Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
             





“TIẾNG CHUÔNG THIÊN MỤ ”
HAY
“TIẾNG CHUÔNG TRẤN VŨ ” ?

  




T ừ mấy mươi năm qua nhiều người vẫn thuộc bốn câu thơ tả cảnh đẹp Hà Nội xưa:

“Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương,
Mịt mù khói tỏa ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”.

Riêng ở miền Nam, người ta lại thường được nghe bài thơ có khác và chỉ có hai câu:

"Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.”

Hai bài thơ tả cảnh gần giống nhau: cảnh của hai cố đô thuộc hai miền Nam – Bắc. Điều trùng hợp lạ kì là Hà Nội và Huế đều có địa danh Thọ Xương.

Ở Hà Nội có ngõ Thọ Xương. Đây là địa danh ngày xưa dùng đặt cho một huyện của Hà Nội cũ: huyện Thọ Xương nay thuộc địa phận quận Hoàn Kiếm và quận Hai Bà Trưng. Từ đời nhà Lê về trước, đây là huyện Vĩnh Xương, đến đời nhà Mạc đổi thành Thọ Xương. Còn Thọ Xương ở Huế lại là một cái gò cao gần sông Hương. Khu rừng thông gần đó có xây kho chứa thóc gọi là Thọ Khương thượng khố (kho chứa thóc Thọ Khương). Khi Gia Long lên ngôi năm 1802 vì kỵ húy Hiếu Khương Hoàng đế, Thọ Khương được đổi ra Thọ Xương. Năm Minh Mạng thứ năm (1824) lại đổi tên thành Long Thọ cương (gò Long Thọ) trên gò có dựng đình bát giác gọi là đình Long Thọ cương. Bên này sông Hương là gò Long Thọ. Bên kia bờ sông Hương có tháp 7 tầng của chùa Thiên Mụ. (1)

Vậy là ngày xưa cả hai cố đô đều có địa danh Thọ Xương nên chỉ cần đổi chữ Thiên Mụ ra Trấn Vũ là cảnh đẹp Huế đã thành ra cảnh Hà Nội và ngược lại.

BÀI THƠ THỨ NHẤT CÓ PHẢI LÀ CA DAO ?

Bài thơ đầu bấy lâu nay vẫn được cho là ca dao. Điều này không đúng bởi ca dao là tác phẩm của quần chúng, không có tên tác giả trong khi 4 câu thơ của bài này thuộc bài thơ Hà Nội tức cảnh, tác giả là Dương Khuê, tự Giới Nhu, hiệu Vân Trì, đỗ Tiến sĩ và làm quan đời nhà Nguyễn. Tập thơ Vân Trì Thi Thảo của Dương Khuê (ký hiệu VHv. 2482, hiện lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm) có chép bài thơ viết bằng bút lông, mực tàu (xem ảnh).


Tập thơ Vân Trì thi thảo trước đây ít ai biết. Không riêng gì quần chúng mà ngay cả các nhà nghiên cứu như TS.Nguyễn Xuân Diện, chuyên gia về Hán-Nôm trong bài “Đã tìm thấy câu thơ ..."Canh gà Thọ Xương" trong "Dương Gia phả ký" trên blog riêng đã viết: “Trước hết, cho đến nay, sau nhiều năm tìm hiểu về thi văn của các tác gia họ Dương ở Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Tây cũ) [ít nhất là từ năm 1993], chúng tôi chưa từng gặp một văn bản Hán Nôm nào chép bài thơ trên...” . "Dương Gia phả ký", bản đánh máy chữ quốc ngữ trên giấy tây, do Dương Thiệu Cương lập vào cuối mùa hạ năm Quý Sửu (1973) gồm 122 trang. Từ trang 106 có bài thơ "Hà Thành tức cảnh”. Bài thơ này có mấy chữ khác với bản chữ Nôm trong Vân Trì Thi Thảo. (Tư liệu trích từ blog của TS. Nguyễn Xuân Diện. )

Vào thời điểm cách đây hơn 10 năm, sau khi nhận được thư của ông Dương Nghiệp Bảo thuộc dòng dõi cụ Nghè Vân Đình (Dương Khuê) từ Manila gửi về đề ngày 18.10.1994, TS. Nguyễn Xuân Diện đã giới thiệu bản đánh máy bằng chữ quốc ngữ "Dương Gia phả ký” do Dương Thiệu Cương biên soạn vào cuối mùa hạ năm Quý Sửu (1973) và được Dã Lan Nguyễn Đức Dụ in. "Dương Gia phả ký" từ trang 106 bắt đầu chép thơ của cụ Nghè Vân Đình (Dương Khuê) và cũng ngay trang này có bài thơ "Hà Thành tức cảnh", gồm 4 câu thơ nêu trên. TS. Nguyễn Xuân Diện cùng ghi chú thêm: “Trong sách Tâm trạng Dương Khuê - Dương Lâm, Nxb KHXH, Hà Nội, 2005, tác giả Dương Thiệu Tống cho biết: "Bài thơ này chép và chú thích theo Dương gia phả ký và Luận đề về Dương Khuê” (Nguyễn Duy Diễn: Luận đề về Dương Khuê. Nhà in Khai trí, Sài Gòn, 1960, trang 160). Như vậy, từ năm 1960, tài liệu Luận đề về Dương Khuê đã khẳng định bài Hà thành tức cảnh là của Dương Khuê. Xưa hơn thế, sách Văn đàn bảo giám, tuyển tập thơ ca do Trần Trung Viên sưu tập […] cũng khẳng định Hà Thành tức cảnh là của tác giả Dương Khuê. Tuyển tập thi ca Văn đàn bảo giám xuất bản chỉ cách năm Dương Khuê tạ thế (1902) khoảng hai ba chục năm, vì thế, có thể tin được”. 


