vô cùng, nhưng yên lặng và thản nhiên vô cùng. Những đôi mắt chỉ nhìn thẳng để bước đều lên. Tiếng hát của một hộp tuyến điện có làm cho người đi đầu nhìn ngang một chút; nhưng mà vẫn không nghe thấy. Vì tiếng hát đã hát rằng :

“... Buồn nhớ khóm trúc ngày xưa

Buồn trong tình xưa còn đó

Người xưa còn nhớ ta chăng ?

Hay đã quên rồi ?...”

Thực vậy, mắt mở mà không trông, tai lắng mà không nghe, bốn chiến sĩ đều bước theo người đi đầu dẫn đường. Không có một chút tình ý gì, không có một giây liên lạc nào giữa những người ấy, giữa những cảnh tượng ấy. Kỷ niệm âm u và xa vắng của rừng núi không tan biến trước ánh sáng của kinh thành. Bốn chiến sĩ cứ tiến dần mãi ra ngoại ô. Họ tìm tới một trường quân chính. Đó là mục đích của họ lần này về Thủ đô. Họ đến chậm rồi, nên có vẻ vội vã lắm.

Sáng mai ở bãi cỏ nhà trường, họ sẽ chào lá cờ đỏ sao vàng. Những ngày ở lại đây, họ còn được xem nữa cái ánh sáng của kinh thành. Nhưng xem mà vẫn không hề lưu luyến. Không bao giờ hai bên sẽ hiểu nhau. Một ngày mai, trở về núi rừng, hay xông pha nơi khói lửa, có lẽ kỷ niệm của họ ở Thủ đô chỉ là một lá cờ mỗi sáng kéo lên trên bãi cỏ ướt của nhà trường. Còn những cảnh khác vô tình họ đã nhìn thấy thì lại sẽ vô tình lần lần phai mờ mà mất hẳn đi.

Và đấy là một kỷ niệm ấm áp độc nhất của một thành phố đầy ánh sáng và len dạ.

TRẦN ĐĂNG

1–1948

(Trích lại trong “Truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1985”)


CÒN TIẾP ...




VVM.07.1.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com