Vậy là nay ta đã có nhiều chứng cứ xác định rõ bốn câu thơ tả cảnh đẹp Hà Nội trên không phải là ca dao mà là một bài thơ của nền Văn học viết thời thuộc Pháp. Chỉ có điều lạ là ai đã sửa câu thơ đầu của nguyên bản “Phất phơ ngọn trúc trăng tà” thành ra “Gió đưa cành trúc la đà”?

Dương Thiệu Tống là cháu nội của Dương Khuê đã cho rằng: "Có người đã sửa đổi câu thơ này là Gió đưa cành trúc la đà, nhưng có lẽ là sai vì làm mất đi ý nghĩa ẩn dụ của toàn câu mà chỉ có ý nghĩa tả cảnh mà thôi".(3)

BÀI THƠ THỨ NHÌ CÓ PHẢI LÀ DÂN CA ?

Tìm trong kho sách văn học nước ta thấy có du kí “Mười ngày ở Huế” của học giả Phạm Quỳnh đăng trên báo Nam Phong (về sau được NXB Văn Học in thành sách năm 2001). Ở chương IV của thiên du kí này có đoạn viết như sau:

“Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương.

Cả cái hồn thơ của xứ Huế như chan chứa trong hai câu ca ấy. Chùa Thiên Mụ là một chốn danh lam, có cái tháp bẩy từng, ở ngay trên bờ sông Hương, làng Thọ Xương thì ở bờ bên kia. Đêm khuya nghe tiếng chuông chùa với tiếng gà gáy xa đưa văng vẳng ở giữa khoảng giời nước long lanh mà cảm đặt thành câu ca cho con trẻ hát, ấy mới rõ cái tính tình của người xứ Huế…” (4)

Vậy là chính Phạm Quỳnh đã xác nhận hai câu thơ trên là câu ca của con trẻ…. nhưng ai là người đặt câu ca ấy? Chính Phạm Quỳnh hay người dân xứ Huế? Điều này nay ta chưa được rõ, chỉ biết ở miền Nam xưa hầu như ai cũng biết đến hai câu thơ tả cảnh đẹp của Huế… rồi đến khoảng thập niên 60 khi bài hát Thương về cố đô của Châu Kỳ được phổ biến rộng rãi thì người ta biết thêm hai câu cuối “Thuyền về xuôi mái sông Hương/ Có nghe tâm sự đôi đường đắng cay”.

Có người cho rằng Châu Kỳ đã phổ nhạc cả 4 câu từ một bài dân ca Huế. Chùa Thiên Mụ bên sông Hương

“TIẾNG CHUÔNG THIÊN MỤ ” & “TIẾNG CHUÔNG TRẤN VŨ ” ĐÂU LÀ NGUYÊN BẢN?

Điều mà nhiều người đến nay vẫn thắc mắc là tại sao mấy câu thơ của Dương Khuê (1839-1902) và Phạm Quỳnh (1892-1945) lại có nhiều nét giống nhau đến vậy!

Dương Khuê người phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông, nay thuộc huyện Ứng Hòa, Hà Nội; còn Phạm Quỳnh tuy về sau vào Huế làm Chủ bút báo Nam Phong rồi làm quan Thượng Thư của triều Bảo Đại nhưng cũng là người sinh trưởng ngay giữa phố phường Hà Nội.

Có thể chính Phạm Quỳnh đã đọc các câu thơ của Dương Khuê rồi cảm cái hồn thơ ấy mà viết nên mấy câu cho xứ Huế. Biết đâu Phạm Quỳnh đã lấy hai câu đầu của bài thơ rồi đổi Trấn Vũ thành Thiên Mụ? Cũng có ý kiến ngược lại, cho rằng Dương Khuê lúc cuối đời, chán cảnh quan trường thời thuộc Pháp mà treo ấn từ quan rồi đi ngao du sơn thủy… vào đến Huế nghe bài dân ca tả cảnh đẹp xứ Huế… đến lúc về lại Hà Nội đã cảm tác mà làm nên bài thơ tả cảnh với 4 câu nay ta đọc thấy trong Vân Trì Thi Thảo.

Bài thơ sớm phổ biến rộng rãi rồi nhiều người đã lầm tưởng đây là bài ca dao dân dã ca ngợi cảnh đẹp Hà Nội.
-----------------------
CHÚ THÍCH:
1. Phạm Quỳnh trong “Mười ngày ở Huế” cho rằng Thọ Xương trong câu ca là làng Thọ Xương. Ở Huế có làng chài Thọ Khương gần làng Nguyệt Biều.
2. Ảnh trích từ http://news.zing.vn/Khong-co-chuyen-canh-ga-Tho-xuong-la-mon-an-post279980.html ngày 19/10/2012.
3. Dương Thiệu Tống, Tâm trạng của Dương Khuê và Dương Lâm, Nxb. Khoa học Xã hội, HN, 2005.
4. Phạm Quỳnh; Mười ngày ở Huế (Phần IV) - NXB Văn học,  2001.





VVM.13.12.2021

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com